Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2009

Dòng Ô LÂU (Phần tiếp theo)

Nhớ mùa nước tháng 12 năm 1974, khi tôi dẫn anh em tân binh về trung đoàn, hành quân suốt 3 ngày trong mưa về đến thượng Ôlâu . Cơn lười và máu hay “sáng kiến” khiến tôi nảy ý định kết bè thả trôi sông để về đơn vị ở giáp ranh. Thật may là đã có người bạn gàn vì thấy quá mạo hiểm, chỉ một sơ xuất nhỏ có thể chúng tôi sẽ bị trôi vào vùng địch và không bao giờ có chuyện hôm này mà trở lại.
Gặp con thuyền nhỏ ngược dòng sông, không biết họ ngược lên để làm gì (?). Người dẫn đường giải thích là họ đi săn cá Trình bằng cách đánh điện. Cá Trình đánh được về đem bán cho nhà hàng, khách sạn dưới Huế. Không chỉ có cá Trình, khi về còn có cá tràu và các loại cá suối khác.
Lại nhớ lính ngày đó cũng thường đi kiếm cá. Chúng tôi không có thuyền mà mình trần lội ngược dòng nước, trên vai là cái gùi đựng mấy quả thủ pháo, con dao đeo bên sườn, tay xách khẩu AK lặn lội khắp bãi cạn, hờm nước, vách đá kiếm ăn. Ùng oàng thủ pháo rồi lặn ngụp gom cá nổi vì sức ép, mỗi lần về trên vai một gùi cá nặng, đủ các loại cá suối, thịt thơm xương mền. Lính ta còn biết cách đánh cá khác bằng cách đập rễ cây Chay lên đá, xả nước cho nhựa chảy xuống suối, vài phút sau cá nổi trắng suối nhưng sau mỗi lần đánh ấy thì đừng bao giờ mơ có cá nữa, cách đánh hủy diệt này ít ai dùng vì bị mọi người lên án.
Cuối mỗi chuyến đi đánh cá, chúng tôi thường dừng lại ở những vạt sỏi trên sông (như chỗ anh bạn ĐN đang tắm trong hình) làm cá, sát muối bảo quản rồi tắm chào sông, xong là lên đường trở về chốt ở giáp ranh. Ngày ấy trên bãi đá này có một cặp sừng hươu rất to và đẹp, chúng tôi thường làm giá phơi quần áo sau khi giặt, quả là sành điệu và sài sang hơn cả các đại gia hôm nay.
Ngoài cá sông, rừng thượng Ô Lâu cũng là nguồn cung cấp rau xanh cho lính nhưng cũng phải mất nhiều thời gian công sức mới có được. Suốt cả chặng đường qua hết vạt rừng này đến vạt rừng khác trên đường đi tôi ít thấy mấy thứ rau rừng ăn được. Cũng vì chúng tôi chỉ đi bám theo đường mòn, nơi thường xuyên có người qua lại thì không mấy khi còn thứ rau ăn được. Kinh nghiệm trước kia chúng tôi thường lần dọc theo các khe suối nhỏ, ở đấy mọi thứ đều phong phú hơn, môn thục, rau rớn, tai voi, mua chua chỉ mọc ở những khe suối hay vách đá ẩm ướt. Lạ là hôm trước được ăn salát cải xoong trộn dầu dấm ở nhà hàng, thấy rau mền và thơm khác với cải xoong Bắc. Nghe những người bạn Huế giới thiệu rau này mọc ở các vách núi đá trên rừng chứ không trồng ở ruộng nước như ngoài Bắc vậy mà trước kia mình chẳng gặp. Mới biết rừng rộng và bao la lắm, vài ba tháng nằm rừng làm sao thấy hết được.
Phía trước xa kia, không biết là “ mấy con dao quăng “ là đường 15N, một nhánh phía đông của hệ thống đường Trường Sơn, huyền thoại xưa . Hai thằng tôi tính đi tính lại, đành phải dừng bước trước đại ngàn Trường Sơn vì sự chuẩn bị chưa đầy đủ và chiều còn cuộc hẹn với người bạn Hương Trà nữa.
Chờ ĐN tắm chào rừng xong, chúng tôi rút về “căn cứ “ đúng 2 giờ chiều. Bữa cơm trưa muộn nhưng thật hấp dẫn, cá tràu suối nấu canh măng chua , gà đồi luộc, cải xanh trong vườn xào lòng , chỉ tiếc là vẫn lại ba người. Không biết vì quá muộn hay ý tứ vốn có của người Huế mà vợ con người dẫn đường không cùng ăn được với chúng tôi.
Chia tay gia đình người dẫn đường, cơ sở mới của chúng tôi, hai thằng về Hương Trà gặp Quảng, người đồng đội cũ . Xong những việc cần bàn với Quảng, lại chuyện xưa nhắc lại, chuyện Hà Nội , chuyện Trỗi, Huế nghịch ngợm choảng nhau rồi lại cùng bên nhau giữa chiến trường ác liệt. Ký ức tràn về, bên ly bia trào bọt, ngất ngư chuyện trò quên thời gian, quên trời sáng tối.
Một ngày về rừng thật vui vẻ mỹ mãn, trọn vẹn với ký ức. Không biết anh bạn ĐN nghĩ sao về chuyến “ phượt “ rừng này, còn tôi cho rằng chẳng có tua du lịch nào sánh được với chuyến đi này. Cảm ơn những người bạn Huế đã đồng cảm, sẻ chia tạo điều kiện cho tôi những ngày ở Huế và giúp đưa tôi về với Huế xưa.
Khắc Việt.

18 nhận xét:

  1. Cái trò chờ cho bạn tắm,ôm quần áo của bạn dấu,tôi lại thấy trong hình càng nhớ kỷ niệm xưa!Nhìn ông ĐN biết ngay không phải dân chuyên nghiệp lội rừng.

    Trả lờiXóa
  2. Đại ca ui, dân Thừa Thiên Huế thường gọi cá í là cá CHÌNH! còn rau xà lách xoong đại ca tìm trên vách đá không có là phải, bởi vì hôm í Quế nói chúng thường mọc ở những suối có đá tảng to, nước chảy mạnh ở miền Tây, nên ăn xà lách xoong ở Huế là rau sạch đóo. Còn vụ ăn cơm thì đại ca ở Huế lâu mà chỉ có nhớ rừng thôi là phải, vì người Huế khi bố có khách, phụ nữ và trẻ con phải ăn "mâm dưới" đại ca à.
    Nhưng một điều chắc chắn là khu du lịch Hòa Mỹ này phải chờ đợi những chuyên gia như đại ca thì mới chuyển mình thực sự được!
    Quế MF

    Trả lờiXóa
  3. Ở Hà Giang cũng có tục lệ như dzậy . Khách đến nhà thì đàn bà và trẻ con ( gái ) chờ cho ông chủ và khách ăn xong mới được " vét đĩa " . Không thể thuyết phục họ được vì đó là phong tục . Tôi nhiều lần phải ngán ngẩm vì điều ấy . Ăn không ngon mà áy náy quá chừng . Đúng là hủ lậu .
    K6LS

    Trả lờiXóa
  4. Quế MF:ở đâu cũng gọi là cá chình!Tự nhiên KVK7 học đòi uốn lưỡi nên nó mới ra vậy?Chứ dân Hà nội phải đọc nhẹ mới là dân "Hà lội "gốc.Nước sông trong leo lẻo ,ĐN nhìn là muốn tắm rồi.Suối bom bo có tí nước mà các anh giai còn nhảy xuống tắm,huống chi...

    Trả lờiXóa
  5. Lần này tui binh ngược, K6LS mới nói tục lệ sau lại nói hủ lậu? có thể mình khg được thoải mái lắm nhưng đã là nếp ở T.Thiên hay H.Giang hay ở rất nhiều gia đình, ngay cả bây giờ, ngay giữa thủ đô là vẫn phải tôn trọng. Nếu anh em mình mà sống ở cái vuơng quốc nữ nhi đâu đó thì chắc là ngày 3 bữa cơm ăn ở dưới bếp.

    Trả lờiXóa
  6. KV tính trở lại khe suối kiếm cặp sừng hươu sau 35 năm còn khg mà hổng thấy. Nếu còn vác ra cửa rừng nhậu mệt nghỉ.

    Trả lờiXóa
  7. Phụ nữ và con trẻ ăn mâm dưới có lẽ chỉ với khách lạ thôi và ở nhiều nơi cũng thế. Nhớ năm mới giải phóng Huế, bộ đội đóng trong nhà dân, ai ở nhà có đàn bà phụ nữ thì ăn xong họ dành rưa bát hết. Họ bảo : nhà có phụ nữ mà để đàn ông rửa bát chến là không được, họ rất xấu hổ. Tiếc thật !!Tập quán hay thế mà giờ mai một mất. 

    Trả lờiXóa
  8. Khắc Việt: Tiếc j? "tập quán" thời WTO là đàn ông rửa bát thì đồ gốm sứ mới phát triển được chứ!!!

    Trả lờiXóa
  9. @Khắc Việt: Ở Huế vẫn vậy chớ đâu có mai một mà đại ca tiếc? Chỉ có điều tập quán ấy làm hư đàn ông xứ Huế ghê lắm!

    Trả lờiXóa
  10. Lê Thanh có vẻ chìu chị em quá ta. Hay L.T là ...... Nếu mỗi lần các ông xã vụng về làm bể bát mà A trưởng rút ví chi tiền mua đồ mới thì OK.

    Trả lờiXóa
  11. @Quế MF: Thừa Thiên Huế có tiềm năng du lịch rất lớn. Không chỉ biển rừng liền kề với Cố đô mà còn có rất nhiều đoạn đường Trường Sơn ( cũ ) gắn với những chiến khu nổi tiếng trong chiến tranh. Biết cách đi, lập tua du lịch chuẩn sẽ không bị đơn điệu, nhàm chán.
    Ở Quảng Ngãi sau khi xây xong trạm xá Đặng Thuỳ Trâm đã có tua về chiến trường xưa nhưng chỉ thế thôi thì đơn điệu quá. Hay như một số CTy DL có tua về Trường Sơn mà đi trên đường trải nhựa thì cảm nhận không đầy đủ về quá khứ được. Muốn hiểu Trường Sơn phải ngồi xe đèn gầm có giàn mướp đi trên những đoạn đường cũ, phải thử một lần trên mảng ghép kiểu công binh và phải có những cánh võng trên rừng nghỉ chân khi mệt mỏi...

    Trả lờiXóa
  12. Người dẫn đường chỉ lên đường T.sơn nói trên ấy nói đẹp lắm, đường rộng, có những khúc tránh xe (hồi đó gọi là gì kg biết) để ngồi nghỉ ngơi, nhiều hoa cỏ dại...Nhìn lên thấy một vệt đường gần lắm mà chưa lên được.

    Trả lờiXóa
  13. Ơ, thế ra bác PH vẫn chưa gặp hay nói chuyện với LT sao? Nhà em chưa hội kiến nhưng đã alu nói chuyện với "hắng" rùi, dzui phết và chắc chắn hắng ở HN. Có dịp ra HN sẽ đòi nợ nộm đu đủ thịt bò khô.

    Trả lờiXóa
  14. Thằng cha LT chỉ khoái nhậu nộm bò khô mới lạ hề. ĐN tính đòi nợ mấy dĩa để tui đòi hộ cho

    Trả lờiXóa
  15. @ĐN: Đường 15N nhỏ và dốc, nhiều đoạn chỉ một chiều xe đi. Có thể đó là chỗ dừng xe chờ xe ngược chiều ra rồi mới chạy được, giống như qua cầu hẹp ngày xưa.

    Trả lờiXóa
  16. Muốn cảm nhận đầy đủ thì ... xin mời nhập ngũ . 3 năm nghĩa vụ thì nhớn lên hẳn .
    K6LS

    Trả lờiXóa
  17. K6LS ơi, tuổi này đeo đến đại tá người ta còn cho về hưu, ở đó mà nói chuyện nhập ngũ, he...

    Trả lờiXóa
  18. @ĐN : Có những người nhập ngũ vì nghĩa vụ . Cũng có những người nhập ngũ vì khoái và vì thừa thời gian và tiền bạc . Cũng có người như anh em mình tự dưng bỗng ... dở hơi muốn nhập ngũ để tìm lại cảm giác ngày xưa ....... Thời buổi này chuyện gì cũng có thể xảy ra . Bạn tin không ? Hãy thử xem . Ổn luôn .
    K6LS

    Trả lờiXóa