Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012

Vài suy nghĩ về “Dự thảo Nghị định quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và nội dung thông tin trên mạng”

Nguyễn Hữu Quý (Nguồn: Bauxite VN)

Ngày 12/6/2012, cộng đồng mạng xôn xao về cái gọi là “Dự thảo Nghị định quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ INTERNET và nội dung thông tin trên mạng”; ngay từ buổi sáng, trang mạng Bauxite VN đăng bài “Nghị định (dự thảo) này làm thỏa lòng ai vậy?”; trong bài này, với lối tư duy sâu sắc vốn có, TS Hà Sỹ Phu – tác giả bài viết làm phép so sánh: Nghị định cứ như  là sự khai triển điều 88 luật hình sự vào phạm trù Internet vậy. ĐỌC THÊM
Và trong lúc Việt Nam đang mong muốn đi đến xây dựng mối quan hệ hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ, nhằm giữ chủ quyền ngoài Biển Đông trước sự ngày càng hung hăng của Trung Cộng; thì việc nếu chính thức ra đời Nghị định nói trên, được TS Hà Sỹ Phu kết luận:
Kết quả ấy thật làm thỏa lòng kẻ bành trướng phương Bắc, kẻ muốn xâm hại Tổ quốc Việt Nam chúng ta chỉ mong có thế.
Một Nghị định như vậy, nếu được áp dụng sẽ chỉ phản bội lại lợi ích dân tộc.
Cũng liên quan đến Dự thảo Nghị định này, trên Blog cá nhân của mình, Nhà văn Phạm Viết Đào, người có nhiều năm làm công tác thanh tra trong lĩnh vực văn hóa ở cấp Bộ, trong bài viết có tựa đề “Thêm một vòng kim cô của “Nhà nước của dân, do dân, vì dân” chuẩn bị ra lò để…” cho rằng đây là một Nghị định “sắt máu”, và nhận định:
Nếu văn bản nghị định này được ban hành, thì rất dễ đẩy xã hội Việt Nam đang bước vào thế kỷ XXI trở về thời kỳ giống như thời kỳ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm ban hành Luật 10/59; một bộ luật với những điều luật hết sức mù mờ để đẩy những người yêu nước ở miền Nam ra ngoài vòng pháp luật; chắc mọi người vẫn còn nhớ tới tiêu chí, tôn chỉ mục đích của Bộ Luật 10/59: Giết nhầm hơn bỏ sót đối với cộng sản?!
Liệu Chính phủ Việt Nam có theo “vết xe” của ông Ngô Đình Diệm: tạo cơ sở pháp lý để đặt dân chơi blog ra ngoài vòng pháp luật; một việc làm từa tựa như ông Ngô Đình Diệm đã làm vào tháng 10/1959 đối với những người theo cộng sản ở miền Nam mặc dù nó chỉ là một văn bản dưới luật?!
Như vậy, cái Nghị định nói trên, nếu được áp dụng sẽ chỉ phản bội lại lợi ích dân tộc.
Lúc đó, nên đặt tên lại cho cái Bộ Thông tin và Truyền thông, là: Bộ Phản Thông tin và Truyền thông, hoặc có lẽ đúng hơn nên đặt lại tên là: Bộ Cấm Thông tin và Truyền thông (?!).
Không có lẽ, bài học về chế độ gia đình trị họ Ngô chưa đủ để thức tỉnh những ai còn đam mê độc quyền và phản lại tiến trình phát triển của đất nước?
Việc làm của Bộ Thông tin và Truyền thông về Dự thảo Nghị định này làm ta liên tưởng đến những trí thức, mà trong vài năm trở lại đây, cộng đồng mạng đặt cho rất nhiều tên, với các hỗn từ, nào là: “trí ngủ”, “trí trá”, “trí thức giả cầy”, và đặc biệt là… “trí thức lưu manh!”.
Chắp bút, dự thảo, tham mưu cho Chính phủ để ra một Nghị định như vậy, rõ ràng phải là một đội ngũ gồm những người có học; vậy thì, ta nên gọi họ là gì trong số “trí” nêu trên?
Về cái gọi là “Dự thảo Nghị định quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ INTERNET và nội dung thông tin trên mạng”; làm tôi lại nhớ đến vài vị đang đương nhiệm, với những phát biểu nổi tiếng:
- Với ông Đinh Thế Huynh: “Việt Nam không có nhu cầu đa nguyên đa đảng và dứt khoát không đa nguyên đa đảng”.
- Với TBT Nguyễn Phú Trọng, sau chuyến thăm Cu Ba và bị Brazil khước từ đón tiếp hồi tháng 4/2012 thì ngay trong bài phát biểu chỉ đạo Hội nghị Trung ương đảng CSVN, lần 5, khoá XI, hôm 07/5/2012, sau một loạt các giải thích… TBT Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Nhà nước ta không tam quyền phân lập”.
Không biết tới đây, ai là người ký cái bản dự thảo Nghị định nói trên, để tiếp bước đi vào lịch sử dân tộc?
Cũng trong ngày hôm nay (12/06); trong bài viết có tựa đề Cường quốc & yếu hèn, của TS Phạm Ngọc Cương, đăng trên Blog Châu Xuân Nguyễn, tôi rất chú ý đoạn sau đây, xin trích lại để bạn đọc cùng suy ngẫm:
Cùng lên cỗ xe trực chỉ hướng giải phóng con người mà sao Phật giáo và Thiên chúa giáo sống khỏe cả mấy ngàn năm nay còn chủ nghĩa Marx thì chết yểu? Có muôn vàn lý do nhưng có thể thấy ngay một điều là mấy tôn giáo lớn về mặt lý tưởng lấy sự cứu rỗi toàn bộ kiếp người làm mục tiêu (chứ không phải chỉ ưu ái một giai cấp, và tiêu diệt giai cấp khác) và thiết tha kêu gọi đức tin, sự cảm hóa, tình yêu… (chứ không phải là điểm hẹn của bạo lực chuyên chính).
Thật đáng tiếc cho những ai đam mê chính trị và quyền lực mà không nắm bắt được thời cuộc!
12.6.2012
N.H.Q.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét