Cái giếng sâu hoăm hoẳm |
Có lần tôi đưa mấy đứa nhỏ về quê. Xe vừa dừng, tụi nó la lên: A, cái giếng! Và cả đám chạy tới 1 cái giếng tranh nhau múc nước lên rửa mặt,rửa tay chân thỏa thuê, thích thú – Đây là lần đầu tiên con thấy cái giếng ở ngoài đời. Trông giống y chang trong phim và trên nét! - Ô hô! Tụi nó so sánh đời giống nét! Chẳng bù cho tía nó suốt một thời chỉ biết chỉ biết có cái giếng.
Đồng vâu năm 1965 |
Mà thật, nhớ hồi ở Hưng Hóa biết bao nhiêu chuyện quanh cái giếng. Hồi đó, trong doanh trại mình có đủ các loại giếng lớn, nhỏ. Nhớ nhất cái giếng ở kế bên nhà lão Rơm ở cổng sau. Giếng không xây gạch, nằm giữa bãi cỏ, nước lúc nào cũng đầy, cúi xuống là múc được, không lo gì chuyện rớt gầu. Chẳng bù cho cái giếng ngay sau nhà sâu hoăm hoẳm mà đường kính chỉ khoảng 1 mét. Mỗi lần lỡ rớt hay đứt dây gầu là hết hơi. Tôi nhớ hồi đó có thằng Đồng vâu xuống vớt gầu “chiến” nhất. Nó nhẩy xuống, vớt cái dây gầu lên, ngậm vào miệng và leo lên. Nhìn nó leo mới điệu nghệ. Nó tựa lưng vào thành giếng, 2 tay giang ra chống vào 2 bên, 2 chân chỏi chỏi cho người từ từ lên trong cái vòng giếng đầy rêu, trơn trượt. Trông cứ như Giăng van Giăng vượt tường vào nhà tu kín cứu Cô Dét lúc bị Gia Ve đuổi tới ngõ cụt.
Bây giờ nhớ lại, thấy mấy cái gầu múc nước này thật sự là vấn đề với tụi trẻ con cấp 2, cấp 3 như anh em mình, nhưng hồi đó thì chẳng thấy hề gì. Loại đài múc nước chuyên dùng thì chỉ thấp thoáng thấy một hai cái gì đó của mấy thầy, còn thì toàn dùng xô, thùng để làm gầu múc nước. Mà loại được ưa chuộng nhất là mấy cái thùng tôn 20 lít thường dùng làm thùng nước uống cho Trung đội. Mấy thằng nhỏ con như tôi phải leo đứng lên trên thành giếng mới đủ sức kéo cái thùng lên. Mỗi lần múc nước là một lần thử thách. Bởi vậy không gì ngán bằng “múc nước giặt chăn”. Mà lỡ tay rớt cái thùng xuông giếng thì … Ôi thôi!
Nói vậy, nhưng tôi nhớ có cái giếng ở trong trường có đường kính lớn chắc tới ba bốn mét và lại có thang đóng vào vách giếng để leo lên xuống. Với cái giếng này thì anh em rất hay đánh rớt gầu múc nước để “phải” nhẩy xuống vớt lên. Tất nhiên giếng rộng, nên khi xuống phải … bơi vài vòng mới có thể vớt được. Có lần, một cái thùng bị rớt xuống mà có tới gần chục thằng nhanh nhẹn nhậy xuống … để vớt. Không những thế, Q. Việt còn lấy đà từ xa bay qua thành giếng xuống theo kiểu “người cá” rất ngoạn mục làm cả bọn vỗ tay rào rào. Thiệt tình chẳng biết nếu quá đà bay qua vách phía bên kia thì … đến giờ mình còn thằng bạn nữa không?
Giếng ở Hưng Hóa nay đã có máy bơm |
Ấy mà cũng từng đã có sự cố với mấy cái giếng. Vốn là đằng sau dãy nhà ở có cái giếng miệng vuông cũng phải tới 3 mét mỗi cạnh. Cái giếng này trông cũng sâu mà chẳng hiểu sao chỉ xâm xấp nước. Nhìn xuống thấy đáy lòi ra tới một nửa lổn nhổn đá. Không biết ai lại bỏ xuống đó 1 cái cây củi dài lòi hẳn lên thành giếng một khúc. Các “chiến sĩ” ta lâu lâu vui vẻ lại chống cái cây nhẩy từ bên này qua bên kia giếng như Taczan nhẩy sào vậy. Rất điệu nghệ và vui ra phết. Tới một bữa kia, có một đứa (hình như là Tuấn hăm?) chống cây nhẩy qua đúng lúc cái cây gẫy ngang (chắc bị mục) … Nó rớt một phát từ miệng giếng xuống đống đá nằm im không nhúc nhích. Anh em la hoảng, kêu hoài mà nó vẫn im re vội chạy đi báo thầy. Mấy thầy chạy tới bắc một cái thang và chú Thích – Quân y vội vã leo xuống. Khi chú Thích vừa xuống tới nơi thì … bỗng nó lồm cồm bò dậy, ngửa mặt lên toét miệng cười rồi tự động leo lên. Đám học sinh khoái quá cười rộ. Còn mấy thầy thì tức khí muốn la mắng nó, nhưng chú Thích vội ngăn lại vì thấy nó ngã như vậy mà vẫn cười … hay là bị “đụng” vào đâu? Sau đó nó được đưa vào nghỉ tại phòng Quân y để theo dõi và … tới nay vẫn chẳng có hiện tượng gì!
Toàn những chuyện quanh cái giếng của một thời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét