Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Ba, 27 tháng 4, 2010

30/4- CẦU RẠCH CHIẾC VÀ NHỮNG CHIẾN SĨ ĐẶC CÔNG

Hôm nay 28/4/2010, nhớ lại ngày này 35 năm về trước, những trận đánh vô cùng ác liệt của các chiến sĩ đặc công đã diễn ra nơi đây nhằm đánh chiếm, bảo vệ cây cầu huyết mạch trên đường tiến công vào Sài gòn của quân ta. Để tử thủ SG, quân ngụy đã tăng cưởng một lực lượng mạnh để bảo vệ cầu, và chúng đã sẵn sàng cho nổ tung cầu để chặn bước tiến công của bộ đội ta vào SG. Chính vì vậy mà những trận đánh giằng co nơi đây giữa ta và địch đã diễn ra vô cùng ác liệt. Cách đánh của bộ đội đặc công ta cũng khác những trận đánh thông thường, thay vì bộ đội đặc công thường đánh từ trong đánh ra ( cách đánh "nở hoa trong lòng địch" ),thì trận này chúng ta lại đánh từ ngoài đánh vào. Hai trăm chiến sĩ đặc công của ta phải đương đầu với gần hai nghìn quân địch ! Đêm 27 rạng ngày 28/4 bộ đội ta đã chiếm được cầu , nhưng sau đó địch phản công quyết liệt và đến trưa 28/4 thì chúng đã chiếm lại được cầu. Bộ đội đặc công lại tiếp tục tiến công và đến tối 28/4 thì chúng ta đã hoàn toàn chiếm giữ cầu, và 2 ngày sau đó, ngày 30/4, các đơn vị của ta đã băng qua cầu tiến thẳng vào giải phóng SG. Trên 50 chiến sĩ đặc công đã ngã xuống trước cửa ngõ TP vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh trên chiếc cầu này. Những ngày này, mỗi lần đi về trên cầu Rạch chiếc, nhìn xuống dòng sông hiền hòa chảy, tôi lại chạnh lòng nhớ đến những người đồng đội của tôi đang yên nghỉ nơi đây! Mấy dòng thơ của Lê Bá Dương viết về đồng đội dưới sông Thạch hãn tôi xin được sửa lại đôi chút như sau:
Đò xuôi Rạch chiếc xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sông nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm...
Tôi không phải là bộ đôi đặc công, nhưng hơn 38 năm về trước cũng suýt trở thành lính đặc công. Hồi đó, khi nhập ngũ, mấy đứa cùng khu 16a LNĐ chúng tôi được bác Ngô Từ Vân ( bố của Ngô Tất Thắng ) xin vào đơn vị đặc công và gửi huấn luyện tại Trung đoàn 59 Bộ tư lệnh thủ đô. Nhưng không hiểu vì sao hết khóa huấn luyện, tôi và NT Thắng, HH Thắng đều được bổ sung vào sư 312 và đều trở thành lính Công binh, còn Đạt thì trở thành lính Hải quân.
Giờ đây, khi đã nghỉ hưu, ngẫu nhiên, tôi lại chọn nơi đây làm nơi ở của mình cho quãng đời còn lại. Tôi đang làm nhà ngay cạnh cầu RC, nên ngày ngày vẫn đi về trên chiếc cầu này. Nghe nói Thành phố đã có kế hoạch xây đài tưởng niệm các chiến sĩ đặc công nơi đây, nhưng không hiểu sao giờ đây vẫn chưa thực hiện được. Ban quản lý dự án khu dân cư Bắc RC, nơi tôi đang xây nhà cũng đã tạm lập bia tưởng niệm các chiến sĩ đặc công RC. Bạn bè mình nếu có dịp qua đây, dù có phải là lính đặc công hay không, xin mời ghé nhà tôi chơi, câu cá trên sông RC và thắp cho hương hồn các chiến sĩ đặc công một nén nhang!

7 nhận xét:

  1. ...thay vì bộ đội đặc công thường đánh từ trong đánh ra ( cách đánh "nở hoa trong lòng địch" ),thì trận này chúng ta lại đánh từ ngoài đánh vào. Hai trăm chiến sĩ đặc công của ta phải đương đầu với gần hai nghìn quân địch !
    ......
    Không biết Vygo lấy nguồn ở đâu mà có trận đánh cường tập, dùng sức mạnh mà 1 chọi 10 thế này.
    Trận đánh và giữ cầu Rạch Chiếc là một chiến công đáng ghi vào sử sách nhưng các nhà viết sử cứ phịa lên thế này thì ai tin.

    Trả lờiXóa
  2. Trộm nghĩ, đặc công là con dao nhỏ, rất nhỏ, nên chiến thuật của họ là dùng mẹo "đâm" vào chỗ "nhược" của đối phương. Nó khác với chiến thuật của các quân binh chủng (là đại đao, là binh khí nặng), chém 1 phát xẻ đôi người (nếu như chém trúng). Vì thế đặc công ít khi đánh độc lập, mà thường hỗ trợ cho các lực lượng khác - để nhằm nhanh chóng dứt điểm và nhằm giảm "phí tổn". Điển hình của nó là chiến thuật nở hoa trong lòng địch: nở hoa bên trong nhưng dứt điểm bằng đòn từ bên ngoài bởi các lực lượng khác.
    Chính vì vậy, đặc công mà đưa ra tuyến phòng ngự (ví dụ vậy) thì thật là ... trật đường rầy. Trong trận, nếu đặc công chiếm được một đồn bót nào đó thì cũng phải điều ngay 1 đơn vị bộ binh tới tiếp nhận để tiếp tục tổ chức phòng ngự, chứ không thể phó thác cho đặc công được.
    Chả hiểu các cụ chỉ huy hồi đó nghĩ ngợi mần răng mà dùng đặc công xung phong từ bên ngoài vào - trật đường rầy. Để đặc công đánh như vậy thì tổn thất lớn.
    Tôi thật thất lễ khi nói điều này. Xin được đại xá.

    Trả lờiXóa
  3. Gần đến ngày 30/4 bạn lại nhắc đến chuyện này làm tôi nhớ lại.
    Cách đây mấy tuần,K6LS có hỏi:"Sao hồi ấy bọn mày đã lên tập trung cùng chúng tao rồi lại biến đi đâu?".Tôi bảo lúc đó bác Ngô từ Vân nói chuyển sang đơn vị này đi đặc công.Thế là cả bọn hăng hái ừ liền.Hồi đó tính thanh niên chỉ thích vào những đơn vị có tính chất phiêu lưu mạo hiểm?Sau này về HQ cũng thế.

    Trả lờiXóa
  4. @ Bác HCQ: Trong TV em cũng thấy các CCB nói đánh bằng sức mạnh từ ngoài đánh vào. Chắc lúc giữ cầu địch chỉ có chừng vài chục. Có thể sau khi mất cầu nó mới bu vào để chiếm lại. Giữ cầu địch đông ta ít nghe có lý hơn.

    Trả lờiXóa
  5. Trận cầu Rạch Chiếc "bị" vậy là do khi đó quân ta phải đánh chiếm tất cả các cầu trên QL1 cùng lúc để tránh địch dồn về phía các cầu gần Saigon. Mà các cầu gần SG thì chỉ có đặc công mới vận động vô được. Ngoài ra ta cũng tính ngày 28 là vô tới SG, nên KH cho đặc công chỉ cần giữ chừng 1 ngày là đủ. Ai dè g/q Xuân Lộc lâu quá, nên xe tăng tới chậm.
    Theo 1 số tài liệu, lực lương đặc công giữ cầu RC rất anh hùng. Mặc dù đã quá hạn (của cấp trên giao) giữ cầu, nhưng đơn vị vẫn ko rút cho dù hy sinh rất nhiều vì ko phải là sở trường.

    HMK6

    Trả lờiXóa
  6. Đúng trận Rạch Chiếc là một trận đánh đáng ghi vào lịch sử nhưng khi đọc bài của VTV thì thấy nổ quá.
    _ Đánh cường tập, dùng sức mạnh mà tỉ lệ 1 chọi 10, trang bị đặc công chỉ có vũ khí nhẹ.
    _ Địch 2000 quân tương đương với 1 trung đoàn không thể bố trí trên một địa bàn nhỏ ở 2 đầu cầu được.
    Còn khi cầu mất, đich có thể tập trung chiếm lại rất đông nhưng lúc ấy là phòng ngự rồi. Nói chung là nổ quá, quyền của người thắng trận mà.

    Trả lờiXóa
  7. ...Cả vũ khí thô sơ nữa KV ạ...!!!

    Trả lờiXóa