Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Ba, 22 tháng 9, 2009

KHI NGƯỜI LÍNH VỀ ( tiếp và hết)

(Đăng nốt để các bác đọc cho liền mạch)
Ông hiệu trưởng cầm mảnh giấy của giám đốc sở, phân vân một lát rồi hỏi :
- Cậu định muốn vào lớp nào?
- Tùy thầy thôi ạ, thầy xếp vào đâu thì em học ở đó.
- Khó là tớ xếp cậu vào đâu đều không ổn cả, vì các giáo viên chủ nhiệm lại cho là tớ thế này thế nọ, làm khó họ, thật tình họ không muốn lớp của họ có học sinh quá lứa như cậu, họ khó xử mà, cậu hiểu điều đó không? Cậu cứ đề xuất thì dễ hơn cho tớ, khách quan mà !.
- Thế thầy cho em vào lớp F_ Tao cũng tính vào lớp F do cô H làm chủ nhiệm, cô dạy môn tiếng Nga, cái môn tao sợ nhất, vào lớp này hy vọng trông cậy vào sự “ chiếu cố” của cô. Chứ thực tao cũng chả có một tí liên hệ nào với cô ấy.
Thầy hiệu trưởng ghi vào giấy rồi chỉ cho tao xuống lớp. Tao cầm giấy không xuống lớp mà xin phép ông hai ngày sau lên lớp, để tao còn chuẩn bị sách vở.
Ông đồng ý !
Cả nhà mừng cho tao, cái thằng điên ! Mỗi người lo cho tao một chút, người cây bút, người tập vở.v.v..Thằng Hồng mua cho tao một đôi dép nhựa gia công mầu nâu đỏ, nó bảo :” Chịu chơi nhất Hà Nội đấy ! Tao sắm cho mày để tán các cháu cùng lớp cho ngon .” Bố sư nó, có vẻ nó chưa hết “cay cú” cái chuyện tao đi học.

Đêm trước hôm lên lớp tao nằm thao thức, cứ mường tượng ra cái cảnh đến lớp chẳng giống ai mà ngại, chẳng biết thầy cô và lũ trẻ kém mình 6,7 tuổi họ nghĩ gì khi thấy trong lớp xuất hiện một thằng lính luống tuổi ….Mừng, lo, buồn lẫn lộn mày ạ !

***
Buổi đầu đến lớp buồn cười lắm ! Tao lẳng lặng vào ngồi vào cái bàn cuối cùng của lớp 10 F. Cả lớp học sinh đang túm năm , tụm ba đùa nghịch, tán chuyện, thấy tao vào, không ai nói gì, lẳng lặng tự đi về chỗ của mình ngồi im thít. Cả lớp ngồi ngay ngắn trật tự, một vài cô cậu liếc trộm về phía tao ngồi rồi rì rầm bàn tán. Sau này, khi đã quen biết, chúng nó mới bảo :” Lúc ấy tụi em cứ tưởng anh là giáo viên ở trên xuống dự giờ “. Tưởng gì nữa ! Giống quá đi còn gì. Hôm ấy tao mặc khá bảnh, áo sơ mi trong quần, dép nhựa nâu gia công của thằng Hồng, cái cặp sách kiểu gấp thường thấy ở các viên chức quèn hay mang của ông già cho, trông khác gì anh giáo trẻ mới ra trường. Chúng nó sợ và tưởng là phải.
Giờ học đâu tiên là giờ lý, một cô giáo trạc 40 bước vào, sau khi chào cả lớp cô hỏi ngay :” Em nào là Thuấn ?” , tao đứng lên. Sau đó cô giới thiệu tao với toàn lớp, cuối cùng cô kết luận :” Anh Thuấn đi bộ đội về bỏ học đã lâu, nay học lại sẽ rất khó khăn, mong các em sẽ chia sẻ giúp anh Thuấn trong học tập để đuổi kịp các bạn trong lớp. Riêng Thuấn, em cũng xác định cần thời gian bao nhiêu để kịp các bạn trong lớp?”
Thưa cô ! Cho em hai tháng ạ và rất mong các bạn giúp đỡ thêm tôi trong học tập _ Tao trả lời chân thành , mạch lạc. Cả lớp nhìn tao lạ lắm, những tiếng cười rúc rích và cũng không ít ánh mắt chia sẻ mến phục nhìn tao như một người anh, chủ yếu là lũ con gái. Tao như được giải tỏa, như không còn cách trở , xa lạ nữa giữa cái lớp 10 F ngày ấy.
Tao bắt đầu lao vào học , chăm chỉ miệt mài nhưng lạ là tối thuộc lầu hết bài rồi thế mà sáng ra quên tiệt. Cái đầu thằng lính bao năm nay vẫn quen với nhịp gấp gáp từ cuộc chiến, mọi điều đến rồi đi , sống và chết, bại và thắng, gian khó, mất mát hàng ngày đi qua với mỗi thằng lính, bấy giờ cũng phải biết cách quên để tiếp tục tồn tại. Có chăng đọng lại trong ta tình đồng đội….

Thuấn vẫn ngồi trước tôi nhưng cái dáng vẻ của ông Vụ trưởng không còn nữa. Anh lính K10 E4 xưa lại hiển hiện khi chúng tôi nhắc về quá khứ, những thằng lính đoàn Phong Quảng năm nào bám trụ ở Phong sơn, Cổ Bi , ở sông Bồ, làng Huyền. Chuyện giữ chốt mùa mưa 1973, chuyện bắn tỉa, giành giật từng tấc đất….Mãi chúng tôi mới trở lại câu chuyện đi học của Thuấn được.

Dần dần rồi tao cũng quen và cũng theo được lớp trẻ. Suốt 2 tháng trời cái bà dạy lý không hề nhắc nhở gì đến tao. Đúng thời hạn bà ấy bắt đầu gọi tao lên kiểm tra bài đầu giờ, lần đầu bị kiểm tra tao cũng trả lời tàm tạm. Tưởng hôm sau yên, đâu ngờ bà ấy lại gọi kiểm tra tao tiếp, cứ thế suốt 6 buổi liền mày ạ, cứ đền giờ lý là tao đều bị kiểm tra và cả 6 lần tao đều đạt yêu cầu, có đôi lần đạt khá nữa. Từ đấy về sau tao mới được trở lại bình thường như các học sinh khác. Với các môn khác tao cũng đều được các giáo viên chú ý và mỗi người có một cách giúp tao những với cô giáo dậy Lý thì ấn tượng nhất. Sau này tao nghe lũ học sinh chúng nó kể là mỗi lần thấy trò lười ở các lớp khác, bà ấy đều mắng :” Được học mà không chịu học, sang lớp F mà xem ….” .
Một năm đèn sách trôi nhanh, thi đại học tao vượt điểm chuẩn vào trường cao nhất lúc ấy là Đại Học Bách khoa 2 điểm, chưa phải dùng đến chế độ ưu tiên bộ đội cũ. Nhưng chờ mãi không thấy gọi trong khi các trường chúng nó có giấy gọi cả. Sốt ruột tao lên bộ Đại học hỏi, mới hay tao nằm trong danh sách dự bị đi học nước ngoài. Năm 1978 tình hình hai đầu đất nước căng thẳng, ở Tây Nam đã đánh nhau rồi, nhiều học sinh lại phải ngưng học, trong đó có cả những đứa có điểm đi nước ngoài, họ giữ tao để thay những vị trí khuyết do phải ra trận. Nghĩ mà buồn quá, lại một lứa đàn em phải ngưng học để ra trận…Đất nước ơi!
Mẹ tao dứt khoát không muốn tao đi xa nữa, dù đó là Liên Xô, là nơi người ta bảo sung sướng . Bà không muốn xa tao một lần nữa, chiều mẹ, tao lên bộ đại học rút hồ sơ về học K19 Đại học giao thông . Thế mới ngấm , mới hiểu nỗi lòng mẹ, chạnh lòng nghĩ tới những bà mẹ hôm nay tiễn con ra trận…
Câu chuyện ghi lại ở quán XƯA _ 65 Phùng Hưng Hà Nội_ 31/8/2009
Viết bởi : Phong Quảng _ TP.HCM 10/09/2009

Thuấn hiện là vụ trưởng một vụ ở bộ giao thông vận tải, cùng tiểu đoàn 10 Anh hùng với Hoàng Mạnh Thắng K7. Tiểu đoàn 10 nổi danh cùng 10 cô gái sông Hương trong mậu thân 1968.

14 nhận xét:

  1. em cũng đã từng được học chung với các anh bộ đội ( nhưng ở đại học chứ ở phổ thông thì đây là lân đầu tiên em được nghe) . Đứa nào cũng thích ở cùng tổ với các anh , để khi thảo luận chính trị , các anh phát biểu cho , chứ lũ tụi em chỉ biết học thuộc lòng . Các anh toàn người Bắc , xa nhà , cuộc sống cực kì khó khăn , lại bỏ học đã lâu , hơn nữa , kiến thức hệ 10 năm ở Bắc và hệ 12 năm ở Nam có chênh nhau , việc học của các anh rất vất vả , nhưng tinh thần thì tuyệt . Rất cảm phục

    Trả lờiXóa
  2. Truyện của KV đã được đọc rồi, đọc lại vẫn sướng. Khoái cái vụ ngồi bàn cuối cùng làm giáo viên ở trên xuống dự giờ. Chi tiết này ông để ngồi dự giờ cỡ tuần lễ rồi các trò mới phát hiện ra bạn đồng học. Vui nữa. Cám ơn bạn.

    Trả lờiXóa
  3. Để QL kể chút kỷ niệm về các chú bộ đội đi học cùng ở đại học ( không phải nói xấu mà là kể lại 1 thời để nhớ ).
    Khi ấy là cuối năm thứ 2 ở đại học , sinh viên phải học quân sự tiếp 1 tháng ( năm thứ nhất 1 tháng rồi , năm thứ 4 sẽ học sỹ quan dự bị ). QL học khoa tự nhiên nên cả lớp có mỗi một chú bộ đội , cả lũ con gái ngoan ngoãn gọi là chú xưng cháu hết ( bi giờ họp lớp vẫn chú cháu nghiêm chỉnh ) mặc dù chú chỉ hơn các cháu vài tuổi . Do vậy bên khoa hoá không có chiện gì xảy ra , mà là bên khoa văn sử địa . Bên đó nhìu ơi là nhìu chú bộ đội , do đó các chú bộ đội đi học đâu có ngán các chú bộ đội dạy quân sự , họ phá cách chi đó mà các thầy bỏ lớp hổng thèm dạy lun . Thế là lớp V-S-Đ phải tự tập với nhau ( có nhìu chú bộ đội nên lo gì !!! ), cuối cùng trò cũng phải xin lỗi thầy thui . Đến lúc đi bắn , bắn thật , mỗi đứa 3 viên CKC . QL vào vị trí nằm bắn , chưa kịp bắn thì đứa khác nổ súng , sợ wá , nhìn lên bia và hét lên : bia của em ... méo thầy ơi !!! ( sau đó thầy bộ đội mới nói :em và bia là 2 điểm thì làm sao méo được , tôi biết lúc đó mà quát lên là em sẽ khóc ầm ĩ nên thôi không la . Quê quá là quê , may cũng bắn được 26 điểm , đủ nhận bông hồng , he ). Nhưng chiện QL muốn kể là khi báo điểm thì bên lớp V-S-Đ điểm cao wá là cao , bao nhiu là đứa ba mấy , bốn mấy điểm !!!! ke ke ke . Truy ra là do các chú bộ đội đi học ... mang thêm đạn vào cho các cháu và chú cùng bắn . Chuyện xảy ra ở ĐHSP TPHCM , HÈ NĂM 1979 . Có chú bộ đội TRỖI nào tham gia không nhỉ
    N.H.QUẾ

    Trả lờiXóa
  4. KV : Câu chuyện rất thật và hấp dẫn . Tuy nhiên KV nên chú ý : Khi bạn viết chuyện tức là bạn đang hướng cho người đọc đến những cảm xúc ... Tôi cảm thấy rất nhiều điều hay trong đó . Tuy nhiên chuyện viết sai chính tả thì bạn nên sửa , vì khi bạn đã sử dụng từ ngữ thì điều đầu tiên là không được sai nó . Ví dụ : "họ khó sử mà" thì không phải sử mà là xử ,"một cô giáo chạc 40 bước vào" phải viết là trạc .
    Nhặt sâu giùm bạn với mong muốn bạn ngày một hoàn thiện hơn để kể những câu chuyện hay hơn . Thông cảm nha .
    K6LS

    Trả lờiXóa
  5. Hồi mình vào ĐH thì vì cùng tuổi với SV nên không được gọi là chú. Nhưng là bộ đội đã qua huấn luyện Quân chính 3 tháng nên chuyện lăn lê bò toài và bắn mấy bài nhập môn đủ để huấn luyện cho đồng bạn. Còn đội ngũ thì chuyện nhỏ, 4 năm trường Trỗi đủ để nhuyễn rồi. Nếu có nội vụ (chăn màn, ba lô, giá bát, ba lô...) cũng sẵn sàng huấn luyện luôn.

    Trả lờiXóa
  6. @K6LS: Ông bạn góp ý rất đúng, xin tiếp thu nhưng cũng xin phân trần một tí : Gốc gác nhà em là Hà Nội 2, bản sắc Cà Lồ vẫn còn nên nhiều khi phân biệt tr và ch, x và s chưa chuẩn. Dù sao cũng cố gắng sửa nhưng sẽ còn sai nữa đấy, thỉnh thoảng bác lưu ý nhặt giùm nha.
    KV.K7

    Trả lờiXóa
  7. KV thực sự cầu thị đấy. Sau vụ "tăng áp huyết", mỗi lần nhậu cậu dằn 2 chai La Vie rồi sau đó rón rén chiều anh em 1 2 chén hạt mít gọi là. Chữ nghĩa mà cẩn trọng như thế sẽ được K6LS thưởng... rượu.

    Trả lờiXóa
  8. Anh Thành à . Em không dám thưởng rượu KV đâu . Anh nhớ hôm ở LS không ? KV nói huyết áp có lúc tới 200 lận . Mời hắn 2,3 ly mà huyết áp của hắn tới 250 là em mang tội sát hại một tài năng " trẻ " . Đoạn này em khiếp thật sự đấy .
    K6LS

    Trả lờiXóa
  9. @KV.K7: Đề nghị KV kể tiếp đi chứ? Đoạn sau thế nào nữa? Không có đoạn nào tả thực về "các cháu" cùng lớp với "chú bộ đội" ah (kẻo phí đôi dép của chú em Hồng) ? Có giúp nhau " đôi bạn cùng tiến" để lên xoong quấy bột ko?

    Trả lờiXóa
  10. @Lê Thanh : Đây là KV nghe lỏm ( hơi nồi chõ ) thôi mà . Muốn biết rõ phải hỏi người kể cho người kể cơ . Chà , bây giờ là KV rắc rối rồi nha . Nhập vai quá nên ai cũng nghĩ đó là KV . Thanh minh thanh nga ai tin chứ ! Vậy KV nấu một lúc mấy xoong bột ? Lưu ý : Trẻ còn được chứ "dừ" rồi nấu bột xong , bón cho con không khéo bón ... vào mắt thằng bé thì hỏng hết bánh kẹo , mẹ nó chả phạt cho cả ... tháng . Mà nhiều xoong quá thì có khi phải chạy ... sô mới kịp . Oài , mệt quá xá .
    K6LS

    Trả lờiXóa
  11. Anh HỮU THÀNH còn tiếc dữ lắm ..." nếu có nội vụ ( chăn , màn , giá bát), sẵn sàng huấn luyện "...

    Trả lờiXóa