Cái Tết năm nay khác lạ với người miền Bắc. Người ta ít đến nhà nhau nên chỉ hỏi thăm chuyện ăn tết và ngủ tết thay vì chơi tết. Nhưng với nông dân, Tết thực sự là lo Tết, về cả vật chất và tinh thần. Người trồng lúa héo ruột nhìn ruộng mạ quắt queo vì giá rét, đàn trâu bò ngấn nước mắt ngã gục, có người trồng rau phần vì thương rau không thể mọc mầm, phần vì tiếc giá rau lên cao trong vài ngày lễ nên “tranh thủ” lội ruộng hái thêm mà tắt thở.
Ai đã từng đi qua những nẻo đường vùng cao Tây Bắc, Sơn La, Hà Giang, Tuyên Quang, mới thấy rằng còn những vùng đất mà chưa nói đến văn minh, ngay sự no đủ chưa kịp đến. Đấy là thế giới của những ngọn đèn dầu, những bó đuốc soi đường buổi tối, những em nhỏ không quần áo, những bát cơm ngô khô khốc, nghẹn bứ ở cổ và những ổ rơm nương náu qua mùa đông.
Nhớ một chuyến công tác qua cực Bắc ở Hà Giang, chúng tôi ghé một bản nhỏ tại xã Xí Mần, phải đi bộ 2 cây số qua ba ngọn núi để phát kẹo cho đám trẻ ở một lớp học cắm bản. Một người đã bật khóc khi thấy những đứa trẻ đến 10 tuổi vẫn không mặc quần, da tím tái, tóc khô xác, mân mê mãi mẩu giấy kẹo xanh đỏ sau khi ăn hết “ruột”. Một người khác đi cùng luống cuống muốn giấu đi cái túi xách trị giá vài triệu đồng của mình.
Trong khi, chỉ cách vài ba trăm cây số là Hà Nội, nơi ngập tràn quần áo đẹp, các cao ốc thi nhau trưng các thương hiệu nổi tiếng thế giới, những chiếc ô tô bạc tỉ đậu san sát hai bên hè phố, những nhà hàng sang trọng mà mỗi bữa ăn bằng hoặc hơn cả năm thu nhập của một gia đình nông dân vẫn không ngớt rộn rã.
Trong khi người ta say mê với thành tích tăng trưởng GDP, thành tích giảm nghèo, dẫn ra những con số cho rằng hệ số tốc độ gia tăng bất bình đẳng ở Việt Nam thấp hơn các nền kinh tế khác, thì dường như đợt rét năm nay đã kéo lùi thành tích này xuống, làm cho nó mong manh hơn. Có những du khách không tiếc tiền lên núi chiêm ngưỡng băng tuyết thì cũng có những nông dân ngồi bên chiếu bán thịt trâu bò chết cóng đang tuyệt vọng, bên cạnh những chiếc ô tô đắt tiền từ miền xuôi đi lên du xuân có những ánh mắt lạ lẫm của người vùng cao co ro với tấm áo mỏng. Khi người ta bàn tán về chiếc nhẫn kim cương trị giá một triệu đô la Mỹ của vợ một quan chức thì có những em nhỏ tranh nhau miếng sắn, củ khoai. Nếu một nồi lẩu ở phố Quán Sứ (Hà Nội) có giá hàng triệu đồng thì một cân cá trích để ăn cả tuần của gia đình nọ chỉ có 5.000 đồng. Ở nước ta, khi ngày một nhiều người mua được những chiếc ô tô mà tiền thuế đã lên tới hàng chục tỉ đồng thì vẫn chưa bớt đi những người chỉ đi về bằng phương tiện duy nhất là hai bàn chân trần nứt nẻ. Trong khi ngày một nhiều những người mua thẻ làm hội viên một sân golf ở ngoại thành Hà Nội có giá tới 50.000 đô la Mỹ/năm thì cách đó chỉ vài trăm mét, ngoài bức tường bao, một gia đình nông dân chỉ có thu nhập 10-20.000 đồng/ngày.
Tết là cơ hội để nhiều người trả ơn nhau, tụ tập, mua bán, sắm sửa, thể hiện sự giàu có, sang trọng của gia đình mình. Còn với người thu nhập thấp, Tết là một mối lo biết trước mà không thể tránh. Bi kịch luôn xảy ra nặng nề nhất với những người nghèo. Sau những thửa ruộng, những cánh đồng xám xịt, câu chuyện Tết nào cũng xen nhiều tiếng thở dài vì người ốm, lúa chết, rau màu chết, trâu bò chết. Chưa hết, sau rét là thiếu lương thực, là giá cả tăng cao, là thiếu vốn cho sản xuất, thiếu nước cho ruộng.
Đất nước đã qua đổi mới nhiều năm nhưng những người nghèo như những mảnh vỡ của mùa Đông, của hiện đại hóa đang rơi rớt lại, phía sau những bản dài thành tích và cả những tiếng chúc mừng
Hồng Phúc
(Thời báo Kinh tế SG)
Ít ra blog Út Trỗi còn có được hơi thở cuộc sống người dân bình thường, chứ không chỉ có cái không khí hiu hiu thỏa mãn , chỉ toàn chuyện vui chơi yến ầm của hào phú đại gia.
Trả lờiXóaTôi mong blog Út Trỗi coq được tinh thần hào khí của Đỗ Thiếu Lăng chứ đừng của Lý Trích Tiên.
Mong lắm thay!
Trích:...Bên một đống lửa,hai vợ chồng người Mông bán thịt trâu giọng buồn rười rượi:"Mua đi ta bán rẻ thôi 20 ngàn đ/kg...Tới dốc 3tầng lại có thêm 3 hàng bán thịt trâu nữa...Chúng tôi mua 2kg người bán khg cần cân,xâu cả xúc thịt vào sợi giang to tướng,treo vào xe máy nói tếu như mếu:"vừa bán vừa cho cũng đắt hành mà"...
Trả lờiXóaĐọc xong rồi đặt mình vào người ta muốn khóc luôn!
Rất vui chia sẻ suy nghĩ của Đỗ Nghĩa. Do nghề nghiệp, Lê Thanh cũng biết nhiều về nông thôn và biết rằng bà con nông dân và vùng sâu vùng xa vẫn còn thiếu cả ăn lẫn mặc. Đất nước kinh tế phát triển và j đi nữa có lẽ chỉ ở thành phố thôi , còn vùng xa vẫn còn khổ lắm.
Trả lờiXóaĐâu phải chỉ vùng xa, ngay tại thành phố lớn như Sài gòn vẫn hàng ngày thấy những người đi lượm rác, bán vé số (tất nhiên ko tính bọn lừa đảo giả dạng) hay ra các khu "ổ chuột" dưới các chân cầu, còn biết bao cuộc đời đắng cay.
Trả lờiXóaDẫu biết phân hóa xã hội là điều tất yếu trong kinh tế thị trường, song ko thể ko ngậm ngùi.
Đan mạch cuộc đời là thế, đâu phải như mình muốn !
HMK6
Bác gì ở “K Nặc danh” cứ nói “Đỗ Thiếu Lăng với Lý Trích Tiên” ở nơi “hơi thở cuộc sống người dân bình thường” khó hiểu wá, cứ nói “nho xanh wá” cho rùi. Cái chỗ bác nói sao tui thấy đông người vô lém, k lẽ Trỗi nhìu “hào phú đại gia” vậy ?- thôi thì ae mình ai vui cũng nên mừng cho họ và vui chung. À mà bác có fải Trỗi k đấy ? K nào nhẩy ?:-)
Trả lờiXóaK9 đó, được ko?
Trả lờiXóa- Đỗ Thiếu Lăng: là nhà thơ Đỗ Phủ (712–770) một nhà thơ Trung Quốc nổi tiếng thời nhà Đường, còn gọi là Thiếu Lăng Dã lão
Trả lờiXóa- Lý Bạch (701- 762) là nhà thơ danh tiếng nhất thời thịnh Đường nói riêng và Trung Hoa nói chung, được hậu bối tôn làm Thi Tiên. Vì có tài uống rượu, làm thơ bẩm sinh, nên Lý Bạch được gọi là: Tửu trung tiên, Lý Trích Tiên...
"Nguồn Wikipedia"