Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Ba, 31 tháng 5, 2011

Kẻ hưởng thụ

Tôi bị cận thị nặng từ năm 14 tuổi, đến nay đã 42 năm. Độ cận thị là -14 diop. Đeo kính ngoài số 8. Cái kính dày cộp, nặng trịch. Cuối mỗi buổi làm việc hai kẽ tai đều bị rát bỏng vì sức kéo trĩu xuống của cặp kính. Từ năm 2002 tôi dùng kính áp tròng. Nhẹ nhàng hơn, nhưng hay bị rát cộm con ngươi. Nhưng cũng vì vậy mà lái xe ôtô dễ dàng hơn. Những lúc đường vắng vẫn phóng được 120km/h. Nhưng hay bị công an bắt. Còn đi trong phố thường phải hỏi người ngồi cạnh nhìn hộ xem còn mấy giây đèn đỏ, đèn xanh để có thể lượng chân ga chân phanh. Gần đây mắt ngày càng kém, nên ngại lái xe lắm, nhất là đi đêm. Sở dĩ, bị cận vì hồi ở Trung Hà, tôi thích làm thêm nhiều bài tập mà giấy lại ít, nên viết chữ nhỏ. Vở ô li 4 dòng mà cứ chia hai dòng để viết, như học trò bây giờ làm “phao” thi ấy. Học như vậy được vài tháng, mắt tôi không nhìn thấy chữ thầy viết trên bảng đen nữa. Tuy vậy, tôi vẫn không đeo kính cận. Năm 1972 đi khám nghĩa vụ, phải nhờ Duy Bình làm ám hiệu để chỉ trái phải lên xuống trong hạng mục khám mắt. Mãi đến sau khi học xong đại học, đi làm rồi, mới đeo kính, mà đeo ngay số 7. Việc tôi tiết kiệm giấy, viết chữ nhỏ, dẫn đến cận thị, tôi cũng quên. Chỉ có năm ngoái, khi Hòa “ve” ở trong Sài Gòn ra chơi nhắc lại tôi mới nhớ.

Mấy ngày trước, xem tivi thấy bệnh viện An Sinh trong Sài Gòn tiến hành mổ Lasik chữa cận thị, tôi thích quá, liền đi khám bác sỹ. Các bác sĩ ở Viện mắt Sài gòn- Hà nội, 77 Nguyễn Du, bảo mắt tôi không thích hợp mổ Lasik, mà phải thay thủy tinh thể bằng phép mổ Phaco. Tôi chấp nhận ngay. Đóng viện phí xong, họ đưa tôi lên phòng mổ. Sau một số xét nghiệm, họ tra thuốc tê vào mắt, dùng một cái kim cỡ 2,8mm chọc thủng con ngươi ra, lại dùng sóng siêu âm đánh nát con ngươi (thủy tinh thể cũ) thành một thứ bột nhão bầy nhầy. Thứ bột nhão đó được hút ra chính bằng cái ống 2,8mm đó. Rồi họ bơm vài thứ dịch gì đó, mát lạnh và hơi nhớt vào trong con ngươi (vỏ bao của thủy tinh thể hay còn gọi là “bao thể”). Thứ dịch đó dùng để rửa sạch bên trong “bao thể”. Đoạn, họ lại lấy một sợi dây xoắn bằng nhựa đặc biệt, đút vào trong cái ống ấy, rồi dùng lực đẩy sợi dây xoắn đó vào trong “bao thể”. Khi đã định vị trong “bao thể” thì sợi dây xoắn đó bung ra thành một cái thủy tinh thể mới. Thủy tinh thể công nghiệp. Thời điểm mà thủy tinh thể công nghiệp choán chỗ trong bao thể chỉ thấy hơi tức một tí. Rồi mình nhìn thấy một mầu xanh bao la như khoảng trời phía trên các đỉnh núi cao. Vừa trong xanh, vừa mát dịu. Sau đó nghe thấy ông bác sỹ bỏ dao kéo loảng xoảng vào khay. Rồi ông còn hát nữa. Âm hưởng của bài “lên đàng”. Ông lùi lại, các bác sĩ phụ mổ đỡ tôi dậy, dìu vào xe lăn tay, đưa xuống phòng hậu phẫu. Tại đây, các y tá bảo, bác cố ngủ lấy hai tiếng. Nằm xuống giường bệnh trắng phau, tôi chìm ngay vào giấc ngủ. Đúng hai giờ chiều được xuất viện. Tôi ra góc hồ Thiền Quang, gọi taxi về nhà. Thế là đã có một con mắt công nghiệp, nhìn rõ 10/10. Thật là thần kỳ. Sau 42 năm nhìn đời mờ mịt, bây giờ mọi sự sáng trong, rõ nét, sắc nhọn. Tôi đã có thể nhìn rõ từng ổ gà bé tí trên đường, nhìn rõ còn mấy giây đèn đỏ đèn xanh, và cả những bông hoa cách điệu trên áo các cô gái đang phóng như bay trên đường lộng gió.

Có phải là mình đang được hưởng những thành quả cao nhất của khoa học công nghệ chăng, mà lại chỉ tốn chưa đến 10 triệu bạc và 5 phút phẫu thuật. Nếu trong mọi lĩnh vực, mà sự tiến bộ đều mang lại hạnh phúc cho con người như trong phép mổ Phaco thì thực là tuyệt. Mỗi chúng ta đang bám vào bánh xe lịch sử, chúng ta đang góp phần đẩy nó đi về hướng tiến bộ, hay níu kéo nó xuống, cản trở nó tiến lên, hay đơn thuần chỉ là một “kẻ hưởng thụ”.
Thu San Nguyễn Thế Hùng (K8)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét