Hải Hòa, Hải Hậu quê ông bạn Mạnh Thắng, tôi đã về trước đó ít tuần,vậy mà lần này hắn lại rủ cũng vui vẻ ok, cái gì hấp dẫn mà đồng ý ngay vậy nhỉ (?). Rượu Hải Hậu có nổi tiếng, có ngon thật đấy nhưng không đủ quyến rũ tôi đến thế. Gạo tám xoan, rau sạch hay cơm cỗ với hải sản quê nhà cũng chẳng ý nghĩa gì với cái anh răng long bạc tóc này, ăn uống bây giờ chỉ cốt cho qua bữa.
Có lẽ tôi khoái cái gió biển thổi về mát rượi mỗi chiều, rượu quê nhâm nhi và ngồi tán dóc cho đến lúc trăng non lấp ló ngọn cau, dẫu chẳng được như xưa
Ngồi với người quê, cảnh quê đấy nhưng chẳng nói chuyện mùa màng, cấy hái vì hầu hết cánh đàn ông đều đi làm nơi xa. Việc nhà chỉ có đàn bà, con nít , mà những vị này làm sao mà ngồi tán dóc được, họ còn lo rửa chén và hầu rượu, hầu trà mấy bố cu cả năm mới về nhà vài lần. Nhìn thoáng cái là biết, nhà nào có chồng , có con về thì các cô các bà tươi rói, trên môi lúc nào cũng trực sẵn nụ cười. Cô nào bà nào chồng không về được thì lầm lũi, buồn ru lẳng lặng lo công việc trong họ rồi về như bổn phận từ trăm năm này đã an bài cho họ. Nghĩ mà tội, nó hao hao những năm đánh Mỹ xưa, làng xóm vắng tanh, bao thứ việc ở nhà đàn bà lo cả. Mà đâu chỉ đàn ông, đàn bà con gái giờ đi lên phố cũng chẳng kém. Nhà nào có chút chữ nghĩa thì con đi học đại học, cao đẳng, không thì đi làm Ô sin, làm công nhân các khu công nghiệp và hàng trăm thứ nghề có trên thành phố như quán xá, nhà hàng…
Lần ấy về uống rượu quá chén nên say, tôi đành ngủ lại trong làng chứ không ra khách sạn. Đêm ngủ trong một căn nhà mà chủ nhà cũng là người bà con của hắn, cả nhà họ đi làm ăn xa, tận Sài Gòn. Căn nhà cũng sạch sẽ và đầy đủ ti vi, quạt điện nhưng vắng chủ cô quạnh, mùi nồng nồng ẩm mốc vì thiếu hơi người.
Lạ nhà không ngủ được, ra sân ngồi hút thuốc ngắm cảnh thôn quê tĩnh lặng trong đêm lại thấy hay hay. Trăng lên quá đỉnh đầu rọi ánh sáng ngà xuống hàng cau đầu ngõ, đống rơm, bể nước trước sân nhà im lìm dưới trăng, lâu lâu lại nghe tiếng chó sủa xa xa cuối xóm. Ngẫm mà lại nhớ quê mình, ngày xưa quê tôi cũng có cảnh trăng khuya thế này, đã lâu rồi không thấy lại, giờ quê tôi đã lên phố, đã thành khu công nghiệp, thành thị tứ, đêm về lung linh ánh đèn màu. Đất ruộng biến thành những dãy biệt thự xếp dài ven sông chờ người ở. Người dân hết ruộng, cũng tứ tán tìm đường ra phố làm ăn. Những bể nước, hàng cau nhường chỗ cho những dãy nhà cấp 4 cho công nhân thuê ở. Cảnh quê pha trộn cách sống phố phường nó nhốn nháo lai tạp và đầy dang dở. Rác rải đầy lối ngõ vì chưa có công nhân môi trường, quán nhậu bình dân với bia cỏ, karaoke, quán Net mọc lên nhan nhản làm lối sống con trẻ cũng đổi thay…Đêm ấy mất ngủ, tôi ngồi mãi nơi hiên nhà cho tới lúc chuông nhà thờ lan vang các xóm khua các con chiên dạy đi lễ.
Lần này có thêm ông Triều cái, sau cái vai trò tiếp rượu cùng cả nhà chén anh, chén chú, ông ấy ra ngồi dưới gốc ổi ở góc sân. Các cháu mời thế nào cái ông “Ô hay” ấy vẫn nhất quyết không chịu vào nghỉ trưa. Hình như bố mày đang khoái ngắm cảnh quê trưa , cũng hàng cau ấy, cũng đống rơm ấy và bể nước sóng sánh thỉnh thoảng lại lánh lên ánh nắng mặt trời, chẳng biết lúc ấy trong đầu hắn nghĩ gì ?. Hắn mê mải ngắm mẹ con đàn gà đùa nghịch quanh đóng rơm, nhắng nhít, inh ỏi . Chợt nghĩ, thằng này dân làng Đình Bảng gốc, phải rồi ! Quê hắn bây giờ có bói cũng không có được cảnh này, từ lâu lắm dân Đình Bảng chỉ chuyên làm hàng “ xịn “. Thuốc lá 555, Vina rồi rượu Hà Nôi đều từ đây ra lò thì lấy đâu ra rơm rạ, chỗ đâu cho gà mẹ gà con ríu rít. Đã vài lần được hắn kéo về dự lễ hội đền Đô rồi ăn thịt chó, cái lệ vốn có từ xa xưa. Làng nhà hắn cũng không còn là làng nữa, con đường lát đá xanh cứ ngắn và bé dần, đường bê tông, nhà gạch, tường gạch phủ kín chẳng còn đất đâu cho cây cối. Vậy là hắn cũng nhớ cảnh quê xưa, chẳng biết hắn nghĩ gì, còn tôi cảm thấy thôn quê vẫn cái cảnh xưa nhưng trong lòng nó biến đổi nhiều rồi . Cái gì cũng thấy khang khác một tí , hay có mà dở cũng nhiều nhưng sao khó diễn tả. Cái vận động bên trong cuộc sống thôn quê hôm này còn chưa phân định hay dở thì viết sao đây…
Cũng định viết cái gì đó về thôn quê Bắc bộ mà khó quá, thấy rơm phơi đầy ngõ, biết là dân vừa gặt xong mà không thấy ý gì. Nghĩ mới thấy thằng cha ĐN nó rành, nó nghe út Hường tỉ tê thanh minh vì lên muộn, rồi ngó tay út Hường thôi mà có bài viết rất đầy đủ về nông dân Nam bộ hôm nay, thật hay !
Đường về cả lũ ghé thăm đền Trần, là ghé cái linh thiêng, oai khí của cha ông tổ tiên chứ chả ai xin ấn, cầu quan như các “ đầy tớ “ của dân mấy năm nay đua nhau về những ngày giáp tết. Thắp xong nén nhàng, cả ba ông cùng lẩm bẩm, ông nào khấn gì thì ông ấy biết.
Quê xưa nhớ thế, về rồi có vui đấy, nhẹ nhàng thanh thản một chút thì cũng ưu tư một chút, mỗi lần về.