Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Năm, 16 tháng 7, 2009

Người "bạn"bất đắc dĩ của lính.

Ai đã từng đi lính thì chuyện ghẻ lở, hắc lào coi như "chuyện thường ngày ở huyện", đương nhiên như cơm ăn, áo mặc vậy. Ghẻ lở, hắc lào và người lính thời đó như hai người bạn đồng hành luôn đi cùng nhau!
Hồi còn đang huấn luyện ở ngoài đảo Vạn hoa. Đơn vị huấn luyện chiến sĩ mới của tôi hầu như 100% lính bị dính căn bệnh này! Vì là đơn vị mới chưa có cơ sở vật chất nên đám lính chúng tôi phải ở tạm trong hầm chứa thủy lôi, đi rừng khai thác tre, gỗ về dựng nhà để ở và học tập. Tất cả được khoán mỗi ngày/người 2 bó tre, hoặc 2 cây cột, hoặc 4 cây xà ngang. Sợ lính làm không đạt yêu cầu, ăn bớt nên mức khoán rất cụ thể đến từng chi tiết nhỏ, tre bao nhiêu cây, cây phải già không được non. Gỗ đường kính bao nhiêu, dài bao nhiêu cứ thế mà làm. Về đến nơi có cán bộ cầm sổ ghi nhận, đố lính nào thoát! Đi rừng chặt tre, gỗ không tránh khỏi bị trầy xước, vắt, ve cắn. Có lần mùa đông trời lạnh đi rừng xong không cần tắm rửa thấy thằng bạn về trước đang quấn chăn nằm, một tên nhảy vào ôm bạn cho ấm. Đang ôm bạn sờ thấy bạn tự nhiên có cục thịt dư,mở chăn ra thì thấy một con vắt no tròn, tím mọng như quả sim chín đang "lim rim" hút máu. Hoảng hồn cởi tung hết cả quần áo, kiểm tra toàn thân. Nên chỉ cần một vết xước nhỏ, hay muỗi cắn mà gãi thì chỗ đó sẽ trở nên lở loét, mưng mủ ngay. Đi rừng như thế nhưng chúng tôi mổi khi muốn tắm phải ra biển. Biển vùng Đông bắc mùa đông lạnh buốt, chỉ khi nào trời hửng nắng mới dám tắm, mà trời hửng nắng rất ít, khi một tuần, có khi 2-3 tuần. Các lính thường vận động cho nóng người rồi nhảy ào xuống nước bơi thật nhanh cho đỡ lạnh. Không có nước ngọt tráng người cứ thế mặc quần áo vào cho nên hắc lào lại đồng hành cùng lính, quần áo trở nên cứng như mo nang, bốc mùi tanh tưởi. Thuốc thời đó thiếu thốn chỉ có i ốt, thuốc đỏ và lưu huỳnh. Quân y sĩ là một em, không hiểu sao không cho lính mang thuốc về nhà tự bôi? Mà cứ bắt cởi quần áo bôi tại chỗ. Đa phần là lính trẻ chưa có vợ, ngượng không dám cởi, chỉ có mấy tay lính già có vợ, con ở nhà nên cởi rất nhanh. Vì khó khăn cộng với xấu hổ nên đành để vậy không dám bôi thuốc. Khi được đơn vị cho đi học trường văn hóa quân đội trên Lạng sơn tôi mang theo cả đôi chân ghẻ kềnh ghẻ càng. Lên đơn vị mới, dấu những người xung quanh, nên khi đi lao động giúp dân đào mương tôi thường không dám xắn quần. Mỗi lần đi tắm phải đợi đến tối mới đi vì lúc đó trên trường toàn bể nước công cộng tắm tập thể. Một hôm tôi quyết tâm trị cho tiệt, nghĩ lại hồi nhỏ đi sơ tán , các cô bảo mẫu hay nấu lá xoan trị ghẻ, tắm cho bọn trẻ con. Ở trên trường không có nồi nấu nước tắm, tôi nghĩ có lẽ không nấu cũng chẳng sao, trong lòng không tin là nó sẽ khỏi! Nhưng vì thấy thật bất tiện khi sinh hoạt, trước sau rồi mọi người cũng biết. Nên buổi tối lúc đơn vị đến giờ đi ngủ, tôi bắt đầu thực hiện ý đồ của mình. Dọc hai bên đường rất nhiều cây xoan, không cần leo, chỉ cần với tay là tôi đã được một nắm lá. Ra bể nước tôi vò nát lá chà xát lên khắp người, rồi dội nước tráng, chỉ một lần duy nhất, không nhớ mấy ngày? Có lẽ 2 hay 3 ngày gì đó tự nhiên tôi thấy các vết lở đóng vảy, khô miệng rất nhanh như là truyện thần tiên? Từ đó tôi khỏi hẳn, thấy tự tin khi mặc quần đùi chơi bóng rổ, bóng đá và các môn thể thao khác.
Người lính bây giờ, trừ những người ở biên giới, hải đảo, với điều kiện vệ sinh,thuốc men đầy đủ chắc chuyện ghẻ lở, hắc lào đã trở nên xa vời?

