Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

BAO GIỜ DÂN ĐƯỢC YÊN THÂN?

LÊ THANH DŨNG
Thư gửi Thủy sau chuyến thăm Trung Quốc

Mình vừa đi Trung Quốc về, Thủy hỏi Trung Quốc có gì mới lạ. Mình ghi lại mấy cảm nhận ban đầu.

Như Thủy đã biết, hơn nửa thế kỷ trước mình đã đến Trung Quốc. Khi đó đối với mình-đứa bé mười bốn tuổi, nước Trung Hoa mới cái gì cũng hay cũng đẹp, người Trung Quốc ai cũng tử tế nhân hậu. Chân tình lắm, cảm động lắm … Thế rồi mình học ở đó hàng chục năm, học được nhiều kiến thức khoa học kỹ thuật và vỡ ra nhiều về nhân tình thế thái, các thầy các bạn, những con người cụ thể, đáng yêu đồng thời cũng là nạn nhân của hàng chục “cuộc vận động chính trị” mà nội dung là đấu tố, hành hạ về tinh thần và thể xác con người. Cách nhìn Trung Quốc của mình khác dần đi cho đến năm 1979 sau cuộc xâm lược trắng trợn của bọn con cháu Mã Viện, Vương Thông thì chẳng còn gì tốt đẹp nữa. Biết làm sao, một người yêu Tổ Quốc mình yêu nhân dân mình, có thể có cách nhìn nào khác đối với kẻ giết dân mình, cướp nước mình ngoài sự ghê tởm và căm thù, ít ra là đối với cái chế độ đó.

Kể ra thật là may mắn mình được học tiếng Trung quốc để được hiểu thêm nền văn hóa vĩ đại của dân tộc Trung hoa. Mình đã nhiều lần quay trở lại đất nước này. Mình đã từng nằm ngủ trưa trên bãi cỏ dưới bóng cây bên mộ Khổng tử; leo lên đỉnh núi Thái Sơn, từ đó nhìn xa xa như thấy các anh hùng Lương Sơn Bạc trong Thủy Hử; đã đến thăm nhà Đỗ phủ, viếng mộ Lưu Bị, dạo chơi Xích Bích, lên Hoàng Hạc Lâu “của Thôi Hiệu”; thăm tượng Nhạc Phi có vợ chồng tên quan thượng thư gian hùng Tần Cối bị trói quỳ trước mặt, nguồn gốc của câu chuyện cái bánh “quẩy”; lên thành Kinh Châu “của Lưu Bị-Gia Cát Lượng”; thăm nhà tắm của Dương Quí Phi-Đường Minh Hoàng, đến Trùng Khánh thăm nhà vợ chồng “Tưởng thống chế” và Tống Ái Linh; đêm ngủ ngày chơi trên tàu thủy nội thất như khách sạn, trôi trên Trường Giang-Dương Tử Giang bồng bềnh giữa đập Tam Hiệp đang xây (và theo ý kiến của nhiều nhà khoa học Trung Quốc, nó đang và sẽ là mối họa lớn của Trung Quốc trong tương lai). Mình đã ở nhiều năm ở Nam Kinh, tức Kim Lăng, nơi diễn ra câu chuyện để thành cuốn tiểu thuyết “Kim Lăng Thập Tam Thoa” mình vừa dịch đầu năm 2012 này, cuốn sách vừa mới được phát hành ở Việt nam.

Thủy là đạo diễn điện ảnh nên mình xin phép sa đà một chút, cuốn phim cùng tên đang được chiếu ở Trung Quốc là cuốn phim có đầu tư lớn nhất, tác giả kịch bản phim không phải ai khác, chính là Nghiêm Ca Linh tác giả văn học của cuốn tiểu thuyết. Thực hiện cuốn phim là đạo diễn gạo cội Trương Nghệ Mưu. Ông nói: Trong mấy chục năm làm nghề, đây là kịch bản tôi ưng ý nhất. Diễn viên chính là Christian Bale, ngôi sao Oscar người Mỹ; ông nói: Tôi đánh cược cả sự nghiệp của tôi vào cuốn phim. Sự thành công tuyệt vời của vai diễn chứng tỏ ông đã làm đúng. Mình xin nói thêm, mình đã dịch hơn chục cuốn tiểu thuyết trong đó “Kim Lăng Thập Tam Thoa” là cuốn tiểu thuyết mình thấy thú vị nhất và dịch nhanh nhất.

Quay trở lại chuyến đi vừa qua. Mình không phải nhà xã hội học để có thể phân tích mọi yếu tố của một nhà nước, một thể chế chính trị; càng không phải nhà ngoại giao để lựa lời cho khéo, cho đúng chỉ đạo theo tinh thần “16 chữ vàng”, mình cũng chẳng hiểu gì về cái gọi là xây dựng chủ nghĩa xã hội theo đặc điểm Trung Quốc cũng như nền kinh tế thị trường “theo định hướng xã hội chủ nghĩa” của Việt nam ta – tuy vậy mình và chắc nghệ sĩ nhân dân đạo diễn Trần văn Thủy và cả cái hội MT (Mày Tao chứ Minh Triết quái gì!) cũng chẳng buồn lòng về điều đó vì cả nước mình cũng chẳng ai hiểu nó là cái gì, kể cả những người “đẻ” ra nó, nghe đâu họ còn “đang trăn trở”. Nhớ câu các cụ nói mà thấy được an ủi: “Toét mắt là tại hướng đình, cả làng toét mắt riêng mình em đâu!”

Mình chỉ kể lại đôi điều cảm nhận riêng sau chuyến đi Trung Quốc tháng 4, tháng 5 vừa qua. Một chuyến đi không phải tour du lịch mà là trong khuôn khổ một chương trình hợp tác khoa học kỹ thuật.

1. Mức sống:

Cảm nhận đầu tiên là mức sống của nhân dân Trung Quốc khá cao, nhà nước họ đã thực hiện được một điều mà ta cứ kêu gào hơn nửa thế kỷ mà chẳng làm được tý gì. Đó là Dân giàu Nước mạnh. Mình đã từng ở Trung Quốc vào cái thời họ chết đói hàng chục triệu người. Vậy mà bây giờ hơn tỷ dân no nê, cả một vùng lớn phía bắc hầu như không trồng trọt được gì vì đất đai khô cằn, tất nhiên họ phải nhập thực phẩm lương thực hằng năm, muốn vậy phải có rất nhiều tiền.

Lương cao, giá hàng tiêu dùng rẻ. Sinh viên mới tốt nghiệp chưa được xét tuyển chính thức hưởng lương một ngàn tệ (3 triệu VNĐ). Sau khi được tuyển chính thức được tăng lên khá nhiều và tùy theo chỗ làm.

Tất cả những người mình có quan hệ trong công việc, kể cả cô gái vừa tốt nghiệp đại học hai năm nay đều đi làm bằng ô tô riêng. Những người trí thức bình thường, thí dụ như giáo viên có thể sống thoải mái với đồng lương hưu khoảng sáu ngàn tệ (mười tám triệu VNĐ), hàng hóa, lương thực thực phẩm rẻ hơn ở ta.

Về tinh thần, những người thuộc lớp già cũng nhắc đến Cách mạng văn hóa, đến vụ Thiên an môn- những sự kiện lịch sử đẫm máu và đầy những bi hài kéo lùi lịch sử Trung Quốc nhiều thập kỷ, nhưng họ nhắc vậy như nhắc lại chuyện đã qua, là khúc đường cụt lẽ ra không nên đi vào đấy. Nhiều người cho rằng cuộc sống hiện tại là tốt đẹp, thế là đủ. Còn ở ta, đời sống vật chất của đa số nhân dân đã đến mức cùng quẫn (thử hỏi các bà đi chợ xem). Người có đồng lương ít ỏi đã đành, người không lương sống thế nào? tất tật từ mớ rau miếng đậu cũng tăng giá theo xăng, theo điện “của nhà nước”. Nhà nước do dân vì dân dẫn đầu việc tăng giá thì trông cậy vào đâu. Các chính sách liên quan mật thiết đến sự sống còn của dân được đưa ra như trò chơi. Nhân cách và đạo đức xã hội của một bộ phận không nhỏ, kể cả những người cầm cân nảy mực, sa sả nói đạo đức Hồ Chí Minh ngày càng sa đọa. Đọc tên các vụ án giết người đầy rẫy trên các báo “chính thống”, báo mạng (cũng chính thống) đã đủ sởn tóc gáy. Và từ đó không tránh khỏi sự liên tưởng của nhiều người: Vậy thì xương máu ba đời đổ ra để giành được cái xã hội thế này à?

Đi trên đường phố Trung Quốc thỉnh thoảng lại gặp những khoảng trống đặt các dụng cụ tập thể dục, sạch đẹp và loáng thoáng có người tập. Trong các công viên có nhiều đám người trẻ già múa hát, tập thể dục theo nhạc, không phải chỉ có buổi sáng, mà bất cứ lúc nào trong các ngày nghỉ; có những người đem theo xô nước lã và chiếc bút to bằng cái chổi để luyện chữ và để giải trí, viết đến đâu khô đến đó và không để lại vết tích gì. Cuộc sống tinh thần của họ thoải mái, tuy nhiên mình cho là khá đơn điệu.

2. Chính trị

Là một quốc gia đông dân nhưng sự chuyển động tư tưởng chủ đạo của họ khá linh hoạt, hợp thời thế và tất nhiên theo xu hướng lợi ích dân tộc ích kỷ của họ. Còn ở ta tư duy cũ kỹ hàng nửa thế kỷ, kiểu như Việt nam rủ Cu Ba tiếp tục canh giữ cho Hòa Bình thế giới trong khi Cu Ba “bỏ gác” về đi ngủ lâu rồi. Ở Trung Quốc không hề thấy bóng dáng khẩu hiệu “Đảng Cộng Sản Trung Quốc quang vinh muôn năm” ở đâu cả. Quang vinh hay không nó thể hiện ở xã hội, ở tâm tư người dân chứ không treo lơ lửng trên xà ngang. Xã hội Trung Quốc có vẻ vững chãi chuyển động theo hướng quốc hội đề ra. Ở ta thì khác, cái dân giàu nước mạnh dân chủ văn minh gì gì đó nêu lên là vậy nhưng xã hội cứ lùi lũi đi theo hướng khác, hướng kiếm chác cao nhất của các nhóm lợi ích; tầm “nhìn xa trông rộng” cũng như cái gọi là kế hoạch “dài hơi” được đo bằng nhiệm kỳ. Tư tưởng lạc hậu hàng thế kỷ vì theo cách cha truyền con nối, một người làm quan cả họ được nhờ.

Trung Quốc cũng đầy những vụ tham nhũng chấn động xã hội nhưng họ xử rất nghiêm.

Trung Quốc có một nhà nước độc đảng độc tài, họ bóp nghẹt tự do dân chủ bóp nghẹt tiếng nói của những nhà trí thức, của những văn nghệ sĩ, những người nhạy cảm và coi tự do là lẽ sống, là trên hết. Nhà nước đàn áp dã man và khốc liệt với các cộng đồng người dân tộc khác, tàn sát người Tây Tạng, người Tân Cương đòi độc lập, đưa người vào Hán hóa cộng đồng của họ; tàn sát và lấy nội tạng những người theo Pháp Luân Công, kể cả những Hoa kiều, khách du lịch về nước tập Pháp Luân Công (!) Nhưng mặt khác họ nâng cao mức sống vật chất và tinh thần của đại đa số dân, làm như vậy chừng mực nào đó họ đã “cách ly” những người đấu tranh cho tự do, cho một cuộc sống tinh thần đúng nghĩa khỏi cộng đồng nói chung.

Ở ta, cả vật chất và tinh thần đều ngày một nghèo nàn, bày đặt nhiều trò lố, kiểu như cấy tim vàng cho thánh Gióng và cho ngựa của ngài. Chẳng cần biết đụng vào thánh như vậy có bị thánh vật không; hình như là thánh vật rồi đó. Ngay cả chữ nghĩa cũng khô cằn rỗng tuếch và giả dối. Cứ lên TV là thấy “nhất trí cao, đồng thuận…”, mặc dù chưa bao giờ có cuộc trưng cầu ý dân của một cơ quan độc lập nào, chĩa micrô vào miệng ai đó là thấy bật ra mấy chữ “tin tưởng, phấn khởi…”

Trung Quốc giáo dục nhân dân theo hướng dân tộc chủ nghĩa, theo tư tưởng nước lớn và hiếu chiến; dân chúng có vẻ rất đồng tình. Trên một tờ báo cuối tháng 5 mình đọc mấy cái tít: Chỉ cần 100 quả tên lửa sẽ tiêu diệt hoàn toàn nước Mỹ; Mỹ không dám can thiệp vào biển Đông vì sợ Trung Quốc; Philippin châu chấu đá xe, dựa vào đâu mà kêu gào? …Một xã hội định hướng tư duy cho nhân dân như thế không thể nói là một xã hội tiến bộ.

3. Quản lý xã hội.

Trung Quốc nổi tiếng xưa nay về…nhếch nhác, vậy mà bây giờ đâu cũng sạch bong. Bất kể ở đâu, không hề có bóng dáng người bán hàng rong, không có hiện tượng chèo kéo khách, vứt rác ra đường. Công viên sạch sẽ không chút rác bẩn không thấy bóng dáng những kẻ càn quấy, những chuyện xô xát.

Những cây cổ thụ mọc thành rừng ngay trong các thành phố vùng phía nam, xe hơi lao đi vun vút trên những đại lộ cao tốc xuyên rừng! Nhà cao tầng đã nhiều nhưng cây trong thành phố còn nhiều hơn. Bảo rằng đi giữa phố hay đi giữa rừng đều đúng! Có người nói vui, lâm tặc bên ta sao không sang đây mà làm ăn; có người lại bảo, ở ta, thành phố mà cây cối rậm rạp thế này công an khoái lắm vì dễ núp để rình phạt vạ kiếm ăn và cũng dễ “điều đình” với người phạm luật. Không thể tưởng tượng xe lao vun vút thế kia mà mặt đường lại có những hố tử thần như ở giữa thủ đô ta.

Họ đi moi móc tài nguyên nơi khác, ở châu Phi ở Tây nguyên nước ta, để dành những tài nguyên thiên nhiên trong nước cho con cháu. Ngay cả mộ 6000 lính đất nung của Tần Thủy Hoàng, họ cũng chỉ bới lên một phần để sửa sang cho khách du lịch xem, còn bảo quản nguyên trạng cho con cháu khai thác vì phát hiện thấy màu sắc xanh đỏ bị bạc đi sau khi xuất thổ.

Cách quản lý của Trung Quốc đơn giản, là quy trách nhiệm rõ ràng và phạt rất nghiêm. Những nhà quản lý ở ta điều biết nhưng không làm nổi cả điều đơn giản đó. Ta chỉ biết bài ca truyền thống: “xử nghiêm theo pháp luật, xử đúng người đúng tội” bức xúc quá thì “quyết liệt” và…liệt luôn.

Nhân chuyến đi này mình đã đến xem một cơ sở sản xuất một thiết bị chuyên dùng nặng tạ rưỡi, khi di chuyển phải dùng tời điện, một người không làm nổi. Nhưng khi điều chỉnh thì chỉ có một người làm chính và chỉnh xong thì phải gắn nhãn có tên mình! Một cái rơ le điện nhỏ cầm được trên tay từ xưởng sản xuất ra cũng có tên người kiểm tra sản phẩm. Dùng lâu rồi, kiểm tu định kỳ, lại có tên người kiểm tu trên cái tem nhỏ dán vào cái rơ le đó.

Từ việc to nhất đến việc nhỏ nhất đều có người phải đứng ra lãnh trách nhiệm. Ở ta, cái nắp cống cũng bị mất cắp và cái lỗ để đó hàng nửa năm, ai rơi xuống thì tự chịu. Mọi cơ quan nhà nước đều vô can. Trung Quốc không hề “xã hội hóa” trách nhiệm. Nếu có trách nhiệm nào được coi là trách nhiệm của “các cấp các ngành”, là “không đồng bộ”, là tại “cơ chế”, kiểu như ta hay nói thì đó là trách nhiệm của chính phủ, là trách nhiệm của đích danh thủ tướng, không của ai khác cả. Thủ tướng phải kiểm điểm, phải cách chức bộ trưởng hay chính mình từ chức, phải nhận trách nhiệm, và trách nhiệm gì, nói cho rõ, chứ không nhận trách nhiệm khơi khơi.

Quản lý đô thị và quản lý nhà nước mà giải quyết không nổi vài chuyện vặt vãnh như chuyện xe dù, chuyện đinh tặc. Mấy chuyện ba lăng nhăng nói từ thế kỷ này sang thế kỷ khác vẫn không cũ thì nói gì đến chuyện lớn lao hơn như chống tham nhũng, vấn đề giáo dục, vấn đề quốc kế dân sinh.

Xã hội nào cũng có những điểm tối, những tệ nạn nhưng cách đánh giá đơn giản tài năng của nhà quản lý là sự chuyển biến của chúng như thế nào, tăng lên hay giảm đi.

Vậy có thể nói cách quản lý của Trung Quốc rất giỏi, còn ở ta: Xin hỏi: nạn phá rừng, đĩ điếm, nghiện hút, cờ bạc, trộm cắp, giết người, tống tình, tống tiền, tham nhũng, chạy án, chạy chức, chạy quyền, chạy trường, chạy lớp, thậm chí chạy ghế ngồi trong lớp, chạy điểm, chạy cả huân chương… trong những năm gần đây đang giảm đi hay đang tăng lên? Dân đánh giá nhà quản lý qua đó, vậy thôi, rất tiếc nhà quản lý lại giải thích quanh co thậm chí dạy lại dân phải thế nọ thế kia. Cứ kiểu quản lý thế thì xã hội đang và sẽ còn là cái đống rác.

Có một dạo nhà nước yêu cầu rất ngặt nghèo các cửa hàng phải niêm yết giá hàng. Bây giờ nghe nói, có một “hệ thống” các giá vượt tầm quản lý của Ủy ban Vật giá: đó là giá các loại ghế: Bộ trưởng giá bao nhiêu, bí thư, thành ủy viên giá bao nhiêu, mới đây nghe nói còn có chức thứ trưởng dự bị, tức có thời gian thử thách (chẳng hiểu thử thách năng lực hay thử thách sự lễ độ tức độ lễ), hệ thống giá bao trùm tất tật mọi cấp, công an đứng đường đắt hơn công an trong nhà. Báo còn đưa tin bố con nhà nào đó bị bắt vì tội cướp hòm phiếu bầu…tổ trưởng thôn vì thấy “nhà mình” sắp mất ghế! Vậy giá ghế tổ tưởng thôn là bao nhiêu?

Ở Trung quốc có mua quan bán chức không? Có phải đút lót để được một cái gì mình muốn không? Có cầu tất có cung và phải có tiền. Tất nhiên Trung Quốc cũng có nhưng nó kín đáo hơn, “biết sợ” hơn, nó không tràn lan, không tủn mủn vặt vãnh và không phơi bày trắng trợn. Ở ta, ai cũng thấy tận mắt được việc “xã hội hoá đút lót” dưới mọi hình thức, đến nỗi hầu như ai cũng vừa là tòng phạm vừa là bị hại. Nếu nói bỏ tiền để “xin” cho con vào mẫu giáo, vào lớp một là phạm tội đút lót, không biết có quá lỡ lời hay không?

4. Tự do:

Vấn đề lớn quá, không biết bắt đầu từ đâu. Chỉ tạm nói thế này: Trung Quốc quản lý dân như ông bố thương con nhưng rất gia trưởng quản lý gia đình: Ăn no mặc đủ, biết nghe lời thì sướng, hư thì ăn đòn. Phải biết nghe lời, khi bố hô đánh láng giềng là phải đánh măc kệ ở đó có bạn thân chúng mày. Trong đám con có đứa không hư nhưng nghịch ngợm ham vui, thế là không được, ăn nói linh tinh, nghĩ ngợi linh tinh, lắm ý kiến ý mối là ăn đòn.

Nếu Việt nam là một gia đình thì ông bố chọn cách quản lý dễ làm nhất là cấm tất. Nhưng thằng nào làm gì thì cứ làm vì ông bố chẳng nhớ nổi mình đã cấm những gì và điều cấm nào đã bỏ. Thế là ông bố đơn giản mức nữa cho dễ “quản lý”. Ông cho sống tùy thích, đánh nhau, phá phách đồ đạc, bới tung vườn tược, nhà cửa, mặc kệ. Ông chỉ cấm tiệt và chăm chăm phạt hai tội, một là to tiếng chửi bố, hai là làm mất lòng thằng cha láng giềng to khỏe.

Nói vậy cho vui chứ ví von bao giờ cũng khập khiễng, tỷ như nếu Việt nam là một gia đình thì chẳng phải, vì gia đình nào lại được quản lý bởi mấy ông bố “tập thể”!

Về tự do thì vô cùng. Có thể tự tiện xông vào một cơ quan chửi bới đập phá đốt đồ đạc sách vở của người ta hay không? Có thể tụ tập dăm bảy người bạn ngồi chơi ở bờ hồ nhất là vào ngày chủ nhật và lại hứng lên mang theo cờ tổ quốc mình hay không? Chả hiểu cái gì được làm và cái gì không được làm.

5. Xu thế:

Có lần mình nói vui rằng dân ta đừng đấu tranh dân chủ cho ta, tù tội mệt lắm, nên tập trung đấu tranh cho dân chủ ở…Trung Quốc. Ta sẽ được ăn theo, vì kiếp nạn dân tộc mình chỉ có ăn theo thôi. Chua chát lắm.

Nói vậy thôi. Nếu Việt nam có tiến bộ về tự do thì là do xu thế của thời đại và ảnh hưởng của thế giới. Trung Quốc bao giờ cũng lấy sự kìm hãm, phá hoại Việt nam làm quốc sách. Đồ ăn ôi thối độc hại ùn ùn trút sang Việt nam có thể đổ cho thương lái nhưng tiền giả đổ sang ta bấy lâu thì do ai in? Trung Quốc quản lý tài giỏi thế mà không cấm nổi mấy vụ thu mua rễ hồi sừng trâu, móng trâu, bán vũ khí gây án, phân hóa học giả làm hại người bạn truyền thống hữu nghị lâu đời sao? Chính hắn là thủ phạm chứ ai! Nếu cứ miễn cưỡng coi Trung Quốc là bạn thì không bao giờ là bạn tin cậy cả. Ông cha ta dạy thế, đừng đòi khôn hơn ông cha mà thành kẻ mất dạy.

Trung Quốc rắp tâm kìm hãm Việt nam, muốn Việt nam luôn luôn trong tình trạng nghèo nàn về kinh tế, bất ổn về chính trị xã hội. Họ nghĩ, như vậy những người lãnh đạo Việt nam sẽ luôn luôn bị dân xa lánh, phải phụ thuộc vào họ, để cho họ ép thực hiện những gì họ muốn.

Trung Quốc thật lòng muốn Việt nam là một nước độc lập tự do và giàu mạnh ư?

Ai tưởng rằng Trung Quốc nghĩ thế thì hoặc là ngu hoặc là điên, hoặc là…Trung Quốc cho tiền và bảo nói thế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét