Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Tư, 4 tháng 6, 2008

Nơi đào tạo tướng lĩnh giỏi của quân đội

Gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng của Nga đã làm một phóng sự điều tra về các trường thiếu sinh quân hiện nay của Nga, nơi đào tạo những tài năng và anh hùng của lực lượng vũ trang và các cơ quan sức mạnh của Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay. Vậy những trường thiếu sinh quân này được đào tạo như thế nào, học sinh trưởng thành ra sao?


Khâu tuyển chọn chặt chẽ, bài bản, nhưng mang tính nhân văn

Từ tinh thần thượng võ vốn có của dân tộc Nga, không ít bậc cha mẹ ở Nga luôn muốn đưa con cái của mình đến đào tạo, rèn luyện tại các trường thiếu sinh quân và coi đó là niềm vinh dự cho gia đình và bản thân họ. Hơn nữa, việc được đeo những tấm huân huy chương, mặc những bộ quân phục, trở thành những anh hùng quân đội cũng là mơ ước của nhiều thiếu niên Nga. Chính vì vậy, có nhiều thiếu niên của Liên Xô trước đây và Nga ngày nay rất muốn được vào học tập, rèn luyện tại các trường thiếu sinh quân. Tuy nhiên, việc này cũng không phải là dễ dàng như vào học các trường phổ thông bình thường.

Theo quy định của các trường, những đứa trẻ đăng ký vào học trong các trường thiếu sinh quân và học viện quân sự dành cho thiếu niên thường là học sinh trung học ưu tú, hoặc con em của các quân nhân, có tuổi đời từ 12 đến 16 tuổi. Vào trước ngày 1 tháng 7 hàng năm, cha mẹ hoặc người có tư cách pháp nhân đối với các em sẽ nộp đơn đăng ký kèm theo các giấy tờ liên quan do Ủy ban quân sự địa phương cấp trên cơ sở đã xác minh, thẩm tra từ cơ sở. Ngoài ra, còn yêu cầu phải có người giới thiệu và người đó là các quân nhân đang tại ngũ, quân nhân phục viên hoặc nhân viên làm việc ở các cơ quan sức mạnh của Nga. Sau khi qua được các khâu thẩm định, kiểm tra về chính trị, tâm lý và thể lực rất chặt chẽ và mang tính khoa học của nhà trường, các em còn phải tham gia thi viết với nội dung gồm môn toán và văn học Nga, tương đương chương trình đại cương trung học. Chỉ có những em đạt thành tích tốt trong kỳ thi này thì mới được chấp nhận vào học.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp ngoại lệ đó là những trẻ em mồ côi cha mẹ do không có điều kiện được học văn hóa trước đó, nên khi các em đăng ký chỉ cần đáp ứng yêu cầu về sức khỏe và có chút tố chất là có thể được vào học, được miễn kỳ thi. Như vậy quy trình tuyển chọn của các trường thiếu sinh quân của Nga rất chặt chẽ, nhưng lại mang tính nhân văn đối với những em bé có hoàn cảnh đặc biệt, điều này càng tạo dấu ấn đối với dư luận xã hội và càng thu hút nhiều hơn số lượng các em đến đăng ký học tập.

Dùng nước lạnh trong mùa đông nhằm rèn luyện ý chí

Sau khi chính thức được vào học ở các trường này, các học viên thiếu sinh quân cũng không thể thở phào nhẹ nhõm, bởi tại đây, ngoài việc phải tiếp tục học các chương trình văn hóa, các em còn phải rèn luyện và huấn luyện để tạo sự thay đổi từ một đứa trẻ để trở thành quân nhân. Theo quy định, hàng ngày các em thức dậy lúc 6 giờ để tập thể dục và làm vệ sinh, sau khi ăn sáng thì bắt đầu lên lớp vào lúc 7 giờ. Chương trình học tương đối căng thẳng, ngoài các kiến thức cơ bản về văn hóa ở bậc phổ thông trung học, các em còn phải nắm chắc các kiến thức về quân sự như huấn luyện chiến thuật, sắp xếp và tổ chức đội hình, vẽ bản đồ quân sự, học các quy định, điều lệnh trong quân đội. Việc huấn luyện thực hành các kỹ năng quân sự cũng không nhẹ nhàng bởi các em sẽ phải thực hiện các nội dung theo chương trình huấn luyện bộ đội chính quy như bắn súng, võ thuật, chạy việt dã vũ trang, leo trèo, bơi lội, đào hầm. Ngoài ra, khi thực hiện các thao tác trên thao trường, các em còn phải vác trên vai khẩu súng AK-47 (với những đứa trẻ chỉ hơn 10 tuổi thì đây là trọng lượng không hề đơn giản). Chương trình học tập kết thúc lúc 4 giờ chiều và sau đó là giờ hoạt động tự do, các em có thể tham gia các hoạt động ngoại khóa như thể thao, âm nhạc và câu lạc bộ văn học. Đến 6 giờ tối, các em chuẩn bị ăn cơm và sau giờ ăn cơm tối vào lúc 8 giờ rưỡi tối là thời gian tự học. Đến 10 giờ rưỡi, sau một ngày học tập, rèn luyện vất vả, các em sẽ đi ngủ để còn có sức khỏe cho ngày học tiếp theo. Chế độ, nề nếp quy định này được nhà trường duy trì thường xuyên và chặt chẽ, có kiểm tra, nhắc nhở, phê bình những trường hợp sai phạm.

Để rèn luyện ý chí kiên cường cho các em, nhà trường còn có quy định kể cả mùa đông giá rét, các em vẫn phải tắm bằng nước lạnh và buổi tối phải rửa tay bằng nước lạnh. Không những vậy, trong các khu nhà ngủ tập thể của các em, nhà trường bố trí một chiếc giường trống, đây chính là chiếc giường mà những học viên trước đây của trường đã nằm và nay họ đã hy sinh dũng cảm trong chiến đấu. Việc làm này không chỉ rèn luyện ý chí, mà còn muốn nhắc nhở và gửi tới các em thông điệp là phải luôn ghi nhớ sự dũng cảm của người lính. Thậm chí, kể cả lúc điểm danh, các giáo viên vẫn gọi tên đến người đã mất đó để các học viên học tập và noi theo tấm gương anh hùng, tăng thêm ý chí và niềm tin bảo vệ Tổ quốc. Nhà trường còn mời các nữ chuyên gia tâm lý đến giúp đỡ các em khắc phục những biểu hiện, hành vi mang tính trẻ con khi sinh hoạt, học tập.

Một trong những cái nôi đào tạo các tướng lĩnh quân đội

Sau khi hoàn thành các khóa huấn luyện về kiến thức văn hóa, kỹ năng quân sự và phẩm chất ý chí, học viên của các trường thiếu sinh quân sẽ ra trường và được bố trí về các đơn vị tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Trong số này, có nhiều em trở thành những binh sĩ của lực lượng đặc nhiệm Nga với trình độ rất ưu tú, thậm chí có không ít đã trở thành các tướng lĩnh tài ba trong các đơn vị quân đội và các cơ quan tình báo của Liên Xô trước đây và Nga ngày nay. Học viên sau khi tốt nghiệp các trường thiếu sinh quân, tại các đơn vị công tác, họ đã phát huy được những khả năng và kiến thức đã được đào tạo, đặc biệt là ý chí kiên cường và lòng dũng cảm. Các trường thiếu sinh quân đã trở thành một trong những cái nôi đào tạo các nhân tài trong các lĩnh vực như chỉ huy, kỹ thuật, văn hóa cho quân đội. Chính Phó thủ tướng thứ nhất, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nga Séc-gây I-va-nốp cũng từng học tại một trường thiếu sinh quân ở Mát-xcơ-va. Theo nguồn tin, đã có 37 vị tướng lĩnh cấp cao trong quân đội Liên Xô và quân đội Nga hiện nay từng học ở các trường thiếu sinh quân.

Thành lập bộ môn chuyên môn để giảm áp lực cho học viên

Mặc dù có hiện tượng học viên do không chịu nổi áp lực và các quy định nghiêm khắc của trường, đã tìm cách tự sát, nhưng chỉ là trường hợp cá biệt. Trên thực tế, để giảm bớt áp lực và căng thẳng cho các em, nhiều trường thiếu sinh quân đã thành lập bộ môn tâm lý học với các giáo viên tâm lý có chuyên môn cao để giúp các em. Hơn nữa, rất nhiều phụ huynh của các em cũng đồng tình và ủng hộ việc quản lý nghiêm khắc của nhà trường đối với con cái của mình và cho rằng, làm như vậy sẽ có lợi cho sự trưởng thành của chúng sau này. Đây cũng chính là tâm nguyện khi họ đưa những đứa con yêu quý của mình đến gửi nhà trường. Không ít các quan chức trong chính phủ và quân đội Nga cũng thừa nhận rằng, hệ thống giáo dục đặc biệt của các trường thiếu sinh quân này là phương pháp hiệu quả giúp thiếu niên Nga trở thành những con người phát triển lành mạnh và dũng cảm bởi các em sau khi được đào tạo từ đây, khi bước ra cuộc đời, đã được trang bị tố chất và bản lĩnh, có thể vượt qua những thách thức trở ngại trong công việc và cuộc sống. Cùng với sự phát triển nhanh chóng trong quá trình hiện đại hóa quân đội Nga trong vài năm qua thì các trường đào tạo thiếu sinh quân cũng có những bước phát triển khá dài. Theo thống kê, hiện nay toàn nước Nga có khoảng 100 trường thiếu sinh quân. Lịch sử các trường thiếu sinh quân của Nga có từ lâu và trường học đầu tiên được thành lập vào năm 1730 với tên là Trường Võ bị thiếu niên chủ yếu đào tạo con em quý tộc. Chính nhà trường này đã đào tạo ra nhiều nhân tài lãnh đạo đất nước.

Hiện nay, ngoài Bộ Quốc phòng có các trường thiếu sinh quân của Lục quân và Hải quân thì Bộ Tình trạng khẩn cấp, Bộ Nội vụ, Cục An ninh liên bang và các cơ quan sức mạnh khác của Nga cũng đã tổ chức các trường đào tạo thiếu niên để tạo nguồn cho các cơ quan này trong tương lai.

ĐỨC HÀ

(Tạp chí Quân sự Nga)

Tư SG Sưu tầm

3 nhận xét:

  1. @4SG:Tôi nghe nói các nước đông âu có chủ trương đào tạo trẻ mồ côi để dùng nó làm công cụ đàn áp nhân dân hung bạo hơn,mà không cần suy nghĩ?Cần xem laị mục đích của việc này trên khía cạnh nhân đạo như bạn nói?

    Trả lờiXóa
  2. Ta thử so sánh hiệu quả :
    Thiếu sinh quân Nga với cả gần trăm trường và vài chục ngàn học sinh từ 1730 đến nay đào tạo được PTT thứ nhất, bộ trưởng QP và 37 vị tướng lĩnh cấp cao trong quân đội Liên Xô và quân đội Nga.
    So với trường Trỗi có 8 khóa với tổng số gần 1.200 học sinh.Cung cấp cho Q.đội hơn 800 sĩ quan.Trên 1000 học sinh có trình độ Đ.học & trên Đ.học.Trên 100 học sinh đã có học vị Tiến sĩ.Đến 1/2008 đã có 1 Phó thủ tướng & 10 Tướng lĩnh QDNDVN
    1 Thầy giáo và 22 học sinh là Liệt sĩ.1 Học sinh được truy tăng danh hiêụ AHLLVT. Chưa tính đến các doanh nhân thành đạt trong và ngoài quốc doanh.
    Vậy ai "ngon" hơn ?

    HMK6

    Trả lờiXóa
  3. Anh Hameo bình lựng hay wá quá lun!!!

    Trả lờiXóa