Tùng Lâm
Nguồn Dân luận
Những năm gần đây người ta nói nhiều đến “tham nhũng” và “chống tham nhũng” nhưng có vẻ càng nói nhiều đến chống tham nhũng thì tham nhũng càng phát triển hơn. Đến nay “tham nhũng” như ảo ảnh, nó lẩn biến vào trong một trận đồ bát quái được tạo dựng bởi chính những kẻ tham nhũng. Tham nhũng lẽ ra chỉ nên coi như một tệ nạn (xã hội) thường thấy ở nhóm người có nguy cơ bị nhiễm cao. Chẳng hạn như HIV có nguy cơ cao trong nhóm “gái mại dâm” hay “nghiện hút”. Tham nhũng không thể lây nhiễm cho toàn quốc vì thế gọi tham nhũng là “Quốc nạn” thì vô hình chung đã xã hội hoá nó một cách miễn cưỡng.
Để có thể chống tham nhũng (giống như một căn bệnh), thì trước hết phải tìm đúng nơi ẩn náu của nó, khoanh vùng “khu trú” của nó rồi sau đó dùng liều thuốc nào là việc của các nhà chuyên môn.
Gần đây có nhiều người kể cả các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước theo thói quen hay dùng từ “Quốc nạn” để diễn đạt tình trạng tham nhũng ở Việt Nam. Không phải chỉ những lúc “chém gió” mà trong các văn bản, bài viết chính thức của Đảng của Chính phủ cũng gọi tham nhũng là “Quốc nạn”. Nghe thoáng qua thì có vẻ bình thường nhưng thực ra là không ổn và thậm chí là xúc phạm đến nhân phẩm của người Việt và hình ảnh của Tổ quốc.
Một khi đã sử dụng từ “Quốc” là phải hết sức thận trọng. Quốc có nghĩa là Tổ quốc, Đất nước, Dân tộc. không thể dùng một cách tuỳ tiện đựoc.
Vậy tham nhũng là gì? Nó ở đâu?
Có nhiều định nghĩa về tham nhũng (corruption). Nhưng nếu lấy định nghĩa của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International - TI), làm chuẩn thì: Tham nhũng là hành vi “của người lạm dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc cố ý làm trái pháp luật để phục vụ cho lợi ích cá nhân". Đồng thời, cũng theo tổ chức này thì tham nhũng phải có quy mô và mức độ tương đối lớn, khác với những vụ việc tham ô lặt vặt.
Nguồn gốc Tham nhũng
Tham nhũng xuất hiện từ khi có sự phân chia quyền lực và hình thành nhà nước. Có ý kiến cho rằng tham nhũng bắt nguồn từ nền văn hóa độc tài đề cao cá nhân, coi trọng biếu xén. Và để nhận dạng tham nhũng, các tác giả cuốn sách “Tools to Support Transparency in Local Governance” (Công cụ hỗ trợ cho tính minh bạch trong chính quyền địa phương) đã biểu đạt bằng công thức sau:
Tham nhũng (Corruption) = Độc quyền (Monopoly) + Bưng bít thông tin (Discretion) - Trách nhiệm giải trình (Accountability).
Theo công thức trên, có thể dễ dàng nhận dạng tham nhũng trong các biểu hiện của nó: thừa độc quyền, thừa bưng bít thông tin, thiếu (phi) trách nhiệm giải trình.
Như vậy rõ ràng: Tham nhũng chỉ xảy ra ở nhóm đối tượng có chức, có quyền trong hệ thống các cơ quan công quyền nhà nuớc. Riêng ở Việt nam, với chế độ độc đảng thì ngoài tiêu chí có chức có quyền, nhất thiết họ phải là đảng viên. Rất ít trường hợp người ngoài đảng được đưa vào các vị trí lãnh đạo then chốt (từ chức danh Phó Chủ tich Phường, Xã trở lên).
Từ “Nạn” trong tiếng Việt có mấy nghĩa: Tai nạn, Tệ nan, Vấn nạn, Khốn nạn...
Tai nạn: là khách quan đưa đến hoặc do chủ quan nhưng vô tình (không ai muốn).
Tệ nạn: là do chủ quan con người vì không vượt qua được cám dỗ mà tự chuốc lấy. Chẳng hạn như tệ Cờ bạc, Rượu chè, Hút sách, Đĩ điếm, Mại dâm, Ma tuý, Trộm cắp, và Tham nhũng…
Vấn nạn: là nói đến tình trạng bất ổn (do nhiều nguyên nhân, nhiều đối tượng tham gia và bị ảnh hưởng ở diện rộng) đang trở thành vấn đề của xã hội như nạn Ùn tắc giao thông, Tai nạn giao thông, Lạm phát và giá cả tăng cao,… nếu ở quy mô lớn thì cũng có thể gọi là Quốc nạn được.
Khốn nạn: là tính từ, danh từ hoặc một thán từ để chỉ tính chất của các tệ nạn, hay ám chỉ kẻ mắc tệ nan nào đó.
Như vậy, theo ngữ học thì cùng với các tệ nạn khác, Tham nhũng cũng là “khốn nạn”. Những cá nhân nhiễm các tệ nạn đó có tên chung là “đồ khốn nạn”, “quân khốn nạn”, “lũ khốn nạn”... Tổ quốc Việt nam, dân tộc Việt nam và nhân dân Việt nam không thể là “đồ khốn nạn” được. Cho dù ở Việt nam, các tệ nạn như Cờ bạc, Rượu chè, Mại dâm, Ma tuý khá phổ biến nhưng chưa ai gọi những tệ nạn đó là “Quốc nạn” bởi lẽ nó chỉ tập trung ở một số đối tượng nhất định trong xã hội, không thể là đại diện cho Tổ quốc và Dân tộc. Tham nhũng cũng vậy, mặc dù có ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, xã hội nhưng cũng chỉ tập trung ở nhóm đối tượng rất hạn chế và rõ ràng đó là cán bộ lãnh đạo các cấp, các nghành, các đoàn thể, các đảng viên có chức có quyền. Số lượng tham nhũng trong các nhóm người trên thậm chí còn có tỷ lệ nhỏ hơn nhiều so với các “đồ khốn nạn” khác thì lại càng không thể gọi là Quốc nạn được. Nếu gọi tham nhũng là “Quốc nạn” thì vô hình chung đã pha loãng sự khốn nạn vào cộng đồng, gây thêm khó khăn cho việc truy tìm và phòng chống tham nhũng.
Người dân không thể tham nhũng được. Đó là lý do tại sao họ sẽ cảm thấy bị xúc phạm khi nói Tham nhũng là “Quốc nạn”. Phải khoanh lại phạm vi nhóm người có khả năng tham nhũng để kiểm soát. Có lẽ phải tiến hành nghiên cứu thêm và chọn một từ nào đúng với nó thay cho từ “Quốc nạn”, ví dụ như “Đảng nạn” hay “Chính phủ nạn” chẳng hạn để dễ bề phong toả, ngăn chặn và xử lý. Như vậy sẽ vừa bảo đảm sự chính xác và trong sáng của ngôn ngữ tiếng Việt, vừa xác định đúng đối tượng để tập trung ngăn chặn, đẩy lùi và tiến đến tiêu diệt tham nhũng. Tránh tình trạng chống tham nhũng một cách “vu vơ” không địa chỉ, không đúng đối tượng, thiếu hiệu quả như từ trước tới nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét