Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Bảy, 9 tháng 1, 2010

Chuyện về một người bạn 6/1

Lâu nay mình đã thành thói quen, cứ vào mạng là phải vào ngay Út Trỗi. Sáng nay đọc bài thơ Đạt đăng, mình thấy hay quá và hết sức xúc động. Mình lại nhớ tới một người bạn cùng nhập ngũ 6/1/72 và cùng sư đoàn 312 ở Quảng trị trước đây, hiện đang ở trong một hoàn cảnh hết sức bi thương. Đó là Quí, nguyên là chủ nhiệm Công binh Quân khu Thủ đô. Năm 1972, Quí là một chiến sỹ rất đẹp trai, hiền lành và hết sức xông xáo. Cả mình và Quí đều ở tiểu đoàn 17 Công binh. Quí làm liên lạc cho ban chỉ huy tiểu đoàn, còn mình ở tiểu đội trinh sát. nên bọn mình thường hay đi với nhau trong các đợt công tác cùng tiểu đoàn trưởng Cao Xuân Chinh. Anh Chinh hồi đó là một D trưởng rất trẻ, chỉ mới 24 tuổi , xông xáo, đạp rừng băng băng. Đi với anh nên bọn mình cũng được truyền cho cái lửa của một người lính chiến trường, mà trước hết là sự xông xáo. Suốt những năm tháng ở chiến trường và cả quá trình công tác ở các đơn vị Công binh sau này, Quí không hề hấn gì. Vậy mà vào cái khoảnh khắc cuối cùng của đời lính, Quí đã gặp chuyện hết sức bi thương. Quí là chủ nhiệm Công binh của Quân khu Thủ đô ( bây giờ là Bộ tư lệnh Thủ đô-quay lại như trước đây). Tai nạn xẩy ra với Quí hết sức khủng khiếp và lại rơi vào một thời điểm thật đáng tiếc. Hè năm 2008, Quí vừa nhận thông báo nghỉ hưu vào cuối năm, nhưng chưa bàn giao công việc thì đơn vị bước vào đợt diễn tập thực binh. Trên cương vị chủ nhiệm Công binh, Qúi đến kiểm tra một đơn vị đang bố trí bộc phá (thuốc nổ) để phá rào mở cửa vào khu vực phòng ngự của địch (giả định) thì bất ngờ tai nạn xảy ra. Vì một sơ suất kỹ thuật nào của chiến sỹ gói buộc lương nổ nên khi Quí vừa cầm khối bộc phá lên để kiểm tra thì bất ngờ nổ tung trên tay Quí. Hai cánh tay Quí bị cắt đứt và cả hai mắt bị mù. Tình trạng thật thảm thương. Quí đã trở thành một thương binh vĩnh viễn. Đau xót cho bạn mình quá! Lính Công binh là vậy. Thời bình rồi, nhưng những người lính Công binh vẫn phải đối mặt với hiểm nguy trong nhiệm vụ rà phá bom mìn chiến tranh còn để lại. Người ta thường nói: Để có những công trình mới được mọc lên, sẽ có những chiến sỹ Công binh ngã xuống. Bom đạn đã nằm trong lòng đất trên 30 năm rồi, việc khắc phục nó là vô cùng khó khăn, nguy hiểm. Kỹ thuật dù có tinh thông đến mấy cũng có thể có sơ suất xảy ra. Người ta đã tính toán, với số lượng bom đạn còn nằm trong lòng đất, phải mất 300 năm nữa và phải có nhiều chục tỷ đô la mới có thể khắc phục hết được, đó là chưa kể đến những rủi ro của sinh mạng con người.
Mình muốn kể câu chuyện này để chúng mình cùng chia sẻ nỗi đau của bạn bè, những người lính, cho dù có quen biết nhau hay không. Chiến tranh hay thời bình thì người lính vẫn là "Vì nhân dân quên mình!"

5 nhận xét:

  1. Năm 1975.Gỉai phóng Đà nẵng.Có một anh đơn vị tôi cũng bị dính duy nhất một mảnh M79 vào giữa ngực.Vết thương chỉ to bằng hạt ngô ngay động mạch chủ,máu loang chỉ hơn một bàn tay.Anh chỉ kịp kêu lên một tiếng rồi đi luôn.Đêm đó đem đi chôn dưới chân núi Sơn trà,chúng tôi chia nhau tốp cảnh giới,tốp đào huyệt chôn,chỉ sợ tàn binh trên núi bắn xuống không được hưởng giây phút hòa bình.

    Trả lờiXóa
  2. Thời gian trước em có nghe chị THÁI đề xuất lập quĩ tương trợ những bạn bè gặp khó khăn , chờ mãi không thấy chị lập ra phương hướng .Các anh chị có ý kiến gì về vấn đề này không ạ ?Nếu việc quản lý quá khó nên không lập quĩ được thì anh chị nào biết bạn bè mình ai cần giúp đỡ thì nêu lên blog để mọi người cùng chung tay . Ngoài việc chia sẽ nỗi đau tinh thần như anh vygo nói ,mình cùng chia sẻ khó khăn cuộc sống được chút nào cũng quí . Mạo muội vài dòng mong các anh chị thông cảm .

    Trả lờiXóa
  3. @Quế Lâm : Sao lại khách sáo thế ! Chuyện này tụi mình làm được mà . Người ngoài tụi mình còn giúp huống chi người trong nhà ( Trỗi & Quế ) . Cái chân tình mới đáng quý .
    K6LS

    Trả lờiXóa
  4. Theo ý kiến tôi cũng chẳng nên lập quỹ, lại phải có người theo dõi và quản lý. Ở đây mình không phải là một tổ chức nào cả. Nếu có ai đó trong bạn bè chúng ta gặp hoàn cảnh quá khó khăn thì tại trang tin đây sẽ là nơi thông báo để mọi người biết và tùy lòng tham gia. Nên làm như cách vẫn làm.

    Trả lờiXóa