Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Năm, 30 tháng 6, 2011

Cải cách giáo dục ...

Đọc bài này và bài này mới thấy cái sự học của nước mình .

Miền Trung và cao nguyên.

Chuyến đi xuyên Việt của mấy anh em đã về tới Sài Gòn, mạnh khỏe và an toàn. Xin cám ơn những người bạn của dải đất miền Trung và cao nguyên nắng gió, đầy nhiệt tình và chu đáo, chăm lo mấy anh em. Nhất là các bạn, các anh chị ở Huế, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Buôn Mê Thuột đã tiếp đón nhóm xuyên Việt hơn cả tuyệt vời.
Xin gởi thêm một vài hình ảnh chuyến đi.

Chiều sông Serepok (Ban Mê Thuột).
Thác nước DraySap.


Bảo tàng Quang Trung.




Tại gia đình Quế Mafia- Huế.
Thăm gia đình Y Hòa.
HT, KV, Mẹ và con trai Y Nguyên- Risa "Sư tử tâm".


Gia đình bạn Trỗi Quy Nhơn, ấm áp và vui nhộn.
Chúc mọi người luôn khỏe và vui như thế.

(Ảnh Hữu Thành và ĐN.)

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2011

Trên Tuần Việt nam hôm nay

Các bác nghĩ gì?
Khi người Việt Nam xây phố dành riêng cho người Hoa?
Nếu việc này cũng là tiền đề cho các địa phương khác đang có ý định "dời đô" noi theo thì rất nhiều khả năng sẽ tồn tại những khu phố người Hoa khác do chính Việt Nam xây dựng nên?....Đọc tiếp

Thứ Hai, 27 tháng 6, 2011

Lại thư giãn tý cho nó bớt nóng .

Tu tỉ tu ti .
Cậu con trai út cãi nhau với anh nó về chuyện thằng nào là anh, thằng nào là em . Bất phân thắng bại nên chúng nó nhờ bố phân xử . Sau khi nghe kỹ mọi trình bày , ông bố phán :
- Thằng nào bú ti mẹ sau thì thằng đó là em .
Thằng anh vội kêu lên :
- Ơ , ơ . Thế thì bố là em chúng con rồi .
Thằng em chờ cho bố bợp tai thằng anh rồi mới nói :
- Bác Bờm hàng xóm còn là em bố cơ .
K6LS

Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2011

Bản tuyên cáo đặc biệt do giới nhân sỹ trí thức khởi xướng

Sau đây là bản tuyên cáo đặc biệt do giới nhân sỹ và trí thức khởi xướng để phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc liên tục có những hành động gây hấn trên biển Đông . Các bác nhấn vào đây để xem . Tư liệu lấy từ blog của Nguyễn xuân Diện .

Miền Trung nắng gió.


Một vài hình ảnh đoàn xuyên Việt.

Trên Hải Vân Quan.

Đoàn xuyên Việt cùng các bạn Huế bên sông Hương.

Cùng các bạn Trỗi Quy Nhơn(chưa đầy đủ).

TQ trên đảo Lý Sơn.

Đàn bò trên miệng núi lửa- Lý Sơn.

Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2011

ĐỌC ĐỂ NHỚ NÀY

-Đây là lá thư cùa TCCT gửi cho các phụ huynh khi Trường VHQĐ NVT giải tán.Mời các pác đọc lại để nhớ về một thời của các chú lính nhóc.

Có vũ khí mạnh rồi nè

Vũ khí mạnh đã về Việt nam , nhấn vào đây để xem . Nhưng không có cái đầu dám đánh thì mua về có khi lại mua hộ " bạn " thôi .

Thông báo

Chiều thứ 3 tuần tới, ngày 28/6/2011, từ 17g00, mời các bạn K8 đến nhà hàng Số 1 phố Trấn Vũ gặp mặt, cũng nhân dịp có Lê Minh Nghĩa b2 ở xa (Ba Lan) về chơi.

Bùi Thắng thông báo!

Thứ Năm, 23 tháng 6, 2011

Thư giãn một tý nhé

Cậu con trai 10 tuổi nói với mẹ :
- Mẹ ơi ! mẹ cho con ngủ với mẹ nhé .
- Không được đâu , vì con đã lớn rồi mà . Mẹ nhẹ nhàng nói .
- Nhưng bố còn lớn hơn con mà đêm nào cũng ngủ với mẹ đấy thôi .
Mẹ !!!

Khiêm tốn

Việt nam ơi , khiêm tốn quá để hèn thế nàysao ?

KHOE TÝ



-Hì ! Tụi mình nhập ngũ từ năm 1966 cơ đấy.









Vnq xem con tem này đổi được nhiêu bữa nhậu ở vườn Treo ?

Người lính và tấm hình kỉ niệm.

Những người lính năm xưa, ở tuổi 17 trông họ chững chạc, đẹp và tin tưởng biết bao. Là các bạn Út và áp Út những năm đầu thập niên 70.
Những tấm hình nhắc một thời ghi nhớ.

(Hình ảnh do bạn DatHB cung cấp.)


Cũng thư giãn, nhưng...3 tý!

Lời cảm ơn

Đám tang của cha tôi là cụ Bùi Nguyên Hiếu đã được tổ chức  trang trọng và trọn vẹn. Khi cha mất, tôi đã nhận được từ các bạn Trỗi sự chia sẻ và đã đến dự tang lễ tiễn đưa cha tôi về cõi vĩnh hằng.
Qua trang Út Trỗi tôi xin chân thành cảm ơn sự chia sẻ của Bạn Trỗi đối với tôi và gia đình.

Bùi Nguyên Khánh
        B2 K8

Thứ Ba, 21 tháng 6, 2011

Thư giãn một tý

Các bạn thử điền từ thích hợp chỗ chấm lửng (…) sau đây:

1. Hôm qua đi ngang chợ Bàn Cờ, thấy có tay bán dạo rao: Mua zdo! Mua zdo! Đây dầu cù là hiệu “Con lạc đà”, dầu gió hiệu “Con ó”, bột giặt hiệu “Con ……””

2. Hình như cứ cái gì người Bắc nói với dấu sắc thì người Nam lại nói với dấu nặng. Này nhé, người Bắc “xem xiếc” thì người Nam “xem xiệc” - người Bắc có “quần soóc” thì người Nam có “quần soọc” – Bắc đi “xe cuốc”, Nam là “xe cuộc” – Bắc có “đồng cắc”, Nam có “đồng ….”

3. Xem giải đáp ở comment.

Vòng tròn bất tử ở bãi đá Gạc Ma

Phía sau những người đã ngã xuống vì Trường Sa

Trên Internet lan truyền một video/clip ghi lại hình ảnh về “Vòng tròn bất tử” được các chiến sỹ công binh Việt Nam tạo nên xung quanh cột cờ Tổ Quốc để ngăn cản lính hải quân Trung Quốc xông lên cướp cờ, bảo vệ chủ quyền biên cương - Đó là hình ảnh trên bãi đá Gạc Ma những ngày tháng ba năm 1988. Trong đó, 9 chiến sỹ bị Trung Quốc bắt giữ, 61 chiến sỹ mất tung tích và 3 chiến sỹ hi sinh… Cuộc đời của những con người ấy sau hai mươi ba năm là những lá thư còn sót lại, những giọt nước mắt lăn dài trên má mẹ, là sự cơ cực, vất vả trong những bon chen cuộc sốngĐọc tiếp


Đôi bạn.

Anh K7, anh K8 nhưng hai người bạn cùng khu, học chung, chơi chung trường nội trú, cùng sơ tán khắp nơi núi rừng từ những năm chín tuổi. Cùng đi lính hải quân những năm 70.

- Thập niên 70: Những người lính rất trẻ, đẹp trai và nụ cười vô tư lự bên nhau trên biển.

- Và nay: Bên li cà phê, một tí nếp nhăn, tâm tình và bên nhau chuyện đời.

