Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2011

PHỞ LÂN.( tiếp )

Trong ẩm thực người Hà Nội rất sành, rất kỹ, thậm chí còn cầu kỳ.
Có anh bạn người gốc phố cổ mời mình ăn sáng "bún diêu ốc", anh dắt mình đến nửa vòng Hà Nội để đến một con hẻm chật chội ở Trần Xuân Soạn chỉ để thương thức "bún diêu ốc" đúng nghĩa của nó. Ngồi ăn mà xe máy chạy sau lưng cứ ào ào, hàng bún gánh ngon đấy nhưng mất công đi xa, ngồi ăn cứ thấp thỏm thế này thật cái ngon chẳng còn.
Mới lại thấy người Hà Nội cũng quá dễ tính, chỗ ngồi sập xệ cũng không là gì, vỉa hè vô tư miễn là ngon và nổi tiếng.
Nổi tiếng như Phở Bát Đàn, muốn ăn thì phải xếp hàng, tự tay bưng bê và tìm chỗ, không còn chỗ thì đứng mà ăn. Sự quan tâm của chủ với khách là nhắc việc tự coi lấy xe mình được ghi vào cái bảng treo trên tường. Ấy như Phở Bát Đàn cũng chưa là gì, nghe còn có những danh quán như " Cháo chửi, Phở mắng " mà người Hà Nội vẫn cứ vào ăn nườm nượp.
Từ lâu đã thành quen, ăn sáng ở Hà Nội ít hàng có nước tráng miêng, ai muốn tráng miệng xin mời đi chỗ khác.
Ở Phở Lân thực khách vẫn phải ngồi vỉa hè là chính, vì nhà phố cổ muốn hoành tráng được tốn không ít tiền. Chủ quán cũng chỉ bán có phở nhưng trà nóng, trà đá, cafe, sinh tố đều có đáp ứng cho khách khi cần. Có được như vậy ở Hà Nội cũ là rất hiếm, có lẽ hàng xóm quanh Phở Lân là những người biết mình biết ta, không ghen ăn, tức ở, biết cộng tác cùng nhau. Dọc hai dãy vỉa hè quanh Phở Lân là tiệm cầm đồ, tiệm áo cưới, của hàng bán kim từ điển, cafe, quán trà ...Thế nhưng buổi sáng tất cả hoạt động chỉ xoay quanh Phở Lâm. Vỉa hè các tiệm cầm đồ, áo cưới là nơi đặt bàn cho khách ăn phở hay chỗ gửi xe. Các quán Cafe, trà cũng mở phục vụ khách ăn phở, tất nhiên ai đã ngồi bàn kiếng, ghế cao lịch sự thì cũng sẽ biết tự gọi tráng miệng bằng các sản phẩm của họ. Lợi cả đôi đường, nhà Lân bán được hàng thì cả xóm bán được hàng, đều vui !
Mỗi lần ăn xong mình không gọi nước mà tự sang ngồi bên quán trà nóng. Vừa uống vừa ngắm cái guồng máy " Cộng sinh " của nhóm cư dân này, thấy nó hợp lý hết sức trong điều kiện đất chật người đông của Hà Nội cổ. Lượng khách rất đông, theo chủ quan nó còn đông hơn bên Bát Đàn, có lẽ cũng vì cung cách phục vụ làm khách thoải mái hơn. Thì ra cái dễ tính của người Hà Nội là do hoàn cảnh. Nhớ thời bao cấp, chẳng hàng phở tư nhân nào dám qua mặt quốc doanh, nên có ngon mấy thì cũng chỉ được phép lụp xụp góc phố nhỏ, bác nào làm nhớn tí là "thành phần" biến đổi ngay : Bốc lột !
Đã không dám làm lớn lại nhiễm thói "mậu dich", quát, mắng sơi sơi làm người Hà Nội vốn lễ nghĩa làm đầu cũng phải dằn lòng cam chịu. Chịu mãi thành quen, dù bây giờ đã mở cửa, không ai nhắc đến "thành phần" nữa nhưng để được bát phở ngon, có dịch vụ chu đáo cũng phải biết chờ và hy vọng. Cái gì cũng phải có lộ trình của nó, đừng nóng vội.
Quay lại với một mắt xích của guồng máy "cộng sinh" này là cô cháu bán chè chén. Cô bé chỉ có hai cái ấm tích hãm chè, một phích tàu, một bếp dầu Thăng Long và mớ ly chén trên diện tích 2m2 vỉa hè thế nhưng luôn tay. Trà nóng 2 ngàn, trà đá 3 ngàn chắc kiếm cũng khá đây, mình tỉ tể :
- Cháu bán mỗi sáng có được 500.000 đồng không ?
- Dạ ! Khoảng thế ạ.
Nhìn con bé rót trà, đưa nước, tính tiền thoăn thoắt, luôn tay thế kia thì chắc phải hơn thế. Đúng là " Buôn thất nghiệp, lãi quan viên " còn gì, sáng ra ngồi lê vỉa hè một tháng kiếm hơn chục triệu thì còn gì bằng. Cũng lại cái thuận của "cộng sinh" mới nên vậy. Thực ra trong guồng máy này còn có những kẻ lang thang như mấy anh đánh giầy cũng tụ về kiếm sống.
Có lẽ ở đâu cũng vậy, đất dễ sống không phải từ đất mà con người trên đất tạo nên nó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét