Trở về sau chuyến đi, nhìn đống công việc ùn lại biết là mình
cũng đã có một chuyến đi dài. Vậy mà sao vẫn thấy như chưa đủ, vẫn thấy còn mắc nợ với lòng mình, với bè bạn, với quê hương ….
Thấy mắc nợ bạn vì một chiều thứ sáu trên đường từ sân bay về Hà nội cầu Thăng long bị tắc hàng giờ. Nhìn hàng đèn xe dài tít tắp bất động cũng không thấy sốt ruột bằng nghe những lời trao đổi của bạn trẻ ngồi cùng xe lo lắng cho cô người yêu đang chờ trong phố. Chiều muộn rồi mà lại thêm gió mùa đang về, khéo xe về tới bến cũng đến 9-10h tối. « Thôi em đững chờ nữa, về đi kẻo lạnh ». Thoát khỏi cầu lại tắc đường ngay đầu lối rẽ về nhà mình, xe phải quay sang hướng khác. Đành phải xuống dọc đường dù lúc lên xe đã thỏa thuận với tài xế chở về đến tận nơi. Làm khổ bạn mình phải vòng vèo đi đón, nhưng nếu bạn biết rằng vì thế mà thêm vài người tối nay được về sớm hơn chút ít chắc bạn cũng chẳng nỡ trách mình…
TQ Bantroi ưu ái tổ chức cho một chuyến hành hương về Yên tử. Phải ngày cáp treo nghỉ để bảo hành mà mình lại không đủ sức để leo núi. Vậy là coi như vẫn chưa đi Yên tử. Đến đất Phật rồi mà không vào nổi cửa chùa thì âu cũng tại duyên mình chưa bén. Ờ mà đất Phật mênh mông, chẳng lên được ngút ngàn cao thì xuống thăm nơi khác. Chùa Thanh Mai dựng trên sườn núi Phật Tích (nay gọi là núi Tam Bảo) từ thế kỷ thứ 13 là nơi trụ trì của Pháp Loa tôn giả - vị tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm
, nhưng hình như không được nhiều người biết đến như đất Yên tử. Biết đâu cái nơi dung dị, lặng lẽ, khiêm nhường dấu mình vào cỏ cây đồi núi để ít người biết đến mới chính là cái duyên của mình. Biết đâu một cánh hoa rụng lặng thầm giữa trong xanh mới là cái mà mình cần phải cảm ??? Tiện đường về rẽ bến Bình Than. Chẳng có ai còn ở tuổi để làm một Trần Quốc Toản. Mà mình thì thuộc loại không "nhìn xa trông rộng" được vì tuổi này rồi mà vẫn quyết không « viễn thị », máy ảnh của mình lại thuộc « thế hệ vứt đi » chả làm sao mà thu được Lục đầu giang vào tầm ngắm. Thôi thì chụp vội mấy anh lính Trỗi đang thả tầm nhìn vào quá khứ. Chả biết cái gò cao mà Quan gia với Quốc công Tiết chế đứng duyệt quân có phải chính là chỗ đó không…
Bạn rủ qua thăm Bát tràng. Ngẩn ngơ với những màu men, những họa tiết tinh tế của những bình những lọ những tranh. Ngẩn ngơ vì mình chẳng thể nào mang theo đi hết được những gì mình có chỉ với một buổi chiều …