Thứ Hai, 20 tháng 6, 2011

Nhân ngày báo chí Việt Nam 21-6

VIẾT NHANH MẤY CẢM NGHĨ VỀ BÁO “LỀ TRÁI”
Hải Hồ
“Báo chí Việt Nam là một biệt lệ chăng khi tất cả im phăng phắc trước một sự thật không lồ có quan hệ đến tồn vong của đất nước? Vì lý do gì vậy? Vì không dám nhìn chính xác sự thật? Vì không biết ủng hộ biểu tình hay chống lại biểu tình là công bằng? Vì không thể tường thuật sự thật một cách khách quan?”
Ấy là lời chua xót của ông Tống Văn Công, cựu Tổng biên tập báo Lao động khi thấy báo lề phải vào ngày 6-6 đưa một mẩu tin sai sự thật về cuộc biểu tình 5-6-2011 của nhân dân Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh để phản đối Trung Quốc gây hấn trên vùng biển của Việt Nam, và ngày 12, 13-6-2011 thì không đưa một dòng tin nào cũng về cuộc biểu tình của hai thành phố nói trên.
Mà thực ra chẳng riêng gì sự kiện trên, biết bao sự kiện quan trọng liên quan đến chủ quyền đất nước chỉ có thể tìm trên báo lề trái.
Thuật ngữ lề trái ra đời từ bao giờ? Nếu tôi nhớ không nhầm thì từ khi ông Bộ trưởng TTTT Lê Doãn Hợp (khoảng đầu năm 2009) khuyên báo chí chính thống, rằng muốn an toàn cứ đi theo lề phải. Lề phải ở đây không phải là đúng luật báo chí mà là theo cái gậy chỉ huy từ bên trên, nhưng nhiều khi cũng không biết thế nào mà lần, mà đoán ý cấp trên. Có lẽ vì thế nên báo lề phải luôn bị trống trang, và do đó cứ phải đăng các chuyện cướp - giết - hiếp cho đầy mặt báo.
Vì vậy, muốn có thông tin chẳng có cách nào khác là vào các trang mạng cá nhân, một thứ báo mà lẽ ra chỉ đăng những chuyện của cá nhân thôi, nhưng lại làm nhiệm vụ đăng những chuyện quốc gia đại sự nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, đặc biệt là những người quan tâm đến tình hình đất nước (trong tình hình hiện nay có lẽ phải nói là quan tâm đến số phận đất nước). Và báo này bỗng nhiên được mang tên là báo lề trái.

Tuy báo lề trái luôn luôn trong tầm ngắm của ngành an ninh như là những đối tượng nguy hiểm nhưng tôi lại thấy công lao rất lớn của báo lề trái.
Quan sát trong khoảng hai năm vừa qua thôi, chưa kể công lao khai thông dân trí do những bài viết đầy chất trí tuệ và dũng cảm của các cộng tác viên, chỉ tính riêng phần thông tin do báo lề trái đem lại đã cực lớn. Ở đây cũng chỉ kể những thông tin đã giúp chính phủ và các cơ quan công quyền xử lý, đáp ứng được quyền lợi của nhân dân và dân tộc. Ví dụ:
Vụ website điện tử của Đảng Cộng sản Việt Nam đăng tin Trung Quốc tập trận trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam (tháng 8-2009), một bản tin rất có hại cho chủ quyền Việt Nam, vì lấy nguyên vẹn bản tin của báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) mà không có chú nguồn dẫn và lời bình luận nào. Sau khi các các bloger phát hiện, website điện tử trên phải vội rút bài xuống, còn ông Đào Duy Quát, tổng biên tập, sau đó phải kiêm điểm và bị Bộ TTTT phạt 30 triệu (quá nhẹ).
Việc bắt giữ, đâm chìm tàu của ngư dân, gần đây báo chí lề phải đã dám đưa tin ít nhiều, chứ trước 2009 thì hầu như đều phải làm ngơ (có lẽ sau vụ đình chỉ báo Du lịch và cách chức tổng biên tập của báo đầu năm 2009 do đăng bài về Hoàng Sa, các báo lề phải đều sợ hãi). Tháng 8/2009, có một vụ bắt giữ ngư dân cực lớn của Trung Quốc: 200 ngư dân với 17 con tàu vào tránh bão tại quần đảo Hoàng Sa, bị Trung Quốc cướp hết hải sản, máy móc, xăng dầu, lại còn bị đánh đập dã man, thế nhưng không một báo lề phải nào lên tiếng. Cho đến khi một số trang mạng đăng lại tin của nước ngoài thì Hội Nghề cá Việt Nam mới có văn bản gửi Đại sứ quán Trung Quốc.
Vụ Hội Địa lý Hoa Kỳ ghi tên Hoàng Sa,Trường Sa bằng tên Trung Quốc và chú dưới là của Trung Quốc, nếu tôi không nhầm thì sự phát hiện bắt đầu từ kiều bào mình ở nước ngoài, được đưa lên các trang mạng cá nhân (khoảng tháng 3-2010) sau đó mới được báo lề phải đăng, rồi chính phủ ta có công văn đề nghị Hội Địa lý Hoa Kỳ sửa lại và họ đã tiếp thu, sửa chữa.
Cũng khoảng thời gian trên, có vụ cô Đỗ Ngọc Bích, nghiên cứu sinh ở Hoa Kỳ đã viết trên BBC Việt ngữ một bài xuyên tạc lịch sử Việt Nam, có lợi cho Trung Quốc, các blogger cùng các cư dân mạng phản đối dữ dội và BBC phải có lời đính chính. Tương tự vụ cô Đỗ Ngọc Bích, đầu năm nay, GS. Nguyễn Huy Quý, nguyên viện trưởng Viện Trung Quốc học, cũng có một bài trả lời một báo của Trung Quốc, với nhiều phát ngôn sai về lịch sử Việt Nam và bất lợi cho tình đoàn kết dân tộc. Blogger Nguyễn Xuân Diện và nhiều blogger đã lên án mạnh mẽ. Chính qua những vụ việc này, sự hiểu biết và ý thức dân tộc trong mỗi người Việt Nam được bồi dưỡng, kiểm chứng, thử thách, và bất cứ một sự mù mờ, gian lận, đánh tráo, xuyên tạc nào đều làm tổn thương đến tình cảm dân tộc và đều bị lên án.
Khoảng đầu năm 2010, việc phát hiện hàng loạt tỉnh biên giới cho Trung Quốc thuê rừng đầu nguồn, trong đó có những điểm cao chiến lược cũng bắt đầu từ báo lề trái (vụ này cũng nên rất hoan nghênh báo lề phải Vietnamnet sau đó có loạt bài phóng sự phản ánh cụ thể, sinh động hiện tượng trên ở nhiều tỉnh), và cuối cùng Thủ tướng chính phủ đã có công văn yêu cầu các tỉnh tạm dừng việc cho nước ngoài thuê rừng.
Vụ lụt ở Nghệ Tĩnh cuối tháng 9 năm ngoái, cũng là lúc chuẩn bị bắn pháo hoa tại Hà Nội mừng Đại lễ nghìn năm Thăng Long, không khí tang thương ở miền Trung và không khí tưng bừng ở Hà Nội trở thành một nghịch cảnh cho các chủ blog và cư dân mạng. Blog Quechoa có những dòng cay đắng: “Hãy bắn pháo hoa đi để thấy dân Miền Trung đang ngoi ngóp trong lũ lụt, 20 ngàn hộ dân lũ cuốn, thiệt hại hơn 2 ngàn tỷ. Ok, ok không sao, không sao, hãy bắn đi để ngợi ca đất nước”. Trong bối cảnh tưởng như sắp loạn trong lòng người ấy, trên Trannhuong.com của nhà thơ – họa sỹ Trần Nhương bỗng cất lên lời khẩn thiết đề nghị bỏ bớt nhiều điểm bắn pháo hoa để lấy tiền ủng hộ động bào bị lũ lụt. Đề nghị nhanh chóng được chấp nhận. Cư dân mạng hoan hô ngay chính quyền thành phố Hà Nội.

Vụ phim Lý Công Uẩn – đường tới thành Thăng Long, có lẽ bắt đầu “khới chuyện” là báo lề phải (nếu tôi không lầm thì bài đầu tiên là bài trả lời phỏng vấn của họa sỹ Phan Cẩm Thượng trên tạp chí Hồn Việt, tháng 6/2010) nhưng báo lề trái lại thu hút dư luận nhiều hơn bởi có sự tham gia của các cư dân mạng thông qua các comments. Vụ này có hai đợt tiến công của báo chí: đợt một vào trước dịp diễn ra Đại lễ nghìn năm Thăng Long, khiến cho phim phải hoãn phát sóng để chỉnh sửa; đợt 2, vừa mới đây, sau khi có lịch phát sóng của VTV, định bắt đầu chiếu vào 30-6-2011. Có lẽ trong đợt hai này, những người quyết tâm chiếu phim đã hoàn toàn đắc thắng sau khi có sự đồng ý của Cục Điện ảnh. Nhưng báo lề trái không chùn bước. Ban đầu gần như một mình TS. Nguyễn Xuân Diện “tuyên chiến” với Cục Điện ảnh và VTV. Được sự ủng hộ của GS. Lê Văn Lan, nhà cách mạng lão thành Nguyễn Trọng Vĩnh và đông đảo cư dân mạng, phong trào phản đối bộ phim xuyên tạc lịch sử dân tộc do Trung Quốc đạo diễn lan sang cả báo lề phải (báo Người Lao động đăng lại bài trả lời của GS. Lê Văn Lan và cả một số comments trên blog Nguyễn Xuân Diện), và do đó lịch chiếu vào 30-6 lại được VTV “tạm hoãn”. Trong vụ này cũng có phần may cho báo lề trái (và không may cho Cục Điện ảnh và VTV) là nó xảy ra đúng lúc Trung Quốc gây hấn và phong trào tẩy chay Trung Quốc dấy lên, cùng với vụ tham nhũng lớn 42 tỷ đồng ở Cục Điện ảnh bị lộ tẩy, đã làm nản lòng những ai còn muốn bênh vực cho bộ phim.
Vụ lớn gần đây nhất là vụ Trung Quốc hai lần cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của ta (26-5 và 9-6-2011) trên biển Đông. Ban đầu một số báo lề phải như Tuổi trẻ, Thanh niên, Vietnamnet cũng phản ứng rất hăng hái, nhưng sau đó giảm dần. Liền sau đó là mấy vụ biểu tình tự phát nhưng mạnh mẽ của nhân dân Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh phản đối Trung Quốc nhưng chẳng báo nào dám đưa tin. Riêng lần thứ nhất, hôm sau các báo lề phải có đưa tin nhưng lại lấy nguyên tin của TTXVN, một bản tin nông choèn về mặt thông tin và sai sự thật, làm tổn thương tình cảm yêu nước của người tham gia biểu tình nói riêng, của nhân dân Việt Nam nói chung. Trong khi đó báo lề trái liên tục cập nhật tin tức, đưa những hình ảnh vô cùng cảm động về lòng yêu nước của nhân dân ta. Người viết bài này đang lúc hoang mang về số phận dân tộc, khi xem những hình ảnh đó đã chảy nước mắt và bỗng thấy dân tộc Việt Nam lúc nào cũng vẫn là dân tộc anh hùng. Ôi, nếu nhà nước đừng ngăn cản mà còn nhân những tấm lòng yêu nước và dũng cảm kia thì dân tộc ta chẳng những không dễ bị bắt nạt mà còn ngẩng cao đầu trước người láng giềng to lớn và tham lam.
Thử tưởng tượng cuộc sống hôm nay sẽ thế nào nếu thiếu báo lề trái? Mọi thông tin sẽ trở nên u u minh minh, đặc biệt là vấn đề chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ, tức cũng là vấn đề sống còn của đất nước trong hoàn cảnh nước lớn phương Bắc liên tục dùng thủ đoạn và gây sức ép mọi mặt lên dân tộc ta.
Mà kỳ lạ số “tờ báo” lề trái (ở đây chỉ giới hạn số báo quan tâm đến tình hình đất nước) chỉ đếm trên đầu ngón tay: bauxite Vietnam, Quechoa, Basam, Nguyenxuandien, Nguyentrongtao, Trannhuong, Phamvietdao,… Và mỗi “tờ báo” chỉ có một ông chủ nhiệm kiêm chủ bút, kiêm phóng viên, kiêm biên tập viên, kiêm kỹ thuật viên. (Trong khi đó nghe nói báo lề phải là khoảng 500 tờ và số nhân viên cứ cho tối thiểu là 20 người/ một tờ thì số người làm báo lề phải ít ra phải 10.000 người. Họ lại được ăn lương, được ưu đãi về điện nước, phương tiện, trụ sở,…)
Điều kỳ lạ nữa là dù kiêm bấy nhiêu “chức” nhưng các chủ báo này vẫn phải lao động kiếm sống như tất cả mọi người. Cái phần tay ngang làm báo không được hưởng một đồng xu nhỏ nào, mà chỉ có mất vào những chi phí cho phương tiện kỹ thuật và tiền điện, tiền mạng. Và các cộng tác viên viết cho các lề trái này cũng chẳng bao giờ có nhuận bút.
Nhưng tất cả những điều trên chưa là gì so với các nguy hiểm luôn rình rập các chủ blog cũng như các cộng tác viên của họ. Đã có không ít blogger và cộng tác viên bị bắt giữ, bị đi tù, nếu không chí ít cũng bị “để ý”, lườm nguýt và đánh phá về mặt kỹ thuật. Không ít lần cư dân mạng phát hoảng khi bỗng nhiên trang blog quen thuộc của mình bị biến mất, kèm theo nỗi lo lắng: không hay chủ nhân của nó đã bị “mời” đi làm việc rồi.
Nhưng hình như tất cả các khó khăn và tai ương rình rập đó không làm nản lòng các bloger và độc giả của họ. Cũng như gần 90 triệu con Hồng cháu Lạc sinh sống trên dải đất hình chữ S này vẫn đi lên phía trước.
Nguồn: NXD Blog
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả do tác giả Hải Hồ gửi trực tiếp cho NXD-Blog.

Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2011

Biểu tình phản đối Trung Quốc tại HN lần 3

Một số hình ảnh biểu tình ở Hà nội lần 3 vào sáng nay (19/6) tại Blog NXD.

Bức ảnh này cũng thấy xuất hiện 1 lính Trỗi K8 trong đó, chắc K6LS biết đ/c này.
(Ảnh blog NXD)

Tin buồn

Cụ Bùi Nguyên Hiếu là thân sinh bạn Bùi Nguyên Khánh B2 K8. Do tuổi cao bệnh nặng đã từ trần hồi 15h30 ngày 17-6-2011 tại Hà nội. Hưởng thọ 88 tuổi.
Tang lễ cử hành từ 9h30 đến 11h30 ngày Thứ Tư 22-6-2011.
Tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Hỏa táng cùng ngày tại Đài hóa thân Hoàn vũ, Hà nội.
Bạn Trỗi hẹn tập trung đến viếng 10g30.

Chuyên san "Tưởng nhớ các Anh hùng Liệt sĩ"

Hôm nay mở email của UT, thấy có cái mail này của bác TTh K6 lại bị "lạc" vào mục spam. Thôi chậm vẫn còn kịp. Các bác cứ "click" vào cái bìa đỏ để xem chuyên san này. Mong anh em cho ý kiến.

Kgửi các anh!
Sau thử nghiệm "Chuyên san Trại Hòe" em thấy cái flipbook này cũng tiện dùng, dễ xem nên có ý mở rộng. Trước mắt, nhân ngày 27/7 tới, em chuyển bài "Tưởng nhớ các Anh hùng Liệt sĩ" bên Blog K6 sang dạng này (Xem: http://issuu.com/nvtk6/docs/ahls-f). Dự kiến public trong tháng 7, (trước 27/7).
Vì là montage từ các Blog nên nhiều chỗ lủng củng, có thể không phản ánh hết ý tưởng của tác giả các bài viết. Rất mong các bác cho ý kiến. Vì không có email nên em cũng nhờ các TQ xin ý kiến các tác giả có bài.
Cảm ơn nhiều!
TTh

Dưới đây là nguyên bản của chuyên san.

Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2011

Góp đá và... thơ

Hôm qua buổi giao ban Vườn Treo đông hơn mọi khi nhiều, vì có việc cô Thục đến thăm, lại có việc góp đá xây Trường Sa. Điểm mặt thì chờ ảnh của VNQ đưa lên, có nhiều k8 đặc biệt là nhóm C11. Cô Thục ngoài việc phụ trách C11 sau này còn tham gia giảng dạy nên đám trai mới nhớ nhiều.
Ngô Anh Vinh k8 ngoài việc đến thăm cô Thục và góp đá, còn vượt kế hoạch một bài thơ. Sau một lúc vắng mặt khỏi mâm thì Ngô Anh Vinh (bút danh 3Say) quay lại với bài thơ này:

Đá Trỗi
Gom đá lính Trỗi góp biển xa*
Con sóng nhỏ tạo muôn vàn sóng cả
Như An Tiêm gieo mọi nhà dân Việt
Để muôn đời đất Việt Bình Yên.

* Biển Hoàng Sa, Trường Sa
3Say

KẾT QUẢ GÓP ĐÁ XÂY TRƯỜNG SA

Thứ Năm, 16 tháng 6, 2011

Thông báo

Chiều thứ Sáu 17/6/2011, tại Vườn Treo vẫn tiến hành giao ban như thường lệ. Theo thông báo của HB, đặc biệt buổi giao ban này có sự tham gia của cô Thục từ thành phố HCM ra. Để đáp ứng mong muốn của cô Thục muốn gặp các bạn Trỗi HN và đặc biệt là các bạn nữ C11 tại Hà nội.
Trân trọng mời các bạn Trỗi có điều kiện, thu xếp thời gian tới dự buổi giao ban này nhất là các bạn nữ C11.

Thời gian: Từ 17h đến....lúc kết thúc,
Ngày thứ Sáu 17/6/2011
Địa điểm: 281 Đội Cấn, Hà nội

Công năng Blogger của Google

Đã biết, nhưng vô tình đọc được  quảng cáo hiệu quả của Blogger của Google mà vẫn thấy "sướng âm ỉ
"...Blogger của Google làm đại bản doanh để thu thập và tung ra các bài viết. Không như các web khác như Facebook vẫn còn là tư nhân, và nhằm mục đích là mạng xã hội (social network), trang WordPress tuy cũng cho nhiều khả năng chỉnh sửa giao diện, nhưng là một công ty nhỏ hơn nhiều so với "super" đại gia Google, hay như trang Yahoo! 360 đã chết yểu cách đây hơn 1 năm, Blogger của Google hội đủ các điều kiện:

* Google là một đại gia! Khỏi sợ bị tin tặc đánh sập, hay dùng các thủ đoạn như ping tràn ngập để làm blog down. Các servers của Google ở khắp thế giới, lúc nào data cũng được back up đầy đủ. Quan trong hơn hết là nó "Free", khỏi tốn tiền mà dịch vụ cung cấp thì thiệt "chiến", không chê vào đâu được.

* Google Search ưu tiên nhiều cho blog nhà (tuy nó không tiện nói thẳng như vậy), cứ đăng bài ở đây thì bảo đảm sẽ được thấy trước khi các trang web seach khác nhỏ hơn như Bing, Yahoo Search, v.v.

* Giao diện để chỉnh sửa rất dễ hiểu, dễ học. Muốn thêm vào một cái widget như "các bài hay đọc nhất" chỉ cần ấn vài nút là xong. Di chuyển chỗ của widgets theo cách drag-and-drop, không cần hiểu HTML hay JavaScript, hay PHP để làm các chuyện này.

* Cho phép nhiều người cùng cho bài trong cùng một blog, chứ không chỉ một người.

* Cho phép dễ dàng tạo ra blog "riêng tư",(private blog) trong đó các thành viên tha hồ post và nói chuyện, bàn thảo, lập kế hoạch, v.v. mà không ai hay biết.

* YouTube cũng là của Google, nên post video rất tiện vì cách đăng nhập cũng giống nhau, dùng chung user name và password.

* Picasa cũng là của Google, tha hồ tải hình lên mạng, cũng miễn phí luôn..."

Thứ Tư, 15 tháng 6, 2011

Vấn đề BIỂN ĐÔNG

* Bảo vệ chủ quyền: Công khai để thống nhất lòng dân

"Công khai thông tin, tuyên truyền thống nhất, sâu rộng, bày tỏ thái độ rõ ràng để tạo sự đồng thuận trong nhân dân là một nhân tố cốt tử để bảo vệ Tổ quốc. Dân phải tin là nhà nước có đủ bản lĩnh, kinh nghiệm và quan hệ quốc tế để bảo vệ giữ gìn chủ quyền đất nước". Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Trọng Ngũ, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh Quốc hội nói về tình hình Biển Đông.

Thống nhất được lòng dân sẽ chiến thắng.....đọc tại VIETNAMNET

* Sau hàng loạt vụ việc xâm phạm lãnh hải Việt nam của Trung Quốc, nguyên thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh có nhận định rất rõ bộ mặt thật của chính quyền Bắc Kinh và thức tỉnh lãnh đạo Việt nam..."tôi mong lãnh đạo chúng tôi nhận ra thực chất của “16 chữ và 4 tốt”, phát huy tinh thần yêu nước và lòng dũng cảm, đi cùng nhân dân, lên tiếng đấu tranh chính trị, ngoại giao, pháp lý, công bố tư liệu cho toàn thể thế giới biết, để cho quần chúng biểu thị lòng yêu nước của mình, để cho báo chí phê phán sai trái của Trung Quốc. Để họ chấm dứt hành động ngang ngược phá hoạt động bình thường của chúng ta trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của ta, chấm dứt hãm hại ngư dân ta. Trong tình hình thế giới hiện nay, nếu gây chiến tranh họ sẽ bị hoàn toàn cô lập.". Đọc TOÀN BÀI.

Thứ Ba, 14 tháng 6, 2011

Hưởng ứng quỹ góp đá xây Trường sa

Trên trang Bạn Trỗi K5 anh Trần Bắc Hải có sáng kiến đưa lên thông tin quyên quỹ Góp đá xây Trường Sa. Nhận thấy đây là cuộc vận động của báo Tuổi Trẻ phù hợp với mong mỏi của đồng bào bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, chúng tôi có trao đổi và thống nhất đề nghị Bạn Trỗi cùng nhau tham gia.
Điều khác với các lần góp quỹ trước theo khoá, lần này chúng tôi xin thông báo tới tất cả các bạn Trỗi không kể khoá nào. Ai tham gia được, xin góp qua các đầu mối để hết hạn chúng ta sẽ chuyển tới Báo Tuổi Trẻ dưới danh nghĩa Tập thể các học sinh trường VHQĐ Nguyễn Văn Trỗi.
Mong các bạn, nếu chưa đóng góp qua chỗ nào khác thì, tham gia chung dưới danh nghĩa tập thể bạn Trỗi.
Chương trình đóng góp như sau:

- Thời gian: trong một tuần, từ hôm nay tới hết Thứ Sáu tuần sau, 17/6/2011.
- Cách góp: bấm vào tài liệu này để tự đăng ký số tiền góp. Nếu cần thiết ghi chú thêm ở sau. Người nhận tiền sẽ xác nhận số tiền đã nhận của người góp vào cột đã góp.
Theo dõi thông tin tại "Quỹ Góp đá xây Trường Sa" dòng trên cùng trong cột danh mục địa chỉ có đường dẫn (Các địa chỉ Trỗi).

Đầu mối nhận tiền đóng góp:
Nguyễn Hữu Thành K4, tiền mặt hoặc chuyển qua máy ATM Vietcombank TK số 0021000487194 tên Nguyen Huu Thanh. Nếu chuyển qua máy ATM xin nhắn tin/góp lời để biết.

Cuối tuần (17/6/2011) chúng tôi sẽ kết thúc nhận tiền Góp đá xây Trường Sa và chuyển toàn bộ tới Báo Tuổi Trẻ theo kế hoạch đã nêu trên.
Nguồn: Bạn Trường Trỗi.
Góp đá xây Trường sa trên báo TUỔI TRẺ

“Lính thủy đánh bộ”

Nghĩ mà tội cho mấy anh “lính thủy đánh bộ”. Tôi có thằng bạn học nghề ô tô, sau làm thủy thủ viễn dương, đánh thuê cho bọn Nhật tới gần 2 chục năm đạt tới Máy 1, Máy 2 gì đó. Bỗng một hôm, nó gọi điện hỏi tôi có chỗ làm không? - Sao vậy? – Đi tàu riết, vợ nhằng quá trời. Lên bờ thôi. – Ok.

Vậy là nó nạp hồ sơ vào công ty tôi. Tới bữa phỏng vấn, thằng Giám đốc người Đức xem hồ sơ rồi nói: Ông nói được cả tiếng Anh và tiếng Đức? Vậy bây giờ ta trao đổi bằng tiếng gì? – Thằng bạn tôi tỉnh bơ: Ông hỏi bằng tiếng Anh, tôi trả lời bằng tiếng Đức. Vậy là 2 đứa trao đổi với nhau theo kiểu vậy: Anh – Đức. Rồi sau một hồi lại đổi lại: thằng Giám đốc hỏi bằng tiếng Đức, thằng bạn tôi nói tiếng Anh. Tuyết vời! – Thằng Giám đốc nhận xét và thằng bạn tôi nhận việc.

Công việc của nó không thật dễ dàng, nhưng cũng không phải là quá bận rộn. Chỉ bị cái tối ngày phải “ôm” cái máy tính tra khảo, xem xét, tính toán …. Thật là cực hình đối với thằng thủy thủ viễn dương. Nó thật sự đã quen với biển cả, sóng nước, thoáng đãng, mênh mông, ăn to nói lớn. vui vẻ với gió trời. Vậy mà nay phải ngồi trên cái ghế nhỏ xíu xoay xoay trước cái màn hình máy tính với một đống tài liệu. Quay qua quay lại trên cái ghế cũng chỉ là bàn và tủ. Nói chuyện cũng phải thì thầm. Lỡ có cười to một cái là cả văn phòng “chiếu tướng” như xem diễn kịch. Còn nó thì không thể ngồi yên nổi, lúc nào cũng hết quay lại lắc lư cái ghế như để kiếm chút cảm giác sóng biển xa xưa chăng? Tới một bữa, nó vui vẻ quá mức và … té cái rầm! Cả văn phòng giật mình quay lại nhìn thằng anh lăn đùng dưới đất ngoác miệng cười sằng sắc … và rồi bỗng im bắt vì chẳng ai cười. Đan mạch nó, tới cười mà cũng phải bụm miệng. Thật tội nghiệp cho thằng bạn “lính thủy đánh bộ”!

Đám nhân viên than phiền: Ổng lớn tuổi rồi mà không biết giữ ý. Làm việc cạnh ổng “nhiễu” không chịu được. - Còn thằng bạn tâm sự: Cái chỗ làm việc gì mà nhỏ như cái lỗ mũi, ngang dọc chưa tới 4 mét vuông mà bàn tủ, tài liệu lổn nhổn, bí rí rị. Suốt ngày máy lạnh, không có được một “cọng” gió. Nói to không xong, cười lớn cũng chẳng được. Cái gì cũng thì thà thì thầm như đi ăn cắp. Mẹ, như ở tù!

Vậy là chỉ sau hơn một năm “lên bờ”, thằng bạn tôi lại quay trở về với biển cả viễn dương. “Lính thủy” thì làm “lính thủy”. “Đánh bộ” thì đi bộ. Chớ cái kiểu lính thủy lên bờ để … bơi . Coi bộ không hạp! Vợ nhằn thì cũng đành chịu chớ sao bây giờ.

Thằng bạn trở lại tàu mấy năm rồi nghỉ luôn. Giờ có mớ vốn đi “lướt sóng” chứng khoán. Chắc vì cũng có chút mùi “sóng” nên nó tươi cười, vui vẻ suốt ngày. Thỉnh thoảng anh em gặp nhau nhắc lại thời “đánh bộ” của nó mà thấy tức cười. Thật sự thông cảm cho thằng bạn tôi cũng như các AE đã trải qua đời sông nước!

Thứ Hai, 13 tháng 6, 2011

Thư giãn....Sắc hoa mùa hè

"...Sen Hồ Tây có vẻ đẹp riêng khác với những bông sen được trồng nhiều ở Bắc Ninh, Bắc Giang, những bó hoa sen vẫn được bán ngoài phố. Phân biệt hoa sen với hoa quỳ không dễ vì chúng có vẻ ngoài giống nhau. Nhưng người mua hoa tinh sẽ nhận ra, hoa sen có nhiều lớp cánh xếp lại bên trong, còn hoa quỳ chỉ có một lớp cánh mỏng và không có hương thơm...".ĐỌC TIẾP để thưởng thức một số hình ảnh về sen hồ Tây.

Kiến nghị đổi tên biển Nam Trung hoa thành biển ĐÔNG NAM Á

Hưởng ứng việc Đề nghị đổi tên biển Nam Trung hoa thành biển ĐÔNG NAM Á.
(Nguồn: Bạn Trỗi K5)
Biển Đông là tên gọi thân yêu tổ tiên ta đã gọi biển nằm ở phía mặt trời mọc của phần lớn dải đất hình chữ S. Nhưng Vịnh Thái Lan là một phần của Biển Đông lại nằm ở phía Tây nếu xét từ vị trí của Nam Bộ. Còn với Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu như trái tim giữa biển khơi thì bốn bề bao bọc bởi Biển Đông.
Và biển đó ở phía Tây Philippnes, phía Bắc Indonesia, Brunei, Malaysia, Singapore...
Tên quốc tế của Biển Đông hiện tại là “South China Sea” nghĩa là Biển Nam Trung Hoa, mặc dù bờ biển TQ chỉ chiếm phần nhỏ so với các nước khác.
Hãy cùng nhau ký tên kiến nghị đổi tên quốc tế của biển thành "Southeast Asia Sea". Với chúng ta, 4 chữ “Biển Đông Nam Á” có một nửa là lịch sử cha ông để lại, nửa kia là hiện tại hội nhập cùng bạn bè quốc tế. Hãy cùng các bạn ấy nhập thành một bó đũa, không cho kẻ mưu mô nào bẻ dần từng chiếc.
Ký vào bản tiếng Anh tại đây:
Còn đây là bản TIẾNG VIỆT

Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2011

CHÀO ANH

Những năm đầy khó khăn cuối 70, đầu 80 của thế kỷ trước. Mỗi năm, tôi theo đoàn công tác của HọcViện Quân Y lặn lội vào Đà Lạt khám sức khỏe và lấy các chỉ số sinh hóa-huyết học cho cán bộ nhân viên của Viện Nghiên cứu Hạt nhân. Đó là một lò phản ứng hạt nhân nhỏ chuyên dùng cho nghiên cứu và giảng dạy được tiếp quản từ chế độ cũ. Với tôi, mỗi chuyến đi đều háo hức như được đền bù những hụt hẫng từ ngày ôm tấm bằng đỏ từ LX trở về, nay được trở lại với môi trường khoa học hàn lâm. Một trong những chuyến đi ấy tôi được gặp anh. Không chỉ trong công việc. Có ngày nghỉ Viện tổ chức đi chơi thác Đatangla, đường về xe bị hư hay sao đó anh cùng chúng tôi đi bộ cả chặng đường dài. Ngay lần gặp đầu tiên anh đã cho tôi ấn tượng về một nhà khoa học lớn và một nhân cách mạnh mẽ, đôi khi đến mức xung đột với môi trường quanh anh. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ câu hỏi của anh: “Vì sao nhà nước lại phải quản lý đến cả cái thùng bán kem ngoài đường với dòng chữ MDQD?”. Một câu hỏi tưởng đơn giản, nhưng ngày ấy sau bao nhiêu năm sống trong môi trường của CNXH chúng tôi không dễ mà nhận ra được, huống chi là nói ra thành lời.
Rồi đến 1986 tôi rời Học Viện Quân Y vào đầu quân cho anh. Viện HN ưu ái cho tôi có gia đình ở SG nên dù biên chế ở Đà Lạt, tôi vẫn có thể làm việc ở SG và vài tuần một lần mới phải lên với xứ sở rừng thông. Xã hội lúc này đã khác với hồi tôi mới gặp anh. Theo làn gió đổi mới, nhiều nhà khoa học cũng thấy không thể còn sống được trong tháp ngà của mình mà phải tìm đường ra, nhưng đi theo đường nào thì có nhiều ý khác nhau, tình hình nội bộ Viện không tránh khỏi lủng củng. Anh cũng chẳng thoát khỏi cái sự ấy. Nhưng trong con mắt tôi và nhiều người trẻ khác trong Viện, anh vẫn là một nhân vật cho chúng tôi ngưỡng mộ. Tôi cũng tìm mọi cách để thoát khỏi môi trường tù hãm của một viện nghiên cứu theo cơ chế bao cấp. Thử cả những việc như nhuộm tròng kính mát, pha mầu đá quý, phân kim... chả cần gì phải đi học nước ngoài về mới làm được. Rồi quyết định làm đề tài về mô ghép ngoại khoa. Lãnh đạo Viện phản đối cho rằng không thực tế. Tôi ôm đề tài chạy sang Sở Y tế TPHCM, choáng váng vì ngay sau lần trình bày đầu tiên, chú Tư Trung giám đốc Sở kiêm Hiệu trưởng đầu tiên và là người sáng lập ra ĐHYK Phạm Ngọc Thạch bây giờ, đã hỏi luôn vậy cháu cần bao nhiêu kinh phí để xây dựng một ngân hàng mô ghép! Chia tay anh và Viện từ ngày ấy để đi làm ngân hàng mô, rồi số phận đưa tôi ra nước ngoài. Không gặp lại anh, nhưng vẫn âm thầm theo dõi và biết anh là một trong số ít các nhà khoa học Việt Nam làm việc tại Việt Nam mà có được một số lượng công trình khoa học đáng nể ở tầm quốc tế.
Sáng nay lên mạng gặp lại tấm hình anh vừa chụp với lá cờ Tổ Quốc. Kỷ niệm tuổi trẻ ập về. Vẫn là anh. Tóc bạc hết rồi mà vẫn là một người trẻ tuổi!

Hãy lên tiếng, dõng dạc và minh bạch!

