Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Hai, 1 tháng 12, 2008

CÔN ĐẢO MÙA GIÓ CHƯỚNG

Chuyệnvề Côn đảo, anh Hữu Thành và Vũ Anh đã nói rồi. Nhưng ở bài này tôi muốn nói về một mặt khác của Côn đảo mà chuyến đi chơi thăm Côn đảo vừa rồi chúng tôi được chứng kiến.

Chúng tôi có mặt tại Côn đảo thật nhanh chóng. Ngoài việc tham quan còn tìm lại nơi ba tôi và bác sáu Hoàng (ba anh Xuân Miên k4, Xuân Nam k8) bị tù. Quyết định mua vé, vác ba lô ra sân bay đi ngay, chỉ hôm trước hôm sau. Chẳng hỏi thăm xem khi ra Côn đảo sẽ ăn, ở đâu? Đi như thế nào? Gía cả, dịch vụ ra sao? Chỉ xác định là ở đó không có gì. Tất cả đều là số không !
Ảnh 1:Côn đảo nhìn từ đỉnh Rada(570m)

Đến sân bay Cỏ ống sau hơn 50 phút bay, trời u ám đầy mây, đường băng còn ướt sũng nước mưa. Sau khi liên hệ với quầy hướng dẫn,chúng tôi leo lên xe của cty ATC có một cái Resort ngay bãi biển ở thị trấn Côn đảo gần mấy cái di tích mà chúng tôi muốn tới thăm. Mùa này đang là gió mùa Tây – Nam (còn gọi là mùa gió chướng), Côn đảo vắng khách nên giá cả có giảm, nhưng so ra vẫn còn đắt hơn thành phố HCM. Các khách sạn giảm giá chỉ còn 450.000 vnđ/phòng đôi. Không giảm thì phải 700.000 vnd trở lên? Tưởng chúng tôi ở Resort thì mới thế, nhưng ở đâu cũng vậy! Sau khi nhận phòng, bụng đã đói. Hỏi thăm nhân viên ở đây có 2 quán ăn ngon, hải sản thì Tri kỷ, thịt rừng thì Sơn phước lộc (còn gọi là Dê lang thang). Hỏi thuê xe tự lái thì không có! Ở đây chỉ có dịch vụ chở khách đi theo điểm tham quan. Hỏi kĩ thì mới biết, có 4 điểm tham quan: Nhà tù (gọi là điểm cách mạng), vòng quanh thị trấn,thăm các Đền thờ, mấy điểm du lịch. Sau này mới biết bán kính chưa đến 1 km. Mỗi điểm xin các bác 400.000 vnd, tổng cộng 4 x400.000=1.600.000 vnđ. Còn chở đi ăn thì 200.000 vnd mỗi lần đi. Chúng tôi đồng ý đi ăn. Nhưng chờ mãi không thấy xe, vào hỏi lễ tân được biết lúc đó là 11h30 trưa, lái xe bận đi ăn, nên không có người lái?
2:Sáng sớm ở đảo.
Bực mình vì không biết quán ở đâu? Đi như thế nào, nên Cự Hà (em anh Dương Thanh k3) lén liên hệ với nhân viên khác của Resort. Té ra họ cũng có dịch vụ cho thuê xe máy (tất nhiên là làm lén), với 150.000 vnd/ngày, xăng họ đổ. Mừng húm vì đã có phương tiện tự túc rẻ gấp nhiều lần, được tự do đi theo ý thích, nhưng cái chính là không muốn đưa cổ mình cho người ta cứa, còn bị chửi là ngu. Nhưng vẫn còn nỗi lo gặp mưa, gió.Liền liên lạc về đất liền tìm mối quan hệ quen biết ngoài đảo. Không đầy 15 phút có người gọi điện thoại nói chốc nữa sẽ có người ngoài đảo gọi tới. Người gọi cho chúng tôi là cậu lái xe cho UBND huyện Côn đảo tên Sơn. Té ra người giúp đỡ chúng tôi là một quan chức của tỉnh Bà rịa-Vũng tàu. Sơn hỏi chúng tôi đang ở đâu? Và nói:" Các anh gọi em bất cứ giờ nào? Em sẽ đưa các anh đi". Trong cái rủi, có cái may! Mấy ngày chúng tôi ở đảo, Sơn rất nhiệt tình đưa đi khắp đảo kể cả những chỗ du khách không bao giờ được tới.
Vớ được 2 cái xe máy, đội nón bảo hiểm vào, chúng tôi phóng đi kiếm chỗ ăn. Chỉ đi khoảng 300m thì thấy quán Sơn phước Lộc (tức Dê lang thang). Bụng thầm nghĩ: "Gần thế này đi bộ cũng được, sao nó lấy của mình những 200.000 vnd? Suýt nữa đóng tiền ngu". Bước vô quán,chúng tôi gọi đồ ăn. Ngoài dê và Mực ra quán chẳng còn gì. Thế mà thực đơn nó ghi đủ các món?
3:Đường phố ở đảo thật sạch.
Thấy giá cả cũng được, món nào cũng đề giá 60.000 vnd. Chúng tôi gọi mấy món dê và mực nướng, một cái lẩu kèm mì ăn liền. Khi ăn xong,kêu tính tiền phát hiện có mấy món nướng tính giá 110.000vnd/món. Thắc mắc thì được trả lời: "Mấy đĩa đó những 3 lạng thịt". Ăn rồi làm sao biết đấy là 3 lạng thịt? Sao nó không hỏi mình trước mà để mình ăn rồi, khi tính tiền mới nói? Há miệng, mắc quoai. Đành chịu. Tự nhủ sau không ghé đó nữa! Dời quán, chúng tôi tranh thủ tham quan di tích nhà tù. Chỉ đi khoảng 1 tiếng đồng hồ là hết các trại tù, nơi cha chúng tôi đã từng bị thực dân Pháp nhốt sau cuộc khởi nghĩa Nam kỳ 1940. Với bán kính chưa đến 1 km mà chúng "dự kiến" chém chúng tôi 400.000 vnd thì quá "dã man"!Chiều đến chúng tôi hẹn Sơn mang xe đón và đặt Sơn kiếm 1 chỗ có cảnh đẹp, không đặt vấn đề ăn ngon. Sau khi suy nghĩ Sơn đưa chúng tôi đến khách sạn Công đoàn cách chỗ chúng tôi ở chỉ hơn 1km, nhưng phải công nhận khách sạn có 1 chỗ nhìn đẹp ra biển. Biển lúc này sáng trưng bởi các ngọn đèn của hàng trăm con tàu đánh cá tránh biển động đang bỏ neo. Đường ở Côn đảo rộng rãi,sạch sẽ, yên tĩnh rất thích hợp cho nghỉ dưỡng. Không hiểu sao thực dân Pháp lại trọn chỗ này làm nơi đày ải những người chống đối chúng? Lào, bạn tôi nhận xét là ở đây sướng gấp mấy lần tù Hỏa lò(Hà nội)? Vì cậu đã từng chứng kiến!
4:Côn đảo nhìn từ trên máy bay.
Nhưng mục đích chính của những người du lịch ra đây tham quan là mấy khu nhà tù thì để cho rêu phong, mục nát? Không khéo chỉ vài năm nữa nhà nước phải bỏ ra cả trăm tỷ chỉ để phục dựng lại giống như Phú quốc. Chỉ quan tâm vẻ đẹp bên ngoài đó là nhận xét của tôi. Cả một dãy phố ven biển với kiến trúc kiểu Pháp tự nhiên nổi lên 2 khu nhà kiểu mới, một cái là khách sạn của Sài gòn touris, một cái là khu biệt thự ATC tôi đang ở. Ra thăm Côn đảo hiếm khi du khách ở lại lâu ngày. Vì không có gì chơi? Chúng tôi may mắn được Sơn lái xe cho lên đỉnh có đài rada cao nhất đảo (570m so với mặt biển), mà chúng tôi cho là thú vị nhất trong chuyến đi. Từ đây có thể quan sát toàn đảo. Thú vị thứ hai là ra Mũi Cá Mập lúc gió thổi rất mạnh, mỗi năm chỉ có 1 mùa gió chướng. Gió thổi rất mạnh, tôi định mò ra khỏi oto chụp hình, đi được mấy bước thấy gió mạnh quá quay lại, phải mất mấy phút, có người ra kéo mới vô được. Có hai người khách du lịch đi xe máy không tin lời can của tôi cố đi, ra chưa đến mũi quay lại phải có người giúp mãi mới thoát.
5:Gió thổi ở mũi Cá mập.
Nói chung dịch vụ ngoài Côn đảo còn kém, chưa khai thác hết tiềm năng du lịch thu hút được mọi người như Phú quốc. Còn mang tính cách ăn xổi, ở thì.Khi ra sân bay lại phát hiện ra một cái kém của đảo. Đó là chuyến bay nào cũng biết trước số người cố định trên máy bay. Nhưng ghế cho hành khách ngồi chờ lên máy bay chỉ có 12 cái? Số còn lại đứng, ngồi ngổn ngang trên sàn. Tóm lại có muốn tham quan Côn đảo nên tìm hiểu kỹ về giá cả dịch vụ. Nếu cho chắc, nên ở khách sạn công đoàn! Có bao gồm buffes ăn sáng. Hoặc ở khách sạn của Sài gòn touris.

9 nhận xét:

  1. Tôi ở ks của Sg touris, thấy giá cả chấp nhận đc so với thằng nghèo như tôi, cả ăn uống tại nhà hàng của ks.Còn muốn ăn ngon hơn thì ra Tri kỉ quán,cách đó khoảng hơn 300m ,mất hơn chục phút đi bộ.

    Trả lờiXóa
  2. Chào Đạt, AK7!
    Tôi cũng mới ra đảo lần đầu tiên vào tháng 10 vừa qua, kết hợp công tác. Có việc cũng đã lên núi Thánh Giá như Đạt kể. Trên đó bây giờ có Rađa HQ và mấy trạm viễn thông của VNPT, Viettel. Ở KS Công đòan, tắm biển sạch. Tranh thủ cũng đi tham quan 1 vòng các nhà tù, đền bà Phi Yến.
    Trên đảo khỏang 6000 người, đa phần là công chức, bộ đội. Nói tóm lại, như Đat kể, phải rất hy vọng thì Côn Đảo mới phát triển được, để dịch vụ du lịch được tốt hơn.

    Trả lờiXóa
  3. Dịch vụ Côn Đảo vậy thì cũng mất vui. Đạt, Cự không nhớ có Phan Hòa Bình là chúa đảo sao?

    Trả lờiXóa
  4. Biết Bình chứ!Nhưng nó vô đất(như cách gọi của dân đảo gọi đất liền)họp.Chính Bình điều lái xe cho bọn mình.Lúc đầu không muốn nhờ vả Bình ngay.
    @Bùi Thắng:Cậu nói chính xác,dân đảo kể cả bộ đội khoảng 6000.Hôm biển động số tàu vào neo trú đã hơn dân đảo gấp 2-3 lần.Kéo theo nhiều tệ nạn,say xỉn đánh nhau.Làm giá lương thực lên.Bộ đội phải xuất kho dự trữ để cứu trợ.

    Trả lờiXóa
  5. Phan Hoà Bình có phải Trỗi? Nếu phải thì nên bổ sung thông tin vào danh sách "quý hiếm".
    Côn Đảo có cả tiềm năng du lịch lẫn du khảo lịch sử và bảo tồn thiên nhiên. Đi vào mùa du lịch (vài tháng trong năm) mới cần dịch vụ hoàn hảo, chứ đi du khảo thì có cần dịch vụ gì nhiều đâu.
    Năm 2006 tôi đi vào cuối năm dương, hầu như không có khách du lịch, các loại dịch vụ "ngủ đông". Chọn nghỉ ở nhà khách huyện đội, ăn cơm bình dân 10 nghìn một bữa, suốt ngày đi các nơi mà không hết. Người ta cứ tưởng nhà báo tác nghiệp, dù mình không khai ra.
    Cũng muốn tìm xem hồ sơ tù nhưng người ta nói tài liệu đã được đưa hết về đất liền. Mà có còn đây cũng chả có ai cho mình xem.

    Trả lờiXóa
  6. Tôi mới ra Cô đảo hồi hè (trùng thời gian AK7 ra, nhưng ko gặp nhau), khi về có viết bài đăng trên blog, Đạt ko đọc kỹ đấy. Thuê gắn máy đúng giá chỉ có 120.000 đ bao gồm xăng. Tôi ở 1 cái KS mini đối diện với bưu điện Côn đảo giá chỉ 120.000 đ/phòng đôi (tính cả 2 người), ăn trưa, tối (KS nấu theo kiểu gia đình) 50.000 đ/người/bữa. Nếu chỉ thăm các nhà tù thời Pháp thì đúng là gần như Đạt nói. Nhưng đến các chuồng cọp thời Mỹ thì cũng hơi xa đấy, tất nhiên là đi bộ được (khoảng 3 - 4 km). Nếu "khai báo" với khu bảo tàng (hiện đóng tại nhà Chúa đảo cũ) là thân nhân của các cựu tù Côn đảo thì sẽ nhận được sự hỗ trợ đặc biệt và họ sẵn sàng trao đổi thông tin (nhớ là phải trao đổi). Còn về ăn uống, nhất là khoản nhậu thì nên chuẩn bị mang từ đất ra, vì ngoài đó cũng vậy, chỉ có đá xây nhà tù là có sẵn!

    HMK6

    Trả lờiXóa
  7. Bình bây giờ hắn làm gì ngoải mà không ai biết.

    Trả lờiXóa
  8. Phan Hoà Bình không phải Trỗi nhưng chơi với nhiều anh em Trỗi. Có ông anh là lịêt sĩ. Chú truớc là PGĐ Cty XNK Côn Đảo, nay là Chủ tịch (hay Phó) UBND huyện đảo.

    Trả lờiXóa
  9. PH.H.Bình nay là chúa đảo rồi.To phết!ACE ra ngoài đó nếu có sự quen biết(PH.H.B)thì sẽ nhận đc sự giúp đỡ đặc biệt của bạn...!

    Trả lờiXóa