Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

Nghe chửi

Phúc lồi ST

Có lẽ, các bạn đều đã từng nghe các bà các chị chửi. Đứng bên hàng rào, cạnh cổng hay quán nước đầu làng, không cần đạo cụ, chẳng cậy micro, chửi có bài có bản, có lớp có lang, có lên bổng xuống trầm kèm vũ đạo vung tay, chống nạnh, vỗ bẹn, tốc váy… Độc diễn nhiều giờ liền, chẳng kém opera, hơn xa kinh kịch.

Có bà chửi rằng:

Cao tằng tổ đĩ, cao tằng tổ khảo, cố tổ gia tông cả ông, cả bà, cả cha, cả mẹ, chú bác, anh em, họ nội họ ngoại, xa gần ân ái, họ gái họ trai, dưới âm phủ đội mũ mà đi lên, trên thiên đàng xếp hàng đi xuống, bay hãy vén mái tai, gài mái tóc, đặng chống tai lên cho rõ, chống cửa ngõ cho cao, chặt hàng rào cho thấp để mà nghe tao chửi đây này... Hừm...

Tam canh mụ đội, xóm hội xóm phường, xóm trước xóm sau, xóm trên xóm dưới, lư hương, bát nước, chiếu trải giường thờ, tau bới mả cha bay rung rinh như thuyền mành gặp sóng. Tau chửi cho tan nát tông môn họ hàng cái quân khốn khiếp, cái quân vô hậu kế đợi đã ăn của tau bảy con gà xám, tám con gà vàng. Bay ăn chi mà ác nhơn ác nghiệp. Bay ăn bằng nồi đồng, bay ăn bằng nồi đất, bay ăn khần khật, bay ăn ban đêm, bữa tối. Bay ăn cho chồng bay sợ, cho con bay kinh, bay ăn cho ngả miếu sập đình, cho mồ cha bay chết hết để một mình bay ngồi đó bay ăn. Đồ quân ăn chó cả lông, ăn hồng cả hột. Cái quân không sợ trời đánh thánh đâm, trời đánh thánh vật. Bay ăn mần răng mà hết một chục rưỡi con gà?

Cha cố tổ mười đời cha bay. Bay ăn chi mà ăn ác rứa? Bay tham chi mà tham vô hậu rứa? Cứ sáng sáng mất cái thúng, đứng bóng mất cái niêu, chiều chiều mất lẻ củi, tối tối mất con gà. Một bầy ba con gà xám, tám con gà vàng, rứa mà hắn ăn mất một con, chừ đếm đi đến lại, còn mười một con. Bay ăn chi mà ăn vô hậu rứa? ...

Nghe tau chửi khuyến mại nè:

Hôm qua tau mất con gà mái dầu khoang cổ. Hôm ni tau mất con gà mái nổ khoang bông. Con mô bắt là gái trốn chúa lộn chồng. Thằng mô bắt là đàn ông ba đời đi ở đợ... Tụi bay hãy vén mái tai, gài mái tóc, chống cửa ngõ cho cao, chặt hàng rào cho thấp mà nghe tao chửi... Bay ăn cho chồng bay sợ, cho vợ bay kinh, bay ăn cho ngã miếu sập đình, cho mồ cha bay chết hết, để một mình bay ăn...

Chửi mấy đứa thành phố:

Cống rãnh đòi sánh với đại dương. Kênh mương đòi tương đương với bể nước. Ngõ ngách đòi lạch cạch với mặt đường. Cứt cỡ hạng 3 cứ ngỡ mình là sô cô la hạng 1. Chó cỏ nông thôn mà tưởng mình là béc zê thành phố. Người thì như cái chậu mà nghĩ mình là hoa hậu. Ô môi mà nghĩ mình là hoa khôi. Đừng tưởng mình là ngôi sao nhỏ trog hàng ngàn sao lớn. Đừng tưởng mình là cái đinh rỉ trog 1 tỷ cái đinh han

Bố mày là A, mẹ mày là B, bà cho vào ngoặc bà khai căn cả họ nhà mày… Bà rủa mày ăn miếng rau mày ói ra miếng thịt, mày tắm trong ao mày chết chìm trong chậu…

Bà khai căn cả họ nhà mày, xong rồi bà tích phân n bậc, bà bắt cả hang, cả hốc, ông cụ ông nội, cả tổ tiên nhà mày ra mà đạo hàm n lần.

Ái chà chà…mày tưởng à. Mày tưởng nuốt được con gà nhà bà là mày có thể yên ổn mà chơi trò "cộng trừ âm dương" trên giường với nhau à…..

Bà là trị cho tuyệt đối hết cả họ 9 đời nhà mày, cho chúng mày biết thế nào là vô nghiệm, cho chúng mày không sinh, không đẻ, không duy trì được nòi giống nữa thì thôi…

Bà sẽ nguyền rủa cho chúng mày đời đời chìm đắm trong âm vô cùng, sẽ gặp tai ương đến dương vô cực,

Cho chúng mày chết rục trong địa ngục, cho chúng mày trượt đến maximum của sự vô hạn tối tăm

Tiên sư nhà mày, mày tưởng ngày nào mày cũng rình mò tiệm cận hàng rào nhà bà là bà không biết đấy phải không? Bà là bà giả thiết mày ăn cắp hơn hai chục con gà nhà bà, mày về mày vỗ béo để nhồi đường cong cho con vợ mày, à à, mày vẽ nữa đi, mày tô nữa đi. Mày tô, mày vẽ, mày nhồi cho đến khi đường cong con vợ mày nó nứt toát, nó gẫy khúc ra, chọc xiên chọc xẹo đi, rồi đi lên đi xuống nữa vào, rồi có ngày con vợ mày sẽ hạ vuông góc một mạch thẳng xuống nóc tủ... Thôi con ạ! Ái chà chà… mày tưởng mày dùng cả Topo học mày vẽ thòng lọng mày bắt gà nhà bà mà được à!!!

Một bài chửi kinh điển là Chửi mất gà. Các bạn thử nghe xem.

Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

Tham khảo: Blog có phải là báo chí ?

Blogger ngày càng có ảnh hưởng lớn trong việc truyền bá thông tin, kết nối độc giả. Nhiều trang blog cá nhân thu hút lượng người đọc nhiều hơn cả báo chính thống. Liệu blog có phải là một hình thức mới của báo chí? Câu hỏi này đã trở thành một chủ đề tranh cãi sôi nổi trên các diễn đàn và web-blog, trong đó có sự tham gia của cả các nhà báo. Dưới đây là một số góc nhìn của những người trong cuộc



Blog không phải là báo chí
           Khi việc viết blog bắt đầu trở nên phổ biến thì ý kiến này dường như được nhiều người ủng hộ nhất.
          David S. Broder, nhà báo người Mỹ từng được trao giải thưởng Pulitzer, đã quả quyết: “Bạn không thể trở thành một nhà báo khi mà cả ngày chỉ ngồi bên máy tính để tìm tư liệu viết tin bài. Bạn phải ra ngoài, sục sạo các nguồn tin, phỏng vấn, điều tra…”
          Trong sự chỉ trích của David có nhiều phần đúng cho cả đến ngày nay, bởi lẽ thay vì tự sáng tạo ra câu chuyện của chính mình, hầu hết các blogger đều sao chép hoặc tổng hợp lại thông tin từ báo chính thống dưới góc nhìn cá nhân của họ, kèm các link dẫn để minh họa. Họ không có nhiều nguồn khai thác tin và cũng không có sự bảo trợ của các hãng truyền thông lớn để đi điều tra như các nhà báo, chưa kể đến việc phần lớn trong số họ không được đào tạo về chuyên ngành báo chí và trải qua quá trình dài làm việc trong môi trường này. Trách nhiệm của họ trước những sai sót về thông tin hoặc trước hậu quả lên nhận thức xã hội không lớn như của các nhà báo chính thống.
          Đơn cử như vào năm 2005, Apple đã kiện một blogger 19 tuổi vì đưa thông tin sản phẩm mới của hãng này lên blog cá nhân nhiều tuần trước khi Apple chính thức công bố, gây ảnh hưởng tới kế hoạch ra mắt của họ. Thế nhưng, blogger đó vô sự. Cũng với Apple, vào năm 2010, cộng đồng blog bỗng rộ lên thông tin Tivi Apple sẽ ra mắt vào năm 2012, rất nhiều người đổ xô đăng tải thông tin này lên blog của mình mà không biết rằng một năm trước, trên các tờ báo chính thống không chỉ có tin mà còn có các bài phân tích về sản phẩm đó.
          Tuy vậy, David không nhìn nhận vấn đề này theo chiều hướng tiêu cực, hoặc chí ít là ông không thấy đây là một điều không tốt đối với các nhà báo. “Trung bình mỗi tuần, mục tin tức của Washington Post nhận được 2.000 bức thư phản hồi từ độc giả nhưng chỉ 100 trong số đó được công bố trên trang tin. Điều này khiến 100 người thấy hài lòng, đồng nghĩa rằng sẽ có 1.900 người bất mãn. Họ sẽ làm gì tiếp theo? – Viết blog, đương nhiên là thế!”
          David khẳng định một cách rõ ràng rằng ý kiến cá nhân không phải là báo chí và blog – công cụ cho phép tất cả mọi người lên tiếng – ấy không được coi là báo chí. Ngay cả những trang blog đầy quyền lực và có nhiều nhà báo lớn tham gia như Huffington Post, The Daily Beast, Politico, FiteThirtyEight, Gizmodo, và TheNextWeb… cũng vậy.
          Alex Wilhelm – chủ sở hữu của The Next Web – cũng lên tiếng đồng tình với David, nhưng với lý do hoàn toàn khác. “Báo chí muốn khẳng định họ là phương tiện thông tin đáng tin cậy nhất. Đúng là mọi người cần thông tin đáng tin cậy với những số liệu đầy đủ, nhưng họ cũng cần biết sự việc đó, số liệu ấy có ý nghĩa gì. Đây là lý do blog xuất hiện, chúng tôi cung cấp cho họ những góc nhìn nhiều chiều về sự việc đó”.
          Ngày nay, không chỉ các hãng báo cạnh tranh với nhau mà cuộc chiến giữa các web-blogger để khẳng định danh tiếng cũng rất khốc liệt. Họ phải liên tục cải thiện chất lượng thông tin trên trang của mình. Nhiều người bắt đầu nhấc điện thoại, gửi email, thậm chí là ra ngoài điều tra để đảm bảo tính xác thực của thông tin thay vì chỉ ngồi trước màn hình vi tính.
          “Thông tin thô vào, qua một cỗ máy biên tập, thông tin tinh ra, định kỳ – đó là những gì nhà báo làm. Chúng tôi – những bloggers – cũng có thể làm như vậy. Cỗ máy biên tập của chúng tôi chính là người đọc và những web-blogger khác, họ thậm chí còn khắt khe hơn và có thể là các chuyên gia đến từ mọi lĩnh vực. Nếu một thông tin nào đó bị sai lệch, họ được tự do comment (bình luận) và những comment đó hiện lên tức thì trên trang blog như sự đính chính. Báo chí cũng không tránh khỏi việc mắc lỗi nhưng thử hỏi trong trường hợp ấy, mấy khi báo chí đăng tin đính chính? Blog không phải là báo chí, mà công thức của nó là: Blogging = Báo chí + ý kiến. Tôn chỉ của báo chí là tính khách quan, còn tôn chỉ của blog là cá tính. Hai cái này khó có thể đi cùng nhau. Một tờ báo không thể là báo khi mang tính chủ quan còn blog sẽ không thể lôi kéo được người khác nếu không có quan điểm cá nhân trong đó”.
          Ở đây, cả David và Alex đều đồng ý với nhau rằng: Blog và báo chí là hai thực thể khác nhau.
clip_image002 
Blog và báo chí có mối quan hệ khăng khít
          Không giống như quan điểm trên, nhiều người khác cho rằng blog và báo chí không hề tách rời, trái lại ở thời đại xã hội hóa thông tin, blog và báo chí có tác dụng tương hỗ và ảnh hưởng tới nhau vô cùng lớn.
          Trước hết, nó là sân tập cho những người muốn trở thành nhà báo. Bằng cách viết những thứ mà họ quan tâm lên trang cá nhân, blogger có thể tạo ra một trang tin của riêng mình. Nếu họ có thể cung cấp thông tin giá trị và được nhiều độc giả tin cậy, rất có thể họ sẽ trở thành đối tác cung cấp tin của một hãng tin chính thống. Đơn cử, web-blog FiveThirtyEight.com đề cập ở trên đã được New York Times mua lại.
          Thế nhưng không chỉ là sân sau của báo chí, blog còn gây ảnh hưởng ngược tới các phương tiện truyền thông chính thống. Theo thống kê mới đây của Brodeur và MarketWire, có tới 75% phóng viên thấy blog hữu ích để phát triển ý tưởng, giúp họ nhìn nhận đa chiều và sâu sắc hơn. 21% trong số họ bỏ ra mỗi ngày 1 tiếng để đọc blog. Và 16% trong số họ có trang blog riêng.
          Dù blog chưa cung cấp được cho họ những thông tin hoàn hảo và tin cậy 100%, nhưng không thể phủ nhận rằng trên blog có những bài viết chuyên ngành tuyệt vời – điều mà báo chí đang khao khát. Đây cũng là một nguồn thông tin vừa rẻ và vừa dễ thu thập cho các nhà báo.
          Đối với những sự kiện mang tính cục bộ xảy ra trong thời gian thực như thiên tai, thảm họa, tấn công khủng bố… thì blog thường là nơi đưa tin sớm nhất. Trong nhiều trường hợp, các phương tiện truyền thông chính thống phải lấy lại thông tin từ blog. Hoặc trong các sự kiện có tính tranh luận cao như tranh cử tổng thống…, blog cũng là nơi tập hợp được nhiều ý kiến nhất và tức thì nhất.
          Khi đọc blog, độc giả có thể hình dung ra được bức tranh toàn cảnh sống động về những gì mà mọi người đang suy nghĩ về một vấn đề nhất định. Điều này cũng có nghĩa là họ có thể dự đoán được vấn đề gì sắp xảy ra trong xã hội và có cách phản ứng trước khi nó thực sự diễn ra. Nếu là nhà báo thì sẽ không thể bỏ qua được điều này và khi họ viết lên mặt báo thì vấn đề trên blog sẽ được chính thức hóa và sức lan truyền của nó đối với công chúng sẽ rộng lớn hơn nữa.
          Với những yếu tố trên, blog không chỉ có vai trò to lớn trong việc bổ sung và hỗ trợ thông tin cho báo chí, mà còn gây ảnh hưởng ngược lại tới báo chí trong việc định hướng đề tài cũng như triển khai bài viết.
          Ranh giới giữa Blog và Báo chí là mờ nhạt
          Cuối cùng là nhóm ủng hộ cho chất lượng thông tin thay vì phân định giữa blog hay báo chí.
          John Berman, nhà báo kỳ cựu của hãng tin ABC, cho rằng có những bài “phóng sự” trên blog rất tuyệt vời dù rằng không nhất thiết tất cả các blog đều phải viết những bài như thế. Nếu người ta muốn tìm kiếm một bài viết mang tính chuyên môn thì họ nên tìm đến blog của các chuyên gia thay vì đọc một bài tổng hợp của phóng viên trên báo.
          Bên cạnh công việc theo dõi hoạt động của Nhà Trắng cho hãng tin ABC, Jake Tapper là một blogger. Anh thường xuyên đẩy tin nóng lên blog của mình trước cả TV đồng thời cũng đưa blog những thông tin không bao giờ có trên TV. Muốn biết điều gì đang diễn ra tại Nhà Trắng thì người ta sẽ thật khờ nếu không đọc blog của anh nhưng người ta còn khờ hơn nữa nếu không xem tin tức của anh trên truyền hình.
          Shane Evans, phó tổng biên tập của Goal.com, từng tuyên bố: “Đã qua rồi cái thời bạn cần một cái bằng báo chí để có thể làm việc trong lĩnh vực này. Ngày nay, nếu những bài viết trên blog của bạn thu hút hàng ngàn, hàng triệu lượt truy cập thì rõ ràng bạn là một cây bút có tầm ảnh hưởng lớn.”
          Đối với những người như John, Shane và Jake, vấn đề nằm ở chất lượng thông tin hơn là việc nó được đăng trên phương tiện nào. Và khi chất lượng là yếu tố được đặt lên hàng đầu thì ranh giới giữa báo chí và blog là rất mờ nhạt.
Hồng Đào
- Nguồn Blog Trương Duy Nhất  

- Ảnh: Hts (Nguồn: Tạp chí VTC)

Đó đây: Phở "chậu" Việt nam tại Mỹ

Bát phở “khủng” của nhà hàng Phở Garden có gần 1 kg phở và gần 1 kg thịt, chưa kể rau và nước. Khách sẽ không phải trả tiền nếu ăn xong tô phở trong vòng 60 phút. Tuy nhiên, họ sẽ phải rút ra 22 USD nếu thua cuộc...TIẾP

TẶNG ÚT "CẦN CÂU"


Cổ nhân dạy: thương nhau, giúp nhau thì tặng cái cần câu chứ đừng tặng cá. Cá chén một lần là hết. Còn cần câu thì còn kiếm cá ăn dài dài. Giúp thế mới là giải quyết căn bản...
Út lâu nay toàn sơi "cá", vậy tôi xin biếu ae "chiếc cần câu" để "xóa đói , giảm nghèo". Trông thế chứ thiết bị "mang đậm đà bản sắc dân tộc", lại cho sản phẩm đầu ra tuyệt hảo. Chớ cười!

Thông báo họp mặt 45 năm Học viện KTQS

Mời các bạn Trỗi K6, K7, K8 từng qua Học viện KTQS đọc thông báo này!

Tin buồn

Mẹ anh Nguyễn Chí Dũng, Nguyễn Chí Nhân k3 và bạn Nguyễn Chí Cuờng k8 vừa từ trần tại Tp HCM. 
Tang lễ tổ chức tại 25 Lê Quý Đôn, Q3, TpHCM,
Thời gian: từ 11g ngày 27/9 đến 12g ngày 28/9/2011.
Xin chia buồn cùng 2 anh, bạn Cường cùng gia đình!

“Vô địch gẫy”

Chắc thằng bạn tôi “vô địch gẫy” ở trường Trỗi. Gẫy cái gì? Nó gẫy tay 6 lần, 3 lần mỗi tay. Bây giờ nếu cởi áo ra, cả 2 tay nó đều có hình chữ Z. Khi vật tay nó không bao giờ thua (dù có thể không thắng) vì cùi chỏ và cổ tay nó không nằm trên 1 mặt phẳng! Đó là kết quả của những lần thử các bài tập thể dục hồi ở trường.

Tôi nhớ có lần nó đu lên 2 cái dây xích ở sân Y Trung rồi cố gắng dang ngang 2 tay ra trong tư thế “ke” chân vuông góc và … “bịch” một cái. Nó rớt xuống đất ôm vội cánh tay với bộ mặt nhăn nhó. Còn lần khác là tập bài “chồng cây chuối” trên xà kép trong khi vai nó chưa tới một nửa độ rộng của xà (hồi đó mới lớp 6), vậy là nó chúi đầu xuống đất, “trồng” ngay trên cái đế xà với cái tay gẫy…. Còn nhiều lần nữa mà nó chẳng chút gì tỏ ra là ngán cả. Và tay nó gẫy 6 lần tất cả.

Nhưng vẫn chưa nhằm nhè gì. Hồi về Hưng Hóa, hồi này đi tắm sông, mấy đứa tụi tôi đều ra sức tập “nhẩy chúi đầu”. Lối nhẩy này trông “điệu nghệ” hơn hẳn kiểu nhẩy “truyền thống” như nhẩy dù. Đứa nào nhẩy được đều lấy làm hãnh diện với đồng bọn.

Một lần, thằng bạn tôi ra sông tắm hơi muộn hơn bạn bè một chút. Vừa cởi quần áo ra xong thì mấy đứa “khích bác”: Ê, mày nhẩy chúi đầu được không?

– Quá dễ! – Thằng bạn tôi tức khí - Tao nhẩy cho tụi mày xem này! – Vừa nói, nó vừa xăm xăm lao tới bờ sông, chỗ mấy đứa đang tắm thấy nước cao tới cổ.

- Ấy, ấy! Đừng nhẩy!

– Tụi mày chê tao hả!

– Không, nước ở đây nông lắm.

– Đừng có lừa tao.

Nó lấy đà nhào tới. Cả bọn vội la lên và đứng dậy cho nó biết là nãy giờ tụi nó đang ngồi dưới nước để lừa nó. Nhưng không còn kịp nữa! Thằng bạn tôi đã … “chúi đầu”. Vậy là gẫy lần thứ 7 và lần này ở cổ!

Chắc chẳng còn gì để nói thêm về cái “vô địch” này! Vậy mà nó vẫn cười hề hề và vẫn đi hải quân một cách ngon lành (hồi đó mà thiếu phi công vũ trụ thì chắc nó cũng chẳng “tha”!?).

Chắc chẳng cần nêu tên, các bạn cũng biết nó là ai. Thằng bạn tôi ỡ trong tấm hình: Thắng híp!

(hình chụp năm 1965 và 2006)

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2011

Sống thế này học làm sao được?

Trần Đăng Tuấn (nguyên Phó TGĐ Đài THVN) mới mở blog.
Khai bút bằng một tản mạn sau khi lên thăm một trường nội trú miền núi - trường tiểu học Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên bái. Trong đó có đoạn viết:
Ảnh bài gốc
"...Cậu chủ quán trước cửa trường cho biết: Trường tiểu học có 80 đứa nội trú. Phải có từ 100 đứa nội trú trở lên mới có chế độ hỗ trợ của nhà nước. Khu nội trú này dân nuôi hoàn toàn. Cha mẹ góp gạo mỗi tuần hai kg và 5 ngàn tiền thức ăn. Bọn mình không tin, cứ lục vấn mãi: Sao lại 5 ngàn thì chúng nó ăn uống kiểu gì ?. Cậu ta cứ khăng khăng đúng thế, đúng thế ..."  
Đọc xong tản mạn này mới thấy ngày xưa ở trường Trỗi là thiên đường.

Đám cưới con gái Thanh Châu K8 - B3

Mùa Thu Hà Nội đang đẹp và mát. Các cháu lớn và cưới. Bố mẹ các cháu có dịp gặp mặt. Lại nảy ra những ý tưởng, đề xuất mới (Ngô Vinh + Sùng Hải).
Thay mặt Ban LL K8 thông báo, lấy ý kiến: Tổ chức gặp mặt sớm dịp thành lập trường hàng năm, vào 15-10 sắp tới thứ Bảy. Lý do: Như đã nêu - Mùa Thu HN; Quĩ mới bổ sung; Học tập K4, K3, K7. Địa điểm: Trung Hà - Sơn Tây, tập kết tại cơ sở của bạn Sùng Hải (bến sông Hồng - tx. Sơn Tây). Nội dung: Hàn huyên; Thăm trường cũ; Văn hóa - Thể thao.
Đặc điểm: Một số bạn lên trước từ chiều thứ Sáu, ưu tiên khối xa MN-MT, để chuẩn bị, lều bạt, ...
Phương thức đi: Tập trung tại Hà Nội, chủ yếu đi bằng 10 xe con cá nhân. Cần tổ chức đăng ký để thu xếp, nếu cần thì thuê thêm xe 15 chỗ.
Đại diện BLL: Bùi Thắng, Trí Dũng

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2011

Để chủ nhật khỏi buồn .

Xem được một bài trên mạng nên copy and paste cho ace xem cho đỡ buồn nhé .

Sư ở chùa làng 

Chửi bậy nói tục phát khiếp, vãi linh hồn.
(Mình nói sư, mình không nói mình).
Say rượu, sư ra đường nhựa nằm vật ra như ăn vạ, ô tô phanh két trước mũi sư, thằng tài xế nhảy xuống định gây sự. Chưa kịp chửi sư đã chửi lại, thấy ông đầu trọc, hầm hố, đứng lên cao lừng lững như hộ pháp, mặt đỏ bừng bừng, giá mà mặc đồ “ga” (dép đúc mũ cối quần áo bộ đội) thì hẳn đã là xã hội đen chính cống, nay lại mặc đồ nâu sồng trông hệt Lỗ Trí Thâm vừa chơi xong ba vò rượu, tài xế sợ, lủi lên xe cài số lùi kiếm đường khác.
Thế là sư lừng lững về chùa, chửi từ mép Hồ Tây chửi vào bán đảo, tới tận “hậu cung” của nhà chùa. Bà vãi đang lễ trong ban Vong, chạy ra… chửi lại:
- Chúng tôi lên đây để cúng, không phải để nghe chửi!
- Cúng cái con mẹ mày ấy à? Tao cúng rồi!
Vãi tịt luôn đài phát thanh, vãi chạy mất dép!
Sư ghét ông trụ trì mới được Giáo hội Phật giáo cử về, sư bảo, cái thằng này trước đi buôn gà ở làng bên, sau mới tu, rồi trường này khóa nọ, cầm bằng tốt nghiệp về đây ngồi lên đầu tao. Còn tao đâu có buôn gà, tao từ lính chiến trường mà ra.
Đúng là ông sư mới có quá khứ oai hùng ở chợ trước khi vào chùa. Nhưng người ta cũng chịu tu tập, từ làm thầy tiểu, rồi học hành mà lên. Mỗi tội, về làng được một thời gian, sư mới lây bệnh sư cũ, bắt đầu… chửi tục, hé hé…
Mình đâu dám bén mảng quanh hai đại nhân này. Mình vốn sợ bị chửi lắm.
Hôm nào không say thì sư lên đồn công an gây sự:
- Bọn mày chỉ là bọn cuốc xẻng thôi biết không, bọn mày chỉ là công cụ thôi!
Làm gì có ai chịu nổi lời nói thật, he he, công an bàn với ủy ban tống khứ sư. Nhưng khổ quá, sư đã bị tống qua cả thảy mười một ngôi chùa rồi, giờ đi đâu. Ngôi chùa trước là Chùa Một Cột ở ngay cạnh lăng Bác Hồ, sư phởn chí chửi, tới mức cụ trụ trì chùa Một Cột từ bi hỉ xả thế cũng không chịu nổi, nên trước lúc mất, sư trụ trì chỉ còn một cách là… đưa sư về chùa làng mình.
Duyên lắm, cái này giống như luân chuyển cán bộ của nhà nước ý mà. Người ghét thì bảo là hẳn phải có bảo kê, người yêu thì bảo, thôi thì còn ai hỉ xả như Phật, người như sư, không nương cõi Phật thì về đâu chứa chấp?
Thế mà có người cứ đòi chứa chấp sư, chứa không được, người ấy lên chùa gây sự. Phải tội chứ không vì sư thì người ấy chả bước chân vào đất làng mình.
Cứ rằm mùng một, bà nạ dòng ấy lên chùa réo rắt, bảo sư cứ rủ rê rồi nay… bỏ rơi bà, khổ chưa. Nói chung tình yêu thời nào cũng trái ngang, nói gì thời xã hội chủ nghĩa. Người làng đi chùa về cứ bụm miệng cười.
Sư chẳng sợ công an, chẳng sợ dân làng, càng chẳng sợ đàn bà, rượu thịt sư càng chẳng sợ, chỉ có rượu thịt chó sợ sư thì có. Dân làng mình cũng hiền, chẳng ai rầy rà gì sư, cho dù ai cũng biết, sống cả đời cũng chỉ gặp người như sư có một lần. Tu gì mà không né thứ gì ở trần gian, mà thứ chi cũng đâm bổ vào!
Thế mà sư chỉ nể chồng mình với đám trai làng tuổi bằng nửa sư thôi, hi hi. Cái này có khi là biệt lệ.
Lũ trai làng hay lang thang câu gần chùa. Gọi là chùa làng, nằm trên đất làng, chứ giờ lại nằm ở một khoảnh bán đảo cách làng một đoạn Hồ Tây. Là vì sóng hồ đánh vỡ con đường đất ngày xưa nối làng với bán đảo, nhiều người tưởng chùa này là chùa quốc doanh, đâu nghĩ nó của làng.
Gần chùa gọi Bụt bằng anh, ông xã mình và đám giai làng ham chơi thỉnh thoảng hay chui vào chùa ỉ ôi đòi hỏi nọ kia. Sư chiều hết!
Đòi uống rượu của sư, sư chửi nhưng vẫn mang cho, cả bọn hả dạ ngả ngay ra sân chùa. Lấy thuốc lá của sư ra hút hết. Xong lại lân la:
- Chứ sư có cái gì nhắm không? – Hỏi mà mắt chòng chọc nhìn vào mấy con gà quanh quẩn trong sân chùa.
Sư hất hàm, cho đấy!
Lũ giai làng hể hả thanh toán ngay mấy con gà, luộc xong hỏi sư:
- Thế thầy có ăn không?
Sư bảo:
- Để cái đầu gà cho tao!
Ông xã mình kháy:
- Tưởng thầy phải ăn chay?
Sư ngần ngừ một tí rồi bảo:
- Phật mới đẻ có bú tí mẹ không? Đó là ăn chay hay ăn mặn?
Cả lũ rú lên, cười rùng rùng như một rừng khỉ đột.
Sư bảo tiếp:
- Huống hồ tao là người trần!
Xong sư lại bảo:
- Ăn chay không thôi mà thành Phật, các bà làng mày thành Phật cả lũ từ lâu rồi. Đời đục chỉ mình mình trong thì cũng không được.
Chả biết sư còn tâm tình cái gì nữa ấy với lũ đàn ông, gật gù đến hết cả mấy con gà. Mình chịu, mình đồ rằng nói chung giai làng chỉ coi sư như kênh VTV3, bật lên để giải trí, còn sư cũng chỉ coi giai làng như khán giả VTV1, xem thời sự đó mà có hiểu thế sự gì đâu.
Các bà trong làng đi chùa, đưa ít gạo ít tiền cho sư, sư chửi. Các bà đồ rằng sư tham, chê ít, về nhà mình, họp “hội kín” vừa chửi sư suốt hai tiếng vừa bảo, thời này chỉ tiền thôi, ít thì cả sư cũng chả mặn mà.
Hôm đưa ông nội lên chùa, ông xã mình móc túi lấy tờ hai mười nghìn đồng đưa cho sư, bảo:
- Thầy cầm lấy mà mua bao thuốc!
Sư cười cười:
- Sao mày cho tao nhiều thế!
Ông xã mình hì hì:
- Nhiều đâu mà nhiều?
- Cho tao xin!
Xong rồi sư bảo:
- Khi nào rảnh cho trẻ con lên chơi!
Chồng về bảo mình, có muốn nghe sư chửi không, hôm nào anh dắt lên chùa nghe tua băng!
Mình bèn bảo:
- Hay ho gì mà trêu họ. Họ như thế là số bị vạ miệng, khổ cả kiếp này rồi. Ai chả muốn thành trai thanh gái lịch, giàu sang được yêu quý. Có ai muốn ngày càng giống Chí Phèo? Xã hội xô đẩy thì mới có chuyện người thỏa nguyện người chỉ mượn rượu chửi đời.
Mình hỏi sư tên khai sinh là gì. Chồng nói một cái tên không đụng hàng (google không hề có kết quả gì cả, mình thử rồi, hi hi!).
Mình lẩm bẩm:
- Tên này chữ Hán càng viết càng cô độc, càng viết càng ít nét, chữ càng đứng sau càng xấu, tên gì mà chữ đầu tươi sáng chữ cuối tăm tối nghèo khó đơn độc. Hơi duy tâm chứ người thế này chắc hậu vận chả vui vẻ gì.
Những ngày mưa, mình thường nghĩ hẳn có khi sân chùa nước dâng.

