Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Tư, 29 tháng 8, 2007

Nhân lễ VU LAN

“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng Mẹ

Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng Cha

Nước biển mênh mông không đong đầy tình Mẹ

Mây trời lồng lộng không phủ kín tình Cha

Tần tảo sớm hôm Mẹ nuôi con khôn lớn

Mang cả tấm thân gầy Cha che chở đời con

Ai còn Mẹ xin đừng làm Mẹ khóc

Đừng để buồn lên mắt Mẹ nghe không !”

(Sưu tầm)

Thứ Ba, 28 tháng 8, 2007

NGHỊCH NGỢM

Thế nào là FKK?
Bài này xin tặng riêng Võ Hùng và các anh Quang "xèng", Quý "nhẽo" k4 ở Leipzing (GDR).

Cuối những năm 1980, đất nước vừa thoát khỏi cơ chế bao cấp, đời sống cán bộ CNV nói chung quá khổ, sĩ quan cũng vậy. Nhiều anh em Trỗi cũng đăng vào đội quân xuất khẩu lao động, sang làm đội trưởng, phiên dịch... Đi làm để có đồng tiền thì phải vất vả nhưng ngày nghỉ thì làm gì? Bấy giờ CHDC Đức vẫn là nước XHCN, chỉ một vài nơi có bãi tắm truồng FKK (ở ta gọi là tắm tiên) theo kiểu thời còn ăn lông ở lỗ. Họ tận dụng những hồ rộng, đẹp làm bãi tắm FKK. Nghĩa là vào đến nơi phải cởi truồng hết, từ đàn ông đàn bà đến người già người trẻ. Họ quan niệm thỉnh thoảng phải thay đổi không khí, thay đổi cách sống, như vậy sẽ đưa con người trở về với bản năng tự nhiên của nó. Đặc biệt không có những hành vi bậy bạ ở đây. Cánh Cộng tò mò cũng đến thử nhưng quả thật không ai dám vào vì ngượng. (Văn hoá phương Đông có khác!).
Theo tiếng Đức, FKK là viết tắt của 3 chữ "Frei, Koepper, Kuntur" (tự do, thân thể, văn hoá). Ý là phóng khoáng tự do khoe thân thể của mình (dù xấu đến đâu) chính là văn hoá! Nhưng mấy chú Cộng thì lại khoái lối chơi chữ của mấy chú Đức già "Fuer kleine Kinder" (nơi dành cho bọn trẻ con).
Có chuyện tiếu lâm: Theo quy định mọi người vào FKK phải cởi truồng nên 2 chú Polizei (cảnh sát), đang theo dõi một tên tội phạm chạy vào FKK, cũng phải lột quần áo trên mình, trừ... đựơc đội mũ cảnh sát trên đầu!!! Hãy tưởng tượng hình ảnh chú cảnh sát trần như nhộng đang giơ tay lên mũ chào mới thấy cái hay của FKK!!!
Chả hiểu ở ta có FKK không, nếu có thì thế nào?

Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2007

KỶ NIỆM “NGHỊCH NGỢM” THỜI SINH VIÊN

Khóa 8 của chúng tôi Không giống các anh khóa trên là vào học các trường Đại học Quân sự , Quân Y và các trường của quân đội.
Sau khi giải tán Trường VHQĐ Nguyễn Văn Trỗi tháng 7 năm 1970, anh em K8 ra ngoài học nốt cấp III và rồi hè năm 1973 thi vào Đại học. Mỗi người một ngả, mỗi người một Trường ĐH, người học trong nước, người học nước ngoài. Trong khóa 8 có gần 20 anh em vào học tại trường Đại học Giao thông như tôi, Lợi “Ly” B3, Huy “cấy” B3, Vũ “ cháy” B2, Liêm “Mèo” B5, Minh Tuấn B3 . Kiếm “nhị” B2, Phong “ tĩ ” B6, Thành Biên B6, Lê Bình B2….và một số anh em khác ở K7.
Trước khu Kí túc xá trường ĐH Giao thông hồi đó có mấy bà, mấy chị ở Làng Cót như chị "Móm", bà Dụ, hàng sáng hay ra bán hàng phục vụ bọn sinh viên chúng tôi, nào bánh cuốn, bánh rán tẩm đường…(mà chuyện ăn sáng hồi đó là chuyện viễn tưởng đối với cánh sinh viên nội trú), còn hình thức thanh toán thì đủ kiểu : Tiền mặt, tem gạo tem bánh mì, khi không có những thứ đó, thì bằng bất cứ một vật gì có giá trị nào ( hình thức cầm đồ bây giờ còn gọi bằng “cụ” ) mà không cần sổ sách gì cả.
Một buổi sáng khi bọn tôi không còn tiền và không còn một thứ gì có giá trị cả, đang ngồi ngáp vặt chuẩn bị vào tự học thì L “M” mặt tỉnh queo tay cầm một gói bọc giấy rất đẹp vào nói với cả bọn, hôm nay tao chiêu đãi cả bọn một bữa bánh cuốn “bét nhè”, cả bọn sung sướng bật dậy đi theo nó ra gánh bánh cuốn của chị “Móm” trước cổng trường. Hôm đó cả bọn hả hê được một bữa no nê, hết ăn bánh cuốn đến bánh rán, thoải mái ăn, ăn xong nó còn ra vẻ “tinh tướng” thằng nào muốn ăn nữa xin mời cứ tiếp tục, nhưng xem chừng đã đủ cả bọn xin thôi. Lúc đó L“M” nói với chị “Móm” hôm nay em chịu trách nhiệm thanh toán cho cả bọn, nó từ từ lấy ra cái gói lúc nãy ra với vẻ mặt quan trọng nó nói : Đây là 10 thước vải sa tanh Pháp, tối hôm qua em vừa đi nhận hộ “bà già” của họ hàng gửi từ Pháp về, chị cầm hộ mấy hôm nữa có tiền em sẽ ra thanh toán và lấy lại 10 thước vải này, nếu lâu không thanh toán thì chị cứ tự nhiên sử dụng, sau đó cậu mở he hé gói vải đó ra, mọi người thấy đó đúng là Satanh thật, chị “Móm” định thò tay sờ miếng vải, nó liền gạt tay ra và nói tay đầy mỡ sờ vào bẩn vải lấy gì mà đền (thời kỳ bao cấp mấy mét sa tanh đó cực kỳ có giá trị với chị em phụ nữ) cậu ta nói tiếp: cứ sáng đi bán hàng chị phải mang theo, để nếu có tiền em sẽ thanh toán, mất là không có gì để đền được đâu ? với ánh mắt nhìn gói vải một cách thèm thuồng, lúc đó chị “Móm” khấp khởi cầm gói vải nghĩ rằng chắc gì các cậu đã có tiền mà thanh toán, tôi sẽ được hưởng tấm vải này !!!... lập tức đồng ý ngay.
Suốt mấy hôm liền, cứ buổi sáng hàng ngày đi bán hàng, chị “Móm” mang theo cái gói “của nợ” đó, sau một thời gian không thấy L “M” xuất hiện đả động gì, chị ta sốt ruột, hỏi thăm mọi người và chắc mẩm sẽ được “lĩnh trọn” tấm satanh. Đến một hôm không kiên trì được nữa, khi về nhà chị ta liền dở ra giật mình và sực hiểu mọi chuyện. Thì ra để đánh vào lòng tham của chị “Móm”, L“ M” đã lấy một tấm satanh dùng làm lót trong vali được là fẳng fiu trông rất tinh tươm, gói bọc ngoài mấy tấm vải vụn để làm vật thế chấp, làm giải pháp “tình thế” lúc đang đói. Hôm sau đến bán hàng chị ta tay cầm gói vải liền tru tréo cứ trõ vào kí túc xá tặng cho mấy bài chửi và dọa báo cho nhà trường biết, cả bọn chúng tôi không thằng nào dám ló mặt, cứ ôm bụng cười, cười chảy nước mắt trong kí túc xá, cười chán, nghĩ cũng thương chị ta và cử một “chiến sĩ” ra thương lượng nói rằng: mấy hôm nay thằng L “M” bị ốm đi nằm viện khi nào nó về, nó sẽ ra thanh toán cho chị.
Cuối tuần đó, cả bọn sau khi về gia đình lên trường, anh em “lệ quyên” đủ tiền. Hôm sau ra thanh toán cho chị “Móm” tiền bánh cuốn và được tiếp một mẻ cười nữa. Chị “Móm” cười ngượng nghịu nhận lại tiền và nói yếu ớt: Các chú chỉ được cái đùa chị, rai quá !!!.
Nghĩ lại, cuộc sống sinh viên thời đó tuy khổ, nghịch ngợm, tinh quái đúng với nghĩa “Nhất quỷ, Nhì ma, Thứ ba học trò” nhưng chính những lúc khó khăn như vậy con người ta sống với nhau rất chân tình, chân thành; để lại nhiều kỷ niệm vui, buồn và nhiều bài học tốt cho cuộc sống trưởng thành sau này của từng cá nhân, từng con người .

Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2007

Bánh mỳ kẹp.........



Chuyện đời cong, thẳng

Bài này tác giả là một người bạn, thỉnh thoảng có bài viết nào tâm đắc sau khi đã đăng tải trên tạp chí thường hay gửi cho bạn bè tham khảo. Sau khi đọc thấy hay và có nhiều vấn đề được phân tích khá sắc sảo và sâu sắc, do đó post lên đây để AE tham khảo.

BBT

Trong kiệt tác kiếm hiệp kiêm chính trị cổ điển Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung tiên sinh từng ca ngợi cây dâu cổ thụ mọc trong sân nhà anh thợ đóng dép Lưu Bị là linh mộc, là hiện thân của phong thuỷ, đến nỗi bịa ra một ông thầy, đi qua nhìn thấy cái cây ấy bèn phán: “Cây dâu này mọc thẳng tắp, tán xoè như cái ô. Nhà ở dưới gốc cây này ắt sinh quý nhân.” Quý nhân ấy chẳng phải Lưu Huyền Đức thì còn ai vào đây nữa. Cây dâu đó là cái ô Trời, là bản mệnh sự nghiệp của Lưu Bị sau này. Quả là về sau, Lưu Bị nhờ có cái bản mệnh ấy mà gặp được khối người ngay thẳng. Trong số đó, người quan trọng số 1 phải kể đến là vị quân sư Gia Cát Lượng (Khổng Minh). Thế nhưng La Quán Trung tiên sinh đã “lờ” đi không chép việc cái “ô” vĩ đại ấy rồi cũng đến lúc đổ kềnh. Số là một hôm, trời nổi bão giông. Cây dâu cổ thụ bỗng nghiêng ngả, quay cuồng rồi đổ sập xuống, đè nát đúng bàn thờ nhà Lưu Bị. Lúc ấy Lưu Bị đã lên ngôi hoàng đế bên đất Thục. Giá như ông thầy kia lại nhìn thấy, chắc thể nào cũng bảo vị quý nhân nhà này có nhẽ sắp đến lúc… toi. Quả nhiên một thời gian ngắn sau đó, Thục chủ Lưu Bị gặp hạn ở thành Bạch Đế rồi “toi” luôn tại đó. Trước khi chết, ngài không ngại nước Ngụy của Tào Tháo, cũng chẳng thèm ngại nước Ngô của Tôn Quyền. Ngài chỉ ngại mỗi… quân sư Khổng Minh mà thôi. Vì thế ngài đã phải triệu Khổng Minh đến tận giường bệnh mà chơi bài ngửa, tiếng là gửi gắm con côi, song lại “thòng” một câu rùng rợn rằng nếu nó bất tài, thì hay là ông thay nó, làm chủ quách nước Thục đi! Lưu Bị nói thế là có ý muốn “đe” Khổng Minh, rằng ta biết tỏng ông là người như thế nào rồi. Trước khi gặp ta, ông có tiếng là một người ngay thẳng. Ông bắt ta phải ba lần hạ cố mới chịu ra, giả vờ không thèm màng đến danh vọng. Có thật ông không thèm màng danh vọng? Sao ở lều tranh mà ông theo dõi việc thiên hạ kĩ thế? Lại còn lặn lội đi gài sẵn “thạch trận” ở những đâu đâu. Giờ ta mới biết ông rất có tài ảo thuật, dễ dàng mê hoặc được lòng ngưỡng mộ của thiên hạ không chỉ trong một vài đời. Ông mẹo vặt có thừa, song bụng dạ lại hẹp hòi. Trong thiên hạ, bất cứ ai tài hơn, ông cũng tìm cách chiêu nạp về rồi nghĩ kế trừ đi. Đã mượn tay Trương Nhiệm giết ngóm một Bàng Thống ngây thơ cả tin, kẻ “học giỏi gấp mười ông” (ý này do chính ông từng nói ra), lại còn định chém Ngụy Diên ngay trước mắt ta. Ham hố danh tiếng như ông thì sau khi ta chết đi rồi, dẫu có làm chuyện thoán nghịch cũng chẳng có gì lạ… Khổng Minh lúc đó sợ toát mồ hôi, vội vàng sụp xuống dập đầu thề lấy thề để (thề cá trê chui ống). Màn chơi bài ngửa này tuy chỉ có Lưu Bị và Khổng Minh biết, song khó mà che được cặp mắt thế gian. La Quán Trung về sau nhân đó cũng “lờ” đi cho văn vẻ sạch sẽ, sử sách trơn tru. Ấy là cái truyền thống chép sử xưa nay nó thế. Sử sách vốn chỉ ưa chép những chỗ thơm mà giấu nhẹm đi chỗ thối. Và La Quán Trung đã tỏ ra là một người chép sử khéo, song lại là một tay kể chuyện tồi, bởi ông vẫn để lộ những chỗ thối của lịch sử ra. Lưu Huyền Đức quả có con mắt tinh đời. Về sau, chỉ vì ghen tài mà Khổng Minh đã quyết không thực hiện diệu kế của Ngụy Diên, lại còn dùng lời lẽ ngụy biện để chê bai, dè bỉu. Rốt cuộc cả 6 lần đem binh ra Kì sơn đều công cốc, đến nỗi thân phải bỏ ở gò Ngũ Trượng. Thế mà trước khi chết vẫn còn nghĩ kế để giết Ngụy Diên cho bằng được. Vị quân sư ngay thẳng ấy thù dai hay sợ Ngụy Diên sau này được đắc dụng thì sẽ thành công hơn mình? Vì thân mà hy sinh béng cả cơ nghiệp của chúa như thế, chẳng trách nước Thục do Lưu Bị tốn công gây dựng chẳng bao lâu cũng mất toi về tay cha con Tư Mã Ý, không để lại được chút hơi hám gì. Vậy thì cái điềm cây dâu cổ thụ kia bị đổ, làm nát cả bàn thờ nhà Lưu Bị quả là nghiệm lắm. “Mệnh” trời quả không thể xem thường. Tuy thế, song những màn “ảo thuật,” những “mẹo” vặt của Khổng Minh vẫn được người đời thích thú, tôn sùng, đã lưu truyền được danh tiếng lẫy lừng của ông cho đến tận bây giờ. Danh tiếng ấy bao đời nay át cả Lưu Bị, đến mức bất cứ ai nghe thấy cũng phải trợn mắt thán phục. Thế thì có thể nói rằng Khổng Minh mới chính là người đã “vớ” được Lưu Bị, còn Lưu Bị, là người đã “vớ” phải Khổng Minh vậy.

Tóm lại, việc đời thường tuân theo quy luật quân tử khởi xướng, tiểu nhân a dua, quân tử thiệt thân, tiểu nhân thủ lợi. Cho nên cái triết lý “đầu voi đuôi chuột” dẫu chẳng ra gì, vẫn luôn tỏ ra đúng với mọi thời . Cái “ô Trời” ấy ở nhà Lưu Bị ban đầu dẫu có mang cái “lý” của một “con voi,” thì cuối cùng, “con voi” ấy vẫn phải có lúc đổ kềnh. Và một khi nó đã đổ, thì kết quả bao giờ cũng vô cùng thảm hại. Việc của Trời Đất còn như thế, huống hồ là việc của con người. Một cây cổ thụ còn như vậy, huống chi những loài cỏ lác. Có biết đâu rằng cái tử tế mãi chính là cái đáng nghi nhất trên đời. Cứ xem những sự khởi đầu và kết thúc của mọi cuộc đổi thay trên thế gian này thì biết. Tuy rằng cây dâu kia ở nhà Lưu Bị (có vẻ) chẳng liên quan gì đến Khổng Minh. Song việc mọc thẳng của nó hoá ra lại là một cái “triệu” bất tường. Thật chẳng biết rồi nó sẽ đổ về phía nào để mà đề phòng vậy. Giá như nó đừng đứng thẳng, mà cứ cong hẳn về một phía, để ông cha Lưu Bị cất nhà ở bên phía ngược lại, thì bàn thờ nhà ông đâu đến nỗi bị đập nát, và duyên trời biết đâu đã chẳng run rủi cho ông gặp phải con người cũng có tiếng ngay thẳng là Khổng Minh? Tưởng gặp phúc mà thành ra vô phúc, tưởng kì duyên mà lại hoá vô duyên. Chắc chỉ có giời mới đùa nổi kiểu ấy. Trên đời, có ai lại ngu đến mức không tự nhận mình là người ngay thẳng, nhất là những hạng được coi là kẻ sĩ. Thế nhưng so với cái trò đùa ghê gớm ấy của cơ trời, thì sự dối trá kinh niên của con người xem ra chẳng thấm tháp vào đâu.
LVP

Thứ Năm, 23 tháng 8, 2007

QUANG TUỆ, BẠN CHÚNG TA

Chuyện đi xe máy
Năm 1980, Quang Tuệ tốt nghiệp ở Len về nhưng phụ huynh không xin xỏ mà bắt theo phân công của tổ chức. Tuệ ngoan ngõan lên công tác trên Đại học quân sự. Quang Bắc, anh trai Tuệ, đang nghiên cứu sinh ở Đức có để ở nhà chiếc xe Mokic. Đường xá xa xôi, Tuệ phụng phịu với mẹ: “Xe tuyến của trường về Hà Nội hiếm vé, tầu hỏa thì luôn chậm trễ. Mẹ cho con mượn xe anh Bắc đi lên đi về cho tiện, lại không ảnh hưởng đến sức khỏe”. Thương con, mẹ Tú đồng ý. Vậy là có xe bay nhảy. Nhưng vốn nghịch ngợm, có xe là cậu ta toàn đánh đi tìm các em xinh xinh để đèo đi chơi(!).
Ngày đó HN rất ít xe máy, không có tụi đua xe như thời nay. Công an giao thông tuần tra rất ghê. Lần đó không hiểu vì sao mà họ chặn ở ngã tư Hoàng Diệu – Phan Đình Phùng. (Hay là bảo vệ lãnh tụ?). Khuya thứ bảy, đi chơi về thấy chặn đường, Tuệ hỏang hốt lách chốt rồi tăng ga phóng dọc đường Hoàng Diệu. Nghi là tội phạm, công an lập tức nổ máy đuổi theo. Đến trước cửa nhà Tướng Văn Tiến Dũng thì xe lọang chọang rồi lao vào gốc xà cừ. Tuệ ngã quay lơ. Công an phi đến thấy một chú mặt non chọet lồm cồm bò dậy, tập tễnh đứng lên, gãi đầu gãi tai: “Cháu... cháu là bộ đội. Nhà cháu ở chân Cột cờ...”. Thấy Tuệ không chấn thương và không có vấn đề gì lớn, họ cho đi. Nhìn kĩ thấy xe không hề hấn gì, thử đạp một phát ăn ngay, Tuệ sướng run người. (Có bị sao anh Bắc mà biết sẽ chửi chết!).
Chiều hôm sau khi dắt xe ra cổng để cưỡi lên trường, vừa vắt chân, hạ đít xuống yên, khẽ cúi xuống thì thấy bình xăng hơi khang khác. Sao lại vẹt một góc vừa bằng bàn tay, lại ở vị trí sát với yên xe? (Ngang tầm “chỗ ấy”!? Chả lẽ đêm qua khi ngã, “cái ấy” nó làm lõm cả bình xăng? Kiểm tra của mình thấy còn nguyên vẹn. May quá!). Vậy là chỉ mất ít tiền mang ra Phủ Doãn cho cánh thợ quen gò lại bình xăng!

Anh Bắc giờ này mới biết thì cũng chả làm được gì!

Đi phiên dịch cho chuyên gia
Ở trường có nhiều người được phân công đi phiên dịch cho chuyên gia Liên Xô. Chuyên gia nước lớn, ai cũng sợ nên lắm anh lúc nào cũng khúm núm, dạ vâng. Nhưng với Tuệ thì khác, ông đi làm chuyên gia là nhiệm vụ của ông, tôi cũng có việc của tôi, hai ta là bình đẳng, không bao giờ phải quỵ lụy.
Một hôm, cùng vào Công trình B (xây dựng trường Quân sự mới), thấy một chú lính ta vừa đi vừa húyt sáo lại còn đút hai tay vào túi quần. Cậu chuyên gia tỏ vẻ khinh khỉnh hỏi:
- Mày biết thằng kia đang làm gì?
- Không. - Tuệ lắc đầu.
- Không chịu làm việc nhưng nó vừa đi vừa đếm xem còn bao nhiêu hòn dái.
Nghe vậy Tuệ tức lắm, thầm chửi: “Khui nhja!”.
Hôm sau lại cùng tay chuyên gia này đi xe con từ Hà Nội lên Vĩnh Yên. Qua đọan Cầu Đuống thấy chị em công nhân mồ hôi mồ kê nhễ nhại, xúc đá vá đường. Cậu Tây lại nói kháy: “Đàn ông chúng mày lười biếng, toàn ăn chơi và chọn việc nhẹ. Toàn bắt phụ nữ dãi dầu nắng mưa...”. Không để cậu nói hết câu, Tuệ chửi luôn:
- Chúng mày thì cũng “adzin khui”, hơn đ. gì... Đàn ông Tây chúng mày suốt ngày say rượu, bọn nát rượu thì đông như quân Nguyên, chúng mày chuyên đánh đập phụ nữ...
Hai tên như 2 chú gà chọi chửi bới nhau thậm tệ. Chú Tây không chịu được đòi đuổi Tuệ xuống xe. Tụê bảo:
- Tao xuống ngay. Cần đ. gì đi với mày. Ông lại có lí do để về chơi Hà Nội. Sếp có hỏi vì sao không lên đúng hẹn thì bảo vì mày...
Suốt quãng đường còn lại, hai tên không thèm nói chuyện với nhau một câu. Sau đó, chú Tây vẫn phải dùng Tuệ. Chí ít bạn của chúng ta nghiệp vụ nghiêm nên chả sợ thằng nào.

Con người Tuệ là thế đấy!

Thứ Tư, 22 tháng 8, 2007

KHUYẾN CÁO !

Blog mà chúng ta đang tham gia là diễn đàn để anh em bạn bè giao lưu ôn kỷ niệm và biết tin tức tình hình của nhau hàng ngày. Mỗi người đều có tâm tư nguyện vọng khác nhau cho nên thể hiện dưới dạng bài viết cũng sẽ khác nhau. Văn nào thì người thế mặc dù chúng ta đều không phải là nhà văn. Chính vì vậy mỗi người trong chúng ta dù là quản trị hay là thành viên đều phải tôn trọng ý kiến, kỷ niệm, và suy nghĩ của người khác. Quản trị hay là thành viên không quan trọng mà điều quan trọng là tạo điều kiện để mọi người có cơ hội nói lên tất cả suy nghĩ của mình, kể về kỷ niệm của mình. Vì vậy mọi người hãy cùng nhau tôn trọng, làm tất cả những gì tốt đẹp cho mình và cho người khác, thông qua kỷ niệm, suy nghĩ để thấy rằng cuộc sống này là tốt đẹp và mọi người biết sống vì nhau. Và cũng nói thêm rằng tất cả chúng ta không còn ở độ tuổi đôi mươi hay trẻ trung gì nữa, hãy để cho thế hệ đàn em, con cháu thấy được tấm chân tình, đoàn kết và tình nghĩa của các anh chị, bố mẹ chúng như thế nào.

BBT

Đọc thêm "Blogger Việt cần có qui tắc ứng xử".

Thứ Ba, 21 tháng 8, 2007

Tan tác hạc chiều

...Ngày xưa, có chàng nông dân Yohyo nghèo, chất phác, tốt bụng, tình cờ bắt gặp một con hạc bị trúng tên trọng thương. Anh ta mang chim về chăm sóc cho đến khi nó lành lặn thì thả bay đi. Ít lâu sau, có một thiếu nữ xinh đẹp là Tsu không biết từ đâu đến chung sống cùng anh. Tsu dệt cho anh những tấm vải tuyệt đẹp. Cuộc sống của họ yên vui, hạnh phúc cho đến khi có hai tay buôn chuyến đến xúi Yohyo ép Tsu dệt thật nhiều tấm vải đẹp như vậy để mang lên kinh đô bán lấy nhiều tiền. Nàng Tsu đã nhiều lần năn nỉ từ chối nhưng chàng nông dân vẫn cứ ép, bởi lòng tham đã làm anh ta mờ mắt. Hóa ra Tsu chính là con chim hạc được cứu sống trước đây và những tấm vải tuyệt đẹp ấy được dệt từ lông chim hạc và mỗi lần dệt, nó phải trải qua bao đau đớn, lông trụi dần, da tươm máu. Cuối cùng, kiệt sức, Tsu đành vĩnh biệt Yohyo bay trở về trời…

Vở kịch nổi tiếng “Hạc chiều” của kịch tác gia Nhật Bản Kinoshitajunji được xây dựng theo một mô típ rất quen thuộc của truyện cổ dân gian. Hơn hai năm trước, trong một chương trình hợp tác văn hóa Việt - Nhật, đạo diễn Yuutki Ippei đã sang Việt Nam giúp dàn dựng vở kịch với dàn diễn viên rất trẻ của trường Cao đẳng Sân khấu điện ảnh TPHCM, sau đó công diễn. Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã vài lần phát sóng vở kịch này và lần mới nhất là cách đây mấy hôm.

Xem “Hạc chiều”, có lẽ ấn tượng khó quên là hình ảnh Yohyo cô đơn giữa bốn bề tuyết trắng gào tên “Tsu, Tsu…” trong đau đớn pha lẫn bao hối tiếc ở cuối vở kịch. Chàng nông dân Yohyo bây giờ đã có nhiều tiền, nhưng đổi lại, anh đã phải mất bao nhiêu thứ quý giá: mất người vợ hiền xinh đẹp, mất những chuỗi ngày sống an vui, vô tư lự trước kia… Một sự hối tiếc muộn màng và cuộc sống của anh ta giờ đây hẳn chẳng còn ý nghĩa!

Chim hạc đã về trời. Cái đẹp và vẻ thanh nhã cao quý - như ý nghĩa tượng trưng mà người ta thường gắn với chim hạc - đã trở thành món hàng bị khai thác, thậm chí “bóc lột” đến mức quá đáng, để rồi suy kiệt, tàn tạ. Và bi kịch đã xảy ra do lòng tham lam, ích kỷ đến mức lạnh lùng.

Đạo diễn Kinoshitajunji và các bạn Nhật Bản khi giúp dàn dựng vở kịch này hẳn muốn nhắn gửi như thế. Nước Nhật từ lâu đã là một cường quốc kinh tế với bao công nghệ hiện đại và nhiều sản phẩm cao cấp đã chiếm lĩnh thị trường thế giới. Nhưng Nhật cũng là nước có tỷ lệ người tự tử vào loại cao nhất thế giới và không ít lần trải qua những cuộc khủng hoảng về văn hóa, tâm linh (mà vụ giáo phái AUM là một minh chứng). Do vậy mà càng ngày họ càng cố sức giữ gìn những giá trị đẹp đẽ của di sản thiên nhiên, giá trị truyền thống để hướng tới phát triển bền vững. Giờ đây, họ vẫn rạo rực với mùa hoa anh đào, với tuyết trắng trên đỉnh Fuji, trân trọng kịch Noh, trân trọng rượu sakê, vẫn sùng kính những ngôi chùa bằng gỗ hàng vài trăm năm tuổi… Họ từng trả học phí cho bài học Yohyo và giờ đây muốn chia sẻ với mọi người.

Tiếc rằng ở nơi mà họ đã gửi đến thông điệp đó, những người có trách nhiệm phải hiểu thì lại không hiểu (hay không muốn hiểu?). Rừng vẫn tiếp tục bị chặt phá không thương tiếc, kênh rạch bị lấp thẳng tay, những con sông đang bị đầu độc bởi chất thải công nghiệp, nhiều bãi biển đẹp đang bị băm nát, những hòn đảo ngọc như Phú Quốc đang bị vẩn đục… và mới đây nhất là sự kiện vịnh Nha Trang- một trong số 29 vịnh đẹp nhất thế giới - bị xâm hại mặc dù đã có Luật Di sản.

Làm cản trở luồng giao thông vào vịnh, ủi phá hòn Tằm và đòi rút tên vịnh Nha Trang ra khỏi danh sách danh thắng quốc gia… phải chăng là nhằm phát triển kinh tế? Mới đây trên một tờ báo, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính đã phân tích: “Người ta sợ nhất đi buôn không vốn, rồi đến bán hàng không thương hiệu. Vịnh Nha Trang vừa là vốn khổng lồ, vừa là thương hiệu mạnh, khước từ nó thì hình như hơi “có vấn đề” trong tư duy” (Tuổi Trẻ, ngày 27-5).

Phải chăng những người chủ trương khai thác (theo kiểu “bóc lột”) tài nguyên thiên nhiên đang làm cái việc như anh chàng Yohyo đã ép Tsu phải liên tục rút từ bộ lông đẹp và máu thịt của mình những tấm vải bán được nhiều tiền? Để rồi “xôi hỏng, bỏng không”, tài nguyên thiên nhiên bị hủy hoại mà đồng tiền thu về cho đất nước (chứ không phải chạy vào túi cá nhân) cũng chẳng là bao! Con hạc bị trọng thương trong cổ tích còn có thể chập choạng bay về trời, nhưng “con hạc thiên nhiên bị bóc lột” có lẽ sẽ ngắc ngoải rồi chết cứng!

Công Thắng

ĐÔI DÉP (nguyên gốc)

Thân gởi Công Tằng Tôn Nữ Ý Nhi
(
Hy sinh mùa xuân năm 1968, vừa tròn 21 tuổi. Biệt động thành Huế để lại một đôi dép Ý Nhi ra đi không bao giờ trở lại. Để lại đôi dép này là nỗi nhớ nỗi thương).

Vần thơ đầu anh viết tặng cho em
Là vần thơ anh viết về đôi dép
Khi anh nhớ ở trong lòng da diết
Đôi dép tầm thường cũng viết thành thơ

Hai chiếc dép gặp gỡ tự bao giờ
Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nhau nửa bước
Đi làm Cách mạng những nẻo đường xuôi ngược
Từ bắc vào nam cát bụi cùng nhau

Cùng bước cùng mòn không kẻ thấp người cao
Cùng chung chia sẻ sức người đời chà đạp
Khi vinh nhục không đi cùng người khác
Số phận chiếc này phụ thuộc chiếc kia

Nếu một ngày một chiếc mất đi
Mọi thay thế đều trở nên khập khiễng
Giống nhau lắm nhưng người đi sẽ biết
Hai chiếc này chẳng phải một đôi đâu.

Cũng như mình trong những lúc vắng nhau
Bước hụt hẫng cứ nghiêng về một phía
Dẫu bên cạnh đã có người thay thế
Mà trong lòng... nỗi nhớ Ý Nhi ơi!

Đôi dép vô tư khắng khít bước song hành
Chẳng thề nguyền mà không hề giả dối
Chẳng hứa hẹn nhưng không hề phản bội
Lối đi nào cũng có mặt cả đôi

Không thiếu nhau trên những bước đường đời
Dẫu một chiếc ở mỗi bên phải trái
Như tôi yêu em bởi những điều ngược lại
Gắn bó đời nhau bằng một lối đi chung

Hai chúng mình thầm lặng bước song song
Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc
Chỉ còn một là không còn gì hết
Như anh và em... thương lắm Ý Nhi ơi!

THUẬN HÓA

ĐÔI DÉP

Bài thơ đầu anh viết tặng em

Là bài thơ anh kể về đôi dép
Khi nỗi nhớ trong lòng da diết
Mọi vật tầm thường cũng viết thành thơ

Hai chiếc dép kia gặp nhau tự bao giờ
Có yêu đâu mà chẳng rời nữa bước
Cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược
Lên thảm nhung, xuống cát bụi cùng nhau


Cùng bước cùng mòn không kẻ thấp người cao
Cùng chia sẻ sức người chà đạp
Dẫu vinh nhục không đi cùng người khác
Số phận chiếc này phụ thuộc chiếc kia

Nếu ngày nào một chiếc dép mất đi
Mọi thay thế sẽ trở nên khập khễnh
Giống nhau lắm nhưng người sẽ biết
Hai chiếc dép này chẳng phải một đôi đâu

Cũng như mình trong những phút vắng nhau
Bước hụt hẫng cứ nghiêng về một phía
Dẫu bên cạnh đã có người thay thế
Mà trong lòng nỗi nhớ cứ chênh vênh

Đôi dép vô tư khăng khít, song hành
Chẳng thề nguyền mà không hề giả dối
Chẳng hứa hẹn mà không hề phản bội
Lối đi nào cũng có mặt có đôi

Không thiếu nhau trên những bước đường đời
Dẫu mỗi chiếc ở một bên phải trái
Nhưng anh yêu em bởi những điều ngược lại
Gắn bó đời nhau bởi một bước đi chung

Hai mảnh đời thầm lặng bước song song
Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc
Chỉ còn một là không còn gì hết
Nếu không tìm được chiếc thứ hai kia

Cuộc đời ta mãi mãi chẳng xa lìa
Mất một chiếc, chiếc kia vào sọt rác
Hay cố lê bên những gì phế thải
Sống âm thầm nơi xó góc tối đen

Rồi ngày kia buồn chán không ánh đèn
Chiếc còn lại cũng ra đi vĩnh viễn
Ngày ra đi không một người đưa tiễn
Nhưng vui lòng vì gặp lại chiếc kia

Một nơi xa hai chiếc chẳng chia lìa
Vì đã thoát khỏi cảnh đời ô trọc
Không hơn thua ghét ghen hay lừa lọc
Bước song hành một dạ đến ngàn thu "

(Sưu tầm)

NGƯỜI NÀY BÂY GIỜ Ở ĐÂU ? AI BIẾT CHỈ CHO TÔI VỚI.

Tên hắn là Nguyễn Ngọc Đại, thời gian học trường Trỗi hắn ở B6, gia đình ở 1a Hoàng văn Thụ, quận Ba đình, Hà nội. Tôi và hắn có một kỷ niệm khó quên lúc trong quân ngũ.
Hồi đó, khoảng đầu năm 1975, chưa giải phóng, đơn vị tàu chiến đấu của tôi đang ở Trung đoàn 172 đóng quân ngoài Quảng ninh, được điều về khu vực núi U bò, thuộc địa phận xã Minh đức, huyện Thuỷ nguyên, Hải phòng, trực thuộc Trung đoàn 171. Phải chia tay với nhiều đồng đội cũ quen thân trong đó có cả Vũ Anh, Vũ xồm khoá 7 tâm trạng thật buồn, nhưng cũng an ủi đôi chút, về Hải phòng là được gần nhà một chút, cóthể tranh thủ "phắn" về Hà nội bất cứ lúc nào là mừng rồi. Về đơn vị mới, đang trong tâm trạng buồn thì một chiếc xà lan cấp nước cập mạn tàu tôi. Vì là lính pháo, nên tôi có nhiệm vụ nhận tiếp nước. Đang loay hoay đón ống nước từ bên xà lan, thì ai kia ? Hắn bỗng hiện ra trên chiếc xà lan, mặt đầy mụn trứng cá. Hoá ra hắn là lính hàng hải bên đó, nãy giờ hắn lo lái xà lan cập mạn tàu tôi. Bạn cũ lâu ngày gặp nhau, chuyện nổ như pháo ran. Đêm đó, xà lan của hắn nằm kế bên tàu tôi, nên hai thằng có dịp hàn huyên, tâm sự vụn. Đến khi tôi đi gác mới chấm dứt câu chuyện, nó thì chẳng phải gác gì cả? Xà lan ai thèm đánh ?

Sau đó, lúc nào tôi với hắn cũng cặp kè với nhau, trừ khi làm nhiệm vụ. Thỉnh thoảng hắn “té” về nhà mang đồ tiếp tế lên, tôi cũng vậy. Cho đến vào một tối thứ 7 được tự do, cả bọn kéo nhau vào làng chơi để tán mấy em thôn nữ. Đang đứng dọc đường làng nói chuyện, thì có một tốp trai làng đi qua chiếu đèn pin vô mặt hắn, thế là hắn chặn đám trai làng lại đánh luôn, bọn tôi thấy bạn mình ra tay, không cần biết đúng sai, cũng chẳng cần "dân vận "gì cả, lao vào phụ hắn. Đám trai làng nhanh chóng tháo lui, nhưng trước khi chạy còn hô nhau về lấy dao quay lại quyết ăn thua. Chúng tôi và hắn cũng theo lối nhỏ, nhưng an toàn, về tàu . Về đến nơi chui hết xuống khoang ngồi, đám ở tàu ngạc nhiên lắm, vì sao hôm nay bọn này về sớm thế ? Mọi khi đi đến khuya mới chịu về. Chốc sau thuyền trưởng đến hỏi có ai làm gì mà đám trai làng đến kiếm ? không ai hé răng tố cáo. Rồi chuyện đó cũng qua đi. Tháng 3/1975, chúng tôi chia tay nhau để đi tham gia chiến dịch giải phóng miền Nam. Nó ở xà lan nước nên ở lại, không được đi hắn rất buồn, từ đấy tôi bặt tin hắn. Nghe tin hắn ra quân, đi lao động hợp tác bên Tiệp, mấy năm sau trở về Hà nội mở cửa hàng bán tủ lạnh ở phố Phan Bội Châu, nhưng khi tôi ra công tác Hà nội kiếm hắn thì không gặp ? Hiện nay hắn không còn bán ở đấy nữa, đi đâu không rõ ? Khu 1a Hoàng Văn Thụ thì đã giải toả rồi ? Có một hôm Hiền “ve” có gặp hắn ngồi uống bia, dùng máy Hiền “ve” gọi cho tôi, vì chủ quan có Hiền “ve” rồi nên tôi không xin số điện thoại của hắn. Ai ngờ tìm hắn khó thế ? Ai biết hắn đâu chỉ cho tôi với, số điện thoại cũng được. Tôi muốn gặp hắn để ôn nghèo, kể khổ một bữa cho thỏa nỗi lòng. Cám ơn nhiều !!!

Hồ Bá Đạt ĐT: 0903811111

Thứ Hai, 20 tháng 8, 2007

TIN BUỒN

Được tin mẹ của Trương Minh Trang - quản ca đại đội

Mất hồi 15h50, ngày 20-8-2007

Lễ viếng bắt đầu 8h00 ngày 21-8-2007 tại nhà tang lễ thành phố HCM, 25 Lê Quý Đôn, quận 3.

Toàn thể khoá 8 trường văn hoá quân đội Nguyễn Văn Trỗi, xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới bạn và gia đình.

Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2007

"Cổ tích"

Bức tranh

Ngày xưa, có một họa sĩ tên là Ranga, một người siêu việt, vẽ được rất nhiều kiệt tác đáng ghi nhớ khiến ai cũng đều khen ngợi.

Ông mở một lớp học mỹ thuật để dạy nghề cho mọi người và cũng để tìm đệ tử nối nghiệp. Ông không mấy khi khen ngợi ai, cũng không bao giờ đề cập đến thời gian của khóa học. Ông nói, một học trò chỉ có thể thành công khi ông hài lòng với kỹ năng và hiểu biết của người đó. Ông truyền cho học trò những phương pháp đánh giá, ước định của ông, và chúng cũng độc đáo như những tác phẩm của ông vậy. Ông không bao giờ thổi phồng tầm quan trọng của những bức tranh hay sự nổi tiếng, mà ông luôn nhấn mạnh đến cách xử sự, thái độ với cuộc sống của học trò.

Trong một số lượng lớn học trò, Rajeev là một người có tài nhất, chăm chỉ, sáng tạo,nên anh ta tiếp thu nhanh hơn nhiều so với các bạn đồng môn. Ông Ranga rất hài lòng về Rajeev.

Một ngày kia, sau bao nhiêu cố gắng, Rajeev được ông Ranga gọi đến và bảo:

- Ta rất tự hào về những tiến bộ mà con đã đạt được. Bây giờ là thời điểm con làm bài thi cuối cùng trước khi ta công nhận con thực sự là một họa sĩ tài năng. Ta muốn con vẽ một bức tranh mà ai cũng phải thấy đẹp, phải khen ngợi.

Rajeev làm việc ngày đêm, trong rất nhiều ngày và đem đến trình thầy Ranga một bức tranh tuyệt diệu. Thầy Ranga xem qua rồi bảo:

- Con hãy đem bức tranh này ra đặt ở quảng trường chính, để tất cả mọi người có thể chiêm ngưỡng. Hãy viết bên dưới bức tranh là tác giả sẽ rất biết ơn nếu bất kỳ ai có thể chỉ ra bất kỳ sơ suất nào trên bức tranh và đánh một dấu X vào chỗ lỗi đó.

Rajeev làm theo lời thầy: đặt bức tranh ở quảng trường lớn với một thông điệp đề nghị mọi người chỉ ra những sơ suất.

Sau hai ngày, Ranga đề nghị Rajeev lấy bức tranh về. Rajeev rất thất vọng khi bức tranh của mình đầy dấu X. Nhưng Ranga tỏ ra bình tĩnh và khuyên Rajeev đừng thất vọng, cố gắng lần nữa. Rajeev vẽ một kiệt tác khác, nhưng thầy Ranga bảo phải thay đổi thông điệp dưới bức tranh. Thầy Ranga nói phải để màu vẽ và bút ngay cạnh bức tranh ở quảng trường và đề nghị mọi người tìm những chỗ sai trong bức tranh và sửa chúng lại bằng những dụng cụ để vẽ ấy.
Hai ngày sau, khi lấy tranh về, Rajeev rất vui mừng khi thấy bức tranh không bị sửa gì hết và tự tin đem đến chỗ Ranga. Ranga nói:

- Con đã thành công vào ngày hôm nay. Bởi vì nếu chỉ thành thạo về mỹ thuật thôi thì chưa đủ, mà con còn phải biết rằng con người bao giờ cũng đánh giá bừa bãi ngay khi có cơ hội đầu tiên, cho dù họ chẳng biết gì về điều đó cả. Nếu con luôn để cả thế giới đánh giá mình, con sẽ luôn thất vọng. Con người thích đánh giá người khác mà không nghĩ đến trách nhiệm hay nghiêm túc gì cả. Mọi người đánh những dấu X lên bức tranh đầu tiên của con vì họ không có trách nhiệm gì mà lại cho đó là việc không cần động não. Nhưng khi con đề nghị họ sửa những sơ suất thì không ai làm nữa, vì họ sợ bộc lộ hiểu biết- những thứ mà họ có thể không có. Nên họ quyết định tránh đi là hơn. Cho nên, những thứ mà con phải vất vả để làm ra được, đừng dễ dàng bị ảnh hưởng bởi đánh giá của người khác. Hãy tự đánh giá mình. Và tất nhiên, cũng đừng bao giờ đánh giá người khác quá dễ dàng.

(Sưu tầm)

Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2007

Cảnh giác với bệnh Gout?

Phụ họa cho "Thịt cầy du ký" của Bạn Trỗi

Không giống những căn bệnh đe dọa sức khỏe của chúng ta một cách thầm lặng như viêm khớp hay mỏi cơ, những triệu chứng của bệnh Gout rất dễ nhận thấy. Đối với nhiều người, những dấu hiệu đầu tiên của bệnh Gout thường là một cơn đau mãnh liệt đi cùng với sự sưng to của ngón chân cái. Người bệnh bị đau đớn tới mức phải tỉnh giấc khi đang ngủ say và sau đó thậm chí không thể tự đi lại được nếu không được trợ giúp.

Mọi việc sẽ bắt đầu tồi tệ hơn kể từ khi phát hiện ra bệnh: Cơn đau đầu tiên kéo dài vài ngày và chỉ xuất hiện lại sau hàng tháng, thậm chí hàng năm nhưng sau đó chúng tái phát ngày càng thường xuyên hơn, tấn công các khớp xương ở tay và chân của người bệnh. Khi trở thành mãn tính, cơn đau sẽ không bao giờ chấm dứt dẫn đến hậu quả tồi tệ nhất là người bệnh có thể bị tàn tật.

May mắn thay, chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh được căn bệnh nguy hiểm này nhưng trước hết, hãy tìm hiểu đôi điều về Gout: Triệu chứng của bệnh Gout

Bệnh Gout là gì?

Gout là hiện tượng tích tụ Axít Uric bị tích tụ lại ở các khớp xương dưới dạng các lớp tinh thể. Đối với những người khỏe mạnh, cơ thể sẽ chuyển hóa Purine, một hợp chất hữu cơ có trong các thức ăn nhiều chất béo, thành Axít Uric và thải ra ngoài qua hệ bài tiết. Tuy nhiên, đối với một số người khác, bất kỳ trục trặc nào trong quá trình chuyển hóa sẽ gây ra sự dư thừa Axít Uric trong cơ thể. Khi lượng Axít Uric thừa này không được hòa tan, nó sẽ tích tụ ở các khớp xương dưới dạng các lớp tinh thể, đây chính là nguồn gốc của bệnh Gout.

Ở những giai đoạn sau của bệnh, các lớp tinh thể này sẽ hình thành các hạt sạn Axít Uric gây ra hiện tượng nổi cục ở các khớp xương. Quá trình này cùng với chứng viêm mãn tính sẽ dẫn đến triệu chứng thoái hóa khớp. Nếu không được điều trị, Axít Uric còn bị tích tụ tại thận dẫn đến các căn bệnh nguy hiểm khác như cao huyết áp, sỏi thận và ảnh hưởng nặng nề đến các chức năng của thận.

Các loại thức ăn nào có thể gây ra bệnh Gout?

Thức ăn có mối liên hệ chặt chẽ với căn bệnh này. Gout là một căn bệnh xuất hiện từ xa xưa và được biết đến như là một căn bệnh của những gia đình quý tộc và giàu có. Thực tế, chế độ ăn uống với các loại thức ăn nhiều chất bổ quá mức cần thiết là nguyên nhân chính gây ra bệnh.

Những thực phẩm có chứa nhiều hợp chất Purine như gan, thận, thịt đỏ, cá, tôm cua có thể làm tăng lượng Axít Uric trong cơ thể và tăng nguy cơ mắc bệnh Gout. Rượu cũng có thể làm bệnh thêm trầm trọng vì nó ngăn cản quá trình bài tiết Axít Uric khỏi cơ thể. Những người bị bệnh Gout cũng không nên uống bia vì đây là một thức uống giàu Purine và nhất là thịt chó là món khoái khẩu của đàn ông

Gout được chữa trị như thế nào?

Phương pháp chữa trị Gout bao gồm việc ngăn chặn những cơn đau cấp tính, sau đó giảm lượng Axít Uric để ngăn chặn những nguy cơ trong tương lai.

Để chữa trị những cơn đau cấp tính, bác sĩ sẽ kê cho người bệnh uống các loại thuốc giảm đau hoặc tiêm thẳng thuốc giảm đau vào chỗ khớp bị sưng. Khi cơn đau đã được kiểm soát, người bệnh sẽ được điều trị bằng các loại thuốc có tác dụng ngăn chặn sự hình thành Axít Uric hoặc giúp loại bỏ nó ra khỏi cơ thể.

Phòng tránh bệnh Gout

Bạn có thể tránh được nguy cơ mắc bệnh Gout nếu tuân thủ một chế độ ăn uống bổ dưỡng và biết cách cân bằng chế độ ăn uống của mình, tránh ăn quá nhiều các loại thực phẩm chứa nhiều Purine. Giảm cân cũng là một cách phòng bệnh có ích vì béo phì là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh Gout. Ngoài ra, nên uống nhiều nước, uống từ 6 đến 8 ly nước mỗi ngày sẽ giúp làm loãng lượng Axít Uric và do đó giúp thải nó ra khỏi cơ thể dễ dàng hơn.

Với điều kiện kinh tế như hiện nay, Gout không còn được coi là “bệnh của nhà giàu” nữa mà ai cũng có thể có nguy cơ mắc căn bệnh này. Ngoài việc tránh những loại thức ăn thuộc nhóm nguy cơ cao ở trên, bạn nên ăn nhiều anh đào, cần tây và nghệ. Những loại thực phẩm này rất có ích trong việc giảm nguy cơ mặc bệnh Gout.

Hãy tự bảo vệ sức khỏe của chính mình

Nguồn Sức khỏe & Thể thaoSức khỏe đàn ông

Lê Quỳnh

Phụ họa "Thịt Cầy Du ký" của 'BẠN TRỖI'

Cẩu cũng không loại trừ

Hướng dẫn tạm thời cách vào nhanh các blog của Google

Hiện tại ở Hà nội và một số tỉnh miền Trung các anh em học sinh trường Trỗi muốn truy cập vào các blog Bạn Trỗi thường gặp rất nhiều khó khăn vì đường truyền Internet chậm và thậm chí không vào được các blog Bạn Trỗi. Để đơn giản và dễ làm cho mọi người, theo kinh nghiệm đã dùng, chúng tôi tạm thời trình bày cách làm đơn giản tại địa chỉ dưới đây để mọi người tham khảo và thử thực hiện xem. Bạn nào có cách tốt và hay hơn xin đóng góp cho anh em. (Khuyến cáo dùng trình duyệt Firefox ). Có thể bấm nhanh vào tiêu đề bên fải blog: cách vào nhanh các blog của Google hoặc địa chỉ dưới đây

http://docs.google.com/Doc?id=dg8nvj9w_5c463fp

Cài đặt thêm tính năng chuyển proxy thì dễ dàng chuyển trạng thái có/không dùng proxy, dễ dàng kiểm soát trạng thái có dùng proxy hay không. Xem tài liệu ở địa chỉ bên fải blog.


Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2007

NHỚ VỀ MỘT THỜI


Bộ sưu tập quý


Anh Tạ Quang Vinh k3 (anh trai Tạ Quang Nghĩa k8 Quân sự, không hiểu có học k8 Trỗi?) hiện định cư tại CHLB Đức. Anh Vinh rất trân trọng các kỷ niệm theo thời gian và có trong tay bộ sưu tập quý - 13 huy hiệu Mao Chủ tịch. (Trong anh em ta, có lẽ, đây là người duy nhất làm được điều này?).

Nhân ngày nghỉ cuối tuần, BBT xin trân trọng giới thiệu bộ sưu tập này!

NHẮN TÌM ĐỒNG ĐỘI

Bức thư và những thông tin về LS Y Hòa, LS Bùi Thọ Tuyến đã được post lên web:
http://www.nhantimdongdoi.org/
Mời các bạn truy cập!
BBL trường

Thứ Năm, 16 tháng 8, 2007

VUI GI... ỮA TUẦN !!!

Đã mấy tháng nay, Đạt "bột" có thói quen dậy từ 5g sáng (có khi sớm hơn vì hôm trước (nếu không đi "nhậu") thì đã khò từ 8g30!), ra ban-công hít thở. Chiếc xe đạp không khung, không ghi-đông, không yên, chỉ có pê-đan từ lâu đã trở thành "bạn... không đường". (Có chạy ra ngoài đường bao giờ!). Một xấp báo đặt trên bàn chờ cùng tô phở bốc khói nghi ngút. (Anh em nào ở mạn sân bay nếu không ngủ được thì cứ tạt qua sớm, tha hồ mà đọc báo và tán phét! (Còn ăn sáng thì đã có quán sát nhà, tự phục vụ nhé! Vì Đạt đang hưởng tiêu chuẩn bệnh nhân không ăn ké được).
Ngày nào anh cũng lướt web từ "Bantroi" đến "Bantroikhoa3" , "Bantroikhoa7", "Vhqdnvt", "Sinhratrongkhoilua" và xì-tốp ở "Uttroi". (Nghiện ngang với phở vợ nấu!). Rất chịu khó comment và ghi lại những kỉ niệm xưa (mà kỉ niệm nào cũng hơi bị đặc biệt!). Chiếu qua, Đạt mail cho tôi một bức thư (hình như của một anh sĩ quan tầu viễn dương gửi vợ) nhờ post lên mạng, coi như quà cuối tuần. Hôm nay mới thứ 5 nhưng cứ post kẻo lại chậm chân hơn người khác.
Thư từ qua lại thế này...
"Em yêu quý! Anh đang đi xa nên không thể gửi cho em lương tháng này. Vậy gửi cho em 100 nụ hôn nồng thắm nhất”.
Vợ đã trả lời: "Anh thương yêu! Đã nhận được 100 nụ hôn. Cảm ơn anh! Em đã sử dụng chúng và xin gửi anh bảng kê chi tiết:
1. Ông giao sữa nhận 2 nụ hôn cho một tháng giao sữa.
2. Anh thu tiền điện chỉ đồng ý 7 nụ hôn.
3. Ông chủ nhà đến mỗi ngày nhận 2 hoặc 3 nụ trừ tiền nhà.
4. Riêng ông chủ siêu thị thì không chấp nhận chỉ có nụ hôn. Vì vậy, em phải trả thêm các khoản khác.
5. Các chi phí linh tinh: 40 nụ.
Anh đừng lo lắng nhiều vì còn những 35 nụ chưa sử dụng. Hy vọng sẽ thanh toán từ đây đến cuối tháng.
Dự định chi phí tháng sau cũng vậy. Xin anh cho ý kiến!”.

Thứ Tư, 15 tháng 8, 2007

TIN MỚI NHẬN TỪ BẠN CHÚNG TA



Những người bạn Quế Lâm


Nhân dịp Nguyễn Thiện Nhân được Quốc hội tín nhiệm bầu là Phó Thủ tướng, từ Quế Lâm và Phật Sơn, chị Lư Mỹ Niệm và anh Cao Cẩm Quỳ (Cao "Tư lệnh") đã gửi mail chúc mừng. Họ coi đây cũng là niềm tự hào của thầy trò Trường Y Trung. Quả là một tình bạn chân thành!

Anh Cao còn gửi những bức ảnh ghi lại chuyến về thăm quê hương Mao Chủ tịch ở Thiều Sơn Xung, tỉnh Hồ Nam. Nay giới thiệu cùng các bạn!









Thứ Hai, 13 tháng 8, 2007

Cuộc họp trù bị thành lập Hội TSQ VN


Ngày 8/8/2007, đại diện các thế hệ TSQ (từ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cho đến hiện nay) với sự có mặt của BLL TSQ Nguyễn Văn Trỗi đã họp và thống nhất đệ trình lên Hội CCB VN, xin phép thành lập Hội TSQ VN. Anh Vũ Mão, TSQ VN 1950, sẽ làm việc với Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng (TCCT, Cục Nhà trường...).
BLL lâm thời được thành lập với các thành phần:
- Các tỉnh phía bắc: Vũ Mão - Trưởng ban, Bùi Vinh (NVT) - Phó ban, Thái Chi (NVT) - Tổng thư kí, Vũ Hồng Giang (TSQ VN), Bùi Quý Hợp (TSQ QK4). Đồng Kim Mình (TSQ VN-Hải Phòng), Hồ Tiến (TSQ Lục quân), 1(TSQ Liên Khu 5), 1 (TSQ QK1).
- Tại TPHCM, 5 đ/c trong danh sách Ban liên lạc truyền thống các trường TSQ khu vực TPHCM (Thiếu tướng Cao Long Hỷ, Nguyễn Sĩ Ẩn, Phan Tiến Tài, Nguyễn Việt Quân, Trần Kiến Quốc). Anh Nguyễn Sĩ Ẩn là Phó ban phụ trách phía nam.

Nhiều công việc phải tiến hành từ nay tới 10/11/2008 - kỷ niệm 60 năm ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp kí quyết định thống nhất các trường TSQ trong phạm vi cả nước và ra mắt Hội TSQ VN.

Nguồn: Trường VHQĐ NVT

Thông báo của Ban liên lạc Trường

Gửi các anh chị em Trỗi!

Thái Chi đã xem qua các trang blogs bạn Trỗi của các khóa thấy rất thú vị và hoan nghênh cách làm này.
Nhân đây xin thông báo:
Trong thời gian qua trưởng ban liên lạc nhà trường Bùi Vinh đã đi tới thống nhất kết luận 1 số nội dung chính như sau:

1. Ban liên lạc Nhà trường nhất trí nhận lời mời của Trường Y Trung và cử 1 đoàn đại biểu Nhà trường các khóa tham dự kỷ niệm 70 ngày thành lập trường Y Trung (26/10/2007)
**Chương trình đi của Đoàn:
- Dự mít tinh và giao lưu kỷ niệm 70 năm thành lập trường Y Trung.
- Trồng cây lưu niệm tại trường Y Trung.
- Chậm nhất đến ngày 25/8 các khóa nộp danh sách của từng khóa cho đồng chí Nguyễn Thái Chi - Tổng thư ký Nhà trường theo địa chỉ: phòng H8, tầng 8, Tòa nhà Chung cư số 96, phố Định Công, Hà Nội. Điện thoại: 04.6649153 - 0904142176 hoặc 0923008888. Fax: 04.9350859. Email: thaichi96@yahoo.com.
- Ngày 16/9: Tổng thư ký chủ trì họp với đại diện các khóa thống nhất về kế hoạch đi cụ thể.
Các khóa nộp danh sách bằng văn bản, nộp tiền (150usd/1 người) và 4 ảnh cá nhân khổ 4x6, chứng minh thư nhân dân. (Đi theo hình thức tour du lịch 4 ngày - 3 đêm).
- Số tiền (150usd) nếu thừa sẽ dành để hỗ trợ các thầy cô.
- Hoặc các khóa tự lo được, ban liên lạc nhà trường xin hoan nghênh. Với giá rẻ, đi tự do không theo tour liên hệ với Lê Bình K5: 0982275023, Nam Hòa: 0903414449, hoặc Nguyễn Thắng K3: 0903420283.

2. Việc xây bia lưu niệm tại núi "Con Ốc" vì nhiều lý do không khả thi, trong đó phải xin phép thủ tục quá lâu, đặc biệt không có nhiều ý nghĩa gắn với những kỷ niệm của trường Nguyễn Văn Trỗi vì là điểm dừng tạm trước khi chuyển sang trường mới (Phong Khẩu). ĐỂ giữ tình hữu nghị trường Nguyễn Văn Trỗi sẽ đề nghị được trồng cây lưu niệm tại khuôn viên hiện nay của trường Y Trung trong dịp sang dự lễ 70 năm ngày thành lập trường.

3. Thủ quỹ của Ban liên lạc Nhà trường là đồng chí Hữu Thành (khóa 4), thay đồng chí Tuyên K1 (vì lý do sức khỏe). Ban liên lạc sẽ sử dụng nguồn tà chính trên cơ sở các khóa đóng góp hàng, năm, như đã quy định. Khi có thay đổi xin thông báo sau.

4. Để chuẩn bị kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Trường, kế hoạch dự kiến sẽ xuất bản tập sách ảnh - "Sinh ra trong khói lửa - trưởng thành - Trường Văn hóa Quân đội Nguyễn Văn Trối".
Tổ biên tập cho thầy Chi Phan phụ trách, dự kiến sẽ gặp mặt bàn việc vào ngày 30/8/2007 tại Tòa soạn báo Cựu Chiến Binh (34 Lý Nam Đế - Hà Nội).
- Nộp danh sách, địa chỉ, thông tin liên quan như (Sống, công tác, mất, hy sinh, thương binh của mỗi khóa) cho đồng chí Nguyễn Thái Chi - Tổng thư ký trường để soạn in tập danh bạ 2008 trường Văn hóa Quân đội Nguyễn Văn Trỗi, hạn hết ngày 20/10/2007 (trước khi đi Quế Lâm).
- Sau bia lưu niệm ở Phong KHẩu, Trung Quốc, Ban liên lạc Nhà trường sẽ triển khai làm bia lưu niệm tại Đại Từ và Hưng Hóa, đề nghị các khóa động viên anh chị em thiết kế và hiến kế. Mẫu thiết kế hạn nộp trước ngày 30/4/2008. Mẫu được chọn sẽ có thưởng. Các bạn hãy thông báo cho toàn thể anh chị em Trỗi toàn trường.

Chân thành cảm ơn.

NHỚ KỶ NIỆM XƯA

Có lẽ tôi là tên Trỗi được sống với lính Trỗi nhiều nhất: 5 năm học ở Trường Trỗi (từ 1965 đến 1970, nghĩa là học từ A tới Z), 5 năm sau (1970-1975) ở Trường Quân sự - tuy chỉ học với anh em cùng khóa 5 nhưng được gặp lại các anh em từ k1 cho đến k8 về học. Sau 1975 ở lại công tác những 15 năm, được dạy cho anh em Trỗi từ chiến trường trở về cùng em út của họ. Người xưa nói “thuở ban đầu làm gì có đường, người ta cứ đi đi lại lại mãi thì thành con đường, rồi đường mòn dần thành đường lớn”. Tôi cũng vậy được gặp anh em Trỗi suốt đâm ra thuộc nhiều tên tuổi bạn bè, nhớ bạn này học khóa nào, tính tình ra sao, thậm chí cả nhà cửa... Thật hạnh phúc!

Chuyện Quang Tuệ bắn gà
Riêng chú Quang Tuệ là lính Trỗi k8. Hắn là em Bắc “đen”, bạn ở Trại Nhi đồng miền Bắc với tôi. Tuệ nghịch từ bé. Năm 1979 tốt nghiệp kĩ sư Đồ bản ở Leningrad về, Tuệ được cử về Trường. Là thiếu úy sĩ quan nhưng mặt măng tơ, non chọet. Biết có ông anh ở gần nên suốt ngày xuống phòng tôi nằm đọc sách và tán láo. (Việc này làm cho anh em cùng bộ môn Tuệ khó chịu! Nhưng làm sao được, Trỗi mà!).
Anh em từ khi thoát khỏi bếp ăn tập thể, được tự nấu ăn ở nhà nên tiết kiệm được gạo. Ăn không hết thì mua gà về nuôi, Tết nhất có thêm thịt mang về. Chuyện cậu Trạch ở Khoa Công trình nuôi gà ai cũng biết. Vì chưa vợ con nên hắn quý đàn gà như con, đi dạy học về là lấy gạo rắc ra sân cho gà. Nhiều khi còn rủ rỉ nói chuyện với gà. Đàn gà suốt ngày quẩn quanh bên phòng Trạch.
Vì còn trẻ nên ưa họat động, Tuệ mang ở nhà lên khẩu súng hơi Haenel của Đức. Cứ hết giờ lại lang thang vào làng bắn chim sẻ, giẽ giun, chào mào mang về làm thực phẩm cho các ông anh lo bữa ăn. Sáng hôm đó không có giờ giảng, chú em mang súng ra ngịch. Chân tay ngứa ngáy, hết ngắm lên trời lại chĩa xuống đất. Chả hiểu trời xui đất khiến thế nào mà chú gà mơ của Trạch Văn Đoành lại lạc trước mũi súng của Tuệ. Bới bới, mổ mổ, “tóc tóc”. Bỗng... Pạch! Chú gà mơ lăn ra giẫy đành đạch rồi thẳng đơ. Tuệ hốt hỏang nhặt lên rồi chạy xuống tôi: “Chết rồi anh ơi... Em...”. Biết thằng em quá dại nhưng chuyện đã rồi!
Chỉ vài phút sau tin cu Tuệ bắn chết gà đến tai Trạch. Trạch mặt đỏ tía tai chạy xuống, giọng gằn lên:
- Tuệ, mày... mày bắn... gà.... gà tao...
- Trạch ơi, xin lỗi, tao xin lỗi vì đã lỡ tay.
- Lỡ lỡ cái gì? Máy bắn chết gà tao nay tao... tao...
- Thôi, để tao ra chợ mua đền con khác.
- Không đền gì hết. Mày bắn chết gà tao thì nay... tao... tao bắn mày!
Vừa dứt lời, hắn giật khẩu súng từ tay Tuệ. Thật là nguy hiểm. Mắt Trạch đỏ ngầu, trông dữ tợn. Tôi kéo Tuệ ra sau lưng, luôn miệng can ngăn nhưng không làm Trạch nguôi giận. Hắn chửi bới liên tục.

Bất ngờ, Tuệ nhảy ra trước mặt Trạch, vạch ngực áo ra: “Thế thì bắn tao đi! Mày bắn đi!”. Lúc bấy giờ không hiểu sức mạnh nào đã làm chú Trạch suy sụp hoàn toàn. Cậu ta vứt cây súng xuống đất, hai tay ôm lấy mặt rồi khóc hu hu. Chuyện kết thúc!
Một bài học nhớ đời! Chắc nhờ đó mà Tuệ trưởng thành như ngày hôm nay?

Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2007

MỖI TUẦN MỘT BÀI HÁT CŨ

Thể theo nguyện vọng anh em, mỗi tuần BBT cố gắng tái hiện cuộc sống cũ qua những bài hát "chế" của chúng ta. Sau đây là "Đi theo lối nhỏ là lối an tòan". Tuy nhiên cũng phải có lời với Nhạc sĩ Vũ Trọng Hối, ở nơi xa chú tha cho lũ nhóc nghịch ngợm và hồn nhiên này!

Đi theo lối nhỏ là lối an toàn
Tao là con của bố tao, mẹ tao
Nhớ nhà là tao phắn tao về
Tao không cần ba-lô, không cần chi mô, chỉ cần lương khô
Tao về ăn tết xong tao lại vô
Tao không cần ba-lô, không cần chi mô, không cần ôtô... chỉ cần lương khô!
Ta đi theo lối nhỏ là lối an toàn!

PS: Theo trình tự phải hát 2 lời nghiêm trước:
1. Ta vượt trên đỉnh núi cao Trường Sơn/ Đá mòn mà đôi gót không mòn...
2. Xưa Trường Sơn đỉnh núi cao mờ sương/ Theo Đảng mạnh chân bước lên đường...

Đây là phóng tác của anb em Trỗi ở Đại học quân sự. Vì cuộc sống học viên vất vả, thỉnh thỏang anh em phân công nhau tụt tạt về với bu, tha ít lương khô lên cho bạn bè. Mà đã tụt tạt là phải đi theo lối nhỏ. Và...

Thứ Năm, 9 tháng 8, 2007

VỀ LS BÙI THỌ TUYẾN

NGƯỜI VIẾT ĐƠN BẰNG MÁU XIN ĐI BỘ ĐỘI

KIẾN QUỐC

Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi thời kì chống Mỹ (1965-70) thuộc Tổng cục Chính trị (QĐNDVN) đào tạo hơn 1200 học sinh, với 90% học sinh tốt nghiệp đại học và cung cấp cho quân đội gần 900 sĩ quan. Hiện nay nhiều đồng chí là sĩ quan cao cấp trong quân đội. Trong kháng chiến chống Mỹ và bảo vệ Tổ quốc có 2 thầy giáo và 27 học sinh đã anh dũng hy sinh, trong đó liệt sĩ Huỳnh Kim Trung được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Nhân ngày Thương binh, liệt sĩ, xin giới thiệu về Bùi Thọ Tuyến - liệt sĩ trẻ nhất của nhà trường!

Hè năm 1970, Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi kết thúc đào tạo, Bùi Thọ Tuyến trở về với gia đình ở thị xã Thái Bình. Khi đó ông Bùi Thọ Tư, bố Tuyến, là Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh. Tháng 5-1971, học xong lớp 8 (hệ 10 năm) cũng là lúc tình hình chiến sự trên chiến trường vào giai đoạn ác liệt. Cả nước sùng sục khí thế của Lệnh tổng động viên. Tuyến tâm sự với mẹ: “Mẹ cho con đi bộ đội đợt này!”. “Con còn bé, mới 16, ai người ta nhận?”. “Được mà, miễn là bố mẹ đồng ý. Bạn con ở Hà Nội đi hết trong đợt này”. Là người bố người mẹ, ai chẳng thương con, nhưng khi đất nước lâm nguy, sao mà giữ chân con được. Mẹ Liên rơm rớm nước mắt.

Rồi Tuyến dùng dao lam rạch ngón tay, lấy máu viết đơn xin nhập ngũ. Khi lá đơn tới Ban chỉ huy quân sự thị xã thì bị từ chối: “Cháu còn bé quá, chưa đủ tiêu chuẩn”. Hai mắt đỏ hoe, Tuyến về nhà giục mẹ: “Bố thì đang bận huy động thanh niên cả tỉnh cho đợt tòng quân, có lẽ nào là con lại không hưởng ứng? Mẹ phải giúp con! Không đi đợt này thì còn có cơ hội nào?”. Suy nghĩ hồi lâu, mẹ Liên gạt nước mắt, đạp xe, mang hồ sơ của con xuống xã Hoàng Diệu (huyện Đông Hưng): “Cũng là chỗ quen biết, cháu nó quyết tâm đi đợt này nên tôi phải nhờ đến các chú. Nguyện vọng của cháu cũng là ý nguyện của chúng tôi”. Sau khi bàn bạc, xã đã chấp nhận. Đợt ấy, Tuyến đi theo đội hình của huyện Đông Hưng.

Vì muốn trực tiếp đối mặt với kẻ thù, Tuyến nhờ bố tác động để được về đơn vị huấn luyện đặc công. Kết thúc huấn luyện, vì thành tích học tập mà đơn vị muốn giữ Tuyến làm trợ giáo. Nhưng anh nằng nặc từ chối với quyết tâm: “Ra đi đợt này, một - xanh cỏ, hai - đỏ ngực!”. Với ý chí như vậy của một chiến sĩ thì không một thủ trưởng nào có thể từ chối. Tuyến cùng đơn vị lên đường. Vì nguyên tắc bí mật mà gia đình không hề biết Tuyến thuộc đơn vị nào, ngày nào rời miền Bắc đi “B”...

Sau ngày toàn thắng, chờ mãi không thấy Tuyến trở về, mà thư từ cũng chẳng hề có. Bà Liên lo lắng, dò hỏi mọi nơi mà không có tin tức. Cho đến một hôm, một người lính khoác trên mình quân phục còn khét mùi thuốc súng, tìm đến gia đình. Cầm chén nước trên tay mà không sao uống được, anh ấp úng:

- Cháu… con là bạn… cùng đơn vị. Con mới ra…

- Tuyến thế nào, con?

- Tuyến… Tuyến… đã hy sinh. – Rồi hai tay anh ôm lấy mặt.

Bà Liên òa khóc… Và người lính trẻ đã kể lại toàn bộ câu chuyện. Trong một trận đánh ác liệt, ngay trong giây phút mở cửa đột phá, chiến sĩ trinh sát đặc công Bùi Thọ Tuyến bị trúng đạn. Ngày ấy là 23-3-1974. Chỉ còn một năm nữa là cả nước có hoà bình!

Chiến tranh qua đi đã 30 năm nhưng anh yên nghỉ ở đâu, gia đình không hề biết. Những thông tin về người đồng đội của Tuyến cũng thất lạc theo thời gian. Mọi sự tìm kiếm đều vô vọng. Khi chúng tôi, những đồng đội của Tuyến, sưu tập tư liệu để biên soạn cuốn “Sinh ra trong khói lửa” thì được gia đình chuyển cho bằng Tổ quốc ghi công do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ngày 17-11-1976; Giấy báo tử của Bộ chỉ huy quân sự Thái Bình kí ngày 1-5-1977(?) và Huân chương Kháng chiến hạng Ba do Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh ký ngày 2-7-1986. Cảm động hơn khi chúng tôi có trong tay bức thư cuối cùng trước giờ ra trận. Đây cũng là bức thư duy nhất của anh mà gia đình còn giữ.

Hà Tĩnh, ngày 14 tháng giêng năm 1972

Anh Chúc kính mến!

Hôm nay, sau khi hành quân từ Vinh về đây, bọn em nghỉ để chờ ôtô vào Quảng Bình. Em vội viết mấy dòng về cho anh.

Anh Chúc ạ, vào đến đây, em được trang bị đầy đủ như cho một người lính chiến. Sơ sơ quân trang cũng tới 36kg, vì đi xa nên phải mang nhiều thứ. Bọn em còn hành quân vào tận B2, đường hành quân dài đến 2000km và sẽ sống, chiến đấu ở ngoại ô Sài Gòn. Hôm nay còn trên đất Hà Tĩnh thì mai, chỉ sáng mai thôi, là chân chúng em đạp “trên triền núi cao Trường Sơn” rồi.

Anh Chúc yêu quý! Em cũng đã nhiều lần đi xa, nhiều lần xa nhà, nhưng phải nói thật rằng, lần này khi tầu chuyển bánh, lòng em xao xuyến vô cùng. Cũng không hiểu vì sao?! Nhìn cột cây số cứ vun vút lùi lại phía sau: Hà Nội - 20km, rồi 30, 100, 150, 200, ngày càng xa dần, xa dần, rồi không nhìn thấy gì nữa. Nước mắt em muốn trào ra, điều mà cách đây 10 năm về trước em tưởng rằng sẽ không bao giờ có.

Anh Chúc ạ! Nếu như có một nhà văn đi cùng trên chuyến tầu này thì sẽ tả chuyến đi của bọn em như thế nào? Chỉ tiếc rằng em chỉ là một anh lính, bình thường như mọi anh lính khác, cũng chỉ có những lời nói chân thành, mộc mạc. Chẳng biết nói sao khi các mẹ, các anh, các chị, các em giơ tay vẫy chào những người lính trẻ chuẩn bị bước vào cuộc thử lửa. Còn trên tầu của lính thì như một rừng tay vẫy mãi, vẫy mãi. Em cũng thế, con người em tưởng như gỗ đá thế mà nước mắt cứ ứa ra, tay cứ vẫy vẫy dù trước mắt không phải người thân thuộc của mình! Em biết nói gì bây giờ? Chỉ biết rằng, ngày mai là cuộc chiến đấu mới!

Thôi, anh cho em tạm dừng bút vì thời gian còn rất ít. Ôtô đến rồi. Ngày mai đây trong cuộc chiến đấu máu lửa ấy, có thể em sẽ ngã xuống thì mỗi gịot máu của em phải đổi lấy một giá cao nhất. Và nếu đó là sự thật thì cho em gửi lời chào vĩnh biệt!

Chúc anh khỏe, trẻ, công tác, học tập tốt!

Em của anh. Bùi Thọ Tuyến

Vậy là Bùi Thọ Tuyến vẫn trẻ mãi ở tuổi 19. Và cũng mới đây thôi, Sở LĐ-TB-XH Đồng Nai thông báo “không có tên liệt sĩ Bùi Thọ Tuyến trong các nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh Đồng Nai”! Vậy đã 31 năm, mẹ Liên tuổi đã ngoài 80 vẫn mong mỏi ngóng tin con!

Tp.HCM, 19-7-2005

Thứ Tư, 8 tháng 8, 2007

VUI GIỮA TUẦN

Thấy Admin đi vắng, không khí hơi xỉu. Nay xin bơm tí... gọi là có món ăn tinh thần cho anh em!

Tôi là ai?
Một người đàn ông ở Philadelphia tự tử, để lại bức thư tuyệt mệnh: “Tôi kết hôn với một góa phụ. Vợ tôi có một con gái đã lớn.
Cha tôi phải lòng con gái của vợ tôi, kết hôn với nó. Vậy cha tôi trở thành con rể tôi, còn con gái của vợ tôi trở thành mẹ tôi.
Vợ chồng tôi sinh được một con trai, vậy cha tôi là anh rể của con trai tôi, còn con trai tôi là chú tôi, vì nó là em của con gái của vợ tôi.
Rồi vợ của cha tôi lại sinh một con trai. Đó chính là em trai tôi và cũng là cháu ngoại tôi, vì nó là con của con gái của vợ tôi.
Luận ra thì vợ tôi chính là bà ngoại tôi, vì nàng là mẹ của mẹ tôi. Tôi là chồng nàng đồng thời là cháu ngoại của nàng. Mà chồng của bà ngoại phải là ông ngoại, vì thế tôi chính là ông ngoại của tôi”.

Vậy tôi là ai???
Lằng nhằng dây điện quá!

Thứ Ba, 7 tháng 8, 2007

VĂN THƠ THIẾU SINH QUÂN

Anh Vũ Mão thuộc lứa TSQ VN 1950, cùng Phó Thủ tướng Võ Khoan... Từng tham gia công tác Đoàn rồi Quốc hội nhưng rất mê sáng tác thơ và ca khúc. Nhân họp mặt lần đầu các thế hệ TSQ VN vào 22/12/2006 tại Trường TSQ TpHCM ở Củ Chi, anh có bài thơ tâm sự. Xin được giới thiệu cùng anh em!

Ngày vui Thiếu sinh quân

Lời hát năm xưa
Đoàn Vệ út quản chi cuộc đời nắng mưa...
Bài ca rộn ràng ngân vang hùng tráng
Giữ mãi con tim cháy bỏng nồng say

Bão tố dâng đầy
Những ngày băng rừng vượt suối
Sa trường đâu xá vất vả nguy nan
Cùng lớp đàn anh tang bồng thỏa chí

Thíêu sinh quân Việt Bắc, Liên khu Ba
Liên khu Bốn, Liên khu Năm, Khu Sáu
Miền Đông kiên cường gian lao anh dũng
Miền Tây bừng dậy sóng cả Cửu Long Giang

Ơn nghĩa Bác Hồ dẫn lối chỉ đường
Công lao những vị tướng hào quang
Lập nên Thiếu sinh quân truyền thống
Kỳ tích hiển vinh ngời sáng dấu vàng son

Ngày hôm qua, chúng ta, những chàng trai vệ út
Ngày hôm nay, những mái đầu pha sương bạc trắng
Tâm hồn vẫn trẻ trung, lạc quan, nhiệt huyết yêu đời
Vẫn can trường xông pha, vượt bão tố trùng khơi

Việt Nam Tổ quốc rạng ngời
Vẻ vang truyền thống muôn lời ngợi ca
Quê hương gấm vóc lụa là
Thắm tình Nam Bắc một nhà yêu thương

TpHCM, 1/12/2006

Thứ Bảy, 4 tháng 8, 2007

ĐIỂM TÂM SÁNG CHỦ NHẬT

Tặng các em khóa 8 từng kinh qua Đại học Quân sự

Lính Trỗi đi đâu cũng nổi đình nổi đám, nhất là các công việc bề nổi - văn, thể, mỹ. Có mấy chuyện về sáng tác ca khúc như sau:

1. Làm Trường ca thật khó
Ngày ấy, năm 1970, đ/c Đỗ Khôi (lớp Vô tuyến C153) đã thử sáng tác Trường ca. Lời như sau (chép theo xướng âm) :
“Trường Đái học Quân sư ra đời trong chiến tranh
Dựa vào nhân dân ta xây trường đái học ...”
nhưng hát cứ Bút Tre thế nào ấy, khó quá đâm chỉ gác xó bếp!

2. Trường ca phóng tác từ "Tiểu đoàn 307”:
Do quá khó khi sáng tác 1 ca khúc (cả về giai điệu và lời) sao cho hợp với lính quân sự, cuối cùng các đ/c Trỗi là học viên Khoa Cơ điện đã phải phóng tác :
"Ai đã từng đi qua núi cao cao, núi cao đây miền Tam Đáo
Ai đã từng nghe tiếng Học viền , tiếng Học viền ky thuât quân sư
Buổi xuất quân Học viền năm ấy, cả Học viền thề dưới sao vàng :
“Ngươì chiến sĩ tiếc gì máu rơi ...”
Buổi xuất quần Học viền năm ấy, nguyện một lòng “gìn giữ non sông” !
Đã cống hiến cho quân đội , cống hiến biết bao đ/c kỹ sư
Kỹ sư đạn, kỹ sư pháo, kỹ sư nguồn,… kỹ sư linh tinh ... (!)
Bút vung lên với cánh tay sắt, đầu giặc rụng, nổ súng đồng đồn giặc nát tan
ĐK : Quân sư... Học viền Quân sư !!!
Học viền của ta, Học viện đầu tiên
Đánh đâu được đấy, Học viện quân sư
Với da sắt, gan vàng tiên lên lòng son chẳng nao
Tiếng Học viền, bao nhiêu đế quốc run rẩy sợ hãi
Vang lừng danh tiếng Học viền Quân sư!
... Quân sư ! Quân sư ! Quân sư !

Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2007

NHỚ BẠN !


Chủ nhật trước 29 -7-2007, tôi như có linh tính phải đi thăm Cúc lồi, rủ mấy người, ai cũng bận. Cuối cùng thì có Hải cẩu và Kiếm nhị cùng đi. Hải thì nhà gần, tiện đường, Kiếm thì có duyên nợ với Cúc. Gặp bạn, không nhận ra Huỳnh Cúc ngày nào. Một Cúc lồi nghịch ngợm, ngang tàng. Tôi ấn tượng nhất là khi tập trung lên trường Trỗi ở khu Nam đồng chiều hôm đó, Cúc được các bà chị đưa đi, ( ba Cúc đang ở trong Nam). Có lẽ quá sung sướng vì lần đầu tiên được xa nhà? Nên cu cậu leo lên cái rơ moóc đang đậu ở đó nghịch, la hét ỏm tỏi. Từ đó tôi nhớ nó mãi. Tại trường, Cúc không phải là học sinh giỏi, nhưng nổi tiếng vì những hành động nghịch ngợm, đánh nhau. Chỉ đơn cử một việc này thôi, một hôm tụi tôi đang tụ tập ngồi trong phòng thầy giáo, thì Cúc và Đàm quang Lương vào và quăng 2 quả lựu đạn chày (chắc lấy trong kho công binh ?) lên tường chỗ tụi tôi ngồi nói chuyện, nhỡ chẳng may nó bật chốt ??? Có lẽ bây giờ tụi tôi không còn ngồi đây? Các giếng nước quanh trường, trừ 1, 2 cái, nó và Quang Lương đã thử nghiệm vũ khí cả bằng cách ném lựu đạn xuống. Nước sau đó không thể sử dụng được nữa, giếng nước thối um lên. Bây giờ tôi mới nói, vì 2 đứa rủ tôi, nhưng tôi không tham gia, chúng nó khoe thành tích với tôi mà. Sau này về Hà nội, ngôi biệt thự 45 Quang Trung - nhà của Cúc, Huỳnh Hồng là nơi tụ tập của học sinh miền Nam, học sinh trường Trỗi quê ở miền Nam và nhiều anh, em khác....Sau ngày miền Nam giải phóng, như mọi người. Tôi và Cúc trở về miền Nam, tôi tìm gặp Cúc bình thường như bạn tìm nhau . Cúc đi lao động hợp tác bên Tiệp. Hết thời hạn, Cúc trở về với tay nghề điện. Do có nghề điện, nên Cúc xin được làm việc dưới tàu biển, tàu Vĩnh Trà của tỉnh Vĩnh long, chuyên chở hàng đi nước ngoài. Tôi và Cúc lâu lâu 2 tàu gặp nhau lại truyền cho nhau kinh nghiệm....buôn lậu.

Tôi có cảm tưởng Cúc đã đợi chúng tôi đến thăm từ lâu lắm, đôi mắt bạn nhìn tôi, Hải, Kiếm như muốn nói điều gì ? Chúng tôi biết bạn bị bệnh đã lâu, nhưng vì hoàn cảnh không thể thường xuyên đến thăm bạn được. Bạn nằm đó, nhưng còn biết gì nữa đâu ? Tôi biết, chụp hình bạn trong hoàn cảnh đó là không nên, vợ bạn cũng nói với tôi như thế, đau lòng quá Cúc ơi. Nhưng tôi muốn cho mọi người chưa biết tình hình Cúc bây giờ như thế nào, nên tôi xin phép đươc chụp hình bạn, không ngờ đó là tấm hình cuối cùng về bạn. Bạn ra đi rất sớm so với tuổi, nhưng như thế lại là giải thoát ? Trường Trỗi ở dưới đó có lẽ cũng đông ? Dễ phải đến hơn trung đội? Thành lập hội trường Trỗi được rồi. Bạn sẽ không bơ vơ nữa. Cho tôi gởi lời thăm đến các thầy, cô, các anh, các bạn chung lớp với mình như Thọ Tuyến, Aí khỉ, Huỳnh trung Hải, Lợi ly, Châu Linh, Văn Hùng, Hoàng Hà và các bạn khác nhé . Chúng tôi được các bạn phân công phải đi sau, để lo cho anh, em. Chà ! nhiệm vụ nặng nề quá, không biết có hoàn thành nổi không đây ? Nhưng còn sống ngày nào, chúng tôi sẽ thực hiện tốt, bạn yên tâm. Yên nghỉ nhé!

Hồ Bá Đạt

VUI... TIẾP NỮA ĐI !

Lý Thuyết Marketing:
- Khi bạn đi với 1 cô gái, đó là bán lẻ.
- Khi bạn đi với nhiều cô gái, đó là bán sỉ.
- Khi cô gái ấy chỉ đi với bạn, đó là Độc quyền.
- Khi cô gái ấy đi với nhiều người con trai khác, không chỉ riêng bạn, đó là thị trường tự do.
- Khi bạn thuê xã hội đen thanh toán cô ta, đó là cạnh tranh không lành mạnh.
- Khi bạn làm cho gái ấy "sung sướng", đó là làm hài lòng khách hàng.
- Khi bạn "hết xí quách" đó là phá sản.
Vậy Mục tiêu vươn lên của con trai đó là: "Độc quyền sản phẩm, cạnh tranh lành mạnh, làm hài lòng người tiêu dùng và ...


Khủng bố nhà thờ
Ở một xứ miền quê, cha xứ đang ngồi trong văn phòng thì ông thấy ông trùm hớt hải chạy vào:
- Cha ơi, có tên khủng bố muốn phá nhà thờ cha ạ!
- Sao ông biết nó muốn phá nhà thờ?
- Con vừa đi vào cuối nhà thờ thì nghe thấy có tiếng thì thầm: "Nạy Chúa, con đặt mìn dưới chân Chúa và hướng nòng nên tới Chúa".


(Tôn Gia cẩu từ intelet về, hôm nay post cho các bạn Út Trỗi!).

Thư giãn thứ 7


Bất khả kháng !!!

Thứ Năm, 2 tháng 8, 2007

CHUYỆN ĐỜI

Nói dối không ngượng mồm

Lạ nhất là hắn có tài nói dối nhưng không biết ngượng. Về Ban Công nghiệp TW được mấy hôm, hắn đến chơi rồi khoe với bà già tôi: “Con được các cụ xếp là cán bộ nguồn, sắp được chỉ định là Phó Ban Công nghiệp”. Biết anh Bùi Văn Sướng là con cháu trong nhà, đương chức Thứ trưởng Bộ Giao thông, nên hắn nói: “Bà bảo thằng Sướng muốn lên Bộ trưởng thì phải gặp con”. (Trong khi hắn kém anh Sướng gần chục tuổi). Nghe xong bà già phải dặn: “Gần được tí cán bộ cao đã xưng hùng xưng bá. Về đấy phải cố phấn đấu và kheo khéo giữ cái mồm!”.
Anh em xì xào to nhỏ, hắn được “sống trong vẻ vang” đúng một tuần. Nhưng sau đó từ nhiều nguồn thì biết hắn chỉ là nhân viên của Phòng Hành chính-Quản trị chứ có phải chuyên viên chuyên viếc gì. Nhiệm vụ được giao là chuyên đi xuống các nhà máy, xí nghiệp ở địa phương xin cho hoặc xin mua xăm lốp, phích nước, khung xe đạp, vải vóc, TV... với giá rẻ, về lo đời sống cho anh em. (Tóm lại là trong “ban đời sống”). Nhưng xuống địa phương thì mồm hắn toang toác: “Thằng nào muốn về Hà Nội, muốn làm lãnh đạo tỉnh thì cứ qua tao. Gần các cụ nên tao nói cho một câu”. Thật là liều! Mà chả hiểu có ông nào “lên to” được nhờ hắn và mỗi lần giúp hắn có “ăn uống” gì không?!!
Những lần nghe hắn bốc phét với người khác đến sùi bọt mép mà mình cảm thấy ngượng. Sợ nhất là họ nghĩ mình cũng như “bạn mình”(!). Còn hắn thì cứ vô tư. Biết tật của hắn chúng tôi cố tránh. Sau này còn đùa: Tốt nhất là giao cho ông nhiệm vụ chuyên đi ăn cơm trưa với cán bộ cấp huyện về Hà Nội công tác. Họ đói thông tin nên chuyện trên trời dưới biển của ông cứ há hốc mồm ra nghe và tin sái cổ. Còn với bọn tôi thì nói buổi sáng, đến chiều là lộ rồi!

Thứ Tư, 1 tháng 8, 2007

CÓ 1 BÀI CA

"...Aó anh rách vai, quần tôi có 2 miếng vá,
miệng còn cười , buốt giá chân không giầy
thương nhau tay nắm lấy bàn tay..."
TÌNH ĐỒNG CHÍ, là tên bài hát của Minh Quốc. Tôi học bài này từ Chí Cường bạn cùng tiểu đội với tôi, còn Chí Cường học lại từ ai thì tôi không nhớ rõ? Nhưng trước đó tôi đã nghe má tôi hát rồi,nó có vẻ đậm chất Nam bộ(tôi thấy thế)?Thế là nó đi theo tôi suốt những năm, tháng cuộc đời, tương tự như lời thề thứ 7 của quân đội. Tôi trân trọng nó, coi như kim chỉ Nam. Tôi muốn nói đến tình bạn, tình đồng đội.Chúng ta vẫn thường nhắc đến trong tập SRTKL những kỷ niệm đẹp về tình bạn, tình đồng đội đó sao? Chuyện chia nhau điếu thuốc trên đỉnh Trường sơn của Vũ Trung, YHoà với anh Chí Nhân là 1 ví dụ. Còn chuyện lính Trỗi gặp nhau trên chặng đường hành quân ra trận thì vô khối. Riêng tôi đã gặp các anh, các bạn trường Trỗi trong quân ngũ như: Cùng lớp thì có Vũ Trung, Cao quý Vũ, Hồ Thăng Long, Phạm Ngọc Thiết, Vũ Ngọc Đại, Trần Mạnh Tiến (bạc), Nguyễn Thắng Lợi, Quốc Thắng, Nguyễn Chí Hòa.... không biết tôi còn quên ai nữa không? Lớp trên thì nhiều lắm, liệt kê ra thì cả 1 danh sách, nhưng tôi chỉ kể ra những tên mà mọi người đều biết đó là Y Hoà, Ngô Tất Thắng, Phan đình Nhân... Khỏi nói khi lính Trỗi gặp nhau vui như thế nào? Dù trước đó chỉ biết nhau, không thân, thì tự nhiên thân tất, mọi thứ có thể cho nhau được, là mang ra hết. Đúng nghĩa nhường cơm, xẻ áo. Tôi có thể nói ra điều này mà không ân hận chút nào.
Nhân ngày Huỳnh Cúc ra đi,tôi nhớ một chuyện về Cúc trước khi bị bệnh mấy tuần. Trước đó bạn đã biết minh bị bệnh gì rồi, nên lúc nào cũng thủ theo thuốc đề phòng, mấy viên thuốc Tàu nhỏ li ti, đặc trị. Thế mà nghe Quách Kiếm kể hay bị huyết áp cao, liền chia đôi thuốc với Kiếm ngay. Chuyện này khiến tôi và Kiếm nhớ mãi, vì tôi chứng kiến mà. Hôm tôi và Kiếm đến nhà thăm Cúc có nhắc lại chuyện đó cho vợ Cúc nghe. Tôi muốn nói cái gì làm cho nhau được lúc sống thì nên làm ngay nếu có thể.Tất nhiên bây giờ ta không thể lo cho nhau vô tư như trước được, vì ta còn gia đình nữa! Nhưng tình bạn, tình đồng đội thì không thể quên được.
HB Đạt