16 nhận xét:

  1. Đạt hồi bé đi sơ tán không bị ghẻ phải không? Tôi nghe nói ghẻ cũng thuộc loại miễn dịch thì phải. Trước khi lên Đại từ, đi sơ tán tôi đã bị ghẻ nên khi lên trường Trỗi, hầu hết mọi người bị ghẻ, nhưng tôi không sao, mặc dù vẫn ở chung. Sau này đi lính thì còn "ở bẩn" khủng khiếp hơn mà vẫn không bị tí nào. Hay là thịt ông bạn mình "ngon" nên bọn ghẻ nó khoái xơi???
    dachoaK7

    Trả lờiXóa
  2. Bài này không có hình minh họa. Kém!

    Trả lờiXóa
  3. bác Thành muốn minh hoạ chi tiết nào trong bài để dathb136 đăng hình lên?

    Trả lờiXóa
  4. Bây giờ kiếm hình minh họa về ghẻ lở hắc lào hơi bị khó. TQ đánh đố Đạt rồi!

    Trả lờiXóa
  5. Đợi trưa nắng ra cây lim đổ tao mang kim ra bắt (cáighẻ)cho...Cái thằng ghẻ kềnh ghẻ càng mà sao chị em thích nó thế o biết,Mình thì trơn lông da đen ghẻ o cắn nổi thì chị em chê..

    Trả lờiXóa
  6. Ông Cường "vui" k3 ngày ở ĐH Quân sự bị hắc lào mà từng "đồng xu" nối tiếp nhau thành đúng 1 vòng tại vị trí dây lưng. Ghê chưa?

    Trả lờiXóa
  7. longjun55@ meil.comlúc 21:32 16 tháng 7, 2009

    Viết cũng hay tiếu lâm phết,chi mỗi tội không ở đại từ nên da dẻ không rèn luyện do đó đi lính mới bị

    Trả lờiXóa
  8. Theo ngu ý của tôi thì ghẻ lở hắc lào phát sinh từ 3 lí do:
    1/ Từ những cái mà các bố chủ nhiệm quân y sư đoàn đã nói.
    2/ Do thiếu dinh dưỡng. Nay lính tráng khẩu phần tưong đối đầy đủ nên ít tên "dính".
    3/ Bởi một "lời nguyền": phàm là lính thì phải...như rứa.
    HCQuang

    Trả lờiXóa
  9. ghe va hac lao neu ai chua bi thi chua nen nguoi tik7

    Trả lờiXóa
  10. Người ta gọi lính lác là lính thì phải lác (lác: hắc lào).

