Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Hai, 12 tháng 10, 2009

Tản mạn tháng 10

Sau khi đọc " Lễ hội Long biên" của KV.K7 trên trang UT, thấy ông bạn mình rảnh rang có dịp đi "vét " để cảm nhận về lễ hội, tạo cho mình những cảm xúc bằng hình ảnh.... Đọc trên "Quân sử Việt nam" bài "TẢN MẠN THÁNG 10" của tác giả "Trung sỹ 1", một thành viên  trang QSVN chia sẻ với KV bằng tất cả những cảm xúc của mình về Hà nội trong một quãng dài thời gian lịch sử.
Mạn phép tác giả, đăng nguyên vẹn " TẢN MẠN THÁNG 10" lên UT để mọi người cùng sẻ chia.

Chia sẻ với Phong Quảng, người hâm hâm đi bộ qua cầu lúc sáng sớm

       Hà Nội không chỉ là Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Đồng, Hàng Lược… với những cô hàng rong áo đồng lầm lanh lảnh :” Ai cốm đ ơ ơi..!”. Nếu không có cái mái bát giác nhà Bảo tàng Lịch sử, không có cái vòm tròn bọc graphit xám của Nhà hát Lớn, không có cây cầu Long Biên và các khu biệt thự cổ lẩn trong vòm sấu thì không thể là Hà Nội. Hà Nội cổ và Hà Nội tân thời. Thời sau nữa thì người ta quăng cả một khối nhà bê tông hình hộp, thừa cả sự vô duyên cũng như vô cảm, gọi là nhà Bưu điện năm tầng nằm ngay sát Hồ Gươm. Ờ thì vật thể dẫu xấu xí bây giờ cũng là một phần của Lịch sử. Nhưng vẫn phải thấy rằng các kiến trúc hai nền văn hoá Đông – Tây xưa, chuyển tiếp đan xen lẫn nhau không một tì vết của sự chắp nối vội vàng hay cẩu thả. Đến mức thiếu một trong các thứ đó thì không thể nhận ra thành phố quê hương. Và sự kết hợp Đông Tây đó cũng mặc nhiên trong các mối dây văn hoá liên hệ gia đình. Anh sinh viên Tây học kia có thể là con một bà buôn lụa Hàng Đào, tính nhẩm thì nhanh, nhưng một chữ bẻ đôi không biết. Nhưng không sao! Tổ Quốc lâm nguy, có biến là ra đường. Không lẽ vác cuốn tự điển Larousse bé tí đập vào đầu giặc? Thì chạy qua trường kiếm con dao lên chiến luỹ

Anh sinh viên trường thuốc ngang tàng
Mang đến một con dao giải phẫu 

(Hoài Anh)

Lại còn lãng tử hơn nữa: đang nằm mèo tán dóc, tính bài chim cô con gái bà Cự Doanh hay Phúc Tường … lên cơn thèm thuốc chạy ra phố. Chiến luỹ đầu đường súng đã nổ ngăn thù. Hình như ngộ ra đây là vận nước? Đi vào cuộc chiến một cách tự nhiên nhất, đút bao thuốc vừa hút dở một điếu vào túi, đánh nhau thôi!

Người bạn ra phố mua một bao thuốc lá
Chín năm sau anh mới trở về nhà
Ta mang cả ba mươi sáu phố phường đi kháng chiến
Chín năm rừng lòng vẫn Thủ đô   

(Hoài Anh)

    Thế mới máu! Những hành động theo từ cũ bảo đó là hành động của giai cấp tiểu tư sản với tính chất hay bốc đồng, hay dao động và không đáng tin. Nhưng theo tôi, tính cách này cũng là đặc trưng của một bộ phận thanh niên Hà Nội thời đó. Ai dám bảo là anh sinh viên kia, anh bạn thèm thuốc lá đêm khuya kia, không có chút gì bị ảnh hưởng của chiến luỹ Paris, của V.Hugo mà anh ấy vừa đọc? Xả thân báo quốc, dù bất cứ vì nguyên do gì, cơm áo gạo tiền giai cấp? Hay cao hơn là biết bổn phận làm người, làm con dân nước Việt … cũng đều đáng trọng như nhau, chẳng nên phân biệt làm gì. Thăng Long phi chiến địa, nhưng mùa đông năm 1946_ mùa đông hào hùng đẫm máu của chiến địa Thăng Long, của người Hà Nội đứng lên đánh giặc giữ phố, giữ nhà mình

Nhớ đêm ra đi đất trời bốc lửa
Cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng

 (Chính Hữu)

      Đoàn quân lặng lẽ rút ra dưới gầm cầu đêm ấy đã trở về. Lời hẹn ngày về chín năm sau trở thành hiện thực. Anh Vệ quốc mũ lưới áo trấn thủ trần quả trám thành thần tượng của các cô. Nhiều đám cưới ủ mộng duyên lành giữa công nông binh vô sản và tiểu tư sản thành thị được tiến hành. Trong đám cưới người ta chơi cả La Paloma lẫn điệu múa Sạp Thái sòn sòn đô sòn, sòn sòn đô rê… Nhiều nhà tư sản nhường nhà cho cán bộ kháng chiến về ở. Trong những căn nhà lớn, có nhiều hộ về ở thì thành chung cư. Cứ sau mỗi bữa cơm chiều, ông ngoại tôi đi họp tổ dân phố ở nhà ông Thinh bán dưa cà đầu phố. Giờ vẫn nhớ tiếng guốc mộc lẹp kẹp của cụ vang trên vỉa hè những buổi tối mùa đông.

    Hà Nội lại trải qua một trải nghiệm kết hợp văn hoá khác năm 1954. Bắt đầu từ sự biến đổi một thành phố tiêu thụ sang một thành phố sản xuất. (Nay thì lại di các nhà máy ấy ra chỗ khác rồi vì sợ ô nhiễm thủ đô, he he). Cụm từ này tôi nhớ như in. Đó là bài học thuộc lòng địa lý lớp 4 năm tôi 10 tuổi. Người ta chào hỏi xưng hô với nhau không còn cầu kỳ nữa. Những cậu, những mợ, những tôi vô phép hay cám ơn xin lỗi dần một thưa đi theo lớp người cũ. Cầu kỳ diêm dúa trong cư xử hay trang phục được cho rằng không có tính quần chúng. Rồi đến thời chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ. Hào hùng oanh liệt thì tất nhiên rồi! B52 tan xác, cháy sáng bầu trời. Hào khí Thăng long cháy lên ngời ngời…Tự hào quá đi chứ! Năm đó vừa ở nơi sơ tán về, tôi đã chạy ngay ra sờ cây bàng trước cửa trong đêm mất điện xem nó có bị sao không. Mái ngói nhà tôi bị mảnh đạn cao xạ, mảnh tên lửa rơi xuống làm vỡ một phần. Yêu và nhớ Hà Nội một tình yêu không dễ gì nói hết được, ngay cả khi vẫn còn bé tí.

    Nhưng ta đang nói về những chuyện khác, về chuyện loại bỏ hay giản tiện những phép tắc ứng xử thời cũ, thời của Hà Nội thanh bình xưa. Thói tuỳ tiện thời chiến tăng lên đáng kể cùng với những quan niệm đơn giản về sự dân chủ bình đẳng. Bình đẳng dân chủ là ông tôi, là tao mày, đôi khi đồng chí. Từ “phiên phiến” bắt đầu xuất hiện ở thời gian này. “Gì mà căng thế? Phiên phiến thôi ông ơi!”. Dẫm lên chân kẻ khác thì :”Hì hì thông cảm nhé!”. Có một bài vè chế vui gán ghép trêu nhau của bọn trẻ con thời đó như thế này:

Cây tre xanh không bao giờ mất ngọn.
Thời buổi này kén chọn làm chi?
A ơi cứ lấy B đi!
Bao giờ B đẻ A về thăm con.
Chúc anh A lên đường mạnh khoẻ!
Chúc chị B chóng đẻ con so!


    Ngay cả bọn trẻ con cũng thời buổi này kén chọn làm chi. Hà hà ! Người ta mang cả tính dễ thích nghi, giản tiện vốn là ưu thế trong điều kiện đời sống chiến tranh về thành phố. Tôi cam đoan những hành  động kiểu chen lấp cả đường bên trái khi kẹt xe, phi xe lên vỉa hè hay chen ngang nhổ bọt a văng xê đều có xuất xứ sâu xa bắt rễ từ thời gian này. Lãnh đạo thì bận những việc quan trọng hơn, không để tâm đến văn hoá hoặc quan tâm không đủ vì nhiều lý do. Nền tảng gốc của một xã hội văn minh thiếu bàn tay chăm sóc và pháp chế chưa đủ mạnh đã làm cho văn hoá đô thị ngàn năm tuổi không còn được quy củ như thời tiền chiến. Đấy là sự thật! Nhắm mắt nhắm mũi nịnh nhau mà làm gì?

    Phố có hồn phố, cây có hồn cây. Vẫn có một dòng chảy ngầm neo giữ những điều tinh hoa kiệm lời, không dễ gì mai một đi được. Bởi nó chảy ngầm, là nước ngầm nên không bị pha tạp nhiều như nước mặt.

   Những chiếc lá sen ủ cốm đã quăn tái mép ngoài, bảo rằng mùa thu đã muộn. Trám bùi đã tím đen nằm om trong chõ. Hết cái nồng nhiệt tưng bừng, tương phản chói chang của hoa lá mùa hè, mùa thu lặng lẽ lận vào trong trái trong hạt. Văn hóa cũng vậy, không phải là khẩu hiệu cờ hoa rực rỡ, càng không bao giờ là choang choảng loa phường. Đôi khi nó nằm trong nụ cười nhoẻn thay lời chào của một em bé lạ ta bỗng nhiên gặp trên đường...

Sớm thu nay tinh mơ, tôi đi ra phố, tôi đi ra sông Hồng, tôi lên cầu Long Biên…

Hình hài dạng biểu đồ cộng momen cổ điển đã biến cây cầu thành một con rồng uyển chuyển khuất lấp mờ ảo. Long kiều trăm năm nằm vắt mình thiêm thiếp ngủ giữa hai bờ sương sớm. Một kết hợp hài hoà nhuần nhuyễn giữa vững chắc của kết cấu thép với sự bay bổng của lãng mạn. Ví cây cầu Long Biên như Người tình trăm năm của Hà Nội có lẽ cũng không ngoa. Đức Huy có bản ballad tặng người tình, thì cây cầu cũng là bản ballad dành tặng cho Hà Nội. Ở đó, mỗi thanh giằng thép, mỗi nhịp lan can gang đúc đều giống như những sợi đàn căng, đều ngân lên khúc hát trong gió ngàn xưa…

Gió của sông Hồng Hà…Gió của Thăng Long sẽ về, và Rồng sẽ bay cao …
Trungsy1
Hướng về Hà nội
Nhạc và lời: Hoàng Dương. Trình bày: Hồng Nhung

8 nhận xét:

  1. Một bài viết rất sâu sắc, rất Hà Nội. Tác giả rất yêu Hà Nội và cũng rất buồn vì Hà Nội phôi pha. Còn nhớ cả những câu vè hay đồng dao của con trẻ chọc nhau thuở ấy.
    Vậy tại sao lại kêu bạn mình là người hâm hâm đi bộ qua cầu? Yêu Hà Nội đến thế chứ!

    Trả lờiXóa
  2. "...Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố,bỗng thấy mình chẳng nhớ một con đường...".Thường như thế bị cho là hâm hâm.Những người hâm bây giờ nhiều lắm.Đi lang thang có tôi,ĐH,TM,HT,HCQ,AMK3 và...

    Trả lờiXóa
  3. Hay!Qúa hay!Thực ra đôi khi ta cũng tự vấn lòng mình yêu và nhớ Hà nội cái gì nhỉ?Nhớ hồi xưa anh lính đc về phép thăm nhà,khi tàu chạy qua câu Long biên gai ốc tự nhiên nổi khắp người.Đến giờ cũng vậy, mỗi khi quay về nơi chốn của tuổi thiếu thời,nỗi xúc động và hồi hộp lại trào dâng.Tìm mãi câu trả lời và bây giờ tác giả đã cho tôi biết tại sao cảm xúc của mình lại như vậy.Yêu lắm Hà nội ơi!

    Trả lờiXóa
  4. "HÂM" hoặc "không bình thường" cũng là bệnh của những lão già như mình... KV vẫn chưa viết tiếp về các "bệnh" của người "già".
    Nhiều lúc "thần" mặt ra, thấy kỷ niệm về HN ngày xưa như mới đâu đây...chép miệng: "Bao giờ cho tới Hà nội...xưa?".
    Hôm nọ cũng bị một đồng nghiệp "mắng": "anh là người ko bình thường" chỉ vì cái "tội"...chưa bao giờ thanh toán công tác phí. Có lẽ mình hâm rồi chăng?

    Trả lờiXóa
  5. DUNG LA GIA ROI NEN AI CUNG NHU TRE CON.HAY MO UOC,HAY GIA NHU...NHO HA NOI NHIEU LAM LAM.

    Trả lờiXóa
  6. Tác giả thật lãng mạn.
    Hôm qua mình đi cầu Chương Dương, nhìn về phía cầu Long Biên mà thấy buồn rười rượi: Hơn mười giờ sáng mà cầu lờ mờ trong sương bụi. Ngày xưa sương thu chủ yếu là hơi nước do khí lạnh (mới)dồn về mà đọng hơi nước trong khí ấm (cũ) thành sương. Vì thế khi nắng lên, trời ấm, sương tan rất nhanh. Bây giờ sương mù không còn trong lành và thơ mộng như ngày xưa nữa vì cốt lõi của nó là những cục bụi to đùng hoặc muôn vàn độc khí.

    Trả lờiXóa
  7. " khi tàu chạy qua câu Long biên gai ốc tự nhiên nổi khắp người."
    @AK7 : Cảm giác của ông lính trốn vé, chuẩn bị đến điểm nhảy đầu tiên ( gần nhà nhất). Cũng một nỗi nhớ Hà Nội !
    KV.K7

    Trả lờiXóa
  8. Một đoạn Em ơi Hà nội phố của nhà thơ Phan Vũ về Hà nội những năm tháng chiến tranh chống Mỹ :

    Em ơi Hà nội phố
    Ta còn em những ngõ cụt bất ngờ
    Ô cửa ngẩn ngơ
    Ngôi nhà không người ở
    Khung trời của nỗi buồn
    Vô cớ…
    Người nghệ sĩ lang thang hoài
    Trên phố
    Bơ vơ
    Không nhớ nổi con đường.
    Tha hương ngay trước cổng nhà mẹ cha...
    K6LS

    Trả lờiXóa