Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Tư, 2 tháng 9, 2009

CHUYỆN NHỎ Ở CHIẾN TRƯỜNG

Chúng tôi chiếm lại 61 thật nhanh gọn, bộ binh đánh rất giỏi và bắt sống 8 tù binh ( toàn bọn thủy quân lục chiến). Suốt quá trình diễn ra trận đánh, tiểu đội trưởng của chúng tôi không hề có mặt tại trận địa . Anh ta chỉ ngồi trong cái hầm mé sau đồi cùng anh y tá. Vậy mà mấy hôm sau về đại đội tôi lại gặp chuyện.
(Đoạn cuối con đường 71 men theo điểm cao 146 hôm nay xanh mướt)
Sau khi tái chiếm 61, tiểu đội trưởng có về đại đội, chẳng biết báo cáo những gì...Đến lượt tôi khi về đại đội lấy thực phẩm, chưa kịp vào lán đã thấy anh Sen chính trị viên hỏi :” Cậu là số 1 mà sao lại để cho Thọ C5bb nó bắn “ . Tôi trả lời:” Em bắn mãi tức cả tai, anh em ai thích em cho bắn, có phải bắn máy bay đâu mà cứ phải số 1. À mà anh nghe ai nói thế?”. Chính trị viên Sen chợt nhận ra điều gì đó, anh bảo :” thôi, thôi, chẳng vấn đề gì”. Thế đấy, tôi hiểu anh Sen đã nhận thấy vai trò của tiểu đội trưởng trong trận đánh này, nếu khi ấy có mặt tiểu đội trưởng ở trận địa thì tôi đâu có quyền chỉ huy mà làm được điều đó. Đã thế im mẹ nó đi, đằng này lại còn phản ánh, ta đây !, lòi cái đuôi hèn nhát. Thực tình, tôi chưa thấy người lính nào tự mình nhận là dũng cảm, bởi đã là con người ai cũng muốn sống. Chiến tranh liên miên suốt mấy thế hệ, những người lính ngày ấy ra đi đều xác địch có thể không trở về. Trong những ngày tháng gian khổ ấy, giữa cái sống và chết chúng tôi mỗi người lính phải hàng ngày, từng giây, từng phút đấu tranh vượt qua nó để trụ lại. Trong chúng tôi không phải ai cũng vượt qua đươc, có người tự thương, có người đảo ngũ nhưng riêng tôi không coi họ là những kẻ hèn nhát, dù họ có lỗi. Bởi trong họ , trước đó có những người đã chiến đấu rất anh dũng. Thường thì trong ác liệt, gian khó bằng bản năng tự nhiên , người lính biết tự bảo vệ mình và chia sẻ với đồng đội. Lúc ấy họ chấp nhập , hành động để dành lại cuộc sống bằng cái chết anh dũng. Đó là những người lính chân chính. Còn hèn nhát, là những kẻ sợ hãi đến mức không dám phản ứng dù đó là hành động để dành lấy sự sống, tự cứu mình. Họ quá thừa trong những trận đánh, trong cuộc sống . Chúng tôi coi thường và ít để ý đến họ, đã lờ đi cho họ thế mà họ đã đáp lại như vậy đấy.
Thực phẩm ở đại đội hết, đại đội điều tôi đi tận Tam Dần lấy. Tam Dần là ngã tư đường 15N và đường 71. Nơi đây có thể gọi là thủ đô của bộ đội Phong Quảng chúng tôi. Ở đây có các đơn vị hậu bị và các trận địa pháo tầm xa 130. Có nhiều kho tàng và quân y viện (96). Có cả một làng nhỏ, rất nhiều trẻ con là con em các cán bộ địa phương ba huyện Hương Trà, Phong Điền, Quảng Điền. Ở đây cũng tổ chức lớp học, có các cô giáo quản lý các cháu. Tôi nghỉ một tối ở đây , sống trong khung cảnh đầm ấm như ngày nào được đóng quân trong nhà dân hồi huấn luyện. Nghe, nhìn lũ trẻ nô đùa làm tôi lại nhớ đất Bắc xa xôi.
Hôm sau trời mưa to, tôi không về ngay mà tranh thủ vào viện (96) thăm số anh em bị thương ở 61. Gặp được anh Cấp, thằng Hồng C5, đang ngồi nói chuyện với nhau thì một O y tá hỏi :” Có anh nào về Phong Điền hôm nay không?” . Khi biết có tôi về Phong Điền, cô y tá mừng lắm :” cho em gửi một o đi cùng “. Ngay sau đó đã thấy một cô gái vào lán, chào hỏi vui vẻ và chờ tôi để cùng lên đường.
Cô gái cùng đi với tôi về Phong Điền thật đẹp, dáng người cao ráo, tôi cứ nghĩ cô là văn công. Cô mặc bộ bà ba giống như hầu hết các o du kích địa phương ở đây. Trông cô, không ai nghĩ là vừa từ ngoài Bắc vào vì từ cách buộc gùi, cách choàng áo mưa rất thành thạo.
Chúng tôi đi xuôi con đường 71 , trời mưa tầm tã. Mùa mưa ở Trị Thiên thì khỏi nói, mưa thối đất, thối cát. Hai chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện cho quên đường dài. Khi biết tôi ở Hà Nội cô gái reo lên :” Em cũng vừa từ Hà Nội vào này ! “.
- Ủa, sao cô nói tiếng Huế ? . Tôi tò mò hỏi
- Em ra Hà Nội học mấy năm rồi, nay lại trở lại Phong Điền. Xa quê lâu rồi nên không hiểu tình hình địch ta dưới đó thế nào, không dám đi một mình.
Hèn chi mà tôi thấy cô gái thành thạo thế. Nhìn cô đi trong mưa ,những lọn tóc mai bết vào má trông rất hồn nhiên. Chiến trường đâu chỉ bom với đạn mà còn bao cái gian khó mà người lính phải chịu đựng. Thôi thì chúng tôi kiếp nam nhi thời loạn đã đành, chứ mấy cô gái ở trong này thì cái khó, cái khổ đúng là gấp bội. Khi biết cô có nhiều bạn học người Huế ở Chu Văn An, có vợ chồng người chị gái sống ở đường Hoàng Hoa Thám Hà Nội và hiện chú cô đang là bí thư huyện Phong Điền. Tôi hỏi:
- Sao o không ở lại ngoài đó học tiếp đi, vào đây làm chi cho khổ? Mà tôi thấy ở đây các o khổ lắm.
Cô bảo rằng:” Các anh quê tận miền Bắc còn vào đây được , em quê hương ở đây mà không vào coi răng được”.
Đường từ Tam Dần xuống đồng bằng Phong Điền thường chúng tôi đi gần một ngày đường , tuy là đường cho ô tô nhưng mùa mưa nên chẳng thấy một chiếc xe nào, trên đường có nhiều ngầm , có đoạn đường chạy trong lòng suối nên dù choàng áo mưa nhưng người chúng tôi ướt sũng. Những lúc lội suối chúng tôi phải nắm chặt tay nhau để khỏi bị trược ngã hoặc trôi. Có một khúc đường gặp một cây to đổ xuống ngáng ngang. Muốn vượt qua phải đỡ nhau mới trèo qua cây được, mỗi lần như thế da thịt chạm nhau mặt hai đứa đỏ rựng… Lúc bấy giờ tôi thấy cô đẹp lắm, và cứ lúc lúc tôi trộm nhìn cô rồi nghĩ vu vơ : chiến trường ác liệt, gian khổ thế vẫn có những người đẹp cùng chung chiến hào, phần nào như được an ủi.
Chúng tôi cùng ăn cơm trong mưa, những lát cơm nắm được cắt từ tay cô gái xếp đều trên chiếc lá rong bứt ven đường. Nước mưa vẫn hắt vào lấm thấm trên mặt lá, tấm vải mưa nhỏ của thằng lính không che nổi hết trời, ăn trong mưa, trong gió. Trong hoàn cảnh ấy chẳng thể khác được, cơm lạnh lẫn nước mưa nhưng tôi thấy ấm áp vô cùng. Tôi có cảm giác như mình đang có tất cả giữa chiến trường ác liệt này , một người em, người chị và người mẹ.
Rồi lại đi tiếp, lại những câu chuyện vu vơ không dứt , cứ thế chúng tôi cũng vượt qua hết quãng đường dài ấy.
Đến chân 146 thì chú cô, bí thư huyện đã đứng đó đón cô. Hình như trong Tam Dần đã điện báo cho ông biết . Ông và cô gái chào tạm biệt tôi, hai chú cháu, hai người đồng chí đi tiếp về hướng Ô Ồ. Còn tôi tiếp tục đi về hướng đông, điểm cao 61.
Rồi tôi đi học pháo , về là vào chiến dịch ngay, rong ruổi bao nơi cho đến hôm này chưa hề gặp lại cô gái ấy.

13 nhận xét:

  1. Kẻ hèn bao giờ cũng thế!Chúng bao giờ cũng nghĩ mọi người cũng xấu như mình!Nên bao giờ cũng ra đòn trước để phòng xa.

    Trả lờiXóa
  2. Trong chiến tranh, giữa cái sống cái chết được đi bên cạnh một người con gái như vậy, cũng hạnh phúc và lãng mạn lắm chứ. Tiếc! quan hệ giữa KV và cô gái ko được tiếp tục phát triển.

    Trả lờiXóa
  3. Sau này nghe anh em nói là người yêu của tiểu đoàn phó Thắng ( người Quảng Nam )cũng vừa từ Bắc trở lại chiến trường trước đó vài tháng ( có gặp cũng không phát triển được ). Anh Thắng bị thương vào chân trước khi tôi gặp cô này.
    KV.K7

    Trả lờiXóa
  4. Để cho VinhNQ không tiếc với những quan hệ như vậy thì bây giờ KV thành ra quả... sầu riêng.

    Trả lờiXóa
  5. KV viết hay lắm.
    Ông có 2 điều hạnh phúc 'dữ dội', đó là đã từng được là lính chiến đấu thật (nhớ lại thời đó có khi chẳng được cầm súng bắn phát nào mà vẫn chết...).
    Điều thứ hai là không mất gáo để nay càng thấy hạnh phúc vì thời đã qua, và tỉnh táo nhớ lại để có bài chia xẻ với ACE.

    Trả lờiXóa
  6. Bài rất hay, mà lại khai thác được 2 khía cạnh trong cuộc sống (cuộc chiến).
    HCQuang

    Trả lờiXóa
  7. Đánh trận mà A trưởng ngồi trong hầm phía sau suốt trận đánh? Chuyện hơi lạ trong chiến tranh. Tưởng A trưởng chỉ huy chiến dịch!
    KV thời chiến có nhiều o nhỉ, con gái Huế giọng nói nhẹ nhàng sâu lắng như rót vào tai nên..."lúc bấy giờ tôi thấy cô đẹp lắm, và cứ lúc lúc tôi trộm nhìn cô rồi nghĩ vu vơ"...

    Trả lờiXóa
  8. Người yêu của sếp mà cứ nhìn trộm rồi nghĩ vu vơ ( kể cả chưa biết . Mà đáng ra PHẢI BIẾT ) . Thảo nào về trường văn hóa Lạng sơn vẫn là lính .
    K6LS

    Trả lờiXóa
  9. Chiện hay như tiểu thuyết anh Trỗi à! Quế hơi tò mò, A trưởng ấy và cô gái ấy giờ có còn tồn tại đâu đó không anh Khắc Việt?

    Trả lờiXóa
  10. Trả lời Ut Quế : A trưởng thì còn nghe anh em nói bây giờ lái đò ở khúc sông nào đó ở Hải Dương. Còn Cô gái thực ra có thể hơn anh 2,3 tuổi gì đó. Chắc sau 75 vẫn còn, có khi bây giờ làm bà lớn rồi cũng nên vì có đủ điều kiện lại được học đầy đủ hơn những người bám trụ.
    KV.K7

    Trả lờiXóa
  11. Tiều đoàn phó tên Thắng( Người Quảng Num, rất trẻ), bị địch bắn vỡ bánh chè đi viện từ đó không biết tin.
    KV.K7

    Trả lờiXóa
  12. " Em " nhìn " chị " rồi nghĩ vu vơ . Ông em này ghê nha . Tui mà có chị gái là tui không cho ông nhìn đâu , để cho ông khỏi nghĩ . À , mà này . Ông có em gái không ?
    K6LS

    Trả lờiXóa
  13. Bài viết hay quá, e cứ thấy như trong tiểu thuyết chiến trường. ở chiến trường ác liệt mà có những giây phút thật lãng mạn như vậy thì...đáng ghen tị. Nhưng chưa phát triển thêm được gì thì bị người chú tước mất Người rồi, he he...giá như bi giờ biết được cô gái năm xưa ở đâu,làm gì nhỉ... mà biết làm gì he???

    Trả lờiXóa