- Bất chấp các nỗ lực xoa dịu tình hình trên biển Đông của các bên liên quan và cộng đồng quốc tế, Trung Quốc tiếp tục gây rối bằng cách công bố các bản đồ mới, lần đầu tiên đưa hàng trăm đảo trên biển Đông vào.
Báo chí Trung Quốc ngày 12/1 đồng loạt đưa tin các bản đồ theo dạng dọc của Trung Quốc có vẽ hơn 130 đảo lớn nhỏ tại biển Đông. Theo Cục Khảo sát, đo đạc và thông tin địa lý quốc gia Trung Quốc (NASMG), hầu hết các đảo trong số này chưa từng xuất hiện trong các bản đồ trước đó của nước này.
Các bản đồ cũ, được vẽ theo dạng ngang, chỉ thể hiện những đảo lớn tại góc phải bên dưới với tỉ lệ khác, tờ Nhân dân Nhật báo cho hay.
Số bản đồ mới được xuất bản bởi Tập đoàn xuất bản bản đồ Trung Quốc (Sinomaps Press). Tân Hoa Xã dẫn lời Từ Căn Tài, chủ biên Sinomaps Press, ngang nhiên nói các bản đồ trên sẽ “nâng cao hiểu biết của người Trung Quốc về lãnh thổ quốc gia, bảo vệ quyền lợi hàng hải và các lợi ích biển của Trung Quốc, đồng thời thể hiện quan điểm ngoại giao chính trị của Trung Quốc”.
Không chỉ các đảo trên biển Đông, ở phía dưới bên trái các bản đồ mới còn vẽ luôn quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang do Nhật Bản kiểm soát.
Bản đồ mới của Trung Quốc bao gồm 130 đảo ở Biển Đông.
Philippines quan ngại bản đồ mới của Trung Quốc
Philippines đã ngay lập tức có những phản ứng trước sự việc này. Ngày 13/1, theo RFI, Phủ tổng thống Philippines cho biết sẽ chỉ thị cho Đại sứ quán Philippines ở Bắc Kinh xác minh tin nhà xuất bản bản đồ quốc gia Trung Quốc là đơn vị xuất bản bản đồ mới trước khi có phản đối chính thức.
Phát biểu trên Đài phát thanh quốc gia dzRB, bà Abigail Valte, Phó phát ngôn viên của Tổng thống Aquino xác nhận: “Chúng tôi đã biết thông tin đó, vì vậy, Bộ Ngoại giao sẽ yêu cầu Đại sứ quán Philippines tại Bắc Kinh xác minh thông tin cụ thể trước khi có bình luận”.
Lừa dối chính người dân Trung Quốc
Thiếu tướng Lê Văn Cương (nguyên viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an) cũng đưa ra quan điểm của mình về vấn đề này.
Việc gộp toàn bộ các đảo trên biển Đông vào bản đồ quốc gia như vậy thể hiện chủ đích của Trung Quốc. Hành động này một lần nữa xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam và các nước khác trong khu vực biển Đông. Việc này bất chấp luật pháp quốc tế, vi phạm hiến chương Liên Hiệp Quốc và Công ước Luật biển 1982. Họ cũng đi ngược lại chính cam kết của họ với thế giới.
Tàu cá Trung Quốc trở về cảng Tam Á (tỉnh Hải Nam) sau khi đánh bắt trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: Báo mạng Nam Hải
Rất có thể “người ta” hi vọng nhờ việc in bản đồ như vậy sẽ có thêm chứng cứ về pháp lý với đòi hỏi phi pháp của mình. Đó là điều ấu trĩ. Vậy tại sao họ vẫn dùng thủ đoạn bịp bợm và lố bịch này? E rằng đây chỉ là một mớ âm mưu với ý đồ lừa dối chính người dân Trung Quốc và cả thế giới.
Kẻ trộm đến nhà ta đập cửa, ta không thể không phản ứng. Trước hết, chúng ta cần nhận thức đây là hành động trái luật pháp quốc tế, đi ngược lại hiến chương Liên Hiệp Quốc và ngược lại tinh thần của Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Việt Nam, bằng nhiều con đường, cần lên tiếng để bảo vệ chủ quyền chính đáng.
Trước sự việc này, chúng ta có trách nhiệm truyền thông đại chúng để người dân biết và thông báo cho thế giới biết những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Báo chí Việt Nam cũng cần góp phần đưa thông tin rộng rãi đến người đọc trong nước và nước ngoài để hiểu rõ bản chất của sự việc. Việt Nam là một quốc gia độc lập có chủ quyền, là thành viên của Liên Hiệp Quốc. Chủ quyền quốc gia là tối thượng, trường tồn vĩnh viễn.
An Khanh (Theo TTO, NLĐ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét