Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Năm, 10 tháng 12, 2009

Một lần lạc rừng

Mỗi lần đọc mấy vần thơ của Lê Bá Dương:

Đò lên Thạch Hãn ơi...chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sông nước

Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm.

Mình lại tràn dâng nỗi xúc động nhớ về bạn bè những ngày chiến đấu, nhớ đến Y Hòa, đến Tất Thắng. Ngày đó mấy đứa bọn mình đều ở chiến trường Quảng trị nhưng có được gặp nhau đâu, mặt trận rộng mênh mông, chiến trường bao cách trở. Hùng Thắng chèo thuyền ở sông Ba lòng (Hà Hùng Thắng K6, có em trai là Hà Thanh Bình K8), Tất Thắng ở động Ông Gio, mình ở khe Ba lang, còn Y Hòa ở đâu mình cũng không rõ nữa. Lính Trỗi bọn ta có nhiều người đi bộ đội, cũng có khá nhiều người vào chiến trường, mỗi người một hoàn cảnh, một gian khổ khác nhau và cũng có những kỷ niệm sâu sắc của những ngày ở chiến trường. Có lẽ mọi người đều thầm nghĩ rằng, những ai đã qua một thời máu lửa ấy, còn được sống trở về nguyên vẹn đến hôm nay, quả là một hạnh phúc lớn lao, làm sao ta có thể quên được những người bạn của chúng ta đã nằm xuống trên những cánh rừng, con suối , dòng sông chiến trường. Có những người đã tìm được hài cốt, nhưng cũng có những người "có tuổi hai mươi thành sông nước, vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm". Chiến công không nhiều, thành tích không bao nhiêu, nhưng những ai đã từng trải qua chiến đấu ở mặt trận cũng đều có thể tự hào về một thời trai trẻ đã không đắn đo , dám chấp nhận thử thách, dũng cảm lên đường ra mặt trận, bình thản đối mặt với gian khổ, hy sinh. Những trang hồi tưởng của những người đang sống viết lại, không phải là để khoe khoang, tự mãn mà là để chia sẻ cùng bạn bè, là những lời tri ân với những người đã mất. Thời gian ở chiến trường của mình không nhiều nhưng cũng có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Hồi đó, dù vất vả, khó khăn, nhưng những lúc rỗi mình lại tranh thủ ghi nhật ký, làm thơ. Hôm nay mình muốn kể lại kỷ niệm của một lần lạc rừng, mà suýt nữa mình đã trở thành tù binh của địch. Ngày đó, mình là lính trinh sát của tiểu đoàn 17 công binh, sư đoàn 312, thường đi cùng ban chỉ huy tiểu đoàn. Tiểu đoàn trưởng của mình là một người rất trẻ, anh Cao Xuân Chinh chỉ mới 24 tuổi, xông xáo, nhanh nhẹn, theo cho kịp anh cũng rất mệt. Chính trị viên tiểu đoàn là anh Huân, lớn tuổi hơn và sức khỏe cũng yếu hơn. Lần đó đơn vị mình có lệnh di chuyển đến một địa điểm mới. Lúc này CTV đang bị ốm nên phải ở lại đi sau. Mình được phân công ở lại chăm sóc và đi cùng CTV. Một buổi chiều, khi CTV đã khỏe, bọn mình lên đường đi tìm đơn vị. Ký hiệu chỉ đường của bộ phận đi trước thường là khắc dấu vào thân cây rừng hoặc bẻ gãy cành cây về hướng rẽ. Tuy nhiên nhiều đơn vị cùng hành quân trên cùng một tuyến giao liên. nên cũng rất hay nhầm lẫn. Chiều hôm đó, chính mình cũng đã bị nhầm hướng. Khi bị mất dấu vết, mình mải đi tìm kiếm nên khi CTV mệt ngồi lại mà mình không hay. Quay lại tìm thì không thấy CTV đâu nữa, lúc này trời cũng đã sẫm tối, và thế là mình và CTV lại lạc nhau luôn. Nơi đây đã rất gần địch, nên không giám bắn chỉ thiên, gọi thì cũng không thể nghe được. Rừng núi Trường sơn thì bạt ngàn âm u, chỉ quanh quẩn đây thôi, nhưng cũng thật khó mà tìm nhau. Không thể định vị được phương hướng, cũng không xác định được đây đã là khu vực của địch chưa, càng đi càng lạc vào rừng sâu. Lúc này mình đành quyết định ngủ lại ở rừng chờ trời sáng. Loay hoay mò mẫm tìm cách mắc võng, leo lên nằm, súng AK lên đạn sẵn, nhưng vẫn thấy không yên tâm. Mình cố trấn tĩnh, nhưng cái cảm giác sờ sợ vẫn khó xua đi được. Vừa lo sợ rắn rết, thú rừng, vừa sợ biệt kích thám báo địch, vì ở khu vực này bọn mình đã được báo là rất gần địch. Nằm một lát không yên, mình lại cuốn võng đi xuống khe suối, đi vậy thôi chứ cũng chằng biết sẽ ra sao. Mình cứ lội dọc con suối cạn cũng chính là con đường 15N. Vừa đi tay vừa đặt vào cò súng. Đi một lát mình bắt gặp một căn hầm chữ A ven suối, định vào đó nghỉ qua đêm, thì nghe thấy có tiếng người, mình vừa mừng vừa sợ. Biết đâu đó lại là bọn biệt kích thám báo, vì khu vực này bọn chúng thường nống ra thăm dò. Nếu là bọn chúng thì chắc chắn mình sẽ rơi vào tay giặc. Mình đã thoáng nghĩ đến cảnh rơi vào tay giặc, không biết mình sẽ ra sao nữa? Bọn mình đã từng đọc các truyền đơn của địch về những lời đầu thú của các chiến sĩ Việt cộng là con em cán bộ cao cấp khi rơi vào tay giặc. Mình định quay đi, nhưng đúng lúc đó thì có người trong hầm ra và gọi: Ai đó? Nghe thấy giọng miền Bắc, mình thoáng mừng và bình tĩnh trả lời : Tôi bị lạc đơn vị, rồi đến gần, nói với nhau vài câu và nhận ra đều là bộ đội cả. Đêm đó bọn mình thay nhau vừa ngủ vừa canh chừng, nhưng rồi cũng không ai ngủ được vì vẫn cảnh giác nhau, biết đâu đấy! Nhưng rồi đêm cũng qua đi, bọn mình lại lên đường đi tìm đơn vị của mình. Đến gần trưa thì bất ngờ gặp được một đơn vị đang hành quân, mình nhập vào đi cùng. Rất may là đơn vị đó cũng đi về khe Ba lang nơi sư đoàn bộ đóng quân, và sau mấy ngày thì mình tìm được đơn vị. Mừng quá đỗi. Chính trị viên cũng đã về được đơn vị. Gặp lại nhau mới biết là CTV cũng đã trải qua một đêm trong rừng căng thẳng không kém mình, và sau đó cũng nhập vào một đơn vị bạn để tìm về đơn vị. Giờ đây nghĩ lại đêm lạc rừng hôm đó mà vẫn thấy bàng hoàng. Các bạn nghĩ xem, ngày đó Vygo của các bạn mà rơi vào tay địch thì giờ đây sẽ ra sao nhỉ? Một kỷ niệm thật đáng nhớ phải không các bạn!

