Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

HỐ ĐEN


Mấy tháng gần đây chân dung Thủ tướng của chúng ta ngày càng trở nên "yếu đuối" trong mắt thiên hạ. Ông “nhu hoà” đến mức không thể điều khiển được đám bầy tôi quá ư lộn xộn và ngang ngược chăng? Không biết điều đó khiến ông trở nên đáng thương hay đáng trách? Không khéo có người còn thấy ông dễ thương từ khi ông tuyên bố “3 năm nay tôi không kỷ luật một ai”. Thử kể từ khi tiếng súng Đoàn Văn Vươn vang trên bầu trời đầy mây giông, chớp loé mà không có nổi tiếng sấm động. Câu chuyện Tiên Lãng ai cũng biết sau khi có tiếng súng hoa cải của anh em nông phu họ Đoàn. Còn trước đó đơn thư thưa kiện từ huyện lên tỉnh không ai lắng nghe và giải quyết. Dư luận không đủ thông tin để được đánh động. Luật pháp không đứng về dân đen, kẻ thất thế, không quyền lực. Trong khi chính quyền được bảo trợ rất nhiều bởi các nghị định, kể cả luật pháp. Các quyết định ở cấp nào cũng có thể sáng tác và thực thi, từ TW, tỉnh, huỵên, thậm chí là xã dựa trên cái gọi là pháp luật, cụ thể là sở hữu toàn dân về đất đai. Và người ta coi đó là làm đúng pháp luật. Thuyết phục, giải trình không được, kịên cáo cũng không xong, thân cô thế cô đành dùng súng để đáp trả. Âu cũng là lẽ thường tình. Khi vụ việc rúng động cả nước thì Thủ tướng mới xuất đầu lộ diện để phân xử. Việc này đáng lẽ phải xử ở toà thì nay cả chính quyền, toà án các cấp phải chờ chỉ thị của Thủ tướng. Rồi thủ tướng kết luận vụ cưỡng chế là sai, cần giảm nhẹ tội cho anh em họ Đoàn…Và: “Thủ tướng yêu cầu giải quyết dứt điểm vụ Tiên Lãng”…Dứt điểm cái gì khi một việc đơn giản nhất là ai phá nhà anh Vươn sau nhiều tháng điều tra vẫn chưa chỉ ra được? Giám định ngôi nhà bị phá vẫn chưa công bố? Mọi việc vẫn ầm ì trong bóng tối...ĐỌC TIẾP

Chưa xong vụ Tiên Lãng thì xảy ra vụ Văn Giang còn đang làm đau nhức tâm can mọi người. Không những huyện mà cả tỉnh, bộ Công an vào cuộc giúp đỡ cuộc cưỡng chế. Bỗng thành hai bên chiến tuyến không cân sức: một bên là chính quyền từ huyện, tỉnh đến TW được nhân danh pháp luật bảo trợ cùng vũ khí, bên kia lànhững người dân nghèo chỉ có đất đá, gậy gộc, chai xăng cộng thêm những…câu chửi tuyệt vọng. Cưỡng chế thành cuộc đàn áp đầy màu sắc bạo lực và tất nhiên nhân dân thua. Tỉnh báo cáo thành tích cưỡng chế diễn ra tốt đẹp đúng pháp luật. Những nhà báo bất đắc dĩ quay lén được cảnh công an, dân phòng đánh dân đưa tràn lan trên mạng, thế là thành chuyện. Vì tại cuộc họp báo trước khi có vụ cưỡng chế, báo chí đã bị khuyến cáo là không nên đến nơi đó. Và: “Thủ tướngyêu cầu lãnh đạo Hưng Yên tường trình về vụ Văn Giang”. Tường trình của VănGiang chắc chắn vẫn bắt đầu từ câu: “Việc cưỡng chế làm đúng theo pháp luật” và“dự án Ecopark đã được Thủ tướng phê duyệt” mà họ lấy làm khiên đỡ lâu nay để đối phó với dư luận…Không lẽ để xử lý, Thủ tướng phải bắt đầu từ việc nhìn lại bản thân mình? Còn đang nóng trên các mặt báo là vụ Dương Chí Dũng (cục trưởng cục Hàng hải) bị khởi tố và bỏ trốn. Chánh văn phòng chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định bổ nhiệm ông Dũng là đúng qui trình. Ai cũng hiểu ông Đam đại diện cho Thủ tướng để phát ngôn. Bộ trưởng Bộ GTVT cũng khẳng định không sai, thậm chí còn cứu nguy cho Vinalines khỏi sụp đổ vì mâu thuẫn kéo dài giữa mấy ông đứng đầu tập đoàn. Thậm chí Bộ trưởng GTVT còn nói rằng: ông Dương Chí Dũng hàng năm đều được nhận xét đánh giá là cán bộ "rất tốt", từng được bầu vào thường vụ Đảng ủy doanh nghiệp TƯ, đại biểu đi dự ĐH Đảng toàn quốc và "đây là đánh giá chính thống nhất của tổ chức về năng lực, đạo đức cán bộ". Một cán bộ chủ chốt không thể hoá giải những mâu thuẫn cá nhân ở một tập đoàn kinh doanh lớn, làm ăn thua lỗ đang bị thanh tra mà vẫn bổ nhiệm vào chức vụ cao ở một bộ để đưa ra những quyết sách có tính chiến lược cho một ngành, mà ông Bộ trưởng vẫn nói là đúng thì hiểu cách dùng người của chính quyền là thế nào? Hơn nữa, Chủ tịch tập đoàn một thành viên (Dương Chí Dũng) là do Thủ tướng kí quyết định đề bạt dựa vào đề nghị của Bộ Nội vụ và Bộ GTVT, vậy mà khi Bộ GTVT điều cán bộ đó sang chức vụ khác (theo ông Thăng là chức vụ đó nhỏ hơn Chủ tịch tập đoàn) mà không hề thông qua Thủ tướng hay sao để đến giờ “Thủ tướng yêu cầu báo cáo việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng” ??? Nói đến hiện tượng Dương Chí Dũng thì theo ông Thăng: “Cuối năm 2010, tại đại hội Đảng khối doanh nghiệp Trung ương, ông Dũng vẫn được bầu vào Ban chấp hành Đảng uỷ và được Ban chấp hành bầu vào thường vụ Đảng uỷ khối đồng thời còn được bầu là đại biểu đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Đây là đánh giá chính thống nhất của tổ chức về năng lực, đạo đức cán bộ”, cho đến lúc vỡ chuyện xấu xa bỗng làm mình nhớ sự kiện Bạc Hy Lai bên Trung Quốc tuy qui mô nhỏ hơn. Nhưng bản chất không thay đổi: cái xấu xa được che đậy kỹ càng trên ghế cao quyền lực cho tới khi mặt nạ bị bóc trần mới chịu thừa nhận…Việc bổ nhiệm Dương Chí Dũng mấy hôm nay báo chí đã vào cuộc khiến Văn phòng chính phủ, Bộ GTVT, Bộ Nội vụ đã giãi bày khá chi tiết trước bàn dân thiên hạ. Không biết các chức sắc sẽ giãi bày thêm cái gì với Thủ tướng? Liệu còn gì chưa thể bạch hoá với dư luận ở phía sau việc bổ nhiệm này mà chỉ có thể báo cáo riêng với Thủ tướng? Và quan trọng hơn Thủ tướng sẽ giải quyết sự vụ này theo hướng nào khi chính ông là người ký quyết định đưa Dương Chí Dũng ngồi vào ghế Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinalines, nơi bắt đầu con đường phạm tội của ông ta? Những vụ việc tiêu cực đều được Thủ tướng yêu cầu báo cáo như rơi vào "hố đen". Sự phản hồi từ Thủ tướng sau các báo cáo thì cũng nằm trọn trong “hố đen” đó.Sự kêu gào, đề nghị khẩn thiết, kịên cáo tuyệt vọng của người dân trước sự bất công khủng khiếp mà họ phải gánh chịu, cụ thể là những vụ khiếu kiện kéo dài nhiều tháng năm, thậm chí cả tự tử và lột truồng trước mắt thiên hạ trong tuyệt vọng điên cuồng cũng không làm chính quyền động lòng và cũng bị “hố đen” vô hình nuốt chửng. Cái tốt đẹp lạc lõng bơ vơ gắng gượng quay quanh “hố đen” để không bị nó cuốn vào cõi mịt mùng tối tăm, và chả đủ sức cứu giúp những thân phận người bé nhỏ bị “hố đen” lấn lướt nhấn chìm vào lòng sâu của nó. " Không có gì thoát khỏi “hố đen” đó chăng? Không có gì giữ được vẹn nguyên nếu có ngày thoát được “hố đen” đó chăng?

 Tham khảo thêm từ nguồn ABS:

1/6/2012

Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

Thực phẩm bẩn: Dân ta nơm nớp "ăn trong sợ hãi"

Qua TQ HT được biết Ts Đặng Kim Sơn (K6) cũng trồng rau sạch, không biết có kinh doanh cung cấp cho thị trường hay không? Nếu kinh doanh chắc Ts sẽ có nhiều khách hàng 'tiềm năng' từ hội BT. Trên  Phụ nữ Today có bài trả lời phỏng vấn của Ts Đặng Kim Sơn liên quan đến vấn đề 'an toàn thực phẩm'...vấn đề này lại liên quan đến lĩnh vực của bác TN K4. Hãy xem Ts Đặng Kim Sơn nói gì.

TS Đặng Kim Sơn
TS Đặng Kim Sơn
Không ai đánh giá xấu người có tiền?
PV:- Thời gian gần đây, báo chí liên tục đưa tin về thực phẩm “bẩn” như: rau phun thuốc kích thích, thuốc trừ sâu; thịt lợn, thịt gà thối được tẩm ướp hóa chất bày bán công khai tại các chợ... ông nghĩ sao về một đất nước nông nghiệp, sản phẩm tự mình làm ra mà đưa lên miệng nuốt không trôi, nơm nớp “ăn trong sợ hãi”?
Đặng Kim Sơn:- Rõ ràng đây là một điều rất phi lý khi trên một đất nước tự túc được lương thực, đứng thứ nhì thế giới về xuất khẩu gạo, đứng ở trên những mức rất cao trên thế giới về café, điều, hồ tiêu, chè, cao su…, người dân càng ngày càng không yên tâm về thứ mình ăn hàng ngày.
Nhìn từ phía người nông dân, họ vốn rất chất phác, cần cù, tử tế. Nhưng hiện giờ, rất nhiều người có tâm lý, trồng riêng cho nhà một luống rau, còn chỗ bán cho người khác thì áp dụng những biện pháp chăn nuôi không đảm bảo và bản thân họ không dám ăn sản phẩm đó. Người chăn nuôi cũng vậy. Ở đây, chúng ta đang đối diện với một hiện tượng không bình thường, thậm chí phi lý với bản chất của người nông dân Việt Nam.


PV:- Ai cũng nói được câu “cái gì mình không muốn thì đừng đem cho người khác” nhưng những hành vi ứng xử, trên thực tế như thực phẩm “bẩn” mà chúng ta đang nói, lại hoàn toàn ngược lại: Bán cho người cái mà ta kinh sợ, ghê rợn.... Điều gì đã khiến cho những người nông dân, bản chất vốn chất phác, tử tế lại hành xử phí lý như vậy?


" Khi cơ chế thị trường có mặt và đang không hoàn chỉnh, mọi giá trị đã và đang bị thay đổi. Phần đông chỉ nhìn thấy giá trị của đồng tiền. Người có tiền thì có quyền lực, tình cảm, lợi thế... Trong làng, trong xã, người nông dân nhìn thấy người làm ăn không chính đáng được tôn trọng, được coi là thành đạt, còn người tử tế, cần cù thì không được như vậy. Thước đo giá trị và van điều khiển về đạo đức, lương tâm của con người thay đổi. Chuyện này không chỉ diễn ra ở nông thôn."
                TS Đặng Kim Sơn
Đặng Kim Sơn:-  Sự hỏng hóc, biến dạng về tổ chức thể chế và tâm lý trong xã hội có thể là nguyên nhân của cách hành xử đó. Trước hết, về tổ chức thể chế, người nông dân thấy họ không nhận được lợi ích cân bằng với người đô thị. Người đô thị đang được hưởng quá nhiều lợi thế, họ có thể gây hại cho nông thôn mà không gặp rào cản nào. Ví dụ, họ có thể đưa rác, đưa nghĩa trang, đưa nhà máy, đưa tệ nạn về nông thôn.  Họ có thể lấy đất của người nông thôn đi.
Trong khi người nông thôn vào đô thị bán hàng rong, đạp xích lô, chở xe ôm... đều có thể bị chặn, bị phạt, bị tước đoạt công cụ lao động. Con em người nông thôn đi làm ở đô thị, xây dựng những thứ tốt đẹp cho đô thị nhưng thực tế, họ nhận được mức thu nhập thấp (so với thu nhập trung bình của đô thị), sống ở những chỗ chật chội, không được nhập hộ khẩu... Mối liên kết giữa đô thị và nông thôn bị cắt rời, trong đó, người nông dân thấy phần thiệt thòi thuộc về mình.
Mặt khác, khi cơ chế thị trường có mặt và đang không hoàn chỉnh, mọi giá trị đã và đang bị thay đổi. Phần đông chỉ nhìn thấy giá trị của đồng tiền. Người có tiền thì có quyền lực, tình cảm, lợi thế... Trong làng, trong xã, người nông dân nhìn thấy người làm ăn không chính đáng được tôn trọng, được coi là thành đạt, còn người tử tế, cần cù thì không được như vậy. Thước đo giá trị và van điều khiển về đạo đức, lương tâm của con người thay đổi. Chuyện này không chỉ diễn ra ở nông thôn.
Cho nên, thuốc kích  thích tăng trưởng, phân hóa học... trở thành công cụ lợi hại cho người nôgn dân đạt đến mục tiêu làm giàu. Đối với họ, miễn là sản xuất được nhiều, rẻ, nhanh, bán giá cao vì họ thấy, không ai đánh giá xấu người có tiền cả.
Thịt bẩn có chất tạo nạc
Thịt bẩn có chất tạo nạc được giết mổ khắp nơi

Chạy đua về đáy
PV:- Cho nên, giả sử có những người tử tế, họ trồng rau sạch, nuôi và bán thịt gia súc gia cầm sạch thì với thực tế hiện nay, họ sẽ không thể cạnh tranh nổi về giá, hoặc người dân cũng hoang mang không biết đó có thật là sản phẩm sạch?


"Người làm ăn tử tế không cạnh tranh được, làm ăn thiếu đạo đức dễ dàng và thành đạt hơn, những hiện tượng đó sẽ dẫn tới hệ quả là, người ta tranh nhau xấu, không xấu hơn thì cũng phải xấu bằng người khác."
         TS Đặng Kim Sơn
Đặng Kim Sơn:- Trong thị trường hoàn chỉnh, tiền nào của đấy. Nếu người ăn chấp nhận giá rẻ, chất lượng không cao, vệ sinh không chuẩn nhưng đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng, nhu cầu năng lượng thì người sản xuất sẽ tiến hành sản xuất hàng loạt, sản xuất với giá rẻ nhất, lấy năng suất và sản lượng để bù vào chất lượng, cạnh tranh bằng giá.
Ngược lại, nếu người tiêu dùng muốn có sản phẩm chất lượng cao, không chỉ vệ sinh an toàn mà còn ngon, bảo vệ môi trường, đảm bảo các yêu cầu về đạo đức xã hội và họ chấp nhận giá mua cao thì người bán phải đầu tư tương ứng để đáp ứng yêu cầu tất cả những yêu cầu nêu trên.
Hiện tượng mà người ăn, người mua muốn trả đắt để có sản phẩm an toàn nhưng cũng không biết mua được ở đâu và người sản xuất chấp nhận điều kiện khó khăn làm ra sản phẩm an toàn nhưng cũng không biết bán ở đâu chứng tỏ thực tế là, chúng ta đang có một thị trường không hoàn chỉnh hay nói cách khác, một thị trường đứt đoạn, người mua và người bán không gặp nhau, ở giữa có một khoảng trống không đáng tin cậy, quan hệ giữa người mua và người bán là quan hệ ngắn hạn. Trong lý thuyết thị trường, người ta gọi đó là thị trường thất bại.
Tại sao vậy? Nguyên nhân thứ nhất có thể do hệ thống phân phối của chúng ta quá thô sơ.  Người bán bán ngay tại nhà, người trung gian đến mua, bán cho người tiêu dùng. Không có chuỗi ngành hàng đáng tin cậy, không có bao bì đóng gói, không có thương hiệu. Trong khi, các chợ của chúng ta gồm những quầy hàng không địa chỉ, nguồn gốc xuất xứ, không liên hệ gì với nhau.
Nguyên nhân thứ hai là tổ chức của người sản xuất quá thô sơ. Họ sản xuất nhỏ lẻ, không chuyên nghiệp, không bằng cấp, không quy định, không hiệp hội, không tổ chức… Người mua cũng vậy, bạ đâu mua đấy, nhỏ lẻ, manh mún và tạm thời. Đó là mối quan hệ kiểu làng xã nhưng đã được nhân lên cấp quốc gia. Chúng ta đi vào một nền sản xuất lớn nhưng cách thức tổ chức, thể chế vẫn còn nông dân nên đã dẫn tới những hiện tượng bất bình thường như vậy.
PV:- Như ông phân tích, tổ chức thể chế và tâm lý xã hội méo mó, thị trường không hoàn chỉnh sinh ra những hiện tượng "làm giàu bằng mọi giá", "sống chết mặc bay"... Vậy những hiện tượng  đó sẽ dẫn chúng ta tới đâu?
Đặng Kim Sơn:- Người làm ăn tử tế không cạnh tranh được, làm ăn thiếu đạo đức dễ dàng và thành đạt hơn, những hiện tượng đó sẽ dẫn tới hệ quả là, người ta tranh nhau xấu, không xấu hơn thì cũng phải xấu bằng người khác. Rồi những người tử tế cũng dần dần phải nhắm mắt chấp nhận.
Kinh tế học có khái niệm "chạy đua về đáy", trong trường hợp cạnh tranh xấu, không có các yếu tố ràng buộc, kiểm soát, không bị trừng trị, những người khác bắt buộc phải áp dụng các biện pháp đó theo. Kết quả là thị trường đổ vỡ. Khi đó, tất cả đều chịu thiệt nhưng không tránh được.


Hay cơ hội làm giàu?
Thịt gà bẩn bán rẻ như rau tại Hà Nội
Thịt gà bẩn bán rẻ như rau tại Hà Nội
PV:- Ở một chiều khác, sẽ có người cho rằng “người sao ta vậy” và thích ứng với cái sự ăn “bẩn” như một biểu hiện tâm lý bầy đàn: tất cả đều thế, nếu có sao thì tất cả cùng bị chứ chẳng riêng mình. Họ nói như thế là vì không thể chống đỡ được nên buông xuôi mọi sự hay là chúng ta có thói quen ăn “bẩn”, hay còn vì những nguyên do nào khác, thưa ông?
Đặng Kim Sơn:- Vì họ không biết. Họ chưa nhận thức được rằng, cái bẩn bây giờ khác hẳn với cái bẩn ngày xưa. Ngày xưa  cùng lắm là Ecoli, thuốc trừ sâu, ngộ độc xong là hết. Bây giờ là kim loại nặng, là chất kích thích sinh trưởng khi tích lũy trong cơ thể có thể gây ung thư.
Thứ nữa, cũng vì họ bất lực, họ nghèo, họ không có phương tiện gì để chống đỡ. Người giàu thì đơn giản hơn, có thể họ tự trồng rau, có thể ăn rau nhập khẩu.
PV:-  Để khắc phục tình trạng này, chúng ta phải làm những gì và bắt đầu tư đâu, thưa ông?
Đặng Kim Sơn:- Tư duy phổ biến hiện nay sẽ là "các cơ quan chức năng vào cuộc". Người ta trông chờ vào trách nhiệm của Nhà nước. Nhưng ngay trong trường hợp Nhà nước chưa hiệu quả, xã hội vẫn đứng lên được.
Nói về tình trạng thực phẩm bẩn hiện nay, về khía cạnh thị trường, đây thực sự là cơ hội làm ăn hiếm có. Thị trường của chúng ta đi quá nhanh, phân cấp thị trường đi quá nhanh,  cần có sự tổ chức ở cả đầu cung và đầu cầu. Ví dụ đầu cung, nông dân tổ chức thành những tổ nhóm. Trong tổ kiểm soát lẫn nhau, chia sẻ quyền lợi chung. Đầu người bán cũng thế. Có chuỗi cửa hàng, cùng chung tiêu chuẩn, nguồn gốc sản phẩm, giá cả, có mối liên hệ khăng khít về mặt lợi ích... Khi đó, bên ngoài càng mắc lỗi, chuối cung cầu khép kín đó càng có nhiều khách hàng, càng có lợi nhuận cao.
Thứ hai, đối với người làm xã hội dân sự, cho dù xung quanh xấu, họ vẫn có thể tổ chức được mạng lưới tốt, ví dụ, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Người ta vẫn nhắc đi nhắc lại câu chuyện 5 Bộ không lo được một mâm cơm như minh chứng về sự chồng chéo, không hiệu năng của quản lý  Nhà nước. Câu chuyện sẽ đơn giản hơn nhiều nếu có Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đủ mạnh và được toàn quyền. Họ không cần có chuyên môn, mà điều phối, thuê người có chuyên môn tới kiểm tra thực phẩm. Họ sẽ có tiếng nói khách quan độc lập, thực sự vì người tiêu dùng và được người tiêu dùng ủng hộ, vì đó là những người do họ bầu ra. Khi đó, sức mạnh của thị trường sẽ vận hành, loại trừ những hành vi sai trái, vi phạm đạo đức.
Sự méo mó về đạo đức cũng là câu chuyện của xã hội dân sự. Dó là vai trò của người tuyên truyền, media, báo chí… Hãy nói về những câu chuyện tốt đẹp, những giá trị cao hơn giá trị đồng tiền, những nhà sư hãy nói về giá trị đích thực của cuộc sống, về sự trừng phạt tinh thần nếu hành xử trái với đạo đức xã hội. Thang đạo đức xã hội là việc của cộng đồng, của toàn xã hội. Ở đây, Nhà nước chỉ cần phải đảm bảo rằng, pháp luật đồng bộ với đạo đức, pháp luật sẽ bảo vệ người tốt, nghiêm trị những người xấu, hành vi xấu.
PV:-  Nghĩa là bắt đầu từ mỗi cá nhân?
Đặng Kim Sơn:- Chuyện ăn uống là chuyện hàng ngày, từng cá nhân từng cộng đồng có thể tự xử lý được. Ví dụ, chỉ cần một làng kiên quyết không dùng thuốc kích thích tăng trưởng với cây trồng, vật nuôi thì người dân làng đó sẽ có thực phẩm sạch.
Hay từng cá nhân tự trồng rau, nuôi gà. Nhà tôi cũng có một vườn rau hữu cơ, mỗi chủ nhật tôi lên hái phát cho cả họ. Cả họ dùng không hết, tôi rủ những người có trang trại trồng rau hợp thành công ty. Rồi chúng tôi cùng xây dựng một hợp tác xã trồng rau hữu cơ, hợp tác với một công ty làm hệ thông phân phối. Sắp tới, tôi sẽ tổ chức trồng lúa, nuôi gà lợn, làm nước mắm... Làm gì bây giờ cũng sẽ thắng.
Có điều, mình nhìn thấy cơ hội nhưng năng lực có hạn. Tôi chỉ tổ chức được một xóm trồng rau hữu cơ, ngày cung cấp được khoảng hơn trăm cân rau sạch cho Hà Nội thì có thấm tháp gì. Lợi thế so sánh của Việt Nam là nông nghiệp, tôi hi vọng nhiều người sẽ đứng lên tham gia tổ chức người dân làm giàu chính bằng nông nghiệp.
  • Hoàng Hạnh

Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

GỬI BM


Gửi thêm em Hệ thống tưới hoa tự động của anh P.Tùng. "Nông cụ" này có thể tạo mưa rào, mưa phùn...theo ngày, giờ cài đặt. Hạn chế của nó là chưa tạo được...mưa đá. Dùng nó en sẽ có thời giờ để tập trung vào "nuôi mèo công nghiệp".

Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

Áp dụng tam quyền phân lập?

Thụy My phỏng vấn Luật gia Lê Hiếu Đằng *
21-05-2012
Nghe Audio phỏng vấn

.
Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 5 vừa bế mạc ngày 15/05/2012 đã khẳng định một số vấn đề rất được dư luận chú ý trong thời gian gần đây.Trước hết là tái công nhận đất đai là sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Kế đến là quyết định lập Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng bí thư đứng đầu, và bỏ các ban chỉ đạo cấp tỉnh.
RFI Việt ngữ đã trao đổi với Luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh về các vấn đề trên.
RFIXin chào luật gia Lê Hiếu Đằng. Thưa ông, vừa qua Hội nghị trung ương lần thứ 5 đã tái khẳng định « đất đai thuộc sở hữu toàn dân ». Ông có nhận xét như thế nào về vấn đề này ?

BAO GIỜ DÂN ĐƯỢC YÊN THÂN?

LÊ THANH DŨNG
Thư gửi Thủy sau chuyến thăm Trung Quốc

Mình vừa đi Trung Quốc về, Thủy hỏi Trung Quốc có gì mới lạ. Mình ghi lại mấy cảm nhận ban đầu.

Như Thủy đã biết, hơn nửa thế kỷ trước mình đã đến Trung Quốc. Khi đó đối với mình-đứa bé mười bốn tuổi, nước Trung Hoa mới cái gì cũng hay cũng đẹp, người Trung Quốc ai cũng tử tế nhân hậu. Chân tình lắm, cảm động lắm … Thế rồi mình học ở đó hàng chục năm, học được nhiều kiến thức khoa học kỹ thuật và vỡ ra nhiều về nhân tình thế thái, các thầy các bạn, những con người cụ thể, đáng yêu đồng thời cũng là nạn nhân của hàng chục “cuộc vận động chính trị” mà nội dung là đấu tố, hành hạ về tinh thần và thể xác con người. Cách nhìn Trung Quốc của mình khác dần đi cho đến năm 1979 sau cuộc xâm lược trắng trợn của bọn con cháu Mã Viện, Vương Thông thì chẳng còn gì tốt đẹp nữa. Biết làm sao, một người yêu Tổ Quốc mình yêu nhân dân mình, có thể có cách nhìn nào khác đối với kẻ giết dân mình, cướp nước mình ngoài sự ghê tởm và căm thù, ít ra là đối với cái chế độ đó.

Kể ra thật là may mắn mình được học tiếng Trung quốc để được hiểu thêm nền văn hóa vĩ đại của dân tộc Trung hoa. Mình đã nhiều lần quay trở lại đất nước này. Mình đã từng nằm ngủ trưa trên bãi cỏ dưới bóng cây bên mộ Khổng tử; leo lên đỉnh núi Thái Sơn, từ đó nhìn xa xa như thấy các anh hùng Lương Sơn Bạc trong Thủy Hử; đã đến thăm nhà Đỗ phủ, viếng mộ Lưu Bị, dạo chơi Xích Bích, lên Hoàng Hạc Lâu “của Thôi Hiệu”; thăm tượng Nhạc Phi có vợ chồng tên quan thượng thư gian hùng Tần Cối bị trói quỳ trước mặt, nguồn gốc của câu chuyện cái bánh “quẩy”; lên thành Kinh Châu “của Lưu Bị-Gia Cát Lượng”; thăm nhà tắm của Dương Quí Phi-Đường Minh Hoàng, đến Trùng Khánh thăm nhà vợ chồng “Tưởng thống chế” và Tống Ái Linh; đêm ngủ ngày chơi trên tàu thủy nội thất như khách sạn, trôi trên Trường Giang-Dương Tử Giang bồng bềnh giữa đập Tam Hiệp đang xây (và theo ý kiến của nhiều nhà khoa học Trung Quốc, nó đang và sẽ là mối họa lớn của Trung Quốc trong tương lai). Mình đã ở nhiều năm ở Nam Kinh, tức Kim Lăng, nơi diễn ra câu chuyện để thành cuốn tiểu thuyết “Kim Lăng Thập Tam Thoa” mình vừa dịch đầu năm 2012 này, cuốn sách vừa mới được phát hành ở Việt nam.

Thủy là đạo diễn điện ảnh nên mình xin phép sa đà một chút, cuốn phim cùng tên đang được chiếu ở Trung Quốc là cuốn phim có đầu tư lớn nhất, tác giả kịch bản phim không phải ai khác, chính là Nghiêm Ca Linh tác giả văn học của cuốn tiểu thuyết. Thực hiện cuốn phim là đạo diễn gạo cội Trương Nghệ Mưu. Ông nói: Trong mấy chục năm làm nghề, đây là kịch bản tôi ưng ý nhất. Diễn viên chính là Christian Bale, ngôi sao Oscar người Mỹ; ông nói: Tôi đánh cược cả sự nghiệp của tôi vào cuốn phim. Sự thành công tuyệt vời của vai diễn chứng tỏ ông đã làm đúng. Mình xin nói thêm, mình đã dịch hơn chục cuốn tiểu thuyết trong đó “Kim Lăng Thập Tam Thoa” là cuốn tiểu thuyết mình thấy thú vị nhất và dịch nhanh nhất.

Quay trở lại chuyến đi vừa qua. Mình không phải nhà xã hội học để có thể phân tích mọi yếu tố của một nhà nước, một thể chế chính trị; càng không phải nhà ngoại giao để lựa lời cho khéo, cho đúng chỉ đạo theo tinh thần “16 chữ vàng”, mình cũng chẳng hiểu gì về cái gọi là xây dựng chủ nghĩa xã hội theo đặc điểm Trung Quốc cũng như nền kinh tế thị trường “theo định hướng xã hội chủ nghĩa” của Việt nam ta – tuy vậy mình và chắc nghệ sĩ nhân dân đạo diễn Trần văn Thủy và cả cái hội MT (Mày Tao chứ Minh Triết quái gì!) cũng chẳng buồn lòng về điều đó vì cả nước mình cũng chẳng ai hiểu nó là cái gì, kể cả những người “đẻ” ra nó, nghe đâu họ còn “đang trăn trở”. Nhớ câu các cụ nói mà thấy được an ủi: “Toét mắt là tại hướng đình, cả làng toét mắt riêng mình em đâu!”

Mình chỉ kể lại đôi điều cảm nhận riêng sau chuyến đi Trung Quốc tháng 4, tháng 5 vừa qua. Một chuyến đi không phải tour du lịch mà là trong khuôn khổ một chương trình hợp tác khoa học kỹ thuật.

1. Mức sống:

Cảm nhận đầu tiên là mức sống của nhân dân Trung Quốc khá cao, nhà nước họ đã thực hiện được một điều mà ta cứ kêu gào hơn nửa thế kỷ mà chẳng làm được tý gì. Đó là Dân giàu Nước mạnh. Mình đã từng ở Trung Quốc vào cái thời họ chết đói hàng chục triệu người. Vậy mà bây giờ hơn tỷ dân no nê, cả một vùng lớn phía bắc hầu như không trồng trọt được gì vì đất đai khô cằn, tất nhiên họ phải nhập thực phẩm lương thực hằng năm, muốn vậy phải có rất nhiều tiền.

Lương cao, giá hàng tiêu dùng rẻ. Sinh viên mới tốt nghiệp chưa được xét tuyển chính thức hưởng lương một ngàn tệ (3 triệu VNĐ). Sau khi được tuyển chính thức được tăng lên khá nhiều và tùy theo chỗ làm.

Tất cả những người mình có quan hệ trong công việc, kể cả cô gái vừa tốt nghiệp đại học hai năm nay đều đi làm bằng ô tô riêng. Những người trí thức bình thường, thí dụ như giáo viên có thể sống thoải mái với đồng lương hưu khoảng sáu ngàn tệ (mười tám triệu VNĐ), hàng hóa, lương thực thực phẩm rẻ hơn ở ta.

Về tinh thần, những người thuộc lớp già cũng nhắc đến Cách mạng văn hóa, đến vụ Thiên an môn- những sự kiện lịch sử đẫm máu và đầy những bi hài kéo lùi lịch sử Trung Quốc nhiều thập kỷ, nhưng họ nhắc vậy như nhắc lại chuyện đã qua, là khúc đường cụt lẽ ra không nên đi vào đấy. Nhiều người cho rằng cuộc sống hiện tại là tốt đẹp, thế là đủ. Còn ở ta, đời sống vật chất của đa số nhân dân đã đến mức cùng quẫn (thử hỏi các bà đi chợ xem). Người có đồng lương ít ỏi đã đành, người không lương sống thế nào? tất tật từ mớ rau miếng đậu cũng tăng giá theo xăng, theo điện “của nhà nước”. Nhà nước do dân vì dân dẫn đầu việc tăng giá thì trông cậy vào đâu. Các chính sách liên quan mật thiết đến sự sống còn của dân được đưa ra như trò chơi. Nhân cách và đạo đức xã hội của một bộ phận không nhỏ, kể cả những người cầm cân nảy mực, sa sả nói đạo đức Hồ Chí Minh ngày càng sa đọa. Đọc tên các vụ án giết người đầy rẫy trên các báo “chính thống”, báo mạng (cũng chính thống) đã đủ sởn tóc gáy. Và từ đó không tránh khỏi sự liên tưởng của nhiều người: Vậy thì xương máu ba đời đổ ra để giành được cái xã hội thế này à?

Đi trên đường phố Trung Quốc thỉnh thoảng lại gặp những khoảng trống đặt các dụng cụ tập thể dục, sạch đẹp và loáng thoáng có người tập. Trong các công viên có nhiều đám người trẻ già múa hát, tập thể dục theo nhạc, không phải chỉ có buổi sáng, mà bất cứ lúc nào trong các ngày nghỉ; có những người đem theo xô nước lã và chiếc bút to bằng cái chổi để luyện chữ và để giải trí, viết đến đâu khô đến đó và không để lại vết tích gì. Cuộc sống tinh thần của họ thoải mái, tuy nhiên mình cho là khá đơn điệu.

2. Chính trị

Là một quốc gia đông dân nhưng sự chuyển động tư tưởng chủ đạo của họ khá linh hoạt, hợp thời thế và tất nhiên theo xu hướng lợi ích dân tộc ích kỷ của họ. Còn ở ta tư duy cũ kỹ hàng nửa thế kỷ, kiểu như Việt nam rủ Cu Ba tiếp tục canh giữ cho Hòa Bình thế giới trong khi Cu Ba “bỏ gác” về đi ngủ lâu rồi. Ở Trung Quốc không hề thấy bóng dáng khẩu hiệu “Đảng Cộng Sản Trung Quốc quang vinh muôn năm” ở đâu cả. Quang vinh hay không nó thể hiện ở xã hội, ở tâm tư người dân chứ không treo lơ lửng trên xà ngang. Xã hội Trung Quốc có vẻ vững chãi chuyển động theo hướng quốc hội đề ra. Ở ta thì khác, cái dân giàu nước mạnh dân chủ văn minh gì gì đó nêu lên là vậy nhưng xã hội cứ lùi lũi đi theo hướng khác, hướng kiếm chác cao nhất của các nhóm lợi ích; tầm “nhìn xa trông rộng” cũng như cái gọi là kế hoạch “dài hơi” được đo bằng nhiệm kỳ. Tư tưởng lạc hậu hàng thế kỷ vì theo cách cha truyền con nối, một người làm quan cả họ được nhờ.

Trung Quốc cũng đầy những vụ tham nhũng chấn động xã hội nhưng họ xử rất nghiêm.

Trung Quốc có một nhà nước độc đảng độc tài, họ bóp nghẹt tự do dân chủ bóp nghẹt tiếng nói của những nhà trí thức, của những văn nghệ sĩ, những người nhạy cảm và coi tự do là lẽ sống, là trên hết. Nhà nước đàn áp dã man và khốc liệt với các cộng đồng người dân tộc khác, tàn sát người Tây Tạng, người Tân Cương đòi độc lập, đưa người vào Hán hóa cộng đồng của họ; tàn sát và lấy nội tạng những người theo Pháp Luân Công, kể cả những Hoa kiều, khách du lịch về nước tập Pháp Luân Công (!) Nhưng mặt khác họ nâng cao mức sống vật chất và tinh thần của đại đa số dân, làm như vậy chừng mực nào đó họ đã “cách ly” những người đấu tranh cho tự do, cho một cuộc sống tinh thần đúng nghĩa khỏi cộng đồng nói chung.

Ở ta, cả vật chất và tinh thần đều ngày một nghèo nàn, bày đặt nhiều trò lố, kiểu như cấy tim vàng cho thánh Gióng và cho ngựa của ngài. Chẳng cần biết đụng vào thánh như vậy có bị thánh vật không; hình như là thánh vật rồi đó. Ngay cả chữ nghĩa cũng khô cằn rỗng tuếch và giả dối. Cứ lên TV là thấy “nhất trí cao, đồng thuận…”, mặc dù chưa bao giờ có cuộc trưng cầu ý dân của một cơ quan độc lập nào, chĩa micrô vào miệng ai đó là thấy bật ra mấy chữ “tin tưởng, phấn khởi…”

Trung Quốc giáo dục nhân dân theo hướng dân tộc chủ nghĩa, theo tư tưởng nước lớn và hiếu chiến; dân chúng có vẻ rất đồng tình. Trên một tờ báo cuối tháng 5 mình đọc mấy cái tít: Chỉ cần 100 quả tên lửa sẽ tiêu diệt hoàn toàn nước Mỹ; Mỹ không dám can thiệp vào biển Đông vì sợ Trung Quốc; Philippin châu chấu đá xe, dựa vào đâu mà kêu gào? …Một xã hội định hướng tư duy cho nhân dân như thế không thể nói là một xã hội tiến bộ.

3. Quản lý xã hội.

Trung Quốc nổi tiếng xưa nay về…nhếch nhác, vậy mà bây giờ đâu cũng sạch bong. Bất kể ở đâu, không hề có bóng dáng người bán hàng rong, không có hiện tượng chèo kéo khách, vứt rác ra đường. Công viên sạch sẽ không chút rác bẩn không thấy bóng dáng những kẻ càn quấy, những chuyện xô xát.

Những cây cổ thụ mọc thành rừng ngay trong các thành phố vùng phía nam, xe hơi lao đi vun vút trên những đại lộ cao tốc xuyên rừng! Nhà cao tầng đã nhiều nhưng cây trong thành phố còn nhiều hơn. Bảo rằng đi giữa phố hay đi giữa rừng đều đúng! Có người nói vui, lâm tặc bên ta sao không sang đây mà làm ăn; có người lại bảo, ở ta, thành phố mà cây cối rậm rạp thế này công an khoái lắm vì dễ núp để rình phạt vạ kiếm ăn và cũng dễ “điều đình” với người phạm luật. Không thể tưởng tượng xe lao vun vút thế kia mà mặt đường lại có những hố tử thần như ở giữa thủ đô ta.

Họ đi moi móc tài nguyên nơi khác, ở châu Phi ở Tây nguyên nước ta, để dành những tài nguyên thiên nhiên trong nước cho con cháu. Ngay cả mộ 6000 lính đất nung của Tần Thủy Hoàng, họ cũng chỉ bới lên một phần để sửa sang cho khách du lịch xem, còn bảo quản nguyên trạng cho con cháu khai thác vì phát hiện thấy màu sắc xanh đỏ bị bạc đi sau khi xuất thổ.

Cách quản lý của Trung Quốc đơn giản, là quy trách nhiệm rõ ràng và phạt rất nghiêm. Những nhà quản lý ở ta điều biết nhưng không làm nổi cả điều đơn giản đó. Ta chỉ biết bài ca truyền thống: “xử nghiêm theo pháp luật, xử đúng người đúng tội” bức xúc quá thì “quyết liệt” và…liệt luôn.

Nhân chuyến đi này mình đã đến xem một cơ sở sản xuất một thiết bị chuyên dùng nặng tạ rưỡi, khi di chuyển phải dùng tời điện, một người không làm nổi. Nhưng khi điều chỉnh thì chỉ có một người làm chính và chỉnh xong thì phải gắn nhãn có tên mình! Một cái rơ le điện nhỏ cầm được trên tay từ xưởng sản xuất ra cũng có tên người kiểm tra sản phẩm. Dùng lâu rồi, kiểm tu định kỳ, lại có tên người kiểm tu trên cái tem nhỏ dán vào cái rơ le đó.

Từ việc to nhất đến việc nhỏ nhất đều có người phải đứng ra lãnh trách nhiệm. Ở ta, cái nắp cống cũng bị mất cắp và cái lỗ để đó hàng nửa năm, ai rơi xuống thì tự chịu. Mọi cơ quan nhà nước đều vô can. Trung Quốc không hề “xã hội hóa” trách nhiệm. Nếu có trách nhiệm nào được coi là trách nhiệm của “các cấp các ngành”, là “không đồng bộ”, là tại “cơ chế”, kiểu như ta hay nói thì đó là trách nhiệm của chính phủ, là trách nhiệm của đích danh thủ tướng, không của ai khác cả. Thủ tướng phải kiểm điểm, phải cách chức bộ trưởng hay chính mình từ chức, phải nhận trách nhiệm, và trách nhiệm gì, nói cho rõ, chứ không nhận trách nhiệm khơi khơi.

Quản lý đô thị và quản lý nhà nước mà giải quyết không nổi vài chuyện vặt vãnh như chuyện xe dù, chuyện đinh tặc. Mấy chuyện ba lăng nhăng nói từ thế kỷ này sang thế kỷ khác vẫn không cũ thì nói gì đến chuyện lớn lao hơn như chống tham nhũng, vấn đề giáo dục, vấn đề quốc kế dân sinh.

Xã hội nào cũng có những điểm tối, những tệ nạn nhưng cách đánh giá đơn giản tài năng của nhà quản lý là sự chuyển biến của chúng như thế nào, tăng lên hay giảm đi.

Vậy có thể nói cách quản lý của Trung Quốc rất giỏi, còn ở ta: Xin hỏi: nạn phá rừng, đĩ điếm, nghiện hút, cờ bạc, trộm cắp, giết người, tống tình, tống tiền, tham nhũng, chạy án, chạy chức, chạy quyền, chạy trường, chạy lớp, thậm chí chạy ghế ngồi trong lớp, chạy điểm, chạy cả huân chương… trong những năm gần đây đang giảm đi hay đang tăng lên? Dân đánh giá nhà quản lý qua đó, vậy thôi, rất tiếc nhà quản lý lại giải thích quanh co thậm chí dạy lại dân phải thế nọ thế kia. Cứ kiểu quản lý thế thì xã hội đang và sẽ còn là cái đống rác.

Có một dạo nhà nước yêu cầu rất ngặt nghèo các cửa hàng phải niêm yết giá hàng. Bây giờ nghe nói, có một “hệ thống” các giá vượt tầm quản lý của Ủy ban Vật giá: đó là giá các loại ghế: Bộ trưởng giá bao nhiêu, bí thư, thành ủy viên giá bao nhiêu, mới đây nghe nói còn có chức thứ trưởng dự bị, tức có thời gian thử thách (chẳng hiểu thử thách năng lực hay thử thách sự lễ độ tức độ lễ), hệ thống giá bao trùm tất tật mọi cấp, công an đứng đường đắt hơn công an trong nhà. Báo còn đưa tin bố con nhà nào đó bị bắt vì tội cướp hòm phiếu bầu…tổ trưởng thôn vì thấy “nhà mình” sắp mất ghế! Vậy giá ghế tổ tưởng thôn là bao nhiêu?

Ở Trung quốc có mua quan bán chức không? Có phải đút lót để được một cái gì mình muốn không? Có cầu tất có cung và phải có tiền. Tất nhiên Trung Quốc cũng có nhưng nó kín đáo hơn, “biết sợ” hơn, nó không tràn lan, không tủn mủn vặt vãnh và không phơi bày trắng trợn. Ở ta, ai cũng thấy tận mắt được việc “xã hội hoá đút lót” dưới mọi hình thức, đến nỗi hầu như ai cũng vừa là tòng phạm vừa là bị hại. Nếu nói bỏ tiền để “xin” cho con vào mẫu giáo, vào lớp một là phạm tội đút lót, không biết có quá lỡ lời hay không?

4. Tự do:

Vấn đề lớn quá, không biết bắt đầu từ đâu. Chỉ tạm nói thế này: Trung Quốc quản lý dân như ông bố thương con nhưng rất gia trưởng quản lý gia đình: Ăn no mặc đủ, biết nghe lời thì sướng, hư thì ăn đòn. Phải biết nghe lời, khi bố hô đánh láng giềng là phải đánh măc kệ ở đó có bạn thân chúng mày. Trong đám con có đứa không hư nhưng nghịch ngợm ham vui, thế là không được, ăn nói linh tinh, nghĩ ngợi linh tinh, lắm ý kiến ý mối là ăn đòn.

Nếu Việt nam là một gia đình thì ông bố chọn cách quản lý dễ làm nhất là cấm tất. Nhưng thằng nào làm gì thì cứ làm vì ông bố chẳng nhớ nổi mình đã cấm những gì và điều cấm nào đã bỏ. Thế là ông bố đơn giản mức nữa cho dễ “quản lý”. Ông cho sống tùy thích, đánh nhau, phá phách đồ đạc, bới tung vườn tược, nhà cửa, mặc kệ. Ông chỉ cấm tiệt và chăm chăm phạt hai tội, một là to tiếng chửi bố, hai là làm mất lòng thằng cha láng giềng to khỏe.

Nói vậy cho vui chứ ví von bao giờ cũng khập khiễng, tỷ như nếu Việt nam là một gia đình thì chẳng phải, vì gia đình nào lại được quản lý bởi mấy ông bố “tập thể”!

Về tự do thì vô cùng. Có thể tự tiện xông vào một cơ quan chửi bới đập phá đốt đồ đạc sách vở của người ta hay không? Có thể tụ tập dăm bảy người bạn ngồi chơi ở bờ hồ nhất là vào ngày chủ nhật và lại hứng lên mang theo cờ tổ quốc mình hay không? Chả hiểu cái gì được làm và cái gì không được làm.

5. Xu thế:

Có lần mình nói vui rằng dân ta đừng đấu tranh dân chủ cho ta, tù tội mệt lắm, nên tập trung đấu tranh cho dân chủ ở…Trung Quốc. Ta sẽ được ăn theo, vì kiếp nạn dân tộc mình chỉ có ăn theo thôi. Chua chát lắm.

Nói vậy thôi. Nếu Việt nam có tiến bộ về tự do thì là do xu thế của thời đại và ảnh hưởng của thế giới. Trung Quốc bao giờ cũng lấy sự kìm hãm, phá hoại Việt nam làm quốc sách. Đồ ăn ôi thối độc hại ùn ùn trút sang Việt nam có thể đổ cho thương lái nhưng tiền giả đổ sang ta bấy lâu thì do ai in? Trung Quốc quản lý tài giỏi thế mà không cấm nổi mấy vụ thu mua rễ hồi sừng trâu, móng trâu, bán vũ khí gây án, phân hóa học giả làm hại người bạn truyền thống hữu nghị lâu đời sao? Chính hắn là thủ phạm chứ ai! Nếu cứ miễn cưỡng coi Trung Quốc là bạn thì không bao giờ là bạn tin cậy cả. Ông cha ta dạy thế, đừng đòi khôn hơn ông cha mà thành kẻ mất dạy.

Trung Quốc rắp tâm kìm hãm Việt nam, muốn Việt nam luôn luôn trong tình trạng nghèo nàn về kinh tế, bất ổn về chính trị xã hội. Họ nghĩ, như vậy những người lãnh đạo Việt nam sẽ luôn luôn bị dân xa lánh, phải phụ thuộc vào họ, để cho họ ép thực hiện những gì họ muốn.

Trung Quốc thật lòng muốn Việt nam là một nước độc lập tự do và giàu mạnh ư?

Ai tưởng rằng Trung Quốc nghĩ thế thì hoặc là ngu hoặc là điên, hoặc là…Trung Quốc cho tiền và bảo nói thế.

Quốc hội đã cắm mũi khoan vào hòn đá tảng

Quốc hội đã cắm mũi khoan vào hòn đá tảng
"...Theo www.sgtt.com.vn ngày 23/5/2012, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã gửi một bản báo cáo cho các đại biểu Quốc hội về những quan điểm, ý kiến của ủy ban này trong việc tái cấu trúc DNNN. Báo cáo có những yêu cầu đối với Chính phủ đáng chú ý như: “Không điều tiết nền kinh tế bằng các DNNN mà phải bằng các chính sách tài khóa, tiền tệ; thu hẹp phạm vị hoạt động của DNNN, DNNN chỉ hoạt động trong những ngành nghề mà kinh tế tư nhân không thể làm; tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN”.

Trả lời phỏng vẫn báo SGTT, ông Nguyễn Đức Kiên – Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nói: “Can thiệp, điều tiết bằng các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ làm méo mó thị trường”.

Như vậy là Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nhận thức rằng: Kinh tế nhà nước không thể giữ vai trò chủ đạo và thực tế nó không làm được điều đó. Điều này phù hợp với ý kiến của TS Lê Đăng Doanh và nhiều nhà nghiên cứu khác"

Thứ Năm, 24 tháng 5, 2012

Lịch thi đấu EURO 2012

Sắp tới tháng 6/2012 diễn ra giải vô địch bóng đá châu Âu 2012 (EURO 2012), bác nào quan tâm VÀO ĐÂY tải về bảng theo dõi lịch và điền kết quả thi đấu của các đội. Giải bắt đầu diễn ra vào ngày 8/6/2012. Xin mời!

Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

MÙA LAN


Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa hè là hành lang nhà tôi lại đủ các màu: trắng, hồng, vàng, tím, cả da cam nữa. Nói ngoa một tí cho oai, chứ thực ra chỉ lèo tèo vài giò treo trên lan can sắt thôi. Tuy vậy, mỗi ngày cũng mất hơn nửa tiếng tưới tắm cho chúng. Nhưng đấy chính là khoảng thời gian thư giãn, sung sướng nhất đấy. Mỗi sáng dậy, mở cửa ra hành lang là lại ra ngắm. Cây này mới nhú một mầm non, cây kia ra thêm vài cái rễ xanh, cây nọ có vẻ hứa hẹn cho ra nhiều hoa. Lại có những cây mua mớ rời về, rồi hì hục đóng, ghép vào giá thể. Những cây này cũng làm tôi háo hức vô cùng. Ngày nào cũng săm soi: nó còn sống không, sắp ra rễ chưa, ...ôi giời, nhiều vấn đề lắm. Có mỗi hai ô cửa, mỗi ô được chừng 3m2. Đầu tiên tưởng chỉ vài ba giò lan là hết chỗ. Nhưng rồi cứ lên chợ Hoàng Hoa Thám, thấy các loại lan khác nhau là ham, lại mua.  Vườn lan, mà tôi vẫn hay vào, lại vừa chuyển về gần nhà tôi, đi bộ 5 phút là tha hồ ngắm, chọn. Trước đây nó ở tận Khương Đình. Ngày còn ở Hàng Chuối, mỗi lần đến vườn này tôi phải đội mũ bảo hiểm, mặc dù thời đó mấy ai đội, vì đi xa quá.  Thế mà vẫn lặn lội vài tuần lại đến một lần. Bây giờ nó gần như thế là hại tôi rồi. Mỗi lần sang chơi lại mất toi vài trăm nghìn. Mua về thì lại phải tìm chỗ cho nó. Cuối cùng thành ra tôi trồng chen chúc, cũng có được đến mấy chục giò cơ đấy. Bây giờ hết chỗ rồi, bản thân cậu chủ vườn cũng bảo: "Cô sang chơi, uống trà, ngắm lan nhà cháu thôi nhé!". Thành ra bây giờ tôi bắt đầu nghiện trà, khổ thế chứ!
Xin mời bà con thưởng thức tạm mấy giò lan mọn nhà tôi. Vẫn còn mấy giò đang nụ, nhưng thôi, chờ nó nở nốt thì lâu quá, đang có hứng đăng bài (!).
"Vườn" lan 1



 "Vườn" lan 2
Hoàng thảo kèn
Trầm. Năm ngoái chị Bình cho toi một mầm cây này, nhỏ xíu. Trồng mãi chẳng lớn, mà còn khô cong, teo tóp. Tôi tưởng chết rồi, định bỏ đi. Nghĩ tội nghiệp, tôi bỏ nó vào một chậu nhỏ, gác lên trên chậu có nước. Chỗ đó có nắng sớm, thế là nó lớn nhanh, lại ra được hai bông hoa thơm ơi là thơm. May quá, sau này mới biết cây này có giá 250k/mầm. Suýt nữa em nó đi tong, mà mình cũng suýt mất giò lan quý!



Hải yến
Ý thảo Mẫu Sơn, màu đậm hơn, cánh nhọn.
Thưởng thức hương lan
Ý thảo Mẫu Sơn
 Hoàng thảo dẹt Điện Biên 
Nghệ tâm


Kiều tím, năm nay giò này cho 7 vòi hoa.


Vẫn là kiều tím, chỉ thêm mấy em mèo.
Hoàng thảo Mùa Xuân


Bạch hỏa hoàng. Giò này là mua mớ về tự trồng, chủ vườn lan dọa: "Khó lắm đấy!". Thế mà ra hoa.
Long tu ...gì quên mất rồi. Mua trên Mộc Châu
Vẩy rắn, giò này cũng là tự trồng





Tự trồng, không nhớ tên (chỉ nhớ là họ nhà vanđa )
Ý thảo (bình thường hoa màu hồng, không hiểu sao giò này lại ra hoa trắng)
Ý thảo
Hỏa Hoàng


Hạc vỹ và Vẩy Rồng

Nghe nhạc "sống" cổ điển

Vốn thích nghe cổ điển, nhưng chỉ thường nghe qua dàn âm thanh hoặc nghe trực tuyến trên internet, đôi khi cũng được bạn bè gửi cho giấy mời nghe hòa nhạc cổ điển ở Nhà hát lớn nhưng vì nhiều lý do lại không đi (có lần "bận" nhâu...nặng). 
Hôm qua được VH K7 rủ đến trưởng Cao đẳng âm nhạc Hà nội nghe và xem biểu diễn tốt nghiệp hệ trung cấp piano của con gái VH. Cũng ít khi được nghe nhạc "sống" cổ điển, tuy trình độ biểu diễn của cháu chưa phải là nghệ sĩ, nhưng nghe "sống" nhận thấy cũng có nhiều xúc cảm hơn. 
Phần biểu diễn tốt nghiệp của cháu gồm 5 khúc trích trong các tác phẩm cổ điển, nhất là lại có cả khúc barcarolle trích trong tổ khúc bốn mùa của Tchaikovsky. Chúc mừng niềm vui của bạn.

Màn "tra tấn" Canon 7D

Không biết từ ngày có "con" Canon 7D, Tổng quản HT đã thử "tra tấn" nó như đoạn video của hãng tin DigitalRevTV dưới đây chưa? Tra tấn Canon EOS 7D (Số hóa - VnExpress).

Nguồn: You Tube

LỜI KÊU GỌI

Sáng ra nhận được điện thoại mắng xối xả: Sao ko đăng lời kêu gọi lên Uttroi? - Lập tức sửa chữa, đăng lên liền. So ri, so ri .... Nguyên văn thế này:
Xin trình AE đoạn phim sau đây sẽ là một phần trong phim “Khóa 6” và có thể cũng sẽ là một phần của phim “50 năm trường Trỗi” sẽ có trong thời gian tới.
Để phim sẽ là 1 ly bia mát lạnh chứ ko chỉ là ly nước lã sau chặng đường vượt sa mạc khô cằn , thì cái sắp tới sẽ là một thứ tạm gọi là phim (có động đậy), chứ ko phải chỉ có hình ảnh như “45 năm” và do vậy rất mong AE cung cấp cho các tư liệu của trường:
 - Tất cả các loại phim (có động đậy) từ băng video, băng hoặc đĩa máy quay phim hay các đoạn quay KTS bằng máy quay, bằng máy chụp hình, điện thoại hay bất cứ thứ gì với bất cứ chất lượng nào,
 - Và các tư liệu xưa thường là hình ảnh (ko động đậy) dù rách, mốc, ẩm … miễn là nhận ra là hình gì.
 Tư liệu xưa là tư liệu từ hồi vô trường Trỗi đến nay. Tất nhiên quan tâm nhất là thời ở trường và thời quân ngũ, đặc biệt là thời gian tham gia trực tiếp ở chiến trường. Ngoài ra, mong AE hết sức quan tâm tới tư liệu có liên quan tới các liệt sỹ và các bạn đã mất.
Nếu ko có gì bí mật, xin AE đưa các tư liệu lên 1 trong các blog Trỗi hoặc gửi vào địa chỉ hameok6@hotmail.com hay gọi 0903800763 kêu Hameo tới cho mượn khoảng vài phút rồi hoàn trả còn nguyên “zin”.
Mong AE xem thử đoạn phim sau và “ném đá” thử để tôi tự liệu sức mình có thể “sống” tới năm thứ 51 hay ko?!

Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

Cơ quan chống tham nhũng nên đặt ở đâu?

Không dưới một lần, đọc đâu đó trên blog này có ý kiến cho rằng: Út Trỗi không có "hơi thở của cuộc sống"...đây "hơi thở cuộc sống"! Mời các bác thở đi!

(Tamnhin.net) - ...Bởi Đảng vốn xưa nay chỉ lãnh đạo bằng CHỦ TRƯƠNG, ĐƯỜNG LỐI, Đảng không LÀM THAY, Đảng không phải là cơ quan HÀNH PHÁP, mà Ban PCTN dứt khoát phải là một Tổ chức có đầy đủ quyền lực pháp quyền, mới có hy vọng chống được bè lũ quan tham – GIẶC NỘI XÂM!..
 
Mới đây, ngày 11/5/2012, khi được phóng viên báo Đại Đoàn Kết hỏi: “Xin ông cho biết, quan điểm của cá nhân ông về mô hình tổ chức về phòng chống tham nhũng (PCTN) hiện nay?”, Viện sĩ Trương Công Phú, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Kinh tế – UBTƯMTTQ Việt Nam trả lời: “Các vụ tham nhũng tiêu cực thường xảy ra ở cơ quan Hành pháp là nhiều hơn. Ở các cơ quan Tư pháp cũng có nhưng ít hơn, còn ở cơ quan Lập pháp là ít nhất. Vì thế theo tôi nên để Quốc hội quản lý vấn đề phòng phòng tham nhũng. Và quan điểm của tôi là nên có một Ban có bộ máy giúp việc hoàn toàn độc lập nhưng trực tiếp phải do Chủ tịch Quốc hội phụ trách, hoặc là do một đồng chí trong Quốc hội có chức danh là Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách Ban này. Ban có bộ máy giúp việc hoàn toàn độc lập có nghĩa là các thành viên trong Chính phủ hay cơ quan Tư pháp không là thành viên trong Ban này để phòng chống tham nhũng được khách quan hơn”.

Phụ trách bộ máy chống tham nhũng nên là Chủ tịch Quốc hội (11/05/2012)

Tiếp đó, các cụ Lảo thành Cách mạng CLB Thăng Long (Hà Nội), nơi sinh hoạt của 1600 cán bộ hưu trí , nguyên là các cán bộ trung cao cấp ở các cơ quan Trung ương và Hà Nội nêu ý kiến: “… cần thành lập Ủy ban đặc trách PCTN quốc gia, độc lập với cơ quan Nhà nước, có quyền hạn và trách nhiệm cao, có hệ thống tập trung thống nhất ở Trung ương và các khu vực ”.

Cần thành lập Ủy ban đặc trách PCTN quốc gia, độc lập với cơ quan Nhà nước (15/05/2012)

Về vấn đề này, chúng ta còn nhớ: Vào năm 2005, khi Quốc Hội (Khóa XI, kỳ họp 8) chuẩn bị thông qua “LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG”, có Đại biểu đã đặt vấn đề không nên để Ban Phòng chống tha nhũng (PCTN) trực thuộc Chính phủ. Nhưng ông Chủ tịch QH lúc đó đã bài bác bằng luận cứ: “Đã giao CP chân ga thì phải giao luôn chân phanh”. Luận cứ đó thoáng nghe có vẻ dân dã và hợp lý, nhưng người ta đã quên rằng, đúng, đã là một cỗ xe hoàn chỉnh thì phải có đủ “chân ga”, “chân phanh”; nhưng một khi ý thức người tham gia giao thông kém, thì qua ngã tư, ngã ba, dù có đèn đỏ, họ vẫn chỉ dùng mỗi “chân ga” để vượt lên trước. Do đó, phải cần đến Cảnh sát (độc lập với người lái xe) trông coi việc thi hành pháp luật của các đối tượng tham gia giao thông, xử phạt những kẻ không chấp hành.

Cuối cùng, điều 73 Luật PCTN đã được thông qua.

Đến nay, Đảng quyết định đưa Ban PCTN về trực thuộc Bộ Chính trị, đã phần nào chứng minh cho điều “không nên vừa đá bóng vừa thổi còi” là hoàn toàn đúng đắn. Chỉ tiếc rằng, một chân lý đơn giản, dễ hiểu, dễ thấy như vậy, mà phải mất tới 7 năm (2005 – 2012) mới được công nhận!

Tuy vậy, quan điểm của các Cụ CLB Thăng Long: “… cần thành lập Ủy ban đặc trách PCTN quốc gia, độc lập với cơ quan Nhà nước, có quyền hạn và trách nhiệm cao, có hệ thống tập trung thống nhất ở Trung ương và các khu vực ”, vẫn cần được nghiên cứu. Bởi Đảng vốn xưa nay chỉ lãnh đạo bằng CHỦ TRƯƠNG, ĐƯỜNG LỐI, Đảng không LÀM THAY, Đảng không phải là cơ quan HÀNH PHÁP, mà Ban PCTN dứt khoát phải là một Tổ chức có đầy đủ quyền lực pháp quyền, mới có hy vọng chống được bè lũ quan tham – GIẶC NỘI XÂM!..
TRẦN HUY THUẬN

Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2012

Chuyện vụn.

Hôm 18/5/2012, viếng 2 đám tang tại nhà tang lễ BQP.
Buổi sáng, 9h15 đi viếng phụ huynh một anh bạn (không phải lính Trỗi), vừa vào cổng, có tiếng một phụ nữ hỏi phía sau.
- Anh ơi! hôm nay cần vòng hoa cho phụ huynh khóa mấy để em làm?
Quay lại, thì ra cô bán hoa tang quen mặt.
- Không! Cảm ơn, sáng nay chẳng khóa nào cả, nếu khóa mấy thì chiều nhé! Chiều anh Th đến, cô làm cho một vòng viếng phụ huynh khóa 8.
Buổi chiều, 14h là đám tang của mẹ Trọng Dương K8.
Mấy năm nay, nhiều phụ huynh Trỗi rủ nhau về với tiên tổ, đâm ra mấy cô bán hoa tang ở nhà tang lễ BQP, nhẵn mặt mấy anh BLL Trỗi, rồi biết cả trường Trỗi, thậm chí anh BT được cô này nhớ cả tên.
K8 chờ đến lượt vào viếng mẹ của Trọng Dương
Ảnh: NT Thái.