HOÀNG HƯNG*
Vâng, sau kiến nghị đòi trả tự do cho luật sư Cù Huy Hà Vũ, đây là lần thứ hai tôi ký vào một kiến nghị can thiệp cho một người bị bắt vì tội danh tuyên truyền chống Nhà nước. Bạn có thể hỏi vì sao?
Trước hết, cần thừa nhận vài năm gần đây, những vụ trấn áp người bất đồng chính kiến, người biểu tình chống xâm lược Trung Quốc ngày càng tăng cao, mức độ phi đạo lý, bất chấp luật pháp, bất chấp công luận ngày càng nặng. Là một công dân, một người cầm bút đã cao tuổi, tôi không đủ sức để lên tiếng về tất cả mọi trường hợp cần lên tiếng, đó thực sự là ‘lực bất tòng tâm’.
Nhưng tôi đã không thể im lặng trước vụ Cù Huy Hà Vũ, vì sự phi lý và lố bịch trắng trợn trong việc bắt ông, vì tôi cảm phục tinh thần của một trí thức thừa điều kiện để vinh thân phì gia nhưng đã nêu tấm gương thẳng thừng và kiên định chống lại những người, những việc, những chủ trương của nhà cầm quyền mà ông thấy nguy hiểm cho đất nước.
Lần này, tôi lên tiếng vì cảm phục một em nữ sinh ngây thơ, trong sáng, biểu lộ lòng yêu nước một cách hồn nhiên và chân thành, cũng lại vì việc bắt em một lần nữa bộc lộ sự tùy tiện, vi phạm pháp luật của chính lực lượng có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật.
Khác với những kiến nghị trước thường gửi chung cho tập thể các nhà lãnh đạo, tôi ký kiến nghị này là kiến nghị gửi đích danh Chủ tịch nước. Vì sao?
Lâu nay tôi thường tự đặt và cũng đặt với bạn bè câu hỏi: Chẳng lẽ trong số bao nhiêu vị lãnh đạo từng thể hiện lòng yêu nước, có khi phải hy sinh bản thân và gia đình, giờ đây không còn ai giữ được cái mà Thiền sư Nhất Hạnh gọi rất hay là cái “tâm ban đầu” ấy? Chẳng lẽ trong số con em, đệ tử của họ không còn ai theo được truyền thống ban đầu ấy? Chẳng lẽ tất cả đã suy thoái, biến chất thành những kẻ ích kỷ hại dân và sẵn sàng bán rẻ quyền lợi của Tổ quốc để bảo vệ lợi ích riêng?
Không, tôi không muốn tin như thế, ngàn lần không. Vì vậy tôi, cũng như nhiều bạn bè đồng tâm chí, không ngại, không nản chí, liên tiếp cất lên tiếng nói phản biện, phê phán, thỉnh cầu, kiến nghị… mà không hề cho việc làm của mình là phí công vô ích như có người nghĩ. Chúng tôi lên tiếng chính là để thúc giục những người tốt trong bộ máy cầm quyền suy nghĩ lại về những sai lầm và quyết tâm hành động để sửa sai, ngõ hầu cứu vãn đất nước này. Đó sẽ là hồng phúc cho đất nước, cho dân tộc, vì tôi biết con đưởng đẹp nhất để nước ta, dân tộc ta thoát khỏi hiểm họa xâm lăng và sụp đổ là những người đang cầm quyền biết lắng nghe và làm theo ý nguyện đúng đắn của người dân. Một cái kênh quan trọng phản ánh ý nguyện ấy là tiếng nói trung thực của những trí thức chân chính.
Để được như thế, điểu đầu tiên nhà cầm quyền phải làm không thể chậm trễ, đó là tôn trọng thực sự quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận của nhân dân. Trong chuyện này, có một điều hết sức cấp thiết là phải chấm dứt ngay việc khủng bố, đàn áp những người bất đồng chính kiến khi họ thể hiện chính kiến một cách ôn hòa dưới mọi hình thức. Vì đó sẽ là bằng chứng thuyết phục nhất rằng chính quyền thực lòng muốn xây dựng nền Dân chủ Pháp quyền. Vì đó không chỉ liên quan đến mấy chục, mấy trăm blogger hay người bất đồng và gia đình họ, mà là tấm gương cho toàn dân, cho cả thế giới nhìn vào để biết thực sự nhà nước này có pháp quyền dân chủ hay không. Vì mọi biện pháp đàn áp, khủng bố đều đã thất bại, hậu quả chỉ là ngày càng làm dân không tin chính quyền, dân oán ghét công an, và con số những người bất đồng ngày càng tăng, càng trẻ tuổi, càng nhiều tầng lớp, càng rộng khắp, hành động ngày càng đa dạng, mạnh mẽ. Nguy hiểm hơn nữa, việc khủng bố đàn áp ngày càng bất lực thì ngày càng phải thô bạo, rồi tàn bạo, bất chấp luật pháp, giống như giải khát bằng thuốc độc, tất yếu sẽ dẩn đến nguy cơ phát xít hóa bộ máy an ninh. Từ đó đến tổng khủng hoảng của chế độ, và tất nhiên cũng là của toàn xã hội, không xa!
Tôi không hề muốn điều bi thảm đó xảy ra cho đất nước, cho dân tộc đã quá đau thương vì chiến tranh chống ngoại xâm và nội chiến! Tôi muốn nền dân chủ của VN được xây dựng trong sự chuyển hóa hòa bình.
Tôi có ảo tưởng không? Hãy nhìn sang Myanmar. Một chế độ độc tài quân sự vừa mới đây còn xả súng vào các sư sãi, rồi cũng phải đến ngày hôm nay, khi ông Tổng thống từng là nhà độc tài lâu năm sánh bước với nhà đối lập hàng đầu và sẵn sàng trao lại cho bà ngôi vị qua một cuộc bầu cử công bằng.
“Của tin còn một chút này”. Đó là tâm sự chân thành gửi lên ông Chủ tịch nước khi tôi đặt bút ký tên kiến nghị ông can thiệp để trả tự do cho cháu Phương Uyên. Tôi thiết tha hy vọng trường hợp cháu Phương Uyên sẽ đi vào lịch sử như cái mốc chuyển biến của Việt Nam trên con đường xây dựng nền Dân chủ Pháp quyền.
Nguồn: ABS
* Nhà thơ Hoàng Hưng sinh ngày 24.11.1942 tại thị xã Hưng Yên.
- 1960-1961 tình nguyện lên Tây Bắc phục vụ quân đội (dạy học cho sĩ quan trình độ cấp 1).
- Năm 1965 tốt nghiệp khoa văn, ĐH Sư phạm Hà Nội.
- 1965 – 1973 dạy văn cấp 3 tại Hải Phòng.
- Ông đã từng tình nguyện vào Nam phục vụ trong “mặt trận văn nghệ” nhưng ngành giáo dục giữ lại vì là giáo viên giỏi lớp cuối cấp.
- Từ năm 1973 – 1982: Làm phóng viên, biên tập viên báo Người Giáo viên Nhân dân (Bộ Giáo dục).
- Từ 1987 làm ở nhiều báo khác nhau.
- Từ 1990 - 2003 làm ở báo Lao Động, sau đó về hưu với chức danh Trưởng ban VHVN.
- Hiện ông sống tại TP.HCM.
* Những tập thơ tiêu biểu đã được xuất bản:
- “Người đi tìm mặt”; “Ngựa biển”; “Hành trình”; “36 bài thơ tuyển chọn của Hoàng Hưng”...
* Những tác phẩm dịch:
- Lorca (nhà thơ Tây Ban Nha); Appolinaire (nhà thơ Pháp); Tuyển tập thơ Pháp hiện đại; Tuyển tập 15 nhà thơ Mỹ hiện đại; Allen Ginsberg (nhà thơ Mỹ); Aniara....
Nguồn: ABS
* Nhà thơ Hoàng Hưng sinh ngày 24.11.1942 tại thị xã Hưng Yên.
- 1960-1961 tình nguyện lên Tây Bắc phục vụ quân đội (dạy học cho sĩ quan trình độ cấp 1).
- Năm 1965 tốt nghiệp khoa văn, ĐH Sư phạm Hà Nội.
- 1965 – 1973 dạy văn cấp 3 tại Hải Phòng.
- Ông đã từng tình nguyện vào Nam phục vụ trong “mặt trận văn nghệ” nhưng ngành giáo dục giữ lại vì là giáo viên giỏi lớp cuối cấp.
- Từ năm 1973 – 1982: Làm phóng viên, biên tập viên báo Người Giáo viên Nhân dân (Bộ Giáo dục).
- Từ 1987 làm ở nhiều báo khác nhau.
- Từ 1990 - 2003 làm ở báo Lao Động, sau đó về hưu với chức danh Trưởng ban VHVN.
- Hiện ông sống tại TP.HCM.
* Những tập thơ tiêu biểu đã được xuất bản:
- “Người đi tìm mặt”; “Ngựa biển”; “Hành trình”; “36 bài thơ tuyển chọn của Hoàng Hưng”...
* Những tác phẩm dịch:
- Lorca (nhà thơ Tây Ban Nha); Appolinaire (nhà thơ Pháp); Tuyển tập thơ Pháp hiện đại; Tuyển tập 15 nhà thơ Mỹ hiện đại; Allen Ginsberg (nhà thơ Mỹ); Aniara....
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét