Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Tư, 10 tháng 12, 2008

CON DAO GĂM

Nhìn anh ba chiến sĩ Hải quân của Đạt,Khánh…Trẻ quá,thậm chí rất trẻ con, “ thế mà đi đánh nhau được ư..” và đúng là “ Một thời khói lửa , một thời nhiệt huyết ...Phải là người lính mới hiểu được tận cùng cái cảm xúc này .”

Tôi không có ảnh nhưng xin góp một chuyện của mình.

Đọc “ Nhật ký viết lại”, tác giả có kể trên đường hành quân bị mất một quả lựu đạn. Lại nhớ tới chuyện của mình, trên đường hành quân vào Nam, cũng đã để rơi con dao găm …

Làm anh nuôi dọc đường hành quân mùa mưa thật vất vả. Cứ sau mỗi ngày hành quân mọi người được nghỉ, mắc võng nằm, còn tôi lại là lúc bắt đầu công việc của mình. Cũng có vài người được cử xuống giúp anh nuôi, làm một số việc như lấy củi, đào bếp Hoàng Cầm . Việc cắt đặt phân công ấy, những người lính bình thường cũng còn có lúc được nghỉ ngơi, còn tôi thì quanh năm suốt tháng.

Thường cứ sau bữa cơm chiều, tôi phải tiếp tục nấu một nồi cơm to nữa, để nắm thành mấy chục nắm cơm cho bữa trưa của trung đội trên đường hành quân ngày hôm sau. Sáng ra, chia cơm xong, ăn vội ăn vàng , thu dọn nồi niêu xong thì đơn vị đã hành quân ra đến đầu làng. Úp vội 2 cái nồi quân dụng vào ba lô là vác súng đuổi theo đơn vị.

Củi lửa trong mùa hành quân mưa cũng là một vấn đề. Tôi đã biết tìm loại cây săng lẻ, khoang tàu để nấu cơm khi trời mưa gió, nhưng ban đầu cũng cần mồi cho có nhiệt củi mới cháy được. Vậy nên đi đường gặp bất cứ mảnh cao su nào lính vứt ( mặt nạ phòng độc hỏng, quai dép cao su) là tôi lượm, thủ túi cóc, để dành dùng nhóm bếp .

Những ngày ấy tôi đã phải cố gắng ghê gớm để theo được lớp đàn anh. Nhiều đêm hành quân mệt rũ nhưng chân vẫn đi, trong cái hàng quân ấy tôi như bị cuốn theo nhịp bước chung , nhiều lúc đi như mộng du và không cảm giác.

Một lần trên đất Hà Tĩnh, cũng hành quân trong đêm mưa, cũng trong tâm trạng vừa đi vừa ngủ. Khi đi qua một bờ mương nhỏ, tôi trượt chân ngã. Như một cái máy, tôi đứng dậy đi tiếp không hề có cảm giác gì sau cú ngã. Tôi cứ đi, mải miết theo đoàn quân…người mệt rũ

Áng chừng cũng sắp đến nơi, vô tình sờ vào bụng , thấy thắt lưng to* bung ra lúc nào không hay. Nắn quanh người, bi đông, lựu đạn, các thứ đều còn , riêng dao găm không thấy. Tôi buột miệng kêu :” Tôi mất dao găm rồi! “.

Đúng lúc ấy, tiểu đoàn phó Phong đi ngang, Ông đi đến chỗ tôi, hỏi giọng nghiêm khắc:” Đồng chí mất dao găm phải không? Làm sao lại để mất ?”

Tôi..tôi không biết mất lúc nào? Chắc rơi trên đường…_Tôi lắp bắp.

Vị Tiểu Đoàn phó gọi ngay B trưởng của tôi đến, ra lệnh :” Cho đồng chí ấy quay lại tìm bằng được ”.

Trung đội trưởng của tôi đứng thẳng người, hô :”Rõ!”.

Chả là sư đoàn tôi hành quân vào mùa mưa, có đơn vị khi vượt sông, vượt suối bị trôi mất súng. Riềng trung đoàn tôi, lính toàn là cựu binh đã từng đi vài chiến dịch ( chỉ có tôi là lính mới tò te nên phải làm anh nuôi). Lính tráng luôn tự hào là “anh cả đỏ” của sư đoàn nên việc có một người lính làm mất vũ khi là điều các cấp chỉ huy không thể chấp nhận.

Khi vị tiểu Đoàn phó đi khỏi, B trưởng quay sang nói với tôi :” Cậu chịu khó quay lại tìm nhé” giọng anh nhỏ nhẹ .

Cả trung đội nhìn tôi thương lắm, cả một đêm hành quân, sắp đến chỗ nghỉ lại phải quay lại. Biết rơi chỗ nào mà tìm . . lại lính mới nữa.

Có người nói : “ dại thế ! sao lại kêu lên để ông ấy biết”.

Anh Diệu , người từng bắt sống thiếu tá Đức (trưởng ban tác chiến lữ dù 3) trong chiến dịch đường 9 Nam Lào, thì thào :” Hành quân cả đêm mệt rồi, cứ về nghỉ, vào trong đó tao kiếm lại cho “

Không được, cậu phải quay lại, Đãi đi với cậu ấy _ Trung đội trưởng nói dứt khoát.

Tôi không còn cách nào khác, dù mệt và rất ngại nhưng vẫn thầm cảm ơn B trưởng, đã không để tôi đi một mình giữa đêm mưa khuya khoắt.

Tôi và anh Đãi ( trung đội phó) lặng lẽ quay lại. Đi bên người lính dày dạn , từng trải tôi rất yên tâm nhưng lòng áy náy . Tại mình làm anh ấy vất vả thêm, lẽ ra giờ này anh sắp được nghỉ ngơi. Hai anh em đi được chừng nửa tiếng , thấy bên đường mờ mờ có căn nhà nhỏ, tôi chỉ vào nói với anh :” anh nghỉ tạm ở đây, để mình em đi cũng được “. Trời tối om, Anh và tôi mò mẫm đặt ba lô nơi hiên nhà , bên trong chủ nhà chắc đang say giấc, anh bảo tôi :” đi thêm ít nữa không thấy thì quay lại, đừng cố, anh đợi ở đây “

Khoác khẩu AK tôi đi tiếp, ngược lại đường hành quân.Trời vẫn mưa, tiếng ếch nhái, côn trùng lúc rộ lên, lúc tắt lịm trong đêm tối âm u. Gió rít lạnh, tôi lầm lũi , âm thầm bước đi. Con đường sẫm mờ , loang loáng những vũng nước đọng trên nó, tôi cứ lướt ào qua , không cần tránh né. Tôi tỉnh táo trở lại, một mình giữa đêm khuya mưa gió buộc con người ta phải vậy. Mắt chăm chú quan sát mặt đường, tai lắng nghe từng động tĩnh nhỏ. Mải miết, cũng chẳng nhớ đi được bao xa nữa

Tôi đến được bờ mương, con dao găm vẫn nằm đó bên cạnh những dấu giầy ngập nước mưa của đoàn quân vừa đi qua. Tôi xụp vồ lấy, rưng rưng nắm chặt như sợ mất nó, sung sướng hơn được quà ngày bé. Mưa vẫn rơi không ngớt, sống mũi cay cay, tôi biết mình đã khóc, nước mưa tạt vào tràn chảy khắp mặt, làm tôi không còn nhận thấy vị mặn của nước mắt mình. Đúng là tôi đã khóc, vì những vất vả gian nan của đời lính và cũng vì tôi thấy mình đã dần vượt lên nó , từng trải hơn mỗi ngày.

Đường quay về như rạng hơn ra trước mắt dù đang trong đêm, bước đi tôi nhẹ nhõm. Con dao thô kệch, xấu xí mà hôm nay làm tôi cực thế. Bỗng tôi nhớ nhà, nhớ Hà Nội và mấy thằng bạn Trỗi . Ngày đó mỗi chúng tôi ai cũng có một vật báu nào đó. Đứa cái la bàn, đứa cái ống nhòm và dao găm là nhiều đứa có nhất, toàn đồ nhà binh. Nhưng con dao đẹp nhất là của thằng bạn rất thân, con dao của nó có nhiều tính năng, có thể làm cưa, làm kìm và mở được đồ hộp…Hình như nó nẫng của ông già thì phải. Ông già nó là tướng trận mạc, chiến dịch nào cũng đi. Con dao của ông đẹp thế mà mất, chắc Ông chẳng tìm lại được đâu. Nghe có lần ông lên tận trường, lục soát ba lô thằng con nghịch nghợm của mình, nhưng dao vẫn mất ..Vị tướng còn mất dao chứ đâu chỉ riêng mình, mà con dao đối với người lính, quan trọng thế sao? Hồi ấy, chúng tôi mê dao cũng chỉ để mỗi lần đi chơi dắt theo , làm le với đám bạn bè và hù dọa lũ con trai ngoài phố . Bây giờ đã mỗi thằng mỗi nơi, nghe đâu giờ nó là lính đảo, lính biển gì đó. Chắc cũng bị “hành” cho no bụng nước, rèn đến mặn cả người chứ kém gì. Để làm người lính thực thụ, thật không dễ…

Anh Đãi đón tôi vào ngồi nghỉ nơi hiên nhà tối om, bóc phong lương khô, anh đưa tôi . Dựa lưng vào ba lô, tôi nhâm nhi thanh lương khô, mắt thiu thiu ngủ. . .Khi mở mắt, mưa đã ngớt, trời đã rạng , thanh lương khô vẫn nằm trên tay. Nhìn xung quanh, quan tài xếp chồng quanh hiên nhà, đêm tối chúng tôi chẳng nhận ra những khối đen lù lù đó là gì. Căn nhà nhỏ vẫn im lìm không tiếng động như không có chủ.Thoáng rùng mình, ghê ghê nhưng giờ mọi chuyện đều là nhỏ. Ăn tiếp thanh lương khô , chúng tôi lặng lẽ rời căn nhà hoang lạnh, đi tiếp.

Gần trưa, tìm thấy đơn vị đang nghỉ trong một xóm núi nghèo. Những mái tranh lúp xúp nấp bên những bụi tre xơ xác, ủ rũ sau mưa . Gặp đại đội trưởng Lập, ông đang đứng ngóng thời tiết và ngắm dòng sông . Thấy anh em tôi về muộn Ông hơi ngạc nhiên, khi biết chuyện Ông cười vỗ vai tôi và nói:” con dao là đôi tay người lính đấy ,vào trong đó cậu sẽ thấy, không thể thiếu nó được ”.Tôi thoáng vui trở lại, Ông lại tiếp tục ngắm con sông dục ngầu bởi mưa nguồn, tôi tò mò hỏi sông gì. Ông bảo : “ sông Ngàn Sâu đó”.Tôi nghĩ chắc quê hương Ông gần đây. Nhớ mãi!

Mùa mưa 1972

  • Loại thắt lưng để đeo các dụng cụ và vũ khí của người lính. (To bản)

19 nhận xét:

  1. Cuộc đời người lính có bao nhiêu việc như thế, gọi là từng trải. Ai cũng từng trải theo thời gian, nhưng người lính trải qua bao nhiêu việc đáng nhớ nên thời gian đã từng của họ nhiều hơn. Bởi vậy họ không sợ dù là chết, có phải thế chăng?
    Riêng tôi, vẫn sợ chết lắm. Bởi thế tôi không dám nhận mình là thiếu sinh quân.

    Trả lờiXóa
  2. Trường ta không là TSQ nếu xét về NỘI DUNG HỌC và MỤC ĐÍCH ĐÀO TẠO. Là TSQ nếu xét về CÁCH SINH HOẠT và ĐƠN VỊ CHỦ QUẢN. Không NẠC, không MỠ, hơi giống...Ba Rọi :)

    Muốn bít rõ fải hỏi các Thày Cô hoặc cấp cao hơn. Thầy HT đã viết "tiến lên đoàn THIẾU SINH ta..." thì mình cứ hát thế nhé !

    Trả lờiXóa
  3. K8K9:
    Bác này có tố chất nhà văn, viêt chuyện còn hay hơn cả nhà văn vì những câu chuyện của bác viết là những câu chuyện thật, cảm xúc thật và viết về chính mình. Thỉnh thỏang đọc chuỵện của bác thấy hay mà không dám thò mặt ra còm men, lần này không kiềm chế được nên mạo muội lộ diện. Mong bác phát huy.

    Trả lờiXóa
  4. Ô Nhà Văn thì ít thực tế chiến trường; Ngừoi Lính trận thì ít kinh nghiệm Viết. Ô KVk7 là 2 ô đó cộng lại.

    Người đã đối diện với cái chết thì tâm tư họ rất đặc biệt - về vđề này thì đúng là tui chẳng có gì để viết về mình.

