Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Năm, 14 tháng 2, 2008

VỢ MUỘN

Tết. Mồng ba. Tôi đi thăm chúc tết gia đình mấy người bạn cũ. Tình cờ gặp người bạn Trỗi ngày xưa. Dễ đến gần bốn chục năm mới gặp nhau. Chuyện xa, chuyện gần, rồi tới chuyện gia đình. Bạn hỏi: “Sao lấy vợ muộn thế?”. Biết trả lời sao đây!? Trong vô vàn những lý do, những trục trặc khách, chủ quan, tôi chẳng hiểu đâu là lý do chính, đâu là phụ? Tôi phỏng đoán. Vợ muộn cũng có thể một phần là lý do sau đây chăng? Chẳng muốn tin nhưng rõ ràng nếu không thì làm sao mà tình duyên tôi cứ vật vã, trắc trở, lận đận mãi thế.
Năm 1974, khi tôi học năm thứ hai Đại Học Kỹ Thuật Quân Sự trên Vĩnh Yên. Trong một lần đi thăm thằng bạn nằm ở Quân Y viện 109, hắn đi cắt “Phimuzit”, tỉ tê thế nào tôi quen được em y tá mới ra trường phụ trách thay bông, băng và chăm sóc thằng bạn. Cô ta là con gái ông bác sỹ Phó khoa của viện.
Rồi nhằng nhịt dây Mơ rễ Má, tôi quen thêm được ba em nữa. Ba cô bạn sau này lần hồi cũng bị ba ông bạn trường Trỗi của tôi “nhõn mất”.
Vào một sáng cuối thu, trời trung du se se ngọn gió heo may, cô bạn tôi hớt hơ hớt hải chạy tới báo tin và mời chúng tôi đi dự đám cưới. Trước khi về cô bạn tôi nói nhỏ cho biết:
- Cái Lan dưới Tam Dương học lớp 10 với em, nó cưới chạy. Chủ nhật tuần tới bọn anh phải đi với chúng em đấy, không đi là không được đâu.
Quái, chúng tôi đã gặp Lan bao giờ đâu? Và cũng chả có quan hệ gì, hơn nữa thiệp mời chả có. Đi là đi thế nào, cô bạn của mình sao hôm nay lại tự nhiên chủ nghĩa thế?
Tưởng nói chơi ai dè thật. Trưa chủ nhật đang “Cầy ải” chuẩn bị cho môn thi sáng thứ hai. Nghe trực ban báo có khách, tôi lò dò đi ra cổng trường, thì đã thấy bốn em trang phục chỉnh tề, với bốn chiếc xe đạp dựng kế bên và trên "Poc-ba-ga" một chiếc xe đã buộc sẵn một gói to, tôi nghĩ chắc là quà mừng đám cưới.
Tôi trình bày hoàn cảnh là ba ông bạn không đi được vì phải ôn thi. Nghe tôi nói cả bọn mặt buồn thiu.
- Thế còn anh, anh phải đi với chúng em!
Tính tôi hay cả nể và ham vui. Nên dù biết sáng thứ hai thi và bài vở cũng chưa ôn được bao nhiêu nhưng trước các người đẹp tự nhiên lòng tôi rũ ra như rau cải phải nắng, chẳng còn chủ động được gì. Hơn nữa thấy nói đi dự đám cưới tôi cũng thấy háo hức vì từ bé tới giờ tôi có được ai mời hoặc được ai “rủ rê” đi đám cưới bao giờ. Thế là trong cái đầu mải chơi của tôi việc thi cử quan trọng, lúc này tôi chỉ coi là "chim" con kiến hết. Tôi quyết định rất nhanh:
- Thôi được anh sẽ đi với bọn em, dưng mà phải về sớm đấy.
Thế là chúng tôi rồng rắn lên đường.
Trên đường đi tự dưng thấy ngài ngại, tôi bắt đầu dao động, và điều này đã tác động trực tiếp tới lập trường trường vốn rất hay thay đổi của tôi. Tôi thủ thỉ với các em:
- Anh chẳng quen biết ai, cả nhà trai lẫn gái nên ngại lắm. Anh sẽ chờ ở ngoài khi nào đám cưới tan anh sẽ đón.
- Không được! Ai lại thế, Anh cứ nói là bạn học với Lan. Với lại chẳng ai cật vấn anh trong ngày vui như thế này. Anh cứ theo bọn em, chúng em đi đâu anh đi đấy, bọn em ngồi mâm nào thì anh ngồi mâm ấy. Anh chả gì phải sợ.
Thấy mấy em nói có lý nên tôi cũng xuôi xuôi. Thế mới biết cái anh cấp phó, phụ trách chính trị trong quân đội nó quan trọng như thế nào, vậy mà từ trước tới nay chúng tôi cứ ngoạc mồm ra chửi “Mấy ông này là đồ con vịt vô tích sự”.
Đường từ Vĩnh Yên tới nhà gái trên Tam Dương chỉ khoảng hơn hai mươi cây số nhưng đường đồi quanh co lên lên, xuống xuống nên hai tiếng đồng hồ sau khi xuất phát chúng tôi mới tới nơi.
Nhà gái nằm trên sườn đồi, xung quanh cây lá xanh ngắt, cổng vào nhà được trang hoàng lộng lẫy, bằng hai hàng cau và những tàu lá cọ được đan lại với nhau, có gài xen kẽ những bông hoa dại, tôi chỉ nhận ra được mỗi hoa mua. Đẹp và lãng mạn.
Vì là thằng đàn ông duy nhất trong đoàn nên tôi nhận tràch nhiệm bê quà mừng. Chẳng biết quà là gì, dù trông to và “đồ sộ” thế nhưng khi bê tôi thấy rất nhẹ. Được bọc bằng giấy báo và phía ngoài thêm một lớp giấy điều cho lịch sự.
Vừa bước vào đến cổng, bất ngờ tôi bị một ông dáng chừng trong ban tổ chức la tướng lên: "A, đây rồi!", và lao ngay tới chỗ tôi. Một tay ông ta xỏ qua nách, quàng lấy vai, lôi tôi xềnh sệch về phía cái sân gạch, bên trên được che bằng những cái vỏ chăn nhiều màu sắc. Qua sân gạch là ngôi nhà ngói năm gian đã khá đông khách đang ngồi dùng tiệc. Vì vướng hai tay đang bê chồng quà và quá bất ngờ, mấy đứa bạn tôi chỉ kịp vội nắm lấy tay bên này của tôi kéo ngược lại. Tôi trong hoàn cảnh như bức tranh dân gian Đông Hồ "Đánh ghen", không bên nào chịu bên nào. Ông trong ban tổ chức nói lớn:
- Mâm các cụ trên nhà còn thiếu, chờ mãi, chỉ cần thêm một cụ nữa là đủ mâm. Thế quái nào cá nhân lại quan trọng thế, gần ba mươi phút đồng hồ mà không có thêm cụ nào tới. Để bốn cụ ngồi chờ, nhìn mâm e không tiện. Dịch vị dù có nhiều bao nhiêu thì nó cũng chỉ có giới hạn. Nên ban tổ chức quyết định. Bất cứ khách đàn ông nào tới, không phân biệt tuổi tác sẽ được thay vào vị trí thiếu ở mâm các cụ theo tục làng, để các cụ nhập tiệc.
Khi đi, bước chân trái thế quái nào tôi rơi đúng vị trí ấy. Thế là một bên là các em hừng hực sức lực tuổi đôi mươi, với những cặp ngực no tròn hằn lên sau làn áo mỏng kiên quyết giữ “Lời thề”; một bên là ông trong ban tổ chức người săn chắc, khoẻ như một thợ cày chuyên nghiệp kiên quyết giữ “Chủ quyền”. Chả bên nào chịu bên nào.
Bất ngờ gói quà tôi đang bê tuột khỏi tay, rơi đến xoảng một cái xuống nền sân gạch, tấm giấy điều mỏng bung ra. Tôi lạnh hết cả người.
Bỗng có một bác la toáng lên:
- Cái mâm, giữ lấy cái mâm! Nó lăn, nó lăn ... kìa nó lăn ...
Thì ra tặng phẩm là một cái mâm nhôm và mấy cái nồi sắt tráng men. Chẳng biết thế quái nào chiếc mâm lại rơi theo chiều thẳng đứng và cứ thế nó lăn, lăn trên nền sân gạch thoải dốc theo sườn đồi, do quán tính, cứ thế lăn nhanh băng qua sân và lao đến "tõm" một cái xuống cái ao phía bên này.
Thế có chết bỏ mẹ không cơ chứ! Thật là dở khóc dở cười. Cũng may người nhà nhiệt tình cho người cởi phắt quần áo nhảy tùm xuống ao vớt ngay trong cái se lạnh tiết cuối thu vùng sơn cước.
Cuối cùng tôi cũng không thể thoát được lệ làng. Ngồi mâm các cụ rượu thì không biết uống, ăn chẳng dám ăn, để mặc các cụ ngồi nhắm, chuyện trò. Tôi buông mắt lơ đãng nhìn và tự dưng thấy ghen tị với hai con bồ câu đang tranh nhau “Xơi tái” trái tim trên tấm phông to tướng treo giữa nhà. Bên cạnh là câu khẩu hiệu “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ” đối diện với nó là một khẩu hiệu khác rất mạnh mẽ “Kiên quyết chỉ đẻ một con”.
Tôi chạnh lòng, vui đâu không biết, đẻ đái gì tôi cũng chẳng quan tâm, trong bụng lúc này đang réo sôi ùng ục, nước miếng thì tứa ra chẳng biết có phải vì mâm cỗ hay vì cái gì. Nhưng rõ ràng lúc này tôi chỉ muốn được như đôi chim kia hồn nhiên thưởng thức món trái tim ngon lành, chẳng e lệ và phụ thuộc vào ai.
Tiệc cưới tan trong chiều trung du chạng vạng. Chúng tôi lầm lũi đạp xe men theo triền dốc ngựơc trở ra, trực chỉ hướng thị xã Vĩnh Yên. Bịn rịn chia tay nhau ở chân Dốc Láp, các em nhìn tôi với ánh mắt như có lỗi. Cô bạn của tôi ỏn ẻn:
- Thôi anh về đi!
Và dúi vội cho tôi một gói lá chuối to, thịt và xôi. Xuống tới chân dốc, ôm khư khư bọc xôi thịt trong tay tôi quay đầu nhìn lại vẫn thấy bốn cái bóng bạn tôi mờ mờ trong màn sương giăng, rồi bóng tối ập xuống rất nhanh, trong khoảnh khắc tôi không còn nhìn thấy gì nữa.
Sau này nghe các cụ nói “Trai chưa vợ, gái chưa chồng người ta kiêng không đi dự đám cưới “chạy”. Ai lỡ vô phúc đi dự thì đường tình duyên sau này sẽ gặp trắc trở”. Chẳng biết có đúng?

Duy Đảo k6

8 nhận xét:

  1. Không biết KQ có đi dự "đám cưới chạy" nào không mà cũng "vợ muộn" thế?
    GM.

    Trả lờiXóa
  2. Các pác Trỗi nhà ta đa phần đều "muộn vợ" vì thấm nhuần lời dạy của các cụ:Có chí làm trai thì phải chơi cho đã...

    Trả lờiXóa
  3. "Chạy" ở nước người ta là động từ chỉ sự di chuyển nhanh hơn đi bộ, nhưng ở ta, nó là động từ, danh từ, tính từ... bời người ta chạy đua còn ta chạy chọt. Chạy ghế, chạy trường, chạy điểm, chạy quy họach, chạy thầu, chạy tội, chạy án, chạy thuế, chạy hải quan, chạy côta, chạy nghĩa vụ, chạy giải thưởng ... và đám cưới chạy.
    HCQuang

    Trả lờiXóa
  4. Trần Tiên Sinh "muộn vợ" là do fải cống hiến sức lực và tuổi thanh xuân trai trẻ cho sự nghiệp ngoại giao nhân dân và công nghệ " chơi" của nước nhà. Chứ "sớm vợ" thì lấy ai ra phát triển "chơi" của anh em?

    Trả lờiXóa
  5. Kề ra đám cưới Trần Tiên sinh hơi muộn, tận dầu năm 1995, nhưng nhớ là VNAirlines phải tốn những 2 chuyến bay chở bộ đội từ HN vào Tp Hồ Chủ tịch dự cưới. Cứ như họp đại hội quần hùng của cánh Lương Sơn Bạc.
    Ông bạn Xuân Thắng (nay đã ở cõi Vĩnh hằng) còn đóng giả nhạc trửong Cao Việt Bách, cởi giày, đi tất trắng nhảy lên bàn ăn chỉ huy hát bài "Kết đoàn". Sướng thế là cùng!
    Còn Trần Chí THọ thì hè 1968 dám nhảy lên nóc tầu liên vận tiễn đưa em Vân (sau này là vợ) qua biên giới, qua cửa khẩu Đồng Đăng sang tận Bằng Tường. Vậy có thơ rằng:
    Làm trai cho đáng nên trai
    Đồng Đăng đã trải, Lào Cai đã từng!

    Trả lờiXóa
  6. Ấy, nói nhỏ thôi, không phải, không phải. Cái cô em mà TCThọ tiễn lên biên giới đúng là bạn gái của anh ta nhưng (sau này) không phải là phu nhân đâu. Chết thật, nhà anh "bập bập" đi.
    Tuy nhiên, bài góp có nói tới "Đồng đăng đã trải" nhưng nỏ thấy "Lào cai đã từng"? Vậy Lào cai có sự kiện chi hề, mấy anh?
    HCQuang

    Trả lờiXóa
  7. 1 nặc danh có thâm niên:
    Úi cha, đoạn tản văn hay quá... Nên sưu tập lại cho anh chị em đọc chơi... Ở tuổi "lên lão" rồi thì cứ việc nói thật , chị em bây giờ cũng độ lượng lắm, không như anh em tưởng đâu

    Trả lờiXóa
  8. Sau vụ vượt biên năm 1968 (mà nhiều người nói là anh ta chui trong WC chứ không phải nóc tầu) khi về Trần Chí Thọ đã vẽ lại 1 bức tranh. Rừng lau cọ nghiêng trước gió ngàn biên giới. Cạnh đó có người chiến sĩ đang ngó mắt về phía biên ải xa xăm nơi cô bạn gái vừa khuất bóng. Chiếc áo chiến bào của người chiến sĩ cũng tung bay trước gió.
    Cho tới năm 1975, tôi còn đuợc xem bức tranh này. Không hiểu nay còn hay mất?

    Trả lờiXóa