    Trả lờiXóa
  11. Tôi không hiểu sao rất dễ lây các bệnh truyền nhiễm?Hồi đó xảy ra dịch gì hầu như đều có tôi.Xuất huyết,đau mắt đỏ,ghẻ lở,hắc lào...có loại bệnh tưởng 1 lần là miễn nhiễm,tôi bị dững 2 lần như xuất huyết,ghẻ lở thì dính liên tục.Có lẽ tôi... bột quá!

    Trả lờiXóa
  12. Hồi ĐHKTQS, có ông Vân Hùng K4 bị hắc lào (tôi không dám dùng chữ kia), hơi nặng một chút thôi, nhưng ổng nghe ai xúi bôi mủ xưong rồng - lấy độc trị độc - bèn tích cực áp dụng. Thế là sưng húp gần cả tháng, đi lại "oai vệ" như võ sỹ Summo.
    HCQuang

    Trả lờiXóa
  13. Về đề tài này bạn Đạt thiệt thòi hơn các AE K7 rồi.Bọn mình còn thấy sung sướng là khác.Này nhé: ngày ở Đại từ hầu như ai cũng bị,đại đội tổ chức tắm tập thể,các bạn lớn tuổi hơn,to con hơn và các của nợ ấy cũng to hơn thì kỳ cọ cho những bạn nhỏ bé xinh xinh như bọn tôi,còn các "bác" ấy lại được các cô nuôi chăm sóc tận tình,chu đáo.Không tin bạn hỏi thăm lại các "bác".Còn bạn mới chỉ được nhìn khi bôi thuốc mà thôi,đúng chưa?

    Trả lờiXóa
  14. Long giun miễn dịch gặp Sơn chỉ đứng cạnh nó là (cáighẻ)nó sang ngay thôi mà.

    Trả lờiXóa
  15. Trừ thời gian là thiếu sinh quân ở Trỗi, tớ chưa bao giờ thực sự mặc áo lính. Nhưng nhờ có những ngày sơ tán ở Hà Bắc (lớp 2 và lớp 3 ở trại X23 của Ban Nông Nghiệp TƯ) mà tớ cũng được thưởng thức cái món ghẻ của các bạn rồi. Mỗi sáng, đợi khi mặt trời lên lại phải ra sân phơi nắng, chìa tay ra để anh Thịnh tớ (K5) khều cái ghẻ cho. Tìm cái ghẻ cũng thấy hay hay: cứ lần theo đường đi của nó như đi trong một giao thông hào, đến cuối đường hào thấy gồ lên một chấm tròn tròn bằng đầu kim là chính hắn, khều nhẹ (cho khỏi văng đi), để lên móng tay cái, ép móng cái còn lại, nghe tách một cái thật sướng.
    Năm lớp 10, đi sơ tán B52, cũng theo trại X23. Tớ phải quản lý một lũ lau nhau, có cả bọn tuổi mẫu giáo. Thôi thì đủ cả các bệnh ngoài da: chấy, ghẻ, chuột cắn, vv và cả giun sán, ỉa đùn đái dầm nữa. Nhưng kinh khủng nhất là mấy đứa bị chốc đầu: tanh khủng khiếp. Mà ngày ấy thì làm gì có găng tay, cứ thế mà sai "mười quân" vò đầu cho tụi nó. Tớ căm ghét chiến tranh và những kẻ gây chiến. Nó cướp đi tuổi thơ của bao nhiêu đứa trẻ. Chỉ vì thương tụi trẻ phải xa cha mẹ mà tớ vượt qua được những cái khó khi phải làm bà chị bất dắc dĩ của mười mấy đứa bé.

    Trả lờiXóa
  16. Ôi trời , bọn em cũng thế .Khi ở trại nhi đồng MN , ghẻ ơi là ghẻ . Mỗi lần bôi thuốc ghẻ ( thuốc màu vàng và hôi ơi là hôi ), cả lũ vừa khóc om xòm vừa phải thực hiện 1 nhiệm vụ cực kỳ wan trọng là đứa này phải ... quạt cho đứa kia cho đỡ rát

    Trả lờiXóa