Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Tư, 30 tháng 1, 2008

Hình như chuyện có thật?

Bạn tôi có cô con gái rất yêu bố, thường tham gia sinh họat với các chú, các bác. Cháu có kể tôi chuyện thế này:

1. Một lần đang ngồi ăn cơm trưa ở nhà thì mẹ gọi về: “Con đang ăn cơm với ai đấy?”. “Dạ, với bố ạ”. “Đưa máy cho mẹ nói chuyện với bố!”. “Dạ… dạ… bố đi… đi... u…uố… À, bố ra ngòai 1 lát và dặn con…”. “Con không được nói như vậy!”.

2. Hôm sau, mẹ cháu gọi về: “Thế ai đưa con đi học?”. “Bố ạ”. “Đi thế nào? Mấy giờ?”. Sau 1 hồi tra hỏi thì biết cháu tự đi bộ đi học còn bố bận việc riêng. Mẹ liền dặn: "Con nói với bố lần sau có việc bận thì báo mẹ để mẹ xin phép ông giám đốc bệnh viện cho nghỉ trưa về đưa con đi học!". Cháu rất yêu bố nên đời nào cháu dám nói với bố vậy. Chiều về mẹ hỏi: "Con kể cho bố thì bố có giận không?". "Dạ, không ạ!".

3. …

Thế mới biết con gái bạn tôi yêu bố biết nhường nào, thậm chí còn dám che dấu khuyết điểm cho bố.

Thứ Ba, 29 tháng 1, 2008

TIN BUỒN

Bác Ngô Duy Phúc là thân sinh của bạn Ngô Duy Bình B3 K8

Đã mất hồi 13h30 ngày 29/01/2008. Tại Hà nội

Xin chia buồn với bạn Ngô Duy Bình cùng gia đình.

Tang lễ của bác Ngô Duy Phúc

Được tổ chức tại Nhà tang lễ quân đội 5 Trần Thánh Tông, Hà nội
Thời gian viếng từ 11 đến 13h ngày thứ sáu 1/2/2008.
Mời các bạn K8 và các bạn ở Hà nội tập trung viếng lúc 11h30 cùng ngày.

Út Trỗi

TÔI ĐÃ TỪNG KHOÁC ÁO THỂ CÔNG

Cuối năm 1977 đội bóng đá tuyển thanh niên CHDC Đức sang thi đấu tại VN. Đội CAHN đá với đội bạn trận mở màn và thua 0-2. Sau đó Thể công đá trận cuối cùng với đội bạn. Trước đó lãnh đạo hai đội thống nhất tăng cường cho Thể công hai cầu thủ của CAHN là tôi và anh Từ Như Hiển. Trước trận đấu mấy ngày tôi và anh Hiển vào CLBQĐội để tập luyện và ăn ngủ cùng đội Thể Công. Hồi đó đội Thể Công đã rất chính qui và chuyên nghiệp tất cả mọi mặt từ tập luyện cho tới ăn ở được quân đội chăm lo rất chu đáo và bài bản. Tôi được vinh dự sang tăng cường cho Thể Công là do một phần trong trận trước đá với đội thanh niên CHDCĐỨC, từ khoảng 40m cách cầu môn đội bạn khi lên tấn công tôi đã sút một quả dội xà ngang cầu môn.

Sắp tới ngày thi đấu thì tôi và anh Hiển nhận lệnh của lãnh đạo đội Thể công đi thử quân phục đại lễ của QĐNDVN để gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuống thăm động viên và giao nhiệm vụ. Nhờ có việc đó mà tôi có một tấm ảnh mặc quân phục QĐNDVN chụp chung với anh Hiển tại sân cột cờ.

Kết quả trận đấu đội Thể Công thua 1-2 đội tuyển Thanh niên CHDC Đức (người sút vào lưới đội bạn chính là anh Từ Như Hiển ). Tôi được tham gia trận đấu 20 phút cuối, ở vị trí hậu vệ biên phải. Đó là kỷ niệm duy nhất mà tôi được thi đấu dưới mầu cờ sắc áo của Thể công.

Mỗi ngày một chuyện bổ ích và lí thú

Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba... học trò. Cháu Mý và Lúm xin góp chuyện:

1. "Phong Lâm Hỏa Sơn"
- Phong: Chép trộm bài phải nhanh như gío.
- Lâm: Khi thấy giám thị vào phải tĩnh lặng như rừng cây.
- Hỏa: Chối tội copy bài phải dữ dội như lửa.
- Sơn: Làm bài phải vững vàng như núi.
(Source: Nguyễn Hoàng Hiệp, lớp 4L, bạn học của Mý ở TpHCM).

2. "Lốp" là tiếng ta hay tiếng Tây?
Cao su được phát hiện vào thế kỷ 16 và được sử dụng rộng rãi từ năm 1939. Nhưng lốp xe lại được phát minh vào cuối thế kỷ 19.
Ngày đó, bánh xe đạp, xe ôtô... được làm bằng gỗ. Đi rất xóc. Một lần, Dunlop - 1 người Anh - vấp ngã khi dẫm phải ống nước làm bằng cao su. Ngay sau đó, Dunlop nảy ra ý nghĩ: Lấy ống nước thổi căng lên rồi cuộn tròn theo vành bánh xe. Đi thử thấy rất nhẹ nhàng. Vậy là Dunlop đăng kí bản quyền và được cấp bằng phát minh.
Từ khi có xe đạp, xe ôtô nhập vào nước ta thì dân ta gọi cái vỏ của bánh xe là "lốp" (phiên âm tiếng Anh ra Việt là "đăn lốp" và tiếng bồi là vậy!). (Riêng dân Sài Gòn gọi đó là "vỏ", còn xăm xe là "ruột"). Ở ta từ đầu thế kỷ 20 có lốp Micheline, nay thì đủ lọai.

Thứ Hai, 28 tháng 1, 2008

Nỗi buồn xem lẫn niềm vui

Trong cái rét, lâu lắm, mới có của miền Bắc, xen lẫn nỗi buồn là những niềm vui... Cuộc đời vẫn thế!!!

1. Nghe "tít", mở máy thì nhận thư chị Quyên - bà chị cả của trường. Gửi tin nhắn cho tôi nhưng cũng là tin vui cho cả trường: "Em có khỏe không? Anh chị vừa tổ chức đám cưới cho cháu Việt. Báo để em mừng! Chị Quyên."
Ngày 15/10/1964, anh Trỗi hy sinh. Tận 9 năm sau, khi ra học trường Bổ túc Công Nông (sơ tán ở Hưng Yên), chị tìm hiểu anh Tư Dũng và được cô chú Lê Toàn Thư thay mặt cha mẹ, tổ chức đám cưới ở Phan Đình Phùng, Hà Nội. Tới 1979, khi trở về Nam, chị mới sinh cháu Việt. (Tại sao tên Việt ư? Chúng tôi cứ đùa: vì nhớ anh Trỗi với câu nói: "Việt Nam muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm!" trước lúc anh hy sinh nên... Anh Dũng chỉ cười). Gia đình chị là địa chỉ thân thiết của anh em Trỗi. Thậm chí lần nào đến giỗ anh cũng gặp anh Sáu Phong).
Hôm cưới trong Tp, anh em Trỗi cũng đến dự, ngồi kín mấy mâm mừng cho anh chị và cháu, có cả cô Thục. Cháu Việt là cảnh sát hình sự. Năm 1987, khi chị sinh cháu gái đã đặt tên "Nga" để kỷ niệm Vietsovpetro hút đưọc thùng đầu tiên. Bà chị ta là thế!

2. Tin đã đưa không cần cải chính: Một lính Trỗi chính thức nhận quyết định phong hàm số 124/CTN, kí ngày 28/1/2008 về việc...
Khi nhận được tin qua điện thoại, tôi chỉ nói: "Lính ta là thế!".
Mời các bạn đón tin trên blog!

Tại sao tôi không vào đội bóng đá Thể công?

Cuối năm 1970, tôi đang học lớp 9 trường phổ thông công nghiệp Hoàn kiếm, HN. Thời gian này đội bóng đá Thể công và đội bóng đá CAHN đều đang tuyển lớp cầu thủ trẻ để đào tạo tìm kiếm nhân tài bổ xung cho đội hình chính. Hồi đó ở HN chỉ có hai đội bóng là Thể công và CAHN được tụi trẻ mê đá bóng yêu thích, trong đó có tôi (tuy vậy bọn tôi vẫn thích Thể công hơn, vì dù sao mình cũng ở lò quân đội ra, vả lại Thể công hay đươc đi tập huấn nước ngoài). Tôi xếp hàng vào sân Cột cờ đăng ký xin tuyển, hồi đó hai tuyển trạch viên là ông Văn sĩ Chi (bố cầu thủ Văn Sĩ Hùng) và anh Huế cựu cầu thủ Thể công, do rất đông các bạn trẻ yêu mến bóng đá xin vào tuyển nên mỗi người chỉ được tham gia thi đấu khoảng 15 phút, tôi được xếp tuyển cùng với số cầu thủ trẻ của đội thiếu niên HN, trong 15 phút tôi toàn chạy và không chạm được bóng lần nào vì không quen ai cả, chúng nó cùng tập với nhau nên không chuyền bóng cho tôi...thế là tôi bị loại.

Sau đó gặp Quang Bắc (ba đen) con bác Lê quang Đạo, tôi kể chuyện thi tuyển vào Thể công và bị loại, Quang Bắc tức bảo để tao đưa mày vào tuyển lại (vì trình độ đá bóng của tôi ông ấy biết khi cùng đá ở Trỗi). Thế là ông ấy đưa tôi đi lối cổng hậu (nhà bác Đạo và nhà bác Song Hào) vào sân cột cờ xin tuyển lại và trúng tuyển ngay. Sau đó bác Đạo biết chuyện tôi tuyển vào đá bóng đã gọi "phone" cho bố tôi hỏi đã cho tôi đi đá bóng phải không? Ông già tôi lúc đó mới biết ông con trai quí tử đã bỏ học đi đá bóng.

Tuy vậy sau đó do tuổi trẻ có tính tự ái cao, lại tuyển lần thứ hai do có con ông tướng đưa vào cổng hậu mới trúng tuyển, nên tôi sang tuyển CAHN và trúng tuyển ngay.

Sau này tôi nhớ mãi ông Tất Thắng đoàn trưởng đội Thể công hồi ấy nói tôi là thằng đào ngũ.

Còn bố tôi chỉ nói với tôi: Đã thích đá bóng thì phải đá cho giỏi! và tôi đã đá như thế nào thì anh em đã biết. Miễn bình luận.

TÔI TẬP ĐÁ BÓNG Ở TRƯỜNG TRỖI

Bóng đá, môn thể thao vua, được “lính Trỗi” ham thích cũng như khắp mọi nơi trên thế giới này. Tôi cũng không phải là trường hợp ngoại lệ, thấy bóng đá là thích như điên vì tôi cũng là “lính Trỗi” (xin lỗi các bạn Trỗi không thích đá bóng). Nhưng đáng tiếc tôi chỉ được bạn bè xếp vào hạng “hay đá hơn đá hay”.

Năm lớp 5, ở An-Mỹ, Đại –Từ, cứ vào giờ lao động – thể thao là tụi tôi được phân công thay phiên nhau đi giúp bếp, chăn bò, quét nhà, dọn vệ sinh, sửa chữa hàng rào quanh nhà… theo từng tiểu đội. Nhưng trong khi đó, các “tuyển thủ” bóng đá của trung đội thì lại ôm bóng đi luyện tập để chuẩn bị cho “Cúp Đại đội” sẽ được tổ chức vào một ngày mà chưa ai xác định được (thật xui xẻo cho tiểu đội nào có nhiều “tuyển thủ”). Ôi, thật là…vì cái khả năng chỉ “hay đá” của mình nên đành tiếp tục lao động để các bạn chuẩn bị bảo vệ “màu cờ, sắc áo” của trung đội.

Nhưng không phải mãi mãi như vậy, thầy Mãn phụ trách trung đội đã thấu hiểu và một ngày kia, thầy tổ chức tại trung đội 4 đội bóng đá thay nhau luyện tập và lao động. Các đội bóng đó (mỗi đội 9 người) là :

Đội A : Các “tuyển thủ” xuất sắc nhất của trung đội, do bạn Thọ “ghe” làm đội trưởng với các bạn như Hội “tè”, Chính :phổng”, Thắng “biêu” (gôn)…

Đội B : Là các cầu thủ dự bị của đội A và các “ứng viên” bị loại trong đợt tuyển chọn gồm các bạn như “Enner”, Công “xìn”, Thiệp “bệu”, Lê Tuấn… và hình như đội trưởng là Quân Chính (gôn).

Đội C : Gồm nhưng người được coi là biết đá bóng như H “cẩu”, Thanh Trung… do T “đùn” làm đội trưởng.

Đội D : Tất cả nhưng người còn lại thuộc diện “hay đá hơn đá hay” như K”dầm”, Tình “mốc”… và tôi, Hà “mèo” được vinh dự nhận chức đội trưởng có lẽ vì “hay đá” nhiều nhất và “đá hay” dở nhất.

Thế rồi bắt đầu từ lúc này, hàng ngày, cứ 2 đội bóng đi lao động thì 2 đội kia đi đá bóng. Thật là “công bằng”. Và cũng từ đây, các trận giao đấu thường xuyên được tổ chức giữa các đội A & B, B & C, C& D rồi A & C, B & D và một ngày kia là A & liên quân C – D. Aha! Một trận cầu nảy lửa mà phần vinh dự thuộc về chúng tôi, đội liên quân, vì chúng tôi đã chứng tỏ được mình không chỉ “hay đá” mà cũng có thể đá tuy không hay và đã ….thua đậm.

Chúng tôi đá bóng như vậy suốt thời gian lớp 5 cho tới khi đi Trung Quốc. Thỉnh thoảng thầy Mãn cũng tham gia đá bóng với chúng tôi. Tôi nhớ là thầy đã từng bắt gôn cho đội D trong vài trận rất vui vẻ đậm tình thầy trò. Thầy cũng đã chỉ cho chúng tôi biết thế nào là một sân bóng. Sân bóng của chúng tôi là một thửa ruộng chưa cày có kích thước (theo bây giờ tưởng tượng lại) khoảng 10m x 30m. Các đường bao quanh và phân chia được chúng tôi nắn nót “kẻ” bằng cuốc. Khung thành được cẩn thận lựa chọn trong số các cây củi “chiến” nhất lấy từ rừng An-Mỹ về và dựng lên ở 2 đầu sân “ trông cũng không khác gì các sân bóng quốc tế”.

Nhiều bạn sau này là tuyển thủ xuất sắc của trường cũng đã từng có mặt trong các đội bóng của B3C5 – K6 lúc bấy giờ như Hội “tè”, Quân Chính, Chính “phổng”… Và các bạn khác cũng trưởng thành lên từ các trận đấu bóng này mà cho tới nay, mỗi khi đá hay xem đá bóng chắc không thể quên được cái sân nhỏ với đội bóng của những kẻ “hay đá hơn đá hay”.

Riêng tôi, ở đây tôi đã học được những gì mà người cầu thủ cần có. Từ đội hình chiến thuật 3-2-3 cho tới lối đá đồng đội, từ cách đá “một kèm một” cho tới “bóng đi người ở lại”, từ các kỹ thuật “song phi” cho tới “búng tay”… đều đã được bắt đầu từ đây. Với những “kỹ thuật” mang đậm màu sắc Trỗi này tôi đã từng xuất sắc kèm chết cựu tuyển thủ Quốc gia Lê Thế Thọ (lúc bấy giờ đang là nghiên cứu sinh trường Đại học TDTT Leipzig) để trở thành cầu thủ cuối cùng (vì xếp sau tôi chỉ còn các bạn nữ) của đội Vô địch sinh viên Việt Nam tại CHDC Đức năm 1974. Thầy Mãn chắc sẽ tự hào với những “thành tích” của tôi.

HMK6

Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2008

Lại... tin buồn!

Sáng nay, Tăng Lực báo tin: Bác Tính, mẹ bạn Võ Minh Đạo k5 (bác sĩ Nội soi của Viện 354), từ trần.
Tang lễ tổ chức tại Nhà tang lễ quân đội 5 Trần Thánh Tông.
Thời gian: chiều thứ tư, 30/1/2008.
Mời các bạn k5 và anh em ở HN tập trung đến viếng lúc 14g cùng ngày!

Tang lễ của bác Nguyễn Tăng Ấm (thân phụ anh Tăng Cường k2, Tăng Lực k5, Tăng Tiến k8) tổ chức tại Nhà tang lễ quân đội 5 Trần Thánh Tông.
Thời gian: sáng thứ sáu, 1/2/2008, từ 8-11g.
Mời các bạn k5 và anh em ở HN tập trung đến viếng lúc 10g cùng ngày.

BLL k5 kính báo!

Thêm một ông Trỗi đá cho đội B.Đ.Công an HN

Chiều thứ bẩy, HN lạnh và rét, ông K Quốc hỏi chiều nay đội cựu cầu thủ CAHN có thi đấu với đội nào không? ( Cầu thủ KQ mới tham gia hội cựu cầu thủ CAHN ) tôi (chủ tịch hội) trả lời chiều nay thi đấu với đội Ngân Hàng Bắc-Á. 16h00 bóng lăn đội CAHN vừa đủ 11 người để thi đấu, đội bạn quá trẻ ( phần lớn dưới 30 tuổi ), may mà CAHN có Tuấn Thành và Quốc Khánh (mới nghỉ chuyên nghiệp) có trong đội hình thi đấu. Tuy vậy CAHN cũng đá vào lưới đội bạn được 2 bàn, nhưng đội bạn điên lên "gỡ mãi" mới được 5 bàn. Kết quả đội bạn thắng 5-2 ( đáng ra CAHN có thêm một bàn thắng nữa nếu cầu thủ KQ có một cơ hội ngon như "óc chó", nhưng đá ra ngoài )
Vậy là thêm một ông Trỗi nữa đá bóng cho CAHN (cho dù là đội lão tướng hết thời CAHN)

"MỐI TÌNH" KHOÁ 5 - KHOÁ 8

Có lẽ các bác, các thầy nghĩ các cháu khoá út nhỏ quá nên cần có sự giúp đỡ, chăm sóc phụ các thầy, cô ngoài giờ lên lớp? Nên mới nảy ra sáng kiến kết nghĩa giữa lớp lớn và lớp nhỏ. Ví dụ giữa khoá 5 và khoá 8 là một điển hình về sự hợp tác đó.

Từ lúc đặt chân lần đầu tiên lên Quế lâm(TQ). Chúng tôi đã nhận được sự đón tiếp của các thầy, cô và các anh lớp lớn, đặc biệt là các anh lớp 8 (k5). Không biết có phải được phân công từ trước (sau này được thông báo là khoá chúng tôi kết nghĩa với khoá 5) mà các anh chăm sóc chúng tôi rất kỹ? Còn nhớ mùa đông đầu tiên ở Quế lâm, khóa 8 chúng tôi lúc đó mới 11, 12 tuổi, khi vào trường được cấp nào chăn bông to, nào ga dải giường… như một người lính, ở độ tuổi như vậy vấn đề vệ sinh, giặt rũ thì là cả một vấn đề lớn. Nhưng nhờ có các anh K5 vấn đề giặt chăn, màn hồi đó đã được giải quyết tốt đẹp. Không ít những đứa trẻ như chúng tôi lần đầu xa nhà, mọi việc phải tự giải quyết, tự thân vận động nên chuyện ở bẩn thì khỏi phải nói. Cứ đến thứ 7, chủ nhật là các ông anh xuống lùa đi tắm và giặt rũ, khi di chuyển trường thì các anh đã tận tình giúp đỡ những việc nặng, rồi các anh chỉ bảo cho chúng tôi cách cư xử với dân địa phương khi chúng tôi ra ngoài. Tôi còn nhớ mỗi tối thứ 7 lại có một anh xuống cùng ngủ với chúng tôi. Trước khi ngủ anh lại kể một câu chuyện trinh thám,hoặc kiếm hiệp rất hấp dẫn với trí tưởng tượng của bọn trẻ con chúng tôi, đại loại như thám tử Kỳ Phong, Kỳ Hùng hay "Con quái vật ở Đồng tháp mười". Đến bây giờ tôi còn nhớ những màn hài gây cười mỗi khi trường tổ chức văn nghệ của anh Bùi Quang. Có lẽ bị ảnh hưởng của các anh? Nên chúng tôi thần tượng cả điều tốt lẫn điều xấu. Học đòi chia phe này, phe kia. Mà phe nào cũng có vài anh đỡ đầu, dựa vào đó bắt nạt các bạn khác yếu hơn. Thế mới biết ảnh hưởng của các anh đối với tụi tôi như thế nào? Dù sao thì chúng tôi học hỏi của các anh nhiều điều tốt hơn. Bây giờ Phan Bắc vẫn còn nhớ anh Phan Nam khi cậu định nhổ trộm cây của dân, còn các anh rất nổi tiếng của khoá 5 như Quang Bắc, Sư Đà, Thúc Minh, Lưu Dũng...

Khi đi bộ đội, vào quân chủng Hải quân tôi ở cùng đơn vị với các anh Nhân đen, Bằng, Đăng, Hưng, Đôn Hà đều là khoá 5. Chính các anh đã nhiều lần đã khuyên bảo, kìm hãm tính hung hăng chực đánh nhau hoặc vô kỉ luật của đám lính Hà nội chúng tôi. Trong quá trình công tác sau này tôi cũng nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của chị Mẫn, mà nhờ sự giúp đó, uy tín trong công ty của tôi được nâng lên rất nhiều. Những ai là lính “Trỗi” đã từng phải ra vào Bệnh viện 175 đều nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của các bác sĩ từng là lính “Trỗi”, đặc biệt là k5 như anh Bình “máu”, anh Tăng Lực...Còn nhiều anh đến bây giờ vẫn nhiệt tình với nhiệm vụ anh em giao mặc dù rất bận công tác như anh Kiến Quốc, Phan Nam, K Bắc...toàn những công việc mà anh em vẫn gọi đùa là “vác tù và … trường Trỗi ” đó cũng là những tấm gương để “đàn em” khóa dưới noi theo.

Hiện nay, khi chúng ta đã trưởng thành, những hình ảnh, những kỷ niệm về sự giúp đỡ của các anh khóa trên đối với các khóa dưới và các khóa khác với nhau vẫn được tiếp tục phát huy trong cuộc sống, trong công tác, cứ là lính Trỗi thì có sự giúp đỡ lẫn nhau, không nhiều thì ít và vẫn còn nhiều “hơi hướng” vô tư. Tuy không còn những sự kết nghĩa giữa các khóa như hồi còn ở trường, tình cảm anh em lính Trỗi tuy giờ đây như anh Hữu Thành đã từng viết trên BẠN TRỖI :đó chỉ là sợi chỉ Trỗi mong manh luồn qua mỗi chúng ta. Bao năm tháng mỗi người vẫn giữ mối liên hệ ấy, thì nó phải là thân lắm…. bởi thế chúng ta cố mà giữ gìn nó.

Hồ Bá Đạt

Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2008

TIN BUỒN

Được tin Giáo sư- Bác sĩ Nguyễn Tăng Ấm (là thân sinh anh Nguyễn Tăng Cường K2, Nguyễn Tăng Lực K 5 và bạn Nguyễn Tăng Tiến K8) mất hồi 6h55 sáng ngày 26/01/2008.

Xin chia buồn cùng anh Tăng Cường, Tăng Lực , bạn Tăng Tiến, cùng gia đình.
Lễ di quan sẽ tổ chức tại nhà tang lễ quân đội số 5 Phạm ngũ Lão, quận Gò vấp TPHCM, sẽ thông báo sau. Sau đó sẽ chuyển ra Hà nội tổ chức tang lễ.

Chương trình tang lễ như sau:

Tang lễ của bác Nguyễn Tăng Ấm

Được tổ chức tại Nhà tang lễ quân đội 5 Trần Thánh Tông, Hà nội
Thời gian: từ 8h đến 10h30 sáng thứ sáu 1/2/2008.
Mời các bạn K8 và các bạn ở Hà nội tập trung viếng lúc 10h cùng ngày.

ÔNG" VUA BÒ"

Hôm trước qua sân "BÁN TRỜI" K4, K5 thấy nói chuyện các vị vua họ Hồ, anh giai mình cũng góp được vị "vua bò". Đọc xong cười chết đi được. Tự nhiên nhớ một bài hát về vua bò mà ngày xưa ở trường rất hay phát thanh, toàn bò là bò nhưng nghe rất hay. Chắc bây giờ người ta không hát lại nữa, không nhớ lắm nhưng đại khái: "Sương sớm long lanh, cỏ non lấp lánh, bò đi ăn nhé bò ơi, bò đi ăn nhé, đừng vào vườn non, bờ bãi thênh thang, tha hồ bò ăn... bò ơi! bò bò ơi!". Mạn phép gọi anh là ông "vua bò" cho vui. Giống kiểu gọi C trưởng công binh KV ấy mà.

Anh giai mình cực tếu, ứng đối nhanh, hài hước mà dùng từ đắt ơi là đắt! Muốn chọc cho anh giai vào Út chơi cho vui cửa nhà.
Không biết anh giai nói gì mà bạn mình cười lỏn lẻn thế nhỉ?
Anh Quốc, Hòa Bình và mọi người có nhớ tên hai vị K9 này không nhỉ?

Thứ Năm, 24 tháng 1, 2008

Chân dung các bà vợ

Các bà vợ ở TQ xử lý chồng khi chồng ngoại tình:
Sau một đêm mất ngủ, cô vợ tới một thám tử tư vứt ra 2000 tệ thuê một thám tử thu thập tất cả các chứng cứ ngoại tình của chồng. Một tuần sau, ông chồng nhận được trát gọi của toà án. Thì ra cô vợ đã gửi đơn xin ly dị. Cuối cùng ông chồng bị toà phán xử là đi nhầm đường lạc lối, nhà cửa, gia sản đều rơi hết vào tay vợ. Đó là cô vợ Bắc Kinh.

****
Sau một đêm mất ngủ, cô vợ buổi sáng đến tiệm làm đầu ép lại tóc, buổi chiều đi đắp mặt nạ, tiện chân lại rẽ vào mua bộ đồ lót gợi cảm. Buổi tối chuẩn bị một bữa ăn thịnh soạn dưới ánh nến lung linh. Tất cả tiêu hết 400 tệ. Sau khi về nhà, ông chồng thấy vợ mình xinh đẹp, gợi cảm, kinh ngạc tới mức có thể đặt nguyên một quả trứng gà lọt thỏm vào miệng, giận mình có mắt không tròng và thề rằng suốt đời này không để cô vợ rời xa mình,. Một tuần sau người vợ viết một bài báo có tựa đề “Tôi đã giữ được ông chồng đào hoa như thế nào” được năm trăm tệ nhuận bút. Đó là cô vợ Thượng Hải.
****
Sau một đêm mất ngủ, cô vợ trang điểm lộng lẫy, gọi điện thoại cho người yêu đầu tiên” Alô, có nhớ em không? Em rất cô đơn, tối nay em rảnh…. Thế là ông chồng tiếp tục trăng gió bên ngoài, cô vợ bí mật hẹn hò tình nhân, nước sông không phạm nước giếng, bình an vô sự. Đó là cô vợ Quảng Đông.
****
Sau một đêm mất ngủ, cô vợ dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, gấp quần áo chồng gọn ghẽ, để lại một mẩu giấy dặn chồng uống thuốc đúng giờ. Rồi bỏ về nhà mẹ đẻ. Sau đó ông chồng với lương tâm trỗi dậy đến tận nhà mẹ vợ xin tạ tội, mời vợ quay về, thề suốt đợi sống tốt với nhau. Đó là cô vợ Tứ Xuyên.
****
Sau một đêm mất ngủ, cô vợ mài hai con dao thái thịt sắc đến sáng loáng, một con giắt ở đằng trước, một con giắt ở đằng sau, quyết đánh bài ngửa với chồng. Trong lòng nghỉ: tao không ăn được tao cũng phải đạp đổ. Cuối cùng ông chồng ngoan ngoãn theo vợ về nhà. Đó là cô vợ Hồ Nam.

****
Sau một đêm mất ngủ, cô vợ trở dậy xuống bếp. Ngày thường chỉ ăn hai bát mì và một cái bánh nướng. Hôm nay làm nửa cân mỳ thêm 10 chiếc bánh nướng, loáng một cái đã hết sạch. Ăn xong cô vợ xoa cái bụng tròn vo, tới bên giường khóc lớn; Giời ơi, tôi làm sao sống được bây giờ?.... Ông chồng vốn không muốn ly dị dù ngoại tình, nhưng nửa năm sau không thể chịu được, đành phải xin ly hôn. Lý do là cô vợ ngày càng béo như lơn…nặng. Đó là cô vợ Sơn Tây.

****
Sau một đêm mất ngủ, cô vợ khóc quay về nhà mẹ đẻ, kể hết chuyện cho em trai. Em trai đi gọi ngay ông anh nhà bà cô, thằng em nhà ông chú. Một đám tay gậy tay thừng đón đường ông chồng về nhà. Ông chồng vác gương mặt sưng bầm tới toà án xin ly hôn. Sau khi hoà giải không có kết quả, toà án thuận tình cho ly hôn. Tài sản chia đều hai bên, riêng cô vợ fải chịu bồi thường toàn bộ viện phí chữa trị vết thương cho ông chồng. Đó là cô vợ Tây Bắc.

****
Sau một đêm mất ngủ, cô vợ tới kêu than khóc lóc ở cơ quan chồng, kể toạc chuyện quan hệ giữa ông chồng với con đồng nghiệp “hồ ly tinh” xinh đẹp trẻ trung. Cơ quan không thể không xen vào giải quyết. Kết quả, ông chồng li dị, một tuần sau lấy ngay cô bạn đồng nghiệp. Đó là cô vợ Đông Sơn.

****
Sau một đêm mất ngủ, cô vợ lấy sổ hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn, giấy sở hữu nhà, sổ tiết kiệm… giấu hết đi và cắt hết toàn bộ kinh tế của chồng. Rồi dương dương tự đắc ý nói với chồng: để xem ông lấy gì mà nuôi con hồ ly tinh đó.. Tôi cũng kô ly dị đâu. Cho ông chết .

Không biết các bà vợ ở Hà nội - Huế - Sài gòn ... thì sẽ xử lý thế nào nhỉ?

Một ngày của tôi

Sáng, đưa con đi học rồi tạt về 99 lấy xe đi rửa. Hà Nội mấy hôm nay mưa phùn, lớp nhớp. Bẩn. Nguyễn Gia Thiều là chợ rửa xe. Mấy chú xịt, rửa rất “prồ”, mất có 15’ đợi nhưng giá thì “chát” hơn Sài Gòn, chỉ rửa và hút bụi mà vặt những 35 khìn! (Trong kia chỉ 25. Còn tổng vệ sinh toàn xe thì 350, trong Nam 250). Thủ đô có khác, cái gì cũng chát xình chát chát bùm!!! Có xe sạch tạt qua đưa chị Niệm và ông Yang tới Trường PTTH Việt-Đức làm việc. Làm vậy cho trọn tình. Sáng nay khô nhưng giá lạnh.

Sau đó tới Nhà tang lễ. Các bạn k4 có mặt khá đông, cả thầy Bân. Quang Bắc làm trưởng đoàn của Trung tâm đến viếng. Anh em Trỗi k3 có Nguyễn Hoàng (Côn), k5 có Vinh “còi” (ông này vào viện 1 lượt với Trương), k8 có Vinhnq, k9 có Giang “mù”… Chị em C11 k4 có mặt đủ. Gặp nhiều bạn cũ ở Viện KTQS. Đoàn Trường Trỗi đúng 9g vào viếng. (Tin đám tang mời xem trên Bantroi!). Đúng 10g truy điệu. Sau đó, mấy anh em rảnh đi xe con đưa Trương về nơi an nghỉ cuối cùng. Nhóm này có Hữu Thành, Văn Tuyết Mai, Tuấn “tỉn”, Hoàng Hùng, Đại Cương, Giang “mù”, Bình “cận”, Văn Công Phước.

Xe theo xa lộ đi sân bay rồi rẽ trái về Ao cá Bác Hồ. Cay cay sống mũi khi quay lại con đường xưa. Xa nó đã đến 30 năm. Ngày trước, tụi tôi mỗi lần về Hà Nội tòan đạp xe từ Vĩnh Yên, rẽ đồi Thanh Tước rồi theo đường này về Chèm. Ấn tượng nhất là những ngày sát tết. Trời lạnh cắt da, nhưng trong lòng rộn ràng phóng về Hà Nội, sau xe buộc ba-lô với thịt, gạo nếp và hộp mứt. Thấy xe đạp, xe máy đi ngược buộc sau những cành đào Nhật Tân. Ao cá giờ bẩn thỉu, đầy rác, bị thu hẹp, con đường bao quanh đã biến thành chợ. Lộn xộn. Đường từ đây lên Thanh Tước khoảng chục cây số nhưng sóc vì xe tải lớn, chở đất đá xây dựng thị trấn Mê Linh, phá nát đường. Ruộng 2 ven đường không còn trồng su hào, bắp cải như xưa mà toàn trồng hoa. Nào cúc, violet, nào hồng… Bạt ngàn cánh đồng hoa. Đời sống nông thôn nhờ vậy mà khởi sắc. Trước khi đến Thanh Tước là thị trấn đang xây dựng. Mặt bằng thị tứ trong tương lai được san ủi. Bụi mù. Đã có các khuôn viên cho bệnh viện, trường học, phố xá.

Bên phải nghĩa trang là đồi 79 Mùa Xuân nơi Bác đã nghỉ chân trên đường đi công tác. Trước kia, qua đây thì biết là nghĩa địa của dân công giáo Phúc Yên (toàn mộ có gắn thánh giá) nằm trên đồi thông. Nay là 1 nghĩa trang công viên khá đẹp. Đại Cương rất kinh nghiệm nên mang theo nước, bánh mì, giò chả và cả R. Cũng vừa 12g, cả bọn ngả ra đánh chén. Hữu Thành không quên nháy mấy pô. Sau đó anh em lên thắp hương cho má của Cương. Cụ nằm trên đồi cao, lộng gío, nhìn xuống khu đô thị mới.

Sau đó, anh em xuống thắp hương cho mộ bố của Bình “cận”. Khi đi đã nghĩ sẽ thăm mộ Trung Việt. Lang thang trong khu A10 thì thấy mộ bạn ngay mặt tiền. Ảnh gắn trên bia hơi bị trẻ. Thắp hương cho Việt xong, đang lang thang tìm mộ bác Chi (bác vợ, bố Dũng “dốt” k8) thì nghe Giang lẩm bẩm: “Cụ này dân Quảng Ninh quê tôi”. Nheo mắt nhìn lên ảnh thì nhận ra mộ bác mình. Thật là mừng! Trứoc đó gọi cho Dũng thì chỉ biết bác nằm gần mộ 1 chú Palestine. Đi quá thì thấy mộ chú. Chú nằm cùng hàng với Văn Tiến Huấn (bạn trong bồ đàn với tôi và Chí Hòa. Khi Huấn đi học ở Odessa thì Chiến “thộn” thế chân. Nay cả 2 ông bạn đều đã đi xa!). Lúc thắp hương cho Huấn, tôi lẩm bẩm: “Khi mày đi tao không có mặt, nay mới đến viếng thì thấy có thằng lính gác cồng là người nước ngoài. Thế là ổn!”.

12g30, đoàn xe đưa Hồ Trương mới lên đến nơi. Khi chờ đến giờ làm lễ hạ huyệt, loanh quanh thế nào tôi lại tìm được mộ cô Tụy Phương, Giám đốc Trại Nhi đồng Miền Bắc những năm đầu 1960 mà nhiều lính Trỗi đã được bố mẹ gửi tới học. Số học sinh của cô có Văn Tuyết Mai và Tuấn “tỉn” cũng có mặt chiều nay. Chúng tôi cùng ra thắp hương và kể chuyện về cô.

Sau các thủ tục hạ huyệt, đặt vòng hoa, thắp hương, cảm ơn… thì lính Trỗi là những người ở lại cuối cùng với gia đình. Chai Chivard của Phước tặng Hữu Thành và Hồ Trương chưa kịp khui đã được mở ra uống với bạn. Rồi cả nhà làm theo chúng tôi, rưới R xuống mộ xong nhấp một ngụm với Trương. Có ông nào đó trách mở R sao không mời người già trước, anh em trả lời: R này để uống với bạn mà!

Giờ chia xa cũng đến. Bạn vĩnh viễn nằm đây! Khi những xẻng cát được lấp dần xuống mộ mới thấm lời bài hát của Trịnh “hạt bụi nào hoá kiếp riêng tôi, để rồi một mai…” và nay Trương lại trở về với cát bụi!

Về tới nhà Cương, anh em ngồi ngay Bia Hải Xồm truớc cổng, làm mấy vại. Vân Hùng thấy có bạn cũng dừng xe. Lại chuyện bạn mình.

Tối, đúng hẹn, anh Bùi Vinh, trưởng BLL, có mặt tại Quế Lâm Tửu quán (ngõ 15 Tạ Quang Bửu, Đại học Bách Khoa). Anh Khảm k3 đón ông Yang, chị Niệm, Long và Vũ Chu đến sau. Thật vô tình trên TV có phim tư liệu về Đại cách mạng Văn hoá. Anh em vừa xem vừa hát theo các bài hát trong phim. Quốc Khánh, Chấn Định – 2 láopản (ông chủ) - chuẩn bị bữa cơm gia đình với các món chế biến từ thịt gà chọi. Ngon. Đại Cương, Văn Tuyết Mai, Giang đến hơi muộn. Tiệc không chỉ có R của Chấn Định mà còn có cả Lảo Guilin (Ông già Quế Lâm) của khách mang tới. R ngon mà có bạn hiền thì chỉ từ... nhất trở lên! Ngôn ngữ (với đủ thứ tiếng Anh, Hoa, Việt) pha lẫn hơi men, nổ liên tịch. Ngồi với bạn bè, Khắc Việt chợt nảy ra idea mở “Đặc sản quê Việt” ở Quế Lâm, phục vụ cánh sinh viên Đại học Sư phạm Quảng Tây. Chúc bạn thành công! Còn chị Niệm hứa tư vấn cho Khánh và Chấn Định vài món độc chiêu câu khách của đầu bếp Guilin. Thật là vui! Neng Chiang Yang thật cảm động khi đuợc lính Trỗi tiếp đãi chân tình đã hẹn ngày tái ngộ.

Hết 1 ngày!


Thứ Tư, 23 tháng 1, 2008

ĐÊM ĐÔNG

"Đêm đông e không có ai nằm trong chăn ấm...chỉ có mấy con mèo nó liếm má e". Đùa chút cho vui, đừng giận nghen, con "MÈO con" bé nhỏ. Cứ chửi mắng cho vui, thèm được nghe lắm đó! Cái lạnh mùa đông HN chỉ có tụ tập chiến hữu ngồi bên nhau uống vài li là sướng nhất thôi.

Thứ Ba, 22 tháng 1, 2008

Chị Niệm đã tới Hà Nội

Chiều qua, 6h30, chị Niệm cùng ông Neng Chiang Yang (Giám đốc về quan hệ quốc tế sinh viên, học sinh của Nothern Oregon University, USA) tới Hà Nội. Khắc Việt đã nhờ Thế Hà k7 book cho khách tại Hotel Chìa Khoá Vàng.
Tối, ông Neng mời cơm tại Café Phố nhưng thật ra lúc bấy giờ mới chuẩn bị chi tiết cho nội dung làm việc - chào dịch vụ tuyển sinh du học cho Western Oregon University. Điện thoại chắp nối các nơi. Là Hoa kiều ở Mỹ nhưng ông rất kinh nghiệm trong việc tiếp thị. Ngay tối qua đã lên được kế hoạch làm việc với các trung tâm dịch vụ du học. Ông chủ Café Phố mến khách tặng thêm món nem rán Hà Nội. Đêm về, lạnh nhưng vui!
Sáng nay, Khắc Việt đưa đoàn đi làm việc. Chiều, anh Khảm k3 thực hiện. Sáng mai sẽ làm việc với trường PTTH Việt-Đức, chiều với trường Kim Liên (do anh Hải giúp).
Chị Niệm có lời cảm ơn sự nhiệt tình của Khắc Việt và anh em bạn bè!

Hà Nội trở rét

Nhân hai đợt rét đậm liên tiếp ở Hà nội, mà Đỗ Nghĩa khi trở về Sài gòn không mang bớt về. Sưu tầm được bài thơ hay, ÚT TRỖI đăng lên, để anh em cùng thưởng thức.

Hà nội lạnh rồi phải không anh ?

Nghe đài báo sáng nay trời trở lạnh

Đêm anh có đắp chăn bông giữ ấm

Có khoác trên mình, chiếc áo của mùa đông ?


Hà nội đang trở mình phải không anh ?

Em thấp thỏm…lo anh không giữ ấm

Ai sẽ khoác tay anh, giữa một mùa đông ấy

Ai cài nút cho anh, sợ gió quấn trong lòng


Em nghe đài, đọc báo biết nơi anh

Nghe cái lạnh cứ len vào thật nhẹ

Nghe cơn gió cắt da…mà sao em tê tái

Sợ xa anh…mà không đủ ấm cho anh


Sáng nay trời trở lạnh nhiều hơn

Em ngồi nhấp ly cà phê, mà rùng mình thật nhẹ

Trang sách mở…lòng người như cơn sóng

Nhấp nhô bạc đầu….câu thề hẹn bên nhau….


Thế mà cái lạnh lại len lỏi thật sâu

Em thảng thốt sáng nay trời trở lạnh

Anh nhớ nhé phải mặc toàn áo ấm

Cài nút thật cao, tay áo phải thật dài


Em vụng về không đan áo tặng anh đâu

Mũi kim nhỏ không khâu tình yêu lớn

Em tần ngần trước hàng áo len đủ kiểu

Mà chạnh lòng gửi chút ấm cho anh


Ở tận đây Sài gòn nắng vẫn trong

Chỉ se se làm người ta ấm

Em ở Nam… còn anh trôi tận Bắc

Hai đầu thương gánh nỗi nhớ theo cùng


Sáng nay Hà nội rét phải không anh ?

Cài khuy áo, anh nhớ cài khuy áo

Em dặn dò bằng câu thơ nông nổi

Gói vào đây chút nắng ở trời Nam

Sưu tầm

Thứ Hai, 21 tháng 1, 2008

Bọn tạo phản

Đúng! Đó là lính Trỗi đầu tiên bị đuổi và cũng là đại biểu quốc hội đầu tiên của Trỗi. Những năm 1967-1968, mình có hai ông anh lớn là Liên-xô và Trung-quốc. Ông anh cả thì đang rơi vào chủ nghĩa xét lại, ông anh hai thì đang có đại cách mạng văn hóa. Đấy là bối cảnh trước khi tôi cùng trường Trỗi sang Quế lâm, với một tình cảm chính trị trẻ con (nhưng là con của bố mình): Ghét Liên-xô, yêu Trung-quốc.
Nhưng khi sang Quế lâm, thấy thực tế của cuộc đại cách mạng văn hóa, tôi thay đổi quan điểm: Ghét TQ, yêu LX. Từ đó có cuộc tạo phản: Bắn ảnh ông M, kết quả bọn tạo phản bị mấy ông thầy đấm đá không nương tay và chân (VH bị thầy H giật từ trên giường tầng hai xuống đấm vào bụng sợ quá, vãi tè ). Cả bọn bị giam trên hiệu bộ một tuần và sau đấy một thằng lính Trỗi đầu tiên bị đuổi về nước . . . để trở thành đại biểu quốc hội đầu tiên của Trỗi. . .?

Thư giãn!

Tín đồ Hồi giáo chụp ảnh kỷ niệm !

AI LÀ CHÁU HỌ TƯỞNG

Các cậu thủ đoán xem?

Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2008

Lính Trỗi đầu tiên là đại biểu quốc hội

Đố anh em Trỗi biết ai trong lính Trỗi là đại biểu quốc hội đầu tiên?

Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2008

Chuyện xưa của một thằng Trỗi

Cuối tháng 2-1968 tôi cùng một số anh em các khóa (đa số là K5, K6, K7) nhận quyết định về nước và ra khỏi trường Trỗi. Chúng tôi lên một chuyến tàu quay về Việt nam. Áp tải bọn đầu gấu bọn tôi là một đ/c trung tá QĐNDVN (nghe nói cũng là phụ huynh của một lính Trỗi).

Trên đường trở về Việt nam, khi lên tàu bọn tôi đi chung với một nhóm người Việt nam đi học ở Ba lan (hình như cũng bị về nước sớm). Hồi đó anh em Trỗi ăn mặc trông hơi đầu gấu, mũ biên phòng thì bẻ đằng trước, hai bên tai thì bỏ lòng thòng, aó mặc không cài khuy, thế là bị “băng’ Ba lan gọi là "thổ phỉ". Lập tức bộ chỉ huy của đám lính Trỗi bọn tôi họp bàn, sẽ đánh tụi này khi về tới ga Bằng tường, đánh biểu diễn tại sân ga (mẵc dù tụi này lớn hơn bọn tôi). Thế là mật lệnh được thông báo đến toàn bộ anh em và công tác chuẩn bị được anh em quán triệt, vũ khí thô sơ ai có gì dùng nấy. Tàu về gần biên giới bọn tôi đang háo hức cho trận đánh (vì cảm thấy bị xúc phạm) thì có một vấn đề là ông trung tá áp tải bọn tôi biết chuyện nên gọi bọn tôi vào đề nghị phải hõan trận đánh (năn nỉ bọn tôi thì đúng hơn). Ông nói rất tình cảm, các cháu thương chú, Bộ quốc phòng giao cho chú đưa các cháu về Hà nội an toàn, không để xảy ra chuyện gì trên đường, bây giờ các cháu làm vậy về Bộ quốc phòng cách chức và kỷ luật chú. Tuy bọn tôi toàn là “đầu gấu” nhưng thấy thương ông chú trung tá (lúc đó bọn tôi còn gì để mất nữa đâu) và thấy không có lợi nên bộ chỉ huy quyết định hõan trận đánh.

Loại lính Trỗi “hư” như bọn tôi hồi đó mà vẫn biết suy nghĩ phải trái đấy chứ!

Đã tìm được Nguyễn Huy Tường B3 K8

Được biết bố của Tô Như Tuấn B3 (là giáo sư Tô Như Khuê) nằm viện 108 đã 1 tuần. Sáng nay vào thăm cụ, chẳng may cụ bị ngã ngồi nên bị gãy cổ xương đùi, do tuổi già sức yếu nên không đủ sức chịu đựng được mổ sử lý. Vào viện, bệnh viện cho kiểm tra toàn diện và đã phát hiện thêm rất nhiều bệnh, trong đó có cả nan y. Nói chung tình trạng sức khỏe của cụ có chiều hướng xấu.
Lúc đang chờ thang máy lên phòng bệnh, tôi nhìn thấy một người trông như Huy Tường B3 K8, cùng chờ lên thang máy tôi liền hỏi :
- Huy Tường phải không ?
-Tường đây !
- Cậu đi thăm ai đấy ?

Tường trả lời: vào chăm sóc bố.
Cả hai ông bố của 2 lính Trỗi đều cùng nằm A1. Tiện thể tôi vào thăm luôn bố Huy Tường. Bố của Tường cũng đã 85 tuổi, nằm viện đã trên một năm cụ đã mổ bàng quang, thêm bệnh tim nặng, phải thở thêm ôxy. Nói chung tình trạng cũng không khả quan.

Các ông bố của chúng ta đã đến lúc dần rồi cũng rủ nhau ra đi !
Hỏi thăm Tường, được biết cậu bây giờ là bác sĩ mắt, không còn phục vụ trong quân đội nữa và làm tự do ở ngoài. Một vợ hai con, con lớn học lớp 9, cháu thứ 2 còn nhỏ, vợ là giáo viên và hiện ở khu TT Đại học Bách khoa Hà nội, cuộc sống gia đình cũng tạm ổn. Tính tình vẫn hiền lành như hồi ở trường, gặp lại bạn cũ cậu ta rất mừng và phấn khởi. Tôi cũng kể qua chuyện anh em trường Trỗi đã nhiều năm nay hàng năm vẫn thường xuyên gặp nhau và Tường nói: khi nào BLL tổ chức gặp mặt thì nhớ gọi cậu ta, Tường cũng rất muốn gặp lại các bạn thời còn ở trường Trỗi. Hai thằng đã lấy số điện thoại và địa chỉ của nhau để tiện liên lạc (sẽ bổ sung vào danh sách của K8).
Sáng nay đúng là 1 công được 3 việc !

Thông báo

Vừa qua, xét thấy có một số nhận xét trong một số bài đăng, có tính suy diễn chủ quan, lời lẽ thiếu sự tôn trọng cá nhân khác, không phù hợp với TIÊU CHÍ: “ Mục đích vui, học hỏi, tôn trọng lẫn nhau cùng ôn lại những kỉ niệm ở Trường và giúp đỡ nhau trong cuộc sống…” của ÚT TRỖI đã đề ra ban đầu. Quản trị ÚT TRỖI đã xóa những nhận xét đó. Mong các thành viên luôn tôn trọng tiêu chí của ÚT TRỖI.

Thay mặt các thành viên trang tin ÚT TRỖI

Quản trị ÚT TRỖI

Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2008

Thành viên mới xin chào anh em!

Tôi là Đỗ Đình Nghĩa K7, Xin chào tất cả anh em trường VHQĐ Nguyễn Văn Trỗi!

TAY ẢI TAY AI?

Đây là ảnh chụp ở Cafe Phố tối hôm gặp Đỗ Nghĩa. Định chụp ảnh bạn thì bị mấy cái tay chen vào thành ra thế này đây. Đố các bạn biết tôi định chụp ai. Và mấy cái tay là của ai?

TIẾP THEO CHUYỆN HƯU TRÍ


Chắc bài dài quá nên bị cắt mất một đoạn thế này: Các pác về hưu TRỖI ơi! blog UT cũng là một nơi để các pác xả "Xì...trét"đấy!

Thứ Năm, 17 tháng 1, 2008

Số phận bức ảnh sau gần bốn chục năm thất lạc

“Chuyện xuất xứ bức ảnh trên bìa 1 của SRTKL tập 2 đã được Đỗ Nghĩa k7 đăng lên ÚT TRỖI có bạn tư vấn nên trả lại cho Bảo tàng Quân đội. Nhân dịp ra Hà Nội, Nghĩa muốn làm việc đó. Sáng nay, 18/1/2008, chúng tôi (Đỗ Nghĩa, Khắc Việt và Kiến Quốc) cùng thầy Chi Phan đã đến Bảo tàng Lịch sử quân sự. Vừa vào cổng, thầy Phan báo trực ban cho gặp Thiếu tướng Giám đốc Lê Mã Lương. Chúng tôi được mời vào phòng khách. Vừa nghe qua câu chuyện, anh Lương mời ngay các trợ lí vào làm việc…” hồi kết câu chuyện về “Số phận bức ảnh sau gần bốn chục năm thất lạc”. Để biết được xuất xứ của bức ảnh bị thất lạc, xem tại đây


CHUYỆN CỦA NGƯỜI HƯU TRÍ

Xưa, mỗi tối là thày Hòa dạy văn và thày Hùng thay nhau kể chuyện “Phong thần” hoặc “Người Nhạn trắng. Kể đến đoạn gay cấn là thày "cắt" và nói: Thôi, đến giờ đi ngủ. Nếu các em ngoan và làm nhiều việc tốt, mai thày sẽ kể tiếp. Hà! ngoan đâu chẳng thấy. Chỉ thấy các anh lính Trỗi nhà ta hành sử như các bậc hảo hán...Nay thì đến mấy ông “Tự lực văn đàn Trỗi”, lâu mới búng ra một bài viết hay. Anh em đọc xong, thấy nghiền rồi mờ mắt vì ngóng...tức mình, đây cũng viết một bài văn kiểu "chị Dậu" cho anh em đọc chơi.

Không biết mấy ông Trỗi khi về hưu có cảm giác như thế nào? Chứ tôi thì ngày đầu về hưu, có cảm giác như người say "diệu"...Đi ra ngắm chó, đi vào ngó bếp cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Sau một thời gian, laị có cảm giác như người thừa ở trong nhà, hay gắt gỏng vô cớ. Bà xã biết ý bảo:Hay “pố nó” xem bạn bè có việc gì? xin làm cho vui. Chết nỗi, chuyên môn chỉ là anh thợ may...sắc. Bạn bè kkông ai mở xưởng. Không lẽ ta sắm dụng cụ ra ngã tư nào đó ngồi chơi. Mà nghe nói giờ vỉa hè cũng phải mua chỗ, không nhà nước thì cũng xã hội đen. Nhiều khi cả hai, thôi em chả dại. Các nơi khác, nhìn mình là người ta hãi bỏ mạ, ai nhận. Thế là ngồi ca: “hết ngày dài lại đêm thâu, chúng ta đi trên đất nhà ta”. Cô vợ thấy vậy, dịu dàng nhỏ nhẹ: Anh à! giờ chưa có việc anh giúp em đưa đón con. Hà! chuyện nhỏ như con thỏ, tiện thể ra ngoài cho thoáng (con gái bây giờ xinh tệ), chứ ở nhà chắc khùng mất.

Rồi một hôm, chợt nhận ra mình dạo này trở nên chăm chỉ việc nhà lúc nào chẳng hay. Chả trách anh em, bạn bè nhận xét: cái thằng này dạo này ngoan tệ. Tức mình nghĩ: may mà tao không sợ vợ chúng mày. Vợ tao,tao sợ có gì đâu. Nhân tiện làm thơ bút "TRÈ" tặng các ông Trỗi về hưu:

Sáng ra vợ đã dặn rồi
Đưa con đi học,nhớ quay về nhà
Việc nhà anh ráng làm xong
Có chậu quần áo nhớ phơi thẳng hàng
Trưa thì tự nấu mà ăn
Chiều về tắm rửa cho con đàng hoàng
Xong rồi thì nhớ nấu cơm
Em về cùng chén,mcả nhà khen ngon
Tối thì phải nhớ rửa ch...
Để em còn thưởng vì chồng em ngoan
Dù ai nói ngả, nói nghiêng
Làm chồng sợ vợ là tiên cơ mà

Đấy! các “pác” xem cuộc sống đời thường cũng muôn hình vạn trạng. Rồi thì nó cũng đi theo một quỹ đạo nào đấy. Nói vậy thôi,cũng nhờ anh em TRỖI hiểu và thông cảm kéo đi tỉnh này, tỉnh kia, dự án naỳ kia (mặc dù chưa có kết quả gì) nhưng vui ra phết. Xin cảm ơn những tấm lòng nhân ái của các bạn.
Mấy hôm trước, ngồi xem thời sự thấy mấy anh tự thưởng HC cho nhau mà “đỏ con mắt bên phải, ngứa con mắt bên trái”. Nghĩ mà thấy buồn, còn biết bao vị khai quốc công thần ...vậy mà chúng nó cứ “mèo khen mèo....” đang ngồi ngẫm sự đời thì nhận điện thoại của cô bé ở phường thỏ thẻ: Chú ơi! có lương hưu rồi. Có cả trợ cấp một lần cho huân chương kháng chiến nữa, mời chú lên. À! vụ này có lý đấy! Thế là có "hìu" để mời mấy thằng bạn một chầu JODI rồi. À không JODI" mắc" lắm, ra bia của thằng em BẢO "bịp" thưởng thức bia Hà nội và thịt Cầy quay để mà còn thấy đời lên hương.
Tối qua, Văn Hoài Nam K7 rủ ra 5 VIÊN ngồi ( có cả Tập Thanh và Lương "còi" ở NhaTrang). Nói đủ thứ chuyện, cũng kể cho chúng nó nghe về các bạn Hà nội. Văn hoài Nam đòi năm nay tổ chức một tua du lịch xum họp TRỖI ba miền. Không biết ý các bạn ngoài BẮC thế nào?


Gã "tranh thủ"

Gớm! hồi bé thấy chị em thì chạy "mất dép". Bây giờ lại mượn rượu và rất "tranh thủ" cơ hội.

Đến thăm gia đình liệt sĩ Trần Hữu Dân k7

Theo hẹn, 8g30, đòan chúng tôi xuất phát từ Bảo tàng Quân đội. Đi 2 xe. Việt Hằng, Minh, Thành, Đỗ Nghĩa ngồi xe Thắng; Khắc Việt đi với tôi. Đại úy Thắng nai nịt gọn gàng, đeo cả huân huy chương. Nhìn qua kính xe cứ tuởng là đại tá. Thật ra “đại” gì thì cũng xứng đáng cả!

Rời Bảo tàng rồi nhưng mấy bố lại để quên ảnh trung đội Quyết thắng k7 và di ảnh liệt sĩ. Phải quay đầu xe lại. Đi hết Thụy Khê, gọi hỏi đường chị Cát, chị ruột Dân, thì mới biết cả nhà chờ ở 45 Quang Trung. Thật là ẩu vì không điện thọai trước khi xuất phát. Chắc tại tối qua uống nhiều quá đâm lẫn?

Cả nhà cảm động khi thấy anh em chúng tôi đến. Ông anh, bà chị Dân đã nghỉ hưu ở căn nhà này. Phòng khách lạnh lẽo. Trên ban thờ, di ảnh Dân để cùng hàng với bố mẹ. Chúng tôi thắp hương cho Dân và các bác. Sau đó, gia đình kể lại chuyện Dân hy sinh và gia đình đã vất vả tìm kiếm mộ ra sao. Thắng là lính cùng đơn vị nên nhớ nhiều kỷ niệm với Dân. Trường hợp Dân như của Đặng Bá Linh, do quy tập không cẩn thận mà mộ phần của liệt sĩ bị thất lạc, để lại nỗi đau đã vài ba chục năm cho hàng vạn gia đình. Hằng và Thắng có nhiều quan hệ với UIA hứa giúp gia đình dùng các biện pháp tâm linh, áp vong, gọi hồn cho Dân.

Gặp được gia đình Trần Hữu Dân, chúng tôi thấy thanh thản hơn, nhưng phía truớc vẫn đầy gian nan, vất vả.


Thứ Tư, 16 tháng 1, 2008

Thành Biên lên chức bố chồng !

Hôm qua suýt mắc lỗi với Thành Biên, may 10h sáng Đạt “bột” gọi điện nói chuyện mới nhớ ra Thành Biên tổ chức cưới cho con trai. 11h10’ có mặt đã thấy anh em K8 đến đông đủ, còn có Đạt từ SG ra kết hợp với công việc cũng đến dự. Ngoài việc đến mừng cho gia đình Thành Biên, đây còn là cơ hội để mọi người gặp gỡ nhau, hỏi thăm tình hình của nhau trong cuộc sống. Anh em lại có dịp gặp nhau để vui đùa và ôn lại những chuyện “cổ tích” thời còn ở Trường. Đúng là gặp nhau không bao giờ hết chuyện, xung quanh khách đám cưới của gia đình Thành Biên đã về hết, mà đám anh em ta vẫn chưa buồn đứng dậy, thấy thế Sùng Hải đề xuất ý kiến: “Để thỏa mãn nhu cầu của mọi người, tất cả về 19C Hoàng Diệu, ai bận việc cứ đi, ai không bận thì tiếp tục”… Dưới đây là một số hình ảnh anh em K8 tại đám cưới của con trai Thành Biên.

Chưa có bao giờ mệt như những hôm nay !(Source: Bantroi)

Câu phóng tác của bài nhạc thể dục buổi sáng hình như càng ngày càng đúng?
Đêm qua trước khi chia tay, Vinhnq giao nhiệm vụ: Anh viết bài còn em post ảnh! Mệt quá, về tới nhà "đang xỉn lăn ra ngủ" liền. Sớm nay mới thực thi nhiệm vụ.
Trưa, cùng anh giai Ba Hưng bị "hạt điều" ra "họp" với k8 ở Bia hơi 19c Hoàng Diệu. Có bia hơi đâu toàn "diệu". Anh em đang ổn định tổ chức. Vật hết mấy lọ vodka Nga do Tiến Long mang đến. Sùng Hải (Hoàng tử đen) từ Sơn Tây của chú Quang Dũng về uống, vui quá đã lăn ra ngủ(!). Vinhnq sướng vì trên blog đọc nhiều kỷ niệm của anh em kể về anh Ba nay mới mục kích.
Gần 5g phaỉ chia tay anh em để đến đám cưới con trai anh Nguyễn Thắng k3 ở số 6 Chu văn An. Ấy cũng là cái cớ để gặp nhau. Anh Ba Hưng gặp 1 lô bạn cũ dễ đến hơn 30 năm chưa gặp. Bác Nguyễn Chiến làm chủ hôn có ghé tai: Tin anh Bùi Vinh đưa hôm nọ chưa thật chính xác, đề nghị cải chính. Thay mặt BBT xin lỗi mọi người. Cánh k3 đi dự cuới đông như quân Nguyên, ngồi kín mấy dãy bàn và khi khách tản rồi vẫn chưa chịu về. Lính nhà ta lạ là thế, ăn ít, uống nhiều và cứ câu dầm mỗi khi gặp nhau. Cái bà Thanh Hà thì nói: Bận đâu mà bận, cứ lên mạng là gặp lính Trỗi đang nhậu. (Có lẽ đây cũng là lời "cô-nhắc"?).
Chưa tan đã nghe điện thọai Văn Hùng và Vinh: Nhớ qua Café Phố 15 Lý Thuờng Kiệt liên hoan với Đỗ Nghĩa k7 từ trong Nam ra. Nghĩa sau khi viết bài "Xuất xứ của tấm ảnh" được minh họa trên bìa SRTKL tập 2 đã dùng kĩ thuật IT tách ảnh liệt sĩ Trần Hữu Dân ra tặng gia đình và có nguyện vọng chuộc lại lỗi lầm: trả nó lại cho Bảo tàng QĐ. Vui vẻ. Cánh k7 có 2 bạn gái Hằng và Bình "mèo", còn lại hơn chục lính ta (VHùng, Bàng, Phan, Việt, Thành "bụ", Thắng, Vinh, Trung Quốc, Triều "cái"...) và 2 đồng đội k9 (GM và Mai dân khu 16). Chào nhau rồi, ra đến cửa thì Tổng quản Điệp "lùn" (Captain của đội bóng CAHN năm xưa) giữ lại uống bia tươi. Mãi 11g mới chia tay. Anh em hẹn sáng nay đến nhà liệt sĩ Trần Hữu Dân.
Dân Hà Nội "uốn" ghê quá! Một ngày làm việc quá sức. Mệt dưng mà dzui!!!
(Lê Thanh đừng phê bình vì tin đăng 2 nơi nhé!).

Bếp trưởng


Bếp của Café Phố phải gọi các pác đây bằng Cụ...!

Thứ Hai, 14 tháng 1, 2008

Gửi Vũ Anh tiếp

Ảnh kia giống đôi vợ chồng mới cưới thì ảnh này thế nào?

Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2008

THÔNG BÁO

Mẹ vợ bạn VĂN HOÀI NAM (vợ đ/c trung tướng NG.HỮU XUYẾN tức bác tám XUYẾN, có con trai là anh NG.HÒANG K3. Trước kia ở khu 37 LÝ NAM ĐẾ) đã mất lúc 3h30 sáng ngày 14-1-'08. Lễ viếng bắt đầu từ 9h sáng ngày 15-01-2008 tại tư gia 219 NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU F6-Q3 TPHCM. Thông báo để mọi người cùng biết (số ĐT của Văn Hoài Nam: 0908446717).
BLLK7 Sài gòn

Cái tai & văn hóa nghe

Tiếp theo bài “Học đứng và học đi”. Trong cuộc sống, có những việc thật đơn giản, bởi từ xưa đến nay, từ thuở cha sinh mẹ đẻ đã là như vậy. Trẻ em từ ba tháng tuổi đã biết “hóng chuyện” tức là đã biết nghe… Tạo hóa sinh ra đôi tai là để nghe, vậy thì có điều gì đáng bàn. Nhưng sau những lời bàn có vẻ “tầm phào” của bài viết dưới đây có ẩn chứa những điều đáng để chúng ta suy ngẫm.

Người lành mạnh, người bình thường: nghe bằng hai tai. Người có đủ hai tai lành lặn, nhưng chỉ có một tai làm việc, dân gian gọi là người chuyên trị... "nghe một tai". Cái tai "chuyên môn hóa" ấy, chỉ rặt nghe các "đệ tử ruột", không nghe ai khác, không nghe ý kiến khác ngoài ý kiến tâng bốc ca ngợi mình!
"Trung ngôn, nghịch nhĩ" - Những lời nói thẳng làm nhiều "sếp" nghe "không lọt lỗ tai"!

Nghe chưa ra đầu ra đuôi gì đã... "phán", là người "nghe chưa thủng lỗ tai"!

Người sợ liên lụy trách nhiệm thì dù thiên hạ nói gì cũng... ngô nghê giả điếc!

Cũng có người bị gọi là "tai lành mà điếc", mặc dù anh ta chẳng... điếc chút nào cả. Đó là loại người thích sống "tròn vo" không đụng chạm đến ai hoặc có tính tầm phào; nghe đấy mà đâu có nghe? Đầu óc còn để tận đâu đâu!

"Nghe" cho có nghe, "nghe" mà chả nghe gì cả, "nghe đâu bỏ đấy"... là những cách "nghe" của không ít quan chức làm công tác "tiếp dân", mắc bệnh lãnh cảm!

Kẻ thích "đưa chuyện làm quà", thường hay "nghe hơi nồi chõ", lê la "buôn chuyện" khắp nơi, được người thời nay gọi là ... "buôn dưa lê"!

Dự "hội thảo khoa học" mà có người mặt cứ ngây ra như mặt trẻ con đang… chẳng hiểu "mô tê" gì cả, thì có khác chi... "vịt nghe sấm"!

Mấy anh chàng có tính hão huyền, thường hay "nằm mộng nghe kèn"!

Đem tâm sự nói với người vô tâm, kém hiểu biết thì chẳng khác gì đem "đàn gẩy tai trâu", thà "vạch đầu gối ra mà nói", còn hơn!

Kẻ "lười chẩy thây" thường "điếc tai làm, sáng tai họ"!

Người thô lỗ thì nói cứ như... "đấm vào tai" người nghe! Hiền như Bụt cũng phát tức. Kẻ khôn khéo bao giờ cũng nhẹ nhàng "nói ngon nói ngọt", nói như "rót mật vào tai". Đặc biệt, nếu dùng cách nói này với "sếp", thì dễ đưa "sếp"... lên mây lắm. Rồi thì muốn gì, "sếp" cũng… "chiều", lúc ấy nếu có đề nghị "sếp" ký giấy bán... cầu Long Biên, chắc "sếp" cũng ký! (Bởi xưa có câu: "nói ngon nói ngọt, lọt đến xương" mà!...

Lại có kẻ tai luôn vểnh lên nghe ngóng chuyện người khác, đấy là tai của kẻ hay "kiếm chuyện làm quà"! Loại người này khi đã bị "vạch mặt chỉ tên" thì dễ "cụp tai" lại như "chó cụp đuôi" thôi!

"Trên bảo, dưới không nghe" vốn là căn bệnh dễ mắc phải của đấng mày râu; nhưng thời nay, cụm từ ấy còn được dùng để ám chỉ cảnh kỷ cương không nghiêm, cảnh "cá mè một lứa", không ai bảo được ai; hoặc cũng để nói về tình trạng "người trên ở chẳng chính ngôi, để cho người dưới chúng tôi hỗn hào", như dân gian thường nói.

Thế đấy! Có đôi tai lành lặn để nghe, nhưng nghe như thế nào và ứng xử ra sao để thể thể hiện là người có “văn hóa nghe” quả thật không đơn giản chút nào!

Sưu tầm

Gửi Vũ Anh


Ảnh chụp Vũ Anh và Khắc Việt ở hồ cá vàng trong công viên ở Nam Ninh (hay là ở Quế Lâm?). Đằng sau là Đỗ Nghĩa đang loay hoay chụp ai đó.

Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2008

Giới thiệu truyện ngắn của lính Trỗi

Không ngủ được! Dậy sớm sang BẠN TRỖI thấy có “tác phẩm” mới “KỶ NIỆM” mới của “nhà văn” Duy Đảo K6 lính Trỗi, một "phát hiện" mới của BẠN TRỖI. Đọc hay, có nhiều cảm xúc rất đời thường…có lẽ hợp với tâm trạng của nhiều lính Trỗi. Út Trỗi giới thiệu anh em đọc 2 truyện ngắn KỶ NIỆM NGÀY ĐẦU TÔI NGHỈ HƯU của cùng tác giả.

Trân trọng kính mời !

Âm nhạc: Giới thiệu tác phẩm "Canon in D"

"Canon in D Major" của nhà soạn nhạc người Đức - Johann Pachelbel hay còn gọi tắt là Canon in D được viết vào khoảng năm 1680, ban đầu là dành cho ba violins và bass, nhưng hiện nay thì nó đã được chơi bởi đủ các thể loại, kể cả guitar điện, hoặc là trình bày qua phong cách accappella, hoặc đặc biệt hơn nữa là chơi bởi nhạc cụ dân gian của Trung Quốc. Dù cho chơi với nhạc cụ nào đi chăng nữa, thì mỗi lần nghe Canon đều cảm thấy rất dễ chịu và thoải mái vô cùng.

Canon in D có lẽ là bản nhạc cổ điển được chơi lại theo các phong cách khác nhau nhiều nhất trong lịch sử âm nhạc cổ điển. Các nhạc sĩ có thể viết lại cho những thể loại nhạc cụ khác nhau, hoặc có thể dùng một phần giai điệu kết hợp vào trong tác phẩm của mình. Để cảm nhận thêm những nét đẹp của canon ở một phiên bản lạ,
xin mời nghe tại đây

Danh Sách IP & Post (bổ sung)

Để vượt tường lửa tôi hay dùng Proxy của Australia (Xem hướng dẫn và đọc thêm phần hướng dẫn cài tính năng chuyển Proxy, trên Blog), Proxy Free có tại địa chỉ sau:
http://www.proxy4free.com/page1.html. Dưới đây là danh sách những Proxy tôi hay dùng. Proxy thỉnh thoảng thay đổi, nên ta có thể thay thế địa chỉ IP khi cảm thấy khó truy cập hoặc không truy cập được vào blog. Riêng địa chỉ IP: 165.228.128.11 Port: 80 tôi dùng gần nửa năm nay (tại Hà nội) chưa phải thay đổi. Đây là một số IP của ngày hôm nay (12/1/2008):

IP: 165.228.128.11 Port: 80

IP: 165.228.131.12 Port: 80

IP: 165.228.129.10 Port: 3128

IP: 165.228.131.10 Port: 3128

Làm theo như cách trình bày của "Trần Tiên sinh" là ổn.

PS: Mấy hôm nay mạng tại HN rất "củ chuối" truy cập vào chậm, nhưng vẫn vào được.

Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2008

Trả lời ông "Help me"!

Ông bạn giống Hồng Anh k8 lần nào gặp cũng nói: "Em vào blog rồi, vui lắm!". Nhưng khi đến nhà hỏi vào thế nào thì trả lời: "Fire-wall!". Chuyện vặt, chỉ vài đường chỉ dẫn là Hồng Anh vào được ngay Uttroi, bantroi. Sướng!!! Xoẹt 1 cái là xong!
Vậy xin thưa trình tự như sau:
1. Nếu dùng trình duyệt IE (Internet Exploirer) thì:
- Vào Tools -> Internet options -> Connection -> LAN settings:
- Use this Poroxy...
- Address: 165.228.130.10 và Port: 3128
- OK
- Thoát OK. Vậy là xong!
2. Nếu dùng trình duyệt Firefox (cáo lửa):
- Vào Tools -> Options -> Advanced -> Network -> Settings -> Manual proxy configuration - Cho Add và Port - OK - OK!
Xong!!!

HELP ME !

Chán quá, không hiểu do mạng hay mình dốt mà mỗi lần vào theo đúng như chỉ dẫn của "uttroi.blogspot.com" là lúc được, lúc không. Nó chỉ hiện lên 7 or6 reations, click vào mỗi reation thì "the page can't be displayes". Đành vào http://www.bloger.com để cầu cứu ông "quản trị" uttroi.blogspot.com đây. Lý do vì sao vậy? Hãy hướng dẫn tôi theo đ/c mail: anh55k7@yahoo.com.vn, để tôi còn có chỗ sinh hoạt chứ?

TẾT CỦA TÔI Ở TRƯỜNG TRỖI

Tết sắp đến, tôi nhớ lại tết ở trường Trỗi. Chúng mình chỉ có một lần ăn tết ở trường. Đó là tết Mậu thân năm 1968 tại trường mới ở Quế Lâm.

Hồi đó, hình như tôi còn nhỏ quá nên nay nhớ lại tết đó đối với mình chủ yếu là mấy ngày được nghỉ học, sáng không phải dậy tập thể dục và ăn ngon hơn. Hối đó, các thầy cô và chị nuôi còn gói bánh chưng cho toàn trường ( ko nhớ mỗi đứa được bao nhiêu phần 1 cái bánh ?).

Ấn tượng nhất của tôi vào dịp tết này là 2 “sự kiện” xin kể ra sau đây :

Sáng mùng 1 tết, khi đó tôi đang ngồi trong chuồng xí (nằm gần tường rào phía bên trái từ cổng đi vô) vừa giải quyết chuyện riêng vừa xem mấy con giòi có đuôi (“đặc sản” của Quế Lâm) thì nghe loa truyền thanh của trường phát đi bản tin đài tiếng nói VN thông báo cuộc tiến công nổi dậy của quân dân ta ở khắp miền Nam. Nghe tiếng các bạn ở bên ngoài reo hò, tôi quýnh quáng tự chửi thầm : không hiểu sao mình lại ngồi đây xem mấy con giòi vào đúng mùng 1 tết, vào đúng lúc này – thời điểm lịch sử của dân tộc. Đan mạch nó !

Ngày hôm sau thì phải, tôi cùng một bạn (hình như là Thiệp “bệu”) đi loanh quanh trong trường rồi quyết định xuống Căng-tin để tiêu xài nốt mấy hào còn sót lại trong năm cũ. Vừa tới cửa căng –tin tôi thấy một đám ngồi ngay hành lang đang cười nói rôm rả “vui như tết”. Nhìn lại thì đó là đám Lượng “phẩu”, Hồng “lồi”, Hòa “tàu”, Thành “vẹo” … khoảng gần chục mạng xúm xít bên chai rượu trắng “ăn nhậu” vui vẻ với vài cái bánh ngọt và hút thuốc “Hướng Dương” thơm phức. “Hà mèo, uống một miếng mày !”. Tôi nhấp một ngụm, thấy người nóng bừng bừng và cảm nhận ngay là mình đang “nhậu”. Thật là “sướng” ! Chai rượu vơi dần trong niềm hân hoan, cực kỳ phấn khích của của cả bọn. Đúng là tết không có cha mẹ thì mới được “uống”, mà uống hết cả 1 chai, theo tôi nhớ là khoảng 250 ml. Một đứa nào đó hát vang bài “Cachiusa” bằng tiếng Nga (không biết có đúng không?) và ngắm tuyết lần đầu tiên thấy trong đời. Đúng là cảm giác đang ăn tết ở nước ngoài. Cảm giác mà nhiều năm sau tôi phải nhiều lần nhận nó, nhưng kkông hề vui như lần này !

39 cái tết đã qua, nhưng mỗi lần tết đến tôi lại nhớ chuyện này mà bây giờ mới có “cơ hội” để kể lại. Vì chỉ có “lính Trỗi” mới hiểu. Cám ơn các blog của trường Trỗi !

Đôi dòng tản mạn

"Kìa sao bé không lắc", đi ngang qua nhà trẻ nghe giai điệu của bài hát mà lòng thầm nghĩ: Chúng nó thế mà khôn, cô dụ thế nào cũng không lắc. Đây các ông, các bác, các chú mới có lắc qua trái, lắc qua phải rồi gật có nửa cái thì vụt một phát thời gian đã qua hơn 40 năm. Cứ như chuyện cổ tích. Lẹ thật, mới ngày nào còn là những chú bé loắt choắt, mũ thì đội lệch, ba lô xộc xệch từ Đại từ rồi sang Quế Lâm. Nhiều chú nước mũi thụt ra, thụt vào (L.J) lâu lâu đưa tay quệt ngang một cái. Chú thì tối về còn "dấm đài" xuống bạn nằm dưới...rồi thì những trò nghịch ngợm khác nữa, đủ hết. Vẫn còn đây vết sẹo dưới cằm bị thầy (NGH) cầm chân giật xuống giường...vì vụ bắn ảnh Bác Mao do hai chú Văn Hùng và TPhúc đầu têu. Qủa là tính thế nào, nghề như vậy. Một chú bây giờ giống y chang con cháu Tưởng Giới Thạch chuyên ngồi "xitdca", ấy quên ngồi ESCAPER đi bắt trẻ em "gai... sắc." Một chú phục phịch như ông địa thì hành nghề thày cãi. Còn các đàn anh thì sao? như Tám Tự, Ph Bình, K5 có Tr.Huấn, Qu Việt...lôi đàn em ra vườn đào một cách bí mật, lúc đó hồi hộp thật vì tưởng được kết nạp vào bồ T... hoá ra mấy ông thì thào rằng: Mầy còn "hìu" không? đưa anh đi mua "Dungsi, hoa hồng" thằng em vội móc hết đưa cho các đại ca. Chuyện kể ra không hết. Tôi chơi với nhiều bạn khoá trên và khóa dưới (k6,k8), nào là T.CHIẾN giỏi vẽ, 12 tuổi đã biết yêu (tiết mục kể chuyện đêm khuya của cậu ấy). Thế "đun... huyền" bắn súng cao su rất mả, hai thằng mài chung hộp thịt ông "Bô" gửi lên, ở giếng Trung hà văng hết cả ra. Hai thằng như bóng với hình, sau lại đi lính Hải quân cùng nhau. Mới đây mà đã đi theo các bậc tiền bối, thật là buồn. Ở lớp K8 thì cũng nhiều như Đạt" bột" một thằng bạn cực kỳ tốt bụng, một kho lương thực dự trữ mỗi khi các bạn hết thuốc, hết đồ ăn, luôn quan tâm đến bạn bè. Còn nhớ mãi hai thằng cùng đi dạo một tối mùa đông dưới mưa phùn ở Hải phòng khi còn là lính hải quân. Đại "mũi to" thì cùng nhau đi "bắn tỉa" mấy em gái quê ở M.Đúc (Thủy nguyên - Hải phòng). Điền "Thối" khi còn ở Sơn tây (khi học ở trường Sĩ quan pháo binh) lúc đó anh em Tạ Hòa cũng ở đó. Rồi còn Ch Hòa, Qu Sơn...kỉ niệm với anh em Trỗi thì còn nhiều mà hồi ức thì bao giờ cũng lộn xộnvụt đến, vụt đi trong tâm trí. Anh em Trỗi thì cũng như mọi người, có người thế này, có người thế kia, có tốt có xấu ...Nhưng trên hết, là cái chất Trỗi không thể lẫn vào đâu khi đứng giữa bao người khác. Cái chất mà không định nghĩa được, ngang tàng, bạt mạng chẳng sợ ai mỗi khi cần thể hiện. Nếu muốn thì lịch sự như thể người Tràng an. Ăn nói thì dí dỏm, tưng tửng dễ gây cười...Tất cả chỉ có trong kiến thức riêng do trường Trỗi đào tạo. Lính Trỗi đứng riêng ra vẫn không lẫn với người khác (đó là nhận xét của nhiều người ngoài mà tôi nghe được) khi đứng chung lại thì hợp thành một khối vững mạnh. Tự hào thay! Sau chuyến đi Quế lâm, tôi cảm nhận được nhiều điều. Vui có, buồn có (cũng có chửi nhau, rồi đòi "tay bo"đấy) nhưng điều to lớn cả mà tôi nhận được là TÌNH BẠN TRỖI. Biết bỏ qua được những tiểu tiết nhỏ, biết quan tâm tới nhau hơn để giữ cho được những cái chung của trường Trỗi. Chúng ta bắt đầu bước vào tuổi già thì hay dỗi, bản tính khó đổi thôi thì hãy biết cách chấp nhận những đức tính của nhau, để giúp đỡ nhau và cùng dắt tay nhau "đi về nơi xa lắm...". Đôi dòng tản mạn, dài dòng văn tự... ai không ngủ được, Click một cái, đọc rồi ngủ ngáy "CIAO".

Thứ Năm, 10 tháng 1, 2008

Xin đuợc thông báo!

Anh em nhà 99 biết sống vì anh em nên được mọi người yêu qúy. Có chuyện "chỉ là việc nhà" nhưng không thông báo thì thật có lỗi. Vậy xin được chia vui!
Chiều 14/1/2008 tại Nhà khách Chính phủ 12 Ngô Quyền, Bộ Ngoại giao sẽ chủ trì lễ trao tặng Huân chương Sao vàng cho gia đình lão đồng chí Trần Tử Bình. Cuối năm 2007, đúng dịp kỷ niệm 100 ngày sinh (1907-2007) và 40 năm ngày mất (1967-2007) của cụ, Chủ tịch nuớc đã kí quyết định điều chỉnh mức khen thưởng. Nếu không có gì thay đổi thì Chủ tịch cũng sẽ có mặt trong buổi lễ. Đặc biệt hơn, lễ truy tặng được tiến hành tại chính Bắc Bộ Phủ nơi cha chúng tôi cùng đồng chí Nguyễn Khang chỉ huy lực luợng cách mạng từ Nhà hát Lớn tiến vào cướp chính quyền ngày 19/8/1945.
Biết nhiều người quý mến gia đình muốn đến chia vui nhưng vì số luợng khách tham dự giới hạn. Mong đuợc sự cảm thông!
Cũng từng nghĩ "huân chương không lấy..." nhưng thật ra đây là việc làm rất có ý nghĩa cho con cháu sau này. Qua lần này có thêm kinh nghiệm, hơn nữa thấy nhiều phụ huynh của bạn Trỗi còn chưa được làm đầy đủ các chế độ khen thưởng nên xin sẵn sàng tư vấn giúp anh em.

CHUYẾN ĐI QUẾ LÂM CỦA KHOÁ 7

Tuổi trên 50 mà ngỡ như trẻ thơ !

Thứ Tư, 9 tháng 1, 2008

Xin chào tất cả các bạn !

Xin chào tất cả các bạn : “TRỖI LỚN & TRỖI BÉ”. Tôi là Vũ Anh K7, được nghe nói về blog của các bạn (tiếng lành đồn xa) rằng: Các blog này có tiêu chí lành mạnh, không có những kẻ chọc ngoáy lung tung...và tôi đã mò vào đọc và thấy quả đúng như mọi người nói. Chính vì vậy mà ngày càng nhiều anh em các khoá đến với các bạn. Xin chúc mừng & mong các bạn giữ được sự trong sáng của các blog của mình và ngày càng có nhiều thành viên mà tôi cũng sẽ là một thành viên của các bạn.

Vũ Anh K7

THƯ GIÃN GIỮA TUẦN

Em thưa cô! ...

Đây là 3 em mèo của HB. Nhìn thấy tư thế lạ bèn lấy máy ảnh chụp liền mà không dám bật đèn trong phòng sợ nó thay đổi mất đâm ra mắt trông như đèn pha! Không biết ae có thích xem ảnh mèo không cứ post 1 cái để mọi người thư giãn sau những bài "nghiêm trang".

Thứ Ba, 8 tháng 1, 2008

Thông báo

" Gửi các bạn !
Tôi là Bùi Thắng, B2 K8, tôi thấy, tôi nghĩ! tôi có trách nhiệm hoàn thiện danh sách khóa mình.

Hôm 22-12-2007 vừa qua có 36 bạn đã đi về thăm trường cũ tại Hưng Hóa và Trung Hà.
Nhờ vậy danh sách đã được bổ xung thêm.
Nhưng vẫn còn thiếu nhiều, vì vậy nay tôi gửi tạm bản danh sách này (7/1/2008) để các bạn biết và cùng tôi bổ xung thêm nhé!

Bản danh sách này tôi đánh máy lại đưa vào danh sách lập năm 1995, khi kỷ niệm 30 năm thành lập Trường, sau đó cập nhật năm 2004, 2005, 2006 nên nhiều thông tin đã cũ và lạc hậu.

Thông tin sửa đổi bổ xung cho bạn và những bạn khác, xin gửi cho tôi để tổng hợp nhé!

Xin thông báo và mời các bạn vào xem trang tin (Blog) của ÚT TRỖI đã hoạt động được 6 tháng, có nhiều tin về trường, về anh em, nhiều bài viết hay và ảnh về hoạt động của anh em trường Trỗi.

Hẹn gặp lại! trên mạng và offline nhé!"

Bùi Thắng B2 K8

Trên đây là những lời nhắn gửi của Bùi Thắng tới anh em.

Sau một thời gian chỉnh sửa và bổ xung thông tin, danh sách anh em K8 tại Hà nội đã được hoàn thiện tương đối đầy đủ. Tuy nhiên vẫn còn 13 bạn và số anh em ở nước ngoài, thực sự chúng tôi thiếu thông tin. Qua danh sách đã được công bố trên Út Trỗi, bạn nào nắm được những thông tin còn thiếu trong toàn bộ danh sách khóa 8 xin gửi về địa chỉ uttroi2007@gmail.com để có thể hoàn chỉnh một cách đầy đủ và chính xác. Chân thành cảm ơn Bùi Thắng, người đã rất tích cực trong công việc này.

Danh sách K8 xem tại đây