SIMON & GARFUNKEL tái bản album ăn khách nhất
Sưu tầm
Song ca Paul Simon và Art Garfunkel |
Nổi tiếng là một trong những ban song ca ăn khách nhất của làng nhạc quốc tế, Simon và Garfunkel thật ra đã chia tay vào năm 1971, tức cách đây bốn thập niên. Gương vỡ lại lành, nhóm này nhiều lần tái hợp trên sân khấu. Năm 2011 đánh dấu ngày ban song ca cho tái bản tập nhạc cuối cùng và cũng là album để đời của nhóm.
Tập nhạc Bridge Over Troubled Water (tạm dịch Nhịp cầu trên nước đục) được phát hành lần đầu tiên cách đây 40 năm. Nhờ đĩa hát này mà vào năm 1971, ban song ca đoạt 4 giải Grammy, trong đó có ba giải thưởng rất quan trọng là album, ca khúc và hòa âm hay nhất trong năm. Nhân dịp sinh nhật lần thứ 40, ban song ca người Mỹ cho tái bản tập nhạc này dưới dạng hai cuộn CD. Đĩa đầu tiên y hệt như nguyên tác, nhưng các bài hát ở đây đã được thu lại với kỹ thuật ghi âm hiện đại. Đĩa thứ nhì tập hợp 17 bài hát chọn lọc, ghi âm từ các buổi biểu diễn trực tiếp trên sân khấu của nhóm vào năm 1969.
Trong mắt các nhà phê bình, tập nhạc Bridge Over Troubled Water xứng đáng có mặt trên mọi kệ tủ CD. Với hơn 25 triệu bản bán chạy trên thế giới, đây là album thứ 5 và cũng là tập nhạc cuối cùng của Simon và Garfunkel. Theo tạp chí Rolling Stones, tập nhạc này đứng hàng thứ 51 trong số 100 album hay nhất mọi thời đại. Còn theo bình chọn của giới chuyên nghiệp ở Anh, thì tập nhạc này lại được xếp vào hàng thứ 7, chủ yếu cũng vì ban song ca người Mỹ biết dung hòa một cách khéo léo nhạc folk với thể loại pop rock.
Tập nhạc kinh điển trong thể loại pop folk
Simon và Garfunkel chẳng những sinh cùng năm (1941) mà còn là bạn học cùng lớp. Paul Simon sinh trưởng tại New Jersey còn Art Garfunkel thì lớn lên ở khu phố Queens, New York. Họ gặp nhau vào năm 12 tuổi, thời trung học họ cùng cắp sách đến trường Forest Hills, khi lớn lên họ cùng chơi nhạc trong nhóm Tom and Jerry (dựa vào hai nhân vật nổi tiếng của phim hoạt họa chú mèo Tom và chú chuột Jerry).
Sau tú tài, nhóm này chia tay lần đầu tiên vào năm 1958 : Simon theo học khoa văn chương, Garfunkel đeo đuổi ngành kiến trúc. Mãi đến hơn 5 năm sau (1964), ban song ca mới tái hợp để ghi âm đĩa nhạc chuyên nghiệp đầu tiên. Với tựa đề Wednesday moring, 3 A.M (có nghĩa là Thứ tư vào lúc 3 giờ sáng), album này hoàn toàn thất bại khi được cho ra mắt. Một điều rất đáng ngạc nhiên bởi vì tập nhạc này có ít nhất là hai bài hát mà với thời gian đã trở thành kinh điển.
Đầu tiên hết là ca khúc chủ đề The Sounds of Silence (tạm dịch là Tiếng Thầm), mà ban song ca đã ghi âm đến 60 lần trước khi tìm cho được một phiên bản vừa ý. Kế đến là nhạc phẩm The Times they are a changin, nguyên tác của Dylan. Ban song ca đã ghi âm ca khúc này vì là đồng nghiệp của tác giả Bob Dylan : họ làm việc trong cùng một hãng đĩa, có cùng một nhà sản xuất (Tom Wilson). Mãi đến gần hai năm sau (1966) khi bài The Sounds of Silence được thu lại với một lối hòa âm phối khí tân kỳ hơn, thì lúc đó ca khúc này mới phá kỷ lục số bán, nhảy vọt lên hạng đầu thị trường Mỹ thời bấy giờ.
Nghịch dụ trong Tiếng Thầm
Trong nguyên tác, nhạc phẩm The Sounds of Silence có một lối hòa âm rất mộc. Còn phiên bản thứ nhì dùng lối hòa âm của nhóm The Byrds, chọn âm vang tiếng bass của đàn guitare điện để làm khung nền. Nhờ vậy mà The Sounds of Silence càng có thêm ý nghĩa. Trong ca từ, tác giả Paul Simon dùng thủ pháp nghịch dụ kết hợp hai hình tượng đối chọi : một bên là âm thanh tiếng động, còn bên kia là sự tĩnh lặng để nói lên nghịch lý của xã hội tiêu thụ và chủ nghĩa cá nhân. Cuộc sống càng hiện đại, con người càng cô đơn. Trong đám đông, người ta nói mà không hiểu nhau, dù sống bên cạnh, nhưng vẫn không có sự gần gũi.
Chốn đô thị huyên náo ồn ã, con người không thể chia sẻ, vì họ không còn lắng tiếng âm thầm trong điệu nhạc con tim, cung bậc cảm xúc chùn bước tâm hồn. Sự trống trải tẻ nhạt khi ta chỉ có một mình, không đáng sợ bằng nỗi cô độc tột cùng, khi có biết bao người đang ở xung quanh. Lối hoà âm đa tầng, cách phối khí nhiều lớp càng minh họa cho ca từ đối nghịch. Hai giọng ca rất mộc của Simon và Garfunkel thể hiện cho góc tối nội tâm, thì thầm nhắn nhủ như người bạn tri âm trong đêm khuya trăn trở (hello darkness my old friend). Còn tiếng đàn điện minh họa cho cảnh vật bên ngoài, khi con người mù quáng chạy theo lối sống hiện đại (people bowed and prayed to the neon god they made).
Sự thành công của nhạc phẩm "Tiếng Thầm" mở đường cho Simon và Garfunkel chinh phục thị trường quốc tế và ngự trị trên đỉnh cao trong vòng 5 năm liền (1966-1971). Trong 4 album sau đó, ban song ca phát huy sở trường hát nhạc folk, nhưng không phải là thể loại folk đơn thuần chất Mỹ, mà lại là folk theo nghĩa rộng nhất của chữ ‘‘dân gian’’. Tiêu biểu nhất là nhạc phẩm Scarborough Fair (Giàn thiên lý đã xa), một điệu dân ca của người Anh có từ thế kỷ thứ 16, cũng như bài hát El Condor Pasa của hai tác giả Daniel Alomía Robles và Julio de La Paz (tên thật là Julio Baudouin) gợi hứng sáng tác từ dân ca xứ Perou.
Khi chuyển ngữ bài El Condor Pasa, ban song ca Simon & Garfunkel tô đậm chất dân gian khi dùng cách so sánh ví von theo lối tả cảnh cụ thể : cây liền cành, rễ liền đất. Trong bài Scarborough Fair, nhóm này chọn hình tượng của các loại rau mùi như ngò tây, ngải thơm, xạ hương làm điểm nhấn (Parsley, Sage, Rosemary and Thyme). Bài hát vì thế mà càng có thêm hơi hướng của dân ca truyền thống, trong khi tác giả Bob Dylan cũng gợi hứng từ Scarborough Fair để sáng tác bài Girl from the north country, chỉ giữ ý tứ bài ca (người xưa không còn ở chốn cũ), nhưng lại không dùng ca từ đậm chất hương đồng cỏ nội.
Nhịp cầu trong sáng, nước đục thời gian
Đang trên đà thành công, ban song ca Simon & Garfunkel lại đột ngột chia tay vào cuối năm 1971 do tánh tình bất hòa. Simon tiếp tục sáng tác và thử nghiệm với thể loại âm nhạc thế giới, còn Garfunkel thì chuyển qua ngành điện ảnh và sáng tác nhạc phim. Từ đó đến nay, nhóm này tái hợp đến 4 lần, nhưng chủ yếu là trên sân khấu, nhân buổi trình diễn đặc biệt tại công viên Central Park vào năm 1981, hay các vòng lưu diễn Bắc Mỹ vào năm 2004 và 2009. Thật ra nhóm này đang có dự án thực hiện một album mới, nhưng kế hoạch lại bị gián đoạn do vấn đề sức khỏe.
Cho dù kỹ thuật ghi âm thời nay có hiện đại cách mấy, nhưng nhóm này khó thể nào tìm lại được cái phong độ của thuở nào. Sở trường của ban song ca nằm trong lối hát phối bè tinh tế khi hát chung với nhau, chứ không thâu theo phân đoạn, mỗi người ghi âm riêng phần của mình, để rồi trong phần hậu kỳ hòa âm hai giọng hát này lại với nhau.
Phải nghe lại phiên bản của tập nhạc Bridge Over Troubled Water Water, ta mới hiểu vì sao giới phê bình chọn album này làm tiêu chuẩn cho thể loại pop folk. Tiếng hát ngọt ngào của Art Garfunkel hòa quyện với chất giọng trung trầm của Paul Simon để trở thành một thực thể liền khối không thể tách rời. Cách phối bè đầy ngẫu hứng sắc sảo giúp cho giai điệu mềm mại uyển chuyển bắt nhịp cầu trong sáng vượt qua dòng nước đục thời gian.
Tuấn Thảo - Nguyên Thành 5/2011
Nguồn: RFI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét