Qua TQ HT được biết Ts Đặng Kim Sơn (K6) cũng trồng rau sạch, không biết có kinh doanh cung cấp cho thị trường hay không? Nếu kinh doanh chắc Ts sẽ có nhiều khách hàng 'tiềm năng' từ hội BT. Trên Phụ nữ Today có bài trả lời phỏng vấn của Ts Đặng Kim Sơn liên quan đến vấn đề 'an toàn thực phẩm'...vấn đề này lại liên quan đến lĩnh vực của bác TN K4. Hãy xem Ts Đặng Kim Sơn nói gì.
TS Đặng Kim Sơn |
Không ai đánh giá xấu người có tiền?
PV:- Thời gian gần đây, báo chí liên tục đưa tin về thực phẩm “bẩn” như: rau phun thuốc kích thích, thuốc trừ sâu; thịt lợn, thịt gà thối được tẩm ướp hóa chất bày bán công khai tại các chợ... ông nghĩ sao về một đất nước nông nghiệp, sản phẩm tự mình làm ra mà đưa lên miệng nuốt không trôi, nơm nớp “ăn trong sợ hãi”?
Đặng Kim Sơn:- Rõ ràng đây là một điều rất phi lý khi trên một đất nước tự túc được lương thực, đứng thứ nhì thế giới về xuất khẩu gạo, đứng ở trên những mức rất cao trên thế giới về café, điều, hồ tiêu, chè, cao su…, người dân càng ngày càng không yên tâm về thứ mình ăn hàng ngày.
Nhìn từ phía người nông dân, họ vốn rất chất phác, cần cù, tử tế. Nhưng hiện giờ, rất nhiều người có tâm lý, trồng riêng cho nhà một luống rau, còn chỗ bán cho người khác thì áp dụng những biện pháp chăn nuôi không đảm bảo và bản thân họ không dám ăn sản phẩm đó. Người chăn nuôi cũng vậy. Ở đây, chúng ta đang đối diện với một hiện tượng không bình thường, thậm chí phi lý với bản chất của người nông dân Việt Nam.
PV:- Ai cũng nói được câu “cái gì mình không muốn thì đừng đem cho người khác” nhưng những hành vi ứng xử, trên thực tế như thực phẩm “bẩn” mà chúng ta đang nói, lại hoàn toàn ngược lại: Bán cho người cái mà ta kinh sợ, ghê rợn.... Điều gì đã khiến cho những người nông dân, bản chất vốn chất phác, tử tế lại hành xử phí lý như vậy?
" Khi cơ chế thị trường có mặt và đang không hoàn chỉnh, mọi giá trị đã và đang bị thay đổi. Phần đông chỉ nhìn thấy giá trị của đồng tiền. Người có tiền thì có quyền lực, tình cảm, lợi thế... Trong làng, trong xã, người nông dân nhìn thấy người làm ăn không chính đáng được tôn trọng, được coi là thành đạt, còn người tử tế, cần cù thì không được như vậy. Thước đo giá trị và van điều khiển về đạo đức, lương tâm của con người thay đổi. Chuyện này không chỉ diễn ra ở nông thôn." TS Đặng Kim Sơn |
Đặng Kim Sơn:- Sự hỏng hóc, biến dạng về tổ chức thể chế và tâm lý trong xã hội có thể là nguyên nhân của cách hành xử đó. Trước hết, về tổ chức thể chế, người nông dân thấy họ không nhận được lợi ích cân bằng với người đô thị. Người đô thị đang được hưởng quá nhiều lợi thế, họ có thể gây hại cho nông thôn mà không gặp rào cản nào. Ví dụ, họ có thể đưa rác, đưa nghĩa trang, đưa nhà máy, đưa tệ nạn về nông thôn. Họ có thể lấy đất của người nông thôn đi.
Trong khi người nông thôn vào đô thị bán hàng rong, đạp xích lô, chở xe ôm... đều có thể bị chặn, bị phạt, bị tước đoạt công cụ lao động. Con em người nông thôn đi làm ở đô thị, xây dựng những thứ tốt đẹp cho đô thị nhưng thực tế, họ nhận được mức thu nhập thấp (so với thu nhập trung bình của đô thị), sống ở những chỗ chật chội, không được nhập hộ khẩu... Mối liên kết giữa đô thị và nông thôn bị cắt rời, trong đó, người nông dân thấy phần thiệt thòi thuộc về mình.
Mặt khác, khi cơ chế thị trường có mặt và đang không hoàn chỉnh, mọi giá trị đã và đang bị thay đổi. Phần đông chỉ nhìn thấy giá trị của đồng tiền. Người có tiền thì có quyền lực, tình cảm, lợi thế... Trong làng, trong xã, người nông dân nhìn thấy người làm ăn không chính đáng được tôn trọng, được coi là thành đạt, còn người tử tế, cần cù thì không được như vậy. Thước đo giá trị và van điều khiển về đạo đức, lương tâm của con người thay đổi. Chuyện này không chỉ diễn ra ở nông thôn.
Cho nên, thuốc kích thích tăng trưởng, phân hóa học... trở thành công cụ lợi hại cho người nôgn dân đạt đến mục tiêu làm giàu. Đối với họ, miễn là sản xuất được nhiều, rẻ, nhanh, bán giá cao vì họ thấy, không ai đánh giá xấu người có tiền cả.
| ||
Chạy đua về đáy
PV:- Cho nên, giả sử có những người tử tế, họ trồng rau sạch, nuôi và bán thịt gia súc gia cầm sạch thì với thực tế hiện nay, họ sẽ không thể cạnh tranh nổi về giá, hoặc người dân cũng hoang mang không biết đó có thật là sản phẩm sạch?
"Người làm ăn tử tế không cạnh tranh được, làm ăn thiếu đạo đức dễ dàng và thành đạt hơn, những hiện tượng đó sẽ dẫn tới hệ quả là, người ta tranh nhau xấu, không xấu hơn thì cũng phải xấu bằng người khác." TS Đặng Kim Sơn |
Đặng Kim Sơn:- Trong thị trường hoàn chỉnh, tiền nào của đấy. Nếu người ăn chấp nhận giá rẻ, chất lượng không cao, vệ sinh không chuẩn nhưng đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng, nhu cầu năng lượng thì người sản xuất sẽ tiến hành sản xuất hàng loạt, sản xuất với giá rẻ nhất, lấy năng suất và sản lượng để bù vào chất lượng, cạnh tranh bằng giá.
Ngược lại, nếu người tiêu dùng muốn có sản phẩm chất lượng cao, không chỉ vệ sinh an toàn mà còn ngon, bảo vệ môi trường, đảm bảo các yêu cầu về đạo đức xã hội và họ chấp nhận giá mua cao thì người bán phải đầu tư tương ứng để đáp ứng yêu cầu tất cả những yêu cầu nêu trên.
Hiện tượng mà người ăn, người mua muốn trả đắt để có sản phẩm an toàn nhưng cũng không biết mua được ở đâu và người sản xuất chấp nhận điều kiện khó khăn làm ra sản phẩm an toàn nhưng cũng không biết bán ở đâu chứng tỏ thực tế là, chúng ta đang có một thị trường không hoàn chỉnh hay nói cách khác, một thị trường đứt đoạn, người mua và người bán không gặp nhau, ở giữa có một khoảng trống không đáng tin cậy, quan hệ giữa người mua và người bán là quan hệ ngắn hạn. Trong lý thuyết thị trường, người ta gọi đó là thị trường thất bại.
