Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Năm, 23 tháng 10, 2008

KỈ NIỆM TRƯỜNG HOÀN KIẾM

Sáng nay mở mail, nhận được một bức thư của một bạn là cựu học sinh cấp 3 cùng thời với K8 và là bạn của một số “blogger” UT, có nguyện vọng cùng tham gia ÚT TRỖI. Bạn cũng là đồng tác giả bài HÀ NỘI NGÀY XƯA của EGK9 đã đăng trên UT. Dưới đây là bài ra mắt của bạn, kỷ niệm về thời học trò Hà nội và dưới bút danh “SU HÀO”

Thân gửi các bạn!

Hôm vừa rồi có một người bạn cho tôi địa chỉ Hộp thư này, nói với tôi đây là nơi trao đổi của những người bạn cùng lứa tuổi, hay chia sẻ với nhau những cảm xúc.

Tôi không phải học sinh trường Nguyễn Văn Trỗi nhưng đọc các bài viết thấy cũng khá gần gũi nên muốn xin nhập làm thành viên.

Rất mong được sự đón nhận của các bạn.

Tôi gửi thử một bài góp vui nhé.

Thân mến

Su hào

Trên đường Hai Bà Trưng, đoạn đầu phố rợp bóng mát của các cây cổ thụ có ngôi Trường cổ, thời Pháp thuộc nó có tên là trường Anbe Xarô (tôi không biết phải viết như thế nào vì không biết tiếng Pháp, cứ gọi nôm na là thế). Thời chúng tôi Trường được đổi tên thành Trường cấp III Hà Nội (buổi sáng) nơi bạn Bùi Thắng (K8) đã học và Trường Hoàn Kiếm (buổi chiều). Bây giờ nó lại đổi tên lần nữa thành Trường Trần Phú. Trường có kiến trúc rất đẹp, chỉ cao hai tầng với những ô cửa sổ cao, bên ngoài ốp gạch trần đỏ tươi, lượn cong theo hình vòm ở phía trên cửa. Đối diện với Trường là một tòa nhà cũng đẹp và có kiến trúc tương đối giống Trường với những viên gạch trần ốp hình vòng cung phía trên các ô cửa, trước kia thuộc Bộ Đại học, còn bây giờ tôi cũng không biết nó thuộc cơ quan nào quản lí nữa. Các lớp học đều cao ráo, sáng sủa, mở cửa thông ra hành lang hai bên rộng rãi phía sân trường và đường phố. Giờ ra chơi học sinh thường đứng bên bậu cửa sổ trông ra phố, hay ra sân Trường ngắm nhìn sự thay đổi của cây cối theo mùa trong năm. Những cây cổ thụ già thân to, phía gốc xù xì, trên thân có những cây dây leo quấn quanh, có nhiều cành lá sum suê, trên mãi cao cao phía ngọn cây lá xanh non, xòe rợp mát. Mùa Xuân cây ra nhiều lộc biếc, còn mùa Hè lá non xanh mướt, ra hoa, đậu quả. Mùa Thu quả chín, lá vàng xen lẫn lá xanh. Còn mùa Đông thì lá cũng xanh nhưng không non mướt như mùa Xuân Hè mà có phần hơi xơ xác vì gió đông bắc thổi lạnh. Đôi khi vào mùa mưa bão, sáng ra thấy có cây đổ là bạn nào cũng thương xót lắm. Biết bao giờ mới trồng lại được thành cây cổ thụ như xưa. Trường có hai cổng, cổng chính ở đường Hai Bà Trưng, còn cổng bên ở đường Nguyễn Khắc Cần. Vào cổng bên là đến sân trường khá rộng rãi, nơi chúng tôi tập trung chào cờ vào mỗi chiều thứ Hai, là nơi tập thể dục, là sân bóng… là nơi chứa đựng biết bao nhiêu kỉ niệm thời học sinh. Bây giờ nhìn lại những tấm hình ngày xưa, thấy bạn nào trông cũng ngây thơ, trẻ con và sao dễ thương đến thế. Nhưng, “thời thơ ấu đã qua rồi”…

Năm 1969 sau khi Mỹ ngừng bắn phá miền Bắc chúng tôi từ khắp các nẻo đường sơ tán được trở về Hà Nội. Khi đó chúng tôi, các học sinh nhà ở Khu Hoàn Kiếm vào học lớp 7 tại trường cấp II Ngô Sĩ Liên (trên đường Hàm Long) sau hơn bốn năm học ở các miền quê. Sau khi tốt nghiệp cấp II, cả khối 7 của Trường Ngô Sĩ Liên được chuyển về học lớp 8 tại Trường Hoàn Kiếm. Danh sách các lớp được sắp xếp lại, nhưng chúng tôi cũng đã phần nào quen biết nhau. Các bạn cùng khối khá thân thiết, nhiều bạn học rất giỏi và sau này khá thành đạt. Ngày đó tôi học lớp 8A, lớp đông vui lắm, tới hơn 60 bạn. Chúng tôi chơi với nhau thành từng tốp những bạn hợp nhau. Tốp của tôi có 4 đứa con gái, nghịch ngợm, tự đặt biệt hiệu là Cà rốt, Bắp cải, Su hào và Cà chua.

“Chúng ta cùng hát đi nào

Cà rốt, Bắp cải, Su hào, Cà chua!”

Ở trong lớp học thì toàn nói chuyện riêng, giờ ra chơi thì chạy tung tăng, vui vẻ lắm. Tối về nhà lại viết thư cho nhau rồi gửi bằng bưu điện. Ngày nào cũng mong thư của nhau. Giá mà bây giờ còn giữ được những lá thư ngày ấy. Chúng đều rất ngộ nghĩnh, dễ thương. Bác bưu điện tuổi trung niên, đi xe đạp, có ria mép phúc hậu cũng biết tất cả chúng tôi, vì nhà ở gần nhau (phố Trần Hưng Đạo, Hàm Long, Hai Bà Trưng…). Mỗi lần đưa thư đến bác lại gọi to: “12B ra nhận thư nhé!”. Tôi chạy vội ra, bác cười hồn hậu: “Có thư của Cà rốt, Bắp cải đấy!”. “Cháu cảm ơn bác!”. Rồi lại còn tiết mục bạn Trường sáng viết thư cho Trường chiều nữa chứ. Chiều nào chúng tôi cũng đi học sớm để lấy thư của bạn Trường sáng để trong ngăn bàn, vì sợ nếu đến muộn các bạn trực nhật sẽ vứt đi mất. Viết thư cho nhau mãi mà chẳng biết mặt nhau, cũng chẳng biết bạn nào viết cả, nhưng vẫn cứ chờ đợi mong nhận được thư. Có lần chúng tôi quyết tâm đến sớm để ngó nhìn mặt bạn viết thư buổi sáng, nhưng thấy lố nhố mấy bạn liền, chẳng biết bạn nào, mà cũng không dám hỏi. Cũng một kiểu “lên mạng” như bây giờ ấy nhỉ. Nếu chỉ nghịch ngợm mấy đứa con gái với nhau thì không sao, có lần chúng tôi nghịch dại bắt chước chữ, viết thư giả làm một bạn trai (Lê Hoàng) viết thư tỏ tình cho một bạn gái trong lớp (là Đặng Anh Phương, cùng tên với nhân vật nữ chính trong phim Vị đắng tình yêu, kịch bản của Lê Hoàng) rồi gửi bằng bưu điện, bên ngoài phong bì còn dán rất nhiều tem. Hồi ấy gửi thư trong thành phố thì dán tem 6 xu, còn gửi đi các tỉnh thì dán tem một hào hai. Chúng tôi dán đến cả chục cái tem ấy, chi chít ngoài phong bì. Thật chẳng may là bố của Anh Phương lại nhận được lá thư đó. Ông giận lắm, liền đến trường tìm gặp các thầy cô để phê bình bạn Hoàng. Hôm đó là thứ Hai, chúng tôi vừa thò mặt đến cửa Trường thì Hoàng “Cò” đã đứng đợi ngoài cửa, mồ hôi nhễ nhại, mặt nhăn nhó: “Các bà hại tôi rồi! Bố Anh Phương đến trường đấy!”. Chúng tôi sợ xanh mặt, run cầm cập, vội mượn xe đạp đến nhà bạn Anh Phương ở phố Hàng Bút để xin lỗi bố bạn ấy. Thật hú vía! Tôi nhớ Cà rốt rất tài bắt chước đã giả chữ của Hoàng bằng mực tím, trông giống y như thật, viết thư cho Anh Phương, trong lá thư đó còn có một khổ thơ:

Tươi thắm màu hoa rạng vẻ xuân

Thấy mình yểu điệu nét thanh tân

Trăm năm chắc chưa cùng ai hẹn

Tôi muốn cùng Phương kết bạn thân

Sau này Anh Phương sang Nga học về Văn học, còn Lê Hoàng, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Xây dựng, chuyển nghề trở thành đạo diễn có tên tuổi. Lê Hoàng vẫn rất nhớ những kỉ niệm trước kia và không quên các bạn xưa. Lê Hoàng khi đó học Văn đã rất khá. Hồi học đại học, phải làm bích báo, có lần tôi đã nhờ Hoàng làm hộ, và Hoàng đã vui vẻ làm giúp rất dễ dàng.

Ngày đấy chúng tôi hay nghịch ngợm, trêu chọc các bạn, thậm chí cả các thầy cô nữa. Làm thơ tứ tuyệt, thất ngôn bát cú, vịnh từng bạn, từng thầy nữa chứ vì trong chương trình học môn Văn khi ấy chúng tôi được học, phân tích những dạng thơ này. Rồi còn vẽ chân dung các thầy nữa. Có lần Cà rốt lên bảng không thuộc bài, cứ đứng nhìn thầy giáo, rồi về nói: “Tớ đã ngắm kĩ thầy rồi, cái sẹo nằm ở chỗ này này!”. Tan học thường rủ nhau đi ăn kem que. Kem Tràng Tiền, Hàng Vôi rất ngon. Ngày ấy Tràng Tiền có kem sữa dừa, kem sôcôla, còn Hàng Vôi có kem quốc doanh hay còn gọi là kem đậu nành, khá to, kem khía khía, màu vàng nâu, thơm phức mùi đậu nành. Hễ bạn nào có mấy hào trong tay là đã có thể mua được kem để đãi cả nhóm được rồi, kem que chỉ một hào một chiếc. Còn hồi chúng tôi nhỏ tí thì kem một hào hai chiếc. Bài hát “Anh em trong đoàn quân du kích” được trẻ em xuyên tạc thành:

Ai kem! Ai kem!

Kem một hào hai chiếc

Một chiếc năm xu

Này chú bán kem

Có rao thì rao cho khéo

Đừng làm nheo nhéo

Công an họ bắt lên đồn

Kem đây! Kem đây!...

Thỉnh thoảng lại rủ nhau đi xem phim ở rạp Công Nhân trên phố Tràng Tiền hay Rạp Tháng Tám trên đường Hàng Bài. Ngày ấy chủ yếu chiếu phim Nga. Tôi nhớ bộ phim Kỳ nghỉ hè cuối cùng có bài hát giai điệu rất hay. Nhân vật chính nữ trong phim là Anna có kiểu tóc buộc túm hai bên trông rất dễ thương, được các bạn gái khi đó hay bắt chước. Rồi bộ phim Vĩnh biệt chim câu, Cánh buồm đỏ thắm… làm các cô bé con là chúng tôi ngày ấy thấy xao xuyến trong lòng…

Rồi cuối mỗi năm học, mỗi bạn lại có một cuốn Sổ lưu niệm bên trong có vẽ hoa và những dòng chữ kỉ niệm (bây giờ gọi là lưu bút) của từng bạn trong lớp. Cũng rất tiếc là những cuốn sổ đó không còn giữ được.

Rồi năm học lớp 9 (năm 1972) có đợt tuyển quân, tất cả chúng tôi đều viết đơn xin nhập ngũ. Tôi nhớ trong đơn còn có câu “Tôi năm nay đã hơn 16 tuổi, rất mong được tham gia nhập ngũ hay thanh niên xung phong…” với những mơ mộng mang giá vẽ, màu nước, chì… đi vào rừng để vẽ phong cảnh, rồi sẽ gội đầu bên bờ suối, câu cá, bắt bướm để ép vào sổ tay… Nhưng những lá đơn của chúng tôi khi đó đều đã không được chấp nhận. Năm lớp 10 có một đợt nhập ngũ, có mấy bạn trai trong lớp được đi bộ đội, trong số đó có LN là bạn thân của Cà rốt. Cả lớp đi tiễn đến tận nơi đóng quân ở bên Gia Lâm. Cà rốt mượn được chiếc xe đạp Thống nhất nam của chú bạn ấy đèo tôi ngồi đằng trước trên thanh chắn và Bắp cải ngồi đằng sau sang tận chỗ đóng quân thăm các bạn. Đi qua đoạn đường đê gồ ghề, khấp khểnh mà tôi với Bắp cải đứa đằng trước, đứa đằng sau cứ đùa nghịch, trêu chọc nhau làm Cà rốt phải bảo: “Các cậu ngồi im nào cho tớ còn đi với chứ!”.

Rồi chia tay năm lớp 10 (1972-1973) với bao lưu luyến. Lễ bế giảng cuối năm đã diễn ra rất xúc động. Tiếng trống trường được đánh hồi dài, rồi từng nhịp chậm rãi, từ âm thanh to, vang đến nhỏ dần, nhỏ dần rồi dừng hẳn trong tiếng đọc bài diễn văn ra trường trầm ấm, đầy tình cảm của một thầy giáo. Chúng tôi, các học sinh khối 10 ngồi theo lớp ở sân Trường, mỗi lớp xếp hàng đôi. Nhiều bạn đã khóc khi nghĩ đây là hồi trống cuối cùng của đời học sinh. Tôi cũng thấy lòng mình khi đó da diết, khó tả lắm. Nhưng rồi chúng tôi lại tiếp tục được học tập ở những môi trường khác, rồi lớn lên, trưởng thành… Bốn bạn rau củ mùa Đông ngày nào giờ vẫn thân thiết, chia sẻ với nhau bao kỉ niệm buồn vui của cuộc đời.

Thời gian trôi đi, các bạn học cùng trường, cùng khóa gần đây lại hay tụ họp với nhau. Trường Hoàn Kiếm có sáng kiến là họp mặt cả khóa chứ không riêng từng lớp để các bạn được gặp nhau nhiều hơn. Năm nay, tôi nhận được giấy mời họp lớp (thực tế là họp trường) thật tình cảm.

THƯ MỜI HỌP LỚP

Hà Nội, ngày 5 tháng 8 năm 2008

Thân gửi các bạn!

Tháng 8 mùa Thu… ánh nắng vàng nhạt lấp lánh trên những tán cây hai bên đường, trải dài bên bậu cửa sổ. Những cây Phượng xanh rờn không còn hoa đỏ rực rỡ của mùa Hè. Trong tán cây lấp ló các quả phượng cong cong làm ta nhớ tới thời thơ ấu dùng làm đao kiếm đánh trận giả. Xa xa, từng chùm quả dâu da xoan trĩu cành màu tím sậm báo hiệu đã qua mùa Xuân đâm hoa kết quả, trải qua mùa Hè đầy mưa và nắng gió, và giờ đây mùa Thu đã về với màu tím đỏ… Trong không gian vắng đi tiếng ve kêu râm ran làm ta chợt nhớ tới cách đây 35 năm, vào tuổi 18 chúng ta chia tay với tiếng trống trường, tạm biệt mùa thi cử bước vào các ngả của cuộc đời. Với 35 năm tranh đấu trong cuộc sống với bao được mất, thành bại, hạnh phúc, vui buồn… và đã đến lúc chúng ta bước vào mùa Thu của cuộc đời.

Trong thời khắc 35 mùa Thu chia tay nhau, giờ đây tất cả chúng ta đã ở tuổi ngũ thập niên chi mệnh, ở cái tuổi mà ta phải hiểu mình với đời, hiểu trời đất đã ghép mình hòa nhập với thiên nhiên. Trong không gian này chúng ta hãy gặp nhau ngẫm nghĩ các ý nghĩa của cuộc đời.

Sắc đẹp rồi sẽ tàn

Tiền bạc rồi sẽ hết

Địa vị rồi sẽ tan

Chỉ còn tình bạn sống mãi với thời gian!

Để kỷ niệm 35 năm chia tay tuổi học trò, Ban Tổ chức chúng tôi trân trọng mời các bạn lớp 8C-9C-10B và các bạn cùng niên khóa 1970-1973 Trường Phổ thông Công nghiệp Hoàn Kiếm tới dự buổi họp mặt tại nhà hàng City view, tầng 6 số 1-3-7 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội vào hồi 18 giờ ngày 8 tháng 8 năm 2008.

Rất mong sự có mặt của bạn sẽ đem lại thành công của buổi họp.

Ban Tổ chức

Nguyễn Việt Hà

Buổi gặp mặt đó có hơn 60 bạn về dự. Nhìn nhau thấy màu thời gian đã hiện lên trên từng khuôn mặt, mái tóc thân thương. Thế nhưng, có hề gì, thời gian và tuổi tác không thể làm phai mờ tình bạn của chúng ta. Tất cả chúng ta đều là bạn học một thời rất trong sáng với bao kỉ niệm tuổi học trò.

Các bạn hẹn nhau lần họp mặt tới sẽ vào ngày 10/10/2010, ngày kỉ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội cho dễ nhớ mốc thời gian.

24 nhận xét:

  1. @suhao: vậy là bạn cùng học với chúng tôi rồi. Tôi với Bùi Thắng cùng học cấp III ở Trường PTCN Hà nội (hay Hoàn Kiếm?) ngày đó.
    Rất hân hạnh.

    Trả lờiXóa
  2. Bài hát xuyên tạc thời trẻ con - tạm gọi là "những bài hát đi cùng năm tháng".
    Khảo dị:
    ...Này chú bán kem,
    có rao thì rao cho khéo.
    Đừng rao bố láo,
    điếc tai hành khách trên tàu(điện).
    Bài khác 2:
    Trời trong xanh.
    Thằng cu Tý đâu rồi.
    Dạ con đây.
    Mua cho bố chai rượu.
    Rồi...
    Bài 3:
    Giải phóng Điện biên,
    bộ đội ta bắt cua về xào,
    Xu hào cùng bắp cải,
    trời ơi mới ngon làm sao.
    Bộ đội ta ăn chán ăn chê,
    còn thừa đút túi đem về biếu Ban chỉ huy.
    Bài 4 - hồi Chín năm:
    Này bà Lý toét ơi,
    con tôi lấy con bà,
    hai đứa nó cùng yêu nhau,
    sắm cho nó một cái giường.
    (loại chủ đề không có trang cuối cùng).
    HCQuang

    Trả lờiXóa
  3. Trường cấp III Hà nội (trường sáng) thực ra tên đầy đủ là: Trường cấp III Phổ thông công nghiệp HN. Đây cũng là nơi mà gần 20 lính Trỗi (các khóa) học sau khi giải tán trường Trỗi.

    Trả lờiXóa
  4. Nói đến kem, ngày trước ở phố Huế, gần ngã tư cắt phố Nguyên Du có 1 hiệu kem (tôi quên tên hiệu rồi). Ngày đó, thỉnh thoảng mấy chị em tôi lại được Ba Mẹ dắt bộ từ nhà ra đấy ăn kem cốc sau bữa tối. Chẳng bao giờ có lại được cảm giác kem ngon như ngày đó!

    Trả lờiXóa
  5. Truong Anbe Xaro thoi Phap co hai truong: truong Nam va truong Nu. Hai truong do mot o tru so Bo Tu phap va mot o khu co quan Dang (10 Nguyen Canh Chan), kien truc cua chung vi the ma giong nhau.
    Sau 1954 vi so hoc sinh "Tay" it di nhieu va ta can dung hai khu kien truc do nen doi truong Anbe Xaro xuong HaiBaTrung nhu da neu.
    Vi Anbe Xaro o gan truong Buoi nen moi co chuyen 2 truong kich dich va hay danh nhau.
    Toi nghe nguoi ta noi vay.

    Trả lờiXóa
  6. Ơ! Hôm nay đại TQ lại mất "giọng" thế này

    Trả lờiXóa
  7. TQ hôm nay mất giọng bởi vì ở Quảng Trị người ta có thói quen nói mất dấu. Vnq thông cảm nhé.

    Thế nào, tối nay mấy anh em mình lại hội ngộ " Vườn Treo " chứ? L.T gọi điện cho anh là sẽ có mặt đúng giờ và sẽ đảm bảo chủ trì lẫn chủ chi thay cho T.Q. Đề nghị mọi người có mặt đầy đủ.

    Trả lờiXóa
  8. @anh PH: OK! Nhất trí, nếu có LT càng vui.

    Trả lờiXóa
  9. @To VNQ : bác Phú Hòa "cứ hẹn" nhưng bác không "đến nhé, để vinhnq buồn như anh chàng làm ....thơ....lơ ...MƠ.

    Trả lờiXóa
  10. Có LT tới Vườn Treo nữa à? anh PH cho em theo nhậu với.

    Trả lờiXóa
  11. A ha, hoá ra cũng có người học Phổ thông công nghiệp Hà Nội cùng mình và Phan xi, cơ à.
    Sau Trỗi, bọn mình học lớp 9 và 10 ở đó. Mình 10C, còn Phan 10A. Phan học giỏi cực, toàn là học sinh A1. Không biết hồi đó Phan có làm cán bộ không, còn mình là Bí thư chi đoàn lớp, lớp trưởng (oai như cóc). Hè năm 1972, khi đang họp chi đoàn ở trường thì, cả hội bị bắt đi chụp ảnh để đưa lên báo về 1 trong 4 trường phổ thông điển hình vừa học, vừa làm. Mình nhớ là số báo đầu năm học 1972 của Báo Nhân dân có ảnh tụi mình đứng máy tiện trên trang 1. Nhưng sướng nhất là nhà ngay cạnh trường, nghe tiếng trống "tùng tùng" mới chạy qua.
    Làm cùng Bùi Thắng mà chẳng thấy nhắc gì đến chuyện học ở đó cả.

    Trả lờiXóa
  12. Học PTCN Hà nội K8: có Bùi Thắng, tt_ngày xưa, Vinhnq, Liêm mèo, Trọng Bảo, Đoàn Hải....và còn một số K6 nữa.

    Trả lờiXóa
  13. Trường Trần Phú thành lập năm 1971 để giải quyết nạn "nhân mãn" của học sinh cấp III khu Hoàn kiếm lúc đó. Khối lớp 8 là tuyển mới vào, còn lớp 9 và lớp 10 do các trường khác của khu Hoàn Kiếm "đóng góp". Lớp tôi là một trong 2 lớp 10 của Hà nội A (một lớp tiếng Nga một lớp tiếng Trung)phải qua Trần Phú. Cũng vì thế mà tôi được dự khai giảng 2 lần năm cuối cấp, nhưng khóa 71-72 thì chẳng có ai được dự lễ bế giảng chính thức cả. Hồi đó tôi muốn xin ở lại Hà nội A vì đám bạn bè thân thiết đều ở đó cả nhưng không được chấp nhận vì cô hiệu trưởng đầu tiên của Trần Phú vốn là hiệu trưởng của Hà nội A2 (phân hiệu 2 của Hà nội A thời sơ tán)nơi tôi học lớp 8, cô biết bọn chúng tôi. Đến bây giờ bọn lớp tôi vẫn coi mình là dân Hà nội A hơn là Trần Phú (mặc dù chúng tôi là khóa 1 TP). Khóa chúng tôi ở Hà nội A cũng có truyền thống là hội khóa chứ không hội lớp. Năm ngoái hội khóa 35 năm cũng hoành tráng lắm. Trường TP lúc đầu học tạm ở 80 Bông Nhuộm, còn sau đó chuyển về Hai Bà Trưng thì tôi không biết là nhập với trường nào trong hai trường học ở đó.

    @suhào: xin lỗi là chưa hỏi ý kiến đã đăng "Hà nội ngày xưa" nhé. Tuy nhiên mình rất mừng là nhờ có nó mà cậu xuất đầu lộ diện đấy. Cậu cho mình và mọi người xem phong lan của cậu đi.
    EGK9

    Trả lờiXóa
  14. Về phong lan, thế này AK7&HB lại "trúng mánh" rồi!

    Trả lờiXóa
  15. A ha!LT chui ra khỏi đống rơm ah!

    Trả lờiXóa
  16. Quên,Vnq nhớ post hình...lên cho phía Nam đc piết nha.Trong này họ cứ théc méc miết,mà tui đây hổng dám khai...!

    Trả lờiXóa
  17. @AK7: Đề nghị AK7 đọc kỹ lại comments của LT gửi cho Vinhnq. Không khéo hiểu lầm thì chết. Ko có chuyện đó đâu.
    @To VNQ : bác Phú Hòa "cứ hẹn" nhưng bác không "đến nhé, để vinhnq buồn như anh chàng làm ....thơ....lơ ...MƠ.

    Trả lờiXóa
  18. Học PTCN Hà nội / Hoàn kiếm (trường chiều?), K6 có Võ Hùng, Ngô Sơn và hình như cả Triều ngỗng, Bình tũn nữa thì phải. Hồi L10 tụi tôi học PH 3 HNA, k6 có Hameo, Tô Thắng, Hoàn bệu, Mai Sơn, Trung ky 10A, 10C có Bình chóp, 10G có Hồng lồi, còn Nhân chột (hình như) 9A thì phải. Còn 1 mớ ở trường B nữa.

    HMK6

    Trả lờiXóa
  19. To vinhnq : Anh thành thật xin lỗi em là do có việc đột suất nên phải thất hẹn. Tuần sau thì anh ở SG rồi. Đành phải hẹn mọi người vào thứ sáu 7.11 vậy.

    Trả lờiXóa
  20. Bạn nhớ nhiều kỉ niệm quá!Làm chúng tôi gợi nhớ lại những năm tháng ở HN thưở học sinh nghịch ngợm.1972 chúng tôi đã xa HN rồi.Cám ơn bạn rất nhiều.

    Trả lờiXóa
  21. Nhại thơ Nguyễn Bính tặng bác Phú Hòa và Vinhnq:
    "bác" hái mơ ơi !
    Chẳng trả lời nhau lấy một lời.
    Cứ lặng rồi "uống", rồi "truy hỏi".
    "Vườn treo rộn rã" lá "mơ" rơi.

    Trả lờiXóa
  22. @LT: Ối giời, làm sao mà "bắn" 3 phát liền thế?

    Trả lờiXóa
  23. To L.T : Chắc comment này được L.T viết trong lúc đã lờ tờ mờ nên mới 1,2,3 zdô như Liên Thanh phải không?
    Đọc thơ Nguyễn Bính thì tớ còn hiểu được cái thâm thúy của nó chứ đọc thơ của L.T thì tớ chẳng hiểu cái mù tịt gì. Người đã ẩn dật thì ý nghĩa của thơ cũng ẩn dật luôn.

    Trả lờiXóa