Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Bảy, 27 tháng 3, 2010

LÀ NGƯỜI LÍNH KHI ẤY

Bác Xuân Thiều ở phòng tác chiến quân khu, bác nắm rõ tình hình ta địch hơn, đơn vị nào đã đánh, đơn vị nào còn đang chuẩn bị chiến trường, đơn vị nào còn ém quân, án binh bất động mà những dòng bác viết cũng không dấu nổi nỗi buồn xót xa khi ta phải rút khỏi đồng bằng.
Từ ngày 13/3 đến ngày 17/3 tôi cùng anh em trong tiểu đội” tạm nghỉ chiến đấu” làm nhiệm vụ phục vụ chiến đấu, vận chuyển đạn cho khẩu của Triệu, Tuẫn và 2 khâu DK_Z75 chiến đấu ở Cổ Bi và đồi Sỏi. Ban ngày đi làm trận địa mới ở ngầm Ồ Ồ ( phía sau khẩu của Triệu) và “hầm đại tá” chân điểm cao 146 Hòa Mỹ, nơi con đường 71 chạy xuống đồng bằng. Việc làm trận địa ở hai vị trí này là chuẩn bị dự phòng cho các trận đánh phòng ngự. Những ngày này tôi có điều kiện đi lại từ Cổ Bi đến Hòa Mỹ, nghe và gặp được khá nhiều người, biết được ít nhiều tình hình đơn vị, tình hình đồng bằng.
Ở đồng bằng, K15 xé lẻ cùng lực lượng địa phương chiến đấu trên địa bàn rộng, chỉ có vũ khí nhẹ không có hỏa lực. Địa hình lạ, trống trải, cát nhiều hơn đất nên hầm hố rất tạm bợ không chịu nổi hỏa lực địch. Ngược lại địch sử dụng nhiều xe tăng và trực thăng cộng với số lượng bộ binh lớn, áp đảo. Trong điều kiện chiến đấu như thế đội hình tiểu đoàn nhiều nơi bị chia cắt, nhiều phân đội phải chiến đấu độc lập sau đó tự tìm đường lên hậu cứ. Nhiều người lạc và một số bị bắt làm tù binh.
Số anh em bị bắt chủ yếu là ở Q21. Nhiều anh em xuống đồng bằng không nắm rõ được địa danh của địa phương, họ chỉ biết mật danh này. Ở đấy ta có một trạm phẫu thuật do huyện Quảng Điền quản lý. Hầu hết anh em thương binh trong mấy ngày chiến đều đưa về đây. Ngày 12/3 rất nhiều anh em hy sinh tại đây khi địch chiếm được Q21. Cho đến bây giờ tôi cũng chưa rõ Q21 ngày đó là nơi nào ở Quảng Điền.
Khi quân ta rút về hậu cứ, bộ phận do tiểu đoàn Trưởng Tắc cũng phải mất 3 ngày mới tìm được khu vực vượt quốc lộ 1. Một số anh em kể rằng : địch bít kín đường 1, những chỗ hành lang cũ đều bị chúng chốt chặn, giao liên hầu hết là nữ địa phương dẫn đi lên, lại đi xuống cả đêm không tìm được chỗ vượt an toàn, phải nằm lại chờ đêm sau. Lính ta sốt ruột mắng , có thương binh còn dọa bắn…tình thế căng thẳng quá mà, sau này nhiều anh em cảm phục sức chịu dựng của những nữ giao liên địa phương đó.
Tôi có hai người đồng đội Hà Nội trở về hậu cứ một cách đơn độc. Đó là Oánh ”trọc” cùng học sinh Chu Văn An với tôi, mãi ngày 16/3 mới lên được đồi Sỏi. Vừa thấy chúng tôi đã vội hỏi :” còn lương khô không? Đưa tao một miếng ”. Khi cầm phong lương khô trên tay thì bật khóc, rồi mếu máo nói :” Mẹ chúng nó chứ…đem con bỏ chợ”. Chúng tôi cũng ứa nước mắt…Chẳng ai trách Oánh cả, bởi cậu ấy đâu biết những chỉ huy cao nhất của mình cũng không trở về. Trường hợp thứ hai, nghe anh em kể lại là anh Chính, mãi ngày 19/3 khi đơn vị đang chuẩn bị vào đợt 2 chiến dịch mới về được. Suốt một tuần len lỏi một mình vượt qua các chốt của địch, cứ nhằm hướng núi mà lên. Khi nhìn thấy anh em mình ở giáp ranh thì cũng là lúc anh kiệt sức ngất đi. Anh được anh em địa phương đưa về nấu cháo cho ăn, thấy bảo lúc đó nhìn mồm anh ấy xanh lè vì mấy ngày liền chỉ ăn lá cây..
Là người lính khi ấy, chỉ rõ được tình hình đơn vị ai chẳng buồn và bi quan về so sánh lực lượng.
Một lần khác, khi đang làm trận địa ở chân 146, gặp pháo địch bắn, tôi chạy vào một cái hầm chữ A của một đơn vị phía sau của trung đoàn ( hình như là Vệ Binh). Vừa nhảy vào hầm thì giật mình thấy 2 thằng áo răn ri đang ngồi run run. Biết là tù binh tôi hỏi :” tụi mày bị bắt ở đâu?”, một đứa trả lời:” dạ, tụi em bị bắt ở Tứ Chánh”.
Thấy họ vẫn run tôi đùa :” Run chi vậy, tụi bay ở đây là sống rồi còn gì nữa(?). Tao đây này, mai lại vào trận chưa biết sống chết ra sao đây ”.
Vẫn cái thằng hay nói đó trả lời:” Dạ đúng! Tụi em chắc sống rồi nhưng được về gặp ba má chắc còn lâu lắm”.
Tôi tò mò hỏi thử, vì cũng muốn xem đối phương họ nhận định như thế nào, câu trả lời là :” Dạ chắc cỡ 10 năm anh ạ ”.
Hết đợt pháo, tôi ra khỏi hầm nghĩ thầm: mấy thằng này dự đoán cũng gần giống mình..
Cũng chính hôm ấy, trong lúc nghỉ ăn tối ở một cái lán của trung đội vệ binh, ở đây anh em vệ binh có cái đài, tôi nghe tiếng chị phát thanh viên tố cáo chính quyền Sài Gòn ném bom vào khu dân cư của thị xã. Mới biết Buôn Ma Thuột đã được giải phóng.
Trở lại mặt trận bắc Huế chúng tôi thời điểm nổ súng cho đến lúc rút từ đồng bằng lên, lực lượng có e4 chúng tôi, K10 tỉnh đội, C3 Phong Điền và lực lượng địa phương hai huyện Phong điền_Quảng Điền.
Phía địch có Lữ 147 TQLC( 4 tiểu đoàn), lữ đoàn thiết xa 20, lữ đoàn 1 kỵ binh thiết giáp, một bộ phận của liên đoàn bảo an 914, tiểu đoàn bảo an 130 cùng một số đại đội bảo an, các chi phân khu quân sự cùng cảnh sát dã chiến. ngoài ra còn lực lượng dân vệ..
So sánh lực lượng tại chỗ, địch đông hơn chưa kể còn có pháo binh và không quân vượt trội. Dù vậy, e4 và K10 cùng với lực lượng địa phương hai huyện Phong_ Quảng đã làm cho phòng tuyến của địch rung chuyển, khiến địch lúng túng. TQLC không vào được Đà Nẵng để thay sư đoàn Dù, sư Dù không thể về SG hoặc lên Buôn Ma Thuột được. Khi chiến sự xảy ra địch lại phải điều thêm tiểu đoàn 60 biệt động quân từ Phú Bài ra Bắc Huế .Nó như một trận đánh tạo thế, tạo thời cơ cho những đòn đánh tiếp theo, dù chúng tôi đã phải căng ra quá sức và chấp nhận những tổn thất không nhỏ. Chiến tranh là thế và sẽ phải có những đơn vị như thế.

11 nhận xét:

  1. Một tháng rưỡi trước 30/4 mà thiệt hại nặng nề như thế, mất chỗ đứng và bị chia cắt như thế. Vẫn còn nghĩ 10 năm hay lâu hơn nữa,...
    Giải phóng SG 30/4 chắc làm ngay cả những người chiến thắng ngẩn ngơ.

    Trả lờiXóa
  2. Ngày đó mọi người lính đều nghĩ còn lâu mới đến ngày hòa bình.Nhưng diễn tiến lúc đó thay đổi mỗi ngày.Không ai ngờ lại nhanh thế!Ngay cả người trong cuộc."...Và niềm vui sao đến bất ngờ,người đi đi như trong mơ...".Lúc đó đơn vị tôi đang ở Đà nẵng,nghe đài thấy Dương văn Minh đọc diễn văn đầu hàng mà người cứ lâng lâng.

    Trả lờiXóa
  3. Cuộc điện dàm của bác Vạn và PH QuêMF với tư lệnh Võ Thúc Đồng nhằm thúc dục cánh Nam đánh ( trung đoàn 6)để chia lửa và giảm tải cho cánh Bắc. Các đơn vị khác xuống Thuận An vào Huế từ hôm trước vẫn phải " chờ " e6 mang cờ lớn vào cắm. Các thủ trưởng cưng e6 lắm và lịch sử sẽ theo hướng đó, Hì!

    Trả lờiXóa
  4. KV lúc ấy thì lâng lâng, mãi sau cho tới giờ thì... cay cú :-))

    Trả lờiXóa
  5. Sờ lô gân lúc đó là "hy sinh bộ phận nhỏ để giành thắng lợi lớn" các cụ ấy sử dụng bài này khắp nơi. chỉ có điều ai cũng thích thắng lợi lớn mà mình đứng trong "bộ phận nhỏ " ấy thì không khoái lắm, như chú lính bật lên câu "mịa nó" cũng dễ hiểu. Người làm tướng giỏi phải biết sử dụng mưu mẹo nhưng cũng phải biết nghe chửi. 8-)

    Trả lờiXóa
  6. Hì!Cưng e6,có lẽ của ôg nào trước đó từng chỉ huy hỉ,đại loại như sư 308 nớ?

    Trả lờiXóa
  7. KV lúc ấy thì lâng lâng, mãi sau cho tới giờ thì... cay cú :-))
    Đơn vị không có vinh dự vô Huế mà nhiệm vụ là xuống cửa Thuận An nên không có gì cay cú nhưng thấy nhiều cái vô tình mà những người ngoài cuộc sẽ hiểu khác. Ví dụ sát sườn đây, các bác vẫn thường nói " 45 năm vững bước trưởng thành " người ngoài nghe rất dễ lầm là trường ta tồn 45 năm đấy.

    Trả lờiXóa
  8. Hồi học chiến thuật phòng ngự chốt, giảng viên nói "...chốt này thì chịu được 2 ngày, ...chốt này thì được 3 ngày" (đại để thế). Lúc đó tôi chỉ hiểu đó là công thức toán học, kiểu như nếu "xuất ra" 100 phát 105 ly và có 60 trái trúng vào công sự thì công sự sẽ bị sụp tới mức nào đó, vậy thôi. Sau này tôi mới hiểu, cuộc chiến chống Mỹ của ta không có công thức, lí luận, mà được xây dựng từ xương máu. "Chốt đó chịu được 2 ngày" nghĩa là trong thực tế chiến trường, chốt có tầm cỡ như rứa, hoàn cảnh như rứa thì quá 2 ngày là hi sinh hết.

    Trả lờiXóa
  9. KV thức khuya tới 12h đêm để viết bài . A trưởng đi vắng có khác , sinh hoạt lung tung . Cẩn thận A trưởng về tuyên kỷ luật đi chăn vịt là ... chỉ còn món tiết canh thôi à nha .
    K6LS

    Trả lờiXóa
  10. THAT DANG PHUC VA KINH TRONG NHUNG NGUOI DA AM THAM CHIU DUNG VA HI SINH NHIEU .BON MINH VAO DOI VA SONG TRONG YEN BINH,KO HIEU HET DUOC.CAM ON CAC BAN DA NHAC LAI CHO BON MINH.LMN.

    Trả lờiXóa
  11. Cám ơn những bài viết rất hay của KV nhân ngày g.p Trị Thiên Huế.
    ĐN.

    Trả lờiXóa