Tại sao vậy? Nguyên nhân thứ nhất có thể do hệ thống phân phối của chúng ta quá thô sơ. Người bán bán ngay tại nhà, người trung gian đến mua, bán cho người tiêu dùng. Không có chuỗi ngành hàng đáng tin cậy, không có bao bì đóng gói, không có thương hiệu. Trong khi, các chợ của chúng ta gồm những quầy hàng không địa chỉ, nguồn gốc xuất xứ, không liên hệ gì với nhau.
Nguyên nhân thứ hai là tổ chức của người sản xuất quá thô sơ. Họ sản xuất nhỏ lẻ, không chuyên nghiệp, không bằng cấp, không quy định, không hiệp hội, không tổ chức… Người mua cũng vậy, bạ đâu mua đấy, nhỏ lẻ, manh mún và tạm thời. Đó là mối quan hệ kiểu làng xã nhưng đã được nhân lên cấp quốc gia. Chúng ta đi vào một nền sản xuất lớn nhưng cách thức tổ chức, thể chế vẫn còn nông dân nên đã dẫn tới những hiện tượng bất bình thường như vậy.
PV:- Như ông phân tích, tổ chức thể chế và tâm lý xã hội méo mó, thị trường không hoàn chỉnh sinh ra những hiện tượng "làm giàu bằng mọi giá", "sống chết mặc bay"... Vậy những hiện tượng đó sẽ dẫn chúng ta tới đâu?
Đặng Kim Sơn:- Người làm ăn tử tế không cạnh tranh được, làm ăn thiếu đạo đức dễ dàng và thành đạt hơn, những hiện tượng đó sẽ dẫn tới hệ quả là, người ta tranh nhau xấu, không xấu hơn thì cũng phải xấu bằng người khác. Rồi những người tử tế cũng dần dần phải nhắm mắt chấp nhận.
Kinh tế học có khái niệm "chạy đua về đáy", trong trường hợp cạnh tranh xấu, không có các yếu tố ràng buộc, kiểm soát, không bị trừng trị, những người khác bắt buộc phải áp dụng các biện pháp đó theo. Kết quả là thị trường đổ vỡ. Khi đó, tất cả đều chịu thiệt nhưng không tránh được.
Hay cơ hội làm giàu?
Thịt gà bẩn bán rẻ như rau tại Hà Nội |
PV:- Ở một chiều khác, sẽ có người cho rằng “người sao ta vậy” và thích ứng với cái sự ăn “bẩn” như một biểu hiện tâm lý bầy đàn: tất cả đều thế, nếu có sao thì tất cả cùng bị chứ chẳng riêng mình. Họ nói như thế là vì không thể chống đỡ được nên buông xuôi mọi sự hay là chúng ta có thói quen ăn “bẩn”, hay còn vì những nguyên do nào khác, thưa ông?
Đặng Kim Sơn:- Vì họ không biết. Họ chưa nhận thức được rằng, cái bẩn bây giờ khác hẳn với cái bẩn ngày xưa. Ngày xưa cùng lắm là Ecoli, thuốc trừ sâu, ngộ độc xong là hết. Bây giờ là kim loại nặng, là chất kích thích sinh trưởng khi tích lũy trong cơ thể có thể gây ung thư.
Thứ nữa, cũng vì họ bất lực, họ nghèo, họ không có phương tiện gì để chống đỡ. Người giàu thì đơn giản hơn, có thể họ tự trồng rau, có thể ăn rau nhập khẩu.
PV:- Để khắc phục tình trạng này, chúng ta phải làm những gì và bắt đầu tư đâu, thưa ông?
Đặng Kim Sơn:- Tư duy phổ biến hiện nay sẽ là "các cơ quan chức năng vào cuộc". Người ta trông chờ vào trách nhiệm của Nhà nước. Nhưng ngay trong trường hợp Nhà nước chưa hiệu quả, xã hội vẫn đứng lên được.
Nói về tình trạng thực phẩm bẩn hiện nay, về khía cạnh thị trường, đây thực sự là cơ hội làm ăn hiếm có. Thị trường của chúng ta đi quá nhanh, phân cấp thị trường đi quá nhanh, cần có sự tổ chức ở cả đầu cung và đầu cầu. Ví dụ đầu cung, nông dân tổ chức thành những tổ nhóm. Trong tổ kiểm soát lẫn nhau, chia sẻ quyền lợi chung. Đầu người bán cũng thế. Có chuỗi cửa hàng, cùng chung tiêu chuẩn, nguồn gốc sản phẩm, giá cả, có mối liên hệ khăng khít về mặt lợi ích... Khi đó, bên ngoài càng mắc lỗi, chuối cung cầu khép kín đó càng có nhiều khách hàng, càng có lợi nhuận cao.
Thứ hai, đối với người làm xã hội dân sự, cho dù xung quanh xấu, họ vẫn có thể tổ chức được mạng lưới tốt, ví dụ, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Người ta vẫn nhắc đi nhắc lại câu chuyện 5 Bộ không lo được một mâm cơm như minh chứng về sự chồng chéo, không hiệu năng của quản lý Nhà nước. Câu chuyện sẽ đơn giản hơn nhiều nếu có Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đủ mạnh và được toàn quyền. Họ không cần có chuyên môn, mà điều phối, thuê người có chuyên môn tới kiểm tra thực phẩm. Họ sẽ có tiếng nói khách quan độc lập, thực sự vì người tiêu dùng và được người tiêu dùng ủng hộ, vì đó là những người do họ bầu ra. Khi đó, sức mạnh của thị trường sẽ vận hành, loại trừ những hành vi sai trái, vi phạm đạo đức.
Sự méo mó về đạo đức cũng là câu chuyện của xã hội dân sự. Dó là vai trò của người tuyên truyền, media, báo chí… Hãy nói về những câu chuyện tốt đẹp, những giá trị cao hơn giá trị đồng tiền, những nhà sư hãy nói về giá trị đích thực của cuộc sống, về sự trừng phạt tinh thần nếu hành xử trái với đạo đức xã hội. Thang đạo đức xã hội là việc của cộng đồng, của toàn xã hội. Ở đây, Nhà nước chỉ cần phải đảm bảo rằng, pháp luật đồng bộ với đạo đức, pháp luật sẽ bảo vệ người tốt, nghiêm trị những người xấu, hành vi xấu.
PV:- Nghĩa là bắt đầu từ mỗi cá nhân?
Đặng Kim Sơn:- Chuyện ăn uống là chuyện hàng ngày, từng cá nhân từng cộng đồng có thể tự xử lý được. Ví dụ, chỉ cần một làng kiên quyết không dùng thuốc kích thích tăng trưởng với cây trồng, vật nuôi thì người dân làng đó sẽ có thực phẩm sạch.
Hay từng cá nhân tự trồng rau, nuôi gà. Nhà tôi cũng có một vườn rau hữu cơ, mỗi chủ nhật tôi lên hái phát cho cả họ. Cả họ dùng không hết, tôi rủ những người có trang trại trồng rau hợp thành công ty. Rồi chúng tôi cùng xây dựng một hợp tác xã trồng rau hữu cơ, hợp tác với một công ty làm hệ thông phân phối. Sắp tới, tôi sẽ tổ chức trồng lúa, nuôi gà lợn, làm nước mắm... Làm gì bây giờ cũng sẽ thắng.
Có điều, mình nhìn thấy cơ hội nhưng năng lực có hạn. Tôi chỉ tổ chức được một xóm trồng rau hữu cơ, ngày cung cấp được khoảng hơn trăm cân rau sạch cho Hà Nội thì có thấm tháp gì. Lợi thế so sánh của Việt Nam là nông nghiệp, tôi hi vọng nhiều người sẽ đứng lên tham gia tổ chức người dân làm giàu chính bằng nông nghiệp.
- Hoàng Hạnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét