Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Hai, 31 tháng 5, 2010

Tin nhanh.

Những ngày vừa rồi, K7SG có những buổi gặp mặt thân mật nhân dịp các bạn Văn Hùng, vợ chồng Khắc Việt ở Hà Nội vào và Xuân Thắng từ Đức về chịu tang mẹ. Mấy lần gặp mặt đông, vui và kể chuyện với nhau nhiều về những kỷ niệm. Nhiều bạn đã mấy chục năm mới gặp lại Xuân Thắng.
Các bạn K7SG có dự định tháng Sáu này tổ chức buổi họp mặt giữa năm, có một số chuyện anh chị em mình muốn bàn với nhau tí, về chương trình hoạt động những ngày sắp tới.
Tối qua Văn Hùng đã bay ra Hà Nội, còn gia đình Khắc Việt sáng nay đi sớm, vi vu đường bộ dọc đất nước bằng ô tô, có hai anh em sẽ đổi tài cho nhau. Chúc các bạn ấy thượng lộ bình an và ghé thăm được nhiều vùng đất nước.

Thứ Sáu, 28 tháng 5, 2010

TIN VẮN

Chiều tối qua (28-5-2010), nhân dịp Xuân Thắng K7 từ Cộng hoà liên bang Đức về, anh em k7Sg có buổi gặp mặt thân mật (Xuân Thắng chủ chi, k7sg chủ trì) trong đó có cả ôg Khắc Việt đi tháp tùng bà thị xã zô Sg và ông Văn Hùng mới vào Sg để nhận chức ông "Lội".Trong buổi họp mặt zui zẻ này,ae k7 Sg đã phát động phong trào quyên góp cho con bạn Phạm Tập Thanh (gia cảnh rất khó khăn).Tập Thanh có hai con gái,một cháu đang là Sv năm nhất trường Đại học Hoa Sen, một cháu đang chuẩn bị thi vào lớp 10.K7 Sg rất vui và thông báo rằng cho tới giờ phút này tổng số tiền lệ quyên được đã lên tới 11.200.000 vnđ trên 23 bạn ủng hộ. Số tiền này đã giao cho ông bạn Văn Hoài Nam (là người gần gũi với Tập Thanh nhất khi còn sống) để chuyển tới tay hai cháu con bạn mình.K7Sg cám ơn ông bạn Khắc Việt, ông bạn Tạ Hoà k8 và đặc biệt là ông bạn Văn Hùng đã có sự quan tâm sâu sắc đến con bạn mình. Hy vọng K7 Sg tiếp tục ủng hộ các cháu với tinh thần cuả Trỗi K7...Nay "Pót" lên để được các bạn chia xẻ.Cám ơn tất cả các bạn K7, K8.

Chủ Nhật, 23 tháng 5, 2010

TIN BUỒN.

Bạn Phạm Tập Thanh nguyên học sinh khóa 7 trường VHQĐ Nguyễn văn Trỗi, nguyên học sinh trường Miền Nam số 2 (Vĩnh Yên). Đã từ trần hồi 12h00 ngày 24/5/2010, hưởng dương 55 tuổi. Xin chia buồn cùng gia đình Tập Thanh, cùng khóa 7. 20h cùng ngày liệm
Lễ động quan lúc 6h30 ngày 26/5 ,sau đó hỏa thiêu tại Bình hưng Hòa.
K7 Sg tập trung viếng lúc 9h sáng ngày 25-5-2010.

DỰ ÁN CỦ CHUỐI CỦA PHONG QUẢNG

Một tay viết đã thành danh của Quân sử VN, đồng thời là một người đọc thầm lặng các trang bạn Trỗi, muốn trải lòng về chuyện không tiếng súng nên "xin" một ít đất của bạn Trỗi. Một cách hợp lý là cho Phong Quảng, bí danh của KV bên QSVN, làm nhân vật chính. Câu chuyện về các "dự án thế kỷ".

- Chào bác Phong Quảng, hồi này bác biến đi đâu thế ạ?
- À hà, hè hè...tốt, tốt ! Xê ra, xê ra ...tớ đang bận...!
- Là em muốn hỏi thăm sức khỏe bác. Với lại bác bận gì mà mất tích thế?
- À hà, tớ đi làm dự án. Xê ra! Tớ đi Sài gòn. Tốt, tốt...tột láám... !
- Oài ! Bác về hưu từ tám hoánh, giờ lại ham hố dự án cái giề? Hẳn không phải là dự án khai khoáng quặng vàng quặng thiếc trên Pắc Bó, dự án trục tâm linh Hà Nội – Ba Vì hay đường sắt cao tốc Bắc – Nam chớ?
- Hố hố ! Cả nước làm dự án sao tớ lại không? Các dự án hoành tá tràng đó để cho những người chưa về hưu làm. Tớ làm dự án thiết thực hơn cho những người già, người sắp già, người già không đều, người tóc muối tiêu.... Tất nhiên là cả những người sắp về hưu hoặc người có răng sắp rụng... Tốt, tốt lắm ! Hè hè....
- Răng sắp rụng à ? Vậy là dự án Mỳ ăn liền? Dự án Khoai lang luộc mềm đóng hộp hay xây lắp nhà máy Cháo, xưởng đúc thìa...?
- Hớ hớ...Khoai lang thì bóc vỏ đằng đuôi. Xin mời các bạn cứ xơi đi nào. Của thì chẳng đáng là bao. Mang tình mang nghĩa dạt dào quê hương.....Tốt, tốt lám !
- Ô hay cái ông này ! Mới đi tây về, bị gấu tát hay hẩm não rồi mà cái gì cũng cứ tốt tồn tột thế?
- Ố ồ ồ... khôông... khôông...Mà đó là do thói quen tớ mới hình thành từ khi chạy dự án. Dự án phải có luận chứng kinh tế, phải có báo cáo tiền khả thi là tiền khỉ tha. Hé hé... Không phải khỉ oắt đâu nhé! Toàn Tề thiên Đại thánh chỉ thích ăn chuối, hô là biến. Nhoanh lắm....! Không tốt tốt tốt thì đứa nào nó duyệt, đứa nào nó cho vay. Hè hè... Tốt tốt.....!
- Vậy túm lại là anh làm dự án gì?
- Dự án củ chuối, sau đó là chuồi cây chống.
- Trồng cây chuối ?
- Phải rồi! Chứ không phải là cắm đầu xuống đất, chổng mông lên giời đi bằng hai tay như cái động tác chú thấy anh hay phải làm những khi bị vợ phạt đâu nhé... Mà là trồng cây chuối thật. Chuối ăn quả ấy! Chuối cau, chuối ngự, chuối Đại Hoàng, chuối tiêu, chuối tây, chuối ta, chuối trứng cuốc....
- Thôi, thôi thôi...!
- Chuối hột, chuối lá, chuối kiểng, chuối hoa, chuối bao tử, chuối nóc tủ, chuối xanh...Bao giờ nó ra buồng thì chú bảo anh... lấy chuồi ra chống. Hè hè...Thuộc tục ngữ chưa?
- Tục ngữ nào ?
- Ngu hết sức! Này nhé, nói thầm nhé :”Trẻ trồng na, già trồng chuối”. Hiểu chưa?
- Chưa hiểu lắm !
- Đúng là cái loại đầu củ chuối ! Tốt, tốt lắm...Này nhé: Trồng na thì cả chục năm sau nó mới ra trái. Đến lúc đó liệu chú với anh có còn sống trên đời, được xơi múi ngọt của nó không? Hay ngỏm củ tỏi từ đời tám hoánh mất rồi....Trồng na thì anh với chú mất công, chả xơ múi gì. Chỉ béo bọn trẻ con sau này. Ăn na quá phức tạp, nó lảm cảm lủng củng trong mồm. Phượng hoàng ăn khế thì khi ăn một quả nó trả cục vàng. Đằng này mình ăn một quả na phải nhả ra cả hàng chục hột, phải không nào? Chuối ăn thì không phải nhả ra hột mẹ nào hết ! Chuối cứ một năm là ra buồng, bón phân chuồng là ra trái, trái chín mềm thì hái...Rất khoái...Cạp cạp cạp...hè hè...Các cụ ngày xưa dạy chúng ta bài học thực tiễn sinh động cấm có sai. Tốt - tốt lắm ! Tốt lám...tốt lám...
- Khiếp, bác nói lơ lớ cứ như Tây. Nhưng na có giá trị cao, và nó cho thu hoạch lâu dài. Chuối chặt buồng xong thì vứt. Có vẻ ăn hơi bị xổi...
- Hô hố...Vứt đâu mặc mẹ. Mà ai bảo chú là xổi, là vứt? Láo toét ! Thân chuối khi thu hoạch xong thì anh làm nhà máy chế biến băm nuôi lợn. Này, giàu xen lu lô lắm nhé! Một phần thân chuối khác thì xuất tươi phờ rét sang mấy nước hay lũ lụt chìm phà như Băng la đét, Phi lip pin cho nó đóng bè, hoặc cho trẻ con nó tập bơi tốt chán. Rồi anh sẽ nhập công nghệ về chế biến dây chuối, tơ chuối xuất sang Mỹ để làm áo chống đạn. còn tốt hơn sợi kevla, biết chưa. Rồi anh sẽ công thức hóa món củ chuối om mẻ và chạch đồng kiểu Quỳnh Phụ Thái Bình... Lúc đó thì Spaghetti, pa tê gan ngỗng, sò sữa hấp của mấy thằng tây chỉ có đem mà cho chó. Lá chuối để một phần cho các bà nội địa gói bánh gói xôi, còn chủ yếu đem trộn hỗn hợp nhựa chuối, cao phân tử ép tấm lợp mà vẫn giữ nguyên màu xanh tự nhiên. Bọn Austnam, tôn Hoa sen coi chừng ông! Thấy chưa, không vứt đi tí nào hết! Chú có thích món rau thân chuối, thái trộn rau càng cua, ăn kèm canh chua cá lóc không mà cứ phản biện vớ vẩn, nào nào?
- Thế còn vỏ chuối thì sao ?
- Trời đất! Cái thằng ngu hoài ngu hủy, ngu tận xương tủy, ngu dài thế kỷ....Vỏ chuối hả ? Anh sẽ gom lại trải trên sàn thi đấu. Anh cho chúng nó thi trượt vỏ chuối nghệ thuật trên nền nhạc Tchaikovsky hay Johann Strauus du dương và rất đỗi thân thương. Anh sẽ đưa môn trượt vỏ chuối vào chương trình thi đấu Thế vận hội thế giới. Nên nhớ trượt tuyết trượt băng người ta chỉ có thể thi đấu trong mùa đông. Còn trượt vỏ chuối có thể thi đấu trong cả mùa đông lẫn mùa hè...Khè khè khè...!
- Giờ thì em đã hiểu dự án củ chuối của anh.
- Chuối muôn năm !
- OK chuối !
- Ấy đấy! Thấy không? Mấy thằng nhanh tay nhanh mắt ăn cắp ý tưởng chúng nó đã chế tạo bao OK có mùi chuối rồi đấy! Bọn nó láo quá! Mẹ kíp!

Đón thầy Đại Thành tại An Giang.

Nhân dịp thầy Đại Thành có việc gia đình tại An Giang. Qua blog thầy có liên lạc được với hai học sinh của trường ta đang sinh sống tại đây. Mặc dù thầy Đại Thành không dạy mấy khóa dưới. Nhưng khi biết thầy dạy của trường ta, hai bạn vẫn nhiệt tình đón tiếp chu đáo. Còn đưa thầy ghé thăm chùa Bà, một điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh An Giang. Dưới đây là mấy tấm hình do Phùng Sơn gởi khi đón tiếp thầy.


Thứ Bảy, 22 tháng 5, 2010

Cao bồi Hà Nội.

(Phóng tác theo trí nhớ của mấy chục năm trước khi còn sống ở HN và nhân đọc bài  Ăn Phở và “được uống đá chanh” của Khắc Việt.
Nếu Bạn tin và nghe theo lời của một vài du khách vội vàng (chỉ đi lướt qua) có nặng lòng mến yêu thủ đô, thì ở Hà Nội ấn tượng hình như đáng kể nhất, đơn giản vẫn là “mái ngói thơm nâu” hay “cây bàng lá đỏ” hoặc “những dãy nhà cổ nằm trên phố cổ”…..
Tất nhiên các “tua rít gia” còn kể lể nhiều thứ nữa. Này nhé: sương loang hồ Tây, nó là: thu vàng ngõ nhỏ…... Rồi thì công phu ẩm thực, rồi thì những kỹ tính thú chơi…v..v… Hà Nội đương nhiên đã và sẽ đầy đủ những thứ đó. Cái vượt thoát khỏi sự hay dở làm người ta tâm phục, khẩu phục nửa kính, nửa nhường lại hoàn toàn không nằm ở chuyện múa may son phấn này.
Người có cốt cách Hà Nội mang một phong độ rất rất riêng, nó là bản năng phố phường có được từ “chất.” (Những năm còn bao cấp sắp sửa manh nha sang đổi mới, dân chợ Giời rất hay dùng chữ “chất” khi phải mặc định một giá trị gì. Ví như cái quần bò này “chất” nhỉ, Lìvai Mỹ hay Kinngiô Thái. Hoặc siêu hình Xếchxi hơn, con bé ấy cực “chất”……). Vì thế chỉ cần nghe một vài ngữ điệu giao tiếp người ở Hà Nội sành sỏi biết ngay người đối thoại thuộc loại nào. “Chất chơi” hay “chất quê.” Thậm chí còn định vị đúng anh/ chị ta đang sống ở phố cổ hay ở rìa Năm cửa ô (ấy là theo ngày trước, còn bây giờ Hà Tây đã được gọi là HN rồi). Những cao thủ lọc lõi phán xét chính xác được về “chất” thường là những đàn ông có tuổi ngoài năm mươi trở lên mà giới “giang hồ” trân trọng gọi cũng như bọn họ tự nhận là: Cao bồi già Hà Nội.
Đó là những vị ngoại hình trung niên, rất khó đoán tuổi đã ngoài sáu mươi hay ngoài bảy mươi. Quần áo phẳng phiu hàng hiệu, hoặc là kiểu “đờ mi xe dông” (quần kaki áo vest), hoặc một bộ đồ sáng mầu sang trọng đĩ tính.
Bọn họ thích đi bộ, có lẽ cũng vì già, nhiều tay phô phang thì tay cầm batoong, mồm ngậm tẩu, đầu đôi “phớt” dạ và dưới thắt lưng da nâu có thấp thoáng một sợi dây xích sáng trắng nối từ cái đồng hồ quả quýt nắp bạc và cái bao da đen trong đựng chiếc điện thoại di động. Bọn họ ăn sáng ở linh tinh các quán, các hàng rong, (y chăng như K. Việt đi ăn sáng hôm rồi gặp cô bé chân dài kêu “chánh đa” ), nơi những ông chủ bà chủ nổi tiếng nấu ngon cùng tài nhớ mặt thực khách, rồi khệnh khạng đi tới một hàng café quen. Có điều, tất cả những hàng này, bắt buộc phải trong bán kính một ki-lô-mét quanh hồ Hoàn Kiềm. Lờ mờ trong khói thuốc thơm câu chuyện của bọn họ khá tục, không phải vì bọn họ hay đệm mà do cái chất “sạn” trải nghiệm của cuộc đời.
Do hầu hết xuất thân ở những gia đình khá giả nên tất thẩy bọn họ đều ham chơi. Cái hỗn danh “mải chơi” không hẳn chỉ dành cho một người, và xung quanh “hỗn danh” này có không biết bao nhiêu truyền kỳ phảng phất hoang đường. Tuy mải chơi nhưng không hiểu sao các ông cao bồi này toàn đẻ ra con cái (cả trong và ngoài giá thú) luôn luôn thành đạt. Ở Hà Nội hôm nay, đám con cái ấy đều phát tài thành cự phú. Bọn chúng đồng thanh bảo đấy là nhờ hấp thụ được cái sắc sảo lăn lộn tinh quái của người cha. Thảng trong đám đó có đứa phát phúc học hành, đàng hoàng làm giáo sư làm tiến sĩ.
Do bản chất tài hoa, đám cao bồi hầu hết tinh tế ham thích âm nhạc, văn thơ và hội họa. Thơ bọn họ chua chát trắng trợn và đáo để lắm. Này nhá “Không vênh vang mặt giai không sợ. Không giáo giở lòng gái không thương.” Đây là hai câu vào loại nhẹ nhất trong bài thơ có nhan đề “Đời có ra chi mà đ… chửi” của một chân chính cao bồi ngoài bát thập. Và cũng chính từ họ, đám trẻ của Hà Nội nghìn năm văn hiến mới hiểu được câu thành ngữ khét tiếng “Gái Hàng Khoai, trai Hàng Lược.”
P.Sơn sưu tầm và phóng tác.
Một cao bồi HN áo cài lệch (không phải đội mũ lệch) đang"ngơ ngẩn đứng làm thơ..."

Thứ Sáu, 21 tháng 5, 2010

LÀM ÔNG

Cháu ngại tôi đang làm xấu đấy, đáng ra nó phải là con trai mới đúng. Bà mụ hết bột hay sao mà không nặm cho cháu tôi cái ấy, để cháu tôi là gái mà như trai thế này.
Thôi thì con gái cũng chẳng sao, miễn là vui tính và có duyên là được.

11 tháng cháu đã đi bể bơi hai lần, lần sau thấy bạo dạn chưa, như là đã biết bơi rồi ấy. Cháu đang khoe các ông bà đấy.

Vui tính quá !

Hóm hỉnh chưa!

Phải xa bà ngoại rồi buồn quá. Mọi khi bà hay mẹ gọi điện cho ông ngoại cháu đều dành điện thoại. Mấy ngày nay, sáng dậy không thấy bà nhớ nhớ mà không biết vì sao. Hôm nay mẹ cháu sai :" đưa điện thoại mẹ gọi cho bà ", thì bé làm theo và không đòi điện thoại nữa. Cũng hôm nay bé gọi được tiếng " Bà ". Tôi tin nó nghĩ ông, bà ngoại đang ở trong điện thoại và hôm nào phải mở ( phá) cái điện thoại để gặp ông bà.Thương và nhớ đứa cháu xa, chia sẻ cùng các bác nhà mình