Đọc thấy hay nên tôi copy & paste để các bác xem . (Bài nguyên vẹn chưa bị “biên tập” như trên Vietnamnet)

Cụ Bùi Thượng 73 tuổi, vô địch lặn nước sâu ở Lý Sơn, rất biết phải đối mặt thế nào với “bọn cá mập” hung hãn để chúng không liều lĩnh dấn thêm từng bước hành vi tàn bạo của chúng: “Gặp một con cá mập lớn, thì phải đối mặt với nó, nhìn trừng mắt vào nó. Có như thế thì nó mới không tấn công”.
Ngày hôm qua, mồng 5 tháng sáu 2011, tôi đã đi biểu tình, để nói lên sự công phẫn của tôi đối với nhà cầm quyền Trung Quốc, và biểu lộ sự ủng hộ toàn diện của tôi với nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân các nước bạn ASEAN mà cái “lưỡi bò” của Trung Quốc muốn chiếm đoạt biển đảo thiết yếu cho cuộc sống hôm nay và sự phồn vinh ngày mai.
Tôi đi biểu tình để vợi bớt sự cay đắng tích lũy từ nhiều tháng, nhiều năm qua. Cùng đi với tôi là những người bạn đã từng chia sẻ hoạn nạn và chung lưng đấu cật đấu tranh trong nhà tù của chế độ độc tài làm tay sai cho xâm lược Mĩ. Thế là thế hệ lục tuần chúng tôi đã gặp lại nhau, với đầu óc, trái tim và niềm tự hào của tuổi hai mươi, đoàn kết chống lại cuộc xâm lược mới. Khẩu hiệu chúng tôi hô vang là những lời trong sáng, không một chút vẩn đục hận thù. Đó là biểu hiện của một sức mạnh an nhiên, hầu như vui tươi, không một chút sợ hãi. Và chắc chắn là không sợ những cái dùi cui mà chúng tôi đã thấy ngay trước mặt.
Chúng tôi đã nhận lời chính quyền TP HCM, cụ thể là ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, và ông Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư thường trực Thành ủy, đã có nhã ý mời chúng tôi đối thoại. Với hai vị, chúng tôi đã khẳng định là chúng tôi kiên quyết lên án thái độ hiếu chiến, bành trướng chủ nghĩa của chính quyền Bắc Kinh ở Biển Đông. Chúng tôi cũng nói rõ với các vị không gì và chẳng ai có thể ngăn chặn được sự phẫn nộ xuất phát từ lòng yêu nước của nhân dân, bởi đó là sự phẫn nộ lành mạnh, chính đáng và cần thiết để bảo vệ đất nước. Đó là sự phẫn nộ cứu quốc. Chúng tôi đã yêu cầu Chính phủ và Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện để sự công phẫn được thể hiện trong tinh thần trách nhiệm, hòa bình, kiên quyết, toàn diện trong sự tôn trọng trật tự.
Có những tình huống mà im lặng không giúp ta tránh né được hiểm nguy, ngược lại chỉ làm tăng mối họa vì đối phương lầm tưởng im lặng là bạc nhược. Làm sao có thể trông mong vào sự ủng hộ của công luận thế giới nếu ta cấm đoán chính nhân dân ta lên tiếng? Phản ứng ngoại giao tất nhiên là cần thiết, nhưng không đủ để tranh thủ được sự đoàn kết quốc tế mà Việt Nam rất cần trong lúc này. Làm sao mà những người đã từng dựa vào sức mạnh của nhân dân để giải phóng và thống nhất đất nước, ngày nay lại có thể cản ngăn quyền thông tin và hành động của nhân dân?
Trung Quốc đã quyết đẩy mạnh cuộc tiến công quân sự ở Biển Đông. Điều ấy, cộng đồng quốc tế đã thấy nhãn tiền: vậy chúng ta phải lên tiếng mạnh mẽ! Trung Quốc vi phạm mọi thỏa thuận mà họ đã ký kết: chúng ta hãy lên tiếng mạnh mẽ! Hải quân Trung Quốc sách nhiễu, khủng bố ngư dân Trung Bộ trên những vùng biển mà họ đánh bắt từ đời cha ông: chúng ta hãy lên tiếng mạnh mẽ! Hãy lên tiếng trên đường phố, trong hàng quán, tại các trường phổ thông và đại học. Hãy thông báo về số phận những đồng bào bị sách nhiễu, bắt giam, cướp bóc và phá sản trên Biển Đông, phổ biến thông tin trên khắp nước, cho đến mọi vùng sâu vùng xa. Tóm lại: hãy thông báo trung thực về tình hình cuộc xâm lược ngày càng xấu xa và ráo riết.

Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam! Ta không nên tự bằng lòng với những cuộc họp của mấy chuyên gia Việt Nam để khẳng định điều ấy một cách âm thầm với vài chuyên gia quốc tế. Các hội nghị ấy đều quan trọng, nhưng chúng ta cần khẳng định chủ quyền ấy trong các trường học, trong các chương trình sử địa ở cả nước. Tôi rất sửng sốt và đau buồn khi thấy trên đảo Lý Sơn, nơi xuất phát của những ngư dân vẫn kiên trì đánh cá ở vùng biển Hoàng Sa, hòn đảo đứng đầu sóng ngọn gió trong cuộc tranh đấu để khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, con em của họ không được biết gì về địa lý của những hải đảo, nơi mà cha anh của các em bị hải quân Trung Quốc bắt bớ, giam cầm, nhận chìm tàu thuyền. Biết bao tấm bản đồ hành chính Việt Nam còn thiếu vắng đảo Hữu Nhật và Quang Ánh, những địa danh mang nặng nghĩa tình vì tại đây, tổ tiên của họ trong hải đội Hoàng Sa đã hy sinh!
Tôi rất hiểu vị thế cực kỳ khó khăn và tế nhị của các nhà lãnh đạo Việt Nam mong muốn tránh cho nhân dân mình đã trải qua bao đau thương trong suốt lịch sử dân tộc phải gánh chịu những hy sinh mới. Ai cũng biết Trung Quốc là một cường quốc kinh tế và quân sự có khả năng làm hại và tàn phá to lớn, nhất là đối với những nước lân cận như Việt Nam.
Nhà cầm quyền Trung Quốc đã chứng tỏ họ không ngần ngại làm đổ máu Việt Nam: năm 1974, năm 1979, năm 1988. Ngày nay họ vẫn tiếp tục, họ vin vào bất cứ biểu hiện kháng cự chính đáng nào để hành động khiêu khích, giết chóc, phá hủy và chiếm đóng. Những con người đã làm đổ máu chính nhân dân họ, thanh niên của nước họ năm 1989, những con người ấy không biết băn khoăn, coi trọng mạng sống con người là gì. Nhưng sợ hãi không đẩy lùi được hiểm họa. Ngược lại, khi bị chó sủa mà anh bỏ chạy, thì nó sẽ đuổi theo anh và cắn anh. Cụ Bùi Thượng 73 tuổi, vô địch lặn nước sâu ở Lý Sơn, rất biết điều ấy: “Gặp một con cá mập lớn, thì phải đối mặt với nó, nhìn trừng mắt vào nó. Có như thế thì nó mới không tấn công”.
Có những thời điểm phải biết đối mặt. Đó là vấn đề sống còn. Đối mặt trước hết là nói thật, nói sự thật. Ở Bình Châu và Lý Sơn, tôi đã phỏng vấn những ngư dân ngày ngày phải liều mạng ra khơi. Họ kể rằng họ đã đụng phải những đoàn tàu đánh cá Trung Quốc tới sát đảo 20 hải lý. Những đội đánh cá Trung Quốc tổ chức chặt chẽ, hung hãn, chắc là được sự yểm trợ của hải quân Trung Quốc đóng căn cứ ở Hoàng Sa. Còn ngư dân Việt Nam, tôi không thấy ai nói là cảm thấy được bảo vệ hay yểm trợ! Và khi gặp họa, thì bị bắt, bị giam cầm, bị tịch thu cá mú và thiết bị, và những món nợ to lớn phải trả. Thân cô thế cô, như ông Tiêu Viết Là, người xã Bình Châu, bốn lần bị Trung Quốc bắt giam. Trợ cấp của Nhà nước hoặc không có, hoặc không thấm vào đâu. Phải anh hùng đến mức nào mới tiếp tục đi khơi ra lộng trong tình hình như vậy!
Những người vợ góa của các ngư dân đã bị mất tích một cách bí hiểm ở khu vực Đá Bông Bay, một thứ “tam giác Bermuda” của Quần đảo Hoàng Sa, ngày nay sống đơn độc, hết sức cô độc, vì “quỹ tiết kiệm” duy nhất của họ là người chồng. No đói là nhờ chồng. Có chị thậm chí tiền không có để xây được một cái “Mộ Gió” cho chồng. Mùa mưa, không có tiền sửa lại mái dột trên căn nhà một gian trơ trọi. Tiền đâu cho con cái học thêm, mà việc học của con cái là nguồn hy vọng duy nhất cho những người góa bụa đau thương này.
Món tiền tượng trưng hai triệu đồng mà chính quyền thi thoảng ban phát nơi này nơi kia không thay đổi được số phận của họ. Món tiền hàng tỉ đồng mà các đại gia bỏ ra để xây tượng đài ở Trường Sa không giúp gì cho họ sống qua ngày. Phải lên tiếng, phải nói về họ. Họ phải được hưởng một chương trình hỗ trợ chính thức của Nhà nước, một chương trình ưu tiên và tối thiểu cũng phải cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm và thuốc men. Con cái của họ phải được học và chăm sóc sức khỏe hoàn toàn miễn phí. Các cháu các em phải được coi là nghĩa tử quốc gia. Bảo vệ các em, mẹ của các em là bảo vệ biển đảo, là bảo vệ đất nước một cách cụ thể và hữu hiệu.
Trong bối cảnh ấy, tôi lại càng sửng sốt khi thấy chính quyền tìm cách giảm nhẹ trách nhiệm của Trung Quốc. Hãy nói chuyện “tàu lạ” với ngư dân Trung Bộ, họ sẽ sửa ngay “tàu Trung Quốc”. Họ chẳng “lạ” gì, sự thật rành rành đối với họ. Tại sao phải giấu cả tên bọn hung thủ mà không ai không biết? Tại sao còn bắt cả báo chí phải dùng chữ “lạ” ở đây? Cái gì hại đến khả năng tự vệ là có hại cho đất nước!
Nhiều bạn nói với tôi: Trung Quốc không như Mỹ đâu: họ khôn lắm, nên nguy hiểm hơn nhiều. Không chắc! Đúng là gần kề thì hiểm họa càng lớn và lâu dài, đúng là họ có kế hoạch bành trướng bạo liệt về mọi mặt – kinh tế, quân sự, ngoại giao và tuyên truyền đối nội – nhưng chưa chắc là họ đã cân nhắc đầy đủ những hậu quả của chính sách xâm lược ấy. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thực là “khôn” không? Leo thang quân sự như vậy, họ đang tạo điều kiện xích lại gần nhau giữa những nước ASEAN mà lợi ích ở Biển Đông bị đe dọa. Sau các sự kiện Tây Tạng, Tân Cương, họ đang đánh mất chút uy tín còn lại đối với công luận quốc tế. Họ mở ra một trận tuyến mới, nghĩa là phải ghìm ở đây những lực lượng, nghĩa là chuyển hướng một phần đầu tư cần thiết cho công cuộc phát triển kinh tế vào một cuộc phiêu lưu tốn kém chắc chắn sẽ làm họ sa lầy. Đã qua rồi cái thời mà họ có thể ngang nhiên chiếm đoạt Hoàng Sa, ngang nhiên đánh chìm tàu tiếp vận của Việt Nam tại Bãi Gạc Ma. Trung Quốc đang phát triển mạnh, song chính sự phát triển ấy đang khoét sâu những mâu thuẫn nội tại, khuếch đại những bất bình đẳng xã hội. Nguy cơ xảy ra rối loạn xã hội không thể dùng đàn áp mà đẩy lùi mãi mãi, và những rối loạn ấy sẽ đe dọa sự phát triển kinh tế mà thực chất là tư bản chủ nghĩa. Không cần phải là nhà tiên tri cũng thấy được rằng: khó khăn của Bắc Kinh đang ở trước mặt, chứ không phải ở sau lưng. Đó là điều chắc chắn. Và lúc đó, họ sẽ phải trả lời trước nhân dân Trung Quốc, trước những người mà họ sách nhiễu, đàn áp, trấn lột.
Còn một bài học Lịch sử nữa mà nhà cầm quyền Trung Quốc muốn quên – như thế không “khôn” tí nào – đó là: về lâu dài, không thể làm nên điều gì khi họ đi ngược lại ý chí của các dân tộc, bởi vì sức mạnh thực sự nằm trong nhân dân, chứ không nằm trong họng súng, trong số lượng vũ khí. Ở Lý Sơn, tôi có dịp tham dự một nghi thức rất có ý nghĩa, nói lên ý chí của người dân hải đảo. Khi một ngư dân mất tích vì bão biển hay vì lí do bí ẩn nào đó, gia đình nào có khả năng xây mộ và mời thầy cúng, thì tổ chức một cái lễ rất độc đáo, có lẽ có một không hai, để gọi hồn người đã khuất về nhập vào một hình nhân nặn bằng đất sét được phù phép. Hình nhân được an táng trong một cái mộ gọi là “mộ gió”, để thân nhân có thể tới cúng viếng. Mê tín chăng? Có thế. Nhưng không chỉ có thế. Tôi nghĩ việc này có một ý nghĩa sâu sắc: phong tục mấy trăm năm này nói lên ý chí của những người sống, kiên quyết giành lại từ biển cả, từ kẻ địch cái gì quý nhất, mang về cho gia đình, cho đất nước. Đó là thông điệp rất rõ ràng gửi tới kẻ xâm lược: “Dù các người làm gì đi nữa, chúng tôi vẫn gắn bó với những người đi biển, gắn bó với biển, với văn hiến này, với đất nước này. Những điều ấy, không gì, không ai có thể chiếm đoạt được”.
André Menras Hồ Cương Quyết

