Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2009

KÝ ỨC CỦA MỘT NGƯỜI LÍNH (Phần tiếp)

ĐƯA PHÁO VỀ
Không Khí chuẩn bị cho chiến dịch sôi động và nóng dần. Trong lúc chờ pháo về chúng tôi được lệnh làm đường để cho xe cơ động khi vào trận đánh. Mùa khô vạt đồi thấp sườn đông bắc dãy 330 đất cứng, lính “công binh” rởm chúng tôi chỉ cần làm cho có nét đường để xe biết mà chạy. Gặp mấy khe cạn thì quang vào ít đá, sỏi sắp xếp cho đỡ lồi lõm là được.
Pháo về thì ngày nổ súng cũng gần lắm rồi, dù chẳng ai biết chính xác khi nào. Lệnh trên là xe ô tô chỉ được chạy bên triền khuất của dãy 330, đoạn đường mới chúng tôi đã làm chỉ được chạy khi đã nổ súng, đơn vị phải tổ chức kéo pháo bằng tay về điểm qui định. Ôi chao! Mất công làm đường mà không cho xe vào, nghĩ kéo tay 2 khẩu pháo 6,7 km trên con đường ấy thì chắc bại người. Chưa hết, còn đống đạn trên xe nữa chứ. Thương lính, Anh Tầm C trưởng nói với lũ a trưởng chúng tôi.
Tao lánh mặt, chúng mày khéo động viên lái xe chạy vào thêm tí nào hay tí ấy nhé. Nghĩ ông này (C trưởng) cũng vào loại liều mạng, kỷ luật bí mật trước chiến dịch rất nghiêm.
Đến chân điểm cao 146, thì thấy 2 chiếc xe ba cầu, đằng sau là hai khẩu pháo, thùng xe đầy những hòm đạn màu xanh lá cây. Gặp anh Huấn ( có 2 Huấn) trung đội phó , chúng tôi nói ý kiến của anh Tầm cho anh Huẩn hiểu . Anh Huấn quay ra nói chuyện thế nào mà hai lái xe đồng ý. Có thể do lợi thế đồng hương Hà Tĩnh với nhau mới thuận lợi thế.
Trời tối mịt, mỗi xe hai lính ngồi hai tai xe (chỗ đèn xe), một người đi trước giữa đường chừng 5,6m làm tiêu. Lái xe đi chậm chậm, có gì thì hai người ngồi tai xe kêu lên cho lái xe biết. Mò mẫm , rì rì vậy cũng vượt được gần 4 cây số đường tự tạo. Nhưng khi bắt được vào con đường chiến lược cũ thì gặp sự cố ở suối Ồ Ồ. Xe bị patile , máy cứ ầm ì mãi không qua được. Chúng tôi xúm vào chèn đá, chèn cây, đẩy v.v..Tụi địch trên truyến giáp ranh nghe tiếng máy liền cho mấy loạt cối, đất đá bay rào rào nhưng không ai việc gì. Cũng may chỉ có một loạt, chắc chúng bắn hú họa cầm canh thôi. Rồi chúng tôi cũng vượt qua được nhưng lúc này cánh lái xe bắt đầu cáu gắt , vì bò mãi, lúc nào cũng sắp đến, sắp đến…
Đến nơi, anh Tầm ra thấy anh em về an toàn mừng rỡ. Anh bảo Quang liên lạc kiêm trinh sát pháo chạy ngay về cứ mang 2 cặp gà ra biếu lái xe.Tôi cầm 1 cặp đến gặp lái xe :” Cảm ơn anh đã giúp đơn vị, chúng tôi biếu anh cặp gà mang về đơn vị bồi dưỡng. Lính giáp ranh chẳng có gì ngoài mấy con gà.” Anh lái xe im lặng một lúc rồi quạu lên :” Gà qué chi, các ông toàn làm liều, làm bậy ” anh lái xe đóng cửa cái rầm định nổ máy. Tôi vội nhẩy lên , vứt cặp gà vào thùng xe, kiên trì nhỏ nhẹ nói với anh :” anh để tụi tôi áp tải, dẫn đường cho xe ra chân 146”. Anh lái xe nói nhát gừng :”Lên đi!” rồi nổ máy. Chúng tôi lại hành trình ngược nhưng lúc này nhẹ nhàng biết bao. Rồi anh lái xe cũng dịu lại, bắt đầu hỏi thăm và trò chuyện vui vẻ với chúng tôi.
Hôm nay, mỗi khi nhớ lại chuyện này nghĩ cũng ngộ, hóa ra chúng tôi đã biết” hối lộ” từ ngày ấy. Lính ta vẫn có câu :” lính tiểu đoàn bằng quan đại đội” quả cũng đúng thật. Ở bộ binh chúng tôi chẳng nuôi nổi một con gà, toàn sống trong hầm và nhà âm thì tăng gia làm sao được. Lên C15 , ở hậu cứ thấy tiểu đội nào cũng có chuồng gà, ở nhà nổi sướng hơn hẳn. Có vậy chúng tôi mới có gà lót tay lái xe chứ.

Sau khi nhận pháo về( mới có 2 khẩu), C trưởng gọi lũ A trưởng chúng tôi lên phổ biến công việc ( giao nhiệm vụ). Tôi và Lang Khùn sẽ tham gia đánh Phổ Lại, Tuẫn làm trận địa tại ấp Sơn Quả gần Lại Bằng sát bờ Bắc sông Bồ, tuyến tiếp xúc của K13(d3/e4). Triệu làm trận địa ở Ngầm Ồ Ồ thuộc tuyến tiếp xúc của K15 (d1/e4). Lúc này K15 lực lượng chủ yếu đang chuẩn bị xuống đồng bằng, K2( d2/e4) là chủ công đánh Phổ Lại như vậy cả trung đoàn dồn về tuyến tiếp xúc đông nam gần như nằm gọn trong xã Phong Sơn. Các khu vực Phong Mỹ, Hòa Mỹ, Tân Mỹ và bên tả ngạn Ô Lâu bỏ trống ( tôi đoán vậy vì có đi được đến đâu mà biết)
Việc làm trận địa của tôi và Khùn là khó khăn nhất vì địa hình chân cứ điểm Phổ Lại ( điểm cao 57 và 54) khá trống trải, lại gần mục tiêu có 600m. Chúng tôi phải làm hoàn toàn vào ban đêm , ban ngày ngụy trang lại rồi về ngủ. Chuyện đào hầm, làm trận địa là thường xuyên với lính và cũng chẳng có gì đáng nói, tôi muốn nói qua một chút về những đồng đội của tôi ngày ấy, rất nhiều người từ 1975 đến nay chưa hề gặp lại.
Việc tôi và Lang Khùn, hai thằng gốc K15 được đánh trận mở màn thực sự là chúng tôi tự hào vì được trên tin tưởng vào truyền thống của tiểu đoàn chúng tôi. Tất nhiên cũng phải có đánh giá của anh Phú trưởng ban pháo trung đoàn, người theo dõi chúng tôi trong quá trình học tập ở quân khu. Nhưng tôi khoái hơn cả là lại chiến đấu cùng Lang Khùn. Các bạn ai đã từng đánh trận chắc sẽ hiểu tâm lý của anh lính khi có người chỉ huy, người đồng đội từng trải, quyết đoán họ sẽ tự tin hơn rất nhiều.Tôi ở với Khùn gần hai năm trời tôi biết, hắn lỳ đến bình thản trước ác liệt, khó khăn. Con người thấp đậm như lực điền ấy lại rất nhanh nhẹn thông minh và nhiều tài lẻ. Khùn đi săn rất giỏi, cứ thấy hắn phơi quần áo ra sương là chúng tôi biết thế nào cũng được bữa thịt rừng. Lần bắn được một con báo, hắn còn làm một con báo nhồi bông ( thực ra là nhồi rẻ rách) hong trong bếp đại đội, sau này chẳng biết con báo ấy về tay ai nữa. Nên dù hôm nay, chúng tôi cùng là A trưởng nhưng tôi bao giờ cũng coi cậu ấy là cấp trên của mình. Tôi và nhiều đồng đội không thể quên được mỗi khi sốt rét được hắn ưu tiên cho bát canh chua…Từ ngày tôi xa đơn vị ( 9/1975 ) cũng là từ đó tôi chưa gặp lại Lang Khùn. Nghe có anh em nói gặp hắn ở Tân Kỳ ,Nghệ An chắc Sài Gòn ra tôi sẽ đi tìm hắn xem sao.
Ngoài Khùn ra, Tuẫn và Triệu cũng là hai người lính từng trải, hai ông này đều từng tham gia đánh trận Cửa Việt 1973. Còn một người rất đặc biệt là trung đội trưởng của chúng tôi anh Lý Công Chất người Hoa ở Cao Bằng. Tôi sẽ nói về anh trong những ngày tiếp theo song với anh lại để cho tôi nhiều suy nghĩ nhất khi chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra. Dù không biết tin về anh nhưng tôi biết dù ở đâu, làm gì trong con người anh ấy thật đau khổ, dằn vặt…khi cuộc chiến nổ ra.
Từ đây cho đến ngày N+3, ngày nổ súng, công việc chuẩn bị cho trận đánh của chúng tôi thật nhiều mà khi nhắc đến ai cũng biết và chẳng có gì là đặc biệt. Vậy chờ đến ngày N đó, nếu anh em đồng ý tôi có thể xen vào những chuyện về lính e4 chúng tôi được không ?
(Còn tiếp)
Phong Quảng

2 nhận xét:

  1. Những người bạn,nhất là bạn chiến đấu,cùng sống,chết bên nhau làm sao mà quên được!Mặc dù bây giờ cuộc sống mỗi người khác nhau,nhưng vẫn nhớ về nhau mới là đáng quí.

    Trả lờiXóa
  2. Chuyện cặp gà của ngày xưa thực ra nó cũng bình thường thôi. Ngày xưa nó biểu hiện sự nhớ đến nhau như là nếp sống dân Á Đông, những năm sau này nhất là từ hồi đổi mới nó bị biến thái, biến thái đến mức không ngờ ở mọi lĩnh vực.

    Trả lờiXóa