Chẳng hiểu từ bao giờ, cứ “mốt” là bị cấm. Hồi những năm 60, quần tuýp, tóc bồng là “mốt” thịnh hành của thanh niên bị lên án là cao bồi. Rồi sau này thì quần ống túm lại là đứng đắn vì “mốt” là quần ống loe. Lúc này tóc dài là bị cấm, chẳng bù cho những năm 90, mấy đứa học sinh cắt tóc 3 phân là bị hạnh kiểm kém!
"Quần áo thì còn có thể thay đổi, lúc bận thế này, khi bận thế khác, nhưng tóc tai thì chịu chết. Hôm qua tóc dài, hôm nay cắt đi thì được chớ đang ngắn thì làm sao cho nó dài ra! Vì vậy tóc dài được coi là tiêu chí số 1 để các cán bộ sứ quán đánh giá “đạo đức” sinh viên hồi những năm 70 . Nhưng vì đối tượng là sinh viên (trí thức tương lai) nên có hơi khác 1 chút, đó là phải có tiêu chuẩn : mấy phân là dài? Điều này thì mấy chú sứ quán chết cái chắc. Mấy chú hồi bấy giờ chuyên chải tóc lật ngược từ trước trán ra sau (cũng là “mốt”, nhưng không bị cấm), nên sợi dài nhất chắc phải cả 2 tấc là ít! Vậy là mấy chú đưa ra “tiêu chuẩn” mới : nếu trong đơn vị có hơn 2/3 người nói là tóc dài, thì đó là dài! Tóc tai lúc này đã “mang tính quần chúng”.
Bởi vậy mới có chuyện. Một lần, tụi tôi, 5 thằng bị đưa lên “đoạn đầu đài” trước hơn trăm sinh viên để đánh giá theo cái “định nghĩa” nêu trên.
Thằng đầu tiên có mái tóc ít dài nhất trong số 5 thằng bị kêu đứng lên. Sau khi phải quay qua quay lại như người mẫu trước khán giả, nó ngồi xuống hồi hộp chờ “phán quyết”. - Ai đồng ý tóc như thế này là dài thì đưa tay lên! - … Một, hai, ba, bốn, ….Tất cả là … trên tổng số … người. Vậy là … còn thiếu 1 phiếu nữa thì vừa đúng 2/3. – Không thể chấp nhận được – các cán bộ la lên và ra sức phân tích cho mọi người hiểu thế nào đạo đức, là thẩm mỹ là … nhiều cái khác nữa. Nhưng rồi các cán bộ cũng chấp nhận “tha” cho 1 thằng.
Thằng thứ 2 đứng lên…. Biểu quyết …. Đếm …. Kết quả : ít hơn lần trước tới gần chục phiếu! Cán bộ tức điên lên, la lối um sùm : Như thế này mà gọi là ngắn được hả? Bù xù như thế mà không phải là dài? AE không có mắt thẩm mỹ hay sao? Chẳng có ý thức gì cả! … v.v. và v.v. ….
Thằng thứ 3. Lần này, cán bộ sử dụng nó gần như “giáo cụ trực quan” để phân tích từng sợi tóc tới mức chỉ còn thiếu điều nắm cái đầu nó giơ lên để cho mọi người hiểu là nó dài. Kết quả chỉ có khoảng 50% đồng ý với cán bộ.
Không thể chấp nhận với kết quả “ngược ngạo” này. Với thằng thứ 4, cán bộ đưa ra phương án mới : Ai nói tóc này không dài? Đưa tay lên! … Hơn một nửa đồng ý là tóc nó chưa dài! Cán bộ bực mình chỉ mặt 1 thằng hỏi : Thế này mà sao cậu nói là không dài? – Dạ, vì em thấy không dài thì em nói vậy. – Thế … thế nào thì mới là dài? – Dạ, chắc phải như … mấy thằng tây hát disco trên TV thì mới là dài! Cả đám cười rộ.
Thấy bầu không khí mang tính chống đối rõ rệt, cán bộ chuyển ngay qua thằng “tội đồ” cuối cùng – thằng tôi. Tóc tôi lúc bấy giờ đã “nuôi” được gần 1 năm, dài nhất trong 5 đứa. Khối thằng trong đơn vị, kể cả nhiều thằng tóc ngắn thèm muốn mà không thể hoặc không dám để được.
Lần này, cán bộ chỉ mặt gần như từng đứa : Dài hay ngắn? – Ngắn – Tại sao? – Tại thấy ngắn.
– Dài hay ngắn?
– Ngắn
– Tại sao?
– …
Kết quả còn bất ngờ hơn : Hơn 2/3 nói ngắn!!! Thiệt tình, chính tôi cũng còn bất ngờ chớ nói gì mấy cán bộ.
Cuộc họp kết thúc. Tụi sinh viên ồn ào nói mấy thằng tôi có mái tóc “quần chúng”! Còn các cán bộ không nói gì, nhưng sau đó lẳng lặng phê vào lý lịch Đoàn của tụi tôi năm đó : Không đạt đoàn viên 4 tốt vì quần loe, tóc dài. Mặc dù chi đoàn đã đồng ý tụi tôi “4 tốt”.
Cuốn lý lịch có dòng nhận xét đó, tôi vẫn giữ làm kỷ niệm tới ngày nay mà thỉnh thoảng vẫn đưa ra cho mấy đứa con tôi xem và nói : Cái gì xã hội, nhà trường cấm thì không nên làm. Nhưng “mốt” thì bao giờ cũng đẹp. Mỗi thế hệ, mỗi thời đại có “mốt” khác nhau, thậm chí ngược nhau, nhưng đều đẹp theo con người của thế hệ đó, thời đại đó. Quan trọng phải là phải phù hợp với chính mình trong hoàn cảnh của mình chứ đừng đua đòi, bắt chước những thằng đẹp trai hơn, giỏi hơn thì mình là … con rối!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét