Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Năm, 24 tháng 12, 2009

Tuyết đầu mùa

Cách đây ít lâu, bạn tôi viết thư : « Bên đó đã lạnh chưa ? Khi nào có tuyết thì nhớ gửi vài dòng tả cảnh tuyết rơi nghe. Từ hồi về nước tới giờ, đã hơn ba chục năm, không còn được ngắm cảnh tuyết rơi. Nhớ quá ! ». Tôi trả lời bạn : « Chờ khi tuyết rơi mới viết thư thì chắc còn lâu lắm mới có thư. Cái xứ Bỉ này ít tuyết lắm. Mà có thì cũng có muộn lắm, phải tới sau Noel kia ». Từ khi tôi qua đây, năm nào cũng vậy, mỗi năm giỏi lắm được thấy tuyết vài ba ngày, và phần lớn là phải sau năm mới.

Vậy mà năm nay, không biết vì hậu quả của việc biến đổi khí hậu, hay vì Trời chiều lòng bạn tôi mà mới giữa tháng 11 đã mịt mù tuyết. Sáng thứ bảy, chừng 9-10h sáng, trời đất bỗng sầm xuống rồi từng bông từng bông tuyết quay quay trong gió, đổ xuống một Brussel còn uể oải ngủ rốn vào ngày cuối tuần. Tuyết mới, tuyết đầu mùa nên còn ướt lắm. Với lại mặt đất còn chưa đủ lạnh nên bông tuyết chạm xuống đường là tan ngay. Tuy nhiên, vì trời đầy mây xám xịt, gió khá mạnh, tuyết bay loạn xạ và lẫn cả mưa nên quang cảnh trở nên buồn và lạnh. Cây phong góc ký túc xá, vốn rực rỡ nhất khuôn viên của trường vào những ngaỳ thu, giờ lá rụng gần hết, chỉ còn trơ trọi những cái cành khẳng khiu. Vài cái lá còn sót lại trên cây, run rẩy trong gió và tuyết gợi nhớ câu chuyện « Chiếc lá cuối cùng » của O’Henry.

Đã có kế hoạch phải vào trung tâm từ trước nên tôi vẫn khoác măng tô, dũng cảm bước ra đường. Giá mà như ngày xưa, thời còn sinh viên thì có lẽ chẳng phải « hô khẩu hiệu » để lấy tinh thần như thế. Cứ thấy tuyết bay ngày đầu tiên thế này thì dù nhiệt độ ngoài trời có là âm bao nhiêu đi nữa chúng tôi cũng phải chạy ào ra sân, xúc tuyết đắp thằng người Tuyết rồi bốc tuyết ném nhau, nếu có trượt chân ngã nhào ra tuyết thì cũng chỉ thấy những tiếng cười dòn dã trêu chọc nhau mà thôi. Bây giờ thì không còn ham muốn ‘hòa cùng với tuyết » ấy nữa, không hiểu vì ngại sức khỏe chẳng cho phép, ra tuyết lạnh rồi về lại viêm họng hoặc trượt chân ngã rồi gãy xương mãi chẳng lành hay tại bè bạn xưa đã xa tít tắp...

Ngồi trên tàu điện ngầm lo lắng đến khi lên phố đường trơn, gió mạnh nhưng khi vừa chui lên khỏi mặt đất thì bao nhiêu lo âu tan biến. Mùi hạt dẻ nướng thơm lừng ấm áp. Ở góc đường sát bến tàu điện ngầm, mùa đông lạnh bao giờ cũng có một kios nhỏ bán hạt dẻ và bao giờ cũng chỉ có vào những ngày đông lạnh. Bà già phúc hậu, đeo tạp dề trắng đứng sau quầy đều tay đảo những hạt dẻ rừng trên một cái lò đốt bằng than củi, hạt nào hạt nấy to, nâu sậm đều tăm tắp. Trước khi bỏ lên rang, hạt dẻ được khía sẵn một đường, nên khi rang chín hạt hơi nứt ra một chút, để lộ màu nhân trắng ngà mời gọi và có lẽ nhờ vậy mà mùi thơm của hạt dẻ rang cũng tỏa ra nhiều hơn, xa hơn, thơm hơn. Dù là giá cả của đặc sản mùa đông châu Âu này chẳng lấy gì làm rẻ, nhưng lần nào vào phố vào ngày mưa hay tuyết lạnh tôi đều không thể bỏ qua không mua một túi nhỏ để nhấm nháp. Hít hà mùi thơm của hạt, giữ hạt dẻ lâu hơn một chút trong lòng bàn tay cho hơi nóng của hạt sưởi ấm mình một chút rồi cạy bỏ lớp vỏ cháy để lấy cái hạt béo bùi ngọt cho vào miệng, dù biết là sau vài ba hạt, tay mình và có khi cả mặt mình sẽ nhem nhuốc vì nhọ. Và lần nào cũng như lần nào, mùi thơm và vị ngọt của hạt dẻ rang trên đường phố châu Âu cũng đưa tôi về với những ngày mưa phùn gió bấc Hà nội và mùi thơm ngô nướng góc phố nhà tôi.

Tuyết vẫn còn rơi. Phố xá, xe cộ bắt đầu trắng. Mai chắc đi lại sẽ khó khăn hơn đây. Nhưng hôm nay thì tôi vẫn muốn xòe tay hứng một bông tuyết đầu mùa, với những họa tiết đẹp đẽ của nó để nhớ những mùa tuyết đã qua thời còn rất trẻ. Không thể gởi cái lạnh của mùa đông phương bắc, không thể gửi một bông tuyết đang rơi, cũng như mùi thơm hạt dẻ rừng rang cháy cho bạn, đành gửi một dòng thư ngày có tuyết đầu mùa...

P/S : Bài này tôi viết về mùa tuyết năm ngoái lận. Còn năm nay ngày tôi từ Việt nam quay lại Bỉ, tuyết ngập mênh mông, giao thông tắc nghẽn, sân bay hỗn độn vì những chuyến bay bị đổi giờ và những đống hành lý sai địa chỉ. Nếu hôm nay ai bảo tôi viết về cảm nhận của tôi về tuyết thì chưa biết sẽ viết thế nào đây…

18 nhận xét:

  1. Bạn viết về cái lạnh ở châu Âu.Làm tôi càng nhớ mùa đông ngoài Bắc đến tê tái lòng!Nhớ những đêm đông lạnh.Nghe tiếng rao của bà bán hạt dẻ,ngô rang.Mua một túi quần hoặc túi áo bông đầy ngô rang,hạt dẻ nóng hổi. Hơi nóng của nó làm người ấm hẳn lên.

    Trả lờiXóa
  2. EGK9 ui, tỉ tìm được hành lý chưa? Bài viết của tỉ làm MF nhớ ngày mới làm Quế ở Quế Trung, tuyết rơi từng bông đẹp ngỡ ngàng, mùa đông nào bọn Quế cũng ngóng chờ những bông tuyết đó nhưng không phải năm nào cũng có, có một năm đột nhiên không phải những bông tuyết mà những hạt đá trắng nhỏ, rơi ào ạt làm trắng cả đất trời, làm nên một mùa đông nhớ nhất...MF mê món hạt dẻ lém nên nghe tỉ tả...thèm wá!
    Quế MF

    Trả lờiXóa
  3. Chào mừng bài ra mắt của bạn, mấy bài trước không tính vì nhờ đăng.

    Trả lờiXóa
  4. Theo tin TTXVH, chiếc vali của EGK9 đã trở về với chủ nhân.

    Trả lờiXóa
  5. Đã xuất hiện thêm một ông Lốc Cốc Tử UTTROI mới!
    Năm mới năm me, ai cần xem tình, tài, gia đạo... cứ mail dìa blog Uttroi sẽ có quẻ chùa miễn phí!!

    4 SG

    Trả lờiXóa
  6. Đúng là tuyết đầu mùa bao giờ cũng mang lại nỗi buồn man mát mà bất cứ ai cũng mong đợi.
    Hồi còn đi học, dù đang trong lớp mà thấy tuyết bắt đầu rơi, đứa nào cũng nghểnh cổ nhìn mà xúyt xoa. Nhiều cô, thầy giáo cũng ko "nhịn" được mà thông báo "tuyết rơi" cho mấy đứa quá chăm học ko chịu nhìn(?)
    Cám ơn EGK9 đã viết bài rất đúng nỗi niềm của người trong cảnh tuyết đầu mùa.

    HMK6

    Trả lờiXóa
  7. Cám ơn EGK9 lại cho tui một đống tuyết chứ ko chỉ lất phất như năm ngoái. Ráng chụp vài ảnh to đẹp, post để nguyên size.

    Cái số củ chuối chắc ko bao giờ nhìn thấy tuyết nửa, trừ khi hậu biến đổi như phim Day after Tomorrow, mà tui thì ko muốn chút nào.

    4 SG

    Trả lờiXóa
  8. @4SG: "Cái số củ chuối chắc ko bao giờ nhìn thấy tuyết nửa, trừ khi" gặp "tiếng gọi của một mỹ nhân nhan như ngọc" thì thấy " ngoài kia tuyết rơi đầy " !!!! ok?

    Trả lờiXóa
  9. Hoan hô lời phản biện nhanh nhạy của bạn!

    sao bân ko chui ra khỏi đống rơm như EGK9 đã làm! (Biết đâu lại là một "... nhan như ngọc")

    4 SG

    Trả lờiXóa
  10. Ở QL mùa đông thường mưa đá. Những hạt đá nhỏ như giọt nước rơi không làm ướt áo. Nhìn trên mái ngói chúng nhảy cóc cóc cho biết chúng thực sự cứng. Thường rồi những hạt đá ấy cũng tan chứ không đọng lại được lâu để bọn trẻ có cơ hội chơi chúng.

    Trả lờiXóa
  11. @ HữuThanhf.Nguyễn: Zậy cái năm tuyết ngập cả mét đó các anh Trũi zìa rùi à?

    Trả lờiXóa
  12. @Quế Lâm: Trường Trỗi rút quân về VN vào mùa hè năm 1968.

    Trả lờiXóa
  13. @EGK9: Có thế chứ! Viết hay thế mà cứ phải nhờ người khác đăng hộ! pozdlavliau!!!

    Trả lờiXóa
  14. Có một năm ở QL có tuyết đấy, tôi vẫn nhớ vì đó là lần đầu tiên thấy tuyết,trong lớp học phải để một chảo than to tướng.Tuy vậy không nhiều nên cũng không ấn tượng lắm.

    Trả lờiXóa
  15. @Hòa Bình: Zậy là năm có tuyết lớn (1969) các tỉ ca Trũi zìa rùi!Các Quế lúc í mang giày cộp đi...trượt tuyết!

    Trả lờiXóa
  16. Quế nói mới biết QL cũng có tuyết dày. Đúng như QT nói, cuối 67 đầu 68 có một đợt tuyết rơi nhưng mỏng không đủ để gây cảm xúc.

    Trả lờiXóa
  17. lạ cái là khi tuyết rơi , trời không lạnh lắm . Lũ ÚT QUẾ khi đó bé tí vẫn phải xếp hàng lên nhà ăn , đường trơn tuột , cả bầy té lăn quay khi leo lên dốc , đau ơi là đau nhưng thích lắm vì 1 đứa té là kéo cả bầy quay culơ . Tuyết đóng dày 3 ngày , sau đó bắt đầu tan , đúng là thảm hoạ . Trời lạnh buốt , lũ trẻ con chân tay sưng phồng nứt nẻ , ... khóc i ỉ . Nghĩ lại sao mà thấy thương mình và các bạn thế .
    N.H.QUẾ

    Trả lờiXóa
  18. Năm cuối của trường Trỗi trước khi rời Quế lâm cũng có một ngày tuyết phủ trắng mọi nơi . Anh em kéo nhau ra đùa nghịch bốc tuyết ném nhau , không ngờ ném vào nhau đau quá , ném vào cửa kính còn vỡ tan . Nhìn khắp nơi một màu trắng xóa , tuyết là nhưng tinh thể nhỏ bằng nửa hạt gạo và phủ dầy khoảng 1cm . Còn ở trường Nhất Trung thì tuyết chỉ là những cánh bay nhỏ thôi . Cũng tuyệt khi chạy ra đón những bông tuyết .
    K6LS

    Trả lờiXóa