Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Năm, 24 tháng 1, 2008

Một ngày của tôi

Sáng, đưa con đi học rồi tạt về 99 lấy xe đi rửa. Hà Nội mấy hôm nay mưa phùn, lớp nhớp. Bẩn. Nguyễn Gia Thiều là chợ rửa xe. Mấy chú xịt, rửa rất “prồ”, mất có 15’ đợi nhưng giá thì “chát” hơn Sài Gòn, chỉ rửa và hút bụi mà vặt những 35 khìn! (Trong kia chỉ 25. Còn tổng vệ sinh toàn xe thì 350, trong Nam 250). Thủ đô có khác, cái gì cũng chát xình chát chát bùm!!! Có xe sạch tạt qua đưa chị Niệm và ông Yang tới Trường PTTH Việt-Đức làm việc. Làm vậy cho trọn tình. Sáng nay khô nhưng giá lạnh.

Sau đó tới Nhà tang lễ. Các bạn k4 có mặt khá đông, cả thầy Bân. Quang Bắc làm trưởng đoàn của Trung tâm đến viếng. Anh em Trỗi k3 có Nguyễn Hoàng (Côn), k5 có Vinh “còi” (ông này vào viện 1 lượt với Trương), k8 có Vinhnq, k9 có Giang “mù”… Chị em C11 k4 có mặt đủ. Gặp nhiều bạn cũ ở Viện KTQS. Đoàn Trường Trỗi đúng 9g vào viếng. (Tin đám tang mời xem trên Bantroi!). Đúng 10g truy điệu. Sau đó, mấy anh em rảnh đi xe con đưa Trương về nơi an nghỉ cuối cùng. Nhóm này có Hữu Thành, Văn Tuyết Mai, Tuấn “tỉn”, Hoàng Hùng, Đại Cương, Giang “mù”, Bình “cận”, Văn Công Phước.

Xe theo xa lộ đi sân bay rồi rẽ trái về Ao cá Bác Hồ. Cay cay sống mũi khi quay lại con đường xưa. Xa nó đã đến 30 năm. Ngày trước, tụi tôi mỗi lần về Hà Nội tòan đạp xe từ Vĩnh Yên, rẽ đồi Thanh Tước rồi theo đường này về Chèm. Ấn tượng nhất là những ngày sát tết. Trời lạnh cắt da, nhưng trong lòng rộn ràng phóng về Hà Nội, sau xe buộc ba-lô với thịt, gạo nếp và hộp mứt. Thấy xe đạp, xe máy đi ngược buộc sau những cành đào Nhật Tân. Ao cá giờ bẩn thỉu, đầy rác, bị thu hẹp, con đường bao quanh đã biến thành chợ. Lộn xộn. Đường từ đây lên Thanh Tước khoảng chục cây số nhưng sóc vì xe tải lớn, chở đất đá xây dựng thị trấn Mê Linh, phá nát đường. Ruộng 2 ven đường không còn trồng su hào, bắp cải như xưa mà toàn trồng hoa. Nào cúc, violet, nào hồng… Bạt ngàn cánh đồng hoa. Đời sống nông thôn nhờ vậy mà khởi sắc. Trước khi đến Thanh Tước là thị trấn đang xây dựng. Mặt bằng thị tứ trong tương lai được san ủi. Bụi mù. Đã có các khuôn viên cho bệnh viện, trường học, phố xá.

Bên phải nghĩa trang là đồi 79 Mùa Xuân nơi Bác đã nghỉ chân trên đường đi công tác. Trước kia, qua đây thì biết là nghĩa địa của dân công giáo Phúc Yên (toàn mộ có gắn thánh giá) nằm trên đồi thông. Nay là 1 nghĩa trang công viên khá đẹp. Đại Cương rất kinh nghiệm nên mang theo nước, bánh mì, giò chả và cả R. Cũng vừa 12g, cả bọn ngả ra đánh chén. Hữu Thành không quên nháy mấy pô. Sau đó anh em lên thắp hương cho má của Cương. Cụ nằm trên đồi cao, lộng gío, nhìn xuống khu đô thị mới.

Sau đó, anh em xuống thắp hương cho mộ bố của Bình “cận”. Khi đi đã nghĩ sẽ thăm mộ Trung Việt. Lang thang trong khu A10 thì thấy mộ bạn ngay mặt tiền. Ảnh gắn trên bia hơi bị trẻ. Thắp hương cho Việt xong, đang lang thang tìm mộ bác Chi (bác vợ, bố Dũng “dốt” k8) thì nghe Giang lẩm bẩm: “Cụ này dân Quảng Ninh quê tôi”. Nheo mắt nhìn lên ảnh thì nhận ra mộ bác mình. Thật là mừng! Trứoc đó gọi cho Dũng thì chỉ biết bác nằm gần mộ 1 chú Palestine. Đi quá thì thấy mộ chú. Chú nằm cùng hàng với Văn Tiến Huấn (bạn trong bồ đàn với tôi và Chí Hòa. Khi Huấn đi học ở Odessa thì Chiến “thộn” thế chân. Nay cả 2 ông bạn đều đã đi xa!). Lúc thắp hương cho Huấn, tôi lẩm bẩm: “Khi mày đi tao không có mặt, nay mới đến viếng thì thấy có thằng lính gác cồng là người nước ngoài. Thế là ổn!”.

12g30, đoàn xe đưa Hồ Trương mới lên đến nơi. Khi chờ đến giờ làm lễ hạ huyệt, loanh quanh thế nào tôi lại tìm được mộ cô Tụy Phương, Giám đốc Trại Nhi đồng Miền Bắc những năm đầu 1960 mà nhiều lính Trỗi đã được bố mẹ gửi tới học. Số học sinh của cô có Văn Tuyết Mai và Tuấn “tỉn” cũng có mặt chiều nay. Chúng tôi cùng ra thắp hương và kể chuyện về cô.

Sau các thủ tục hạ huyệt, đặt vòng hoa, thắp hương, cảm ơn… thì lính Trỗi là những người ở lại cuối cùng với gia đình. Chai Chivard của Phước tặng Hữu Thành và Hồ Trương chưa kịp khui đã được mở ra uống với bạn. Rồi cả nhà làm theo chúng tôi, rưới R xuống mộ xong nhấp một ngụm với Trương. Có ông nào đó trách mở R sao không mời người già trước, anh em trả lời: R này để uống với bạn mà!

Giờ chia xa cũng đến. Bạn vĩnh viễn nằm đây! Khi những xẻng cát được lấp dần xuống mộ mới thấm lời bài hát của Trịnh “hạt bụi nào hoá kiếp riêng tôi, để rồi một mai…” và nay Trương lại trở về với cát bụi!

Về tới nhà Cương, anh em ngồi ngay Bia Hải Xồm truớc cổng, làm mấy vại. Vân Hùng thấy có bạn cũng dừng xe. Lại chuyện bạn mình.

Tối, đúng hẹn, anh Bùi Vinh, trưởng BLL, có mặt tại Quế Lâm Tửu quán (ngõ 15 Tạ Quang Bửu, Đại học Bách Khoa). Anh Khảm k3 đón ông Yang, chị Niệm, Long và Vũ Chu đến sau. Thật vô tình trên TV có phim tư liệu về Đại cách mạng Văn hoá. Anh em vừa xem vừa hát theo các bài hát trong phim. Quốc Khánh, Chấn Định – 2 láopản (ông chủ) - chuẩn bị bữa cơm gia đình với các món chế biến từ thịt gà chọi. Ngon. Đại Cương, Văn Tuyết Mai, Giang đến hơi muộn. Tiệc không chỉ có R của Chấn Định mà còn có cả Lảo Guilin (Ông già Quế Lâm) của khách mang tới. R ngon mà có bạn hiền thì chỉ từ... nhất trở lên! Ngôn ngữ (với đủ thứ tiếng Anh, Hoa, Việt) pha lẫn hơi men, nổ liên tịch. Ngồi với bạn bè, Khắc Việt chợt nảy ra idea mở “Đặc sản quê Việt” ở Quế Lâm, phục vụ cánh sinh viên Đại học Sư phạm Quảng Tây. Chúc bạn thành công! Còn chị Niệm hứa tư vấn cho Khánh và Chấn Định vài món độc chiêu câu khách của đầu bếp Guilin. Thật là vui! Neng Chiang Yang thật cảm động khi đuợc lính Trỗi tiếp đãi chân tình đã hẹn ngày tái ngộ.

Hết 1 ngày!


1 nhận xét:

  1. Biết tôi lo lắng, chiều nay dù rất bận, Dương Minh vẫn gọi ra: "Yên tâm nhé, đã giao 1 xe và 1 tài cho chị Niệm dùng 2 ngày ở Tp. Đi các khách sạn, cuối cùng phải về Victory 3 sao, đã lấy phòng. Công việc: giao cả 1 Yellow Pages đầy địa chỉ các cty tư vấn du học cho chị Niệm". Vậy là xong.
    Xin cảm ơn Dương Minh! Anh em "vác tù và" ở đâu cũng vất vả như thế. Nói vậy để lính ta hiểu và sẵn sàng ủng hộ vì hoạt động chung.

    Trả lờiXóa