Âm nhạc cuối tuần: dàn nhạc Raymond Lefevre

Paul Mauriat, là người đưa tôi đến với thể loại nhạc cổ điển được hòa âm phối khí theo cách hiện nay mà vẫn được gọi là bán cổ điển qua bộ ba đĩa "Classic In the Air" 1, 2 và 3. Ngay taị nước Pháp ngoài Paul Mauriat theo khuynh hướng này còn một số nhạc sĩ nữa trong đó có Raymond Lefevre. Chính họ là những người đã có công đưa nhạc cổ điển gần gũi với đại chúng hơn. 
Thử nghe một số bản cổ điển được Raymond Lefevre viết chuyển soạn cho dàn nhạc bán cổ điển của chính ông trình bày.

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

Bánh tẻ Sơn Tây

Ảnh từ bài gốc
Mỗi lần có sự kiện liên hoan, gặp gỡ giao lưu của khóa 8, các khóa tại Hà nội hoặc Sơn tây hay tại đâu đó, nếu có Sùng Hải tham gia bao giờ cũng có vài thùng quà đặc sản bánh tẻ Sơn tây do Sùng Hải mang tặng. Ăn cái những cái bánh tẻ Sơn tây đó vừa cảm thấy vị ngon của bánh lại thấy được cái tình của Sùng Hải đối với bạn bè, nhưng nhiều người có lẽ cũng chưa biết rõ nơi làm và cách làm ra cái bánh tẻ đó như thế nào? Có lẽ TẠI ĐÂY là một trong những nơi làm ra những chiếc bánh tẻ tình nghĩa mà Sùng Hải vẫn thường làm quà cho anh em Trỗi.

Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

Nào đã hết lo!

Đọc tin này vừa thương vừa lo. 
Hôm nọ thằng "bê ảnh" của tôi đi nhà trẻ về nét mặt không vui nhưng cái miệng lại bô lô ba la: "Ông ơi! bạn Bảo Ngọc chết ông ạ!". Chẳng là trong lớp của cu cậu có một bé gái (hơn 3 tuổi chút) cùng học từ năm ngoái, hay chơi với cu cậu  vừa bị bệnh và tử vong. Nghe cháu nói vậy, tôi hỏi lại: Thật không? sao con biết? - nó trả lời: Cô giáo con bảo vậy! 
Sáng sau, 3 bà cháu chở nhau tới trường mầm non, vừa đi đã thấy về, hỏi mới biết trong lớp của cu cậu, bé gái cùng lớp tử vong nghi do bị bệnh "tay chân miệng". 
Đọc tin trên, thương phận bé gái sớm phải rời cõi đời, lại lo cho thằng "bê ảnh" liệu có dính "chưởng" không? Mấy hôm rày 2 đứa cháu phải nghỉ học để trường làm vệ sinh khử trùng môi trường.

Bánh bao.

Phúc lồi kể-Hà mèo ghi
Phúc lồi 1972
Hồi ở Y Trung, hàng sáng, mỗi tiểu đội lại cử người xuống bếp lãnh bánh bao về cho tiểu đội mình. Mỗi đứa được một cái. Bữa nào hên thì được bánh bánh bao nhân thịt, không thì nhân củ cải và có bữa còn là nhân đường đen, cắn vô một cái chẩy tèm lem. Đúng như câu hát theo nhạc bài “oan xây mao chủ sỉ. ”: Thụy cồ le gái đã bao lần đánh nhau ở vườn hoa Quế Lâm - Trông xa cứ tưởng bánh bao nhân thịt lại gần hóa ra bánh bao nhân đường.
Mà thật, hồi đó, một cái bánh bao chẳng nhằm nhò gì. Loáng cái là … cứ như chưa ăn gì. Bởi vậy, lâu lâu lại phải đi “kiếm” thêm. Có một lần, sau khi mọi người đã lên giường, tụi tôi lần mò xuống bếp để “tính chuyện”. Đã khuya, ở nhà bếp không còn ai. Tụi tôi ba, bốn đứa (giờ không nhớ là những ai) leo cửa vào. Trung còi được giao nhiệm ở lại canh gác trên sân khấu và giữ giầy dép. Mới lần mò đến gần lò hấp bánh, bỗng nghe tiếng người nói bên ngoài, nhìn ra loáng thoáng thấy bóng cái mũ mềm. Chết mẹ rồi, chắc là mấy ông bảo vệ đi tuần. Vậy là cả bọn hoảng hồn nhẩy cửa sổ ra phía sau, chạy thoát thân, bỏ mặc Trung còi với đống giày dép.
thầy Hòa 1965
Ra khỏi khu vực nhà bếp, cả bọn thong thả men theo bờ mương cạnh khu nhà ở của khóa 7. Mới hoàn hồn, bỗng thấy thầy Hòa dạy văn nhìn ra phía chúng tôi la lớn : “ Ai đó ? Dừng lại ! “ . Rồi thầy Hòa bốc điện thoại gọi cho ai đó. Hoảng quá, cả bọn ù té chạy. Đang chạy, tôi thấy thằng trước tôi bỗng bay lên rồi ngã sóng xoài. Không biết chuyện gì tôi vẫn lao theo và cũng bỗng bay lên ngã đè lên nó. Rồi thằng phía sau lại đè lên tôi…. Thật là những cú bay ngoạn mục! Nhưng lúc bấy giờ chẳng còn thời gian đâu mà nghĩ tại sao? Cả đám lồm cồm vừa bò, vừa chạy dọc theo con mương về tới nhà. Đứa nào cũng vội chui vào chăn với nguyên chân tay bê bết đất cát nằm im “ngủ” như chết.
Không biết thầy Hòa báo động thế nào, mà thầy Trường đi vào kiểm tra, sờ sờ chân từng thằng… Khi thầy tiến tới gần giường, tôi run bắn lên và bỗng nghĩ ra một mẹo nhỏ. Tôi chồm dậy la toáng lên: Ăn cắp! Ăn cắp tụi mày ơi! Thầy Trường giật mình lùi lại vội nói: Thầy, thầy đây mà! Cả trung đội nhốn nháo, nhảy khỏi giường, la hét lộn xộn. Vậy là thoát!
Trung còi 1965
Trong lúc lộn xộn, tôi có thấy Trung còi. Nhưng tình thế không cho phép tôi lại gần để hỏi han. Báo yên rồi, nhưng thằng nào cũng phải về giường mình nằm yên cho đến sáng. Sáng ra, Trung còi ôm một đống giầy dép tới trả lại cho bọn tôi và nói: Tụi mày đi đâu làm tao đợi mãi ? Lúc ngồi ở ngoài, tao gặp bọn Trí cận, Võ Dũng (khóa 5) đi vào. Thấy tao, tụi nó hỏi: Mày làm gì ở đây? – Em … đi uống nước. Còn mấy anh? - Ờ, tụi tao … cũng đi uống nước! – Có đứa nào đội mũ mềm không? – Trí cận. Vậy là đã rõ. Sau đó tụi tôi ra lại “hiện trường” để tìm lời giải đáp tại sao mình lại bay lên và ngã xuống ? Thì ra dọc bờ mương có trồng hàng liễu nhỏ rủ xuống trông rất nên thơ. Chính những cây liễu đó đưa chúng tôi lên độ cao mới và rồi buông ra để chúng tôi tự cạp đất, chồng chất lên nhau. Và “bài thơ” đó đã làm tụi tôi một phen suýt chết!
Thật đúng là nhớ bánh bao … không ăn được!

Thứ Ba, 20 tháng 9, 2011

Bàn điều hành giá xăng dầu:

Hai bộ nặng lời, lộ ra nhiều chuyện

TT - Cuộc tranh luận với nhiều lời lẽ hiếm khi thấy đã hé lộ nhiều thông tin mà hàng triệu người dân chưa được biết, như lời một chuyên gia: “Xăng dầu VN tù mù cả trong giải trình”.
"Ông Huệ khẳng định sẽ chịutrách nhiệm cá nhân về việc quyết định cho giảm giáxăng 500 đồng/lít …"
Ông Huệ đanh thép: “Nếu cầncông bố gian lận tôi sẽ công bố các gian lận” ….
"Hơn mười năm làm ở Kiểm toán Nhà nước, tôi đã biết rất rõ các doanh nghiệp xăng dầu. Vì vậy quan điểm điều hành của Bộ Tài chính sẽ không thể vì 11 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối mà phải vì hơn 80 triệu dân"
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ

Xem ra vị tân Bộ trưởng BTC cũng cương quyết đấy chứ! ĐỌC TIẾP
Nên công bố các gian lận trong ngành xăng dầu

Giải đáp vụ "lọ mọ"

Dưới đây là thuộc tính của 2 bức ảnh trong bài báo. Qua đấy thấy 2 bức ảnh này  đều được chụp vào ngày 28/2/2005. Trong bức ảnh 1 đã được dùng Photoshop sửa ngày tháng thành 9/10/2009, trong khi đó sự việc được nêu trên báo Dân trí lại xảy ra vào ngày 8/10/2009. Như vậy 2 bức ảnh này được chụp trước hơn 4 năm khi xảy ra sự việc như tờ Dân trí đã đưa. Điều đó chứng tỏ bài báo này không có cơ sở để tin cậy.



Thứ Hai, 19 tháng 9, 2011

Lọ mọ một chút

Các bác thử tìm ra sự mâu thuẫn của bài báo này được đăng trên trang Dân trí ngày 9/10/2009 với 2 bức ảnh kèm theo nội dung của bài. "Lọ mọ" này cũng "thú vị".

Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2011

Hình ảnh giữa Hà nội

Ảnh: JB. NHV

Tin vui.

Nguyễn Thanh Châu (tiu) K8 thông báo:
Trân trọng kính mời các bạn K8 đến dự lễ thành hôn của con gái tôi.
Thời gian: 11h30 ngày Chủ nhật 25-9-2011
Địa điểm: Thiên sơn Plaza 89 đường Lê Đức Thọ, Hà nội.
Xin cảm ơn!
Nguyễn Thanh Châu

Xài đồ người.

Phúc lồi

Tôi dám cá rằng, trong các trường nội trú tỷ lệ học sinh nam có xu hướng sử dụng đồ ăn thức uống của người khác mà không có ý định tham khảo ý kiến của chủ nhân là rất cao, mặc dù việc này không hề dễ dàng và đôi lúc còn nguy hiểm. Chả thế, mỗi lần gặp mặt lại có một cha căng chú kiết nào đó ngồi thống kê các chiến tích của mình thời thơ ấu.

NGƯỜI RÔ BỐT

Chuyện người Rô bốt Việt Nam từ Đông Âu về (do nhét đầy phụ tùng xe đạp trong người) là chuyện sau này (những năm1980). Chứ thật ra từ hồi Kháng chiến chống Mỹ, chuyện đã từng xảy ra với anh em mình. Chẳng có gì mới lạ. Chuyện thế này:

Hồi mới tiếp nhận số học sinh Việt nam qua lánh nạn bom đạn giặc Mỹ, nhân dân Quế Lâm chưa có đủ thời gian để nhận biết nguy cơ và sức phá hoại mùa màng, đặc biệt là các loại cây ăn quả, của đám học sinh trường Trỗi. Gặp nhau lúc nào cũng tay bắt mặt mừng. Lúc nào cũng đủ thứ “ hảo hảo”.

Có một nhóm học sinh chúng ta đã dở khóc dở cười vì sự thể hiện tình hữu nghị Việt – Trung ấy. Sau khi “tìm thấy” những đoạn mía vừa ý, chúng luồn vào người, trong áo bông. Lấy nhiều quá, nên có đứa đã luồn mía vào trong tay áo bông và dùng bàn tay để giữ lại. Người thằng nào cũng cứng đơ như Rô bốt.

Khốn nạn. Mấy bạn Trung Tàu thấy Việt nam mừng quá chạy lại ôm hôn, bắt tay ríu rít. Để khỏi bị lộ và bảo vệ được số tài sản không phải của mình, mấy anh bạn của chúng ta dứt khoát tạo một khoảng cách vừa đủ để đối phương không thể ôm hôm. Khi đưa tay ra bắt, cánh tay của chúng không gấp khúc, luôn luôn song song với mặt đất. Không tạo ra góc nhọn hay góc tù với mặt đất. Nếu là góc nhọn, thì mía sẽ thò ra. Nếu là góc tù, thì bọn Trung Tàu nhìn thấy.

Thoát hiểm trong gang tấc. Thế mới thấy, kiến thức hình học được áp dụng hoàn hảo trong thực tế là vậy. Chắc các thầy Toán cũng mừng cho bọn em?!

ĐI NGANG

Các ruộng dưa vàng (sau này ở Việt Nam còn gọi là dưa Lê ) được phân bổ xung quanh trường Y-Trung, ở một khoảng cách vừa đủ cho những thằng ngại đi xa và tránh được sự dòm ngó của đồng đội.

Một lần tôi và Nhân C. (Hình năm 2010) rủ nhau đi “thu hoạch dưa ” giúp dân. Do có học tiếng Trung, nên tôi đã tự nguyện vào lều canh dưa dùng vốn tiếng Trung ít ỏi của mình để đàm đạo với người canh dưa về tình hữu nghị giữa hai nước và những gì có thể nói được với mục đích đánh lạc hướng cho bạn mình vào hái dưa.

Hôm đó hai thằng mặc quần đùi và áo Kim Đông Xuân màu xanh dương được nhà trường phát. Áo bỏ vào trong quần. Dưa thu hoạch sẽ được đưa vào bụng thông qua đường cổ áo.

Chuyện trò được một lúc, tôi bỗng thấy anh chàng canh dưa trố mắt, há miệng chỉ tay ra vườn dưa. Nhìn theo hướng chỉ tay, tôi thấy Nhân C. đang đi ngang ngang như cua, quay lưng về phía chúng tôi. Nhân C.. đang che dấu bụng dưa mới lấy được. Còn anh bạn Trung Tàu lại đang thắc mắc vì sao lại có một dân tộc trên thế giới có tập quán đi ngang như vậy. Bỗng nhiên, Nhân C.. dẫm phải gai, nó nhón người lên, buông tay, bụng thóp lại theo phản xạ … thế là bao nhiêu dưa vừa lấy được đổ ào ào xuống đất.

Hoảng quá, tôi chẳng kịp “Chai chen” hay “ Tuây pu shi ” gì cả, cắm đầu bỏ chạy luôn.

Tương truyền rằng, có lần Nhân đi “trẩy” đào bị bắt. Anh chàng Trung Tàu tóm chặt cổ tay nó, dẫn về trường. Đang đi, bỗng Nhân C. đứng sững lại, mặt ngẩng lên trời, mắt nhìn trân trân như thấy cái gì đó lạ lắm, nếu không phải là quái vật thì cũng là đĩa bay. Anh chàng kia ngẩng đầu nhìn theo, lập tức bị Nhân C. cắn vào cổ tay một cái thật mạnh. Đau quá, anh kia buông tay và Nhân C. ta chỉ chờ có thế.

Nhiều bạn kể chuyện đi kiếm ăn, nhưng tôi chưa thấy ai kể là mình bị bắt. Thế mới biết chúng ta giỏi thật.

Có phải chú Tân?

Gặp chú Tân chiếu phim.



Đã hẹn trước với BVS. Nên sáng sớm chúng tôi 3 người sau khi ăn sáng thẳng hướng cầu Thăng long lên đường. Trời HN lúc tôi ra đến giờ lúc nào cũng u ám mưa lất phất. Hôm trước nghe nói nóng nực lắm.
Gần tới sân bay Nội bài thì rẽ trái đi Vĩnh yên. Gần tới thị xã Vĩnh yên lại rẽ trái đi đường tránh thị xã đi hướng Vĩnh tường. May mắn Vĩnh tường là nơi sơ tán đợt 2 xưa của BVS nên dù bây giờ thay đổi nhiều nhưng bạn vẫn nhớ. Qua 1 cái chợ quê, rồi 1 cây xăng là đến xã Đại đồng. Rẽ trái đi thêm một đoạn là chuyển sang đường đất. Dừng xe ngay đó hỏi người bên đường nhà bác Tân thì họ lắc đầu, nhưng khi hỏi bác Tân CCB thì họ: "à biết bác Tân Phương", Phương là tên con gái. Rồi tận tình chạy xe máy đưa đến tận ngõ. Ngõ vào nhà bác Tân vẫn giữ được bản sắc quê xưa lát gạch, lối đi vào ngõ còn rộng rãi, sạch đẹp hơn lối vào làng. Nhà bác dễ nhận ra nhờ có một cây khế vươn ra, đúng như lời chú thanh niên dẫn đường chỉ.
Từ ngoài cổng thấy trong sân có mấy chú thợ đang lúi húi xắp xếp vật liệu xây dựng. Hỏi có phải nhà bác Tân CCB? Mấy chú thợ gọi với vào nhà thì thấy một bác già mặc đồ bộ đội chạy ra thấy chẳng giống chú Tân tí nào, chú Tân hồi xưa trong kí ức tụi tôi trắng trẻo thư sinh ra dáng người phụ trách thư viện,chiếu phim kiêm thuyết minh cho toàn trường. Sợ nhầm nên chúng tôi hỏi: "Trước bác có công tác ở trường VHQĐ không?". Trả lời có. Khi chúng tôi giới thiệu là học sinh trường NVT, bác vội xuống thềm dắt chúng tôi vào nhà, từ đấy về sau bác cười suốt, nụ cười sảng khoái vui vẻ, mãn nguyện.

Cùng nhau ôn lại chuyện cũ. Tôi có may mắn được anh Tân nhớ cả tên lẫn họ vì có lần bên trường mới lên thư viện mượn sách, vì không có thẻ nên chúng tôi phải xếp hàng nghe chú Tân nói tên sách, tên nào chưa nghe thì mới mượn về đọc? Theo tôi nhớ hồi đó chưa có làm thẻ sách để tự chọn như các thư viện khác, ai có thẻ thư viện thì vào chọn sách tại các ngăn? Đến lượt tôi,chú đọc bao nhiêu cái tựa sách tôi đều đã đọc hết.Chú hỏi tên,lớp rồi nói tôi tối lên gặp. Sau đó chú đặc cách cho tôi được vào chọn sách trong thư viện. Sau này đi bộ đội khi lên học văn hóa trên Lạng sơn tôi vẫn thường lên chú chơi.
Anh Tân năm nay mới ngoài 68 tuổi nên gọi anh cũng chẳng có gì là quá, nhưng do quen miệng nên cứ gọi là chú. Có lẽ về quê đã lâu nên anh cứ một tí lại "báo cáo các anh...". Hỏi tại sao hồi đó bác cứ chiếu phim đến đoạn "cao trào" kể cả đánh võ, đấu kiếm là bác lại bịt ống kính lại? Anh Tân cười nói: "Bác Quỳnh chỉ thị". Hỏi: "tại sao sau này chiếu cho bộ đội bác cũng làm thế?" Cười ngượng ngịu: "Thì mình làm tuyên huấn???".
Sau khi nói rõ mục đích chuyến đi, tôi tặng anh Tân huy hiệu trường và dĩa DVD về trường do Hà mèo làm. Hẹn nhau ngày hội trường, chúng tôi chia tay. Anh Tân đưa ra tận ngõ đầy lưu luyến. Hơn 40 năm rồi đó.

Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2011

K7 HN đi Trung hà - Hưng hóa

Chủ nhật tuần trước (11/9/2011), K7HN tổ chức lên thăm lại Trung hà và Hưng hóa, nơi đã từng đóng quân và học tập những năm 1969 & 1970. Ảnh do Tống Ngọc Tráng gửi.

Dưới cột cờ tại Hưng hóa

Tại Trung hà


Tại Trung hà

Không quên qua thăm cơ sở của SH

Người Hà Nội luyện yoga cười

SGTT.VN - Tập cười để tăng nguồn sức mạnh nội tại, quên đi những áp lực khi phải tha phương nước ngoài, đó là ý tưởng của một bác sĩ Ấn Độ tên Madan Kataria, khi tính đến một liệu pháp giúp các gia đình đa văn hoá hoà nhập lối sống lạ ở xứ người.

Từ năm 1995, yoga cười lan toả toàn cầu ra 50 quốc gia Âu, Mỹ, Á với gần 5.000 câu lạc bộ. “Ở nước ngoài người dân cười khá nhiều, nhất là trong các ngành dịch vụ. Nhưng người Việt Nam thì ít khi cười, có thể thấy từ các công việc ngoài xã hội hay về đến nhà, nụ cười chỉ xuất hiện do có tác động bên ngoài hoặc chỉ kéo dài trong thời gian ngắn”. Từ suy nghĩ đó, một doanh nghiệp chuyên tư vấn tâm lý sức khoẻ và đào tạo kỹ năng sống tại Hà Nội đã nghiên cứu tìm hiểu và quyết định đem yoga cười đến với Việt Nam.
Phóng sự ảnh này ghi nhận lại những nụ cười hô hô, ha ha ha đầy “sảng khoái, sung sướng, hạnh phúc…” trên khuôn mặt thuộc nhiều lứa tuổi, nhiều tầng lớp khác nhau tham gia luyện tập. Và cũng như thời kỳ khởi đầu của một số phong trào, yoga cười đang được truyền dạy miễn phí ở các công viên trên địa bàn Hà Nội...Xem GÓC ẢNH.

Nước Mỹ “quên” khóa cửa và thấy khóa bị phá ở Nội Bài

"...Lần đầu tiên đến Mỹ cách đây 19 năm, tôi thực sự ngạc nhiên vì những ngôi nhà ở Mỹ không đóng khóa cửa. Trong mỗi ngôi nhà của họ có biết bao thứ đắt tiền. Nhưng không mấy ai lọt vào nhà người khác để lấy cắp. Có nhiều lý do. Nhưng lý do cơ bản nhất là ý thức làm người của họ cùng với sự trợ giúp cho ý thức sống ấy là luật pháp và cách quản lý xã hội. Còn ở đất nước chúng ta, nhiều ngôi nhà khóa ba tầng bảy lớp vần bị phá tan tành.
Khóa cửa nếu xét về mặt cơ học thì chỉ là hành động diễn ra trong mấy phút.  Nhưng để đi đến việc không cần khóa cửa thì có lẽ người Việt Nam có ý thức về việc đó cũng phải mất 100 năm nữa mới có thể làm được. Khi tôi nói vậy, nhiều người thấy mệt mỏi rã rời vì nghĩ đến chặng đường dài đến tận...100 năm. Nhưng cho dù có phải đi đến 1000 năm thì chúng ta cũng phải đi chứ không còn cách nào khác"....Đọc toàn bài
Tác giả: Nguyễn Quang Thiều

Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2011

Thứ Năm, 15 tháng 9, 2011

Nhân xem đoạn phim tư liệu

Trong tim mỗi người dân đất Việt luôn ghi nhớ trên từng thước đất của Tổ quốc đều thấm đẫm mồ hôi, máu và nước mắt của cha ông. Bằng bất cứ giá nào chúng ta phải bảo vệ chủ quyền dân tộc, bảo vệ giá trị cao đẹp mà tiền nhân đã giao lại...

PHẢI BẢO VỆ TỔ QUỐC VIỆT NAM BẰNG BẤT CỨ GIÁ NÀO.

Lịch sử dựng nước và giữ nước mấy nghìn năm đã chứng minh rằng, khi đất nước có nguy cơ bị xâm phạm đến chủ quyền thì lòng yêu nước luôn luôn được kết tinh thành một khối vô cùng vững chắc và mạnh mẽ có thể cuốn phăng bất cứ kẻ thù nào. Dân tộc Việt Nam không bao giờ chịu khuất phục trước bạo quyền. Và tin rằng trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam đều khắc sâu lời thơ tại “bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc”

Nam Quốc Sơn hà nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Chúng ta, một dân tộc yêu chuộng hòa bình, nhưng trong con tim mỗi người dân Việt Nam luôn luôn ghi nhớ trên từng thước đất của Tổ quốc thân yêu bất cứ nơi đâu cũng thấm đẫm mồ hôi, máu và nước mắt của cha ông. Bởi vậy bằng bất cứ giá nào chúng ta phải bảo vệ chủ quyền của dân tộc, bảo vệ giá trị cao đẹp mà tiền nhân đi trước đã giao lại trọng trách cho chúng ta. Sức mạnh của chúng ta là sức mạnh chính nghĩa, sức mạnh của lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần “Đoàn kết! Đoàn kết! Đại đoàn kết”. Chúng ta thấu hiểu nỗi khổ đau của một dân tộc bị đô hộ, mà lịch sử bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước đã ghi lại. Nhưng cũng chính từ những bài học lịch sử trải qua bao cuộc chiến tranh với các nước lớn, các thế lực thù địch, bản lĩnh Việt Nam đã được chứng minh, với hàng nghìn năm bị đô hộ mà người Việt Nam vẫn gìn giữ được non sông gấm vóc của mình mà không bị các dân tộc khác xâm lăng và đồng hóa.

“Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”, tôi, các bạn và chúng ta - tất cả những người con dân đất Việt, bất kể tầng lớp, tôn giáo, giai cấp hãy cùng nhau bỏ qua những bất đồng chính kiến, hãy tạm gác những lợi ích trước mắt của từng cá nhân để cùng hướng về Biển Đông, nắm chặt tay nhau để tăng thêm sức mạnh bảo vệ vùng biển máu thịt của Tổ quốc. Với niềm tin vững chắc rằng: Công lý sẽ phải được thực thi.

Không để, bất kỳ một một thế lực nào đe dọa hoặc sử dụng sức mạnh vi phạm các quy định của Luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của chúng ta thì những người con dân đất Việt không thể khoanh tay, im lặng. Chúng ta kiên trì bằng biện pháp hòa bình, công khai minh bạch để dư luận nhân dân thế giới, trong đó có cả nhân dân Trung Quốc hiểu được Việt Nam là nước yêu chuộng hòa bình. Nhưng khi đứng trước nguy cơ mất chủ quyền thì nhân dân Việt Nam sẽ làm tất cả để bảo vệ nó. Đó là điều bất biến.

Tám Thủ Đức
(Tư liệu sưu tầm trên các trang mạng)