Có anh bạn Hà Nội nói chuyện đi sửa máy ảnh, sửa xong anh không về phụ giúp vợ việc nhà mà lại tạt vô quán nhậu vỉa hè, ngồi lai rai. Anh chụp cái mẹt nộm khô bò thì mới rõ phần việc sửa máy ảnh của anh chưa xong thật, còn phải công đoạn cuối nữa chứ, người ta gọi là nghiệm thu hay kiểm định chi chi đó. Coi hình thì biết máy anh đã tốt, nét lắm! Nhưng anh đã vô tình khoe khéo một món ngon của người xứ Bắc.
Ngó cái mẹt nộm khô bò mà nhớ, nhớ những chiều hè nóng nực bức bí, nhớ một tối đông lạnh khi gió Bấc tràn về, nhớ con phố cũ, nhớ đám bạn vẫn thường tụ bạ quanh vỉa hè bên mẹt nộm khô bò, chén anh chén chú, bỗ bã ồn ào…Chẳng thanh tao lịch lãm gì mà đau đáu nhớ - Tệ thế ! Nhớ ai không nhớ lại nhớ Nộm bò khô bao giờ (?)
Nộm khô bò không chỉ riêng Hà Nội mà nhiều nơi có, chắc ở đâu cũng rứa, công thức là: khô bò cắt vừa miếng rắc trên nền đu đủ hay xu hào được bào thành sợi, thêm chút rau thơm, rồi nước chua ngọt mặn và sau chót là tương ớt - Là đĩa nộm khô bò. Tuy nhiên, khi ăn sẽ thấy mỗi nơi mỗi vị, rất khác nhau. Cái sự khác này không chỉ được phân định theo khẩu vị vùng miền mà ngay mỗi nơi bán cũng có cái rất riêng của mình - Bí quyết pha chế, tẩm ướp của từng người bán hàng mà ta kêu là “ Gia truyền “ đó.
Nộm khô bò Hà Nội có rau nền là đu đủ tươi, rau thơm thì người ta cho húng, mùi, kinh giới...Riêng khô bò ở Hà Nội không chỉ có phần thịt của con bò mà nhiều bộ phận trong con bò được người ta tẩm ướp sấy khô. Nếu thực khách kêu nộm: lim (thăn), lách (lá lách), pín (quá dễ hiểu), sụn (cuống họng)..v.v .thì sẽ có một đĩa nộm khô bò theo ý mình. Vị nào dễ tính, không kiêng cữ thì cứ gọi một đĩa "Tá Lả" là đủ hết các thứ khô của con bò mà người bán có.
Nói nộm khô bò Hà Nội ngon, rất đặc biệt chẳng sai vì rất nhiều người thích nó, không chỉ có dân nhậu mà phần đông người Hà Nội không phân biệt tuổi tác đều ưa, kể cả mấy anh chị Tây bụi. Hà Nội nhiều người biết có hai nơi bán nộm khô bò là Cầu Gỗ và mạn dọc phố Hàng Bún.
Ở Cầu Gỗ có vẻ nổi tiếng hơn vì nằm ngay bên Bờ Hồ, nơi lúc nào cũng nườn nượp người qua lại. Khách ghé đây ngoài cư dân phố cổ còn có Tây ba lô và rất đông học sinh, sinh viên. Ở đây thực khách dùng ít rượu bia hơn và không ngồi lâu vì sau đó có thể họ còn phải đi đâu đó. Nói chung ở Cầu Gỗ thực khách đến như một điểm dừng chân, thưởng thức nộm khô bò, thoảng qua, hương hoa như chiêm nghiệm vậy.
Khô bò mạn Hàng Bún thì khác, đa phần thực khách là dân nhậu, nên ở đây người ta dùng nhiều rượu , bia hơn và cũng ngồi lâu hơn. Nơi đây là điểm tụ về của thực khách mượn bia, mượn nộm nhâm nhi, để chia sẽ nhưng rối rắm, vui buồn trong cuộc sống mỗi ngày, hay như anh bạn mình kia đến nhâm nhi mừng cho cái máy chụp hình lớn tiền được “hồi sinh”. Phê phê rồi thì ai về nhà nấy hoặc giả có đi đâu tiếp nữa thì đó là ý anh bạn "Rượu" nó xui khiến dẫn đắt đó thôi.
( còn tiếp )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét