Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Ba, 8 tháng 1, 2008

Học đứng và học đi

Tuy anh em chúng ta cũng đã ‘Over 50” nhưng thấy bài này vẫn có giá trị đối với chúng ta, UT đăng lên đây để mọi người cùng tham khảo.

Đứng và Đi bằng hai chân, là hành vi đánh dấu sự tiến hóa đặc biệt của con người. Vậy mà người ta vẫn phải nhắc nhau: “Hãy đứng (hoặc hãy đi) bằng chính đôi chân của mình!” Thế có nghĩa là, trong thực tế vẫn có kẻ (lành lặn hẳn hoi), đứng và đi bằng chân người khác.
Đứng và Đi luôn luôn khăng khít với nhau. Không ai đứng mãi một chỗ - đứng như thế có ngày ngã qụy, bởi chồn chân mỏi gối; cũng không ai đi mãi, đi mãi tất phải dừng - không thì cũng chẳng còn hơi sức đâu mà đi. Người ta có thể đi bộ liên tục nhiều tiếng đồng hồ, nhưng chẳng mấy ai đứng yên một chỗ nổi một tiếng/ Đứng rồi Đi, Đi rồi lại Đứng; hai trạng thái ấy cứ thế luân phiên, kế tiếp nhau trong suốt quá trình sống của mỗi người, trừ trường hợp bị bại liệt.

Đứng không phải là sự tùy tiện, mà cũng phải tuân theo pháp luật. Có những nơi không nên đứng, không được đứng. Có khu vực cấm đỗ xe cơ giới, mà cứ phớt lờ, cho xe đỗ, là vi phạm pháp luật. Có chỗ chẳng cấm, nhưng xét thấy chẳng nên đứng, nên dừng, thì cũng lặng lẽ mà đi đi; chứ đứng lại, e bị coi là người thiếu văn hóa.

Đi - càng phải tuân theo pháp luật: phải đi đúng làn đường dành cho mình; cho dù đi bằng chính "đôi chân của mình" hay đi bằng các phương tiện cơ giới. Vượt đèn đỏ hoặc vượt ra ngoài các hàng cọc tiêu, giải phân cách... sớm muộn sẽ gây tai nạn, sẽ rơi xuống sông, xuống vực. Nghĩa là không được vô phép tắc theo kiểu: "đường ta, ta cứ đi".

Đứng cũng có nhiều "thế" khác nhau: Đứng thăng bằng trên dây là thế đứng chênh vênh, chỉ những nghệ sỹ xiếc mới dám làm. Đứng trên vai người khác lại là thế đứng không của riêng nghệ sỹ xiếc, mà người thường nhiều khi cũng áp dụng. Không chỉ đứng, bọn người này còn sẵn sàng đạp lên vai, lên đầu, lên cổ đồng đội để đi tới.

"Đứng dạng chân chèo", "đứng tấn", là những thế đứng chắc khỏe của người lao động và của các võ sỹ. Nhưng đứng một cách thực sự chắc khỏe, dạng chân chèo cũng chẳng bằng, đứng tấn cũng xin thua; đó chính là cách đứng... dựa vào thế người trên nhiều quyền thế.

Đứng núi này trông núi nọ, là kiểu đứng thể hiện sự tham lam, không tự đánh giá được mình.

Đứng quay lưng lại thực tế, quay lưng lại nỗi bất hạnh của đồng loại, là thái độ đứng vô trách nhiệm.

Người tự trọng và biết tôn trọng người khác, mỗi lần sắp đi đâu đó, thường đứng trước gương để chải tóc và sửa soạn y phục cho chỉnh tề.

Đứng trước ngã tư đường đời, người khôn ngoan bao giờ cũng thận trọng lựa chọn trước mọi quyết định...

Hành vi Đứng còn gắn với thái độ ứng xử nữa: Đứng thắp hương trước ban thờ gia tiên, cần nhất là lòng thành kính chứ không phải mâm cao cỗ đầy. Đứng trước Nhân dân cần sự trân trọng. Đứng trước bề trên phải cung kính lễ độ; trước bề dưới phải ân cần chu đáo. Không ỷ quyền thế, tùy tiện huơ chân múa tay, nhất là trước đám đông dân chúng.

Mỗi bước đi, thường có mục đích; vừa thận trọng vừa quyết đoán, giống như người chơi cờ: có nước tiến, có nước đi ngang, thậm chí có nước tạm lùi, "lùi một bước để tiến nhiều bước". "Bước đi vô định" hoặc "Nhắm mắt đưa chân" thì sớm muộn cũng gặp tai họa.

Bây giờ ra đường, nhiều bạn trẻ hễ ngồi lên xe là rất thích phóng nhanh và vượt lên trước người khác, cho dù người ấy là ông già bà cả. Vượt thì cũng được thôi, nhưng vượt theo kiểu chèn trước mũi xe người khác; vượt và rẽ ngang mà không thèm có tín hiệu báo trước, thì gây tai nạn là cái khó tránh khỏi. Gây chuyện rồi, đáng nhẽ phải dừng lại cứu hoặc xin lỗi người bị nạn, thì nhiều bạn trẻ lại phóng xe đi và cười hô hố.

Xem thế đủ thấy: Tư chất của mỗi một con người thể hiện qua Đứng và Đi! Một khi đã không đàng hoàng trong đi và đứng, thì không thể đàng hoàng trong cư xử, trong ý thức và trong hành động. Một người ĐI, ĐỨNG ĐÀNG HOÀNG, thì bao giờ phong cách sống cũng ĐÀNG HOÀNG. Nói cách khác, muốn biết một người nào đó có phải là con người ĐÀNG HOÀNG hay không, hãy quan sát anh ta ĐI, ĐỨNG có ĐÀNG HOÀNG hay không!

Chúng ta tập đứng, tập đi từ tám, chín tháng tuổi. Lớn lên, lại đi đó đi đây, trong nước, ngoài nước có cả; ấy vậy mà đến già, có khi vẫn phạm lỗi trong ĐI, ĐỨNG; chưa biết ĐI, ĐỨNG thế nào cho phải phép! Quả có thế, xin thưa!..

Sưu tầm

6 nhận xét:

  1. Theo tôi bài này và các bài "Suy ngẫm !!!", "Bức Tranh bị Bôi Bẩn", "Những nghịch lý của cuộc sống", "Có một cách tư duy khác về hệ thống", " Lực – Trí – Tài - Quyền - Thế - Đạo", "Quyền lực là thách đố"…đều là những bài CÓ TẦM CỠ, kfải ai cũng viết được, có khi fải là Bậc CAO TĂNG, và càng kfải ai cũng lĩnh hội thấu đáo - nó làm cho 1blog trở nên Hài Hòa giữa ĐỜI và ĐẠO, thiếu vế nào cũng mất đi tính hấp dẫn
    ------------
    Mọi khi tui hay giỡn, tự nhiên hôm nay lại Chiêm Nghiệm dở hơi
    Tui có tìm lại cái bài gì HCQ viết về ”2 Quyền Lực, Xung Đột…” mà chưa thấy – nếu có thể, a HCQ post lại vào comment 1 lần nữa được k? Thanks !

    Trả lờiXóa
  2. Bàn một tý cho vui nhé !

    Cái bài luận về triết lý "Đi và Đứng" trong cuộc đời này -chắc của bác nào làm trong cảnh sát giao thông-cũng hay hay ,làm cho anh Lếch cảm động đứng đắn hẳn lên .Đọc kỹ thấy có phần hơi gò ép bởi cách ví dụ cụ thể quá làm cho phần triết lý bị mờ đi,đọc thấy nặng .
    Quấy đảo thêm:
    Đứng rồi Đi,Đi rồi lại Đứng cứ thế luân phiên suốt cuộc đời thì cũng gay,vậy nên chăng :
    Đứng, để quan sát xem mình đứng chỗ nào,suy nghĩ xem mình đã đi được bao nhiêu ,xác định cho rõ hướng đi tiếp,tính tóan thời gian và sức lực cho quãng đường tiếp theo .
    Đi, theo hướng mình đã định, với tốc độ hợp lý sao cho quãng đường đi được dài nhất và an tòan nhất.
    Ăn,để bù lại năng lượng vật chất đã mất đi và là lúc chiêm nghiệm những đắng cay ngọt bùi của cuộc đời,để mang lại sự phấn khích cho quãng đường tiếp theo.
    Ngủ,để rũ bỏ những mệt nhọc về thể xác và tinh thần,để mơ những giấc mơ đẹp hoặc không đẹp,cho tâm hồn được phiêu du ,cho con người được bay bổng, để rồi khi tỉnh dậy lại trở về thực tại và lại bắt đầu một ngày mới.

    Bàn thêm có vậy,bác nào hứng thì cứ bàn tiếp ,khối chuyện ,nào lấy vợ gả chồng để có thêm bạn đồng hành lúc đường xa vạn dặm lúc ĐI,nào sinh con đẻ cái cho đủ bát đủ mâm lúc ĂN,nào chui vào chỗ râm mát mà ĐỨNG cho khỏi nắng khỏi mưa,với lại làm thế nào để khi NGỦ thì đừng có ngáy to quá kẻo hàng xóm chạy đi báo công an...
    Thôi ,tán một tý thế cũng đã là nhiều ,chào các bác, em phắn .

    Trả lờiXóa
  3. "Đi và Đứng" hai việc quá dễ dáng với mỗi người , sao ngẫm lại thấy mình vẫn chưa làm được? Từ những việc nhỏ gợi ra nhiều suy nghĩ về cuộc sống, về nhân tình thế thái. Âu cũng là cái khổ (vì fải suy nghĩ, mệt óc)và cũng là cái vui ( tư duy có dịp hoạt động) của mỗi con người.

    Trả lờiXóa
  4. Đọc những bài như thế này cứ thấy thấp thoáng hình như có mình trong đó,cần phải chiêm nghiệm lại mình để sống tốt hơn.

    Trả lờiXóa
  5. Các cụ nói, nghe lời ăn tiếng nói, nhìn dáng đi nước bước, mà đoán được con người. Ấy là mới nói tới phần "đi đứng vật thể" thôi đấy, chứ xem xét tiếp phần "đi đứng phi vật thể" như bài viết thì còn nhiều thứ để suy ngẫm lắm.
    HCQuang K4

    Trả lờiXóa
  6. À quên, để mò lại xem bài "quyền lực" nó đang ở đâu. Hồi đó viết cho vui, nên không đặt tên chính thức theo hệ thống cây thư mục, thế là nó chạy vô góc kẹt nào đó trong máy, tôi cũng không biết nữa.
    HCQuang K4

    Trả lờiXóa