Âm nhạc chủ nhật

SIMON & GARFUNKEL tái bản album ăn khách nhất
Sưu tầm
Song ca Paul Simon và Art Garfunkel
Nổi tiếng là một trong những ban song ca ăn khách nhất của làng nhạc quốc tế, Simon và Garfunkel thật ra đã chia tay vào năm 1971, tức cách đây bốn thập niên. Gương vỡ lại lành, nhóm này nhiều lần tái hợp trên sân khấu. Năm 2011 đánh dấu ngày ban song ca cho tái bản tập nhạc cuối cùng và cũng là album để đời của nhóm.
Tập nhạc Bridge Over Troubled Water (tạm dịch Nhịp cầu trên nước đục) được phát hành lần đầu tiên cách đây 40 năm. Nhờ đĩa hát này mà vào năm 1971, ban song ca đoạt 4 giải Grammy, trong đó có ba giải thưởng rất quan trọng là album, ca khúc và hòa âm hay nhất trong năm. Nhân dịp sinh nhật lần thứ 40, ban song ca người Mỹ cho tái bản tập nhạc này dưới dạng hai cuộn CD. Đĩa đầu tiên y hệt như nguyên tác, nhưng các bài hát ở đây đã được thu lại với kỹ thuật ghi âm hiện đại. Đĩa thứ nhì tập hợp 17 bài hát chọn lọc, ghi âm từ các buổi biểu diễn trực tiếp trên sân khấu của nhóm vào năm 1969.
Trong mắt các nhà phê bình, tập nhạc Bridge Over Troubled Water xứng đáng có mặt trên mọi kệ tủ CD. Với hơn 25 triệu bản bán chạy trên thế giới, đây là album thứ 5 và cũng là tập nhạc cuối cùng của Simon và Garfunkel. Theo tạp chí Rolling Stones, tập nhạc này đứng hàng thứ 51 trong số 100 album hay nhất mọi thời đại. Còn theo bình chọn của giới chuyên nghiệp ở Anh, thì tập nhạc này lại được xếp vào hàng thứ 7, chủ yếu cũng vì ban song ca người Mỹ biết dung hòa một cách khéo léo nhạc folk với thể loại pop rock.
Tập nhạc kinh điển trong thể loại pop folk
Simon và Garfunkel chẳng những sinh cùng năm (1941) mà còn là bạn học cùng lớp. Paul Simon sinh trưởng tại New Jersey còn Art Garfunkel thì lớn lên ở khu phố Queens, New York. Họ gặp nhau vào năm 12 tuổi, thời trung học họ cùng cắp sách đến trường Forest Hills, khi lớn lên họ cùng chơi nhạc trong nhóm Tom and Jerry (dựa vào hai nhân vật nổi tiếng của phim hoạt họa chú mèo Tom và chú chuột Jerry).
Sau tú tài, nhóm này chia tay lần đầu tiên vào năm 1958 : Simon theo học khoa văn chương, Garfunkel đeo đuổi ngành kiến trúc. Mãi đến hơn 5 năm sau (1964), ban song ca mới tái hợp để ghi âm đĩa nhạc chuyên nghiệp đầu tiên. Với tựa đề Wednesday moring, 3 A.M (có nghĩa là Thứ tư vào lúc 3 giờ sáng), album này hoàn toàn thất bại khi được cho ra mắt. Một điều rất đáng ngạc nhiên bởi vì tập nhạc này có ít nhất là hai bài hát mà với thời gian đã trở thành kinh điển.
Đầu tiên hết là ca khúc chủ đề The Sounds of Silence (tạm dịch là Tiếng Thầm), mà ban song ca đã ghi âm đến 60 lần trước khi tìm cho được một phiên bản vừa ý. Kế đến là nhạc phẩm The Times they are a changin, nguyên tác của Dylan. Ban song ca đã ghi âm ca khúc này vì là đồng nghiệp của tác giả Bob Dylan : họ làm việc trong cùng một hãng đĩa, có cùng một nhà sản xuất (Tom Wilson). Mãi đến gần hai năm sau (1966) khi bài The Sounds of Silence được thu lại với một lối hòa âm phối khí tân kỳ hơn, thì lúc đó ca khúc này mới phá kỷ lục số bán, nhảy vọt lên hạng đầu thị trường Mỹ thời bấy giờ.
Nghịch dụ trong Tiếng Thầm
Trong nguyên tác, nhạc phẩm The Sounds of Silence có một lối hòa âm rất mộc. Còn phiên bản thứ nhì dùng lối hòa âm của nhóm The Byrds, chọn âm vang tiếng bass của đàn guitare điện để làm khung nền. Nhờ vậy mà The Sounds of Silence càng có thêm ý nghĩa. Trong ca từ, tác giả Paul Simon dùng thủ pháp nghịch dụ kết hợp hai hình tượng đối chọi : một bên là âm thanh tiếng động, còn bên kia là sự tĩnh lặng để nói lên nghịch lý của xã hội tiêu thụ và chủ nghĩa cá nhân. Cuộc sống càng hiện đại, con người càng cô đơn. Trong đám đông, người ta nói mà không hiểu nhau, dù sống bên cạnh, nhưng vẫn không có sự gần gũi.
Chốn đô thị huyên náo ồn ã, con người không thể chia sẻ, vì họ không còn lắng tiếng âm thầm trong điệu nhạc con tim, cung bậc cảm xúc chùn bước tâm hồn. Sự trống trải tẻ nhạt khi ta chỉ có một mình, không đáng sợ bằng nỗi cô độc tột cùng, khi có biết bao người đang ở xung quanh. Lối hoà âm đa tầng, cách phối khí nhiều lớp càng minh họa cho ca từ đối nghịch. Hai giọng ca rất mộc của Simon và Garfunkel thể hiện cho góc tối nội tâm, thì thầm nhắn nhủ như người bạn tri âm trong đêm khuya trăn trở (hello darkness my old friend). Còn tiếng đàn điện minh họa cho cảnh vật bên ngoài, khi con người mù quáng chạy theo lối sống hiện đại (people bowed and prayed to the neon god they made).



Sự thành công của nhạc phẩm "Tiếng Thầm" mở đường cho Simon và Garfunkel chinh phục thị trường quốc tế và ngự trị trên đỉnh cao trong vòng 5 năm liền (1966-1971). Trong 4 album sau đó, ban song ca phát huy sở trường hát nhạc folk, nhưng không phải là thể loại folk đơn thuần chất Mỹ, mà lại là folk theo nghĩa rộng nhất của chữ ‘‘dân gian’’. Tiêu biểu nhất là nhạc phẩm Scarborough Fair (Giàn thiên lý đã xa), một điệu dân ca của người Anh có từ thế kỷ thứ 16, cũng như bài hát El Condor Pasa của hai tác giả Daniel Alomía Robles và Julio de La Paz (tên thật là Julio Baudouin) gợi hứng sáng tác từ dân ca xứ Perou.
Khi chuyển ngữ bài El Condor Pasa, ban song ca Simon & Garfunkel tô đậm chất dân gian khi dùng cách so sánh ví von theo lối tả cảnh cụ thể : cây liền cành, rễ liền đất. Trong bài Scarborough Fair, nhóm này chọn hình tượng của các loại rau mùi như ngò tây, ngải thơm, xạ hương làm điểm nhấn (Parsley, Sage, Rosemary and Thyme). Bài hát vì thế mà càng có thêm hơi hướng của dân ca truyền thống, trong khi tác giả Bob Dylan cũng gợi hứng từ Scarborough Fair để sáng tác bài Girl from the north country, chỉ giữ ý tứ bài ca (người xưa không còn ở chốn cũ), nhưng lại không dùng ca từ đậm chất hương đồng cỏ nội.
Nhịp cầu trong sáng, nước đục thời gian
Đang trên đà thành công, ban song ca Simon & Garfunkel lại đột ngột chia tay vào cuối năm 1971 do tánh tình bất hòa. Simon tiếp tục sáng tác và thử nghiệm với thể loại âm nhạc thế giới, còn Garfunkel thì chuyển qua ngành điện ảnh và sáng tác nhạc phim. Từ đó đến nay, nhóm này tái hợp đến 4 lần, nhưng chủ yếu là trên sân khấu, nhân buổi trình diễn đặc biệt tại công viên Central Park vào năm 1981, hay các vòng lưu diễn Bắc Mỹ vào năm 2004 và 2009. Thật ra nhóm này đang có dự án thực hiện một album mới, nhưng kế hoạch lại bị gián đoạn do vấn đề sức khỏe.
Cho dù kỹ thuật ghi âm thời nay có hiện đại cách mấy, nhưng nhóm này khó thể nào tìm lại được cái phong độ của thuở nào. Sở trường của ban song ca nằm trong lối hát phối bè tinh tế khi hát chung với nhau, chứ không thâu theo phân đoạn, mỗi người ghi âm riêng phần của mình, để rồi trong phần hậu kỳ hòa âm hai giọng hát này lại với nhau.
Phải nghe lại phiên bản của tập nhạc Bridge Over Troubled Water Water, ta mới hiểu vì sao giới phê bình chọn album này làm tiêu chuẩn cho thể loại pop folk. Tiếng hát ngọt ngào của Art Garfunkel hòa quyện với chất giọng trung trầm của Paul Simon để trở thành một thực thể liền khối không thể tách rời. Cách phối bè đầy ngẫu hứng sắc sảo giúp cho giai điệu mềm mại uyển chuyển bắt nhịp cầu trong sáng vượt qua dòng nước đục thời gian.
Tuấn Thảo - Nguyên Thành 5/2011
Nguồn: RFI

Ngày mai tại ĐSQ TQ và LSQ TQ

Theo như tôi biết thì ngày mai 12-6 sẽ có cuộc " tụ họp tự phát " của một số người tại ĐSQ TQ tại Hà nội và LSQ TQ tại TP HCM . Các bác có thể nhấn vào đây để biết thêm chi tiết .

Thứ Năm, 9 tháng 6, 2011

'Tổ quốc nhìn từ biển' qua nhạc Quỳnh Hợp

Nguồn: VnExpress
Đồng cảm với những dòng thơ tình cảm của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, nữ nhạc sĩ 'thổi' vào đó không gian âm nhạc hào hùng, khơi dậy lòng yêu quê hương cho người nghe.

Nhạc sĩ Quỳnh Hợp đọc được nguyên tác bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển cùng bài phỏng vấn tác giả - nhà thơ Nguyễn Việt Chiến trên VnExpress.net. "Bài thơ mang cho người đọc nhiều rung cảm, khẳng định hùng hồn về chủ quyền lãnh thổ và lòng yêu nước của nhân dân ta. Đọc xong, những câu thơ tráng khí cứ văng vẳng trong đầu…", chị chia sẻ.

Sau 2 ngày đọc, nghiền ngẫm bài thơ, Quỳnh Hợp hoàn thành bài hát Tổ quốc nhìn từ biển theo nhịp hành khúc trầm hùng và cương quyết. Bài hát là khúc tráng ca nói lên tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm giữ vững chủ quyền thềm lục địa và vùng biển của Tổ quốc. Tinh thần đó của dân tộc ta đã có từ ngàn đời, qua nhiều thăng trầm và biến cố lịch sử.
Tấm lòng của nữ nhạc sĩ được nhóm hát Artista đồng cảm. Các chàng trai vào phòng thu và thu một mạch bài hát này.