Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Tư, 18 tháng 11, 2009

ĐỒNG CẢM VÀ CHIA SẺ ( tiếp)


Sau ngày cưới, N lên làm tiểu đoàn phó tiểu đoàn 1 (K15). Cuộc sống chẳng khác trước ngày cưới là bao. Hàng tuần T vẫn đạp xe lên thăm chồng, anh em tiểu đoàn bộ dành riêng cho họ một gian nhà vách nứa mà vật dụng toàn đồ lính từ nồi niêu đến chén bát. Sáng ra T thường đi chợ mua thêm ít thức ăn làm cơm để bồi dưỡng cho N và đồng đội của anh, bữa thì có anh em trong D bộ, bữa thì anh em C2 cũ lên thăm. Sớm thứ hai T lại đạp xe về trường trong giá rét núi rừng để kịp giờ lên lớp. Mỗi lần hai vợ chồng sum họp, gọi là bữa ăn tươi cũng chỉ thêm ít tóp mỡ sốt cà chua và rau sống mà anh em đồng đội và đôi vợ chồng trẻ cũng tràn trề hạnh phúc. Thương vợ lắm, song N chưa biết phải thu xếp ra sao để vợ đỡ vất vả, pháo địch hàng ngày vẫn bắn sang, việc đi lại hết sức nguy hiểm. N tính hết ba năm vợ anh phải về Hà Nội, trước mắt mỗi năm, hai vợ chồng cũng gần nhau được hai kỳ phép là tạm ổn, rồi tính tiếp. Ở Hà Nội có gì còn có bố mẹ, bà con hàng xóm, điều kiện sinh hoạt khá đầy đủ anh cảm thấy an tâm hơn. Còn N, nếu được đi học hy vọng cũng sẽ có những thay đổi thuận tiện hơn trong cuộc sống gia đình.
Ấy vậy mà mọi toan tính đều không thành. Năm đó toàn vùng biên cương mất mùa, dân đói lắm, là người lính từng gắn bó và được dân che chở trong chiến đấu địch hậu thời đánh Mỹ, nhìn đồng bào dân tộc không có cơm ăn, N đã có quyết định động trời. Anh vượt rào, tự quyết định cấp 2 tấn gạo trong kho dự trữ chiến đấu của tiểu đoàn cứu đói cho đồng bào dân tộc hai xã ven thị trấn.
Bà con có được cơm ăn thì N bị kỷ luật, cảnh cáo toàn sư đoàn, cái án kỷ luật lần đầu tiên trong đời đã tước mất cơ hội đi học của N. Giấc mộng đổi đời cũng tiêu tan, chưa biết bao giờ thực hiện được.
Nghe tin chồng bị kỷ luật, cô giáo lại tất tả đạp xe về Đồng Đăng an ủi chồng, giúp anh giữ vững tinh thần để tiếp tục công tác.
Cô giáo xin nghỉ phép, ở lại cùng đơn vị của chồng tham gia phong trào tăng gia của đơn vị, không quản ngại bụng mang dạ chửa. Hình ảnh vợ chồng tiểu đoàn phó trên nương làm rẫy đã động viên khích lệ anh em trong đơn vị tham gia tích cực và thực chất hơn. Con sơn ca lại cất tiếng hát mỗi ngày trên trận địa, vẫn tiếng hát xưa nhưng nay thêm đàm thắm, chia sẻ của người trong cuộc. Lính cả tiểu đoàn ai cũng biết và mến yêu chị T.
Đồng bào vượt qua được nạn đói, vụ tiếp theo được mùa đã mang thóc trả lại và cám ơn bộ đội D1 đã chia sẻ với dân. Vậy là trận địa lòng dân biên giới được đơn vị giữ vững, nhờ sự chịu đựng chia sẻ của anh em toàn tiểu đoàn, nhờ cái án kỷ luật của N và một chuyện nữa, chính những ngày gian khó đó, một sinh linh bé nhỏ, đứa “ con đầu ” của họ đã mất khi cô giáo bị ngã trong lúc chạy tránh pháo địch. Anh em đồng đội ai biết đều vô cùng xót xa và thương vợ chồng N..
Vẫn chưa hết, số phận hẩm hưu chưa buông tha N. Khi làm tham mưu phó trung đoàn, N lại được đi học Học viện lục quân Đà Lạt. Nhưng cả lần thứ ba này nữa anh cũng không thực hiện được mơ ước của mình.
Về Hà Nội thì vợ ốm nằm viện, N ở lại ít hôm chăm sóc vợ nên lên nhập học muộn, trường trả về đơn vị. Cục cán bộ yêu cầu kỷ luật vì đã không chấp hành đúng thời gian nhập học. Trung đoàn hiểu hoàn cảnh của N nhưng không thể không kỷ luật N được vì anh thuộc diện nguồn đào tạo cán bộ chỉ huy quân sự kế cận do những chiến công trước đó. Để tránh kỷ luật N, trung đoàn quyết định cho anh về hưu non và N chấp nhận.
T nằm trên giường bệnh hay tin anh bị kỷ luật và xin về hưu thì nước mắt ứa trào . Vươn tay ôm lấy bờ vai của người lính khắc khổ đen đủi, cô thổn thức : "Anh vẫn mãi là của em !".

***
Sự đời trớ trêu thay, cái vận đen đủi của N làm người ta phải ngẫm. Đành rằng N cũng có sai phạm, hai tội trên có đáng để quân đội mất đi một cán bộ suốt mười mấy năm lăn lộn nơi chiến trường, một người lính dũng cảm luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu trên các cương vị được giao.
Tôi vẫn nhớ ngày bắt đầu chiến tranh biên giới, đất nước cực kỳ nguy ngập. Chỉ sau hai ngày khi tiếng súng ở biên giới phía Bắc vang lên, sư đoàn 337 từ một đơn vị làm kinh tế đã chấp hành lệnh trên lên đường ra trận. Sự gấp gáp đến mức trong khi những người lính còn đang hành quân bộ ra ga Si thì các cán bộ tác chiến cấp tiểu đoàn đã đi bằng máy bay ra Lạng Sơn để kịp chuẩn bị chiến trường.
Trong đơn vị không ít người tranh thủ tụt tạt về thăm và báo cho gia đình. Nhiều người khi lên đã không kịp tham gia trận đánh và tất nhiên không ai bị kỷ luật cả, bởi lúc ấy tiền tuyến cần người, những người lính có mặt tuyến đầu đã là quí như vàng rồi.
Nhà N ngay cùng huyện Diễn Châu, cách ga Si không xa mà anh đâu có dám chạy về báo cho gia đình. Đấy không phải là ý thức của người lính khi tổ quốc lâm nguy đó sao ? Chuyện N nhập học muộn về hình thức cũng như những người lính tụt tạt thì lại bị kỷ luật. Tại sao thế ???

28 nhận xét:

  1. Tại sao thế ??? Đọc xong bài viết của K.V thì câu hỏi đó cứ lởn vởn bên tôi.
    Tại sao thế ??? Có lẽ tại vì những người có thẩm quyền để ra những kỷ luật như vậy đã giải quyết một cách quan liêu, máy móc cứng nhắc mà không thèm xem xét đến những hoàn cảnh cụ thể. Lãnh đạo theo sách vở là như vậy đấy.

    Trả lờiXóa
  2. Sự đồng cảm hay ngợi ca một điều gì đó, con người ta dễ dàng ban tặng, có thể là không tiếc lời nữa kia.. bởi người ta không mất gì, nhưng để cùng chia sẻ, chịu đựng và hy sinh mới là cái không dễ có ở đời.

    Trả lờiXóa
  3. Tôi hoàn toàn hiểu và thông cảm cho anh N.Bởi vì tôi cũng nhiều lần bị kỷ luật oan ức như thế này rồi,người ta không thèm nghe mình trình bày hoàn cảnh,cứ thế mà chụp"nón cối"lên đầu mình.Cam chịu thôi!Chuyện về những người lính cậu kể rất hay,rất đời thường.Những ai đã từng là lính thì càng đọc càng như thấy mình trong đó.

    Trả lờiXóa
  4. Những chyện vô lí như nầy đấy rẫy, chỉ tội cho những người đáng kính trọng như N. Nguyên nhân chẳng gì kho hiểu cả, chẳng qua cơ chế trong Q Đ nó tạo ra những tình huống chỉ biết có "khóc".( trên blog này không thể giải bài được, đáng tiếc).

    Trả lờiXóa
  5. Giá nhà bác để cái còm của anh lính mới ở phần 1 để kết thúc bài đọc còn đỡ tủi một tý.

    Trả lờiXóa
  6. Cái chuyện N đen dủi ở đời rất nhiều, người ta kỷ luật cũng không sai, chỉ tiếc cho QĐ mất những người như thế. Sau này QK1 cũng ưu tiên cấp cho N miếng đất ở HN ( Bù lại những đóng góp của N) cuộc sống tạm ổn. Bây giờ bảo đổi lại chưa chăc N đã chịu.
    Là lính tôi cứ hay chệch hướng, lạc đề sang anh lính, mục đích nói về cô vợ giáo viên là chính các bác ạ. Mong các bác comment về những người vợ hậu phương của họ, nhất là cô giáo trong những ngày này.
    KV.K7

    Trả lờiXóa
  7. Theo tôi cô giáo N không làm bà tướng được, ngạn ngữ Nga có câu :
    "Muốn làm bà tướng thì hãy lấy chàng trung úy"
    he! he! giữa đàng đứt gánh.
    KV.K7

    Trả lờiXóa
  8. Mỗi lần hai vợ chồng xum họp . Phải viết là sum họp . KVK7 dạo này ít quan tâm tới chính tả quá .
    Chuyện của N bị kỷ luật là đúng vì trong chiến trận anh không được phép mắc sai lầm . Như anh công binh phá dỡ mìn vậy . Một sơ sẩy ... " bùm " ... Nếu anh mất và chỉ có anh mất thôi thì thiệt hại không lớn nhưng khi nghĩ tới toàn cục thì thiệt hại đâu có nhỏ . Nếu tôi là cấp trên của anh N tôi còn phạt nặng hơn thế . Cái cô giáo mà KVK7 kể đó . Cô gái đó làm chúng ta trân trọng . Cái hậu phương đó đã nâng cánh cho N và anh em cùng đơn vị làm được rất nhiều điều .
    Nhân ngày các nhà giáo Việt nam chúng tôi xin chânh thành chúc các bạn đã , đang và sẽ là thày cô giáo ( nhất là các cô giáo ) hoàn thành sứ mệnh của mình , luôn khỏe , vui và là hậu phương vững chắc của mỗi gia đình .
    K6LS

    Trả lờiXóa
  9. "Soi" lại K6LS:
    "...chúng tôi xin chânh thành chúc các bạn ..." He! he!

    Trả lờiXóa
  10. Chuyện sai chính tả của người viết đã đành!Nhưng TQ phải chịu nhiều chê trách vì không chịu sửa lại còn cười?

    Trả lờiXóa
  11. Sáng vào CQ có việc ngay chưa kịp đọc. Sửa xong rồi mới vào "soi" K6LS. Phải "binh" và "nịnh" mấy tay "nhà văn" này để hắn còn viết bài "nuôi" chứ!

    Trả lờiXóa
  12. KV:Tại sao thế...?Tôi vẫn k hiểu sao bx N bị ốm nặng mà bác ấy k đề nghị cấp trên trực tiếp giải quyết cho mấy ngày phép nhỉ?Chuyện nhỏ như con Thỏ vì đc đi học mà...!Chỉ tiếc quân đội lại mất đi một cán bộ có năng lực thôi.

    Trả lờiXóa
  13. Các pác à!
    Nghĩ tới nghĩ lui, thật lòng tôi mừng cho pác N đã trãi qua các nghịch cảnh đó! Ít ra, nghiệp sát của pác N đã chấm dứt sớm. Nếu các pác đọc lại cuốn Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh thì các pác sẽ thông cảm cho điều Tư tui đã nói!

    Mong các pác cho ý kiến!!

    4 SG

    Trả lờiXóa
  14. Chào KV.K7.
    Muốn làm bà Tướng thì lấy Binh nhì cũng được, hà tất phải lấy Trung úy, vì theo Napôlêông Bônapác thì trong tútse của người lính (đã) có cây gậy Thống chế.
    À, nhưng mà lấy Trung úy thì làm bà Tướng mau hơn.
    HCQuang

    Trả lờiXóa
  15. Cần quái gì lấy trung úy hay bình nhì!!
    Bà thích làm bà tường bà lấy ngay ông tướng, chứ ko có on đơ gì hết!!
    Nói chiện thập kỷ 90 thế kỷ 20 chứ ko phải chiện đời xưa đâu!!

    Anh 3 ở Quân khu nào thì có bà tướng ở đó! Đâu cần lấy bình nhì!

    Hề hề... Mới các pác 8!!

    4 SG

    Trả lờiXóa
  16. Chết thật ! Xin lỗi quá . Mải đi soi bạn mình thì mình cũng mắc lỗi , không phải chính tả mà là lỗi gõ vội . Thôi , xin tự phạt mấy ly . Lần sau ... xin chừa .
    Còn tại sao thế ?!!! Tại vì thương cô giáo T . Không biết có phải cô ấy tên là Tại không mà KVK7 thốt lên như vậy ? He he .
    K6LS

    Trả lờiXóa
  17. Câu chuyện của Ninh và Thủy là một câu chuyện tình lãng mạn,nếu là chính trị viên thì tôi có thể thêm là "lãng mạn cách mạng". Trong câu chuyện toát lên một điều cực kì quý báu là tình yêu của người con gái với chàng bộ đội,đó chính là một tình yêu thực sự, bất vụ lợi, dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng không làm cô gái thay lòng đổi dạ, đó chính là lòng chung thủy vậy,hơi tiếc chút vì KV lồng trong đó vấn đề của Ninh,nếu chỉ nêu đại cương ở khía cạnh khó khăn của chàng để làm rõ sự chịu đựng của cô Thủy thì còn hay hơn nữa. Trong QĐ chuyện như của Ninh đâu có thiếu,nếu chỉ có người giỏi và có tâm thì không phải đến 1975 mới hết chiến tranh giải phóng đâu, sự ấu trĩ ,ghen tức, ngu dốt là căn bệnh trầm kha không có thuốc chữa cho đến tận bây giờ . Khi bộ trưởng nội vụ nói trước quốc hội là bệnh chạy chức chạy quyền tràn lan ra đấy thì tôi chẳng lấy gì làm lạ.

    Trả lờiXóa
  18. Anh quang trung à . Lúc đầu bác bộ trưởng nội vụ còn nói là : Ai chạy chức chạy quyền hãy chỉ cho tôi ( không nhìn thấy ai làm vậy ) . Nay bác ấy nói như vậy thì bác ấy đã thấy rồi . Chuyện " khai đao " anh em mình hãy cố chờ xem , nhưng em tin là rất khó . Bản thân em còn mọc được một lúc được mấy cái đầu thì bọn ma ấy nó ... là cỡ đại sư phụ của mình .
    K6LS

    Trả lờiXóa
  19. @KVK7 : Hóa ra là chị Thủy đâ ...ấy . Tôi tưởng là chị Tại ! Bạn nhập vai quá làm anh em cứ đoán già đoán non ... làm ảnh hưởng đến trí não ( đang bị cạn nơ ron ) . Công nhận dạo này viết lên tay ra phết ( Đỗ Nghĩa cũng vậy ) . Dạo này bận quá nên cũng thấy mình ngu với thời cuộc và không tham gia gì được nhiều ( chỉ săm soi lỗi của bạn là giỏi ... Hix ).
    K6LS

    Trả lờiXóa
  20. Đã là Quân nhân thì phải chấp hành "kỷ luật sắt".Lấy chồng là sĩ quan quân đội thì phải chấp nhận xa cách,thiếu thốn tình cảm và vật chất...Đời binh nghiệp của các tướng tá quân đội luôn gắn liền với sự hi sinh cao cả lặng lẽ của các bà vợ. Không như thế lấy đâu ra những chỉ huy quân đội nghiêm minh đức độ dũng cảm tài ba , lấy đâu ra hậu phương vững chắc để người lính yên tâm cầm súng đánh giặc. Bị kỷ luật ai chả buồn,thậm trí còn bất mãn nhưng phải như thế không thể khác được. Người vợ sẽ là người chắp cánh cho chồng bay cao bay xa trên con đường sự nghiệp để rồi đén 1 ngày nào đó cả 2 sẽ cất tiếng hát khải hoàn cùng dân tộc.cùng hưởng vinh quang của chiến thắng ...

    Trả lờiXóa
  21. Ông Nặc danh ơi, đọc câu cuối cùng trong comment của ông mà tôi thấy nó giống những câu giáo điều, lý thuyết mà trước đây tôi thường được nghe từ miệng của các cán bộ chính trị quá. Thời chiến thì không nói làm gì nhưng thời bình, khi N. phải tập trung đi học ở Nha Trang mà cũng phải cứng nhắc như vậy sao?

    Trả lờiXóa
  22. Tôi không giáo điều lỳ thuyết đâu. Thực tế ở các cương vị chỉ huy mà tôi đã từng làm đã cho tôi thấy là như thế.Ở thời bình có điều kiện xây dựng chính qui- thì kỷ luạt QĐ càng phài được đề cao,không thể lôm côm du kích mãi được.Trong điều kiện khó khăn người lính phải biết vượt qua,đừng để gia đình,vợ con níu bước. Biết dũng cảm hy sinh trong chiến đấu thì cũng phải biết tạm thời chịu đựng nỗi khổ xa vợ xa con để làm tròn nhiệm vụ chức trách được giao có như thế sự nghiệp và công danh mới khá được...

    Trả lờiXóa
  23. "Người vợ sẽ là người chắp cánh cho chồng bay cao bay xa trên con đường sự nghiệp để rồi đén 1 ngày nào đó cả 2 sẽ cất tiếng hát khải hoàn cùng dân tộc.cùng hưởng vinh quang của chiến thắng"

    Đã qua cái thời "ngu si" đó rồi

    Trả lờiXóa
  24. @ Nặc danh : Không biết nặc danh đã từng làm ở vị trí, cương vị nào. Theo tôi nặc danh sử lý như thế sẽ không bao giờ bị khuyết điểm và nặc danh sẽ có những người lính chuẩn cho thời kỳ đổi mới. Trường hợp của N, khi đất nước lâm nguy anh ta đã có mặt không chậm. Thời bình và đi học trước người vợ như thế, mang bệnh( Ung thư) nếu anh ta đổi cả sự nghiệp để về làm thường dân thật người.
    Chúc nặc danh tiếp tục thăng tiến.
    KV.K7

    Trả lờiXóa
  25. ....Rồi cuối đời thì "Nặc danh" cũng phải về hưu và tự trách sao mình "ng...thế!". Ha! ha!

    Trả lờiXóa
  26. @Nặc danh : tôi không có vinh dự làm bạn với ông đâu vì thấy ông theo đuổi " sự nghiệp với công danh " như vậy thì tôi chết khiếp.

    Trả lờiXóa
  27. @ Năc danh : "Thực tế ở các cương vị chỉ huy mà tôi đã từng làm đã cho tôi thấy là như thế"
    Ở chiến trường nặc danh đã bao giờ thu nạp những người lính đảo ngũ về đơn vị mình chưa? Đã bao giờ nhận lại chiến sĩ của chính dơn vị mình đảo ngũ quay về đơn vị mà không kỷ luật chưa?
    Nặc danh răn dạy toàn những điều cao siêu thật hay ! Chỉ tiếc là không dám ký tên mình dưới những gì mình viết.
    KV.k7

    Trả lờiXóa
  28. "Vô phước" chẳng may mình mà là lính của chỉ huy là "Nặc danh" thì bị "đì" tới bờ tới bến...Hix!

    Trả lờiXóa