Những năm đầy khó khăn cuối 70, đầu 80 của thế kỷ trước. Mỗi năm, tôi theo đoàn công tác của HọcViện Quân Y lặn lội vào Đà Lạt khám sức khỏe và lấy các chỉ số sinh hóa-huyết học cho cán bộ nhân viên của Viện Nghiên cứu Hạt nhân. Đó là một lò phản ứng hạt nhân nhỏ chuyên dùng cho nghiên cứu và giảng dạy được tiếp quản từ chế độ cũ. Với tôi, mỗi chuyến đi đều háo hức như được đền bù những hụt hẫng từ ngày ôm tấm bằng đỏ từ LX trở về, nay được trở lại với môi trường khoa học hàn lâm. Một trong những chuyến đi ấy tôi được gặp anh. Không chỉ trong công việc. Có ngày nghỉ Viện tổ chức đi chơi thác Đatangla, đường về xe bị hư hay sao đó anh cùng chúng tôi đi bộ cả chặng đường dài. Ngay lần gặp đầu tiên anh đã cho tôi ấn tượng về một nhà khoa học lớn và một nhân cách mạnh mẽ, đôi khi đến mức xung đột với môi trường quanh anh. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ câu hỏi của anh: “Vì sao nhà nước lại phải quản lý đến cả cái thùng bán kem ngoài đường với dòng chữ MDQD?”. Một câu hỏi tưởng đơn giản, nhưng ngày ấy sau bao nhiêu năm sống trong môi trường của CNXH chúng tôi không dễ mà nhận ra được, huống chi là nói ra thành lời.
Rồi đến 1986 tôi rời Học Viện Quân Y vào đầu quân cho anh. Viện HN ưu ái cho tôi có gia đình ở SG nên dù biên chế ở Đà Lạt, tôi vẫn có thể làm việc ở SG và vài tuần một lần mới phải lên với xứ sở rừng thông. Xã hội lúc này đã khác với hồi tôi mới gặp anh. Theo làn gió đổi mới, nhiều nhà khoa học cũng thấy không thể còn sống được trong tháp ngà của mình mà phải tìm đường ra, nhưng đi theo đường nào thì có nhiều ý khác nhau, tình hình nội bộ Viện không tránh khỏi lủng củng. Anh cũng chẳng thoát khỏi cái sự ấy. Nhưng trong con mắt tôi và nhiều người trẻ khác trong Viện, anh vẫn là một nhân vật cho chúng tôi ngưỡng mộ. Tôi cũng tìm mọi cách để thoát khỏi môi trường tù hãm của một viện nghiên cứu theo cơ chế bao cấp. Thử cả những việc như nhuộm tròng kính mát, pha mầu đá quý, phân kim... chả cần gì phải đi học nước ngoài về mới làm được. Rồi quyết định làm đề tài về mô ghép ngoại khoa. Lãnh đạo Viện phản đối cho rằng không thực tế. Tôi ôm đề tài chạy sang Sở Y tế TPHCM, choáng váng vì ngay sau lần trình bày đầu tiên, chú Tư Trung giám đốc Sở kiêm Hiệu trưởng đầu tiên và là người sáng lập ra ĐHYK Phạm Ngọc Thạch bây giờ, đã hỏi luôn vậy cháu cần bao nhiêu kinh phí để xây dựng một ngân hàng mô ghép! Chia tay anh và Viện từ ngày ấy để đi làm ngân hàng mô, rồi số phận đưa tôi ra nước ngoài. Không gặp lại anh, nhưng vẫn âm thầm theo dõi và biết anh là một trong số ít các nhà khoa học Việt Nam làm việc tại Việt Nam mà có được một số lượng công trình khoa học đáng nể ở tầm quốc tế.
Sáng nay lên mạng gặp lại tấm hình anh vừa chụp với lá cờ Tổ Quốc. Kỷ niệm tuổi trẻ ập về. Vẫn là anh. Tóc bạc hết rồi mà vẫn là một người trẻ tuổi!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét