Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2009

Những ca khúc gợi nhớ về thời ấu thơ

"Tuổi thơ bé với biết bao mộng mơ, vụng dại đã trở thành cảm hứng cho nhiều nhạc sĩ. Đây là 10 ca khúc quốc tế nổi tiếng, ghi lại những ký ức về một thời trong trẻo, ngây thơ."
Vnexpress

Chụp hoa

Sáng chủ nhật, nhân sắp ngày 1/6 ra vườn hoa kiếm vài bông hoa đẹp. Hoa thì nhiều, nhưng "nhờ" mãi mà không có ai chịu cầm hoa cho mình chụp (giống kiểu ảnh của TrM đã st). Rõ chán! có lẽ thấy bác phó " dề " nên chúng chê. Chả nhẽ về không? lại đành phải "chộp" đại 1 em về cho nó gọi là có tí quà mừng 1/6, mời ae xem chơi.

Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2009

Sơn tinh và sính lễ



Gà chín cựa - chuyện có thật (VnExpress)

Tại xã Xuân Sơn và Xuân Đài thuộc huyện Tân Sơn (Phú Thọ) tồn tại giống gà có nhiều cựa. Sau nhiều tháng điều tra khảo sát trên 1.500 con gà của hàng trăm hộ dân tại 2 xã trên, các nhà khoa học thuộc Liên hiệp các hội khoa học - kỹ thuật và Hội Chăn nuôi thú y tỉnh Phú Thọ đã phát hiện chân của tất cả những con gà được nuôi ở đây đều có từ 4 đến 8 cựa. Mặc dù không phát hiện được con gà nào có 9 cựa nhưng ông trưởng bản Cỏi, cho biết gia đình mình đã từng có gà 9 cựa vào thời điểm trước năm 1995. Điều kỳ lạ là chân của cả gà trống và gà mái đều có cựa và chúng xuất hiện ngay cả khi mới nở từ trứng ra. Giống gà nhiều cựa này cho thịt thơm ngon, có khả năng sinh sản nhanh. Gà trống trưởng thành có trọng lượng gần 2 kg, gà mái khoảng 1,5 kg.

Theo một tin thứ hai thì ở Bưng Lớn B – xã Tam ngãi - huyện Cầu kè - tỉnh Trà vinh có 2 con gà chín cựa (1 chân 4 và 1 chân 5 cựa), nhưng đều đã bị làm mồi nhậu, hiện gia chủ chỉ còn giữ 2 cặp chân gà để "làm bằng".

Hình 2: gà 9 cựa ở Trà vinh.
Hình 1: ngựa Hunter của Mông cổ (chỉ để minh họa 1 chữ "ngựa", không liên quan tới "ngựa 9 hồng mao"). Chữ "hunter" có lẽ quen thuộc với các quý vị khoái xe hơi thì phải?

Đêm biểu diễn tuyệt vời!


Đêm qua anh Dương Minh Đức đã có buổi biểu diễn "40 năm ca hát - Dương Minh Đức Người chiến sĩ ấy" tại nhà hát trường ĐH VHNTQĐ.




Mời anh chị em thưởng thức video clip "Trở về Suriento" (dân ca Ý). Đặc biệt hơn phần đệm ca khúc được nhóm tứ tấu Nhà hát Giao hưởng thực hiện mà nghệ sĩ sélo Nguyễn Thị Mơ (người ngồi ngay sau lưng anh) là "VTV1" của anh!


Nhà trường đã chuẩn bị cho đêm nay 31/5 hoành tráng hơn - tổ chức ngay dưới sân trường đề đông đảo thầy trò và quan khách được thưởng thức. Nhiều bạn Trỗi sẽ có mặt.
Chúc thành công!

Mừng 1/6

ĐH rủ đi thảo cầm viên ngắm Hồng hạc không ngờ mình lại "săn" được ba chú "cún ngoại" dễ thương .










Nếu " một cặp vợ chồng chỉ nên có hai con " thì lấy đâu ra tấm ảnh này?!
TM

Thứ Ba, 26 tháng 5, 2009

Con bọ xít

Món bọ xít chiên “xù” kiểu đồng bào Thái:
Để nguyên con bọ xít, ngâm vào nước muối, sau đó đổ vào nước măng chua, đun cạn nước, rồi vớt ra rổ, để ráo nước. Không phải ướp bọ xít với gia vị gì, kể cả mắm, muối, mì chính. Đổ dầu mỡ vô chảo, rồi xúc bọ xít bằng cái muôi lưới, nhúng vào dầu mỡ sôi một lát rồi đổ ra đĩa. Gia vị là lá chanh thái chỉ và một chút nước cốt chanh, bởi bản thân con bọ xít đã mang đủ các vị cay, mặn, ngọt, bùi.

Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2009

Đi núi Tản,

Sáng thứ bảy tham gia cùng nhóm "bạn x..." đi núi Tản. Ghi lại được ít hình từ trên đỉnh Vua của Ba vì (độ cao 1296 m) chia sẻ cùng anh em.
Đứng từ trên đỉnh Vua vì nhìn ra phia Đông bắc, trong đó có Trung hà nơi Trường ta xưa kia đóng quân. Phia xa là ngã 3 sông: Sông Đà, sông Thao và sông Hồng.

Dấu vết còn lại của Sơn tinh và Thủy tinh
(Ảnh được chụp trên đỉnh núi Vua)

Một "cư dân" của rừng nguyên sinh quốc gia Ba vì



Thứ Năm, 21 tháng 5, 2009

Bài hát cũ

Có một bài hát, tuy đã rất cũ nhưng lại gắn bó với K7 (các K khác không biết thế nào), mà mỗi khi "tụ họp" nhiều bạn thường đồng ca, có lẽ nó cũng là một kỷ niệm khó quên. Mời các bạn cùng nghe lại (ST).

Hòn đá to, hòn đá nặng. Một người nhắc, nhắc không đặng...

Xin gửi tới các bạn Út nội dung bức thư của gia đình bạn Phạm Ngọc Thiết (K8) trên mạng:
Gửi các bạn học, đồng nghiệp của Hà và Thiết

Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ tàn tật Thuỵ An - Ba vì , Hà nội, nơi con trai của Hà - Thiêt đang điều trị nội trú, rất cần được trang bị một bộ ghế chữa răng kèm thiết bị đồng bộ để khám và chữa cho các cháu (trị giá khoảng 100 triệu VND). Rất mong các bạn có điều kiện giúp đỡ các cháu theo khả năng của mình. Mọi đống góp xin gửi qua bạn Đỗ Bình- Lớp trưởng chuyên toán 10 I Chu Văn An khoá 1971-1974.

Tài khoản : Đỗ Quang Bình - TK số 103.10110.698.019 tại Ngân hàng Techcombank Hà nội, Chi nhánh Thăng long

Xin chân thành cảm ơn

Lê Thu Hà - Phạm Ngọc Thiết

Địa chỉ Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ tàn tật Thuỵ An - Bộ Lao dộng Thương binh và Xã hội :
Xã Thụy An - Huyện Ba Vì - Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 043.3965378 - 043.3965366
Email: thuyancentre@yahoo.com
Website: http://thuyancentre.com/
Giám đốc: Bác sĩ Trần Văn Lý

Chuyện buồn làng tôi.

LOẠT CHUYỆN VƯỜN BÁCH THẢO
“Khi nghĩ về một đời người, tôi thường nghĩ về một loài cây…”
Hà Nội có vườn Bách Thảo nằm kề khu Phủ Chủ Tịch.

Câu chuyện thứ năm: (Theo lời kể của một người đàn bà 21 tuổi, quê quán Thôn Trung Hà, Huyện Ba Vì, Hà Tây ra Hà Nội làm thuê.)

Chuyện buồn làng tôi
Từ khi có tiền đền bù mất đất xây cầu Trung Hà, cả làng tôi đổi đời. Người mở quán bám dọc hai bên đường lên cầu phục vụ cánh lái xe và hành khách, an nhàn mà tiền vào như nước. Kẻ không phải chân lấm tay bùn làm nông nghiệp mà có vốn buôn bán ngược xuôi. Đêm đêm đèn đuốc sáng chưng, ngày ngày nhạc chát chát xình, người người vui cười, vào ra tấp nập.
Nhưng rồi niềm vui chẳng được bao lâu. Bây giờ phụ nữ làng tôi buồn lắm. Không biết có làng nào trên đất nước này có tỷ lệ đàn ông nghiện hút nhiều hơn làng tôi để những người mẹ, người vợ phải buồn như chúng tôi? Cả làng có chưa đến 100 nóc nhà, vậy mà nếu đem số con nghiện ra chia đều thì nhà nào cũng có.
Chồng con bập vào thuốc, chúng tôi nào nỡ đứng nhìn. Cũng đã từng hết lời khuyên can, cũng đem lòng kiên nhẫn ra thi gan với sự đeo bám dai dẳng của thứ chất độc chết người hòng tẩy nó ra khỏi đầu người thân. Người thì gửi chồng con đi thật xa ngỡ bọn buôn ma tuý sẽ không tìm thầy. Kẻ mời thầy, mua thuốc cho cai nghiện ngay tại nhà, thậm chí còn mua hay thuê cũi sắt nhốt họ hàng năm trời. Không ít người cho họ đến trại cai nghiện. Vậy mà số người bỏ được thuốc đếm chưa hết một bàn tay. Ít hơn rất nhiều số người đã mãi mãi ra đi vì sốc thuốc, vì AIDS.
Bây giờ thì đàn bà làng tôi nhiều người chỉ mong chồng con chết cho thật nhanh. Không cai nghiện được cho họ, chúng tôi đổ tại họ không có chí. Họ mà không đủ nghị lực thì dù cố gắng đến mấy, dù bán hết nhà cửa, ruộng vườn, chúng tôi cũng đành bó tay. Đàn bà nhìn nhau mà xót xa cho nhau.
Con trai tôi mới 2 tuổi, chồng tôi từng rất yêu con và cũng muốn làm một người cha gương mẫu. Tôi ước giá vợ chồng tôi được sống trên một đảo hoang thì chắc hẳn chồng tôi đã cai được rồi vì dù muốn hút cũng chẳng có gì mà hít. Liệu có cách nào để làng tôi không còn người bán ma tuý và người ngoài không thể bán ma tuý cho dân làng tôi?
Ngày xưa, nhiều nhà làm pháo, số người bán pháo thì không đếm xuể còn đốt pháo thì … cả nước. Ấy vậy mà Đảng, Chính phủ, Chính quyền và Công an các cấp thật giỏi, chỉ một loáng là cấm pháo sạch ráo. Bây giờ ngày tết ra đường chẳng còn sợ pháo cháy xém tóc. Ai lỡ sinh con vào dịp tết cũng khỏi cần bịt mũi lũ trẻ sơ sinh bằng khăn ướt.
Chúng tôi - lũ đàn bà - khổ vì kẻ nghiện và lo cho những người còn chưa nghiện. Một phần ba đàn ông trong làng đã chết, đang trong trại cai nghiện hay trong tù vì buôn bán hay sử dụng ma tuý. Hai phần còn lại cứ ngày một lẹm đi. Như dòng sông khúc chảy qua làng tôi, dòng trong dòng đục, nhưng những ngày mưa lũ, bên đục lấn át bên trong.
Ghi chép. Hà Nội, tháng 5 năm 2005 (bốn năm trước)

Thứ Tư, 20 tháng 5, 2009

Lướt sóng ra khơi

Nhân Đạt nhắc lại một kỷ niệm về thời còn là anh lính hải quân. Sưu tầm trên trang "YOU TUBE" có bài "Lướt sóng ra khơi", đưa về đây để các bạn nhớ lại những kỷ niệm của mình về bài hát này.


LƯỚT SÓNG RA KHƠI
Thế Dương
Dạt dào biển mênh mông, sóng vỗ nhịp thân tàu
Đoàn ta ra khơi tiếng máy reo vang
Tràn ngập tình đất nước quê hương
Nhìn bầu trời xanh tươi, tay súng ta không rời
Lướt sóng ra khơi rộn ràng khúc ca yêu đời

Ngoài khơi bát ngát gió reo vui
Biển rộng bao la ta giăng lưới từng khoang cá đầy
Vùng biển của ta đây Sức sống đang chan hòa
Vượt ngàn sóng gió ta ra khơi giữ yên quê nhà

Đoàn tàu vượt ra khơi, Nắng mới đẹp chân trời
Vượt trên gian khó lớp lớp sóng xô
Lòng người càng thắm thiết yêu thương
Giặc thù hòng xâm lăng, Tay súng ta sẵn sàng
Chiến đấu hy sinh lập nhiều chiến công huy hoàng

Ngày mai, chiến đấu cho tới tương lai
Biển trời quê hương trong sáng mãi thuyền vui lướt về
Vì cuộc đời mai đây, khó mấy ta không rời
Vượt ngàn sóng gió ta ra khơi bảo vệ tổ quốc.

Đoàn tàu vượt ra khơi, đoàn tàu vượt ra khơi, đoàn tàu vượt ra khơi.

Nhớ lại ngày ấy.

Sau trận 16/4/72, Mỹ bắt đầu thả thủy lôi phong tỏa các cảng biển miền Bắc. Hơn 1 tháng sau tàu V.628 của tôi và tàu V.624 của Nam "3 toác" bàn giao cho đoàn 125, tôi và Nam chưa qua huấn luyện kỹ thuật nên bị giữ lại đảo. Tôi được tạm thời điều xuống tàu T.154 ngay. Sau đó tàu được lệnh ra khu neo ngoài vịnh Hạ long sơ tán. Trên đường đi thuyền trưởng phân công tôi đứng trên đài chỉ huy, vị trí cao nhất trên tàu dành cho lính tín hiệu hay đứng đánh tín hiệu bằng đèn hoặc cờ tay để quan sát nếu có tiếng máy bay Mỹ thì báo động, có lẽ khi mình nghe tiếng máy bay thì nó đã tới rồi nhưng dù sao có còn hơn không? Hai thủy thủ nằm trên mũi tàu luôn nhìn xuống biển, nếu thấy có thủy lôi thì ra hiệu dừng tàu ngay.
Tàu không bật đèn, cứ lầm lũi đi trong đêm. May tới vị trí neo không có chuyện gì xảy ra. Do cùng phân đội, chỉ khác tàu. Anh,em cũng biết nhau từ trước. Tôi nhanh chóng làm quen với vị trí mới. Tàu T.154 là loại tàu 50 tấn chiến đấu cũ thời những năm 50 được Trung quốc trang bị, hơi nhỏ so với loại tàu 79 tấn (bàn là), còn nhỏ hơn so với loại tàu vận tải V.628 tôi đi, loại này 200 tấn là tàu có tải trọng lớn nhất của hải quân bấy giờ. Ngoài khu neo chẳng có việc gì làm , ngoài bảo quản tàu và vũ khí. Những công việc này làm chỉ mất nhiều lắm hơn 1 giờ đồng hồ là xong. Thời gian còn lại không biết làm gì ngoài việc đọc sách và chui lên chui xuống khoang nằm ngủ, ngắm cá bơi quanh tàu. Sách thì chỉ độc có mỗi một cuốn tôi tìm được trong khoang tàu đọc đi đọc lại đến phát chán. Trên tàu hạn chế tắm rửa, nước ngọt chỉ dành riêng cho ăn uống. Lính tráng muốn tắm chỉ còn có nước nhảy xuống biển, nhưng tắm xong không được tráng nước ngọt nên người lúc nào cũng nhơm nhớp, muối đóng trên người nham nháp. Vì người như thế, nên không thể mặc quân phục quy củ. Suốt ngày cởi trần, mặc quần đùi nên da của tôi bóc hết lớp này đến lớp khác do nắng nóng thiêu đốt. Được dân chài chỉ cho chỗ có nước ngọt trên một hòn đảo gần đây, trên tàu cuồng cẳng nên tôi và 3 anh nữa xung phong đi lấy nước cho tàu. Chúng tôi chèo xuồng cao su đi gần 1 km mới tới chỗ có nước ngọt. Đây là một hòn đảo đất nằm trong vịnh. Chỗ có nước chỉ là một cái vũng nhỏ, nước trong khe chảy ra. Gần đó có mấy cái thuyền đánh cá đang đậu chờ lấy nước như chúng tôi. Thấy bộ đội tới, họ cũng vội vàng xách xô, thùng chèo thuyền lao tới, chắc sợ bộ đội lấy hết nước? Quân và dân tranh nhau múc nước, vũng nước trở nđục ngầu. Sau khi múc đầy xuồng nước, chúng tôi tranh thủ tắm. Cảm giác lúc xối nước lên người thật sướng! Mát lạnh, người thấy lâng lâng, nhẹ nhõm. Đấy là tắm. Còn ăn vì mỗi tháng quy định chỉ một lần tiếp tế, nên chỉ hai ngày là hết đồ tươi, tàu bắt đầu xài đến lương thực dự trữ. Gạo là loại gạo sấy của TQ màu nâu vàng đựng trong bao nilon cỡ 50 kg/bao. Ăn nó cứ rời ra từng hạt, không nở nên ăn giống như ăn hạt bo bo sau này, ai đã từng ăn bo bo những năm đầu 80 thì cảm giác là như thế. Chỉ một , hai ngày đầu còn lạ miệng sau đó thì không nuốt nổi. Cảm giác đó tôi nhớ mãi! Thịt hộp chế biến các kiểu cũng chỉ có 2 món kho và nấu canh là hết. Rau hoàn toàn không có. Lúc đó tôi nhớ đến cuốn "Bất khuất"của Nguyễn Đức Thuận, trong đó có viết về tình trạng thiếu rau của người tù Côn đảo khổ như thế nào. Bây giờ tôi cũng ở trong tình trạng như thế! Người cứ bủn rủn không muốn làm gì. Mấy ngày liền sống thiếu rau, không thể chờ tàu tiếp tế, chúng tôi bắt đầu đi lùng chất tươi để cải thiện bữa ăn. Nhớ hồi mới ra đảo, hay theo anh phân đội phó hàng đêm chèo thuyền đi soi đâm cá, bắt cua về cải thiện. Có lần anh đâm được con mực nang to gần hết cái xô đựng, tôi lần đầu chứng kiến thấy con mực to quá, thở phì phì, các xúc tu quơ loằng ngoằng hoảng không dám gỡ. Con mực đó cả tàu ăn ớn đến nỗi mấy tháng sau nhìn thấy mực không dám ăn. Chờ đêm xuống,nước thủy triều rút, trơ ra những bãi cạn. Ba người chèo xuồng cập bãi, một người xách xô dầu cầm đuốc soi, đuốc là một cái sào dài, một đầu quấn giẻ được buộc bởi dây thép nhúng dầu máy. Hai người kia bắt cua, ghẹ nếu phát hiện ra. Đi đến gần sáng cũng được nửa thùng. Nhưng cua ghẹ chỉ có luộc, do không có gia vị ngoài muối ăn riết cũng ngán, cái quan trọng nhất là rau xanh, thiếu rau thì cũng như không! Tôi nhớ hồi mình ở tàu vận tải các anh lính cũ vẫn hái rau dại trên đảo về ăn, nó nhớt nhớt như rau mùng tơi, hay rau đay nhưng không nhớ là rau gì? Đành lại phải hỏi dân. Được họ chỉ nên hái một mớ lá về, giã cua với ghẹ nấu một nồi canh cua rau "muồng tơi"(cứ gọi là rau muồng tơi cho tiện). Nhìn canh cua, nỗi váng gạch cua vàng óng, lại có rau xanh ai cũng thèm mà không dám ăn, sợ nhỡ mình hái không đúng loại rau đó, bị ngộ độc nên ai cũng dè chừng, người nọ nhìn người kia. Tôi nghĩ :"Đàng nào cũng chết". Mà thiếu rau lâu ngày quá không chịu nổi nên múc đại một bát ăn. Cả tàu mấy chục con mắt nhìn tôi chằm chằm xem có bị sao không? Tôi thì cảm thấy bát canh ngon và ngọt vô cùng, hết chén canh mà không thấy tôi bị sao nên mọi người tự tin ăn. Chỉ một loáng, nồi canh hết sạch. Từ đó chuyện thiếu rau chỉ là chuyện nhỏ...như con thỏ. Nói theo ngôn ngữ bây giờ...
Hình có tính chất minh họa,không liên quan đến bài viết.

Mời dự buổi biểu diễn "Dương Minh Đức - 60 năm Người chiến sĩ ấy"

Sau thời gian chuẩn bị, chương trình sẽ được công diễn vào tối ngày 30 và 31/5/2009 tại Nhà hát truờng Đại học VHNTQĐ. Ban tổ chức sắp xếp cho lính Trỗi chúng ta tới dự vào tối 31/5.
Vì là giấy mời, ca sĩ và nhà hát do "nhà trồng được" nên không bán vé. Tuy nhiên cũng phải có bồi dưỡng cho nhạc công quân nhạc. Ban tổ chức vận động anh em góp: 50.000đ/người đăng kí.
Mời anh chị em có nhu cầu đăng kí bằng tin nhắn cho Kiến Quốc (0903830939).
Trân trọng!

Thứ Ba, 19 tháng 5, 2009

Lộc vừng ra đợt hoa thứ ba.

 

 
Posted by Picasa

Hoa Bằng lăng nở mừng sinh nhật Bác.

 

 

Sư Phu (không phải thiếu dấu nặng đâu nhé!) của mình dạy rằng ảnh thời sự thì phải thể hiện đủ thời gian và địa điểm. Một ảnh chưa hội tụ đủ yếu tố nên phải nhờ đến hai ảnh. Lần sau sẽ cố tìm một cảnh mà đủ cả hai.
Posted by Picasa

Thày Phạm Lực

Thời ở trường Trỗi, giờ học thoải mái và thích thú nhất có lẽ là giờ học vẽ (từ lúc ở Đại từ). Được nghe Thầy vừa kể chuyện vừa vẽ mô tả các nhân vật trong câu chuyện, và sau đó hào hứng tập vẽ theo Thầy. Sang QL, hồi còn ở trường cũ tôi hay đến chỗ Thầy ở (cùng với Thầy Hồng Tuyến) để xem Thầy vẽ và thỉnh thoảng xin đi theo xem Thầy vẽ phong cảnh. Tôi vẫn nhớ con đường và những hàng cây cao, lá to phía sau C51, chúng tôi đi nhặt lá vàng về tập làm tranh ghép lá theo chỉ dẫn của Thầy. Không thể quên được tấm tranh ghép lá chân dung anh Trỗi của Thầy (không biết Thầy có còn giữ được không?). Tôi rất thích và đã vẽ nhiều tranh phong cảnh núi non và cánh đồng của Công xã gần bên trường mới, khi Thầy cho đi vẽ ngoài trời. Năm 2007 qua thăm trường mới, tôi vẫn nhìn thấy mấy cái núi đó xa xa, không chụp được vì máy ảnh nhỏ quá.
Kỷ niệm tôi còn giữ được với Thầy là cuốn "Bước đầu học vẽ" của Hoạ sĩ Nguyễn Văn Tỵ. Có lẽ thấy tôi cũng thích vẽ nên Thầy tặng cho cuốn "bí kíp" này, mong cho thằng học trò phát huy và "nối nghiệp" vẽ. Chả là hồi đó tôi và Tạ Chiến thường được cử trang trí Báo tường cho lớp. Thực ra T.Chiến vẽ giỏi, còn tôi cũng chỉ là "phụ hoạ" để tìm cớ trốn giờ lên lớp "tự tu". Sau này ra trường ngoài cũng thế, chuyên nhận trang trí để khỏi viết bài.
Chiến tranh, đi lính, loạn lạc...kiến thức lại trả Thầy, chẳng còn vẽ vời gì nữa. Nhưng cuốn sách của Thầy, tôi đã mang theo được đến ngày hôm nay, mặc dù nhiều cuốn sách, truyện khác đã "lưu lạc giang hồ" từ lâu. Sách cũ nhưng kiến thức trong đó thì vẫn luôn là mới với những ai ham thích nghệ thuật.
Dù không trở thành được "thợ vẽ" như mong ước, nhưng tôi vẫn luôn thích môn vẽ. ( bây giờ không có khả năng cẩm bút (cọ) vẽ thì cố học vẽ bằng máy ảnh vậy).
Nhân dịp Thầy triển lãm tranh, em xin nhắc lại vài kỷ niệm khó quên của thày trò trường Trỗi chúng ta. Kính chúc Thầy luôn mạnh khoẻ và Triển lãm thành công tốt đẹp.

Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2009

Phật Tích…hay….Phật..lòng???

Giới thiệu qua về một chút lịch sử của pho tượng. Tượng Phật Ngọc được tôn xưng là Phật Ngọc cho hoà bình thế giới (The Jade Buddha for universal peace) là pho tượng được tạc bằng ngọc lớn nhất và quý giá nhất thế giới. Tượng nặng 4,5 tấn và cao 3,5m; được chế tác điêu khắc từ một khối ngọc vĩ đại nặng 18 tấn có một không hai đã được phát hiện tại Bắc Canada năm 2008. Một phật tử người Australia là Ian Green theo phật giáo 35 năm đã mua lại khối đá và vận động tài trợ khắp nơi trên thế giới để tạc thành hình tượng như Phật Ngọc bây giờ trong vòng 8 năm từ 2000 đến 2008 với hơn 30 chục nghệ nhân điêu khắc từ Thái Lan, Ấn Độ..Năm 2008 hoàn thành và bức tượng Phật Ngọc đã đươc làm lễ hô thần nhập tượng tại cái nôi của đất phật, Ấn Độ.

Ngọc được xem là loại đá tụ khí của trời đất vũ trụ. Việc phát hiện ra khối ngọc này được xem là một kỳ tích huyền diệu vào thời khắc đầu tiên của thế kỷ 21, thế kỷ của tâm linh. Khối ngọc đã trở thành niềm tự hào của Bắc cực (Polar pride), và pho tượng Phật Ngọc đã trở thành báu vật của Phật giáo đồ trên toàn thế giới. Với thông điệp đem lại “ Hoà bình Thế giới” và “Cầu quốc thái dân an” cho mọi dân tộc, mọi quốc gia, Việt Nam là điểm đến đầu tiên trong chuyến hành trình cầu quốc thái dân an, ý nghĩa cho toàn nhân loại.

Phật Ngọc đã được triển lãm đầu tiên tại bán đảo Sơn Trà, TP.Đà Nẵng. Tiếp đến TP.HCM, Hoóc Môn, Đồng Tháp…và tại miền Bắc là Bắc Ninh với ý nghĩa là cái nôi của phật giáo Việt Nam (ý nghĩa thì to lớn lắm, nhưng tại sao lại đưa về Chùa Phật Tích, ngôi cổ tự, thì còn là một câu hỏi lớn??? câu trả lời xin…miễn bàn tại đây).
---------
Giới thiệu có phần hơi dài dòng. Điều muốn nói ở đây có liên quan đến Trỗi.

Là cố vấn của BTC, tôi có lời mời một số đồng chí Trỗi tham dự buổi lễ khai quang tượng Phật tại Phật Tích vào tối ngày 16.05. Như đã hẹn ở “giao ban”, mọi người đều háo hức tham dự buổi Đại lễ cầu an.

Chiều hôm đó, sau hàng chục cú điện thoại í ới giữa tôi và mọi người, cuối cùng cũng đã có mặt..tại chùa, trong tình trạng trời mưa như trút nước. Bạn Trỗi cùng các đại biểu cấp cao đã được mời..lấm lem bùn đất vì phải đi bộ một quãng đường khá xa..gần 1km. Ai nấy đều ướt sũng vì mưa..Thời tiết không ủng hộ. Dân tình thì tranh nhau chen lấn để được vào chiêm ngưỡng tượng Phật.

Sau một hồi vất vả ngược xuôi, cuối cùng các bạn Trỗi cũng không vào được với lý do..hết sức vớ vẩn..không có vé mời, mặc dù trên người ai cũng đang đeo thẻ của BTC. Tôi, trong lúc nhập nhoạng đó, mặc dù là thành phần BTC chính, vì lý do an ninh cũng phải..đứng ngoài. Dân tình xô nhau, lực lượng an ninh hoạt động hết công suất mà kết quả thì..thà không làm việc còn hơn.

Không khí của buổi lễ càng ngày càng nóng. Bên trong..ai làm gì cứ làm..bên ngoài..ai xô đẩy cứ xô..Tình trạng hỗn loạn..Một số thành phần VIP cũng phải đứng ngoài dưới mưa vì không được vào.. Các đại biếu như thứ trưởng, Bộ trưởng..đến muộn cũng phải..ở ngoài..

Tôi và các bạn Trỗi “thưởng thức” được một bữa cơm chay ra trò. Chẳng biết là có ngon không, chứ lúc đó vừa mệt vừa lả, vừa phải chen lấn vừa bị ngấm mưa…Tôi tận tay xuống khu hậu cần mà cũng phải “giành giật” mãi mới được một mâm cơm chay..

20h, mọi người lên đường ra về mặc dù tượng thì chưa được chiêm ngưỡng.
--------------
Tôi viết bài này vì thật lòng cảm thấy rất áy náy với các bạn Trỗi. Mặc dù là do khách quan mang lại nhưng phần lớn do lỗi của BTC hoạt động kém. Hệ thống an ninh thì rời rạc, khu vực cần mềm dẻo thì…quá khắt khe, khu vực cần phải áp chế thì lại quá… lỏng lẻo. Toàn bộ hệ thống ghế ngồi của đại biểu..không có mái vòm để che..mưa. Công tác tổ chức, hậu cần đều..quá tệ. Là một thành phần trong BTC, tôi không khỏi đau lòng với tình trạng như vậy…nhưng cũng đành phải bất lực..Nếu trưởng BTC (ĐĐ. TĐT) chịu nghe những phương án dự phòng của ban cố vấn…nếu T.BTC chỉ làm đúng phận sự l là một đại đức…nếu…….
Phật…lòng
----------

9h ngày 15.05, “vua” đến cung nghing Phật Ngọc. Sau một khoá lễ, bác cùng một số đại biểu bước lên khu vực sân khấu để…chạm tay vào Phật…(cầu may)…Phật Ngọc đã được bỏ tấm phủ che trong vòng..15’…rồi…lại phủ lại????? Có phải do vô tình, bác bị vấp ngã trước bậc thang lên xuống…và..mất một chiếc gìây?????????
(Ảnh copy. Mọi người để ý dưới chân bác xem)

------------
Trời mưa rả rích..Có năm nào tháng 4 lại mưa như năm nay..?? Phía xa xa, cuối chân trời..lập loè những tia chớp..Có khi nào một Đại lễ tâm linh ý nghĩa như vậy mà….trời đất lại không ủng hộ?? Đâu rồi những khoá lễ..hô phong hoán vũ như người ta nói??
Đơn giản chỉ là trùng hợp…??!
Hay còn những ẩn chứa….đằng sau tấm bình phong vô cùng vững trãi….tâm linh..

Phượt…Mù Cang Chải

Mấy hôm nay thấy mọi người bàn nhiều về chủ đề Tây Bắc, cháu cũng đã có lần qua mùa lúa chín ở Mù Cang Chải – Yên Bái. Cháu post một số hình ảnh “chộp” được vào cuối năm ngoái.





















Em Minsk thân yêu nghiêng mình “chào” MCC