Tắc đường (hay còn gọi là kẹt xe) đã và đang là một trong những vấn đề bức xúc lớn của đô thị hiện đại làm đau đầu các cơ quan chức năng.
Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy sự lộn xộn, nhốn nháo, mạnh ai người nấy lấn của tất cả các loại phương tiện đang lưu thông. Một thứ văn hóa chen lấn, đối phó hình thành và ăn sâu vào tiềm thức biểu hiện ngay cả khi tham gia giao thông. Người ta sẵn sàng lấn sang phần đường của xe đi ngược chiều; trèo lên vỉa hè dành cho người đi bộ, thậm chí là vượt đèn đỏ khi cảnh sát giao thông lơ là. Và đương nhiên, khi tất cả đều muốn đạt được mục đích của mình bất chấp cả luật lệ, bất chấp cả lợi ích của cộng đồng thì tắc đường xảy ra là điều tất yếu.
Chúng ta đã nói quá nhiều về văn hóa giao thông, văn hóa đi đường nhưng thực ra, quá ít người trong chúng ta hình thành được thói quen và văn hóa đó. Sự gia tăng về số lượng các loại phương tiện giao thông là minh chứng cho một xã hội phát triển. Chúng ta chuyển từ xe đạp lên xe máy, rồi lên ô tô- nhưng một bộ phận không nhỏ của cộng đồng không chịu “lên đời văn hóa”. Chúng ta vẫn mang thứ văn hóa của xe đạp vào nền văn hóa của những người đi xe máy. Và tắc đường chỉ là một trong những hậu quả của việc văn hóa tham gia giao thông không cân xứng với một nền giao thông đang thay đổi với tốc độ chóng mặt.
Một nền văn hóa khi phát triển đến đỉnh điểm của nó với tất cả những thành tựu rực rỡ nhất của nó và tiến bộ hơn so với cái đã có thì nó được gọi là văn minh. Nghĩa là khi xã hội ngày càng phát triển thì con người ta sẽ càng tiến gần đến văn minh hơn. Thế nhưng trong trường hợp này, văn hóa đối phó xâm thực vào ý thức cộng đồng vô tình đã tạo ra một tác động ngược: Nó hình thành nên một thứ văn minh chậm, đi ngược lại với sự phát triển.
Lợi ích của cá nhân bao giờ cũng gắn chung với lợi ích của cộng đồng. Do vậy, lợi ích bao giờ cũng phải được gắn chặt với tính hệ thống và tính bền vững. Văn hóa đối phó trong nhiều lĩnh vực của xã hội đã đi ngược lại nguyên tắc này và hậu quả của nó chúng ta đang thấy rất rõ. Chúng ta đang phải trả giá cho những hành động chỉ biết đến lợi ích cá nhân mà không màng đến lợi ích của cộng đồng và sự bền vững.
Tất cả những vấn đề của xã hội hiện đại là minh chứng rõ ràng nhất của sự phát triển. Xã hội càng phát triển nhanh thì sẽ càng nảy sinh những vấn đề đi cùng với sự phát triển đó. Quy luật này không thể loại bỏ. Chỉ có điều con người ứng xử với nó như thế nào. Chúng ta có thể cấm đăng kí xe máy, có thể đưa ra phương án đi làm lệch giờ… Thế nhưng nếu chúng ta không chịu thay đổi tư duy, không học cách “lên đời văn hóa” và loại bỏ đi thứ văn hóa đối phó thì chúng ta sẽ tự làm tắc, tự cản trở con đường đến với văn minh và phát triển.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét