Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

SỔ HƯU

 Minh họa: Đỗ Đức
Minh họa: Đỗ Đức
Mọi người cứ tưởng cái sổ hưu là sáng chế đặc biệt của chính quyền cơ. Ngày xưa sổ gạo, bây giờ sổ hưu hay mang ra dọa nhau. Vậy ngoài giới công chức vài triệu sống bằng sổ hưu, còn chán vạn dân ta không sổ hưu sao vẫn sống.
Với viên chức nhà nước ăn lương thì cái sổ hưu là chỗ bám víu cuối cùng trong việc duy trì cuộc sống. Nghe cũng thương thật, vì để mất sổ hưu thì lấy gì mà ăn? Mang sổ hưu ra dọa mà khối anh sợ. “Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”- Truyện Kiều (Nguyễn Du).
Sợ, nên có thằng em tìm việc cho vợ cứ cạy cục tìm nơi có “biên chế” cho chắc ăn!
Thế đấy, biên chế với sổ hưu có lúc đã xích chặt cổ, khóa tiệt mồm người đi làm. Có nghề đấy mà không dám hó hé cãi lại cấp trên khi cấp trên sai, vì trước là cái biên chế và sau là cái sổ hưu! Sếp không ưa là tèo!
Sổ hưu thì có gì ghê gớm đâu! Thực ra sổ hưu là cái của để dành ăn dần khi về già. Hiểu thế mới thấy có rất nhiều loại sổ hưu.
Chị tôi có cái sổ hưu tự chế rất hay. Chị là người buôn bán, xưa nay làm ra được tí nào chị đều biến sang vàng cất đi. Sáu đứa con, chồng công chức. Nhưng sổ hưu của chồng sao đọ với cái “sổ hưu” của chị là trữ vàng. Các việc hiếu hỉ chỉ nhìn vào sổ hưu vàng của chị. Còn sổ hưu của anh thì chỉ đủ sống thường nhật cho chính anh.
Nhắc đến sổ hưu công chức, chị cười he he, có mà chả bằng cái mép túi chị! Nào ngờ một người chạy chợ như chị tôi mà coi thường cái sổ hưu của anh công chức thế!
Còn một loại sổ hưu nữa là mua nhà mặt tiền cho thuê, cứ nằm đó hàng tháng thu ngân, chả thiếu xu nào, ăn chơi
rểnh rảng!
Sổ hưu của người nông thôn là con cái. Nuôi chúng trưởng thành nên người, khi về già thì con cái là chỗ dựa còn chắc hơn là sổ hưu nhà nước cấp. Tôi đang là sổ hưu cho mẹ tôi ở quê đây này!
Thì ra sổ hưu của dân ta có từ đời nảo đời nào chứ đâu phải đến khi có nhà nước và bộ máy công chức mới có sổ hưu!
Các cụ ta xưa vẫn bảo: “Con cái là của để dành”, hoặc “Mỗi con mỗi của ai từ”. Sổ hưu của người xưa đấy, mỗi con là một cái sổ hưu chứ chẳng phải chỉ có một cái như nhà nước cấp. Nên khi xưa, con cháu được coi là “của” chứ không phải chỉ “kim ngân” mới là của đâu nhá.
Hiểu sổ hưu đúng mức thì bớt sợ chuyện ai mang sổ hưu ra dọa!
ĐỖ ĐỨC(báo Tiền Phong)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét