Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Hai, 30 tháng 3, 2009

NHỚ RỪNG






K4 năm nay lại có một chuyến đi rừng, coi chương trình thật hấp dẫn lại nhớ cuối 2007 tôi có một chuyến đi gần như thế nhưng "bụi" hơn. Xe đò và chỉ đến những nơi nghèo ( Đi theo chương trình xóa đói giảm nghèo), hành trang là cái ba lô và cái máy ảnh. Tám ngày lang thang bản Bo, Cam Đường, Phong Thổ, cổng trời Xa Lông, Mường Chà...Về đến Điện Biên hết "xí quách" vội mua vé máy bay chuồn thẳng, hết chịu nổi. Nghe các bác K4 đi lại thấy ham nhưng kẹt việc nhà. Nhơ nhớ rừng, lấy mấy ảnh cũ post lên góp vui với các bác K4 nhưng lại không có "hộ khẩu" bên đó đành về Utroi chia sẻ một số hình ảnh về đồng bào dân tộc.

K7 Hà nội gặp nhau năm nào?

Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2009

Tiếp " BAO CẤP MUÔN NĂM" của Hà Mèo

CHỊU CÁC BỐ!

Nhón sĩ quan tham mưu cơ quan tiền phương TCHC chúng tôi đóng tại trại Đa vít cũ của Mỹ trong sân bay Tân Sơn Nhất. Mỗi người đại diện cho mỗi phòng của BTM HC ngoài Hà Nội. Công việc khác nhau nhưng sinh hoạt chung trong bộ phận tham mưu do một anh là phó phòng KH phụ trách. Chúng tôi sống rất hòa thuận, vui vẻ và thường giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Toàn đại úy và thiếu tá cả nhưng vào cái thời “một yêu anh có may ô” thì cũng chẳng dư dả gì. Được đồng lương nào về A trưởng thu sạch, xuống đơn vị họ cho cái phong bì mỏng là mừng lắm rồi, cài cắm đâu thì cài nhưng cấm dám nhét ví. Quĩ cơ quan cũng nghèo, tích cóp mãi, tiếp vài ông khách ” trên “ về là kể như trắng tay, chẳng trông chờ gì được.

Đã nghèo nhưng ông nào cũng ham nhậu, một tuần không có một hai bữa nâng li, tán láo với nhau là buồn lắm. Để đều dặn vui vẻ được với nhau,chúng tôi phải tiết kiệm, không ra quán xá làm gì cho nó chém . Anh em tự lực chợ búa lấy, bia ra đại lý vác về, tự làm, tự chén có mấy chú em bên thông tin, cơ yếu phụ giúp. Tiền ít nên món chủ lực trong thực đơn đi chợ là thịt thủ và lòng heo. Mấy vị giám đốc cơ sở lên thỉnh thoảng cũng tham gia, thấy bữa nào cũng y trang vậy mới bảo :” lại chuyên khoa tai mũi họng ”

Một bận, mấy anh em mua về mấy cái bao tử heo, kéo nhau ra bể nước làm. Lũ chó đơn vị nuôi cũng lượn quanh, rập rình. Thừa cơ, cu Míc lao vào làm luôn một cái bao tử rồi chạy vụt ra ngoài. Lập tức hai đại úy, một thiếu tá lao theo, cu Míc biết có người truy đuổi cũng cắm đầu chạy hết tốc lực. Sân bay rộng mênh mông thế mà không thoát, chạy sang thông tin, rồi sang d5 lữ144, chạy đến đâu, quay lại đã thấy ba ông sĩ quan ngay phía sau . Cu Míc hết hơi, chạy lộn trở lại về đến cổng doanh trại gần căng tin vẫn thấy ba ông sĩ quan ở đằng sau. Cu Míc hết chịu nổi, nhả ngay cái dạ dày heo trước sân căng tin, rồi chuồn mất. Ba sĩ quan thu lại hàng bị mất, cười tươi rói, mang về làm tiếp.

Tay Dục chủ căng tin lắc đầu :” chịu các bố, hèn chi hàng em ế!”. Còn cu Míc được bữa bở hơi tai, chui vào bụi cây nằm thở. Trưa ấy, các sĩ quan dzô! 100% dzô , Cún , Milu quện dưới chân bàn, chỉ có Míc mằn ườn góc nhà, mõm đính sàn, mắt lim dim nhìn CÁC THỦ TRƯỞNG, vẫn hãi.

Đà nẵng 29/3


Nhân ĐN thi bắn pháo hoa, các bác K7-8 được dịp hội ngộ ở bãi biển Mỹ khê, sau đó lên đường ra Quảng trị, Đông Hà, Đồng hới...tiếc rằng không bám càng theo được ! Thôi thì gặp được nhau còn nhậu được là 'sướng' rồi.

Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2009

"Tắt đèn" hưởng ứng giờ trái đất

Giờ trái đất là chiến dịch toàn cầu của Quỹ bảo tồn thiên nhiên hoang dã (WWF), kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp, chính phủ và cộng đồng tắt đèn trong một giờ từ 20h30 đến 21h30 ngày 28/3 để ủng hộ nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Chiến dịch khởi xướng tại Sydney năm 2007 với sự tham gia của 2 triệu người. Năm 2008, hơn 50 triệu người trên thế giới tham gia. Năm 2009, Giờ trái đất hướng tới con số 1 tỷ người tại 1.000 thành phố tham gia.

Hoa Ban

Tôi có chú em họ lái xe khách tuyến đường HN-Điện biên. Hôm trước nó rủ tôi đi ĐB chơi. Nó khoe lên ĐB mùa này, hoa Ban nở trắng đồi, đẹp lắm. Cũng thấy xiêu lòng, muốn đi 1 chuyến cho biết ĐB và xem hoa Ban như thế nào (để khi thằng con học thơ TH còn có cái "thực tế" chứng minh cho sinh động). Hẹn gặp Tr.M vào buổi trưa, không biết làm gì cho hết thời gian, lại "lượn" ra Bờ Hồ ngắm cảnh.

Thấy có cây hoa đang nở rộ, mấy lão bà đang nhặt và xếp hoa rụng. Hỏi ra thì mới biết đó là hoa Ban, giống hoa tưởng chỉ vùng cao Tây bắc mới có.





Hôm sau, "nhà văn" K.V "lên cơn" huyết áp cao, rủ tôi đi bộ tập thể dục. Đi dọc phố ĐB đến trước lăng Bác, chợt thấy 2 bên con đường đối diện lăng nhiều cây hoa Ban đang nở đầy hoa. Thế là "nhà văn" cũng lần đầu được biết đến hoa Ban của Tây bắc.
Thế thì việc gì phải "lọ mọ" lên tận Điện biên để ngắm hoa Ban? Hà nội cũng có. Đỡ 1 chuyến "ngược" vất vả.




Ngẫm nghĩ, hoa Ban chỉ nở khi Xuân về. Sắc hoa trắng hồng cũng đẹp lắm chứ! Tại sao chả có bài viết hay hình ảnh được ca tụng, đón nhận "nhiệt tình" như Lộc vừng? LV ra lộc cũng đẹp, lá vàng cũng đẹp và hoa nở thì lại càng đẹp ???





Hay chỉ tại cái tên? Lộc vừng là mang đến lợi lộc, còn Ban là chia sẻ, cho đi, mất lộc? Vì vậy chẳng mấy ai thích và quan tâm???
Có lẽ mình già thật rồi, lẫm cẩm quá!

Thứ Năm, 26 tháng 3, 2009

Lộc (không) vừng.

Cám ơn TQ UT đã gửi hoa Lộc vừng. Xem ảnh mà cứ xuýt xoa, đẹp quá!


Chắc là mình không có "duyên" với LV nên ra HN toàn vào lúc "đặc sản" của HN hoặc là rụng hết lá, hoặc không còn hoa để thưởng thức. Tiếc thật!






May quá, đọc "còm men" của bác TM, như được an ủi. Đúng là không có Lộc làm sao có Vừng.







Thôi có lộc thế này cũng là "quý" rồi.








Nhân tiện tặng bác TM 2 con chim, góp vào "quỹ" chim HN nhé.








Rình mãi mà không chụp được lúc nó lao xuống nước bắt cá.




Mong các bạn HN tranh thủ "chộp" hoa Lộc vừng, gửi vào cho ae SG thì quý hóa quá!

Thứ Tư, 25 tháng 3, 2009

Gửi Đắc Hòa

Hoa lộc vừng đỏ rực bên hồ Gươm
Sau một tháng trổ màu vàng và thay lá, đêm qua cây lộc vừng bên hồ Hoàn Kiếm bắt đầu nở hoa và đến sáng nay rụng đỏ rực trải thảm đường đi và trên mặt nước. Nhiều người dân thích thú nhặt cả vốc mang về cho trẻ em chơi...Xem tiếp

Ảnh:
Đọc thêm Nhớ nhung tháng ba

Một vài suy nghĩ về cô Xoan của KV

"... Xoan mơ màng ngơ ngác như đứa trẻ…Hoa xoan mới nhú, lại sắp một mùa hoa xoan nữa… Mấy lính trẻ Hà Nội chúng tôi ra khỏi nhà mồm mép như tép nhảy, trọc ghẹo chẳng tha cô gái nào trong xóm nhưng về đến nhà thì tuyệt nhiên khác. Những lúc thấy Xoan ngồi một mình chúng tôi chỉ im lặng nhìn từ xa... "

Đây là đoạn văn có cấu trúc rất tuyệt . Tả cảnh và tả người với góc nhìn của kẻ thứ hai và thứ ba làm cho tôi thấy KVK7 có cái tầm của một cây viết rất cá tính . Và bỗng dưng tôi thấy ... nghi nghi cái Đ/C này . Nếu không phải người trong cuộc với tài " buôn " thì ... tôi nghĩ rằng cái Đ/C này có mấy sợi gen của các bậc văn hào đấy .

Hy vọng cái Đ/C này luyện thêm nhiều chưởng thâm hậu cho AE được tự hào cái .

PS : Tuyệt đối không được lấy thần hứng từ bia rượu và các chất kích thích khác nha ( thuốc lá thì được ) .

THÔNG BÁO HỌP MẶT

BLL Khóa 7 trường Nguyễn Văn Trỗi ( Khu vực miền Bắc ) kính mời
_ Anh chị em đến dự buổi họp mặt thường niên (lần 1) vào hồi 9h ngày 29/03/2009
_Địa điểm : 116 Ngọc Hà , Ba Đình, Hà Nội_Cửa hàng Bia Vinh Hói
_Rất mong anh chị em có mặt đầy đủ
Thay mặt BLL
Hoàng Mạnh Thắng

Thứ Ba, 24 tháng 3, 2009

Gốc thông Trường Trỗi ở Quế Lâm

Cao "tư lệnh" về thăm Quế Lâm có tạt qua thăm trường cũ.
- Anh Cao bên gốc thông lưu niệm của trường ta trồng tháng 10/2007.














- Cùng anh Lưu Đào, nguyên bí thư Đảnguỷ Y Zhong, trườc cổng trường Y Zhong mới.














- Núi Ốc và những bia lưu niệm "đã gắn". Hy vọng trường ta cũng sẽ có bia gắn ở đây! (Thành phố đã cho phép và Lưu Đào chính là sếp của trường liên doanh dạy nghề nằm trên khuôn viên Y Zhong cũ).














Đắc Hoà vừa sang có chụp được ảnh cây thông ở "trường mới" Phong Khẩu - Qua Tử Sơn không?
Xem thêm tin bên Bantroik5!.

TIẾNG XAY LÚA TRONG ĐÊM

Đơn vị tôi được lệnh đi B gấp, không kịp bắn bài 2. Chiều tối xe đến chở chúng tôi một lèo về phía Nam, gần sáng đổ xuống một làng ở huyện Yên Mô tỉnh Ninh Binh. Cả lũ tân binh được chia về các đơn vị trực thuộc của sư đoàn, tôi và sáu anh em nữa được phân về đại đội 12,7ly nằm cách sư đoàn bộ không xa.
Đến đây mới biết mình được bổ xung cho đơn vị này để làm anh nuôi. Phải thôi, lính mới mà, đơn vị toàn lính cũ đã từng đánh trận, họ đang là học viên trường phòng không thì được lệnh ngưng học, nhận súng đi B. Đơn vị đang ăn dưỡng trước ngày lên đường, vẫn ăn theo bếp đại đội. Những ngày này chúng tôi có nhiệm vụ xuống giúp chị nuôi, những chiến sĩ nữ nuôi quân của trường PK đi theo học viên, đơn vị đi B thì họ quay lại trường và chúng tôi thay thế họ. Hàng ngày nhởn nhơ, mang tiếng là xuống giúp chị em nhưng toàn tán dóc, chọc ghẹo nhau là chính. Rồi lang thang trong làng chơi với đám trẻ con, chán thì về nhà ngủ, đánh cờ với mấy cụ, mới có một tuần đứa nào đứa nấy béo trắng ra.
Ba đứa lính mới chúng tôi cùng anh quản lý đại đội ở trong một nhà dân khá rộng nhưng neo người. Có hai ông bà già và cô con dâu tên Xoan, hình như cũng có thêm chị, anh gì nữa nhưng thoát ly cả, những ngày đóng quân ở đây chưa thấy ai về bao giờ. Hai cụ già rồi, ngày ngày loanh quanh ra vườn, vào sân vận động chân tay tý cho khỏe, chứ không phải làm gì. Mọi việc trong nhà, từ đồng áng, lợn, gà tất tật đã có Xoan. Ngoài đồng về đến nhà, thả cái cào cỏ cải tiến bên bờ giếng, múc mấy gầu nước rửa qua mặt mũi chân tay Xoan lại lao vào bếp, lo cơm nước cho hai cụ. Lại khói rạ bốc lên từ căn nhà bếp đặt ngang sân nhà. Xếp mâm cơm, Xoan bê vào tận buồng cho hai cụ. Từ ngày chúng tôi đến, cả nhà nhường toàn bộ ba gian giữa nhà cho anh em chúng tôi, người nhà ở hai buồng chái hai bên, hai cụ một bên, Xoan ở bên đối diện. Ăn uống cũng trong buồng, các cụ ăn xong, Xoan dọn xuống bếp rồi mới ăn một mình ở đó.Tôi để ý, có hôm chả kịp ăn gì, làm xong việc nhà lại tất tả ra đồng.
Xoan còn trẻ lắm, chạc tuổi chúng tôi mười chín hai mươi, thế mà đã làm dâu hơn hai năm. Chồng Xoan là bộ đội, Xoan lấy chồng cũng là do gia đình sắp đặt, ở với nhau được vài hôm anh lại đi vào chiến trường, hai năm nay không một lá thư, chẳng tin tức gì. Hai cụ chắc cũng vì thế mà sức khỏe ngày càng yếu. Mỗi lần ngồi với chúng tôi cả hai cụ chỉ nhắc tới anh, rồi thở dài.
Cũng có hôm rảnh rỗi, Xoan ngồi nơi hiên nhà tóc để xõa ra nằm trên đất. Cầm cái lược gỗ trên tay, mắt dõi theo đôi chim sâu nhỏ dắt nhau nhảy từ cành cây này sang cành cây khác. Xoan mơ màng ngơ ngác như đứa trẻ…Hoa xoan mới nhú, lại sắp một mùa hoa xoan nữa… Mấy lính trẻ Hà Nội chúng tôi ra khỏi nhà mồm mép như tép nhảy, trọc ghẹo chẳng tha cô gái nào trong xóm nhưng về đến nhà thì tuyệt nhiên khác. Những lúc thấy Xoan ngồi một mình chúng tôi chỉ im lặng nhìn từ xa.
Cả lũ chúng tôi đều thừa nhận Xoan rất đẹp, cái đẹp mặn mà khỏe khoắn của người lao động, nhưng lạ là đồng áng thế mà nước da cứ trắng hồng. Mỗi lần có việc ở giếng, gặp Xoan ngoài đồng về, tôi thường giúp Xoan kéo nước, dội cho Xoan rửa mặt. Tóc búi gọn, làn da nơi cổ trắng ngần, tóc mai bết nước dính vào má, vào gáy. Áo cánh nâu không cổ bó chặt lấy thân hình thon thả, chắc gọn, mùi hương đàn bà tỏa nồng làm tôi ngây ngất. Tôi cố kéo dài, làm thật chậm dội nhè nhẹ dòng nước mát lạnh lên đôi bàn tay căng hồng của Xoan. Tôi nghịch ngợm hất nhẹ mấy giọt nước lên lưng áo, Xoan cũng mặc, mắt vẫn cười…
Mấy ngày trước lúc lên đường, chúng tôi thổ lộ với nhau những gì về Xoan, nói chung ông nào cũng mê Xoan, tán ra tán vào thì có đứa bảo :” Kém thế, giỏi thì đêm vào phòng nàng mới đáng, ngồi mà tán suông làm đếch gì.” Cáu tiết tôi bảo “thách không ?”. Cả lũ đều thách và nếu tôi làm được cả lũ sẽ chịu tiền một bữa vịt luộc thoải mái cho cả bọn. Nhận lời nhưng tôi thực sự thấy sao sao ấy, tính định tháo lui nhưng lại sĩ. Tôi nói với anh quản lý cứ nghĩ anh can, ai ngờ anh còn bảo :” mày làm được tao mất thêm chai rượu” Hết đường phải liều thôi.
Trưa ấy, Xoan đang băm rau lợn, tôi lân la giúp Xoan soạn sẵn cho gọn những bó rau rồi tiếp cho Xoan băm. Mỗi lần đưa rau cho Xoan tay chúng tôi lại chạm vào nhau. Rồi tôi giữ chặt tay Xoan, Xoan để yên, tôi nói nhanh trong hơi thở :"tối anh vào đấy!”. Xoan im lặng, con dao trên tay loáng loáng, dồn dập, nghiêng ngả…
Cẩn thận hơn tôi còn xin anh quản lý một ít mỡ (để bảo quản súng) đợi lúc không có ai ở nhà, tôi bôi vào cái lỗ bản lề gỗ của cánh cửa để giảm tiếng kêu cót két mỗi lần đóng mở.
Đêm khuya yên ắng, hai ông đồng hương ngủ say tít trong tiếng ngáy đều đều. Từ phòng Xoan hắt ra tia sáng mờ mờ, tôi lay khẽ anh quản lý rồi lẻn khỏi giường. Thực tình lúc ấy tôi quên chuyện thách đố mấy con vịt mà chỉ lo có chuyện gì thì tai tiếng lắm, không dám nhìn hai cụ nữa và kỷ luật như chơi.
Sau tiếng ke..ẹt nhè nhẹ, tôi lẻn vào phòng, tim đập thình thình khó tả. Xoan xoay nghiêng người nhìn tôi im lặng, ánh đèn mờ không dấu nổi ánh mắt long lanh rực sáng chĩa thẳng vào tôi. Tôi mạnh dạn lại giường ngồi xuống nắm lấy bàn tay Xoan, Xoan lặng im, mắt nhắm lại, một lát trấn tĩnh lại tôi nói nhỏ :"ngủ đi! anh ra đây!” Chưa dứt lời, Xoan đã chồm dậy ôm chầm lấy tôi, đôi cánh tay chắc lẳn, mịn màng xiết chặt khiến tôi nghẹn thở. Môi hai đứa dính chặt nhau cho đến khi buộc phải tách ra để thở…Tôi lại thì thào :"anh phải ra thôi.” Vòng tay như xiết chặt hơn, toàn thân Xoan rung lên từng đợt, từng đợt như sóng, mặt úp vào bờ vai tôi, nấc nhẹ. Gỡ cánh tay mềm mại, tôi đứng dậy lùi dần ra cửa, bóng Xoan ngồi bất động…
Tôi nhẹ nhàng nằm xuống bên cạnh anh quản lý, anh hỏi nhưng tôi không trả lời. Anh bảo :” thôi ngủ đi.”.Cả vạt áo trái ướt lạnh, khiến tôi không tài nào chợp mắt được. Tôi ra hiên ngồi lặng trong đêm, đầu óc lung bung…
Thoáng có tiếng ke.ẹt nhẹ, tôi chẳng dám nhìn về hướng đó, vầng sáng tỏa tròn của ngọn đèn dầu chuyển xuống nhà ngang nơi bếp. Rồi tiếng ù ào, ù ào, bóng Xoan đổ nghiêng hắt ra sân, lay động theo nhịp của cối xay lúa. Người tôi run lên, nước mắt nhòa mặt…
Ù ào, ù ào... tiếng xay lúa trong đêm của vợ người lính như tiếng sóng biển gào thét dội về muốn xô đổ tất thảy…
Hôm sau, chúng tôi lên đường vào mặt trận, cả đạị đội tập trung ở sân kho hợp tác, cả xóm già trẻ kéo nhau ra tiễn bộ đội. Tôi nhìn khắp, tìm Xoan mãi cho đến lúc đoàn quân đi, không thấy Xoan.

TB:Câu chuyện này là có thật, đó là những ngày tháng 8 năm 1972, đêm ấy tôi cũng đâu có ngủ, nằm trên giường cũng buồn và tự trách mình khích bác đùa dại. Tất cả chúng tôi đều mê và thương Xoan vì cô ấy là vợ lính, thế mới khổ. Hôm sau chẳng vịt viếc ,tiết cành gì nữa, cả lũ lặng lẽ sắp xếp quân tư trang để tối hành quân.
Nhân vật (tôi) chính là Hiển bạn tôi, đẹp trai lắm, trước ngày đi lính anh ta học xiếc, ở bộ môn đu bay. Trong một lần tập bị rớt xuống lưới,lưới hất anh ta ra sàn bị gãy xương tay, gia đình cấm, thôi xiếc về đi bộ đội. Ngày đi B vẫn binh nhì vì tội đẹp trai quá, xin kể với anh em vào dịp khác.

Nhà hàng bánh ngọt của lính Trỗi

Sáng chủ nhật, vợ chồng anh Hồng Thanh (Trỗi k2, dân khu 16A Lý Nam Đế) vừa khai trương nhà hàng ICY tại 2F Quang Trung. Cháu Quân từng học ở Pháp về quản trị du lịch, đang làm tại Sofitel Métrople, có đam mê và nắm vững công nghệ chế biến các loại bánh ngọt. Quân quyết tâm mở cửa hàng cho mẹ vừa về hưu quản lí. Mấy tuần lễ, bố mẹ và cả nhà lăn lưng ra sửa chữa: "Bận như con mọn, ông ạ! Cái gì cũng phải xờ tay tới. Nhiều đêm mất ngủ. Nay mới bắt đầu".

Đến trước giờ G, rất quy-lát, cửa vẫn còn cài then. Ông chủ đứng bên ngoài tiếp những vị khách thân (A1). Các lẵng hoa chúc mừng lần lượt chở đến. Đúng 9g, cửa cuốn tự động được kéo lên (A2). "Bà chủ" Võ Quý Yêu Hòa Bình có dăm lời "phí lộ" rồi mời quan khách vào thử các sản phẩm của nhà hàng (A3).

Nhà hàng lấy tên Pháp “Salon de thé” với ý nghĩa: Nhà hàng của những món ăn luôn mới (tươi và sành điệu!). (Quân chả học ở Pháp về nên dùng luôn tiếng Pháp). Còn logo ICY là viết tắt của các từ Ice creame, Cake, Yummy. Trang trí trên nền trắng, xanh, nhẹ nhàng, bắt mắt. Sản phẩm chính là bánh ga-tô, bánh kem các loại phục vụ bữa ăn sáng hoặc tối, phục vụ cả lễ lạt, sinh nhật... Nhà hàng có lò bánh sản xuất tại chỗ. Về phần uống ngoài café còn có nước hoa quả tươi, đá bào hoa quả, đặc biệt kem tươi hoa quả.

Khách đến dự là bạn bè thân thiết của gia đình cùng thầy trò trường Quân sự. Đang vui thì bị cúp điện. Ơn Trời, do sống tâm đức mà ít phút sau có lại liền.

Các loại bánh ngọt là những món ẩm thực không thể thiếu được trong khẩu phần ăn của các gia đình mỗi ngày. Hy vọng "Salon de thé" sẽ là điạ chỉ thân thiết của các gia đình, của giới trẻ sành điệu và cả các bạn Trỗi (nhất là chị em C11)!

Thứ Hai, 23 tháng 3, 2009

Hình độc đáo ngẫu nhiên chụp được

Xem cho dzui

Điềm

Hôm trước, buổi chiều tình cờ nhìn ra cửa sổ sau nhà, thấy cảnh hoàng hôn lạ. Không biết ngày xưa cụ Lý Thái Tổ có nhìn thấy hiện tượng thế này mà làm chiếu dời đô ra Thăng long không nhỉ? Hay là "điềm" báo Sg sẽ trở thành Thủ đô trong tương lai????

Bản hợp xướng một thời!

Hôm qua đọc Bạn Trỗi K5. Anh Trần Bắc Hải có giới thiệu bản hợp xướng "Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy" của nhạc sĩ Tô Hải. Nghe hợp xướng này đã gợi lại một thời chúng ta đã qua. Mạn phép đăng lại bài giới thiệu của anh Hải và bản hợp xướng này để anh em cùng thưởng thức.

“ Mời cả nhà nghe lại “Tiếng Hát Người Chíến Sĩ Biên Thùy”!.
Bạn Trỗi mình chắc không ai quên? Đặc biệt anh chị em k5 đã biểu diễn bài này nhân dịp Tết Mậu Thân 1968 tại trường mới ở Phong Khẩu - Qua Tử Sơn. Chúng ta được thầy Cao Thưởng, thầy Hiến dàn dựng. Các bạn Hạ Thanh Xuyên, Tấn Lợi lĩnh xướng. Lần đầu tiên trong đời ta được biểu diễn thể nghiệm dạng hợp xướng.

Còn tác phẩm lần đầu ra mắt khán ngày 22/12/1959 bởi Dàn hợp xướng 200 người của Đoàn Văn Công TCCT trình diễn tại Nhà Hát Lớn TP Hà Nội. Bản thu âm này sau đó do KS Trương Tấn Mầu thực hiện tại Rạp Tháng Tám. Phương tiện thu âm bao gồm máy ghi âm mono và... 2 chiếc micro!

Ai muốn coi thêm chi tiết câu chuyện và muốn sưu tầm bản nhạc gốc của NS Tô Hải, xin liên hệ với Trần Bắc Hải"
Bắc Hải, Australia



THƯ CỦA MR. LỊCH LÃM GỞI BẠN THÂN.

Mấy hôm nay UTTROI có vẻ trầm lắng.Có lẽ tâm trạng của các bloger vẫn còn Tết?Mặc dù Tết đã qua.Xin gửi mọi người đọc cho vui,chứ không có ý phê phán hay chọc giận chị,em ta!Xin các chị,em thông cảm.Bài này không phải của tôi,mà do một người bạn cũng là dân uttroi gửi cho.
Gửi ông!

Tôi vừa nhận được thiệp mời của ông cách đây 2 phút. Thế là tôi sắp toi vài lít, còn ông sắp toi cả cuộc đời...

Giờ này tôi có khuyên nhủ chắc cũng không nhằm nhò gì, bởi khi ông trao nhẫn cưới cho vợ ông cũng có nghĩa là vợ ông đã xỏ nhẫn cưới vào... mũi ông (Đấy, chúng ta luôn thua từ khi trọng tài thổi còi bắt đầu hiệp đấu).

Chỗ bạn bè, tôi muốn ông chuẩn bị tinh thần để hiểu hai từ khác âm nhưng đồng nghĩa: “lấy vợ” và “đi tù”.

Mụ vợ tôi (thư này dành riêng cho ông nên tôi gọi như vậy, nếu mụ ấy biết thì tôi từ án treo chuyển vào trại, từ 6 tháng chuyển sang chung thân, từ chung thân đến tử hình... mong ông giữ mồm, giữ miệng cho), mụ vợ ông và các mụ vợ trên đời tuy không cùng cha, cùng mẹ nhưng đều giống nhau bởi dòng máu chiếm hữu lúc nào cũng chảy rần rật.

Mụ ấy đổ đồng tình yêu và sự chiếm hữu. Cái thân xác này, mụ chiếm hữu đã đành, nhưng cái khoảng thời gian bé tí tẹo vênh ra vào giữa giờ ăn trưa cũng bị mụ kiểm soát chặt chẽ. Giờ trưa nghỉ ngơi tí chút, Yahoo Messenger phải vàng khè, thi thoảng mụ xì-pam một cái. Không thấy thì mụ gọi điện thoại, gọi bàn, di động, không được thì mụ gọi cho đồng nghiệp. Ông có tin không, 8 năm nay, chưa bao giờ tôi thoát khỏi tầm mắt mụ. Mụ gọi thế là yêu, là quan tâm, lo lắng...

Mỗi lần thông báo đi công tác là tôi phải lấy tinh thần, mở miệng như người có lỗi và y rằng mặt mụ dài như cái bơm. Mụ buồn vì không có chồng trong 2,3 ngày, còn tôi như mở cờ trong bụng vì không “bị” yêu thương, lo lắng ít nhất trong 48 giờ.

Mụ thuê ô-sin để trông con, còn mụ rảnh rang để... trông tôi.

Năm thì mười hoạ mụ mới cấp cho cái “quota” được đi bù khú với đám bạn... 10 năm không gặp. Mà đám bạn đó, ai, ở đâu, làm gì, điện thoại bi nhiêu... mụ đều lưu trong bộ nhớ phi thường mà đôi khi tôi nghĩ người trần không mấy ai có. Và suốt cái buổi nhậu hiếm hoi ấy mụ cứ réo rắt gọi. Nghe ồn ào thì mụ hỏi: “Tại sao ồn thế, có phải nhậu xong rồi rậm rật đi karaoke bàn tay vàng?”, im lặng thì mụ dán tai vào, rít lên: “Tại sao yên tĩnh, có phải rửng mỡ mò vào nhà nghỉ?”. Nếu đêm đó tôi mà về muộn thì quả là thảm kịch. Biết mình có lỗi, tôi rón rén bước vào nhà, vén màn thất kinh khi thấy mụ tóc tai dựng đứng, mắt thâm quầng, ngồi nhìn trừng trừng lên trần nhà (sau này tôi mới biết mụ quả là cao tay, mụ vẫn ngủ, ngáy ngon lành, nhưng khi nghe tiếng kẹt cửa, mụ ngồi phắt dậy, xõa cho tóc tai dựng ngược, quệt tí phấn mắt màu chì vào quanh mắt, rồi ngồi chờ chồng như thể từ kiếp trước). Cho dù, có mệt rã rời vì bia rượu, tôi vẫn cố gắng trả đủ bài vì đó là phép thử của mụ. Vậy mà sáng sau, chưa kịp hồi sức, đã nghe thấy tiếng mụ cha chả, xoong nồi xủng xoảng, mụ quát chó, chửi mèo, đánh con chí chóe...

Và tôi, cố lết tấm thân xác bèo nhèo - 8 năm trước còn lịch lãm, hào hoa nhất lớp (ông biết mà) - dắt xe ra khỏi cửa, đứa lớn ngồi sau, đứa bé ngồi trước (mà vẫn thò tay cấu nhau), khăn bịt mặt, nón trùm đầu, sữa, cặp sách... lôi thôi như dân tị nạn.

Than ôi, làm người đã khổ, làm chồng còn khổ hơn gấp bội!

Đôi khi (nhất là khi tôi nộp cho mụ một cục tiền), mụ cũng nới chút đỉnh cho tôi “thở”, nhưng cũng chỉ là “thở hắt”, nhất quyết không cho “thở dài”.

Về nhà, nếu tắt điện thoại thì mụ tra: “Sợ em nào gọi hay sao mà tắt”, nhưng cứ có điện thoại gọi đến là tôi giật mình thon thót. Không nghe cũng chết mà nghe thì con người mất hết văn minh, lịch sự. Tôi phải nói thật to, càng ông ổng càng tốt, càng thô bạo (mày, tao, ông, tôi) càng tốt, đi lại thật hoành tráng, vung chân, vung tay dù có khi đầu dây bên kia chỉ hỏi mỗi câu: tài liệu để đâu? Nếu tôi nói nhỏ thì mụ sẽ cho là có vấn đề, mụ sẽ khảo, sẽ tra cả đêm cho ra vấn đề... vì sao nói nhỏ.

Thực ra mụ (và các mụ) lo hơi thừa, thân thủ phi phàm như các mụ thì tôi (và chúng ta) là vỏ quýt chứ có là vỏ dừa mụ đâm cũng thủng.

Ông có biết, khi về nhà bộ mặt của lũ chúng ta phải thế nào các mụ mới hài lòng không? Câu hỏi không bao giờ có đáp án, bởi:

Nếu ông cáu gắt: Mụ cho là ông có bồ ruồng rẫy vợ con.
Ông vui vẻ: Mụ cho là ông có bồ nên phởn phơ, hứng chí.
Ông chu đáo: Mụ cho là ông có bồ nên thấy cắn rứt, hối hận.
Nói chung, trong mắt các mụ vợ tự cho mình là Sơ-lốc Hôm, kiểu gì ông cũng “phải” có bồ.

Mụ xấu cũng bảo tại chồng, già cũng bảo tại chồng (thời gian mụ dành để quản thúc đâu có chịu vào sa-lông làm đẹp bao giờ). Tuần rồi, xem chung kết hoa hậu, tôi toàn nhìn... ngón chân cái, thi thoảng mới dám liếc trộm mấy em. Triết lý cơm-phở luôn đóng đinh trong đầu mụ, mà mụ đâu có biết cơm có thể ăn cơm nguội hoặc chiên, chứ phở có ai ăn nguội hay chiên bao giờ. Cơm dù không ngon nhưng ngày nào người ta cũng có thể ăn, còn phở thì ai có thể xơi triền miên.

Nói chung, lấy vợ là đi tù, đó là chân lý (dù rằng ông vẫn một lòng yêu quản giáo). Ông cứ chuẩn bị tinh thần đi, cái gia đình lý tưởng mà ông mơ ước rồi sẽ thành cái cối xay một chức năng, xay hết mọi ước mơ trai trẻ thành món sinh tố bèo nhèo.

Hôm nay, tôi có hẳn 1h tự do, dĩ nhiên tôi phải nói dối mụ, phải huy động bạn đồng nghiệp, phải lạy lục em lễ tân để lỡ mụ có kiểm tra. Nhưng tôi mất 25 phút viết thư cho ông, còn 35 phút nữa tôi phải đi lai rai cốc bia với bạn bè trước khi... chui về lồng.
Giờ này năm sau, nếu ông quá bức xúc, cứ đến tôi, tôi chỉ cho ông cách khởi nghĩa mà không bị dìm vào bể máu.

Tôi đi đây. Không, tôi bắt đầu khởi nghĩa đây. Cũng phải chọn quán bia gần gần, vì còn cái đồng hồ công tơ mét nữa chứ...

Chào ông,
Mr. Lịch Lãm.
Sưu tầm

HỒI ỨC THÁNG 3

Mấy tuần nay, hàng ngày tôi vẫn viết những dòng hồi ức của mình khi còn là người lính. Cứ nghĩ nó ít dính đến Trỗi nên cũng không đăng ở UT mà tham gia vào quansunet, nơi hội tụ của các CCB. Đọc bài của bác TL, thấy mọi người đồng tình, khuyến kích, tôi bê vài bài về nhà các bác coi rồi tính sau.

LÍNH ĐOÀN PHONG QUẢNG (tên ghép của hai huyện Phong Điền, Quảng Điền bắc Huế)
Trung đoàn 4 chúng tôi thành lập đầu năm 1973, ban đầu Trung đoàn có K15 mặt trận đường 9 và K13 ( không biết xuất xứ từ đâu - 1973 tham gia đánh Cửa Việt ) từ Quảng Trị vào và K10 tỉnh đội Thừa Thiên. Các đơn vị trực thuộc cũng từ Quảng Trị vào, tôi không biết xuất xứ nhưng đều là các đơn vị tham gia chiến đấu ở các khu vục nóng bỏng như Thành cổ, Tích Tường, Như Lệ, Động Ông Do, điểm cao 367…Khoảng tháng 3 năm 1974 K2 từ Quảng Trị vào thay K10 trong đội hình E4. Lúc ấy thấy lính K2 vào Phong Điền lên chốt còn mang theo cả phích nước. Chúng tôi nghĩ : lính cậu thế này không biết đánh đấm ra làm sao (?).
Sau khi hiệp định Pari được ký kết, lính ở tuyến tiếp xúc với địch ở Quảng Trị có được nhàn nhã và sướng hơn chúng tôi trong Phong Điền Thừa Thiên. Giao thông thuận tiện , gần dân, gần phố huyện nên mọi thứ đều khấm khá hơn . Ở Quảng Trị ta mạnh nên thằng địch không giám ho hoe gì, còn Phong Điền vẫn còn nhiều vùng tiếng súng chưa dứt.
Trong lúc quân hai K còn lẫn lộn xen kẽ nhau, lính cùng trung đoàn mà trông khác hẳn nhau. Chúng tôi xanh gầy, nhếch nhác lắm , lính K2 phơn phớn như lính triều đình. Lính K2 còn nuôi chó, Chó chạy cả lên trận địa chúng tôi , gặp lính đang thiếu đạm, thế là chó hết đường về. Bữa đó khẩu đội 12ly 7 ở điểm cao 330 chúng tôi được mấy ngày no say. Lính ta đói khát nên đôi khi cũng bậy bạ chút xíu rồi quên ngay. Ai ngờ chúng tôi lại gặp họ.
Tháng 7/1974 khi K15 chúng tôi đánh 61 thì K2 đánh dãy đồi Không tên ở khu vực hữu ngạn sông Ô Lâu. Tiến công thắng lợi, hai khẩu 12ly7 ở điểm cao 506 và Động Chuối được lệnh rút về tăng cường cho các điểm cao vừa chiếm được. Trên đường về qua dãy đồi Không tên nhờ nấu cơm trưa ở khẩu đội cối 82 của K2, bên bờ sông Ô Lâu. Được anh em K2 chia sẻ cho ít mắm ruốc, rau rừng thật cảm động. Lúc này lính K2 đã “Phong Điền” hóa rồi , cũng thiếu thốn như chúng tôi. Đói thì bàn ăn, các bố mơ đủ chuyện về ăn, có một ông nói:” giá bây giờ mà còn con Míc nhỉ, em xung phong đi kiếm giềng ngay.” , một người khác thì gạt đi ý là chó nuôi quen rồi không được giết…Nhiều ý kiến qua lại còn bọn tôi thì im lặng có ông nghệt ra. Té ra con chó bị chúng tôi trộm ngày ấy là của khẩu đội cối 82-K2 này. Ở đời cái gì không biết thì thôi nhưng khi đã biết thì làm người ta phải nghĩ. Cũng như khi đã gặp trực tiếp những đồng đội K2 , chúng tôi lại áy náy vì những chuyện đã qua. Hôm nay kể với anh em QSVN (Quân sử Việt nam) cũng là một lời tạ lỗi với các chiến hữu k2 của chúng tôi.

LÍNH ĐOÀN PHONG QUẢNG
Tôi được quan sát trận đánh dãy đồi Không tên từ điểm cao 506, trận tập kích nhanh gọn như chỉ thấy trong phim ảnh. Nhìn những chớp lửa lóe liên tục trong vòng 15 phút từ ba ngọn đồi trong đêm ấy, tôi cứ nghĩ là đặc công ở đâu về chứ đâu đã biết là lính K2. Bên cạnh là điểm cao 61, súng nổ liền ba ngày mới dứt , lính C4 K15 chúng tôi cuối cùng cũng diệt được cái cao điểm oan nghiệt này. Cũng từ trận đánh ấy chúng tôi mới biết K2 là ai. Gốc gác từ trung đoàn 246 của quân khu Việt Bắc vào chiến đấu trong Quảng Trị đã lâu. Nếu bạn nào vào thăm Thành cổ, sẽ thấy ở nhà truyền thống có những dòng chữ đồng ghi danh các đơn vị chiến đấu ở Quảng Trị , các bạn sẽ thấy K2, K15 ở dòng các tiểu đoàn độc lập. Như vậy ngay buổi đầu thành lập đoàn Phong Quảng đã có ít nhất 2 tiểu đoàn Anh hùng , từng tham gia chiến đấu ở Quảng Trị trong những ngày hè đỏ lửa. Tôi nói ít nhất vì K13 tôi chưa biết về họ nhiều.
Ít ngày sau khẩu đội 12ly7 của tôi cùng C5bb/K15 nhận bàn giao chốt giữ dãy đồi Không tên từ K2. Khi lên tôi được nghe một câu chuyện về việc sử lý tù binh của lính K2.
Sau trận đánh bao giờ cũng phải giải quyết các công việc chính sách và củng cố trận địa, hầm hào để đánh địch phản kích. Sáng ra mới phát hiện còn sót hai thằng thủy quân lục chiến bị thương không tự vận động được. Người ít , còn phải chiến đấu tiếp, ông trung đội trưởng không biết giải quyết ra sao, bèn lệnh cho lính ta khênh hai cu cậu xuống để tạm ở cái nhà âm cũ dưới chân điểm cao rồi sau tính tiếp. Đến trưa anh nuôi mang cơm lên báo cáo :"hai thằng nó đói, nó kêu rên quá , các anh để lại ít cơm tí quay về em quang cho nó ". Tiếp đến hôm sau vẫn thế, nghe anh nuôi nói ông trung đội trưởng càng sốt ruột . Một ông lính nhà mình nói :” Để em xuống cho mỗi thằng một phát, lấp đất lên là xong.” Ông trung đội trưởng bảo :"Chú mà làm được thì xuống làm đi !".Ông lính nhà ta đi xăm xăm xuống thật, mọi người chờ mãi chẳng thấy tiếng súng nổ. Một lúc sau ông lính mình đi lên bẽn lẽn gặp trung đội trưởng :"Báo cáo anh, em chịu !..” Trung đội trưởng hỏi trong anh em có ai muốn xuống sử lý nữa không(?). Tất cả im thít, trung đội trưởng nói :” thế thì anh em chuẩn bị cáng đi … đưa chúng nó về phẫu “
Vì việc trên, chốt mất đứt 4 người để cáng 2 tù binh bị thương, trong lúc người đang thiếu vô cùng. Nghĩ mấy hôm trước bạn "bão tố" chắc cũng định đưa cái đề tài “ đối thoại với các thân phận…”. Bạn ấy cũng định nhìn từ lăng kính :” chính là thằng lính bên này, giết thằng lính bên kia.” Để đánh giá chiến tranh hay đánh giá về người lính cả hai phía là đều không trúng. Nếu như cái anh lính mà không “ em chịu! ” thì chắc sau này anh ấy và cả người trung đội trưởng kia có thể cũng bị cái gọi là “hội chứng chiến tranh” như lính Mỹ. Cá nhân tôi thì cho rằng những người lính trong cuộc chiến vừa qua ( ở cả hai phía), vào trận đánh họ chĩa súng vào nhau và nổ súng quyết liệt trước tiên là để giành sự sống cho mình. Khi cởi áo lính ra họ lại trở về như những người bình thường trong xã hội. Có chăng là họ rất ghét chiến tranh và biết yêu quí hơn giá trị của cuộc sống hôm nay.

Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2009

Thúng

Về Đà nẵng, nhà gần biển (Thanh khê) nên sáng chiều thường ra ngắm biển. Con đường ven biển từ TT Tp chạy ra đèo Hải vân ít xe, có vỉa hè rộng rãi tha hồ đi bộ hít thở không khí biển trong lành. Ngồi trên bờ kè, nhìn những con tàu đánh cá và những cái thúng rải rác trên bờ, chợt nhớ trước đây bác TM có bài giới thiệu về xuồng ba lá của MN, sẵn tiện chụp vài tấm hình giới thiệu về Thúng của MT cho vui. Thúng là phương tiện "trung chuyển" của ngư dân giữa tầu và bờ.

H1: Bình minh, tiếc là buổi sáng nhiều sương mù, mặt trời lên mấy "con sào" rồi mới ló ra nên bình minh muộn.







H2: Chuẩn bị đưa lưới ra tàu.








H3: Ra tàu. chèo thúng mà đi đúng hướng cũng khó thật, tôi chèo thử nó cứ toàn quay tròn,chịu thua!







H4: Thu hoạch, đưa lưới về phơi và bán hải sản vừa đánh bắt. Người dân ở gần thường ra mua hải sản khi Thúng về, hải sản vừa rẻ vừa tươi. Nhờ thế, mấy ngày ở ĐN lúc nào cũng say vì mồi nhiều, lại ngon quá.





H5: "Thần Kim quy" từ biển đi lên??? Cất Thúng lên bờ cao đề phòng thủy triều lên sẽ trôi mất.







H6: Tầu và Thúng như 2 mẹ con dắt nhau trên biển. (Đằng xa là cầu Thuận phước, nối đường ven biển với bán đảo Sơn trà, vừa hợp long, chưa thông xe).






H7: Đà nẵng nhìn từ bãi Bụt (Sơn trà). Ở trên này không biết nhà đầu tư nào đang cho dựng 1 tượng Phật to "hoành tráng", vấn đề tâm linh hình như được người ĐN rất coi trọng.





Với tôi, ĐN có rất nhiều cảnh đẹp và phong tục tập quán hấp dẫn, không hiểu sao các bạn MT không giới thiệu lên Blog cho mọi người, hay còn "giấu" để "hưởng" riêng?

Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2009

Kẻ trộm "tốt bụng"

 

Kẻ trộm trèo qua cửa sổ tầng 2, (được mở sẵn, lại còn được chèn bằng miếng xốp to đùng cho khỏi bị sập lại)
 

Cái cặp không mất,
 

quần áo được treo rất cẩn thận trên bờ tường chứ không bị vất xuống vườn. Có lẽ cho khỏi bẩn vì trời mới mưa xong.
 

Quyển sổ hộ khẩu thì được để ngay ngắn
Chỉ có 17 triệu (theo lời khai của chủ nhân cái cặp) thì "được" cầm hộ!
Chuyện xảy ra mới hôm qua ở biệt thự cạnh nhà mình. Cứ như trò đùa ấy!
Posted by Picasa

Thứ Ba, 17 tháng 3, 2009

Quế lâm

Lần trước sang Quế lâm, ae K7-K8 không có dịp xem phong cảnh 2 sông 4 hồ, Thất tinh nham và Lô địch nham. Vài hình ảnh mời các bạn cùng xem lại.

H1: Cảnh 2 sông 4 hồ










H2: Công viên Thất tinh và cửa động Thất tinh










H3: Lô địch nham và Mỹ nhân.










H4: Núi Voi, Xuyên sơn (chụp từ đỉnh núi Voi) và "đặc sản" QL.