10 nhận xét:

  1. Bóc tem cái nào. Mình chả có được kỷ niệm như VG nên rất trân trọng. Chúc cả nhà cuối tuần vui.

    Trả lờiXóa
  2. Vỹ mà rơi vào tay định?Lúc ấy chúng cho Vỹ lên trực thăng,bay khắp chiến trường loa oang oang:"Gửi các cán binh Việt cộng,sau đây là lời kêu gọi của cán binh Vỹ gỗ có cha là Cộng sản gộc...".KVK7 lúc ấy sẽ dùng 12ly7 lia một băng vào thằng bạn mình đang bay trên trời.

    Trả lờiXóa
  3. Cảm ơn Vỹ "gỗ" đã cho mọi người một kỹ niệm thật sống của người lính.
    Mong bạn mình cứ tiếp nhé.
    VHN

    Trả lờiXóa
  4. "ngày đó Vygo của các bạn mà rơi vào tay địch thì giờ đây sẽ " là một trong nguồn kiều hối gửi về Việt nam và được dự Hội nghị Việt kiều ở Khách sạn 5sao!!!

    Trả lờiXóa
  5. Với tôi, những bạn đã trải qua chiến đấu luôn có những giá trị tinh thần không thể có ở người bình thường. Bởi vậy ngay trong trang Quân sử VN tôi gần như là người cao tuổi nhất, nhiều tuổi quân, nhưng cũng chỉ là người lắng xem những câu chuyện chiến đấu. Mình là "cựu binh không chiến".

    Trả lờiXóa
  6. K8 chỉ có Hà Thái Bình ở Khu 16A LNĐ. Chắc Vỹ nhầm là Hà thanh Bình.

    Trả lờiXóa
  7. Kể chuyện mới đi Vỹ à . Chuyện xưa nghe nhiều quá .
    K6LS

    Trả lờiXóa
  8. Anh k6lsthan men!Nam thang kho khan nhat cua chien tranh da qua di,dieu dang noi nhat la chung ta da thang.Song cha me chung ta anh em ta ban be ta, nhieu nguoi than yeu cua chung ta da nam xuong .Xin loi anh vi voi toi van trao nuoc mat khi nho toi Y hoa nhin thay cac AE di tim mo cho cau ay.Qua khu ay ,ky niem ay voi Ban troi van khong nhieu,toi bay gio khong duoc nhu nhieu ban, cung nhieu viec phai lo"dac biet la suc khoe" nhung Ban troi va nhung ky niem da giup toi khoe lai rat nhieu.Cac ban van con nho den toi day la dong luc giup toi dung day.Em khong co y sua bac k6LS dau nhe .muon cau cua bac de vao de thoi
    Than thuong UtB4k8VTAC

    Trả lờiXóa
  9. Ọc!Ôg Kl6 ơi,tui đang thích xem những điều bạn mình kể mà tui chưa đc biết mà.Ko thích thì lướt qua đi,chỉ đc cái làm mất hứng.

    Trả lờiXóa
  10. @Việt "tặc" K8:
    Cậu có thể xem loạt bài về đi tìm mộ Y HÒAcủa mấy anh em K7, K8.

    Trả lờiXóa