Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Tư, 12 tháng 8, 2009

Già hay chưa già???

EGK9

Để nói chuyện «tật già» thì chắc cũng nên đánh giá xem thế nào thì «bị/được» gọi là già. Hưởng ứng bài viết của C trưởng KV, tôi thử tổng kết sách vở xem thiên hạ định nghĩa các kiểu già thế nào nhé.
Già theo tuổi sinh học: Cái này tính theo ngày sinh tháng đẻ và cực kỳ quan trọng. Giấy tờ nào cũng ghi cái ngày tháng này, chả trốn đi đâu được. Đi học, lấy vợ, lấy chồng, đi nghĩa vụ, quyền công dân, về hưu…tất thảy đều theo cái «già» này. Ngày xưa, ở cái thời «sống lâu lên lão làng» thì cái «già» này quan trọng lắm, càng già càng có giá. Cứ thử U60 như chúng ta bây giờ xem: chuẩn bị nhận lễ thượng thọ đi là vừa nhé.
Cứ tưởng đã là cái thứ «Thượng đế» chia đều cho tất cả này thì chẳng có gì để «sắc mắc» vậy mà có đấy. Mấy bác khai tăng tuổi để đi bộ đội, để về hưu thì nay ra phường sinh hoạt tổ hưu được gọi chung là các cụ, về «giao lưu» với bạn bè thì chỉ muốn các em «xinh tươi» gọi bằng anh (không tin cứ hỏi KV thì rõ)!
Già sinh lý: tất nhiên chả ai dở hơi đi đâu cũng trưng biển «tôi sinh năm…» vì thế để «luận cao thấp trong giang hồ» thì thiên hạ đành «trông mặt bắt hình dong vậy». Cái già sinh lý của con người ta thể hiện ở tóc, ở râu, ở dáng đi, ở «ngoặc đơn, ngoặc kép»… đấy là cái ai cũng có thể thấy. Còn những cái không phải ai cũng thấy mà chỉ có khổ chủ với bác sĩ thấy thì ta không bàn ở đây. Thường để đánh giá «độ già sinh lý» thì ta lấy tuổi làm chuẩn và ta hay có câu cửa miệng «nom già/trẻ hơn tuổi». Nhưng nếu chả may không biết tuổi thật thì cái chuyện K8 được K1 gọi là anh cũng là chuyện thường trong thiên hạ mà thôi. Chuyện này có TQ UTTROI làm chứng!
Già tình cảm: «già rồi, cằn rồi» là câu cửa miệng của nhiều người. Rõ ràng là mức độ nhạy cảm của tâm hồn phụ thuộc vào độ «trẻ trung» của chính tâm hồn đó. Tuy nhiên sự thể hiện cái «tuổi» của tâm hồn ra ngoài thì nhiều khi lại phụ thuộc vào độ «già tâm lý», một thứ sản phẩm mang tính chất xã hội nhiều hơn là tự thân.
Về đại thể thì người ta chấp nhận «trẻ người, non dạ» thấy cái gì hay, cái gì đẹp là được quyền «rung rinh» tới bến. Lớn tuổi mà hơi tí lại «rưng rưng cảm động» hay «ngẩn ngơ» vì mỹ nhân, mỹ tửu… thì dễ bị quy thành quan điểm «cưa sừng…».
Do mang tính xã hội nên «già tâm lý» thường có tính tương đối, phụ thuộc rất nhiều vào môi trường sống và văn hóa. Ngày xưa, 50-60 là già lắm rồi, chỉ có ở quanh quẩn trong nhà, sáng ra tưới vài giò phong lan, chiều trầm ngâm mấy câu thơ Đường… Ngày nay, nhiều bác U60 có lẻ vẫn băn khoăn đi kiếm người thương!
Để cái «tuổi già tâm lý» không làm gì được cái «tuổi trẻ tình cảm» thì phải có bản lĩnh vững vàng. Cái này thì các blogger nhà ta tràn trề kinh nghiệm! Tuy nhiên như phần 1 của «Tật già» cảnh báo: bản lĩnh quá đà dễ thành bệnh tưởng, bệnh tưởng kinh niên thành tưởng bở (trích lời TQ)!!!
Già trí tuệ: Tuổi cao trí nhớ giảm sút. Cái này khoa học đã chứng minh nhiều rồi, miễn cãi. Mà nếu như khoa học chả tốn tiền nghiên cứu thì tự ta nghiên cứu ta ta cũng thấy: lúc trẻ có vẻ như đọc cái gì cũng nhớ (trừ học thi), bây giờ đọc cái quên liền. Thế nhưng nếu ta đánh giá «trí tuệ» không chỉ mỗi chuyện nhớ nhiều nhớ dai, mà còn ở khả năng sử lý thông tin, hiệu suất sản xuất ra những sản phẩm tinh thần thì chưa chắc là cái già do tuổi sinh học lại đi kèm với cái «già» về mặt trí tuệ. Chả biết nhận xét thế này có bị quy là bệnh tưởng không nhưng tôi thấy nhiều người về già (đấy là nói về già theo tuổi sinh học- cái chả quẳng cho ai được) viết, vẽ, làm thơ và làm nhiều thứ khác đòi hỏi cao về mặt trí tuệ lại «trẻ» hơn thời còn trẻ.
Theo sách thì phần «già trí tuệ» sẽ đi ngay sau phần «già sinh lý» nhưng tôi muốn đặt nó ở cuối cùng vì theo thiển ý của tôi, «già trí tuệ» quyết định các thứ già khác. Nếu như ta đã có cái gì đó trong ta để nhớ, nếu như ta vẫn có nguyện vọng và khả năng để nhớ và nếu như ta vẫn «luyện chưởng» để bắt cái đầu ta «chậm già» thì cái sự «già» về tình cảm, về tâm lý cũng sẽ đến chậm hơn, thậm chí còn không kịp đến ấy chứ.
Còn cái thứ gọi là «già theo tuổi sinh học» thì kệ thây nó. Lúc nào mà chả có kẻ sinh ra trước ta và sau ta!!!!

17 nhận xét:

  1. Cứ tưởng đã là cái thứ «Thượng đế» chia đều cho tất cả này thì chẳng có gì để «sắc mắc» vậy mà có đấy. Mấy bác khai tăng tuổi để đi bộ đội, để về hưu thì nay ra phường sinh hoạt tổ hưu được gọi chung là các cụ, về «giao lưu» với bạn bè thì chỉ muốn các em «xinh tươi» gọi bằng anh (không tin cứ hỏi KV thì rõ)!
    Đoạn này em nghi TQ chèn vô lắm;D
    KV.K7

    Trả lờiXóa
  2. Công ty tôi trước kia có 2 ông lệch nhau 4 tuổi tên lý lịch, nhưng lại nói tuổi tụi tao bằng nhau.
    1 ông ở Bắc vô nói: hồi đó tao khai tăng tuổi để đi lính. Đúng là dân CM!
    Ông kia nói : Hồi đó tao ở Sài gòn khai giảm tuổi để trốn lính. Cũng là CM vậy!
    Khi sắp tới tuổi hưu. Ông Bắc là sếp, đòi chỉnh lại lý lịch để được ... phục vụ lâu hơn. Đúng là CM!
    Ông Nam là nhân viên, cũng đòi chỉnh lại lý lịch để được nghỉ sớm ... phục vụ vợ con, giảm biên chế cho Công ty. Chắc là để CM bớt thiệt hơn!
    Vậy là 2 ông nghỉ hưu lệch nhau 4 năm. Mà thực ra chẳng ai biết tuổi thực của 2 ông là bao nhiêu cả!

    HMK6

    Trả lờiXóa
  3. Xin lỗi, vậy là 2 ông cùng nghỉ hưu 1 lúc chớ.

    HMK6

    Trả lờiXóa
  4. Nói chung các xếp đều CM, nhưng trước các "bóng hồng" các bố khai lý lịch ra răng?
    KV.K7

    Trả lờiXóa
  5. Thứ nhất TQ không chèn chi vô bài. Tác giả còn biết hơn thế, cần gì biên tập "ra tay".
    Thứ hai vì có chuyện ấy mà ở Vườn Treo TQ ra về đã cụng li "chào anh KV ạ". Lý lịch CM quá rõ mà!

    Trả lờiXóa
  6. Hồi xưa hay kê tuổi lên để người khác gọi mình bằng anh và để các em không coi mình còn trẻ con?Bây giờ hạ thấp tuổi,hay bằng tuổi để mọi người nghĩ mình trẻ và gọi các cháu là em ?Chung quy cũng vì bệnh tưởng...bở.

    Trả lờiXóa
  7. Lại chuyện "Thuyết tuơng đối"...
    Sai lầm của người già là vẫn tưởng mình còn trẻ. Sai lầm của người trẻ là tưởng mình đã già. Đám "sồn sồn" nửa già, nửa trẻ là "phức tạp" nhất bởi họ đang "trong thời kỳ quá độ" dở ông dở thằng.
    TM

    Trả lờiXóa
  8. "Loạn bàn" già - trẻ vừa đưa ra đã có nhiều ý kiến...có vẻ như Trỗi ta lại sẵn sàng muốn tái ngũ về các binh chủng kỹ thuật cao như pháo binh hoặc tên lửa !! Trẻ mãi không "dừ" mà !!!
    BA

    Trả lờiXóa
  9. Chà Chà,nguy to rồi,tuổi già đuổi đến đít dồi mẹ nó ơi!Các bác cứ vẽ chuyện,em thấy K4 em nhều anh còn "chè tươi" lắm,bằng chứng là có anh đến tập 4 lận,còn tập 2,3 là chiêng nhỏ.
    Em cứ hay cắc cớ,làm "phỏng vấn" mấy anh cùng khóa, Này mày nói thật đi mày có thấy mình gia không? Kết quả "ngoài sức mong đợi": không, tao chưa bao giờ thấy mình già.(nói nhỏ nhé, mấy anh này ngoại hình già chát rồi, liêu xiêu lắm).Ấy,bắt đầu tự vấn mình về cái chiệng già trẻ, không biết các bác sao chứ, từ lúc học xong,ra trường, công tác,mãi vẫn thấy mình là thằng trẻ con, không biết đến lúc nào mình thành người nhớn. Tháng năm trôi qua, Đùng một cái các cháu gọi mình bằng bác bác, thế có đau không!?!?chưa kịp nhớn đã giề rùi.
    DS

    Trả lờiXóa
  10. Năm ngoái một lần bọn tôi lên nhà vườn của TQ chơi. Sau khi ăn trưa xong trong lúc ngồi uống nước, bác già trông coi nhà vườn đã ngoài 70, nhờ có tí hơi men "mạnh dạn" hỏi tôi:
    "Bác có lẽ xấp xỉ tuổi tôi nhỉ? trông bác vẫn phong độ lắm!".
    Cạnh đó có HB và bà chị VTM nghe thấy. Sau này cứ lấy chuyện đó chọc "quê" tôi.
    Thế mới biết mình "già" rồi.

    Trả lờiXóa
  11. Còn một loại nữa là " giả vờ già" khi đứng trước "mỹ nhân" để "mỹ nhân" mất cảnh giác là mình " nhào vô" chiếm thành luôn!!!

    Trả lờiXóa
  12. Bổ sung thêm: Không tin cứ hỏi AK thì rõ.

    Trả lờiXóa
  13. DAO NAY KO THAY TO TUAN ZO VIET BAI.
    HAY LA HET Y ROI.
    RA ROI AH?
    [GIA -RA]

    Trả lờiXóa
  14. Còn nữa:
    Năm ngoái một lần đi nhậu về, cũng hơi "sương sương". Đi vào ngõ chẳng may quệt cái ghi đông xe máy vào tường, kềnh ra chưa dậy được. Một cậu bé khoảng 11-12 tuổi gì đó chạy lại đỡ hộ xe và hỏi thăm:
    - Ông ơi! ông có đau không?
    Được cháu hỏi thăm cũng thấy ấm lòng nhưng cũng hơi..."buồn".

    Trả lờiXóa
  15. Ông ĐN "Đểu",ngồi cạnh mắt cứ hấp háy mà bắn ngay qua mình(ko đi lính ngày nào mà bắn giỏi thiệt...).Mà thôi,nhắc lại 1 câu hát của trẻ thơ mà anh 4Sg hay hát mỗi khi đi Ka rao ồ kê để các anh nhớ:"Bố ơi,Bố là tất cả...".

    Trả lờiXóa
  16. Còn cái bệnh "già giơ" là thế nào nhỉ?

    Trả lờiXóa
  17. Tuổi tác càng già, già xốp xáp,
    Ruột gan không có, có chông gai.
    Trích trong bài "Vịnh câu Vông" chứ không phải vịnh anh em mình.
    HCQuang

    Trả lờiXóa