Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Tư, 23 tháng 4, 2008

NHỚ BẠN

Khi đọc xong bài viết của HMK6 "Tôi viết cho Blogs …", thì nhận được điện thoại của bà con Hải Lệ (nơi mà chúng tôi đi tìm hài cốt bạn) hỏi thăm. Những trăn trở lại kéo về, đọc bài của HMK6 thấy cũng có lý. Bài viết dù hay dở thế nào thì cũng là một cách giải tỏa cho chính mình. Trong bài viết này, mọi điều tôi đều tưởng tượng ra cũng là một cách nhớ về những người bạn đã khuất của mình. Và trên hết, bài viết này như là một nén nhang để tưởng nhớ đến những liệt sĩ của chúng ta nhân ngày 30/4 sắp đến.

Dưới cái nắng chói chang của trời Hà nội, không một chút gió, hai hàng cây ủ rũ soi bóng xuống đường. Người và vật hình như ko chịu nổi cái nắng hanh khô của những tháng hè oi ả, rủ nhau biến đâu mất. Chỉ riêng có một chàng trai khoảng 17 tuổi, đang hăm hở đạp xe trên đường với chiếc áo xanh màu lính vải Tô Châu, ướt đẫm sau lưng. Chàng trai với mái tóc xoăn lòa xòa trước trán, cặp mắt sáng với làn da ngăm ngăm, anh mang một vẻ đẹp khỏe mạnh mà chỉ có ở độ tuổi 17 - 18 mới có. Dường như những ngày tháng vất vả, khổ luyện trên thao trường không gột hết được nét phong trần, lãng tử của anh, chàng trai Hà nội! Xe quẹo vào một khu tập thể, đến một căn nhà trệt anh ngập ngừng gõ cửa. Cửa hé mở, một cô gái dáng thanh mảnh, ăn mạc giản dị với chiếc áo cổ lá sen hiện ra. Nét mừng vui hiện rõ lên khuôn mặt của người con gái: Trời! Anh về lúc nào? sao không thư báo cho em biết? Vào nhà đi anh!
Với dáng vẻ ngượng nghịu: Anh cũng mới về, ghé nhà thăm Ba, Má rồi tranh thủ xuống em.
Cô gái trông như một nụ đào hé nở. Dù ăn mặc kiểu của các thiếu nữ thời chiến nhưng ở cô vẫn toát lên một vẻ đẹp xuân thì. Đôi mắt thì thật lạ, lòng đen choán gần hết, sâu thẳm và đôi mắt ấy cứ như muốn nuốt hết những ai muốn soi mình vào đó. Hết cuộn bím tóc vào ngón tay dài rồi lại thả ra, đôi mắt ngước lên hỏi: Anh về có lâu không?
Những câu hỏi và câu trả lời dường như ko ăn nhập gì với nhau làm tăng lên sự lúng túng giữa hai người. Chàng trai quan tâm: Em và gia đình có khỏe không? Mà hình như sắp thi tốt nghiệp rồi phải không? Rồi hình như chợt nhớ đến câu hỏi, thoáng ngập ngừng chàng trai trả lời: Sáng mai anh phải lên đơn vị sớm rồi! sắp tới chắc bọn anh phải đi xa lắm!
- Sao đi sớm thế anh?
- Ừ! Đơn vị chỉ cho có vậy, kỉ luật quân đội nghiêm lắm! mà thôi, giờ anh phải ghé thăm nhà mấy đứa bạn cùng đơn vị, đưa thư dùm chúng nó. Tối anh đợi em ở đầu phố nhé!
- Một lúc lâu, giọng người con gái nghẹn lại, lí nhí: Dạ ! anh đi.
Ánh trăng bàng bạc soi qua những kẽ lá của tán cây cổ thụ, trải đều trên lối đi. Hai con người chậm rãi bước bên nhau. Không gian thinh lặng, họ đi bên nhau không ai nói với nhau một câu nào. Chỉ lâu lâu nghe tiếng thở dài như bị dồn nén lại của người con gái. Chàng trai dường như cảm thấy sức nặng của người con gái càng lúc càng dồn qua mình. Đến một gốc cây sà cừ cổ thụ, họ dừng lại vì sự chia li không làm họ bước thêm được nữa. Giọng cô gái thảng thốt :

Anh! mai đi rồi, anh không nói gì với em sao?
Không khí như bị dồn nén lại, không kìm được lòng mình, hai bóng người đổ sập vào nhau. Những cánh tay riết róng, cuộn chặt bờ vai như không thể có gì chia lìa họ ra được nữa, đôi môi run rẩy, ngập ngừng rồi cuốn xiết lấy nhau trong một cái hôn dài đến nghẹt thở. Trái đất như ngừng quay, thân thể người thiếu nữ áp sát làm chàng trai rạo rực, hai chân tựa hồ không đứng vững. Bàn tay chàng trai run rẩy, lần mở nút áo nơi ngực cô gái. Nỗi e sợ làm bản năng cô gái thức dậy, giữ chặt bàn tay chàng trai. Cô gái thổn thức trong nước mắt: Đừng …đừng anh !
Bàn tay của chàng trai đang hăm hở chợt dừng lại : Anh xin lỗi, hãy tha thứ cho anh !
Lúc này,trong không gian thinh lặng chợt ùa lên bản nhạc giao hưởng của mọi loài côn trùng như ngợi ca một tình yêu bất diệt của đôi trai gái. Đốm lửa đỏ lập lòe nơi điếu thuốc, soi rõ nét cương nghị của chàng trai và đầu cô gái đang ngả hẳn vào ngực chàng trai. Thì thầm, cô gái nói trong tiếng nghẹn ngào:

Anh đi nhớ giữ gìn sức khỏe. Nhất định em sẽ đợi cho tới lúc anh về. Lúc đó, em sẽ là của anh mãi mãi !
Đoàn quân đi hối hả, họ hành quân giữa làng quê, các dốc núi và các dòng sông chảy xiết. Đêm đi, ngày nghỉ, bước thấp bước cao trong rừng. Máu chân tụ lại, da phồng dộp, vừa hành tiến vừa chiến đấu; vừa phải tránh những đợt rải thảm của B52. Những chàng trai Hà nội nghiến răng lại mà hành quân cùng đồng đội. Chiến tranh đã làm họ cứng cáp hẳn lên.

Tới nơi tập kết, có lệnh nghỉ. Khi đào hầm xong, ai cũng rã rời, miệng đắng ngắt. Chiến dịch lớn đã bắt đầu mở màn, cuốn tất cả vào một cơn lốc xoáy chưa từng thấy. Pháo binh khai hỏa, pháo hạm đáp trả, hai làn hỏa lực đủ các cỡ súng cùng một lúc rền vang, không gian như vỡ òa ra và mặt đất thì rùng rùng chuyển động. Trong chớp lửa loang loáng và ngùn ngụt khói,chàng trai với nét mặt rắn rỏi, cằm bạnh ra, hàm răng nghiến chặt anh rê khẩu AK47 bắn từng nhịp, từng nhịp ngăn không cho địch nống ra chiếm chốt. Cách đấy không xa, người bạn anh trong tiểu đội hỏa lực dùng 12ly7 gim không cho địch ngóc đầu lên được. Ngày nối ngày, quả đồi các anh chốt thành ra nham nhở, không còn một ngọn cỏ một cái cây. Nó như một vùng đất chết, ở đâu đó tử thần cầm lưỡi hái lượn quanh. Mỗi ngày con số thương vong và hy sinh tăng đến chóng mặt. Hầu hết các cán bộ đại đội, trung đội, tiểu đội đều đã hy sinh. Các chàng trai Hà nội cũng vậy, lần lượt ra đi không một lời trăn trối. “Xoẹt…viu…oành ! oành…oành…oành…” tiếng pháo hạm, tiếng đại bác 155ly vang lên muốn thủng lỗ nhĩ. Tiếng mảnh đạn rít lên đến lạnh gáy. Anh ra đi trong một lần bị dính miểng vào đầu như thế. Người bạn còn lại ôm anh trên tay như muốn ru anh ngủ. Máu chan hòa trên mặt, tràn cả xuống ngực, thều thào anh trăng trối: “ Nếu còn sống…khi về Hà nội …mày đưa dùm …” Tất cả còn lại là một chứng minh quân nhân và tấm hình người con gái tóc dài thắt bím đuôi sam…
Một cuộc chiến dù có lâu dài đến đâu cũng phải có ngày kết thúc. Nhưng chiến tranh dù có qua đi, nó vẫn kịp để lại biết bao những hệ lụy đến từng mỗi con người, mỗi số phận. Biết bao ông bố, bà mẹ trước khi nhắm mắt vẫn mòn mỏi đợi con về, dù vẫn biết hình hài con mình chỉ là bộ hài cốt nhỏ. Biết bao cô gái tuổi thanh xuân đẹp thì con gái, những người vợ hừng hực ngọn lửa sống. Đến bây giờ làn da đã xạm màu thời gian, đôi bầu vú đã héo khô, đôi mắt đã dần tắt đi ngọn lửa của hy vọng, vẫn ngóng trông người yêu về. Còn những người đã may mắn đi qua cuộc chiến, những ác mộng vẫn còn đó mỗi khi hồi ức kéo về…!
Mảnh đất trước đây là trận địa, là nơi anh nằm xuống, giờ là mảnh đất của sự bình yên. Cỏ cây, hoa lá đã trỗi dậy, mang theo mầm xanh của tình yêu và sự sống mãnh liệt. Bầu trời trong xanh nắng vàng tỏa khắp. Con chim Chiền chiện bay vút lên trời xanh, đến khi chỉ là một đốm nhỏ nó mới thả mình rơi xuống và giọng hót trong trẻo cất lên vang khắp cả một vùng không gian. Phải chăng đó chính là tiếng hát của hàng ngàn, hàng vạn những linh hồn đã mất mà cho tới nay chúng ta vẫn chưa đem về được.

Thành phố HCM 4-2008

16 nhận xét:

  1. Trong số những người bạn cùng học ở Đức với tôi có 1 bạn nữ cũng đã lớn tuổi (hơn 50) mà vẫn chưa lập gia đình, tụi tôi vẫn có ý thầm chê "khả năng yếu kém". Nhưng có 1 lần (khoảng năm 2000 - 01) bạn tiết lộ trước kia có quen (theo tôi hiểu thì cao hơn mức quen) 1 lính Trỗi mà nhất định tôi biết (?). Sau 1 hồi quanh co, bạn đưa tôi xem tấm hình "người ấy". Thật bất ngờ, đó là LS Tiến Quân K6. Ko biết có phải vì vậy mà bạn rất hay "khai thác" tôi các chuyện trường Trỗi và tới nay vẫn chưa lập gia đình. Tôi có nói chuyện này với Quang Việt và Việt nói hồi đó có nghe nói.

    HMK6

    Trả lờiXóa
  2. Bạn đồng ngũ với tôi có một cô em gái tính “lẳng”, nó yêu một thằng cùng đơn vị (f324)ai cũng biết. Năm 1975 một bạn ôn thi đại học với tôi (f10) tâm sự : có một mối tình sét đánh với một cô gái , suốt ba năm chiến trường luôn có tin về em thế mà hoà bình tìm mấy tháng nay chưa gặp. Hỏi kỹ thì chính là cô em gái bạn mình.
    Về Hà Nội tôi truy , cô bé thừa nhận là đã “diễn” như là người yêu của anh ấy làm gia đình..
    Tôi nể cô bé
    KV.K7

    Trả lờiXóa
  3. Vũ Anh viết rất hay về bạn mình.Không ngờ bạn có giọng văn hay thế?Hồi còn đi học,đi lính viết thư tán gái có đc thế không?Phát huy nhé!

    Trả lờiXóa
  4. Cảm ơn tác giả cho tôi nhớ lại một thời đúng như bạn đã viết. Chỉ có điều tôi không dám mở bất cứ một cái cúc nào trên áo bạn gái mình mặc dù tôi biết bạn gái tôi sẽ rất giận về cái tính "thỏ đế" của tôi.
    KV còn nhớ hồi ĐHKTQS không? tôi kể lại một chuyện của thằng bạn tôi thế này để các bác xem có đáng "xấu hổ" không?
    Sau ngày nghỉ được về HN, sáng hôm sau lên lớp thằng bạn ngồi cạnh nó chìa mu bàn tay của nó sang phía tôi rồi hỏi: Ông có nhận xét gì không? - Tôi rất ghét bói toán vớ vẩn, tôi trả lời hắn. Không! không phải thế, ông có thấy tay tôi có gì lạ không? Nhìn kỹ lại tôi cũng thấy chẳng có gì lạ chỉ thấy có nhiều vết như bị ai đó có móng tay sắc cấu vào- Ông tinh đời đấy, hắn khen tôi. Tàu ngược HN - VY tối chủ nhật quá đông, đủ mọi thành phần chen chúc học sinh, sinh viên trí thức, lính tráng, buôn bán ... thôi thì đủ cả mà toa lại chẳng đèn đóm gì, tối thui. Tôi nghe thằng bạn phổ biến kinh nghiệm: Trong cái mớ hỗn tạp toàn chân với cẳng như thế để phân biệt giới trí thức học sinh sinh viên với bà con lao động thì ông phải kiểm tra, ông cứ sờ thấy chân em nào đi giép, hoặc guốc, sang hơn thì đi giầy thì đích thị đấy là thành phần trí thức, mà đã là cái anh trí thức thì sỹ diện và văn hóa họ cao cho nên chị em có bị "đùa" hơi quá một tí thì họ chỉ cắn răng chịu đựng chứ không la toáng lên như mấy mẹ buôn. Đấy ông xem thế này đây nát hết cả tay rồi còn gì, thà cứ công nông họ la toáng lên thì hỏng chỗ này mình chuồn chỗ khác chứ trí thức kiểu này thì lần sau tôi cạch đến già, ông nhớ lấy kinh nghiệm này của tôi đừng phạm phải nhé.

    Trả lờiXóa
  5. Cảm ơn Vũ Anh!
    Nhớ lại xuất xứ bài "Cái tát" trong SRTKL tập 2: Khi nhậu với nhau, Vũ Anh kể lại kỷ niệm sâu sắc ở Thạch Thất rồi nói: "Tứ câu chuyện thì có nhưng em không thể viết được". Khi nháp bài ấy rồi fax (hồi đó Vũ Anh không biết email là gì!), chú em góp ý, tôi sửa lại rồi cho in.
    Nay nhờ có blog mà tay nghề Vũ Anh nâng dần. Nay hắn có bài viết "được của nó"!
    Đạt "bột" cũng là tay viết lên chân như thế! Cảm ơn các bạn!

    Trả lờiXóa
  6. Dựa vào 2 kỷ vật gởi lại của YHòa, V.A đã viết câu chuyện này thật khéo và hay. Ước gì cô gái ấy đọc được blog của tụi mình!
    Cám ơn bạn.

    Trả lờiXóa
  7. @Nặc danh:Kinh nghiệm đi tàu HN-VY khi đó chưa đủ.Bác thử tưởng tượng xem nhỡ thầy mình "đi lộn giầy "thì tay bác không chỉ bị xước nhẹ nhàng thế đâu
    KV.K7

    Trả lờiXóa
  8. Hồi này các bạn viết bài lên tay quá làm mình choáng không viết được nữa

    Trả lờiXóa
  9. Bác gì ở "Ban cơ yếu chính phủ" ơi! Các bác xài mật mã quen rồi thương chúng em khi đọc bài này một chút nhé!
    TM

    Trả lờiXóa
  10. BuiThangk8:
    VAnh viết hay, hơi bất ngờ đấy! Bài này hay tương đương 2 bài của Thái (k8). Bài này ấn tượng ở chỗ, nếu đúng như DNghia nhận xét, thì mình phục luôn. VHang chóang là phải. Đạt ở gần mà cũng không ngờ! Anh viết thêm một vài bài nữa để khẳng định tay bút đi, a. KQ cho vào ban biên tập SRTKL 3 đấy!!!
    Hẹn gặp lại, HN, SG!

    Trả lờiXóa
  11. @ bác TM: Chưa hiểu ý bác nói gì? Bài này do AK7 post trực tiếp và đọc vẫn bình thường như các bài khác đấy chứ. Bản thân em đây, mắt cũng kém lắm rồi mà thấy vẫn đọc được.

    Trả lờiXóa
  12. -@ Vinh ng: Bài "nhớ bạn" này hôm đầu cũng bị thế này, Sau đó "chữa lại"tôi mới đọc được, giờ lại bị như cũ. Tại sao nhỉ ?
    Ví dụ" Đụi mắt thậtlạ,lũng đen choỏn gần hết,sõi thẳm...những ai muốn soi mỡnh vào đú..."
    TM

    Trả lờiXóa
  13. -@ Vinh: Bài "người dại" cũng đang bị tương tự. Có lẽ ông bạn mình xài phông chữ gì đó ...
    TM

    Trả lờiXóa
  14. @aTM:Lạ nhỉ,xài phông chữ Unicode - VN1 mà.Khi copy bài từ M.W sang Ut,có kiểm tra lại ko thấy vấn đề gì cả,rồi mới đăng đấy chứ!

    Trả lờiXóa
  15. @AK7: Phone cho bác TM rồi, về nhà thì PC ở nhà xem bình thường. PC ở Cơ quan bác ấy chắc dùng font chữ hệ thống là font của VNI nên bị kiểu đó .

    Trả lờiXóa
  16. Cái này chắc vì chưa hỏi con mình rồi .

    HMK6

    Trả lờiXóa