Mấy chục năm sau ngày giải phóng hầu như năm nào cũng về với Huế vì gia đình mình ở đó. Năm nào về cũng có một vài người bạn cùng đi. Lần này cũng vậy, ngoài bạn đã quá quen với Huế còn có bạn lần đầu đến với Huế « mộng mơ ». Phút đầu đến Huế không biết bạn đã bị đậm đà, cay nồng của một tô cơm hến quyển rủ chưa? Bạn giật mình vì tô cơm hến buổi sớm mai lót dạ chỉ có 3000đ mà cô em gái mình còn kêu « anh bị mắc rồi, có chỗ còn ngon hơn nữa mà chỉ có 2 ngàn thôi ». Đồ ăn thức uống đắt rẻ cũng một phần nói lên sự giàu nghèo của một vùng quê. Huế mình chắc là chưa giàu nhưng chắc gì đã dễ quên dù chỉ là một tô cơm hến. Làm « hướng dẫn viên du lich tình nguyện » hàng năm, nên vẫn những lăng tẩm ấy, những vườn cây ấy, những con đường ấy. Vậy mà chẳng lần nào giống lần nào. Đã nhiều lần nghe thông reo trên đàn thiêng Nam giao, nhưng cùng nhau nhìn ra « bốn phương tám hướng » với bạn bè thì cũng mới là một lần này. Phá Tam giang, đất Phong Quảng, những cồn cát trắng đến nhức mắt từ quê mình đến Hải lăng quê bạn, thành cổ Quảng trị, nghĩa trang Đường 9…đã chẳng phải một lần qua nhưng hình như màu mây màu gió hôm nay khác, hình như đang mùa lá ném nên bát cháo bột Diên sanh nổi tiếng lại có một chút vị khác biệt, hình như vì hôm nay trên mảnh đất Thành cổ một mùa hoa xấu hổ đang tím mà làm mình nhớ những câu thơ « Dọc đường chín có lùm hoa xấu hổ/ Chiến sĩ đi qua ai cũng mỉm cười/ Giữa một vùng lửa cháy bom rơi… » hay vì lần này ở nghĩa trang đường 9 gặp bia mộ Bùi Ngọc Dương làm mình nhớ cái bàn học trong trường mình cũ có ghi « chỗ ngồi của dũng sĩ diệt Mỹ, liệt sĩ Bùi Ngọc Dương » …
Hôm nay lại là một cuộc hành hương khác, hành hương về chiến khu Hòa Mỹ. Chiến khu Hòa Mỹ của bạn những năm 70 ác liệt, chiến khu Hòa Mỹ của cha mẹ mình trong cuộc kháng chiến chín năm, chiến khu Hòa Mỹ của « Tuổi thơ dữ dội » với giọng hát ám ảnh của Quỳnh –sơn ca :
Sông Ô lâu đôi bờ trắng tóc lau
Hát lời thề kháng chiến đến bạc đầu…
Ở sâu trong vùng chiến khu Hòa mỹ nổi tiếng bây giờ là một vùng khung cảnh hiền hòa với đập nước trong vắt phảng lặng. Trên bờ những hòn cuội nhẵn thín bên những hòn đá màu sắc là lạ. ĐN lúi húi chọn tìm những hòn đá mà bạn gọi là « lâm thạch » bảo đem về cho vào bể cá. Mươi ngày sau, ở Sài gòn chợt ngộ ra điều gì khi bạn giới thiệu với khách « viên đá đó là ở chiến khu Hòa Mỹ ». Vâng viên đá đó là ở chiến khu Hòa Mỹ, bên con đập hiền hòa mà bạn mình trầm tư kể : « Đập đó tên Hoà Mỹ gắn với tên chiến khu Hoà Mỹ của cả 2 cuộc chiến. Nó ngăn nước con sông (suối) Rào Cáo. Suối này ngày những năm 1973 là hậu cứ của tiểu đoàn tớ K15, nơi đây có đặt trạm phẫu của trung đoàn 4 (Phong Quảng) và một nghĩa trang chôn các liệt sĩ hy sinh trong các trận đánh năm 1973, những thương binh nặng không qua khỏi cũng chôn ở đây. Nghe nói năm 1984 khi xây đập người ta đã di cốt liệt sĩ về Nghĩa trang Hương Điền, còn những gì sót lại nay đều mãi nằm dưới lòng hồ ».
Lại xuôi đường về bên sông Ô lâu. Mùa nước cạn, sông trầm tư như không hề chảy, nước trong soi rõ những bóng cây ven bờ. Thoảng nghe các bạn bàn riêng nhau chuẩn bị cho ngày mai quay lại nơi này để hành hương về tận đầu nguồn. Tủi thân một chút, dù biết có được bạn rủ thì mình cũng chưa thể nào đi nổi. Và trên hết, trong tâm luôn biết những cuộc hành hương thiêng liêng bao giờ cũng kén người. Thôi thì chấp nhận mọi sự như nó vốn có. Biết đâu như thế lại là điều hay, để còn có chút gì đó để mà ước mong, mà nuối tiếc, mà hoài niệm…Để còn có một nơi mà mình sẽ nuôi hy vọng sẽ làm một chuyến ra đi…
Về khu nuớc nóng Thanh Tân. Giữa tháng 12 mà đông nghẹt. Một đoàn chừng vài trăm học sinh trường kiến trúc Hà nội đang đi thăm Huế. Giữa cái ồn ào, náo nhiệt của các cháu sinh viên, mấy người tóc muối tiêu này xem chừng lạc lõng. Bạn đưa về lại chỗ ngày xưa sau mỗi lần đánh trận lính lại về tắm rửa nghỉ ngơi và trong khi chờ cho khô quần áo đôi mắt dõi suốt một dải trống trơn vì chất diệt cỏ để mà nhớ nhà, nhớ thành phố, nhớ Hà nội. Ôi không biết trong bao nhiêu ngàn người về đây thụ hưởng cái sang trọng, cái thời thượng của một resort mô đéc có ai cũng nhớ như bạn mình về một thời khác, xa mà chưa hẳn đã xa, có ai nghĩ một cách bệnh nghề nghiệp như mình là còn bao nhiêu chất độc hóa học dưới cái tán rừng mới đang phủ xanh đất cũ kia…
Thêm một ngày mưa giăng trên lâu đài lăng tẩm cũ. Bóng ai đó cô đơn đội mưa đi về phía của nỗi buồn, bóng ai đó ngồi đếm giọt mưa rơi, còn bạn mình thì đang chiêm nghiệm xem « bầu rượu, nắm nem » của xứ Huế có « giữ người » như nơi khác…
Đi và đến. Ngắm nhìn và ghi nhận. Suy ngẫm và chia xẻ. Sau mỗi chuyến đi, các blogger lại đau đáu với bài viết mới. Cùng chung một chuyến đi: bạn nghĩ gì, mình nghĩ gì ?
Ở cái tuổi đặc biệt này của cuộc đời có biết bao biến cố xảy ra : ai đó ngậm ngùi giã từ đường quan lộ, ai đó vui mừng được nghỉ hưu để làm những gì mình muốn làm, ai đó lên chức ông chức bà, ai đó vừa qua cơn bạo bệnh. Ngậm ngùi thắp một nén nhang nhớ người bạn cũ vừa đi xa vĩnh viễn, vui mừng vì một người bạn đơn chiếc lâu ngày vừa tìm được một nửa để thương yêu. Một lứa tuổi đủ chín để biết mình được mất những gì, một lứa tuổi còn đủ trẻ để có thể làm những chuyến lên đường sống lại hay tìm lại những ước mơ xưa mà năm tháng của nhọc nhằn cơm áo không làm mai một được. Một lứa tuổi cần biết bao những tri âm tri kỷ để xẻ chia kỷ niệm buồn vui…
Cứ miên man nghĩ thế rồi chợt nhận ra rằng ở tuổi này những chuyến đi của mình chẳng còn tính bằng số km đã đi qua hay số thành phố làng mạc đã viếng thăm, mà tính bằng tổng số tình cảm của mình đã trao gửi và nhận lại từ đất, từ người, từ bè bạn, người thân…
Năm mới lại đã gõ cửa rồi, hình như lại một chuyến đi đang chờ phía trước…
Hình 1 : Đường lên cõi Phật bao xa
Hình 2 : Phía ấy là Lục đầu giang
Hình 3 : Một góc nhỏ xíu ở Bát tràng
Hình 4 : Ở đúng giữa giao điểm của trời đất
Hình 5 : « Tay cầm bầu rượu nắm nem »