Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Tư, 7 tháng 10, 2009

Đặc tính Trỗi

Chuyện về hắn, bạn tôi, viết dưới cái tên là V.H. (Viết vậy để anh em có đọc cũng không nghĩ mình “nịnh”! Chuyện ghi lại trong chuyến đi Đại Từ hôm rồi).

... Một buổi chiều cách nay cũng đã 20 năm, hắn đưa vợ ra chợ Hôm. Cả cuộc đời lính cũng tậu cho mình được cái Honda-67, màu đen, thân có hình dáng khẩu súng lục. Cũng gọi là có phương tiện để đi lại, xăng không tiêu tốn là bao.

Đang phì phèo điếu thuốc trên môi thì thấy bà cụ áo nâu sồng, chân xỏ đôi dép Thái gan gà đã mòn vẹt, trên tay xách cái ba-lô lính, khóc mếu máo: “Thế này thì làm sao tôi biết đường về nhà, hở Giời!”. Thấy tội nghiệp V.H hỏi thăm thì biết bà cụ mới vào Nam tìm được mộ con trai hy sinh thời chống Mỹ rồi mang hài cốt của anh ra. Vừa xuống tầu, ra cửa ga thấy có cái xe tải, hỏi thăm thì biết xe về Trung Hà. Xin đi nhờ thì bác tài đồng ý nhưng bảo còn phải qua chợ Hôm lấy ít hàng. Trên đường bà cụ rỉ rả kể về chuyến đi của mình. Tới chợ, bác tài quay ngoắt: “Cụ thông cảm tìm xe khác, con còn nhiều việc nên chưa về ngay” mà cụ đâu có biết tài xế đường dài kị chở hài cốt.

Nghe cụ kể mà nhói lòng. Chợt nảy ra ý định, hắn bảo vợ: “Thôi, em chịu khó đi bộ về nhà. Anh đưa bà cụ với ba-lô hài cốt con về trên Trung Hà. Xong việc về ngay”. Là vợ lính Trỗi, rất hiểu những tình huống này, vợ V.H đồng ý liền.

“Sắp tối rồi, con đưa bà về”. “Thật thế hả bác?”, bà cụ không còn tin ở tai mình. Cái ba-lô được buộc gọn phía sau. Xe nổ máy, lên đường. Con đường 32 quá quen với V.H; nhất là hắn từng là kĩ sư xe máy quân sự.

Từ Đan Phượng lên, đã tối trời. Hai bà cháu cứ thế phi xe xuyên màn đêm. Lên đến bến phà Trung Hà còn rẽ theo đê khoảng 2km nữa. Cả nhà mong đợi cả tuần này, thấy bà mẹ được chú bộ đội đưa về tận nhà, ai cũng mừng. Bà cụ giục các con mang tiền ra trả.

- Bà ơi, cháu giúp bà thôi. Cháu coi bà như mẹ cháu. Không tiền nong gì cả!

- Chú ơi, ai lại thế. Đêm hôm khuya khoắt, chả ngại vất vả, chú...

- Thôi, cháu phải xuôi ngay đây.

Biết V.H không lấy tiền, cô con dâu nhớ có nồi khoai lang luộc đã đổ hết ra túi ny-lông treo vào tay lái: “Anh cầm tạm khoai về, cũng là quà của dân quê chân chất chúng em!”. “Được rồi. Anh xin”.

Chào cả nhà rồi V.H lên đường. Ánh đèn pha rẽ màn đêm về HN.

Có 1 chuyện chắc ít người biết, đêm ấy về đến nhà, vừa giở túi khoai ra khoe vợ thì... ôi thôi nát bét hết cả rồi. Túi khoai treo ở tay lái đu đưa đã làm khoai nát nhừ. Dù vậy lòng V.H vẫn cảm thấy thanh thản vì đã làm được 1 việc có ích. Ấy cũng là “đặc tính Trỗi”!

10 nhận xét:

  1. Hay nhất ở cái đận quà quê có nhõn nồi khoai lang luộc. Cảm ơn KQ.

    Trả lờiXóa
  2. Mang lại hạnh phúc cho mọi người chính là niềm vui của mình!Cám ơn vợ anh V.H. mới đúng,chị đã hiểu và thông cảm với việc làm của chồng.

    Trả lờiXóa
  3. Chính xác Hà nội - Trung Hà bao nhiêu cây số các bác nhẩy?

    Trả lờiXóa
  4. Đường xa anh mang bao tình mến,
    Trỗi vẫn là Trỗi, nói ra thì rất nhiều một biểu hiện đúng tính cách chúng mình dù nhỏ nhất mang tính một con người thí càng cảm phục lại càng tự hào vì bạn đã làm một nghĩa chỉ đẹp, đã là đẹp thì mãi mãi vẫn là Trỗi.

    Trả lờiXóa
  5. HN-Sơn Tây 40km, lên kia quãng gần 20km nữa.

    Trả lờiXóa
  6. Bác VH ơi, thế bà cụ mẹ LS tên gì?

    Trả lờiXóa
  7. đọc đến câu " Được rồi.Anh xin" , tự nhiên ứa nước mắt ( mít ướt quá !), cái tình của anh bộ đội lớn quá , không thể không TỰ HÀO LÀ EM CÁC ANH được

    Trả lờiXóa
  8. Tôi nhớ chợ Nhông nơi có bến xe có cột cây số 63km, từ Nhông đến bến phà 2km, đấy là đi theo đường 11a qua Phùng, còn đường 32 mới làm sau này có lẽ gần hơn.
    Bác VH bây giờ mà lên thăm gia đình chắc tha hồ ăn khoai

    Trả lờiXóa
  9. Trong điều không may lớn nhất của cuộc đời là phải tiễn con đi trước, người mẹ này có hai cái may hơn nhiều người mẹ Việt nam khác: 1. Tìm được hài cốt người con ấy mang về quê hương. 2. Gặp được một "con người - người con" khác.

    Trả lờiXóa
  10. Nếu có đk, xin bắt tay bác V.H 1 cái!
    Cảm ơn a.KQ
    dachoak7

    Trả lờiXóa