    Trả lờiXóa
  5. Chắc chắn đi rừng phải có dao, lại lính hành quân băng rừng nữa. Mà nói ngay ra chỉ đi du lịch thôi, quên không mang theo con dao nhỏ có nhiều việc muốn làm mà không được. Đúng vậy không KV nhỉ?
    Câu chuyện rất đơn giản, chỉ là một bài học vỡ lòng của người lính nhưng KV viết rất hay, thực và tình cảm. Btrưởng, Bphó (Cấp trên) thời ấy mệnh lệnh là mệnh lệnh, nhưng thương yêu và chân thành khác xa với cấp trên cấp dưới thời nay. KV viết càng ngày càng chuyên nghiệp.

    Trả lờiXóa
  6. Thực ra nó không phải là "dao găm". "Dao găm" chuyên để đâm và để cắt gọt.
    Đây là "dao đi B", nó dùng:
    để đâm (nhưng đâm không ngọt bằng "dao găm" vì mũi cong cong chứ không nhọn hoắt (*),
    để cắt gọt nhưng không tiện lắm vì lưỡi (1/2 trên) không đủ "mỏng", đ
    ể chặt cây cành (ở một chừng mực),
    và vì mũi nó (*) nên có thể đào hầm (ở một chừng mực).
    Để tôi gởi blog hình "dao đi B" cho anh em coi chơi.
    Tóm lại nó có chức năng dao găm nhưng không hẳn là dao găm, nó có chức năng dao đi rừng nhưng không phải là dao đi rừng.
    HCQuang

    Trả lờiXóa
  7. Chữ bị cắt đôi là chữ "để", xin lỗi.
    HCQuang

    Trả lờiXóa
  8. KV đã từng là anh nuôi, thảo nào bây giờ anh em tụ bạ ở đâu là có KV đứng bếp ở đó, đố "thằng" nào "đứa" nào chen được vào vị trí đó mà can thiệp "chuyên môn".

    Trả lờiXóa
  9. Bác Quang mô tả con dao và công dụng của nó chính xác lắm.

    Trả lờiXóa
  10. Tôi chưa hiểu hết khúc:.. "quan tài xếp chồng quanh nhà". Ở trên lại là:..."chủ nhà chắc đang say giấc"...Vậy là nhà dân sao? quan tài để dành cho ở nhà hay...Bạn mình giải thích thêm tý nữa đi.

    Trả lờiXóa
  11. @ĐN: nhà chuyên đóng quan tài, lúc ấy không biết có người ở đấy hay không.Có thể sáng ra người ta mới đến làm việc, tối họ về nhà vì nhà ở đơn độc ở bìa rừng.

    Trả lờiXóa
  12. Đã có hình chụp con dao đi B rồi. Khắc Việt có cần không, và nếu cần thì tôi làm sao "thả" vô bài viết được?
    HCQuang

    Trả lờiXóa
  13. Ông đề ở dưới: Mùa mưa 1972 người ta sẽ hiểu ông viết năm 1972.

    Trả lờiXóa
  14. Kg: bác HCQuang!
    bác có hứng với UT, cho UT email của bác, để UT gửi bác quyền đăng bài.

    Trả lờiXóa
  15. @Bác Quang: Bác gửi cho em theo mail : lamquegiang@yahoo.com và gửi cho utroi vì Vinh đưa ảnh vào bài được. Cảm ơn anh.
    @ĐN:Hồi ấy có ai nghĩ gì mà viết. Nhìn ảnh Đạt Bột ,Khánh và Nam "béo "mới thấy lúc đó chúng mình còn quá trẻ( chuyện mình viết để minh họa thêm cho tấm ảnh đó).Hôm nay ngồi đám cưới con Lê Vân đông và vui lắm, đắc Hòa chụp khá nhiều ảnh nhưng viết bài thì đang đùn đẩy nhau.Toàn thằng lười cả.

    Trả lờiXóa
  16. quanghachi@yahoo.com
    Thank.
    HCQuang

    Trả lờiXóa
  17. @Kg: bác HCQ
    UT đã gửi quyền đến bác. Mời bác làm thủ tục đăng bài.

    Trả lờiXóa
  18. Đã gửi hình cho lamquegiang@yahoo.com rồi đấy.
    HCQuang

    Trả lờiXóa
  19. Cảm ơn Bác HCQuang đã gửi cho em hình mấy con dao "một thời". Dao của Mỹ còn một loại nữa dài chừng 60cm , bọn em gọi là dao "thám báo". Loại này đúng là dao đi rừng.

    Trả lờiXóa