Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Ba, 30 tháng 3, 2010

KHOE CÁC BÁC PHÁT NỮA.


Đôi giày rách hết mũi, chắc chủ nhân chắc phải là người hoạt động nhiều. Là trẻ con chắc phải hiếu động lắm đây.
Vâng ! Đúng là của trẻ con các bác ạ, là cháu gái ngoại tôi đấy. Mới mười tháng tuổi, đi còn phải bám mà làm tiêu một đôi giày. Không biết sau này có làm kiện tướng công huân như ông Văn Hùng nhà ta không nhỉ??? Tốn ! Tốn đây ! Nhưng trẻ hiếu động là khỏe , ai chả vui. Công này thuộc về bà Osin cao cấp nhà tui. Lại khoe, NHƯNG KHÔNG NHỊN ĐƯỢC.

Thứ Hai, 29 tháng 3, 2010

Thông báo của BLL nhà trường về tổ chức kỷ niệm 45 năm thành lập

Hà Nội, ngày 24 tháng 03 năm 2010

THÔNG BÁO
Kế hoạch tổ chức kỷ niệm 45 năm ngày thành lập
Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi

Kính gửi các thầy cô giáo Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi
Kính gửi Ban Liên lạc các khóa cùng cựu học sinh nhà trường trong và ngoài nước

Ngày 21 tháng 3 năm 2010, dưới sự chủ trì của Trưởng BLL Bùi Quang Vinh cùng sự có mặt của đại diện thầy cô giáo, BLL các khóa (mở rộng), căn cứ vào tình hình thực tế BLL nhà trường đã bàn bạc những nội dung quan trọng chuẩn bị cho việc tổ chức Lễ kỉ niệm 45 năm. Đã có nhiều ý kiến tâm huyết và thiết thực. Gồm 4 nội dung sau:
Một: Tổ chức lễ Hội trường kỷ niệm 45 năm ngày thành lập.
Hai: Xuất bản sách tập 3 “Sinh ra trong khói lửa”.
Ba: Xây dựng Nhà văn hóa tại xã Mỹ Yên, Đại Từ, Thái Nguyên.
Bốn: Báo cáo quỹ Trường và dự trù tài chính phục vụ lễ hội.
Từ đó, Trưởng ban đã kết luận và ra văn bản chính thức, thông báo đến toàn thể giáo viên, CBCNV, cựu học sinh Trường TSQ Nguyễn Văn Trỗi sinh sống trong và ngoài nước được biết, để cùng tham gia góp ý và hưởng ứng thực hiện.
“Kế hoạch tổ chức Hội trường kỷ niệm 45 năm ngày thành lập” gồm:
NỘI DUNG THỨ NHẤT:
1) Về tổ chức Lễ kỷ niệm 45 năm:
- Địa điểm: Tại Hà Nội sẽ tổ chức lễ hội chính thức. (Địa điểm sẽ được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng). Dự kiến: Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt-Xô (dự phòng: Hội trường BTL Biên Phòng, Nhà hát Quân đội…). (Tại Miền Trung, miền Nam tự tổ chức: Trước hoặc sau Hà Nội; sẽ có đại diện BLL trường tham dự).
- Thời gian: từ 8 giờ 30’ đến 11 giờ 30’ ngày 16/10/2010 (dự bị: 17/10/2010).
Sau buổi lễ chính thức có tổ chức tiệc liên hoan (hoặc toàn thể, hoặc phân theo về các khóa)
Sẽ được thông báo sau.
- Thành phần tham dự: Toàn thể thầy cô, CBCNV, cựu học sinh Trường TSQ - NVT.
- Khách mời: Đại diện các cơ quan trong và ngoài quân đội: Lãnh đạo nhà nước,Văn phòng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, Cục Nhà trường, Bộ Giáo dục-Đào tạo, BLL Thiếu sinh quân VN (thời kỳ chống Pháp, Mỹ), 1 số trường Thiếu sinh quân hiện nay. Đại diện các địa phương trường đã đóng quân: Mỹ Yên, Đại Từ, Thái Nguyên; Trung Hà, Hưng Hóa; Quế Lâm, Trung Quốc (Y Trung); Hội Hữu nghị Việt-Trung; Hội CCB VN; Phụ huynh, thân nhân gia đình liệt sĩ, gia đình Chính ủy và Hiệu trưởng. Một số cơ quan thông tấn báo chí: báo QĐND, CCB, Truyền hình Quân đội, VTV, HTV…
- Hình thức: Gửi giấy mời trực tiếp hoặc qua bưu điện (trước 1 tháng).
2) Yêu cầu và biện pháp thực hiện
- Lễ hội phải được chuẩn bị phải chu đáo, cẩn thận, tỉ mỉ với phương châm “hoành tráng, trọng thị, an toàn, tiết kiệm”. Chú trọng nội dung chương trình, địa điểm, trang trí, lễ tân, hậu cần…
- Nội dung các diễn văn phải được thông qua ban tổ chức. Các bài phát biểu phải phản ánh được truyền thống dạy tốt, học tốt của nhà trường. Hàng nghìn học sinh được “sinh ra trong khói lửa” đã trở thành lực lượng kế cận tin cậy của Đảng, Nhà nước, Quân đội trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc sau chiến tranh. Chúng ta có quyền tự hào là “lớp Thiếu sinh quân duy nhất” trong thời chống Mỹ, có tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết đồng đội “Nguyễn Văn Trỗi”. Sau 45 năm thành lập, dù 40 năm nay không còn 1 mái trường cụ thể nhưng chúng ta vẫn sống trọn nghĩa vẹn tình, dù ở tuổi nào vẫn luôn là những người có ích cho xã hội, xứng đáng là con cháu Bác Hồ, tiếp nối truyền thống cha ông.
- Báo cáo trung tâm do Trưởng BLL thực hiện.
- Phần giới thiệu khách mời phải đầy đủ, chính xác.
- Phần lễ nghi: có quân nhạc.
- Văn nghệ: biểu diễn văn nghệ (30-45 phút).
Lưu ý: Thời gian tổ chức lễ hội của trường trùng với Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, do đó phải có phương án dự phòng, đảm bảo tổ chức chu đáo và thành công.
- Lễ hội sẽ được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng trước 20 ngày, sau khi đã rà soát số đại biểu tham dự. Các khối Bắc, Trung, Nam thông qua hệ thống blog toàn trường, các khóa chủ động và kịp thời thông báo cho nhau về kế hoạch thực hiện.
- Học sinh, thầy cô giáo với vai trò “chủ nhà” cần niềm nở, lịch sự đón, tiếp khách. Ưu tiên cho khách mời, đặc biệt là phụ huynh, thân nhân gia đình liệt sĩ, đại diện các bộ ngành, đơn vị trong nước và quốc tế.
Rất mong sự đóng góp ý kiến của thầy cô và các bạn. Khi có kế hoạch cụ thể mong toàn trường đồng tâm ủng hộ, nhất trí quyết tâm thực hiện, cùng BLL nhà trường tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 45 năm.
3) Về kinh phí: Để có đủ kinh phí tổ chức lễ hội, BLL thống nhất vận động đóng góp theo định mức:
- Khóa 1, Khóa 2: mỗi khóa góp 10.000.000 đồng.
- Các khóa còn lại (K3,4,5,6,7,8) mỗi khóa 20.000.000 đồng.
Các bộ phận chuyên trách khẩn trương lập dự toán thông qua Trưởng ban. (Riêng hội phí các khóa đóng góp hàng năm, không được dùng làm kinh phí cho lễ hội 45 năm).
NỘI DUNG THỨ HAI: Tổ chức xuất bản Tập 3 “Sinh ra trong khói lửa”.
- Ban biên tập: thầy Chi Phan, thầy Phạm Đình Trọng, Trần Kiến Quốc, Trần Hồ Bắc và các đồng chí khác do Ban sẽ thông báo sau.
- In ấn tại Cty In Quân đội 2 (Nguyễn Nam Điện k6), xong trước 30/9/2010.
- Số lượng: 1000 cuốn, bìa cứng, số trang khoảng 350÷400 trang.
- Nội dung:
a. Phản ánh được đầy đủ các thời kỳ: 5 năm (1965-70), thời kỳ rời nhà trường tiếp tục học tập, rèn luyện, đào tạo, tham gia chiến đấu chống Mỹ, sau ngày giải phóng. Ưu tiên đặc biệt giai đoạn 2005-2010 sau 45 năm trưởng thành…tình nghĩa thày trò, đồng đội, người còn người mất…Cố gắng có ảnh tư liệu minh họa với nhiều thể loại văn, thơ. Với tinh thần, khẳng định được TSQ thời kỳ chống Mỹ là “lực lượng kế cận”, đã và đang thực hiện xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Quân đội giao phó. Qua đây khẳng định được “chủ trương đào tạo TSQ của Đảng, Bác, Quân đội trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ và ngày nay là đúng đắn, cần thiết và rất hiệu quả”.
b. Sách phải có bố cục hài hòa, nêu được những tấm gương học tập, tình thầy trò, đồng đội, tính nhân văn xã hội cùng quan hệ quân dân, quan hệ quốc tế (thời kì tại Trung Quốc, làm “ngoại giao nhân dân”).
c. Cuốn sách không chỉ là “món quà” dành cho mỗi thầy cô, học sinh sau 45 năm nhập trường, mà còn là món ăn tinh thần cho mọi gia đình, con cháu, thân nhân, bạn bè và xã hội.
d. Giá dự kiến: 100.000đ/cuốn. (đã gồm cả chi phí: số sách biếu thầy cô, tặng khách mời và tặng các trường Thiếu sinh quân hiện nay…).
e. Đề nghị BLL các khóa thông báo đến anh chị em để đăng kí số lượng: trước 31/7/2010.
NỘI DUNG THỨ III: Xây dựng Nhà truyền thống ở Mỹ Yên, Đại Từ
Sẽ có hội nghị chuyên đề riêng và thông báo sau.
NỘI DUNG THỨ IV: Công tác đảm bảo cho lễ hội
Vấn đề tổ chức Lễ kỷ niệm 45 năm thành lập và xuất bản Tập 3 “Sinh ra trong khói lửa” thật sự có ý nghĩa, do đó đề nghị:
1) Trên cơ sở kế hoạch tổng thể được thông báo chính thức, BLL các khóa sẽ có kế hoạch chi tiết, các tổ chuyên trách lên kế hoạch triển khai. Đồng thời BLL trường thường xuyên cập nhật những ý kiến đóng góp của các thày cô và các khóa, sẽ có điều chỉnh và huy động toàn trường cùng tham gia.
2) Về kinh phí: Hiện nay kinh tế suy thoái, việc chuẩn bị tài chính cho lễ hội và xuất bản sách hoàn toàn là quyên góp tự nguyện. BLL sẽ quản lí thu, chi số tiền trên đúng mục đích, không lãng phí.
Xin chân thành cảm ơn sự đóng góp tự nguyện của anh chị em TSQ Nguyễn Văn Trỗi!
Kết luận: Đây là kế hoạch tổng thể, xây dựng trước 6 tháng, có thể phải còn điều chỉnh và xử lý cho phù hợp. Mong sự đóng góp của đồng đội!
Liên hệ: Trưởng ban - Bùi Quang Vinh (0903455677) – Email: buivinh30@yahoo.com.vn;
Trần Kiến Quốc (0903830930) và Nguyễn Thái Chi (0904142176- 0923008888).
Trưởng ban
Bùi Quang Vinh

Chủ Nhật, 28 tháng 3, 2010

Kỷ niệm về 2 Liệt sỹ Y Hòa K7 và Ngô Tất Thắng K7

Kỷ niệm không thể nào quên với những lính Trỗi anh hùng như Liệt sỹ Y Hòa (Mlo dzuon dzu) K7 và Liệt sỹ Ngô Tất Thắng K7.

Ngày 06.01.1972 học sinh, sinh viên Hà Nội chúng tôi nhập ngũ một lúc 25 tiểu đoàn bộ binh,sau khi chúng tôi nghe lời kêu gọi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc ở núi Nùng, Bách Thảo, Hà Nội. Lớp trẻ Thủ đô ngày đó sục sôi bầu nhiệt huyết muốn đem sức trẻ phụng sự Tổ quốc và công cuộc giải phóng dân tộc nên hầu hết chúng tôi đều viết đơn tình nguyện nhập ngũ,nhiều bạn còn viết đơn bằng máu của chính mình thể hiện quyết tâm đi giải phóng miền nam như Y Hòa, Vũ Trung, Ngô Tất Thắng...
Tôi được biên chế vào Đại đội 42, tiểu đoàn 54, trung đoàn 59 quân tăng cường cho mặt trận Quảng Trị của Bộ tư lệnh Quân khu Thủ Đô. Đại đội tôi có những học sinh trường Trỗi như Y Hòa K7(em của Y Nguyên K5, GS-TS hiệu phó Trường Đại học Tây Nguyên, nay về hưu, đang tu tập Phật học và võ công ở Trúc Lâm thiền viện, Quảng Ninh), Ngô Thái Hòa K6+7, Ngô Tất Thắng K7, Vũ Trung K8, Hồ Phương Bình K7, Phan (xy) K7, Nguyễn Trường Vỹ (gỗ) K7,...Chúng tôi tập trung ở Tây Mỗ và Đại Mỗ Hà Nội khám sức khỏe lần cuối và phát toàn trang thiết bị súng ống đạn dược sau đó đi bộ 70km lên Bãi Nai, Lương Sơn, Hòa Bình. Y Hòa do bi viêm cầu thận cấp, có biểu hiện áp huyết rất cao, được nữ bác sỹ K.Ny (V 108) khám và quyết định trả về đi học tiếp, nhưng Y Hòa kiên quyết xin được nhập ngũ để được đi miền Nam chiến đấu.


Sau hai ngày đi bộ lên đến nơi là bãi đất trống, chúng tôi hạ ba lô là vác xẻng quân dụng vào rừng chặt cây, tre, nứa về dựng lán trại, sau đó là những tháng ngày luyện tập kỹ chiến thuật đáp ứng cho chiến trường phía nam. Y Hòa và Ngô Tất Thắng luôn luôn là những chiến sỹ gương mẫu trong rèn luyện, nắm vững kỹ chiến thuật, thương yêu đùm bọc đồng đội, nhất là những đồng đội là bạn Trỗi thời thơ ấu. Trong đợt bắn đạn thật bia số 4 cự ly 100 mét và bia số 7 cự ly 200 mét ( bắn đêm), Y Hòa và Ngô Tất Thắng đều đạt thành tích xuất sắc, được biểu dương toàn tiểu đoàn .Hồi đó Y Hòa đã có người thương là Hoàng Dung, cô bạn cùng lớp 10G trường PTTH Nguyễn Trãi, Ba Đình, Hà Nội, nhưng Y Hòa rất kiên định và không bao giờ tỏ ra yếu đuối và biểu lộ sự nhớ nhung thái quá ra ngoài. Ngô Tất Thắng thì sôi nổi và mơ mộng hơn, bận thì thôi, rảnh là Thắng viết nhật ký hay viết thư, hành quân mệt đến đâu, nhưng hạ ba lô là thấy Thắng hý hoáy viết hay ghi chép rồi. Người nhận thư nhiều nhất đơn vị là Ngô Tất Thắng, vì ngày nào Thắng cũng viết thư và nhận thư của Tg BH K7, học sinh của trường PTTH Chu Văn An, Ba Đình, Hà Nội và bạn bè gần xa. Trong đại đội 42 Vũ Trung là người đẹp trai nhất, có tài dạy chó, bất cứ con chó nào của dân bản hay của đơn vị đều quấn quýt và nghe lệnh của Vũ Trung răm rắp. Nhưng người lính đào hoa nhất đại đội là Hồ Phương Bình, thứ bảy hay chủ nhật nào Hồ Phương Bình cũng có vài bóng hồng từ Hà Nội lên thăm hỏi động viên. Mình và Nguyễn Trường Vỹ không có ai thăm hỏi nên thường hay ra bờ suối gần đơn vị tâm sự nhớ về những bạn bè trường Trỗi và PTTH ở Hà Nội mà cả hai cùng có nhiều kỷ niệm chung thời thơ ấu. Sau bảy tháng huấn luyện tích cực và căng thẳng ở Bãi Nai, Lương Sơn và Tân Lạc, Hòa Bình, chúng tôi lên đường bổ xung cho mặt trận Quảng Trị.

Trên đường vào Nam, tôi được lệnh chuyển đơn vị gấp theo sự điều động của cấp trên. Không kịp chia tay với những anh em Trỗi khác, chỉ kịp gặp và chia cho Y Hòa, Chấn Hưng, Thanh Sơn thuốc tăng lực và sâm Cao Ly, đồng thời hẹn gặp lại các bạn khi chiến tranh kết thúc, khi giải phóng miền nam. Thật không ngờ đấy là lần gặp mặt cuối cùng với Y Hòa và Chấn Hưng, hai bạn đã anh dũng hy sinh và vĩnh viễn nằm lại Quảng Trị. Báo của sư đoàn 312 sau đó có đăng tin biểu dương gương chiến đấu vô cùng dũng cảm và kiên định của Y Hòa, trung đội trưởng trung đội hỏa lực 12 ly 7 đã quyết tử khi chốt chận trên Đồi Cháy gần thành cổ Quảng Trị,hy sinh ngày 15 tháng 10 năm 1972. Đối với Ngô Tất Thắng, sau khi giải phóng miền nam, Thắng theo học lớp Báo chí khóa 2 của khoa Báo chí trường Nguyễn Ái Quốc TƯ, rồi về làm phóng viên của báo Quân đội nhân dân. Bạn đọc trong cả nước và bạn bè gần xa háo hức chờ đợi những tác phẩm tiếp theo của Thắng sau khi nhà văn trẻ cho ra mắt tác phẩm "Sau cành Violet", tiểu thuyết trinh thám ái tình rất ăn khách trong thập kỷ 80, báo hiệu một ngôi sao đang dần tỏa sáng trên bầu trời văn học Việt Nam. Một buổi chiều cuối thu năm 1978 Thắng đến thăm và chia tay tôi ở 71 Hàng Trống, Hà Nội, để chuẩn bị lên đường đi chiến trường Cam Pu Chia. Khi đó tôi là thư ký tổng hợp kiêm biên tập viên Ban Nhà nước và Quốc phòng của Báo Nhân dân. Tôi tặng Thắng một cây bút bi Anh Hùng và động viên Thắng lên đường may mắn và mong bạn có nhiều phóng sự hay và nóng bỏng gửi về từ chiến trường. Sau đó nhiều bài vở và phim ảnh nóng bỏng khói súng của Thắng từ chiến trường tới tấp gửi về được báo QĐND, Nhân dân và nhiều báo đăng tải. Ngày 7 tháng 1 năm 1979 trong không khí cả nước vui mừng đón tin thắng trận từ mặt trận phía tây nam và Cam Pu Chia, thì trong buổi giao ban Quân ủy Trung ương, cả phòng họp lặng đi chia xẻ với đại tá Ngô Từ Vân, Cục trưởng Cục Xuất bản quân đội, (Thân sinh của Ngô Tất Thắng) khi nghe tin nhà văn, nhà báo Ngô Tất Thắng đã anh dũng hy sinh khi đang thao tác nghiệp vụ của người phóng viên chiến trường trên tháp pháo của chiếc xe tăng đầu tiên tiến vào giải phóng thủ đô Phnôm Pênh của Cam Pu Chia, thành lũy cuối cùng của bọn diệt chủng Khơ me đỏ.
Từ đó đến mãi mãi về sau những bạn Trỗi liệt sỹ nói chung và hai bạn Y Hòa và Ngô Tất Thắng vẫn sống mãi trong tâm tưởng của anh chị em Trỗi chúng ta. Riêng tôi thì không thể nào quên những kỷ niệm thời thơ ấu ở trường Trỗi và ở trong quân ngũ với hai bạn Y Hòa và Ngô Tất Thắng.
Ngô Thái Hòa
(Ảnh trên: Y Hòa, dưới: Ngô Tất Thắng)

Thứ Bảy, 27 tháng 3, 2010

LÀ NGƯỜI LÍNH KHI ẤY

Bác Xuân Thiều ở phòng tác chiến quân khu, bác nắm rõ tình hình ta địch hơn, đơn vị nào đã đánh, đơn vị nào còn đang chuẩn bị chiến trường, đơn vị nào còn ém quân, án binh bất động mà những dòng bác viết cũng không dấu nổi nỗi buồn xót xa khi ta phải rút khỏi đồng bằng.
Từ ngày 13/3 đến ngày 17/3 tôi cùng anh em trong tiểu đội” tạm nghỉ chiến đấu” làm nhiệm vụ phục vụ chiến đấu, vận chuyển đạn cho khẩu của Triệu, Tuẫn và 2 khâu DK_Z75 chiến đấu ở Cổ Bi và đồi Sỏi. Ban ngày đi làm trận địa mới ở ngầm Ồ Ồ ( phía sau khẩu của Triệu) và “hầm đại tá” chân điểm cao 146 Hòa Mỹ, nơi con đường 71 chạy xuống đồng bằng. Việc làm trận địa ở hai vị trí này là chuẩn bị dự phòng cho các trận đánh phòng ngự. Những ngày này tôi có điều kiện đi lại từ Cổ Bi đến Hòa Mỹ, nghe và gặp được khá nhiều người, biết được ít nhiều tình hình đơn vị, tình hình đồng bằng.
Ở đồng bằng, K15 xé lẻ cùng lực lượng địa phương chiến đấu trên địa bàn rộng, chỉ có vũ khí nhẹ không có hỏa lực. Địa hình lạ, trống trải, cát nhiều hơn đất nên hầm hố rất tạm bợ không chịu nổi hỏa lực địch. Ngược lại địch sử dụng nhiều xe tăng và trực thăng cộng với số lượng bộ binh lớn, áp đảo. Trong điều kiện chiến đấu như thế đội hình tiểu đoàn nhiều nơi bị chia cắt, nhiều phân đội phải chiến đấu độc lập sau đó tự tìm đường lên hậu cứ. Nhiều người lạc và một số bị bắt làm tù binh.
Số anh em bị bắt chủ yếu là ở Q21. Nhiều anh em xuống đồng bằng không nắm rõ được địa danh của địa phương, họ chỉ biết mật danh này. Ở đấy ta có một trạm phẫu thuật do huyện Quảng Điền quản lý. Hầu hết anh em thương binh trong mấy ngày chiến đều đưa về đây. Ngày 12/3 rất nhiều anh em hy sinh tại đây khi địch chiếm được Q21. Cho đến bây giờ tôi cũng chưa rõ Q21 ngày đó là nơi nào ở Quảng Điền.
Khi quân ta rút về hậu cứ, bộ phận do tiểu đoàn Trưởng Tắc cũng phải mất 3 ngày mới tìm được khu vực vượt quốc lộ 1. Một số anh em kể rằng : địch bít kín đường 1, những chỗ hành lang cũ đều bị chúng chốt chặn, giao liên hầu hết là nữ địa phương dẫn đi lên, lại đi xuống cả đêm không tìm được chỗ vượt an toàn, phải nằm lại chờ đêm sau. Lính ta sốt ruột mắng , có thương binh còn dọa bắn…tình thế căng thẳng quá mà, sau này nhiều anh em cảm phục sức chịu dựng của những nữ giao liên địa phương đó.
Tôi có hai người đồng đội Hà Nội trở về hậu cứ một cách đơn độc. Đó là Oánh ”trọc” cùng học sinh Chu Văn An với tôi, mãi ngày 16/3 mới lên được đồi Sỏi. Vừa thấy chúng tôi đã vội hỏi :” còn lương khô không? Đưa tao một miếng ”. Khi cầm phong lương khô trên tay thì bật khóc, rồi mếu máo nói :” Mẹ chúng nó chứ…đem con bỏ chợ”. Chúng tôi cũng ứa nước mắt…Chẳng ai trách Oánh cả, bởi cậu ấy đâu biết những chỉ huy cao nhất của mình cũng không trở về. Trường hợp thứ hai, nghe anh em kể lại là anh Chính, mãi ngày 19/3 khi đơn vị đang chuẩn bị vào đợt 2 chiến dịch mới về được. Suốt một tuần len lỏi một mình vượt qua các chốt của địch, cứ nhằm hướng núi mà lên. Khi nhìn thấy anh em mình ở giáp ranh thì cũng là lúc anh kiệt sức ngất đi. Anh được anh em địa phương đưa về nấu cháo cho ăn, thấy bảo lúc đó nhìn mồm anh ấy xanh lè vì mấy ngày liền chỉ ăn lá cây..
Là người lính khi ấy, chỉ rõ được tình hình đơn vị ai chẳng buồn và bi quan về so sánh lực lượng.
Một lần khác, khi đang làm trận địa ở chân 146, gặp pháo địch bắn, tôi chạy vào một cái hầm chữ A của một đơn vị phía sau của trung đoàn ( hình như là Vệ Binh). Vừa nhảy vào hầm thì giật mình thấy 2 thằng áo răn ri đang ngồi run run. Biết là tù binh tôi hỏi :” tụi mày bị bắt ở đâu?”, một đứa trả lời:” dạ, tụi em bị bắt ở Tứ Chánh”.
Thấy họ vẫn run tôi đùa :” Run chi vậy, tụi bay ở đây là sống rồi còn gì nữa(?). Tao đây này, mai lại vào trận chưa biết sống chết ra sao đây ”.
Vẫn cái thằng hay nói đó trả lời:” Dạ đúng! Tụi em chắc sống rồi nhưng được về gặp ba má chắc còn lâu lắm”.
Tôi tò mò hỏi thử, vì cũng muốn xem đối phương họ nhận định như thế nào, câu trả lời là :” Dạ chắc cỡ 10 năm anh ạ ”.
Hết đợt pháo, tôi ra khỏi hầm nghĩ thầm: mấy thằng này dự đoán cũng gần giống mình..
Cũng chính hôm ấy, trong lúc nghỉ ăn tối ở một cái lán của trung đội vệ binh, ở đây anh em vệ binh có cái đài, tôi nghe tiếng chị phát thanh viên tố cáo chính quyền Sài Gòn ném bom vào khu dân cư của thị xã. Mới biết Buôn Ma Thuột đã được giải phóng.
Trở lại mặt trận bắc Huế chúng tôi thời điểm nổ súng cho đến lúc rút từ đồng bằng lên, lực lượng có e4 chúng tôi, K10 tỉnh đội, C3 Phong Điền và lực lượng địa phương hai huyện Phong điền_Quảng Điền.
Phía địch có Lữ 147 TQLC( 4 tiểu đoàn), lữ đoàn thiết xa 20, lữ đoàn 1 kỵ binh thiết giáp, một bộ phận của liên đoàn bảo an 914, tiểu đoàn bảo an 130 cùng một số đại đội bảo an, các chi phân khu quân sự cùng cảnh sát dã chiến. ngoài ra còn lực lượng dân vệ..
So sánh lực lượng tại chỗ, địch đông hơn chưa kể còn có pháo binh và không quân vượt trội. Dù vậy, e4 và K10 cùng với lực lượng địa phương hai huyện Phong_ Quảng đã làm cho phòng tuyến của địch rung chuyển, khiến địch lúng túng. TQLC không vào được Đà Nẵng để thay sư đoàn Dù, sư Dù không thể về SG hoặc lên Buôn Ma Thuột được. Khi chiến sự xảy ra địch lại phải điều thêm tiểu đoàn 60 biệt động quân từ Phú Bài ra Bắc Huế .Nó như một trận đánh tạo thế, tạo thời cơ cho những đòn đánh tiếp theo, dù chúng tôi đã phải căng ra quá sức và chấp nhận những tổn thất không nhỏ. Chiến tranh là thế và sẽ phải có những đơn vị như thế.

CÁI GIÁ CỦA CHIẾN THẮNG.

Là người lính khi ấy tôi rất hiểu những dòng hồi ký của PH QuếMF, những cuộc điện đàm của chỉ huy cánh Bắc Huế và tư lệnh mặt trận. Xin đăng bài đã viết năm ngoái trên QSVN.

Đồng bằng
Tôi không tham dự những trận đánh dưới đồng bằng Phong Quảng nhưng lại đặc biệt quan tâm đến nó bởi rất nhiều đồng đội cũ thân thiết của tôi ở dưới đó. Họ không chỉ là K15 đơn vị cũ của tôi mà cả K10, C3 và những o du kích, những cán bộ địa phương hai huyện Phong _Quảng gắn bó với trung đoàn từ ngày chúng tôi đứng chân ở đây.
Mới hôm nào chúng tôi còn gặp nhau, giao lưu trong những ngày xuân Ất mão. Phó chính ủy trung đoàn qua đơn vị tôi, anh nói chuyện với chúng tôi về triển vọng của năm nay, về thời cơ mới trong chiến tranh..tôi chỉ nhớ anh nhắc đến câu thơ :
Thời cơ như cánh chim bay
……………………………
Lâu quá tôi không thể nhớ nổi, nhưng ý anh nói phải biết nắm lấy thời cơ, trong một đời người hay như trong thời cuộc, khi thời cơ đến không biết nắm lấy sau này sẽ vô cùng hối tiếc và là có tội với nhân dân, với tổ quốc.
Vậy mà hôm này nhìn những người lính từ đồng bằng lên, từng tốp nhỏ súng không đạn, khiêng cáng nhau lòng nặng trĩu. Theo lên là những tin dữ bay về :
Phó chính ủy ( anh Cảnh) và chính trị viên tiểu đoàn Chu Phương Đáo cùng rất nhiều đồng đôi khác đã không trở về. Các o Tiệm, Đào, Bé..những cán bộ địa phương rất đa năng và xinh đẹp cũng không về. Những “ thiên nga Việt cộng” (lính Sài Gòn gọi họ như vậy mỗi khi họ cầm loa xuất hiện trên chiến tuyến) đã vĩnh viễn nằm xuống ở tuổi xuân thì, cái tuổi đẹp nhất của thời con gái làm bao chiến sĩ chúng tôi ngẩn ngơ thương xót.
Tôi xin được trích một số đoạn hồi ức của các cán bộ lực lượng địa phương Phong Quảng hồi ấy :
Anh Hoàng Ngọc người đồng đội sát cánh chiến đấu cùng các O ngày đó.( Nguyên giám đốc đài phát thanh truyền hình Huế):
“…Nguyễn Thị Bé, Văn Thị Vững, Phạm Thị Đào, Văn Thị Thắm - tay loa, tay súng tất bật ngược xuôi. Tiếng hát trong trẻo, ngọt ngào của mấy O gái Phong Lai man mác lan tỏa trong sương sớm :
- Chua me nấu với hến tiền/ Chồng chan vợ húp hơn tiên trên đời/ Ngậm vàng mà đắng anh ơi/ theo chi giặc Mỹ một đời nhuốc nhơ.
- Thời loạn anh đi xa, quê nhà đêm mong ngày đợi/ Nay hòa bình vui hội nước non/ Anh về hòa hợp xóm thôn/ Tóc xanh em giũ lòng son em chờ.
Thế mà chỉ 3 hôm sau 12/3 Nguyễn Thị Bé và Văn Thị Vững đã hy sinh trong trận đánh phản kích ở Triều Dương. Đây là trận đánh lớn cuối cùng trong cuộc chiến tranh chống xâm lược kéo dài 30 năm trên vùng cát quê tôi. Sáu cô gái Quảng Điền đã dâng hiến tron vẹn cuộc đời trong trắng, cho độc lập, tự do và thống nhất đất nước.”
Anh Nguyễn Trung Chính Bí thư Quảng Điền ( nguyên phó bí thư thường vụ tỉnh ủy Thừa Thiên Huế):
“..Ở địa điểm tập kết chúng tôi tổ chức hai bộ phận đặc biệt để giải quyết một số việc cấp thiết. Một bộ phận lo mai táng các đồng chí đã hy sinh. Một bộ phân bao gồm cán bộ chiến sĩ K15 do anh Tắc, tiểu đoàn trưởng, chỉ huy chịu trách nhiệm chuyển thương binh lên hậu cứ và cũng để giảm bớt lực lượng dưới đồng bằng. Do ta đánh mạnh trên diện rộng cả đồng bằng và giáp ranh, địch điều động bộ binh và xe tăng chốt chặn dày đặc dọc quốc lộ 1 từ An Lỗ đến Phò Trạch. Phải mất 3 đêm ròng rã ta mới chuyển hết thương binh lên cứ..Sau này ,cứ mỗi lần nhớ lại những đêm tháng 3 năm ấy, nước mắt cứ ứa ra. Tối 12/3/1975 nhằm đúng 30 tháng giêng năm Ất Mão, mưa lâm thâm, gió lùa lạnh buốt, chúng tôi tiễn biệt anh chị em đồng đội về cõi vĩnh hằng trong âm thầm lặng lẽ không một cây hương, không một cách hoa, răng cắn chặt môi đến ứa máu để giằng nén nỗi đau giữ chặt trong lòng.Tiếc thương biết chừng nào những cô gái Quảng Điền lòng còn trinh trắng ( Nguyễn Thị Bé, Huyện ủy viên, bí thư Đảng bộ; Nguyễn thị Tiệm và Văn Thị Vững cán bộ công tác xã Quảng Thái; Lê Thị Đào cán bộ công tác xã Quảng Ninh) đã hiến trọn cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng quê hương.”
Nhớ những ngày 1973 khẩu đội 12,7ly chúng tôi chốt ở Ồ Ồ nằm trên hành lang xuống đồng bằng của anh chị em địa phương. Mỗi lần họ “xuống ấp” đều dừng chân nghỉ uống nước ở khẩu đội chúng tôi và bao giờ cũng có quà cho chúng tôi, lúc thì gói bột ngọt, gói thuốc ru bi..vv.Cánh lính trẻ chúng tôi vẫn thường ngồi ngắm các O, họ đẹp lắm! Tôi chẳng thể quên dáng áo bà ba , đầu đội mũ tai bèo, đeo cái gùi nhỏ cùng khẩu AK báng gấp, mùi xa bông Camay quện với mồ hôi của bụi đường làm chúng tôi ngây ngất…, lính trẻ chúng tôi ngưỡng mộ, mê đắm nhưng tuyệt nhiên không ai dám tán tỉnh, bởi phần nhiều các O đã 24, 25 tuổi, lớn hơn chúng tôi vài ba tuổi đời. Nhưng cầm súng đã 9,10 năm nay, gấp mấy lần tuổi quân chúng tôi.
Vậy mà hôm nay họ đã không về…
Xót xa, chúng tôi cảm thấy như phần nào có lỗi vì đã không giữ được Phổ Lại, để tạo hành lang xuống đồng bằng tiếp ứng cho các đồng đội và các anh các chị. Thực sự d2 ở Phổ Lại đã rất ngoan cường nhưng vì chỉ có một mình e4 , lực lượng ta mỏng quá, không thể nào giữ nổi.
Đồng bằng phải rút lên, Phổ Lại không giữ được phải chăng trong đợt 1 của chiến dịch, e4 chúng tôi thất bại Huh
Để diễn giải sự việc này tôi lại trích những gì bác Xuân Thiều nói :
“…Sau mấy ngày hoạt động tích cực chiến đấu trong điều kiện gian khổ và căng thẳng, theo tư tưởng chỉ đạo chung và dựa vào thực tế tình thế khách quan, các lực lượng tập trung ở Quảng Trị rồi đến Thưa Thiên lần lượt rút lên giáp ranh chấn chỉnh củng cố, rút kinh nghiệm, sau khi cắm lại lực lượng nhỏ để nắm dân chuẩn bị cho đợt hoạt động mới.
Đây là cuộc rút lui vì không đạt được ý đồ ban đầu chăng? Trên thực tế thì không hẳn thế.Ta đã diệt hàng ngàn tên địch, tuyên truyền tổ chức quần chúng trên một diện rộng lớn 150 thôn khắp hai tỉnh Trị Thiên. Ngay sự có mặt của 2500 tay súng cùng lực lượng cán bộ chính trị giữa vùng đồng bằng, mà trước đây địch coi như những thôn ấp loại A, an toàn 100% đã là sự kiện kinh thiên động địa…..
Tuy nhiên nhận thức cho ra nhẽ vấn đề này cũng không đơn giản. Tình hình thực tế lúc này,quả thật cũng có mặt phức tạp. Ở một số nơi, trong lúc đánh địch phản kích ta có tổn thất nhất định, Có đồng chí cán bộ lắc đầu kêu rằng, đồng bằng quả là “khó xơi”. Ngay như tôi cũng vậy, khi được tin lực lượng đồng bằng ta đã rút lên hết, trong lòng không được vui, một chút xót xa, một chút băn khoăn cho công lao vất vả của cán bộ, chiến sĩ. Không hẳn là dao động, nhưng có điều gì đó gợi buồn. Hôm qua vừa được tin một người bạn phó chính ủy trung đoàn 4 ( anh Cảnh) đã hy sinh ở đồng bằng khi địch phản kích vào thôn Vĩnh Nầy, …”

Thứ Sáu, 26 tháng 3, 2010

Gặp bạn ở xa về

Chiều qua Vườn treo đón bạn xa về. Nguyễn Việt Đức hiện sinh sống ở Berlin, sau gần 40 năm hôm nay lần đầu được gặp lại các bạn Trỗi, vui là cậu vẫn nhận được "mặt" của hầu hết các bạn cùng khóa và vui hơn nữa là tại đây lần đầu Việt Đức được gặp các anh các chị K4, K7. Mọi người gặp nhau không rào cản, không có sự phân biệt khóa nào, tất cả đều là anh em bạn hữu.
Đức hồi ở Trường là một học sinh viết chữ rất đẹp, có dịp gặp lại bạn Trỗi , bao nhiêu  hồi ức, kỷ niệm ngày xưa về trường về bạn bè Trỗi, được Đức mang ra cùng ôn với bạn bè. Hồi còn ở trường, B2 là lớp không có các bạn nữ , nên anh em vẫn coi Đức là "thành viên" C11. Sau nhiều năm lăn lộn với cuộc sống cậu đã mất đi vẻ "nữ tính" xưa kia, trở thành người đàn ông thực thụ. Đức rất vui và cảm ơn tất cả vì đã tạo cơ hội cho bạn được gặp lại Bạn Trỗi...và vẫn như mọi lần, bạn Trỗi gặp nhau rất vui.    
Trong ảnh đầu, Đức là người đứng thứ 3(từ trái sang)



"Đại hội" Bạn Trỗi thu nhỏ K4-K7-K8

Thứ Năm, 25 tháng 3, 2010

NGÀY ĐẦU GIẢI PHÓNG

Thực sự 10g30 ngày 25/3/1975 lá cờ trận của tiểu đoàn 8 Quảng Trị đã tung bay trên đỉnh kỳ đài Ngọ Môn rồi.
Sáng hôm sau 26/3 đại đội cử tôi dẫn vài anh em quay trở lại Phong Sơn gom những pháo và đưa người chúng tôi bỏ lại đêm 24/3 để truy kích địch trở về đơn vị.
Đi gần tới Lại Bằng nghe có tiếng súng AK và thỉnh thoảng có tiếng nổ đì đòm, cứ nghĩ tàn quân địch. Rồi bỗng nghe tiêng nổ rầm ngay đầu đội hình, cả đoàn đừng lại nhìn đám khói trước mặt. Phía trên có tiếng í ới, thấy hai cáng đi ngược chiều nhận ra anh em c14 cối 120. Hỏi ra mới biết tốp quay lại của c14 vấp mìn, anh Tuyên chính trị viên hy sinh và một bị thương nặng, ngày đầu tiên của hòa bình là thế, vẫn có những đồng đội ngã xuống.
Gom pháo xong, chúng tôi quay về hậu cứ cũ của đại đội mình nghỉ đêm thì gặp một nhóm các sĩ quan của quân khu đang ở trong hậu cứ. Ngồi uống nước trà và ngóng chuyện các SQ bàn luận, tôi mới biết họ là những người trong bộ chỉ huy hậu cần cánh Bắc của mặt trận Tri Thiên mới di chuyển về đây. Tôi không biết cụ thể là những ai và giữ cương vị gì vì trong chiến trường chẳng có ai đeo quân hàm. Khi trò chuyện bên bàn trà giữa sân, thấy các sĩ quan đều xúm quanh một người lính già và hỏi ông rất nhiều chuyện về diễn biến chiến dịch vừa rồi. Tôi vẫn nhớ ông nói :” Trị Thiên trong đợt 2 rất thuận lợi nhờ khí thế Buôn Mê Thuột, xong chiến dịch mà quân tướng còn khỏe lắm, đủ sức giải quyết Đà Nẵng. Riêng có thằng 324 và e4 là tổn thất nặng. Ngồi nghe mới biết sơ qua diễn biến chung toàn mặt trận, mới biết trong đợt 1 f324 đánh phía Nam Huế và trung đoàn tôi đánh Bắc Huế được trên nhìn nhận như thế.
Tôi ngồi nhìn người lính già đang nói chuyện mà cứ ngờ ngợ, chợt nhớ cái hình ảnh thường thấy trong cái khu tập thể 1A Hoàng Văn Thụ chúng tôi. Những chiếc xe Commăngca cài lá ngụy trang, nhiều cái có cả giàn mướp phía trước luôn xuất hiện ở khu nhà chúng tôi. Rất nhiều bậc cha chú như Hai Nghiêm, Kim Tuấn hàng xóm nhà tôi đã vào chiến trường trên những chiếc xe như thế.
Gặp vị chỉ huy hậu cần cánh bắc Huế này tôi thấy quen mà nhớ không ra ông tên gì. Khi nhận ra ông có người con tên Tuấn Linh lớn hơn tôi vài ba tuổi cũng đang ở trong quân đội thì cũng là lúc phải lên đường về lại Triều Sơn Đông. Rồi sau này ông lại về làm Tham Mưu phó TCHC, tôi nhận ra “người quen” cũ nhưng điều kiện công tác chả có lúc nào được gần ông để hỏi chuyện xưa. Hôm nay đã 35 năm tôi viết những dòng này và xin hỏi bác Tuấn Linh :” Có phải cụ nhà mình tên Yên không ạ ?“
Vì rất có thể tôi nhầm với một ai đó.

Bạn Trỗi ở Đức (tiếp)

Đêm thơ Nguyên tiêu ở Berlin
(do Ngô Thái Hòa K6+K7 gửi Út Trỗi)


Tham khảo: Cuộc sống của cộng đồng người Việt tại CHLBĐ.

Môi trường xứ người

Bắt chước bác TM : Đối thủ hay đối tác















Công viên ta mà thế này nhỉ

Thứ Tư, 24 tháng 3, 2010

HUẾ NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG CỦA CHIẾN TRANH

Ngày 23/3/1975
Ngày bé, tôi có đọc vài hồi ký của các tướng soái Xô Viết viết về thời chiến tranh giữ nước vĩ đại. Trong đó, họ mô tả những trận đánh vượt sông Dơniep, Danuyp thật hoành tráng ..Rồi sau trận đánh những người đầu tiên qua được bờ sông đều được phong Anh Hùng. Có nghĩa những trận đánh vượt sông bao giờ cũng rất khó khăn và ác liệt. Lần này trung đoàn đánh vượt sông qui mô tuy nhỏ những độ tập trung, ác liệt chắc không kém.
Khẩu đội của tôi tham gia yểm trợ cho d3 đánh trận vượt sông Bồ, lẽ ra phải có nhiều cái đáng nói về trận này. Thật tiếc là dù vị trí trận địa chúng tôi không xa bến vượt bao nhiêu nhưng không nhìn được bờ sông. Địa hình ở đây có nhiều tre, cây cối như những xóm làng, tầm quan sát rất hạn chế, không thể tận mắt nhìn các mũi xung kích họ chiến đấu như thế nào. Các mục tiêu của chúng là gián tiếp, phần lớn nằm sâu trong bờ bên kia sông. Lệnh bắn là bắn, kết quả ra sao chúng tôi cũng không rõ. Tôi đành mượn mấy lời bác Xuân Thiều, bác ấy không ở đấy nhưng lại ở phòng tác chiến, tình hình hàng ngày còn nắm rõ hơn người lính chúng tôi khi ấy :
Trung đoàn 4 trong đợt 1 của chiến dịch đã giành thắng lợi lớn ở Phổ Lại và đồng bằng Phong Điền ( cả Quảng Điền nữa). Sau đó trung đoàn đã tranh thủ củng cố đơn vị, lần này ra quân với khí thế dũng mãnh và quyết tâm cao.
…….Cuộc chiến đấu vượt sông ( bồ) Lại Bằng xảy ra hồi 15 giờ ngày 23 tháng 3, bắt đầu bằng trận mưa pháo vào Long Khê, Lại Bằng, núi Bản trong khi đó cối và 12 ly 7 bắn xối xả vào bến sông chỗ ta sắp vượt qua. Lúc pháo chuyển làn là lúc các đơn vị đánh chiếm đầu cầu bắt đầu vượt sông thì pháo của địch lập tức ngăn chặn ta ở bến vượt, bắn vào Cồn Nổi, vào làng Huyền. Giữa một cuộc đấu pháo khiến ta có cảm giác đạn va vào nhau giữa không trung, chiến sĩ đoàn 4 ( K13) vẫn bình tĩnh bơi qua dòng sông Bồ mặc cho mảnh pháo rơi lủm bủm đó đây trên mặt nước, mắc cho đạn bắn thẳng của những tên lính liều lĩnh … bắn xối xả.
16 giờ ngày 23 tháng 3 năm 1975, đơn vị đầu tiên gồm 34 chiến sĩ đã vượt qua sôn
g Bồ, nhanh chóng chiếm bàn đạp chi viện cho các đơn vị tiếp tục vượt sông phía sau. Phòng tuyến của tiểu đoàn 5 lữ 147 thủy quân lục chiến bắt đầu bị chọc thủng.
Những thương binh nhẹ đầu tiên về qua trận địa chúng tôi, họ ngồi cả lại hút thuốc và nói chuyện bên kia sông. Lần đầu tôi mới tiếp xúc với lính K13 bời từ ngày về trung đoàn họ luôn chốt ở Cổ Bi, vùng giáp ranh gần với đồng bằng nhất nên cũng khó khăn nhất. Nhất là mua mưa khi nước sông Bồ có lũ ,cả vùng Cổ Bi, Tứ Chánh trắng băng, lính K13 phải trụ lại trên những cành cây, địch ra sức dụ dỗ, kích động , kêu gọi chiêu hồi. Chúng vè vè ca nô dọa dẫm nhưng lính K13 cũng lỳ lợm chĩa súng thẳng vào cano địch sẵn sàng nhả đạn. Thằng địch ơn quá phải tháo lui. K13 từ ngày về chưa đánh trận lớn nào, hôm nay mới thể hiện…
Tôi để ý trong số thương binh, có một anh chàng cao, gày và đen. Quần áo xộc xệch, bàn tay phải băng trắng, tay trái vẫn quắp một quả mít . Mặc mọi người nói chuyện làng Huyền, chuyện địch ta chẳng quan tâm, anh sùng sục mượn dao nhờ chúng tôi bổ mít. Bổ ra xanh quá, ăn hơn khoai lang một chút, anh ta cười toet bảo :” Cái làng Huyền ấy nhiều mít và thanh trà lắm, tiếc là hơi xanh, thôi để cho mấy bác Nghệ làm nhút” Giọng oang oang biết ngay tay này lại “điếc” rồi ( do sức ép). Lúc sau anh ta như chợt nhớ ra việc gì quan trọng lắm, móc tay vào túi ngực lấy ra một tấm ảnh khỏa thân :” có cái này hay lắm, các ông xem này.” Cả lũ xúm vào, thích thú bình phẩm đủ chuyện…
Họ đi rồi, tôi thấy vui vui khi nghĩ về họ, về sự hồn nhiên trong người lính. Cu Huấn người K13 cũ bảo :” lần này lão Kỳ dẫn lính vượt sông thì chẳng thằng nào biết sợ.” Thảo nào họ chiếm đầu cầu nhanh thế.
Ngày 24/3/1975
Trích ký sự " Bắc Hải Vân của nhà văn Xuân Thiều.
Đêm ấy lực lượng chiến đấu của trung đoàn 4 lần lượt vượt sông bám được vào đất Hương Trà.
Để bảo toàn lực lượng thủy quân lục chiến, Nguyễn Thành Trí tung liên đoàn 14 biệt động quân vừa chạy ở tuyến Mỹ Chánh vào, có chi đoàn xe tăng M113 gồm 18 chiếc yểm trợ, ra phản kích ngăn chặn ta. Trong lúc đó, Bộ tư lệnh nhẹ thủy quân lục chiến cùng lữ đoàn 147 chuồn về cửa Thuận An.
Trích " Tháng ba gãy súng " Trung úy TQLC Cao Xuân Huy
……Khoảng 4 giờ sáng ngày 24 tháng Ba, đại đội tôi nhận nhiệm vụ làm gạch nối ở làng Ðồng Lâm để yểm trợ cho đại đội 1 và đại đội 2 rút ra từ phía núi.
…..Nhưng rồi khoảng 2 giờ trưa, đại đội Biệt Ðộng Quân lại biến mất. Họ không báo cho c
húng tôi biết và họ cũng không đi qua cầu An Lỗ. Tôi không đoán nổi là họ đi lối nào và lúc nào. Tôi báo cáo về tiểu đoàn. Chỉ còn đại đội tôi nằm ở bờ bắc cầu An Lỗ.
…..8 giờ tối, khi tôi đang cố gắng liên lạc với trung đội 2, Ðại đội trưởng gọi tôi lên họp.
"Ông cho con cái trang bị nhẹ tối đa, bằng mọi giá phải về đến Thuận An trước 6 giờ sáng mai. Ai tới trễ sẽ bị bỏ lại vì chỉ có một chuyến tàu đón mình về Ðà Nẵng thôi."
Trích ký sự " Bắc Hải Vân của nhà văn Xuân Thiều.
Suốt ngày 24 tháng 3 kịch chiến xẩy ra ở Lại Bằng.Tám lần địch tập trung lược lượng phản kích, có lần chúng đã chiếm được bến vượt, nhưng cuối cùng đã bị đẩy lùi.
Quả là ngày 24/3 rất căng thẳng, khẩu đội của tôi bắn liên tục, nhìm nòng pháo mầu bàng bạc, nóng dãy. Địch cũng phản pháo quyết liệt không kém, bụi tre mới hôm qua còn xanh um mà giờ xơ xác. Bên kia sông dội lên đủ loại âm thanh.Tôi vô tình nghe được cuộc đàm thoại giữa Trung đoàn trưởng Nguyễn Hạng và anh Quân ( là cán bộ tiểu đoàn) vì đường dây thông tin qua chỗ tôi mới xuống đến sở chỉ huy tiểu đoàn.
- Anh Quân, anh đang ở đâu? Lính anh ở đâu?. Vị trí của anh là ở bên kia sông, anh rõ chưa! Giọng của trung đoàn trưởng rất gay gắt, như quát và kiên quyết
- Báo cáo anh, băng xong vết thương tôi sẽ sang ngay, anh em đang rời chỉ huy sở sang sông.
Thật căng thẳng !
Trích ký sự " Bắc Hải Vân của nhà văn Xuân Thiều.
Quảng 15 giờ chúng co cụm lại ở bình độ 12. Và đây là chút hơi tàn cuối cùng trước khi chúng rút chạy và tan rã hoàn toàn. 17 giờ 30 chúng giật sập cầu An Lỗ, chiếc cầu cửa ngỗ vào thành phố Huế.
Chập choạng tối pháo địch bắn sang trận địa chúng tôi như mưa, chưa bao giờ thấy bắn dai, nhiều như thế vào trận địa chúng tôi. Huấn cũng lính 72 với tôi cũng phải thốt lên :” Chết mất thôi !”. Tôi biết cái hầm này rất sơ sài, chỉ có 3 tấc đất đắp trên nhưng lại an toàn vì nó được chắn bởi một bụi tre lớn. Nhưng nó bắn nhiều thế này cũng làm thần kinh chúng tôi mệt mỏi và lo lắng nghi ngờ, không lẽ nó phản công vào ban đêm, nhưng không thấy pháo sáng, lạ! Chưa bao giờ thấy như thế.
Pháo ngưng bắn, không giam tĩnh lặng hẳn, chúng tôi lại lần tìm nối những chỗ đứt của đường dây điện thoại, nối xong cũng không liên lạc được chắc đứt nhiều và ở nơi xa, kệ !chờ lát nữa thông tin sẽ nối lại.
Trích ký sự " Bắc Hải Vân của nhà văn Xuân Thiều.
Chấp hành lệnh của quân khu, lập tức trung đoàn 4 tổ chức truy kích địch. Mặc dù tối trời, đường xá còn bỡ ngỡ, lại qua một ngày chiến đấu căng thẳng, chiến sĩ ta quên hết mọi sự vất vả mệt nhọc, cảm thấy đây là giờ phút đẹp nhất, tự hào nhất của cuộc đời chiến sĩ: Giờ phút của người chiến thắng trên đường khép chặt vòng vây tiêu diệt quân địch đã và đang hoàn toàn tan rã.
…14 giờ ngày 25 d1/e4 đã có mặt ở Động Ấp ( bắc cửa Thuân). Như vậy tiểu đoàn 3 Quảng Trị từ hướng bắc đánh vào, tiểu đoàn 1 trung đoàn 4 từ phía tây đánh xuống,cả 2 tiểu đoàn đã hội quân ở đây, cùng nhau chốt chặt phía bắc của Thuận An không cho địch tẩu thoát theo đường biển kể từ chiều 25 tháng 3 năm 1975.
Đại đội cho người xuống yêu cầu để lại 1 người trông pháo còn tất cả về ngay. Chúng tôi dồn ghép đội hình nhận 2 khẩu DKZ_82 và cùng đại đội hành quân ngay trong đêm. Vượt sông Bồ, đơn vị đi sâu xuống đồng bằng, băng qua những xóm làng vắng lặng, thi thoảng có tiếng chó sủa, le lói ánh đèn dầu hắt ra từ những mái nhà tôn ven đường. Xa xa trên rừng vẫn nghe tiếng đầu nòng của đại bác 130 , quầng sáng phía trước là Huế. Lại luồn sâu hay vu hồi chăng (?) mà sao đi mãi, ám ảnh đồng bằng trong tôi vẫn còn đó, cũng lo lo. Nhưng sao lạ thế, nó vừa bắn, đạn văng như trấu mà sao bây giờ im lặng thế. Tôi có biết đâu trận pháo dữ dội ban tối là những loạt pháo cuối cùng của địch ở bắc Huế. Tình thế khác rồi, chưa biết tình huống phía trước, sắp tới là gì nhưng tôi cảm nhận thắng lợi đang đến gần, trời càng sáng càng nhận rõ. Đơn vị ngoặt trái qua khu dân cư ngoại ô ( Bao Vinh), nhà cửa nhiều hơn và hầu như vắng chủ, đi tiếp, xuôi theo dòng sông xanh biếc, không lẽ là sông Hương .. đây sao? Chúng tôi đã không có vinh hạnh vào Huế, mục tiêu chiếm lĩnh là cửa biển Thuận An nơi địch dồn về rất đông. Nhưng không có trận đánh nào xảy ra, dừng chân ở thôn Triều Sơn Đông, người dân dứng trên bậc cửa, hiên nhà nhìn bộ đội mừng vui, lạ lẫm và lo sợ nữa. Bất giác tôi nhớ Trực, người bạn cùng khẩu đội 12,7ly ở K15 , nhớ đến câu thơ Trực viết trong cuốn sổ nhỏ sau đêm gác ở đồi Không tên :

Thôi thế nhé Huế ơi gắng đợi
Một ngày mai anh sẽ về bên em
Nước sông Hương một dòng trong mát
Soi bóng hình Hà Nội yêu thương . . .
Mùa mưa 1974
hồi 5g 30 1/11/1974 _Phạm Thiện Trực
Mộc mạc, đơn giản nhưng là ước mơ của người lính e4 ngày ấy đã trở thành hiện thực. Ngỡ ngàng !

Thứ Ba, 23 tháng 3, 2010

Chó đẻ

"Sáng nay, thằng Tròn nói với ba nó:
- Ba, con Trung Kiên nhà mình sắp đẻ rồi?
- Chừng nào? Sao tụi bây không cho biết sớm?
- Dạ, khoảng vài ba ngày nữa. Tại bữa nào ba cũng họp hành liên miên về trễ, mà lại sỉn lút cán nên đâu có khi nào nói được…
- Tụi mày cứ vậy không hà, đợi sát đít mới báo. Thôi, để tao tính!
Tròn là con thứ sáu của Ba Mãn. Ba Mãn là bí thư xã..."Xem tiep

http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/vanhoc_tacpham.asp?TPID=12400&LOAIID=2&LOAIREF=1&TGID=1625
Tác giả: Phạm Thanh Phúc

Thứ Hai, 22 tháng 3, 2010

Mời gặp mặt Bạn Trỗi

Mời Bạn Trỗi K8 B2 (mở rộng) gặp mặt đầu Xuân, có bạn đã rất lâu chưa gặp, ở xa về chơi - Nguyễn Việt Đức (bên trái trong ảnh - Berlin 2009), dân viện108 trước khi lên trường.
17 giờ chiều thứ Sáu 26-3-2010 tại "Vườn Treo" - nhà hàng Pacific 281 Đội Cấn HN. Bùi Thắng.

Nhớ bạn B3 - Trại Đồi, suối Chì - K6, Đại Từ - Thái Nguyên.

Chào các anh chị em Trường Trỗi,

Nhân dịp chúng ta chuẩn bị kỷ niệm 45 năm thành lập trường VHQĐ Nguyễn Văn Trỗi (15-10-1965 15-10-2010), tôi xin gửi đến các thầy cô và anh chị em lời chúc mừng nhiệt liệt nhất,chúc tình thầy trò, tình đồng chí, đồng đội và bạn bè của anh chị em Trỗi ta nhân dịp này ngày càng nồng ấm và thắm thiết, thủy chung để ngày càng trở thành động lực đoàn kết và động viên nhau thiết thực hơn vươn lên trong cuộc sống. Chúc các thầy cô và anh chị em ta ngày càng khỏe mạnh,vui vẻ, thành đạt và hạnh phúc. Nhân đây tôi gửi tặng các thầy cô và anh chị em một vài đoạn tản văn tự sự nói lên những tâm tư tình cảm và những kỷ niệm không bao giờ quên với thầy cô và các bạn ở K6 và K7 trong thời gian học và rèn luyện ở Đại Từ, Quế Lâm, Hưng Hóa và Trung Hà. Mong nhận được những hồi âm tương tự của các thầy cô và anh chị em Trỗi ta .

Thân mến.

Ngô Thái Hòa K6+K7

Nhớ bạn B3 - Trại Đồi, suối Chì - K6, Đại Từ - Thái Nguyên.

Ngày đầu đặt chân lên trường Trỗi là một ngày cuối thu và đầu đông năm 1966. Thời tiết vùng đồi núi sát chân dãy núi Tam Đảo se lạnh và ban đêm hoặc gần sáng có sương muối. Tôi nhập học muộn hơn các bạn và được phân về B3 K6 ở Trại Đồi - Suối Chì - Đại Từ - Thái Nguyên do Thầy Toàn là B trưởng, Võ Điện Biên làm tiểu đội trưởng, Đặng Quân Chính là tiểu đội phó. Cùng tiểu đội tôi có Tạ Chiến, Huấn(C), Võ Quốc Công (đã mất), Đoàn Quốc Khánh, Nguyễn Quốc Khánh, Tuấn (Hai-nơ), Hà(Mèo), Thế(Đ- đã mất)..các tiểu đội khác như Minh(CX), Thọ(Gh), Quảng(Gi), Tạ Quang Chính, Tòng(H),...Hồi đó lớp học nửa chìm nửa nổi được nối với nhà ở bằng các đường giao thông hào và đều được dựng bằng tranh tre nứa trên nền đất nện. Chúng tôi học văn hóa ban ngày đan xen giữa những lần báo động phòng không, nhiều khi máy bay Mỹ bay qua để không kích khu Gang thép Thái Nguyên và thành phố Thái Nguyên, gầm rú và nhiều khi sát sạt trên đầu, đôi khi chúng tôi dưới giao thông hào nhìn lên còn nhìn thấy tụi phi công Mỹ đầu đội mũ bay, lúc lắc đầu trong khoang lái khi bay nghiêng. Lớp tôi có Võ Điện Biên, Tạ Quang Chính, Đặng Quân Chính, Đoàn Quốc Khánh tiếng Nga giỏi, nhiều buổi ngoại khóa các bạn ấy hay được khen vì đối thoại và hát các bài hát tiếng Nga. Những kỷ niệm về những buổi báo động chiến đấu, hành quân dã ngoại, đi lấy gạo và nhu yếu phẩm hay xuống bếp giúp các chị nuôi thật sâu đậm trong tôi và luôn đưa tôi về những kỷ niệm thủa thiếu thời ở vùng trung du Đại Từ - Thái Nguyên ấy. Buổi thực tập báo động chiến đấu đầu tiên là kỷ niệm khó phai, tôi và các bạn K6 lúc đó mới lớp 5, hơn mười tuổi một chút, đang tuổi ăn, tuổi ngủ, bỗng nhiên nghe tiếng còi của B Trưởng Toàn vang lên lanh lảnh và tiếng thúc giục dậy ngay, thu dọn chăn màn và quân tư trang ra sân tập hợp để hành quân di chuyển đơn vị gấp theo lệnh từ Hiệu bộ. Tôi đang mơ màng vội choàng dậy và thu dọn đồ đạc chăn màn, nhưng có bạn nào đó đã trêu mình và đã thắt nút 4 dây màn của mình, tôi lúng túng mãi không thể tháo được, đành giật đứt luôn. Đến khi cho hết đồ đạc, quân tư trang vào ba lô, tôi mặc quần áo và lao xuống giường để xỏ giầy thì hỡi ôi, hai chiếc giầy đều bị thắt nút dây, tôi đành vác ba lô và xách giầy, đi chân đất ra sân tập hợp, hôm đó tôi bị phê bình vì chậm và mấy bạn được phen cười cho cậu "tân binh". Tôi vẫn nhớ những lần được phân công trực nhật làm vệ sinh lán trại và nhất là những lần vệ sinh chuồng ngỗng của trung đội cùng với Tuấn (Hai nơ), Hà (Mèo). Nhớ những buổi tập đội ngũ hay đá bóng dưới cái nắng như đổ lửa hay dưới những cơn mưa rừng dữ dội và dai dẳng. Những buổi lao động XHCN cuốc và dãy dương xỉ và giềng, cỏ tranh để là sân bóng,...Chúng tôi hồi đó kết nghĩa với các anh K5, các anh Thịnh, anh Tuấn (Pa tê) K3,...hay xuống chơi và phụ đạo, rồi thỉnh thoảng đưa tụi tôi đi tắm ở suối Hố bom, chúng tôi rất thích vì nước ở đó trong vắt và mát lạnh giữa ngày hè oi nồng. Chúng tôi không bao giờ quên được các thầy Mã (đại đội trưởng), thầy Hậu (Chính trị viên), thầy Ngô Ngọc Hòa (dạy văn), thầy Phạm Lực (dạy vẽ), thầy Quý (dạy nhạc)... Một kỷ niệm khó quên đối với thầy Toàn B trưởng B3 - K6 là vào một đêm mưa bão sầm chớp đùng đùng, cả lớp đang ngủ say, thầy Toàn đang đi kiểm tra và ghém chăn cho mấy bạn ngủ mê đạp tung chăn ra khỏi màn, thì bất ngờ ngã vật ra đất, một tiếng sét kinh hoàng và ánh chớp chói lòa chẻ đôi cây Sau Sau cổ thụ ở sát khu nhà đại đội và điện lực cực mạnh của sét đã truyền theo dây loa truyền thanh vào loa trong lán của chúng tôi và đã quật ngã thầy Toàn. Anh em bật dậy lo sơ cứu cho thầy Toàn, sau đó quân y nhà trường đến cấp cứu kịp thời cho thầy. Mấy hôm sau đỡ, thầy tình nguyện xin vào Nam chiến đấu. Hồi đó chúng tôi cũng sinh hoạt và học tập căng thẳng và lúc nào cũng quân phong, quân kỷ như một đơn vị quân đội chính quy thực thụ, suốt từ 5 giờ kém 15 sáng cho đến 10 giờ 15 đêm, nghĩa là từ "Vươn thở cho đến Tiếng thơ" căng như dây đàn, tính toán và nghiêm chỉnh đến từng phút. Quần áo nghiêm chỉnh, chăn màn trật tự nội vụ thẳng băng, sạch sẽ. Kỷ niệm với các anh chị nuôi cũng không bao giờ quên, vào đến đây tôi mới biết thế nào là ăn cơm tập thể, biết thế nào là ăn cơm "Thúng" uống nước "Thùng", biết vị ngon của nước "cơm cháy", biết nhường nhịn nhau cũng như biết ăn đổi đầu đũa cho vệ sinh, nhất là ăn với mấy bạn ăn khỏe và láu cá thì buộc phải áp dụng chiến thuật "đầy - vơi - đầy",...Nay sau 45 năm xa cách, các thầy cô, các bạn mỗi người mỗi nơi và mỗi người mỗi hoàn cảnh, người còn người mất, tôi vẫn nhớ và luôn theo dõi tin tức của các thầy cô và các bạn qua các trang Blog của Trỗi ta. Mong rằng qua các trang Blog này tất cả chúng ta vẫn nhớ đến nhau và giúp đỡ động viên nhau tiến lên trong cuộc sống, học tập và công tác để chúng ta vui khỏe và hạnh phúc hơn.

Về Tập 3 Sinh ra trong khói lửa

BLL nhà trường đã họp triển khai công việc tổ chức kỉ niệm 45 năm Trường TSQ Nguyễn Văn Trỗi. Trong đó có nội dung xuất bản Tập 3 "Sinh ra trong khói lửa" (vẫn giữ tên như cũ).


1. BBT sách Tập 3 gồm: thầy Chi Phan, thầy Phạm Đình Trọng, Trần Hồ Bắc và Trần Kiến Quốc.

2. Chủ trương xuất bản Tập 3: nội dung tinh túy, chọn lọc với chất lượng cao hơn Tập 1 và 2.
- Số trang: 400-500. (Các bài không in sẽ được đăng tải tiếp trên VănnghệBạnTrỗi.- Số lượng in: 1000 cuốn, bìa cứng (dự kiến đủ để phát hành trong trường, tặng thầy cô và đối nội, đối ngoại).

3. Tiến độ triển khai:
- Từ nay đến 30/6: biên tập.
- 31/7/2010 - xong bản thảo trên chế bản điện tử.
- 30/9/2010 - in xong tại Cty In QĐ 2 (GĐ Nguyễn Nam Điện k6).

4. Phát hành: Các khóa đăng kí số lượng và nộp tiền trước 30/9/2010. (Giá bán: 100.000đ/cuốn).
Vận chuyển sách ra Bắc: Bùi Quang Vinh k3.

Thứ Năm, 18 tháng 3, 2010

Nghệ sĩ ND Quốc Hương

"Lướt la" trên mạng, gặp được nhiều bài hát quen thuộc xưa kia, do cố nghệ sĩ ND Quốc Hương trình bày. Các bác thưởng thức một chút, để "hoài cổ".
Giới thiệu Nghệ sĩ ND Quốc Hương


Trên đường ta đi tới
Sáng tác: Bửu Huyền - Trình bày: Quốc Hương

Anh đi khai phá miền tây
Rừng núi bao la bừng giấc say
Anh khai đất hoang thành luống cày
Mai kia mừng ngô lúa nặng tay

Tôi đi khắp chốn công trường đó đây
Như cánh chim tung trời gió mây
Tôi xây lên những công trình đẹp tuyệt vời
Đó đây lò cao khói bay

Bao năm kháng chiến trường kì
Lòng vẫn mơ có ngày hôm nay
Xưa mang súng gươm đi giết thù
Nay lên đường gieo lúa mùa thu

Năm xưa chiến đấu bên bờ Cửu Long
Sóng reo ca mừng chiến công
Năm nay ta hát bên dòng sông Hồng
Lòng phơi phới vui say hòa bình

Cất tiếng ca dội vang tới chân trời xa
Ta gửi về niềm tin chiến thắng quê ta
Đất nước ơi nguyện dâng trái tim nồng cháy
Đi đắp xây cho ngày sông Hồng Cửu Long vang tiếng vui ca

Trên đường ta đi tới

Nguồn: Trang âm nhạc "Nhac cua tui"

45 năm vững bước trưởng thành

Nhạc : Thầy Hồng Tuyến,ý thơ : Đức Khôi.

( Phục vụ tập hát bài 45 năm trường ta của thầy Hồng Tuyến.Cũng là góp một tay với Quang trung.)

Thứ Tư, 17 tháng 3, 2010

Thông báo

Để chuẩn bị kỉ niệm 45 năm thành lập trường TSQ Nguyễn Văn Trỗi (15/10/1965-15/10/2010), Ban Liên lạc nhà trường kính mời thầy cô và anh chị em - ủy viên Ban Liên lạc trường và Ban Liên lạc các khóa tới dự họp mặt.
Địa đểm: Nhà hàng Pacific 281 Đội Cấn, Hà Nội.
Thời gian: 15g ngày chủ nhật 21/3/2010.
Trân trọng!
Trưởng ban Bùi Quang Vinh

Thứ Ba, 16 tháng 3, 2010

Đọc báo: Đừng biến tín ngưỡng thành cuồng si

VietNamNet đã có cuộc trao đổi với PGS Nguyễn Văn Huy, nguyên GĐ Bảo tàng Dân tộc học VN về vấn đề này.

LTS: Gần đây, những lễ hội vốn quy mô làng xã hoặc của một vùng như Bà Chúa Kho, Đền Trần, Phủ Giầy... có tiếng là "thiêng", đột nhiên mở rộng đến... tầm quốc gia. Quan chức khắp nơi công khai đánh xe công về "dự lễ", dân chúng thập phương thấy thế càng đổ dồn về "ăn mày lộc thánh". Quan niệm "dương sao âm vậy" gần như đã bị thay bằng "quan sao dân vậy".

Nhưng quan chức cấp cao công khai đến lễ hội có nhằm gửi "một thông điệp" nào đó cho dân chúng? Dù là cố ý hay vô tình thì họ cũng đã góp phần làm biến tướng lễ hội và đang chi phối đời sống tín ngưỡng dân gian.
.....XEM TIẾP

Xin đừng bật đèn xanh cho tiêu cực 
17/3/2010

Ảnh thật 100%


Anh chàng tây thích thú khi nghe người bạn Việt nam phiên dịch dòng chữ trên tấm bảng quảng cáo.

Thứ Hai, 15 tháng 3, 2010

Tặng người em gái xa quê

Nhân ngày mồng tám tháng ba, tôi gửi tặng chị em C11 bài thơ về một người con gái Việt Nam vất vả nơi xứ người, nhân dịp này xin gửi tới các chị em C11 Trường Trỗi lời chúc mừng tốt đẹp nhất, mong rằng chị em Trỗi chúng ta ngày càng khỏe mạnh, xinh đẹp và hạnh phúc, xứng đáng với tám chữ vàng mà Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã tặng cho Phụ nữ Việt Nam. (Ảnh: Tác giả)

Tặng người em gái xa quê

Anh thăm em một buổi chiều,
Con tim rộn ràng,hồi hộp bao nhiêu.
Minh nhìn nhau, bao điều muốn nói,
Anh và em, chẳng nói được câu gì,...

Anh thấy em mắt ướt mi,
Chiều Xuân gió lạnh, buồn chi cô nàng?
Nơi đây trống vắng "Địa đàng"
Phải chăng em nhớ thương chàng nào đây?

Nhớ ai da diết chân mây,
Nhớ con đò nhỏ , gốc cây xóm chùa,
Nhớ đồi sim tím hoa mua,
Nhảy dây,đánh chắt,mấy mùa em chơi.

Bây giờ xa tít mù khơi,
Gian nan vất vả xây đời ấm no,
Thương em thân cò lặn lội,
Ca kíp sớm khuya, trăm lối quê người,...

Bao giờ cho đến tháng mười?
Để em lại được nói cười ở quê!
Thương người em gái chân quê,
Trời tây giá lạnh chưa về quê hương.


Berlin, Xuân Canh Dần-2010
Ngô Thái-Hòa.
Chùm ảnh phong cảnh Berlin do NTH gửi tặng bạn Trỗi.

Thư chào của anh Ngô Thái Hòa

Các bạn và anh chị em Trường Trỗi thân mến!
Tôi là Ngô Thái Hòa (học sinh Trường Trỗi B3, K6 Trại Đồi Đại Từ Thái Nguyên, sau khi sang Quế Lâm Trung Quốc bị ốm nên xuống B4 C52 K7). Tôi rất cám ơn anh chị em và bạn bè Trỗi ở Út Trỗi, Bạn Trỗi K6 và Bạn Trỗi K7 đã tạo điều kiện cho tôi được thông qua diễn đàn Út Trỗi, Bạn Trỗi K6 và Bạn Trỗi K7 để gặp gỡ các bạn bè Trỗi và cùng nhớ lại những tình cảm cũng như những kỷ niệm đẹp đẽ thời thơ ấu Trong Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi của chúng ta. Nhân dịp này tôi gửi tặng các bạn ảnh chụp CLB Người yêu thơ Berlin trong đêm Thơ Nguyên Tiêu được tổ chức lần đầu tiên ở Berlin-CHLB Đức (Ngô Thái Hòa đứng giữa, mặc áo ký giả màu bộ đội).
Rất mong được đóng góp ngày càng nhiều cho Blog này của chúng ta ngày càng sâu sắc, thiết thực và lớn mạnh về mọi mặt, chúc cho tình bạn cao cả và trong sáng của tất cả anh chị em Trường Trỗi chúng ta ngày càng đậm đà, thủy chung và động viên giúp đỡ được nhau nhiều hơn, thiết thực hơn trong cuộc sống, chúc cho gia đình, con cái và cháu chắt các bạn hạnh phúc, may mắn.
Rất mong được gặp các bạn và anh chị em Trỗi trong dịp về thăm Việt Nam gần đây nhất (Có thể là dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội).
Gửi lời chào thân ái.
Ngo Thai Hoa(Troi K6+K7)

Ngô Thái Hòa đứng giữa, mặc áo ký giả màu bộ đội

Gửi Ngô Thái Hòa

Mình rất bất ngờ và hết sức vui khi bỗng nhiên được đọc thơ của NTH trên Út Trỗi. Lâu nay mình cứ mong tìm được tin tức của NTH vì bọn mình bặt tin nhau đã qúa lâu mà không có cách nào liên lạc với nhau được, bặt vô âm tín, chỉ biết là H đang ở bên Đức. Mỗi lần gặp Thanh Sơn ( cũng ở 5B HHT) hỏi thăm thì TS cũng không biết. Blog Út Trỗi thật là tuyệt vời! Thế là bọn mình lại nối được liên lạc với nhau, lại có dịp ôn lại những chuyện xưa, nhất là kỷ niệm về những ngày huấn luyện tân binh ở Bãi Nai-Hòa Bình, rồi những ngày H vào Sài gòn khi về làm ở Bộ L Đ-TB&XH, về những người bạn của H...Hòa là một cây viết và là một nhiếp ảnh gia. Gần đây mình có viết một vài bài trên Blog, trong đó có nói về NTH, không biết H có đọc thấy không? Tình bạn và những kỷ niệm thật khó mà quên. Bọn mình vừa là bạn Trỗi, vừa là đồng ngũ. Những người lính 6/1/72 lâu lâu vẫn có dịp gặp nhau, trong SG chỉ còn 4,5 đứa, ít gặp nhưng vẫn nhớ đến nhau luôn. "Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ", quả là như vậy. Mình vẫn giữ nhiều ảnh bọn mình chụp hồi ở Bãi nai, thỉnh thoảng giở ra xem. Hồi đó H bị xoang, hay khịt mũi, cũng gầy như mình. Vậy mà nay xem ảnh H trên mạng thấy H mập quá. Mình thì nhớ H vậy, không biết cái tên N.T.V, biệt danh Vỹ gỗ có còn trong bộ nhớ của H được bao nhiêu? Cho mình gửi lời thăm gia đình H nhé và chúc H mọi sự tốt lành. Liên lạc với mình theo địa chỉ: vyhoanhuongtra@yahoo.com. Tạm biệt và hẹn gặp lại.

Chủ Nhật, 14 tháng 3, 2010

3 sáng tác mới của thày Hồng Tuyến

Tham khảo 3 sáng tác mới của thày Hồng Tuyến do anh Quang Trung chép lại 3 ca khúc này trên phần mềm Encore.
(Tác giả bài ca trường VHQĐ Nguyễn Văn Trỗi)


Ảnh: Thầy Hồng Tuyến trong SRTKL tập II

Bạn Trỗi ở Đức

Phần nhận xét của bài "TRẺ CON" của KV, có một trong những nhận xét của "Ngô Thái Hòa K7+K6" viết như sau:
"Chào tất cả các anh chị em Trỗi gần xa, đã lâu rồi không gặp, tôi và anh chị em Trỗi ở Berlin và trên toàn CHLB Đức rất nhớ các anh chị em Trỗi ta ở nhà, muốn gửi ảnh và Video về, nhưng chưa biết cách đưa lên mạng như thế nào,anh chị em nào biết chỉ dùm tôi với nha, cảm ơn trước nha.
Nhân đây tôi giới thiệu với anh chị em ở nhà trang Web www.nguoiviet.de và trang http://thoibaovietduc-online.de/ để mọi người tham khảo, trong tin Đêm thơ Tết Nguyên tiêu ở Berlin, có chụp hình "CLB Người yêu thơ Berlin", có ai nhận ra tôi ở trong đó không? Hêhee. Nếu ai nhận được thì hồi âm vào Yahoo Meseger với Nickname của tôi là: vaberlin01
Tôi tạm dừng và chúc các bạn cuối tuần vui vẻ,khỏe mạnh và hạnh phúc như ý nha.

Thân mến
Ngô Thái Hòa.

16:59 Ngày 14 tháng 3 năm 2010 ".

Mạn phép tác giả, ÚT TRỖI đưa nhận xét này lên trang chính.

Nhân dịp đầu Xuân Canh Dần, bận việc và học tập nên tôi gửi tặng các bạn Trỗi ở nhà một bài thơ Xuân, các bạn đừng cười tình cảm của một người con xa xứ nha:

Chiều Xuân Berlin

Đông này giá lạnh lắm thay,
Chiều nay Xuân đến tuyết bay đầy đường.
Em về, anh nhớ anh thương,
Không về, nhớ mẹ,thương cha, chong đèn.

Chiều Xuân tầu điện leng keng,
Ô tô, tàu hỏa thắp đèn sáng choang,...
Tết xa xứ vẫn đàng hoàng,
Bánh chưng, giò,mứt ...với Nàng Thơ Xuân.

Chiều Xuân anh viết Thơ Xuân,
Ngoài kia tuyết lạnh,gió ngân từng hồi.
Thương em gái tím đôi môi,
Bán hàng, bão tuyết, qua đồi, em đi.
...
Em về em nhớ những gi?
Anh thì xa xứ nhớ về quê hương,
Nhớ đàn em nhỏ thân thương,
Nhớ cha,thương mẹ ở nơi quê nhà,

Nơi đây gấm vóc lụa là,
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương,
Cây đa, bến nước, con đường,
Nhớ làn môi ấm hẹn hò em trao.

Bây giờ em ở nơi nao?
Tình em lại cứ bay vào thơ anh?,
Tràn đầy nhựa sống trên cành,
Tình anh đang đợi buông mành liễu tơ.

Bây giờ anh lại cứ mơ,
Đến ngày gặp lại, em chờ, chân quê.

Berlin, Xuân Canh Dần-2010
Ngô Thái Hòa.

Nhân dịp không khí Xuân đang còn lãng đãng đây đó, tôi gửi tặng anh chị em trường Trỗi một bài thơ Xuân tôi mới làm, mong anh chị em gần xa đọc cho vui nha:

Tình cờ

Tôi đi lặng lẽ phố đông,
Ồn ào xe cộ mênh mông là người.
Bỗng nhiên tôi thấy em cười,
Hàm răng lấp lóa , môi cười xinh xinh...
Đi đâu ơi hỡi cô mình?
Trời Xuân giá lạnh một mình lang thang!
Thì ra nàng cũng mênh mang,
Như tôi lặn lội "Địa đàng" nơi đây.

Bao giờ Rồng mới gặp Mây,
Tim tôi hết lạnh , hồng đầy vườn Xuân.

Berlin,Xuân Canh Dần - 2010.
NgôThái-Hòa.

Hy vọng có sự đóng góp thường xuyên của Ngô Thái Hòa với UT. (Ngô Thái Hòa có thể cho biết email và  gửi mail vào: Uttroi2007@gmail.com  để gửi quyền đăng bài lên UT)

Thứ Bảy, 13 tháng 3, 2010

TRẺ CON

Hu hu ! Họ bắt mình phải chơi những thứ này

Cho tôi chơi những cái tôi thích

Có thế chứ ! Tôi sẽ là cầu thủ.

Cái gì lạ thế này.

Tôi đang sửa xe đấy.
Được mẹ yêu

Thứ Sáu, 12 tháng 3, 2010

Americans are NOT stupid

Video clip này trên you tube. Mời các bạn xem giải trí cho vui ngày thứ bảy.

Tin buồn

Thương tiếc báo tin.
Cụ bà Lưu Thị Hồng Liên (thân mẫu bạn Dương Đức Hải B3 K8), đã từ trần hồi 08h53 ngày 12/3/2010 tại Hà nội, hưởng thọ 82 tuổi.
Lễ viếng: từ 13h đến 15h ngày Thứ hai 15/3/2010
Địa điểm: Nhà tang lễ bệnh viện 354, 13 phố Đội Nhân, Thành phố Hà nội.
Hỏa táng cùng ngày tại Đài hóa thân Hoàn Vũ.
Thay mặt K8 xin gửi lời chia buồn tới Dương Đức Hải và gia đình.
BLL K8
(Bạn Trỗi đến viếng, tập trung lúc 14h, ngày 15/3/2010.)

Thứ Hai, 8 tháng 3, 2010

VẪN KỊP 8/3

Các anh giai thi nhau chụp hoa dâng tặng 8/3 ((Ảnh ĐH)

Có mỗi chiếc hài Lọ Lem biết ai là người muốn thử?

Bông hoa này trông quen quen?

Hoa Banksia (Úc)


Hoa chuông

Chủ Nhật, 7 tháng 3, 2010

Chào mừng ngày quốc tế phụ nữ 8.3:Mẫu đàn ông lí tưởng.

Lần trước là mẫu phụ nữ lý tưởng. Nhưng đó chỉ là mơ ước của "phe" đàn ông chúng ta mà thôi. Khó như thể"tìm kim nơi đáy bể". Chỉ một phần trong đó đã là quá đủ. Nay nhân dịp mồng 8/3 , có một người bạn gửi cho tôi bài này, mong rằng chúng ta sẽ là ứng cử viên đẹp nhất trong mắt chị em.
Mẫu đàn ông lý tưởng của phụ nữ qua từng giai đoạn.

Khi nàng 20 tuổi:
- Đó là một người đẹp trai
- Thu nhập cao
- Biết lắng nghe
- Biết hài hước
- Ăn mặc sành điệu
- Người tình lãng mạn.

Khi nàng 32 tuổi:
- Trông bảnh trai, nhất là mái tóc
- Có đủ tiền cho một bữa tối sang trọng
- Biết nghe nhiều hơn nói.
- Mang giỏ xách một cách nhẹ nhõm khi đi chợ
- Biết đánh giá cao bữa tối chuẩn bị công phu
- Nhớ ngày sinh nhật và những ngày lễ trong năm
- Thích tình huống lãng mạn ít nhất 1 lần/tuần.

Khi nàng 42 tuổi:
- Đừng xấu quá, đầu hói cũng OK
- Đừng phóng xe khi mình chưa kịp ngồi lên
- Làm việc chăm chỉ
- Biết mặc áo thun che bụng bia
- Cạo râu cả những ngày không đi làm.

Khi nàng 52 tuổi:
- Không gãi những chỗ tế nhị nơi đông người
- Không vay tiền thường xuyên
- Không ngủ gật khi có người đang nói
- Không nhắc đi nhắc lại một chuyện tiếu lâm
- Ngày nghỉ vẫn ăn mặc đàng hoàng
- Không thỉnh thoảng quên tên vợ. ….

Thứ Bảy, 6 tháng 3, 2010

CHÚC MỪNG NGÀY 8/3.

Nhân dịp 8/3 xin chúc các cô, các chị,các bạn C11 trường VHQĐ Nguyễn văn Trỗi, các em gái Quế Lâm, bạn EGK9, các A trưởng của mọi học sinh NVT dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và trẻ mãi không già, luôn là chỗ dựa của mọi gia đình.

Thứ Năm, 4 tháng 3, 2010

Lương và giá.

Trong khi lương chưa tăng, thì một số mặt hàng thiết yếu đã tăng theo giá xăng, điện, nước, than. Mặc dù Chính phủ đã trấn an dân là không ảnh hưởng mấy đến các mặt hàng khác? Nhưng hình như giữa lời nói và việc làm không đi đôi với nhau? Ông nước, điện, than vẫn đòi tăng giá thêm nữa vì chưa vừa lòng với giá tăng thêm. Theo ông là phải bằng với giá bình quân trên thế giới? Trong khi lương của chúng ta còn lâu mới bằng lương thế giới. Cô Hường của ĐN sau một buổi sáng đi chợ về, đã xin tăng lương và được chị Mười duyệt tăng 20%, với một số điều kiện (hay năn nỉ) có lợi cho anh Mười. Còn người lao động làm công, ăn lương thì chỉ biết "Mưa lúc nào,thì biết mát mặt lúc ấy" không dám đòi hỏi hơn ,mà có đòi hỏi cũng chỉ 5%!.
Sau đây là một bài thơ cám cảnh về lương của một tác giả chưa rõ tên:
Giá thương Lương lắm Lương ơi!
Cùng là tiền đấy nhưng đời éo le,
Không cho Lương, Giá một bề
Lương từ Chính phủ, Giá về từ dân.
Tưởng rằng dân mạnh mười phần
Thì lương cán bộ cũng dần tăng theo.
Ai ngờ: "dân giàu nước nghèo"
Ngân sách chẳng có lương theo thế nào?
Ta chia tay nhé nghẹn ngào
Biệt ly trời đất, kẻ cao người lùn
Khi xưa nở bọc trứng rồng
Kẻ thì xuống biển người bồng lên non.
Bây giờ Lương Giá mỏi mòn
Cũng là cái chuyện cỏn con ấy mà.
Mong ngày tái ngộ không xa...
Vô danh

Thứ Ba, 2 tháng 3, 2010

"Thói quen"

Thói quen trong quân ngũ và...thói quen nghề nghiệp.



Thứ Hai, 1 tháng 3, 2010

THÔNG BÁO HỌP MẶT

Khóa 7 Trường Nguyễn Văn Trỗi ( Khu vực Hà Nội ) tổ chức họp mặt gặp gỡ đầu Xuân 2010.
Địa điểm : Khách Sạn Chìa khóa vàng 65 Quán Sứ Hà Nội.
Thời gian : 9 giờ 30 ngày 6 tháng 3 năm 2010 ( Nhằm ngày thứ 7)
Kính mời anh chị em đến tham gia đầy đủ cho cuộc gặp thêm vui.
Trưởng ban liên lạc
Hoàng Mạnh Thắng

NGUYÊN TẮC THỌ THÊM NHIỀU TUỔI

Anh,chị em ta đã đến tuổi phải giữ gìn sức khỏe!Nhân dịp đầu năm mới xin gửi tới mọi người một vài bí quyết để chúng ta có thể ngồi lâu với nhau,cùng nâng lên,hạ xuống,cùng nhau đi khắp đất nước và cùng...vân vân và vân vân...
MƯỜI NGUYÊN TẮC THỌ THÊM NHIỀU TUỔI
Xin Quý vị chỉ cần nhớ :

* Ðêm Bảy : ngủ trên 7 giờ trong một đêm
* Ngày Ba : một ngày ăn ba bữa hay nhiều hơn.
* Vô ra không tính : mỗi lần đi ra hoặc đi vô, nhớ uống nhiều nước.

1. Câu châm ngôn thứ nhất:
“Trong thiên hạ, không có chuyện làm biếng mà có thể có một thân thể khỏe mạnh.”
2. Câu châm ngôn thứ hai:
-Ði với những việc không vui vẻ của di vãng và nghịch cảnh, không thấy khó chịu.
-Ðôi với những ngày sắp tới không có ước vọng quá cao, nhưng luôn cầu bình an hạnh phúc.

Ba DƯỠNG
1. Bảo dưỡng.
2.Dinhdưỡng.
3. Tu dưỡng.

Bốn QUÊN
1. Quên tuổi tác.
2. Quên tiền tài.
3. Quên con cái.
4. Quên buồn phiền.

Năm PHÚC
1. Có thân thể mạnh khỏe, gọi làphúc.
2. Có vui thú đọc sách, gọi là phúc.
3. Có bạn bè tri kỉ, gọi là phúc.
4. Có người nhớ đến anh, gọi là phúc.
5. Làm những việc mà mình thích làm, gọi là phúc.

Sáu VUI
1. Một vui là hưu nhưng không nghỉ.
2. Hai vui là con cái độc lập.
3. Ba vui là vô d?c t?c cương.(Không đọc được)
4. Bốn vui là vui vẻ vấn tâm mà không xấu hổ..
5. Năm vui là có nhiều bạn hữu.
6. Sáu vui là tâm tình không già.

Bảy SUNG SƯỚNG
1. Biết đủ thường sung sướng.
2. Biết giải trí khi nhàn rỗi.
3. Biết đắc chí tìm niềm vui.
4. Khi cấp thời biết tìm niềm vui.
5. Biết dùng người làm vui.
6. Biết vui khi hành thiền.
7. Bình an là vui nhất.

Tám CHÚT XÍU
1. Miệng ngọt ngào thêm một chút nưã.
2. Ðầu óc hoạt động thêm một chút nữa.
3. Nóng giận ít thêm một chút nữa.
4. Ðộ lượng nhiều hơn một chút nữa.
5. Lòng rộng rãi thêm một chút nữa.
6. Làm việc nhiều thêm một chút nữa.
7. Nói năng nhẹ nhàng thêm chút xíu nữa.
8. Mỉm cười nhiều thêm chút nữa.
Chín THƯỜNG
1. Răng thưỜng ngậm.
2. Nước miếng thường nuốt.
3. Môi thường vê.
4. Mắt thường động.
5. Mặt thường lau.
6. Chân thường xoa (bóp).
7. Bụng thường xoay.
8. Chi thường vươn.
9. Hậu môn thường co bóp.

MƯỜI NGUYÊN TẮC KHOẺ MẠNH
1. Ít thịt, nhiều rau.
2. Ít mặn, nhiều chua.
3. Ít đường, nhiều trái cây.
4. Ít ăn, nhai nhiều.
5.Ít áo, tắm nhiều.
6. Ít nói, làm nhiều.
7. Ít muốn, bố thí nhiều.
8. Ít ưu tư, ngủ nhiều hơn.
9. Ít đi xe, đi bộ nhiều.
10. Ít nóng giận, cười nhiều hơn.

Lưu ý 10 điều trên nếu thấy quá nhiều và khó nhỉ;Xin Quý vị chỉ cần nhớ :* Ðêm Bảy : ngủ trên 7 giờ trong một đêm* Ngày Ba : một ngày ăn ba bữa hay nhiều hơn.* Vô ra không tính : mỗi lần đi ra hoặc đi vô, nhớ uống nhiều nước.
Sưu tầm.