Thứ Năm, 20 tháng 5, 2010

Quà tặng thầy Trọng: THÀY TRÒ GẶP NHAU GIỮA CHIẾN TRƯỜNG

Đoàn Nhật Cao
Học sinh khóa 7
Sau sự kiện Vịnh Bắc bộ, cuộc chiến tranh leo thang của đế quốc Mỹ ném bom ra Miền Bắc XHCN ngày càng ác liệt, hòng ngăn chặn sự chi viện sức người, sức của của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn…
Chúng tôi những học sinh trường Nguyễn Văn Trỗi, được Đảng-Nhà nước cho sơ tán theo trường sang Quế Lâm (Trung Quốc) tiếp tục học tập. Thôi thì khỏi phải nói đến những trò nghịch ngợm, tai quái của đám quỷ sứ – mà các cụ xưa thường nói “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”- của chúng tôi thời đó. Cũng thời gian này, thầy Phạm Đình Trọng vừa dạy Văn vừa phụ trách đại đội 5 chúng tôi.
Theo thời gian, được sự dạy dỗ, giáo dục của các thầy cô, chúng tôi cũng dần lớn lên và trưởng thành. Hòa chung với khí thế của cả dân tộc lúc bấy giờ, tôi cùng nhiều anh, chị khác của trường Nguyễn Văn Trỗi tiếp bước cha anh, tình nguyện khoác ba lô lên đường đi đánh giặc. Làm quen với sương gió, gian khổ, bom đạn và kinh nghiệm sống chết nơi chiến trường khắc nhiệt.
Tôi trở thành chiến sỹ trinh sát khá nhanh nhẹn và thông thuộc địa hình Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng (nước bạn Lào). Trong một lần được chọn cùng một số anh em khác làm nhiệm vụ dẫn đường, bảo vệ đoàn cán bộ trung cao cấp của mặt trận đi nghiên cứu địa hình Sa Phan, lên kế hoạch tác chiến cho chiến dịch mùa khô năm 1972-1973.
Hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi bảo vệ đoàn cán bộ về đến hang Phu Nhu – nơi Bộ tư lệnh và cơ quan mặt trận đóng quân. Đường từ chân dốc lên cửa hang, có những đoạn cheo leo, gần như dốc đứng, hai bên đầy đá tai mèo và chỉ vừa một người đi lọt. Tôi hăm hở đi gần như chạy với mong muốn được gặp mặt người cha thân yêu của mình – lúc bấy giờ ông là Phó tư lệnh mặt trận.
Vừa nhô ra khỏi góc khuất, tôi thấy phía trước là một người lính, dáng thấp đậm, trên vai vác một bó củi. Anh ta chậm rãi bước từng bước chắc chắn, lách qua các khe đá. Sốt ruột, tôi lên tiếng:
- Đồng chí ơi, nhường đường cho tôi lên trước cái, tôi đang vội.
Người lính vác bó củi ngoái đầu nhìn xuống, khuôn mặt anh in đậm trên khoảng sáng của nền trời chiều nơi đỉnh núi. Tôi mơ hồ nhận ra những nét thân quen. Bỗng chốc ký ức ùa về, tôi ngẹn ngào gọi:
- Thầy! Thầy Trọng phải không?
Anh sững người trong giây lát rồi cẩn thận đặt bó củi xuống những ngọn đá tai mèo, xoay người trở lại. Thầy ngắm nhìn tôi một cách kỹ càng và nói:
- Tôi nhìn em quen lắm, biết là học sinh trường Trỗi nhưng không nhớ tên.
Tôi líu ríu giới thiệu về mình…Ôm tôi kéo sát vào ngực mình, giọng trầm lắng, thầy nói:
- Em khá lắm, thực sự em đã trưởng thành rồi!
Thầy buông tay, đẩy tôi ra xa và nói:
- Nào cho thầy ngắm kỹ người lính của thầy cái nào!
Thầy mừng rỡ hỏi tôi:
- Mà bây giờ em ở đơn vị nào? Lên Mặt trận có việc gì? Đã xong việc chưa?
Rồi như chợt tỉnh, thầy nói: “Việc đó để sau. Đi, đi lên chỗ thầy. Bây giờ thầy là Chủ nhiệm báo Miền Tây (một tờ báo của Mặt trận lúc bấy giờ – NV). Thầy có thứ để chúng ta vừa lai rai vừa nói chuyện.
Tôi đưa khẩu AK báng gấp của mình cho thầy và dành phần vác bó củi, chậm rãi theo chân thầy lên hang.
Hang nơi Bộ chỉ huy mặt trận đóng quân, ngày cũng như đêm, tối đen như mực. “Tòa Báo” của thầy nằm trong một ngách hang khá kín đáo, sau khi thắp lên ba ngọn đèn được làm từ vỏ bom bi quả dứa, thầy gọi: “Nam ơi! Ta có khách quý này. Cậu xem mình còn ít thịt hộp, bột trứng đấy làm cả đi. Hôm nay chúng ta liên hoan một bữa ra trò vào!”.
Loáng một cái, tôi đã thấy người lính tên Nam bê vào một khay đồ ăn thơm phức. Thò tay vào một hốc hang lôi ra chiếc bi đông Trung Quốc, giơ về phía ánh sáng, thầy nói: “Loại “quốc lủi” thứ thiệt đó. Tháng trước có người ra Bắc, vợ thầy gửi vào. Để dành mãi, hôm nay dùng là đúng dịp rồi”.
Thầy trò tôi chưa kịp nâng ly thì từ phía ngách hang có ánh đèn pin và bóng người đi vào. Tôi chưa kịp nhìn rõ thì thầy đã đứng dậy và nói: “Chào thủ trưởng!”. Còn tôi thì ngớ người ra và lắp bắp: “Con chào bố!”.
Thầy hết nhìn tôi lại nhìn thủ trưởng của mình. Bố tôi cười hiền từ và nói: “Tôi biết rồi, hồi nãy Nam nó sang xin mỳ chính. Nó báo cho tôi biết rồi. Thầy trò nhà anh láu cá thật, định “ăn mảnh” phải không?”. Nói rồi, ông vẫy tay mời mọi người ngồi xuống mâm và rút từ túi vải mang theo ra hai hộp thịt xay. Ông đùa: “Phần của tôi góp vui đây, tôi không ăn không của thầy trò nhà anh đâu nhé”.
Bất chợt tôi nhìn lên vách hang, bóng ba người: Cha - Con, Thầy - Trò nhảy nhót, ngả ngớn.
Chúng tôi vui suốt đêm để sáng hôm sau, mỗi người một ngả tiếp tục bước vào cuộc chiến đấu của cả dân tộc theo phận sự của mình..

* Ghi chú: Nhân vật tên Nam không phải là tên thật (vì chuyện đã quá lâu nên tôi không nhớ tên. Thành thật xin lỗi!).

Một số hình ảnh sinh nhật Long "Jun"







Ảnh: TK7

Thứ Tư, 19 tháng 5, 2010

Triển lãm tranh "Thời để nhớ"


Từ ngày 24/5 đến 5/6/2010 tại Nhà Triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền, HN, sẽ diễn ra Triển lãm tranh của họa sĩ Phạm Lực (thầy chúng ta) cùng họa sĩ Đinh Công Khải.
Vì không thể gửi hết giấy mời, qua Út Trỗi thầy Lực có lời mời học trò trường Trỗi đến xem.
Khai mạc lúc 17g ngày 25/5.

Thứ Ba, 18 tháng 5, 2010

Sinh hoạt lịch sử tưởng niệm Thượng tướng Chu Văn Tấn

Sáng 22/5/2010, tại Bảo tàng Cách mạng VN HN, BLL Chiến sĩ Việt Bắc, BLL VN Giải phóng quân cùng gia đình dưới sự bảo trợ của Hội KH Lịch sử VN sẽ tổ chức sinh hoạt tưởng niệm cụ Chu Văn Tấn nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh của cụ.
Các đại biểu Thái Nguyên, QK1, TCCT, các lão tướng Việt Bắc... và bạn bè thân thiết của gia đình sẽ có mặt.
Vì số lượng giấy mời có hạn, nhưng anh Chu Thành qua blog này cũng có lời mời các bạn Trỗi thân thiết tới dự lúc 9g sáng.

Bạn Phùng Thế Quảng nhận công tác mới

Sau thời gian ra công tác tại HN, nay bạn Phùng Thế Quảng đã trở về TPHCM, nhận nhiệm vụ Phó tư lệnh QK7. Vậy tại phía Nam có thêm 1 bạn Trỗi mới về sinh hoạt.
Chúc bạn hoàn thành nhiệm vụ!

Có một thằng bạn.


Tác giả và nhân vật chính cùng một em của Trỗi khóa 5 học ĐHQS chụp ảnh chung.
Tôi có một thằng bạn thân cùng khu phố. Chúng tôi chơi với nhau từ khi còn nhỏ, lúc còn thò lò mũi xanh theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Chính vì thò lò mũi xanh, dớt dãi tùm lum nên nó chết tên húy từ đó. Cả nhà nó mấy chị em ai cũng giống bố mẹ cao lớn phổng phao, riêng nó còi nhất nhà. Nhưng tuy còi nó được đám trẻ con khu phố xếp hạng 2-3 về đấm đá, nghịch ngợm trong khu.
Bỏ qua giai đoạn đi sơ tán, vì chúng tôi không đi sơ tán cùng nhau. Tôi và một số khác thuộc cơ quan TCCT, nó thuộc TCHC. Lên trường Trỗi nó lên trước tôi một năm do không cùng khóa. Nó học hành không thuộc loại giỏi, xuất sắc cũng không thuộc loại kém. Được xếp vào loại thông minh nhưng nghịch. Năm 1972, phong trào tình nguyện nhập ngũ của đám trẻ khu tôi rất cao. Tôi và một số bạn đi đầu năm, thì tháng 6 nó và một tên cùng khu cũng tham gia quân đội, vào binh chủng lái xe thuộc TCHC. Thử tưởng tượng còi như nó, chưa đủ 18 tuổi để cầm vô lăng. Lái xe phải kê đít cho cao mới nhìn thấy đường.
Thế mà nó và tên kia được giao lái hẳn 1 chiếc xe tải chỉ sau 2 tháng nhập ngũ? Khi nó lái xe về cửa khu TT đỗ xịch trước cửa nhà, làm bà con khu phố xôn xao suốt cả năm, còn cánh trẻ con thì phục lăn. Trong một trận ném bom của máy bay Mỹ vào HN cuối năm 1972. Tên bạn cùng khu hy sinh, còn nó thoát chết nhưng bị thương vào đầu. Thế là từ đấy nó có thêm một thẻ thương binh để chen ngang mỗi khi mua vé tầu, vé xe (chúng tôi triệt để lợi dụng sự ưu tiên này khi cùng nhau học trường VHQĐ trên Lạng sơn). Năm 1973, tôi lên LS để học VH. Hè năm đó chúng tôi cũng được nghỉ hè. Kì nghỉ sắp kết thúc tôi ghé qua nhà nó chơi thì được biết nó cũng lên LS học. Lên tới trường trời đã tối. Tôi mò sang tiểu đoàn học viên mới tìm nó sau một hồi tìm kiếm rồi cũng gặp. Mới khoảng 7h mà nó đã chui vô màn,nhưng chưa ngủ. Quẳng cho nó bao thuốc lá quà HN, không ngờ nó từ chối bảo:" tao bỏ thuốc rồi". Tôi nhìn nó với ánh mắt đầy nghi hoặc: "Thằng này có vẻ tiến bộ gớm". Nhưng rồi sau đó như rồng gặp mây, cá gặp nước. Đám học sinh trường Trỗi năm đó từ các đơn vị tập trung lên rất nhiều. Ngoài tôi, Trần Thế Dân, Phan Đình Nhân, Cao Quý Vũ, Nguyễn Hòa Bình k6 lên trước, còn có Tráng mèo,Việt Triều,Trần Thành Công, Tuấn En đơ, Thắng Bình, Cao lùn, Thống Nhất, Quốc Thắng, Tấn cáo, Đăng Đồng...và nó, nên rất vui. Nó bắt đầu tham gia rất nhiệt tình,thậm chí còn hơn cả chúng tôi, những học viên cũ, những trò quậy phá, leo tường ra ngoài chơi. Lợi dụng ca gác đêm, nó và Tráng mèo lội xuống hồ sen của trường hái đầy hai ống quần gương sen mang sang gởi cơ sở của chúng tôi là phòng các giáo viên, lợi dụng" nơi hầm tối là nơi sáng nhất". Năm 1976 tôi và nó cùng gặp nhau tại Sài gòn. Nó chuyển ra ngoài học ĐHKT, tôi làm ở nhà máy Ba son. Nhưng cứ mỗi chủ nhật tôi mò sang nó hoặc nó sang tôi chơi. Có lần hai đứa lấy xe máy chở nhau. Do chưa rành lái xe nên xe cứ chết máy. Lần đó đạp máymãi không nổ, chúng tôi dắt xe vào bên lề bưu điện thành phố có chỗ sửa xe, chắc nhìn hai chú Bắc kỳ có vẻ ngô ngố nên đám sửa xe giã cho hơn 100 đồng, một trăm đồng hồi đó quả là một món tiền to. May là nó có tiền trả. Nó không nói nhưng tôi đoán chắc tháng đó nó sẽ phải chi tiêu tằn tiện rất nhiều, vì gia đình nó ở hết ngoài Bắc  chỉ mỗi nó ăn, học trong SG. Nó là thằng không biết uống rượu (hồi đó). Lần đầu tiên tôi rủ nó uống rượu, cả ly cối toàn soda có pha 1 ly rượu nhỏ. Thế mà nó say gục không dậy nổi, tôi phải vác nó trên vai về nhà, may mà gần nhà. Từ đó nó cứ uống là say, người cứ nhũn như con chi chi. Kể cả lúc nó có người yêu (ngang như nó, nói lúc nào cũng tưng tửng như xóc vào hông người ta, mà có người yêu nó, mà là gái trong Nam, thật lạ?). Người yêu của nó mà tôi cứ phải chở về nhà suốt mỗi lần nó uống rượu. Có lần chúng tôi cùng đón giao thừa, bồ của nó phải về nhà trước 12 giờ đêm để đón ông bà, mà nó thì không thể nào dậy nổi, thế là chỉ còn có 15 phút nữa là giao thừa tôi phải chở bồ nó phóng như bay về nhà dọc đường pháo đã bắt đầu nổ râm ran.
Chuyện về nó rất nhiều kể cả ngày không hết. Tịu chung là nó chơi với bạn bè rất nhiệt tình, vô tư,không bao giờ tính toán thiệt hơn, bênh bạn nhiều trường hợp vô lí mà vẫn bênh. Phải cái nó uống rượu vào thì mau" chết" và gàn không ai can được, nó từng tuyên bố"Gàn mới là tao". Nó đổi nick name của nó là Jun, đọc cho có vẻ "tây sờ"? Người ngoài không biết tưởng nó giỏi vật lí nên mới có tên đó? Đúng ra phải là Giun cơ. Mọi người đều biết nó rồi? 
Ngày mai là ngày sinh nhật nó,nó vẫn hay nói đùa:"Cả nước mừng sinh nhật tao", không biết chúc gì? Thôi viết bài về nó chọc nghe chửi chơi.
Mọi người thấy có nhiều khuôn mặt khóa 7 trong đám cưới của nó.

Thứ Hai, 17 tháng 5, 2010

Cafe Nguyên

Nhân dịp thầy Trọng sắp qua lại Quế Lâm, đám học trò "hư" K7 kéo đến nhà thầy uống cafe. Thày đang viết sách về trường Trỗi và QĐ nên cần gặp Nguyễn Mạnh Hà K7 để trao đổi 1 số tài liệu. Bạn nào ở Hà nội biết số máy Mạnh Hà thì báo vào số máy thày Trọng: 0939432643

Bài và ảnh: Lục Sĩ Thanh

Thứ Sáu, 14 tháng 5, 2010

PHỤ NỮ THÍCH GÌ?

Phụ nữ thích gì nhỉ ? Chắc là tình yêu, khen ngợi và mua sắm. Cứ cho là thế nha.!!!
1. Đầu tiên là đàn ông.
Một lần Tôi đi uống café cùng mấy đứa trong công ty, có một nữ nhân viên trầm ngâm phán:
- “Bây giờ tìm đàn ông đích thực để yêu khó lắm”
- Tay bạn đồng trang lứa ngôi gần hỏi lại liền “Oh đàn ông đích thực là cái gì”
- “Là một người đẹp trai, đầy nam tính, học thức uyên thâm, phong độ đầy mình, biết che chở biết yêu thương, biết cưng chiều,…”.
- Hắn vọt miệng: Khiếp, đòi lắm thế, thời nào cái loại này chả hiếm. Khổ, mà đã là phụ nữ thì có bao giờ trái tim và khối óc đoàn kết với nhau đâu. Đề xuất thì bao nhiêu tiêu chuẩn thế nhưng khi bị sét đánh “ngang cái lỗ” tai thì chàng lùn lại bảo là trông tự tin chắc chắn, chàng gầy thì thành nho nhã thanh mảnh, chàng cau có biến ra người nghiêm nghị, còn chàng xấu trai thì dồn lại ở vẻ đẹp ẩn bên trong….
- Nghĩ là thế, nhưng Tôi cứ chép miệng (như phong cách của đàn ông đích thực) “Ừ khó thật”. Đúng là không chiều nổi cái sở thích đầu tiên này.
2. Tiếp đến khen ngợi.
* Theo các chuyên gia thì thính giác của phụ nữ tác động đến tâm lí rất nhiều (vì vậy đàn ông đích thực nên biết chơi đàn hay là tạo ra âm thanh một cách hay ho bằng bất kì hình thức nào).
- Bây giờ cứ thử ra đường gặp một nàng mà trình bày hiện thực khách quan kiểu “Trông già thế”, “Tóc mới nhìn đần đần” chắc chắn bạn sẽ bị lườm cháy mặt hoặc tệ hơn là xơi một tát (đừng nghĩ là đùa nhá);
- Cũng chàng trai ấy nếu tươi cười mà nói những câu đầy chất thơ như “Càng ngày càng xinh” hay “Sắp thi hoa hậu đấy à” thì đảm bảo nàng sẽ rất muốn hôn bạn.!!! sướng ….. chưa?
- Tất nhiên khen cũng phải đúng cách. Khen phụ nữ không giống như khen sếp, càng không giống như nựng trẻ con. Đầu tiên nhớ phải khen xinh, sau đó khen tài, tiếp đến là các loại phụ tùng được xếp thứ tự theo kiểu như: tóc, quần áo, túi xách, chó mèo, chồng con....... nhìn cái gì cũng …..đẹp, cũng thích.!
Khen phụ nữ, đúng là một bộ môn nghệ thuật đầy lằng nhằng và phức tạp.
3. Cuối cùng là mua sắm.
* Nếu bạn là đấng trượng phu thì đi mua sắm đúng là ác mộng (trừ mua chức hay bom nguyên tử ra), nhưng với phụ nữ thì đúng là hổ về rừng. Tính đến nay chưa thấy các nhà kinh tế học thiên tài nào giải thích được cặn kẽ vì sao phụ nữ đóng góp một phần thu nhập sống còn cho các cửa hiệu, hàng ăn, siêu thị,….
- Vì vậy cứ tặc lưỡi cho là thiên tính của phụ nữ là mua sắm (thảo nào cuốn “Lời tự thú của một tín đồ shopping” bán chạy thế, còn chạy hơn cả “Lời tự thú của một sát thủ kinh tế”). Mà bạn xem có bao giờ phụ nữ đi cùng đấng mày râu vào nhà hàng hay hiệu áo, trang nam nhi nào dám thốt ra các mĩ từ kiểu “Tốn thế”, “Đắt khiếp” thì chắc chắn các lực lượng tiến bộ trong xã hội sẽ nhìn anh ta như nhìn Kingkong hoặc The Joker.
Vì thế các nàng cứ thoải mái làm cái hoá đơn đỏ dài như một con rắn. Thử hỏi làm sao lại có phụ nữ nào không thích mua sắm cơ chứ ????
* Đọc đến đây chắc các bạn (nam) sẽ hét lên: “Bất cập, thật là bất cập” và băn khoăn tự hỏi sao chưa có học thuyết nào phê phán ba cái sở thích trường tồn kia của phái nữ nhỉ.? Vậy thử dùng phép phản chứng để phê phán xem nào (nhớ là cách này chỉ dùng trên giấy, không áp dụng với đối tượng phụ nữ) đấy nha:
- Đầu tiên bạn hãy nói với nàng là “Tỉnh lại đi em ơi, làm gì có đàn ông đích thực ngoài 007 trong phim hay Harry Porter trong truyện ra ngoài đời đâu?”. Nhưng nếu đã yêu bạn rồi chắc nàng sẽ kiên quyết khẳng định “Với em, anh là người đàn ông đích thực”. Đấy nhé, sướng chưa? dù bạn lùn, béo, ngố, thiếu phong độ,… ít ra vẫn có một người coi bạn là đàn ông đích thực (mà chắc người thứ hai là mẹ bạn). Chính vì cái sự sướng này, đừng phản đối gì sở thích đầu tiên của phụ nữ.!!!!
- Tiếp nào, giả sử bạn biết đánh đàn guitar (biết thêm bắn súng như trong phim cao bồi Mĩ thì càng tốt) hoặc bạn nói chuyện hay như Obama chẳng hạn, thì chị em sẽ nô nức yêu mến, thán phục bạn. Dễ thế còn gì, và đòi hỏi gì nữa.
- Còn nếu bạn không được như trên, bạn hãy về nhà tập học thuộc / dịch 100 bài thơ tình bất hủ, rồi tuỳ hoàn cảnh mà “nhả ngọc phun châu” , chắc người đẹp cũng có vài lời khen ngợi bạn, có khi bạn trở thành nhà thơ lớn lúc nào mà không biết ấy chứ. Đúng là một cái lợi ích to lớn cho nền văn minh nhân loại.!!!
* Chà, vậy còn vấn đề mua sắm. Bạn xem, nếu tất cả nhân loại lẫn chó, mèo, gà, ngựa đều có tình yêu mua sắm như phụ nữ thì chắc chắn các gói kích cầu tha hồ mà phát huy tác dụng.
- Mà động lực gì giúp bạn lao đến công ty? để tạo thêm của cải cho xã hội: Đó là - Một phần vì mọi người, một phần vì bạn, một phần vì những lần đi chơi hay đi siêu thị cùng nàng, bạn có thể hùng hổ rút ví tiền ra thanh toán các loại giấy xanh đỏ, để người bán hàng và quần chúng khen bạn “Đàn ông thế”, “Galăng thế”. Quả là một nguyên nhân dẫn đến sự thịnh vượng cho loài người chúng ta. Kinh chưa.!!!
* Sau một hồi lập luận nhì nhằng, chắc chắn bạn đã thấy sở thích của phụ nữ làm cho lịch sử tiến bộ, có kém gì máy hơi nước, dầu mỏ, than đá…… đâu chứ. Thế nên từ bây giờ đừng hỏi “Sao phụ nữ thích cái này, thích cái kia” nhá. Họ đang làm cuộc sống của bạn tuyệt diệu hơn đấy.!!!
Phùng Sơn sưu tầm và phóng tác.
Hình:Tác giả bài viết cùng Doãn Thành khóa 8 gặp lại nhau sau 40 năm tại T/P Long Xuyên.

Thứ Năm, 13 tháng 5, 2010

Vỉa hè Hà Nội.

Từ xưa tới này các hàng ăn sáng tại Hà Nội không có thói quen bán giải khát kèm theo. Không như trong Sài Gòn, có thể gọi trà, Cafe hay sữa đậu nành ..v.v.
Người Sài Gòn hay các tỉnh về Thủ đô thường chê dịch vụ Hà Nội kém. Lời qua tiếng lại cũng làm dân Thủ đô chuyển biến, bây giờ các bác nào ra Hà Nội, khi ăn sáng các bác cứ gọi trà, cafe hay gì gì đều có cả. Dịch vụ này không phải của chính chủ bán quà sáng mà là của các hộ kinh doanh ăn theo ở các cửa hàng đông khách. Đó là những quán nước chè chén bên đường, các quán cafe mini xung quanh, họ cho người đi hỏi từng bàn một và phục vụ rất khá chu đáo.
Hôm nay, ra quán phở bò Hàng Vải ăn sáng, thằng tôi cũng được hưởng dịch vụ trên cả tuyệt vời này.
Quán chưa đông khách lắm, tôi chọn cái bàn trên vỉa hè nằm dưới gốc cây bàng mát mẻ. Vừa gọi xong thực đơn cần dùng là “ Chín gầu “ thì một cô gái ăn mặc như người mẫu đến ngồi đối diện. Cô bé vừa làm xong các thủ tục cho bữa sáng thì dịch vụ ăn theo đến chào mời.
- Cho chị ly chanh đá. Đặt hàng xong cô bé ngồi lau kỹ càng thìa, đũa và chờ đợi.
Hè! hè! Có người đẹp ngồi đối diện làm thằng tôi ăn uống lịch sự hẳn lên. Bánh phở đưa gọn trong thìa rồi húp nhẹ, chứ không xì xụp như mọi bữa.
Cô bé chạy bàn của khối dịch vụ ăn theo mang đến những 2 ly chanh đá, chắc cháu nó tưởng “cô vợ tập 3” gọi cho cả lão chồng già. Cô gái ngồi đối diện ngớ ra định gọi con bé lại thì tôi chặn lại: " Thôi để tôi dùng cũng được“
Bất đắc dĩ ngồi bên ly chanh đá của người khác gọi hộ, ngẫm kiểu dịch vụ này chưa biết ai mất, ai được nhưng khối dịch vụ ăn theo cầm chắc bán được hàng.

NÓI LẠI CHO ĐÚNG .

Xin lỗi các anh chị .
Vừa qua trên BẠN TRỖI K5 có đăng tin " chào mừng blogs của thầy trò trường HSMN N.V.B " . ĐÂY LÀ 1 TIN KHÔNG CHÍNH XÁC. Blogs này đã bị cộng đồng ÚT QUẾ phản ứng mạnh mẽ . Nó chỉ là của 1 cá nhân . Cộng đồng ÚT QUẾ đã yêu cầu chủ nhân không được lấy thương hiệu HSMN N.V.B để lòe mọi người ( nhưng nó cứ lì ra ). Các anh chị có lỡ xem thì hiểu dùm cho ÚT QUẾ .

Thứ Tư, 12 tháng 5, 2010

Cũng hoa ban Tây bắc

Thấy bác QT "lọ mọ" lấy hoa ban trên mạng về mà  "bức xúc" quá!. Năm ngoái đi Tây bắc tận mắt thấy hẳn hoa ban "xịn" và cả lính Trỗi "xịn" đứng dưới hoa ban nhé!

Quà tặng bạn Quế Lâm

Nguyễn Toàn Thắng k8 cùng mấy anh đều về lại QL lần đầu. Vậy là mấy hôm nay được hạnh phúc tư vấn cho các bạn. Nói chung anh em chuẩn bị khá hay.

Quà của thầy Phạm Lực
Chiều qua, Thắng qua thăm thầy. Biết tin có đoàn học trò sắp sang QL, thầy nói: "Cho thầy hỏi thăm bạn bè bên đó và thầy có chút quà mọn". "Gì vậy thầy?", Thắng hỏi. "Ừ, có gì đâu...", rồi thầy lục trong mấy tranh sơn dầu ở góc nhà lấy ra 1 bức khổ lớn:
- Thầy tặng các bạn ta bện đó bức tranh về phố cổ HN.
Một góc phố, vẽ bằng sơn dầu, màu sáng theo đúng phong cách Phạm Lực. Thầy tiếp "Cho anh gửi lời chúc sức khỏe đến các thầy Yi Zhong và bạn bè bên đó".
Về nhà, Thắng cho đóng khung lại rất đẹp. Vậy là có thêm món quà giá trị.

Qùa tặng riêng Yi Zhong
Ngoài cái panô logo của trường được làm khổ 1000x700 cùng việc ghi lại những địa danh nhà trường từng đóng quân suốt từ 1965 đến 1970, để tặng Nhà kỷ niệm, anh em không quên tìm món quà riêng cho Yi Zhong - nhà trường cưu mang chúng ta những ngày đầu khi mới sang, năm 1967.
Thắng tìm mua 1 bức tranh gác Khuê văn ở Văn Miếu, nơi thành lập trường đại học đầu tiên của nước VN ta. Vậy cũng ý nghĩa.
Chiều 14/8, Hiệu trưởng mới của Yi Zhong cùng chị Niệm, anh Cao và Lưu Đào sẽ có mặt để bạn Thiện Nhân trao món quà này cho nhà trường. Cũng là việc làm đầy ý nghĩa, có trước có sau, thủy chung như nhất!

Thứ Hai, 10 tháng 5, 2010

Hoa ban Tây Bắc

Thân tặng TM và các bạn vài ảnh hoa ban Tây Bắc
***
Ban trắng



Ban đỏ

Ban hơi đo đỏ :-)

Chủ Nhật, 9 tháng 5, 2010

Lính Trỗi sắp sang Quế Lâm

Nguyễn Toàn Thắng, Trỗi khóa út, hiện là Phó thống đốc Ngân hàng NNVN, sẽ cùng các anh Nguyễn Thiện Nhân, Từ Linh k3, Nguyễn Quang Bắc k5 và Phạm Hòa Bình k6 có mặt trong đoàn Chính phủ ta sang dự lễ cắt băng khánh thành Nhà kỷ niệm các trường học VN tại QL.
Nhân 60 năm quan hệ ngoại giao Trung-Việt, hơn 1 năm nay, ĐHSPQT đã đầu tư xây dựng trên khu nhà 2 tầng từng dùng làm lớp học cho Trường Mùng 2/9 (Nguyễn Văn Bé, Dân tộc TW, Võ Thị Sáu) làm Nhà kỷ niệm. Tại đây có gian Hồ Chí Minh, gian Dục Tài, gian trường Nguyễn Văn Trỗi và Mùng 2/9, các gian hội thảo, chiếu phim... Nhiều tư liệu được thầy trò các trường sưu tập, gửi sang cho Bạn. Sau đó, thầy cô giáo ĐHSPQT cùng Cty quảng cáo trình bày công phu toàn bộ ảnh tư liệu, kỉ vật, kịp hoàn thành vào tháng 5 này.
Ngày 14/5 này, buổi lễ cắt băng cùng hội thảo hữu nghị sẽ diễn ra tại ĐHSPQT.
Anh Cao sẽ từ Quảng Đông về dự. Chị Niệm và các bạn quen của chúng ta sẵn sàng đón khách quý. Đoàn các trường Dục Tài, Mùng 2/9 sẽ rời HN vào sáng 12/5.
Chúc chuyến đi của các bạn thành công!

Nhớ tiếng leng keng tàu sớm khuya

Tuần trước vừa đọc "Tiếng leng keng" của nhà bác QT bên Bạn Trỗi. Sáng nay đọc "Laodong.com" lại thấy bài ký "Nhớ tiếng leng keng tàu sớm khuya" nữa, của tác giả Trần Quang Quý lại càng thêm nhớ tiếng "Leng keng" của tàu điện Hà nội trước kia.
Bài ký này nói trực tiếp về số phận của những con người "điều khiển" tiếng leng keng.

Đằng sau những thân phận dễ bị tổn thương

Đây là tiêu đề của một bài được đăng trên "Saigon Times Online", tác giả là Trần Thị Thanh Hương.
Thời báo "Saigon Times Online" viết:
" Ai, cái gì đằng sau những phần nổi, phần chìm của những nỗi đau khổ mà người nghèo, người yếu thế đang phải chịu đựng chắc hẳn là những câu chuyện dài còn chưa được nói tới.". Xin giới thiệu...Xem tiếp
Ảnh:  "Saigon Times Online"

Thứ Bảy, 8 tháng 5, 2010

65 năm Ngày Chiến Thắng Phát-xít Đức


TRẬN ĐÁNH CUỐI CÙNG




Последний бой

Музыка: Михаил Ножкин Слова: Михаил Ножкин

Мы так давно, мы так давно не отдыхали.

Нам было просто не до отдыха с тобой.

Мы пол-Европы по-пластунски пропахали,

И завтра, завтра, наконец, последний бой.

Еще немного, еще чуть-чуть,

Последний бой - он трудный самый.

А я в Россию, домой, хочу,

Я так давно не видел маму.

А я в Россию, домой, хочу,

Я так давно не видел маму.

Четвертый год нам нет житья от этих фрицев,

Четвертый год соленый пот и кровь рекой,

А мне б в девчоночку в хорошую влюбиться,

А мне б до Родины дотронуться рукой.

Еще немного, еще чуть-чуть,

Последний бой - он трудный самый.

А я в Россию, домой, хочу,

Я так давно не видел маму.

А я в Россию, домой, хочу,

Я так давно не видел маму.

Последний раз сойдемся завтра в рукопашной,

Последний раз России сможем послужить,

А за нее и помереть совсем не страшно,

Хоть каждый все-таки надеется дожить.

Еще немного, еще чуть-чуть,

Последний бой - он трудный самый.

А я в Россию, домой, хочу,

Я так давно не видел маму.

А я в Россию, домой, хочу,

Я так давно не видел маму


TRẬN ĐÁNH CUỐI CÙNG

Lâu lắm rồi,đã lâu chúng ta không hề ngơi nghỉ,
Dù chỉ một lần với bạn-đơn giản dù chỉ một lần
Một nửa Châu Âu,chúng ta đã bò qua trong lửa đạn.
Và ngày mai, ngày mai,là trận đánh cuối cùng.

Một chút nữa thôi ,chỉ còn chút chút
Sẽ tới trận cuối cùng- khó khăn nhất với ta
Trở về nhà, về nước Nga ,sao giờ đây tôi muốn thế
Đã lâu rồi, tôi không được thấy Mẹ tôi
Trở về nhà,về nước Nga ,sao giờ đây tôi muốn thế.
Đã lâu rồi, tôi không được thấy Mẹ tôi


Năm thứ tư rồi, ta sống trong lò luyện thép
Năm thứ tư rồi ,mồ hôi mặn chát
và máu người đã đổ thành sông
Mà sao tôi vẫn ước ao về một người con gái,
Mà sao tôi vẫn mong được về ,chạm tay vào đất mẹ-Tổ quốc tôi

Một chút nữa thôi ,chỉ còn chút chút
Sẽ tới trận cuối cùng- khó khăn nhất với ta
Trở về nhà, về nước Nga ,sao giờ đây tôi muốn thế.
Đã lâu rồi, tôi không được thấy Mẹ tôi.
Trở về nhà, về nước Nga ,sao giờ đây tôi muốn thế
Đã lâu rồi, tôi không được thấy Mẹ tôi


Lần cuối ,ngày mai,ta xông vào trận cận chiến,
Là lần cuối cùng-có thể ,ta phục vụ Nước Nga
Vì Tổ quốc, chúng ta chẳng hề sợ chết
Dẫu rằng lòng mỗi ta vẫn thầm mong còn được sống trở về..

Một chút nữa thôi ,chỉ còn chút chút,
Sẽ tới trận cuối cùng- khó khăn nhất với ta.
Trở về nhà, về nước Nga ,sao giờ đây tôi muốn thế
Đã lâu rồi, tôi không được thấy Mẹ tôi.
Trở về nhà, về nước Nga ,sao giờ đây tôi muốn thế,
Đã lâu rồi, tôi không được thấy Mẹ tôi