Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Ba, 15 tháng 6, 2010

Đọc giùm bạn:Nhân 1000 Năm Thăng Long: Thế nào là người Hà Nội?

Bài viết này được đăng ở Blog khác ,một người bạn gởi cho tôi.Tuy chỉ là ý kiến riêng của tác giả,nhưng cũng nói lên một phần về tính cách riêng của người Hà nội"hôm qua" và "hôm nay".Vì bài viết dài nên xin cắt ra làm hai phần.

Nhân 1000 năm Thăng Long, nhà thơ Hoàng Hưng ba đời là người Hà Nội (bản thân, cha, ông nội )… đã viết bài “ Thử nêu vài đặc điểm phổ biến của lối sống người Hà Nội”. Hoàng Hưng đã lấy sự quan sát chính dòng tộc của ông, một gia đình trí thức khá nổi tiếng qua ba thế hệ sống ở Hà Nội, từ đời ông nội, cha và bản thân, tức khoảng thời gian từ cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX0 đến nay… cùng với việc quan sát nhiều người Hà Nội khác sống trong khoảng thời gian đó, để “ thử” nêu vài đặc điểm phổ biến của lối sống người Hà Nội.
Ông nêu những nhận định khái quát về bản sắc người Hà Nội, đó là sự kết hợp giữa những nét của tính cách người Kinh Kỳ cộng với văn minh phương Tây đầu thế kỷ XX, sau đó là những biến động sau Cách mạng Tháng Tám 1945, những cái còn và mất của lối sống Hà Nội cho đến hôm nay.
Là một người có năm cái “đồng” với nhà thơ Hoàng Hưng: Sinh đồng năm (1942), đồng hương người Hà Nội, đồng học một trường (Đại học Sư phạm Hà Nội), đồng nghiệp (dạy học và làm báo), đồng chính kiến… hơn thế nữa, tôi không những ba đời mà gốc gác không biết bao nhiêu đời đã sống tại Hà Nội, vì theo ông nội tôi, thì làng Cơ Xá Nam, chính là làng tôi, có từ trước cả khi vua Lý dời đô về Thăng Long, nay làng còn đền thờ Lý Thường Kiệt ở phố Nguyễn Huy Tự, vừa được trùng tu và được công nhận là di tích lịch sử quốc gia nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long
Chính vì vậy tôi mạo muội thử bàn về lối sống của người Hà Nội nhân 1000 năm Thăng Long để mong cung cấp một vài tư liệu sống về người Hà Nội cho các nhà nghiên cứu như nhà thơ Hoàng Hưng đã từng làm.
Để viết ra những dòng này, tôi đã chiêm nghiệm từ hàng trăm, hàng ngàn người Hà Nội từ dòng tộc nhà tôi đến “Trong làng ngoài phố” Hà Nội, với thói quen nghề nghiệp một nhà báo là quan sát tỉ mỉ các đối tượng mình gặp. Tôi cũng nêu những ví dụ sống về những người Hà Nội để chứng minh cho “luận điểm” của mình.
Trước hết nói về tính cách tốt đẹp của người Hà Nội.
Tôi đồng ý với nhà thơ Hoàng Hưng, là người Hà Nội có nét tính cách nổi bật là “thanh lịch” và theo tôi hơn thế nữa, người Hà Nội thanh lịch đến lịch lãm. Họ rất hào hoa, phong nhã, có trí thông minh, có tư duy sắc bén, lập luận chặt chẽ, có ngôn ngữ trong sáng, gọn gàng, có sức hấp dẫn với… mọi ngươi. Nếu ở một thời đại thanh bình, người Hà Nội sẽ là những nhà khoa học trung thực, họ có phẩm chất của những vị “tôi hiền” trong một triều đình có “vua sáng”, có minh quân! Nhưng nếu vua là những tên hôn quân bạo chúa thì người Hà Nội không dám chặt đầu vua để “thế thiên hành đạo” như người Quảng Ngãi dám làm khởi nghĩa Ba Tơ!
Người Hà Nội ưa thích sự liêm chính trong sạch, không có “máu” tham nhũng, không thích hà hiếp kẻ dưới. Ông nội tôi trước CM tháng Tám làm nhân viên vaguemestre (nhân viên bưu chính) cho Toàn Quyền Đông Dương, đến khi năm mươi tuổi, quan Bảy toàn quyền bảo rằng, mày đã đến tuổi hưu theo ngạch của Pháp, nhưng nếu muốn làm quan An Nam thì tao cho ra làm Tri huyện, nhưng vì các chức tri huyện đã kín, nếu mày muốn làm Tri châu thì tao ký cho mày đi nhận chức. Ông nội tôi xin về và đi chăn bò ở Bãi Giữa, tức bãi Phúc Xá giữa Sông Hồng (Vẫn theo ông nội tôi thì vua Lý lấy “làng mình” làm đất kinh đô nên cho dân làng ra ở Bãi Giữa, đất tốt lại rộng rãi…). Có người trong gia tộc hỏi ông nội tôi sao không nhận làm quan? Cụ trả lời: Lúc làm thông ngôn cho quan Bảy, những ngày quan ta lên lễ tết, thấy họ biếu quan trên nhiều thứ lắm. Nếu mình làm quan không ăn của đút thì lấy đâu tiền bạc để biếu quan trên! Đến ngày toàn quốc kháng chiến tháng 12 năm 1946, ông nội tôi đã đem cả gia quyến lên quê của người con dâu thứ ba ở thôn Chí Tiên, xã Chí Chủ, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ để “trường kỳ kháng chiến” theo tiếng gọi của cụ Hồ. Đến ngày hòa bình 1954 về Hà Nội, Pháp kêu những công chức cũ có sổ hưu đi theo Việt minh tám năm, nếu xuống Hải Phòng, Pháp vẫn cho truy lĩnh 8 năm lương hưu mà không đòi hỏi một điều kiện gì khác, vì đây là món tiền Chính phủ Pháp nợ các công chức đã làm việc cho Pháp! Nhưng ông nội tôi không đi. Cụ nói “Nước đã độc lập rồi dù ăn cơm, dù ăn cháo cũng sướng, không cần gì nữa”!
Là một công chức mẫn cán cho thực dân, nhưng khi có cơ hội thì ông nội tôi sẵn sàng bỏ hết để đi theo chính nghĩa dân tộc. Người Hà Nội là thế, nhưng người Hà Nội không dám tự đứng lên làm một cuộc khởi nghĩa cách mạng như người Thái Bình, người Nghệ Tĩnh! Người Hà Nội không có chí tiến thủ, không dám làm việc lớn “khai sơn phá thạch” “lay thành nhổ núi” như các cụ Phan, cụ Hồ ở miền sông Lam núi Hồng. Người Hà Nội sống khép kín, lo gia đình vợ con, không xâm phạm của ai, quan hệ thì có đi có lại, không hào phóng như người Nam Bộ. Họa sĩ điêu khắc gia Nguyễn Hải vào những năm 90 (TK XX) gặp tôi ở ngoài phố, ông dắt tay tôi về nhà và chỉ vào một đống bao tải để trong phòng, ông bảo : Tao cho mày một bao! Tôi hỏi đó là bao gì. Ông nói: Đó là tiền ngân hàng trả cho tao, bản quyền cái tượng ở Nghĩa trang Thành phố. Tôi ngạc nhiên hỏi: Sao lại có nhiều bao tải tiền thế! Ông nói: Vì là tiền lẻ nên to như thế, bao này tao cho mày là 10 triệu! Số tiền đó quá lớn đối với tôi nên tôi kiên quyết không nhận, lấy cớ là tôi “không ưa” tiền lẻ! Ông nổi cáu: Tao trả công mày chớ có cho mày đâu mà không lấy, mày không nhớ cái vụ Tượng Thủ khoa Huân ở Mỹ Tho, mày đã thiện chí với tao à? Thực ra tôi chỉ phát biểu cái tượng đó là đẹp trong phiên họp xét thông qua mẫu tượng TKH, vậy thôi. Vậy mà cũng thành cớ để họa sĩ Nguyễn Hải cho tôi tiền. Ít lâu sau tôi được bà chị ruột ở đường Nguyễn Trãi gần nhà họa sĩ Nguyễn Hải nhắn: Cậu lên ngay để nhận tiền của ông Hải, vì ông đã đổi tiền lẻ thành tiền chẵn rồi! Cậu phải lên không ông ấy buồn lắm, sang nhà tôi nhắn hoài!
Ông Nguyễn Hải không phải là một người Hà Nội !!!...(còn nữa)
Lê Phú Khải

7 nhận xét:

  1. Đọc một đoạn đầu thấy cũng lý thú.
    Đặc biệt liên tưởng rồi thấy tội nghiệp cho những thằng xứ Quảng, xứ Nghệ,... tứ xứ. Dòng máu "quậy tưng" vẫn còn chảy trong chúng nhưng con tim và khối óc của chúng đã thành ra "hà nội". Chúng "không có chí tiến thủ, không dám làm việc lớn “khai sơn phá thạch” “lay thành nhổ núi”".
    Hèn nào, hèn nào, hèn... thật!

    Trả lờiXóa
  2. Xin đừng lẫn lộn giữa "người Hà nội" và "người Thủ đô".

    Trả lờiXóa
  3. Bài dài lại để mấy tấm hình to thế, chiếm hết 1/4 bài. Để nhỏ ai coi thì click to lên.
    ĐN.

    Trả lờiXóa
  4. À ra thế. Người HN là vậy đấy! (theo nhận định của tác giả bài viết). Vậy mà trước kia (trong những năm đánh Mỹ) tôi cứ tưởng người HN khác kia.Vẫn biết trong những năm đó "người HÀ NỘI hay người THỦ ĐÔ" bao gồm nhiều người ở các vùng, miền của đất nước + với người Hàn Nội gốc "ba, bốn đời" đã đánh Mỹ và góp phần thắng Mỹ! Theo quan điểm của tác giả thì"Người Hà Nội không có chí tiến thủ, không dám làm việc lớn “khai sơn phá thạch” “lay thành nhổ núi” ". Theo tôi cần phải xem lại. Tôi không phải là người Hà Nội nhưng được sống ở HN từ nhỏ. Nhân đọc bài viết này tự hỏi - Liệu có khắt khe qua không khi nói về người HN như vậy.
    Mong các Bác người HN cho ý kiến.
    P.S

    Trả lờiXóa
  5. Thằng em đây nếu tính ra thì có đến gần 7 đời ở HN (Ôg cụ kị gì đó còn đc dân làng phong làm Hoàng thành vì có công khai khẩn).Sax!Đọc xong 2 phần em ko dám nhận mình là ngươì HN nữa,để mình ôg LPK nhận mình là ngươì Hà lội vậy.

    Trả lờiXóa
  6. Phong cách người HN chỉ có thể cảm nhận mà thôi! Đừng mất công tìm kiếm, định nghĩa, phân tích rạch ròi. Phải có cái gì đ1o mơ hồ thì mới đúng là phong thai phương Đông, phóng thái Bách Việt, phóng táhi VN, phong thái HN.

    Bàn lắm rườm lời.

    4SG

    Trả lờiXóa
  7. Xem xong tôi lại thấy gặp 1 ông thày bói xem voi rồi . Chắc ông này đang miêu tả cái chổi đây mà . LPK ông đừng suy diễn như thế . Những đặc tính của người HN như được miêu tả có thể chỉ đúng từ năm 1930 trở lại đây thôi . Còn trước đó ( không tính thời Pháp thuộc ) họ không mang tính cách ấy . Hãy xem lại lịch sử đi nha .
    K6LS

    Trả lờiXóa